Search

Loại bỏ những người đối xử tàn ác với trẻ em

Dạo gần đây có rất nhiều tin tức về những người làm việc ác và đối xử tàn nhẫn với trẻ em nên đã bị cả xã hội muốn loại bỏ khỏi cộng đồng. Con nên dùng từ bi để quán chiếu việc này như thế nào thưa thầy. Chúng ta có nên dùng sự căm phẫn để lên án và chửi mắng những người phạm tội đó không ạ? Mô Phật!

Trả lời: Mô Phật! Không hẳn ở Việt Nam, trên thế giới, quốc tế có những luật bảo vệ trẻ em.  Thật rất đau lòng khi chúng ta thấy những người lớn có thể là cha, là mẹ, là dượng, là tía, là dì, là cô đã thật nhẫn tâm hành hạ và dùng những hành động tàn ác gây đau khổ cho trẻ thơ, thậm chí đã lấy đi mạng sống hồn nhiên của các em. Nghĩ về điều đó, chúng ta rất đau lòng. Thế giới đã nhìn thấy điều đó, thành lập nên một công ước bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong những thôn xóm xa hoặc ẩn núp nơi những thành thị vẫn có những con người vì một lý do gì đó chưa hiểu, hoặc vì sự sân giận vượt khỏi tầm có thể kiềm chế, đưa đến sự hành động nguy hại cho trẻ em. Nhìn thấy điều đó ai cũng nổi giận, ai cũng buồn và căm phẫn.

Trở về câu chuyện ngày xưa thời Đức Phật, ta không nói đến hành hạ trẻ em mà nói đến kẻ tội ác. Hành hạ trẻ em, giết hại trẻ em, xâm hại trẻ em cũng là một tội ác, là một tội ác kinh khủng. Bây giờ nói đến tội ác, những người đã tạo ra tội ác, ta căm phẫn lắm. Thời xưa, thời Đức Phật, có một kẻ tội ác vô cùng, gặp ai cũng giết, đó là ông Vô Não. Nhưng khi gặp Phật, quy y với Phật, học Phật pháp rồi, cái quá khứ của một kẻ cướp, của một kẻ sát nhân không bao giờ phai mờ trong tâm trí của người dân. Do vậy mà khi ông ta đi khất thực vào thành, người dân nhìn thấy ông dù khoác trên người là chiếc áo của một vị xuất gia, dù đã biết là theo Phật, nhưng cái hình ảnh của một kẻ sát nhân luôn hiện tiền trước mắt họ. Và họ đã căm phẫn ông Vô Não, tỳ kheo Vô Não thật nhiều. Họ đã đánh đập, họ đã chửi bới, họ đã mang cây, mang đá đánh và ném vào đầu ông ta. Và thật sự ông Vô Não cuối cùng đã chết bởi sự căm phẫn của người dân. Con người nhớ một câu: không bao giờ để tội ác của người khác biến ta thành kẻ sát nhân và tạo nghiệp cho ta. Ông Vô Não là kẻ tội ác, đúng, tất cả mọi nghiệp ông ta tạo ra, ông ta sẽ phải trả giá. Nhưng đừng để cho ông Vô Não biến ta thành kẻ sát nhân và trở thành người gây tội ác, tạo nghiệp. Những ai đã ném đá, đã dùng cây đánh đập ông Vô Não cho đến khi ông chết, thì những người đó đã để cho kẻ sát nhân biến họ thành sát nhân, đã để cho kẻ tội phạm biến họ thành tội phạm.

Chúng ta cũng vậy, xã hội có thể chưa đến lúc phát hiện ra kịp thời để cho người kia sát hại trẻ em tạo nghiệp, nhưng xã hội rất công bằng, bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều có những luật riêng để phán xét những người đó. Luật của quốc gia chế tạo ra cũng theo công ước bảo vệ trẻ em, những người tội phạm sẽ phải đền, đền đáp thật xứng đáng. Ở thế kỷ này chúng ta đừng như những con người vì tội ác của ông Vô Não mà trở thành kẻ sát nhân. Sự cam phẫn, có, nhưng hãy để cho luật pháp họ giải quyết, còn ta quán chiếu với tình thương. Chính Đức Phật đã không ghét bỏ ông Vô Não, bởi trong mỗi một con người chúng ta đều có cái nhân tàn ác và nghiệp chướng nhiều đời, cũng có cái nhân thiện lương, thiện lành của Phật tánh. Dẫu vẫn biết kẻ đó thật ác nhưng chúng ta hãy nhìn vào cái tốt đẹp nhất trong tâm tánh thiện lương của họ và để cho xã hội áp dụng luật lên những người đó, còn ta áp dụng tình yêu thương và sự tha thứ để cho người phạm tội kia có cơ hội hối cải và có cơ hội sửa, sửa mình, sám hối. Ông Vô Não thật sự đã hối cải, sám hối và chuyển hóa tự thân từ lúc nhận diện ra sự sai của mình mà theo Phật. Không ai ác suốt cuộc đời và chẳng ai sai mãi, ngược lại cũng không ai hiền mãi cuộc đời mà đúng mãi mãi. Chúng ta có khi đúng, có khi sai. Những người đã sai rất cần sự tha thứ. Dẫu vẫn biết luật pháp sẽ áp chế trên con người của họ những sự trừng phạt, nhưng về phần tâm linh và tinh thần, mỗi người học Phật hãy mở rộng cái tâm và nhớ rằng tha thứ cho người chính là thứ tha cho ta. Quán chiếu rằng, hãy tha thứ cho nhau, hãy tha thứ cho nhau bằng tâm Từ. Giữa sự hung ác của một con người vẫn có tâm thiện tàng ẩn nơi đó, hãy nhìn vào cái đẹp nhất của nhau để rộng lòng tha thứ.

Làm sao ta có thể chuyển hóa được sự sân giận và bực bội đối với những người sát hại đến trẻ thơ? Ta hãy nhớ, luật pháp vẫn còn đó, chúng ta không cần can thiệp và phải quán chiếu thật sâu để cho kẻ ác không làm cho chúng ta ác, kẻ bất nhân không làm cho chúng ta thành kẻ bất nhân, kẻ sát nhân không làm cho chúng ta trở thành kẻ sát nhân. Nhân quả không ai trốn được, họ có thể trốn luật của xã hội nhưng không thể lẩn trốn nhân quả. Quán chiếu sâu sắc, chúng ta sẽ rộng lòng tha thứ và nhường chỗ cho pháp luật đi vào, hơn là chơi trò pháp luật để rồi phỉ báng chê bai, thậm chí mà có thể trở thành hung thần, ác quỷ bằng ngôn ngữ (dĩ nhiên bằng hành động ta không thể làm nhưng bằng ngôn ngữ ta có thể tạo) gây tổn phước, tạo nghiệp cho chính ta.

Chánh Niệm hơi thở giúp cho mỗi người chúng ta có được sự tư duy thật là sâu, sâu lắng để nhìn rõ và có một sự lựa chọn tốt đẹp hơn cho chính mình khi nhìn thấy những kẻ sát nhân, những kẻ xâm hại đến đời sống của trẻ thơ. Tôn trọng luật pháp và để luật pháp trừng trị những người đó, còn chúng ta hãy mượn cái điều đã xảy ra đó như một sự cảnh tỉnh, nhắc nhở, đừng để cho cái mầm mống ác nơi ta, mầm mống sát nhân nơi ta có cơ hội vươn lên cao tạo ra những hành động không hay, tạo nghiệp cho chính ta. Hãy quán chiếu sự tha thứ và bao dung, hãy học gương của Đức Phật, luôn nhìn thấy những phẩm cách cao đẹp nơi những con người tàn ác. Nếu không đủ đạo lực để tha thứ cho họ hoặc để chuyển hóa họ thì ít nhất cũng phải nhìn để cảnh tỉnh mình đừng bao giờ phạm đến những điều như thế. Vì họ đôi khi là một tấm gương để cho chúng ta cảnh tỉnh, là một sự việc để nhắc nhở cho chính mình. Tu là mượn tất cả mọi sự việc xảy ra trên đời để phát triển lòng từ tâm và bao dung, tha thứ. Cái công hạnh tu như vậy tạo được phước nhiều để ta hồi hướng cho những kẻ sát nhân hoặc những con người không làm chủ được cái tánh gian ác, lĩnh hội và đón nhận được năng lượng tình thương. Nước chảy đá mòn, từng giọt phước đức hồi hướng cho những người đó, tâm họ dần dần sẽ được sáng ra, những tảng băng đá thô ác trong cuộc đời của họ cũng dần được xói mòn để họ nhìn thấy cái phẩm tánh thiện vẫn còn trong cuộc đời của họ để thay đổi như ông Vô Não. Mô Phật!

Tham vấn Phật Pháp 16, https://youtu.be/LLpUVqvXnIk

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn