Search

Lời Nói Đi Đôi Với Hành Động

Bảo Đức đánh máy

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả.

Bảo Thành kính chào đại chúng, quý Phật tử Chùa Xá Lợi ở tiểu bang Maryland, Sư Cô trụ trì Bảo Cơ, Sư Cô Trúc Diệu. Sư Cô trụ trì Chùa Xá Lợi tiểu bang Pennsylvania, Sư Cô Lệ Hậu và quý Phật tử. Sư Cô trụ trì Chùa Xá Lợi tiểu bang Minnesota, Sư Cô Quảng Nguyện và quý Phật tử cùng tất cả các bạn và quý Phật tử đang hiện diện trên trang Facebook!

(15:37) Kính thưa các bạn, hôm nay chúng ta chia sẻ với nhau về thành quả của cuộc sống, một thành quả viên mãn nhất mà mỗi người trong chúng ta cần phải chú ý như lời Đức Phật dạy. Làm sao chúng ta có được sự thành quả viên mãn, nhất là những người con Phật như chúng ta? Chúng ta đã quy y theo Phật, chúng ta nương vào giáo pháp của Ngài để chúng ta học hỏi, thực hành trong cuộc sống, vậy làm thế nào để lời của Đức Phật dạy, ta đã học, ta đã nhớ, ta đã thuộc có kết quả tốt đẹp?

Chủ đề hôm nay chúng ta nói là: “Lời nói đi đôi với hành động”. Thông thường, mỗi người chúng ta có thói quen của cuộc đời, từ thuở sinh ra cho tới bây giờ thường hướng tới bên ngoài và nói chuyện ở bên ngoài hoặc chúng ta thường có sự giải trí về cách nói chuyện với nhau. Chúng ta ít khi nào chú trọng tới rằng lời nói phải đi đôi với hành động mới mang lại kết quả, đặc biệt là người con Phật. Khi chúng ta nói chân lý của Phật thì đời sống của chúng ta cần phải đi đôi song hành với những gì chúng ta đã học của Phật. Chúng ta nghe than thở hoài là chồng nói với vợ là: “Tôi thấy bà đi Chùa hoài, lúc nào cũng tụng Kinh, niệm Phật Di Đà mà về nhà dữ quá, không cái này, không cái kia”, chuyện này có trong dân gian, bởi vì sao? Chúng ta đi Chùa tụng Kinh, niệm Phật, nghe giảng thuyết pháp nhưng khi về nhà chúng ta lại không hành được những lời của Đức Phật dạy trong đời sống của gia đình, huống hồ chi khi lăn xả vào trong xã hội rộng lớn, gặp biết bao nhiêu con người, chúng ta bị cái hấp dẫn, cái lực nói chuyện ở đời hấp dẫn, mua vui làm cho chúng ta khó tự chủ. Do đó, chúng ta lăn xả vào trong cái vòng xoáy của những cơn nói chuyện chỉ để giải trí, không biết chuyện gì, trời đất, phù phiếm nói hết.

Chúng ta là con của Phật, chúng ta là đệ tử Phật, chúng ta là Phật tử, chúng ta phải chú trọng ở chỗ này, ở chỗ chúng ta học Phật ta phải hành được lời của Phật. Ta không thể cứ nhớ Kinh, nhớ kệ, nghe giảng cho nhiều rồi chúng ta gõ mõ tụng Kinh tối, sáng nhưng lại không hành được điều đó cho có lợi ích. Thế nên, ở đời biết bao nhiêu ông chồng than phiền về vợ hoặc đôi khi cũng có người ngoài chỉ mặt ta và nói: “Tôi thấy ông, thấy bà đi Chùa tụng Kinh có vẻ đạo đức lắm, lúc nào cũng đi Chùa, ngang nhà thì thấy mõ, chuông rình rang thế nhưng cuộc sống của ông bà lại không có chút xíu gì hình dáng của lời Đức Thế Tôn dạy”.

Các bạn, chuyện đó có ở đời. Ta có tu đó, ta có tới Chùa đó, ta có tụng Kinh rồi có nghe giảng, bàn luận giáo lý qua, lại với nhau nhưng sự thể hiện trong cuộc sống lại trái ngược với giáo lý mà chúng ta học. Điều này vẫn xảy ra hàng ngày mà những Bậc Giáo Thọ Sư hay các Bậc xuất gia ở trong Chùa cũng thường suy nghĩ và tư duy để làm sao sách tấn hàng Phật tử chúng ta học hỏi và thực hành được với những lời chúng ta học, đó gọi là học và hành. “Học và hành” là hai chữ thông thường ở đời dễ hiểu, ở trong nhà Phật thêm một chữ nữa, chữ “học” thì thêm chữ “Pháp” ở đầu gọi là “Pháp học”, nghĩa là học về lý thuyết, học về chân lý, học để hiểu biết rõ ràng cái điều đó nói về cái gì. Rồi cái chữ “hành” cũng thêm chữ “Pháp” gọi là “Pháp hành”, Pháp hành là gì? Pháp hành là chúng ta thực hành những lời đã học, Pháp học xong để chúng ta tinh tấn bởi có Trí Tuệ hiểu biết rõ những lời Phật hướng dẫn rồi Pháp hành là chúng ta thực hành theo sự hiểu biết của Trí Tuệ khi đã nghe lời dạy dỗ, hướng dẫn giải bày ý nghĩa của Kinh kệ. Pháp học và Pháp hành phải song hành với nhau như lời nói và hành động. Có câu Kinh Pháp Cú nói:   

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Hoa đã tươi đẹp nhưng nó có sắc, có hương thì trở thành tuyệt phẩm thế gian. Người biết nói Kinh của Phật, biết nghe Kinh của Phật, học thuộc Kinh của Phật, hiểu thấu cái ý nghĩa lời Phật dạy, đó gọi là chúng ta có sắc, có sắc tướng, có hình sắc, có màu sắc của nhà Phật rồi. Nhưng chúng ta cần phải có hương, hương của Giới hạnh, hương của Đức hạnh, hương của Trí Tuệ còn nếu như chúng ta chỉ có sắc mà không có hương thì chúng ta chẳng qua cũng chỉ là một vật vô tri có sắc tướng để khoe. Cái sắc của hoa dù không hương nó cũng đẹp đấy bởi trên đời có biết bao nhiêu hoa có sắc mà chẳng có hương, vẫn đẹp, vẫn có người thích nhìn nhưng con người học Phật mà chỉ có sắc tướng múa may ở bên ngoài mà không có hương của Giới hạnh, hương của Định, hương của Trí Huệ thì thật là chướng mắt, ôi không biết phải nói làm sao nữa, gây chướng ngại cho cuộc đời của họ, gây khổ cho muôn người bởi cứ quay quay, cuồng cuồng trong cái xã hội này mang cái sắc tướng của nhà Phật bao trùm lên người khác mà đời sống chẳng có chút thể hiện Giới hạnh, Đức hạnh, cái Tuệ Đức trong con người. Nếu gặp người hung dữ một chút, họ có thể nói với cái ngôn ngữ rằng: “Ta chỉ là người khoe khoang, rỗng tuếch, không có gì”. Mình nghe được chắc buồn lắm!

Các bạn ơi! Cuộc đời của chúng ta khó lắm mới mang thân làm người, cuộc đời của kiếp người trong trần gian thật ngắn ngủi, bao nhiêu năm ai nào có biết được, ai có thể làm chủ được cuộc đời của mình bao nhiêu, sống, chết ta không biết ngày nào nó tới, giây nào, phút nào, khi nào nó tới? Chính vì chúng ta không thể biết được ngày nào, lúc nào, giờ nào, ta sẽ chết, mạng sống sẽ chấm dứt, do đó mà mỗi người chúng ta cần phải có một đời sống Tỉnh Giác trong Chánh Niệm của Giới đức, của Định Tuệ.

Chúng ta vẫn thường nghe cái câu nói: “Chiếc áo không làm nên nhà sư”. Đúng! Những cái sắc tướng qua lời nói mà chúng ta diễn bày Kinh điển, tụng niệm Kinh mà chúng ta thường hay chia sẻ. Ở đây, Bảo Thành tránh cái chữ “khoe”, cái chữ “chia sẻ” ở đây nó cũng ngang ngang ý nghĩa là khoe nhưng mà dùng chữ “chia sẻ” cho nó nhẹ nhàng. Nghĩa là chúng ta hay chia sẻ với người khác về cái công phu tu tập của chúng ta, về cái thời khóa tụng Kinh, giờ giấc đi Chùa, nghe giảng, Pháp hội này Pháp hội kia, rồi Pháp tòa này Pháp tòa kia. Đi tới chỗ gọi là tham gia những khóa tu, Phật thất một ngày, Phật thất một tuần, Phật thất một năm, Phật thất cả đời hoặc chúng ta lại thường hay chia sẻ rằng: “Tui tụng 100 biến Đại Bi mỗi ngày” hoặc “ Tui niệm Phật hằng hà sa số mỗi giây” hoặc chúng ta lại hay chia sẻ về: “Ôi, tôi nghe được của Thầy này giảng, tôi nghe Thầy kia giảng, tôi nghe nhiều Thầy giảng lắm”. Còn có chuyện chúng ta chia sẻ với người này, người kia: “Ơ, Thầy này là Sư Phụ của tôi” rồi chúng ta thấy chúng ta khoe biết bao nhiêu là người Thầy và Sư Phụ của chúng ta mà chẳng ai dám khoe rằng Phật là Sư Phụ của mình, là Thầy của mình, Phật là Đấng Giáo độ của ta. Ta thích khoe những vị Thầy này, Thầy kia là Sư Phụ mà chẳng dám làm nhân chứng với mọi người rằng Phật là Thầy của ta. Bởi khi ta làm nhân chứng Đức Phật là Thầy của ta, ta phải nói được lời của Phật và hành động lời của Phật dạy chứ không thể chỉ nói. Cuộc đời của người con Phật, cuộc đời của đệ tử Phật là phải nghe để thấu lý lời Phật dạy để từ đó chúng ta áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả.

Hoa có sắc và thêm hương là hoa tươi đẹp ai cũng ưa thích, chúng ta là người khéo nói, khéo nói về Pháp, khéo chia sẻ về đời sống tu luyện, nghe giảng ở mọi nơi, khéo chia sẻ về những khóa tu, về những Bậc Thầy tôn kính của chúng ta, về những bài giảng, bài pháp chúng ta nghe được, về những thời khóa Phật thất, về những lúc chúng ta sám hối mà chúng ta có hành động, có thực hiện được trong đời sống mới có kết quả. Còn không, nó chỉ như cái trống thật là rỗng đánh cho vang to mà thôi, không mang lại lợi ích gì mà còn gây trở ngại, chướng cái lỗ tai của người nghe.

Vậy đó, chúng ta đã nghe nhiều lắm rồi những câu than trách và chê bai miệt thị Phật giáo của chúng ta bởi vì họ hay khinh khi ở chỗ chúng ta học mà không hành được nên từ đó, họ đã miệt thị Phật giáo là Phật giáo chỉ biết nói, không biết thực hành. Mà thật sự, trong cuộc đời, Phật giáo dần dần bị người ta cho là tiêu cực bởi chỉ ngồi trong Chùa thiền, ngồi trong Chùa tụng Kinh, không có một hành động cụ thể nào hết.

Nhưng lành thay cho thế giới Phật giáo của Việt Nam ta và trên toàn thế giới, ngày hôm nay, chúng ta không hẳn chỉ học Phật giáo ở trong Chùa, nghe trên băng dĩa mà chúng ta còn đồng hành với Đức Phật bằng những hành động, tạo tác cụ thể bằng Giới đức, Giới hạnh trong cuộc sống của gia đình, của xã hội. Chúng ta biết làm nhiều việc từ thiện để giúp đỡ, chúng ta năng động nâng cao tầm kiến thức ở đời để trở thành người công dân hữu dụng trên thế giới. Chúng ta lại mang cái Đức hạnh soi sáng cuộc đời, sống trong đời sống mẫu mực để muôn người noi gương. Đây là một điểm sáng trong Phật giáo hiện tại của chúng ta.

Thật là tuyệt vời, xứng đáng với câu Kinh Đức Phật dạy:

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả.

Chúng ta đã khéo nói về lời của Đức Phật ta học ta nghe, ta khéo nói bởi vì ta nghe được các Bậc Thầy tôn kính giảng ở trên mạng, trên dĩa hoặc ở trong Chùa, trong những khóa tu. Chúng ta lại khéo nói về những lời đó để chia sẻ với những người chưa được nghe, họ tăng thêm niềm tin vào đó bởi khi họ nhìn vào đời sống Đức hạnh của chúng ta có mẫu mực, có chuẩn mực, đúng như Pháp Thiện của Đức Phật dạy tại đời sống của gia đình. Do đó, khi chúng ta chia sẻ, họ đón nhận bằng cái tâm hoan hỷ, tôn kính và thực hành để có lợi cho cuộc đời, ứng dụng vào đời sống mang lại cho xã hội cái đẹp cao quý nhất.

Nhưng thật đau lòng! Vẫn còn có những con người coi nhẹ sự thực hành giáo pháp của Phật mà lại đặt nặng sắc tướng và hình thức, bởi vậy trong mỗi một gia đình của Phật tử hoặc người theo tôn giáo này, tôn giáo kia, chúng ta không thực hành được lời dạy từ giáo pháp của tôn giáo mình hướng dẫn. Thế nên, thế hệ trẻ ngày nay họ mất hết chỗ đứng trên cái nền tảng đạo đức. Chúng ta thấy đầy rẫy ở trên mạng những hình ảnh của những em học trò từ cấp 2 cho tới trung học, đại học, ngay cả những bạn trẻ trong đời đã ra trường, họ hung hăng quá. Họ đánh nhau, họ đánh hội đồng, ngay cả những phụ nữ cũng vậy.

Ngày xưa, mấy ai có thể thấy các em học trò nữ sinh thanh tú, hiền lương lại có thể hội đồng đánh đập một bạn gái khác, nắm tóc, xé quần, xé áo, đạp vô bụng. Và rồi họ có một cái vũ khí mà họ mang theo thường xuyên trong xã hội Việt Nam ngày nay, cái vũ khí này tinh tế tới mức mà nhiều nhà trong xã hội không để ý nhưng thực sự, đó là một vũ khí nguy hiểm. Những nữ sinh bị đánh hội đồng và những người hội đồng dùng những vũ khí này đánh đập bạn của mình sẽ gây tổn thương cho não bộ và người bạn đó sẽ sống trong sự sợ hãi bởi vì họ bị hãm hại tinh thần và thể xác. Vũ khí đó là gì? Chính là cái mũ bảo hiểm, cái mũ bảo hiểm thay vì để bảo vệ đầu của họ khi lái xe, nó cứng như thế đó nhưng nó lại biến thành thứ để đánh đập người khác gây tai hại, tổn hại đến não bộ, thân xác của những bạn bè của mình.

Thật là hung hăng và thật là tội lỗi! Thật là đáng sợ, đáng trách và đáng ghê tởm khi chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những người con gái còn trẻ, còn thơ đang ở tuổi học trường đó, vậy mà dùng vũ khí mũ bảo hiểm thay vì bảo vệ mình trên giao thông lại đánh đập vào đầu của những người khác.

Các bạn nhìn thấy đó mà, các bạn nhìn thấy rõ mà, các bạn vẫn thấy nó tràn đầy ở trên mạng, trên Facebook. Đau lòng vô cùng!

Một nền đạo đức đã bị phá hoại hoàn toàn. Nếu tương lai của tuổi trẻ mà không giữ được đạo đức, Đức hạnh, gây tổn hại đến sức khỏe, tâm trí của bạn bè mình bằng sự hung hăng, đánh đập, áp dụng cái vũ khí là mũ bảo hiểm để đánh đập người thì quá là tàn ác. Tại sao mất đi cái nền tảng giáo dục đó? Chính là bởi vì chúng ta đã quá coi trọng cái sắc tướng, hình thái ở bên ngoài mà không thực hành được ở ngay trong gia đình của mình, nhất là các phụ huynh. Chúng ta không thực hành được cái Đức hạnh, cái Giới đức và cái nền giáo dục tâm linh Phật Đà ở nhà không được xiển dương gương mẫu. Cho nên, con cái của mình khi vào trường học, khi đi vào xã hội, chúng hung hăng vô cùng.

Chúng ta gặp nhau ở Chùa nói lời của Phật, gặp nhau ở những nơi thờ tự nói những lời của Đấng thiêng liêng nhưng ở nhà chúng ta chửi nhau, chúng ta đánh đập nhau, chúng ta chà đạp lên nhau. Cha mẹ thì chửi bới con cái, con cái thì la mắng cha mẹ, chuyện đó có là bởi chúng ta chỉ ôm cái sắc tướng ra bên ngoài để chia sẻ, khoe khoang mà chẳng thực hành. Nhà Phật đặt trọng vào chỗ Giới đức của những người con Phật, mỗi người con Phật phải giữ được Giới đức, phải giữ được Năm Giới và phải có Đức hạnh để cái tâm được Định và Trí Tuệ được khai sáng như câu Kinh:

 Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả.

Chúng ta nói khéo ở đời nhưng không hành được lời của Phật thì chẳng có kết quả.

Trở lại cái mũ bảo hiểm, thay vì để bảo vệ cho chúng ta khi lưu thông, chúng ta lại sử dụng nó để đánh đập những người khác. Các bạn để ý đi, các thanh niên, thanh nữ, bà con ngày nay đánh nhau cái vũ khí tối tân mà lại ứng dụng dễ dàng, cận kề bên mình mà chẳng ai hay biết đó chính là mũ bảo hiểm. Những người có quyền chức không nhìn ra điều đó cho nên tất cả những cuộc đánh nhau bây giờ hung hăng tới mức mà những người bị đánh hội đồng hầu hết là bị tổn thương não bộ, thần trí nguy hiểm, sống chắc có lẽ cũng không còn sự sáng suốt khi bị tổn hại như vậy. Chúng ta hãy nghĩ thử xem đời sống của người con Phật cái mũ bảo hiểm ta đội trên đầu là gì trong cái sự vận hành lưu thông Phật Pháp? Cái mũ bảo hiểm đó chính là Nam Mô A Di Đà Phật, cái mũ bảo hiểm đó chính là những lời của Phật, là Kinh Phật. Cái mũ bảo hiểm đó là tới Chùa, cái mũ bảo hiểm đó là Năm Giới, cái mũ bảo hiểm đó là quy y với Phật − Pháp − Tăng, tam quy y Ngũ Giới, thọ Năm Giới, cái đó bảo hiểm cho đời sống của chúng ta, sống Thánh thiện, sống an toàn, sống lành mạnh, sống bình an.

Trên giao lộ của cuộc đời, muôn trùng thử thách và nguy hiểm, chúng ta đội vào trong tâm cái bảo hiểm viên mãn Phật truyền lại cho chúng ta, phải không các bạn? Chúng ta có bảo hiểm ở trên đầu, bảo hiểm đó là Nam Mô A Di Đà Phật, là hồng danh của Chư Phật, là hồng danh của Bồ Tát, Thánh Hiền, là Kinh Phật chúng ta tụng hằng ngày, là Đại Bi chú, là Vãng Sanh chú, là Thập chú, là Chuẩn Đề chú, là Dược Sư chú, đủ thứ Thần chú, Mật chú, đó là sự bảo hiểm cho đời sống tâm linh. Nhưng chúng ta không ứng dụng được, chúng ta mang cái đó ra để chúng ta thể hiện trong sự hung hăng, chẳng khác gì cái mũ bảo hiểm đội trên đầu gặp chuyện cởi nó ra đánh người. Chúng ta mang vào người bao nhiêu sự bảo hiểm của Kinh Phật, của lời Phật dạy, sự giáo truyền của những Bậc Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni tôn kính trên đời mà chúng ta được học nhưng khi đụng chuyện, chúng ta không mang sự bảo hiểm của lời Phật dạy để ứng dụng để che chở, che chắn cho ta, để che chở, che chắn cho người mà lúc đó chúng ta lại mang ra hành hạ người khác. Thật kinh khủng và đau lòng!

Chúng ta là những bậc phụ huynh, là cha mẹ, chúng ta thường nghĩ đến con cái, đặc biệt là con cái. Hoặc ngay ở Việt Nam bây giờ cũng vậy, nghĩ đến bảo hiểm nhân thọ, có nghĩa là chúng ta nghĩ tới việc dù chúng ta có ra đi cũng phải để lại những điều tốt đẹp nhất cho con cái khỏi phải lo lắng, đó là tình thương, đó là tình yêu. Làm người còn suy nghĩ như vậy thì con Phật ta còn suy nghĩ cao hơn. Chúng ta phải nghĩ để gì lại cho con cái? Cái bảo hiểm nhân thọ ư? Tiền có để, chúng xài cũng hết. Chết đi rồi, ta nghĩ đến làm chi? Những cái gì để lại mà không hết?

Các bạn phải mua bảo hiểm, các bạn phải mua bảo hiểm nhân thọ và các bạn phải mua bảo hiểm cho sức khỏe của các bạn, phòng khi các bạn bị bệnh không có tiền để chạy chữa. Trong đời sống của người con Phật, các bạn phải mua bảo hiểm của sức khỏe tâm linh qua sự tu học giáo lý của Đức Phật và hành thông giáo lý đó. Đó là bảo hiểm sức khỏe, sức khỏe của tâm linh. Nếu các bạn mua được cái bảo hiểm đó, bảo hiểm sức khỏe tâm linh là nghe giáo lý, tu tập, tụng Kinh, bái sám, nghe giảng, hành công niệm Phật, các Pháp môn nào phù hợp các bạn tu có nghĩa là các bạn đã mua bảo hiểm sức khỏe cho tâm linh. Tâm của các bạn sẽ khỏe, sẽ mạnh, sẽ thanh tịnh, sẽ trong sáng và nếu các bạn có một cái tâm khỏe mạnh, thanh tịnh và trong sáng thì con cái của các bạn cũng thừa hưởng sự thanh tịnh trong sáng đó. Không những ta mua bảo hiểm sức khỏe tâm linh cho ta mà ta còn phải mua bảo hiểm sức khỏe tâm linh cho con cái của chúng ta nữa. Chúng ta mua trọn gói cho gia đình của mình đi! Chúng ta mua bảo hiểm sức khỏe cho trọn gia đình thì mua bảo hiểm sức khỏe tâm linh cũng phải mua trọn cho gia đình của chúng ta.

Chúng ta có một cái bảo hiểm sức khỏe tâm linh mà mua không tốn tiền đó là giáo lý của Đức Phật. Chúng ta hãy mua cái bảo hiểm đó bằng cách tinh tấn nghe giảng của những Bậc Giáo Thọ Sư, của những Bậc Thầy tôn kính có nhân duyên với chúng ta bằng cách thực hành lời của các Bậc đó dạy qua Kinh của Phật bằng cách tụng Kinh, đi Chùa, giáo dục đời sống tâm linh và Đức hạnh cho ta. Chúng ta cũng cần phải dẫn dụ con cái của mình thường xuyên tu tập, có nghĩa là chúng ta đã mua được bảo hiểm sức khỏe cho đời sống tâm linh. Cái bảo hiểm sức khỏe đời sống tâm linh này là sự trọn gói, bên trong đó có cả sức khỏe và đời sống tâm linh được bảo hiểm mà nó còn bảo hiểm cho thọ mạng của chúng ta bởi khi chúng ta nghe giảng, chúng ta bái sám, tụng Kinh, chúng ta thực hành Pháp của Phật, tu cho rõ ràng để có Giới đức và có Định Tuệ thì đó là một cái bảo hiểm nhân thọ viên mãn khi các bạn ra đi. Phước báu sẽ để lại cho con cái của các bạn, chúng xài không hết như câu nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Khi cha mẹ có Đức hạnh, có Giới đức khi ra đi thì con cháu thừa hưởng cái Đức độ đó, ăn từ đời này qua đời kia không bao giờ hết.

Hôm nay, Bảo Thành sẽ là một người bán bảo hiểm mời gọi các bạn hãy mua  bảo hiểm sức khỏe tâm linh và bảo hiểm nhân thọ tâm linh. Mà cái sự mời gọi này các bạn sẽ hỏi: “Vậy nó bán ở đâu?” Nó bán ở tất cả các Chùa nơi các Bậc Giáo Thọ Sư, các Bậc Thầy tôn kính, các Tổ Đình, các Tịnh Xá đều là nơi để giới thiệu cho chúng ta về một gói bảo hiểm trọn vẹn để bảo vệ sức khỏe của đời sống tâm linh và thọ mạng của chúng ta. Để khi chúng ta bệnh hoạn, chúng ta sẽ có sự chăm sóc của Phật lực gia trì, khi chúng ta ra đi, chúng ta vẫn còn Đức hạnh để lại cho con cháu và ngay khi còn sống, con cái của chúng ta, con cháu của chúng ta sẽ thừa nương vào cái bảo hiểm đó, sự tu tập đó, sự liễu nghĩa thông Kinh của nhà Phật, thường xuyên tu tập, nghe giảng, chúng sẽ có cái Tánh hiền lương.

Các phụ huynh thấy ở trên mạng chiếu những đoạn phim của những cô con gái hay những cậu học trò nhỏ hội đồng thậm chí mà cả con gái túm lại nhau đánh một đứa con gái hoặc đánh một đứa con trai là bạn của mình, lấy bàn, lấy ghế đập vô rồi lấy mũ bảo hiểm đập vô, đập một cách tàn sát không khoan dung, không nhân nhượng. Nhìn thấy mà thấy trong tim rỉ máu, nhìn thấy mà Tâm thức đau nhói, nước mắt không cầm được. Ai là những người giáo dục tâm linh? Ai là những người xuất gia? Ai là những người đứng đầu các tôn giáo? Tại sao khi nhìn thấy những điều đó không nhắc nhở ở trong Chùa, ở trong Nhà Thờ? Tại sao khi nhìn thấy điều đó mà không giáo dục thế hệ trẻ hiểu được mà chẳng gợi ý để cho phụ huynh, cha mẹ chú trọng đến phần này.

Hôm nay, chúng ta nói tới lời nói đi đôi với hành động, con cái của chúng ta rất cần những hành động Giới đức, Giới hạnh của cha mẹ. Lời nói giáo dục với con cái liền với hành động, con cái sẽ phục nể và kính trọng chúng ta. Còn nếu như chúng ta là cha mẹ, nói một đường đạo đức Thánh hiền mà hành động như sói dữ sẽ làm mất đi sự kính trọng và con cái sẽ đau khổ vô cùng. Không phải ai cũng vậy, có lẽ chỉ có một số thật là nhỏ vì cuộc sống bôn ba, bận rộn làm việc, vì cái xã hội ngày nay cơm áo, gạo tiền vất vả quá, chúng ta không còn thời gian lắng đọng, nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Cho nên, con cái khi lớn dần, chúng đi học, chúng không có cái chỗ dựa do vậy cái tâm của chúng hơi hung dữ, do đó nhiều cảnh đau lòng xảy ra. Và từ cái thế hệ trẻ mất đi cái nền tảng đạo đức, Giới hạnh đó thì lớn lên sẽ nguy hại cho xã hội. Các bạn nhớ, cái mũ bảo hiểm thay vì để bảo hiểm lại trở thành vũ khí để giết người. Lời của Phật, sự giáo dưỡng của Phật thay vì là sự bảo hiểm cho đời sống tâm linh và mạng thọ của chúng ta, để có Giới đức truyền lại cho con cái, để có Giới hạnh cho con cái noi theo thì chúng ta khoác lên trên đầu, mặc lên trên người nhưng không hành được, nghĩa là mua bảo hiểm mà không đóng tiền thì đến khi có chuyện xảy ra rồi, tưởng là được đền nhưng tới công ty lại nói: “Anh mua mà không đóng tiền, sao đền được”. Hóa ra chỉ mua thôi, chỉ có sắc tướng thôi, chúng ta mua cái bảo hiểm tâm linh và thọ mạng trong Giới đức mà không hành thì chẳng khác gì chỉ là sắc tướng để khoe, nó chỉ là ảo giác bên ngoài, khoe khoang cho thích thú, giải trí ở đời mà không có công dụng.

Các bạn à, Bảo Thành nói vấn đề này nó thực sự xảy ra trong cái xã hội ngày nay, có quá nhiều những chuyện xảy ra tàn khốc tới mức khi đụng chuyện rồi mới ngớ ra rằng: “Tại sao con người lại không còn đạo đức? Tại sao tình người lại mất hết? Tại sao cái Tánh hung dữ như vậy trên con cái, lên trẻ thơ của những thanh nữ, thiếu nữ, thanh niên, thiếu niên mới trưởng thành đã có sự hung hăng, tàn ác như thế? Chúng ta sợ hãi và ngỡ ngàng, đó chính là vì chúng ta mua bảo hiểm không trả tiền, có nghĩa là có học lời của Phật, có nghe lời của Phật, có hiểu lời của Phật mà không thực hành được trong đời sống tại gia đình của cư sĩ tại gia. Do đó, sự ảnh hưởng của Đức hạnh chẳng thể lan tỏa cho con cháu của chúng ta, trong dòng tộc của chúng ta, trong họ hàng, thân bằng, quyến thuộc của chúng ta, trong thôn xóm, trong bạn bè. Cái hương Giới hạnh chẳng lan tỏa bởi có đâu!

Các bạn, Phật dạy trong Kinh Pháp Cú:

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương.

Chúng ta có áo nghĩa của lời Phật dạy, chúng ta biết tụng Kinh, chúng ta biết bái sám, chúng ta biết gõ mõ, gõ chuông, chúng ta biết đến Chùa nghe giảng sám hối, chúng ta biết các Pháp hội chẩn tế, chúng ta biết Phật thất tu tập và chúng ta lại còn có hương của Giới đức, có hương của Đức Tuệ. Ôi tuyệt vời! Tuyệt vời! “Sắc và hương đi liền với nhau như lời nói khéo có thêm hành động”. Các bạn đã gặp người nào hứa với các bạn mà không bao giờ thực hành, các bạn nghĩ về họ như thế nào? Chúng ta chỉ nói rằng: “À, anh này chỉ nói suông, không bao giờ thực hiện”. Mà chắc có lẽ trong cuộc đời của mỗi một con người chúng ta đã từng trải nghiệm qua trong sự tương tác giữa người với người, có những mối giao hảo mà người này hay người kia thường hay hứa, thường hay nói mà không bao giờ làm, gọi là họ Hứa mà không làm thì Kinh này Đức Phật dạy y như vậy, “Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại thêm hương, như người tu đạo Phật có Giới đức và Định Tuệ”. Ta là con Phật có nghĩa ta là Phật tử, người được gọi là Phật tử là những người đã quy y Phật − Pháp − Tăng, hiểu được Nhân Quả, giữ được Năm Giới và hành Thập Thiện. Nhưng chúng ta còn có hương của Giới đức và Định Tuệ mới được gọi là toàn mỹ:

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Như những người con Phật

Có Giới đức và Định Tuệ.

Nếu chúng ta là Phật tử, chúng ta có Giới đức và Định Tuệ thì nhất định con cháu của chúng ta sẽ tốt, chúng sẽ ngoan ngoãn.

Hôm nay, hình dung về câu nói của Bảo Thành rằng: “Mũ bảo hiểm thay vì để bảo hiểm cái đầu của chúng ta đi trên sự giao thông của cuộc đời bằng xe cộ thì nay đã biến thành cái vũ khí thuận tiện nhất để hãm hại những ai ta không ưa. Gỡ nó ra đập vào đầu của kẻ khác thì không biết nó đau tới cỡ nào và không biết nó sẽ tổn hại tới não bộ của người ta đến cỡ nào, đau lắm. Mũ bảo hiểm, mũ bảo hộ trở thành vũ khí”. Người con Phật có sự bảo hộ của Long Thần, Hộ Pháp, của Năm Giới, của niềm tin nơi Phật − Pháp − Tăng, Nhân Quả và Pháp Thiện mà chúng ta không giữ được Giới đức và Định Tuệ, hung hăng và tàn ác thì chẳng khác gì mang Phật ra để đánh nhau, thật không tốt các bạn à, nguy hại vô cùng. Nhưng nếu các bạn khi mua bảo hiểm mà có đóng tiền, khi phạm vào, đụng xe hay vì sức khỏe hay khi thọ mạng các bạn tới còn có tiền để lại cho con cái, còn có tiền để đi chữa bệnh, phải không các bạn? Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta mua bảo hiểm cho đời sống tâm linh mà chúng ta có thực hành Giới đức và Định Tuệ có nghĩa là chúng ta có trả tiền bằng các cái công hạnh tu tập rõ ràng thì nhất định khi có chuyện xảy ra vào cuộc đời của chúng ta, khi nhân quả Ác trổ, những cái mầm Ác trổ quả Ác tạo thành họa thì ta có cái sức mạnh của tâm linh, có cái Định lực, có cái Định Tuệ để bảo hiểm cho chúng ta, bảo vệ cho chúng ta và cái họa đó không làm hại cho chúng ta.

Mua bảo hiểm có đóng tiền là như vậy đấy các bạn, nghĩa là chúng ta tu mà có hành, có Pháp học và Pháp hành. Nhiều người nói: “Trời ơi, tôi tu hoài mà sao khi cái họa nó tới, tôi gặp nhiều mà tôi tránh không được?” Là bởi vì các bạn tu mà không có đóng tiền bảo hiểm, các bạn tu mà các bạn không có hành, các bạn chỉ tu về hình thức, các bạn chỉ tu về cái tướng sắc mà thôi, các bạn chưa tu tâm thực sự để chuyển nghiệp. Cho nên, khi xảy ra chuyện, các bạn không có được cái công đức, không có được phước báu bảo hiểm, các bạn lãnh toàn phần và phải trả, mang sức ra mà trả, có khi trả bằng cả cuộc đời, tổn hại đến sức khỏe, tinh thần và thể xác, đau khổ cho gia đình và mọi người trong xã hội.

Các bạn nhớ, các bạn mua bảo hiểm các bạn phải đóng tiền, các bạn tu các bạn phải hành. Còn không mua bảo hiểm mà không đóng tiền thì rất dễ lấy cái mũ bảo hiểm để đánh đập người khác bởi không hiểu được giá trị của cái mũ bảo hiểm đó là để bảo vệ mình. Nếu nó bảo vệ mình thì không thể dùng cái đó để sát hại người khác. Chúng ta đi tu mà không hành thì như mua bảo hiểm mà không có đóng tiền, chẳng có sự đền bù xứng đáng sẽ nguy hiểm vô cùng.

Nếu các bạn chưa mua bảo hiểm tâm linh và nhân thọ cho đời sống của tâm linh, các bạn hãy mua đi. Hãy tới các Chùa, Tịnh Xá, Am, Thất, tới với các nơi thờ tự, các tôn giáo mà các bạn tin theo mua bảo hiểm đi, có nghĩa là học hỏi giáo lý của tôn giáo mình theo, học hỏi giáo lý của Đức Phật và đóng luôn bảo hiểm. Mua là phải đóng, tới Chùa học thì phải hành, hành cái gì? Hành ở trong tâm cái Giới đức, cái Giới hạnh để có được Định Tuệ. Mua bảo hiểm tâm linh phải đóng tiền bảo hiểm bằng sự tu học thực tế của cuộc đời, đừng mua cho có tiếng tăm là người con Phật, ta là Phật tử, ta là nhóm này nhóm kia, ta theo Thầy này, Thầy kia, những Bậc Thầy lớn là Sư Phụ của tôi, Pháp môn này tôi cũng tu, Pháp môn kia tôi cũng tu nhưng không hành được thì như vậy, mua bảo hiểm mà không đóng tiền thì chẳng bao giờ được bảo hiểm đâu. Các bạn nhớ phải có sự bảo hiểm rõ ràng, tu phải có hành:

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Cũng vậy lời khéo nói

Có làm có kết quả.

Hay Bảo Thành nói cho nó dễ hiểu hơn:

Như bông hoa tươi đẹp

Có sắc lại thêm hương

Đời sống người con Phật

Có Giới đức và Định Tuệ.

Mong rằng các bạn cùng với Bảo Thành thấu rõ được chân lý ngày hôm nay để thành tựu được sự an lạc. Các bạn nhớ mua bảo hiểm tâm linh nha! Cám ơn các bạn đã nghe!    

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn