Rải tình thương từ mười phương chư Phật
Thắp trí tuệ từ ngọn đuốc chân như
Trổ búp sen trẩy mình qua bùn đất
Nở đoá tâm dâng làm đẹp cho đời
Mô Phật, Bảo Thành kính chào đại chúng, kính chào các bạn. Trong từng giờ phút chúng ta sống ở trên đời ai ai cũng muốn làm đẹp cho chính mình, từ buổi sớm mai khi thức dậy ta biết trang điểm cho khuôn mặt, biết trang điểm cho ngoại hình thật đẹp để khi đi vào trong xã hội làm việc. Hay tương tác với những người thật gần gũi trong gia đình ta vẫn mang cái tâm ý rằng cái đẹp có sự sửa soạn của ta để cho mọi người chung quanh ta thấy cái đẹp đó mà trong lòng được vui. Đã là con người muôn sự đẹp ở đời bên ngoài đều có một cái lực ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Con người là vậy, chúng ta không thể trốn tránh được đâu, bước ra khỏi cửa thấy trời nắng, bình minh đẹp, ánh nắng chan hòa, gió nhẹ nhàng, cảnh vật xung quanh an thái lòng thấy nhẹ nhõm vô cùng. Những buổi sớm thức dậy nhìn ra khung cửa sổ trời thì mây đen kéo tới, mưa bão ầm ầm lòng bị sụp, bị tối, bị đen. Đã là con người, chúng ta ảnh hưởng ngoại cảnh thật nhiều và rồi cái tâm cảm chúng ta cũng lên xuống sụt sùi theo những cái cảnh ở bên ngoài. Điều này khó ai có thể tránh được nhưng chẳng phải như vậy mà ta bi lụy theo cái cảnh đó bởi chúng ta là con người có trí tuệ, là người học Phật vẫn có được cái ưu tiên của cái trí huệ nơi Đức Phật dạy để chúng ta đặt một bàn tay sắp đặt lại cuộc đời và sắp xếp cho cảnh vật xung quanh thêm đẹp, thêm tươi.
Đề mục các bạn chia sẻ hôm nay cùng với Bảo Thành là làm sao chúng ta làm đẹp cho đời. Đời người thực ra không dài, không ngắn và cái sự ngắn dài trong cuộc đời chẳng so sanh ở cái mức độ kiến thức giàu nghèo, sống dai, sống trường thọ hay sống đoản mạng một giây, một phút. Mà được cân nhắc bởi cái điều gì ta có thể làm được trong cái sự hiện hữu nơi cuộc đời dù ngắn ngủi hay dài trăm năm. Đức Phật dạy nếu sống một ngàn năm hay sống một trăm năm được gọi là đúng mà chẳng biết Nhân Quả thiện ác, làm việc thiện, việc lành thì chẳng có gì cần thiết phải sống. Chi bằng một giây phút sống đúng pháp thiện như bông hoa trồi lên khỏi cái đống sình lầy của cuộc đời, trổ hoa thơm, trổ cái màu sắc đẹp như cánh sen lan tỏa cho đời dù chỉ một giây phút thoáng qua nhưng tuyệt vời mãi mãi chẳng bao giờ, bao giờ tàn lụi. Các bạn, làm đẹp cho đời hay làm đẹp cho mình cần phải hiểu và cần phải có một cái sự đầu tư thời gian để nâng cao cái trình độ nghệ thuật sống đẹp cho đời.
Có một bà cụ già lắm rồi, bà cũng chẳng nhớ được cái tuổi đời của bà đâu bởi thuở nhỏ sống với cha mẹ, lớn lên với gia đình, cha mẹ cũng mất, chồng cũng mất, nuôi một bầy con lam lũ tháng ngày. Thời gian trôi qua mắt cũng sụp xuống, da mặt nhăn nheo, chân tay cũng khô héo hình như sức sống chẳng còn thể hiện ở hình dáng bên ngoài. Nhưng cái đẹp tâm hồn của bà vẫn thể hiện bằng những cái sự tạo tác, dâng hiến cho đời. Bà chẳng biết phải làm gì trong cái tuổi già như người ta, con cháu nói gọi là vô dụng, gia tài còn lại trong cuộc đời là một cái cây và một cái bị bằng vải hình như thuở xưa cha mẹ có để lại. Bà chẳng biết phải làm gì hay đó là cái đầu mà người ta suy nghĩ rằng bà không biết làm gì, người ta chỉ thấy rằng sáng sớm cho tới chiều ngoài những bữa ăn trưa và bữa ăn tối bởi bà đã lớn không ăn sáng cầm một cái cây và một cái bị đó đi vòng quanh trên đường phố, thôn xóm. Người ta để ý không thấy bà làm cái gì ngoài một điều duy nhất là lượm những cái mảnh chai bị vỡ, vun vẩy, ném đây ném đó bỏ vào bị mang về nhà đặt ở gốc cây. Con cái khi đến thăm chán ngán vô cùng, cả cuộc đời thông minh của người mẹ nay sao lẩm cẩm như thế. Chỉ đi ở trong làng, trong xóm, lượm lặt mảnh chai để làm gì, nếu là lượm chai cũng là lượm ve chai may ra bán được chút tiền có chi mà mảnh chai giữa đường lượm làm chi không khéo coi chừng đứt tay mang về nhà chất đống ở gốc cây rồi người ta đạp vô thì như thế nào? Nhưng chẳng ai ngăn cản được cái hành động của bà cụ mà cả thôn làng gọi là lẩm cẩm, lẩm cẩm đến mức khù khờ hay lẩm cẩm đến mức khôn ngoan, điều đó chưa ai biết.
Có một hôm có một ông nhà báo nghe đồn có bà cụ quái gỡ ở trong làng chẳng biết phải làm gì nhưng cả một thời khi còn sống, còn trẻ bà là người nuôi được cả mười mấy đứa con trong vùng chiến tranh, loạn lạc. Mà các con của bà đều đậu tú tài, bác sĩ, luật sư giỏi, danh tiếng ở trên thành phố. Biết được những bậc kỳ tài ở trên đất nước giỏi như vậy nhưng những bậc đó ít khi nào nói về mẹ nhưng nhà báo mà họ truy tìm và họ biết được ở quê làng xa có một người mẹ của những vị bác sĩ, luật sư tài ba kia nên đi xuống để phỏng vấn. Nhưng không ngờ đi về cái túp lều năm xưa mà những vị bác sĩ, luật sư, những vị có danh tiếng ở đời hiện tại là con bà sống và được nuôi nấng thành tài đó chỉ là một túp lều nhỏ, ở dưới gốc cây đầy những mảnh sành chất đống. Nhà báo kinh ngạc hỏi bà rằng: “Thưa bà, bà là một người mẹ yêu thương con và hi sinh cả cuộc đời để góp lên cho xã hội này có những vị bác sĩ lỗi lạc, những vị luật sư danh tiếng, có những con người tốt đẹp như vậy thì cái mục đích bà lượm mảnh sành chất đống ở trong nhà kia (nhà báo mà, nói có vẻ hình như đâm thọc) là những cái hành động giáo dục cao cả để tạo nên bác sĩ, luật sư hay không. Bà cụ mỉm cười, có lẽ trên khóe mắt của bà cụ năm tháng trôi qua của dòng đời thăng trầm trong binh loạn chiến tranh. Nhưng chẳng có ghi dấu của sự khổ hạnh, bất công mà tràn đầy năng lượng từ ái, mỉm một nụ cười trên môi còn đỏ son vết trầu, vết cau, nói nhẹ nhàng trong ánh mắt long lanh của tuổi già xế chiều. Bà nói nhà báo ơi chẳng có gì, đó không phải là nền giáo dục tạo thành bác sĩ hay luật sư nhưng đó chỉ là một gương với hành động nhỏ sợ người ta bị chảy máu mà thôi. Bởi cuộc đời của tôi đã can qua thăng trầm trong chiến tranh, đã nhìn thấy biết bao nhiêu đầu rơi máu chảy trong cuộc binh loạn rồi. Trong thời bình tuy thế những mảnh sành nhỏ cũng có thể làm cho người ta rỉ máu. Tôi không sợ người ta chảy máu ở bàn chân, tôi sợ những người thương yêu cái người bị máu bàn chân đó sẽ chảy máu con tim bởi thương xót cho vết thương ở bên ngoài. Cho nên tôi sợ người ta bị chảy máu, chỉ muốn làm đẹp con phố, làm sạch con đường cho người ta đi khỏi đạp lên những mảnh sành vụn vặt vô tình của ai quăng ra mà thôi. Nhà báo không biết viết gì, chỉ viết gọn ghẽ bốn chữ “làm đẹp cho đời” và chụp cái hình của bà đăng lên cùng với một đống hình mà chất chồng, chất đống của những mảnh sành vụn đặt ở gốc cây.
Các bạn thân mến, làm đẹp cho đời chẳng phải là cái điều mà phải đi tới nơi mà thời đại ngày nay gọi là bác sĩ thẩm mỹ để nâng cấp khuôn mặt. Họ chẳng phải tới những hàng mỹ phẩm mua đồ son phấn. Làm đẹp cho đời bằng những nghĩa cử thanh cao, bằng những hành động có ý nghĩa tuy rất bình thường. Bà cụ không lượm ve chai để làm giàu bởi bà đã làm giàu cho con cái bằng đức hạnh và kiến thức cho nên con bà là bác sĩ, luật sư. Nhưng bà vẫn làm đẹp cho đời bằng hành động khiêm cung, nhẹ nhàng lượm mảnh sành giữa đường của những người vô tình hay cố ý quẳng ra lề đường mà chẳng sợ trẻ thơ vấp té vào, chẳng sợ người già mù lòa đi qua sẽ bị đau đớn. Một người từng trải và can qua trong những binh loạn của thời chiến đã thấy biết bao nhiêu trái tim khô cạn và nước mắt đã chẳng còn. Nhưng bà chẳng sống bi lụy, sợ hãi vẫn mang cái sức tàn của cuộc đời làm đẹp cho con đường nơi thôn xóm. Cái đẹp của cuộc đời chúng ta làm chẳng cần phải làm ở trên phương ngoại trời cao, trên danh vọng của địa vị, quyền lực và thế. Chỉ cần trong thôn, trong xóm hay gọn hơn là trong gia đình biết có những hành động tuyệt đẹp để những người sống chung luôn đẹp từ cái ánh mắt nhìn tương trao cho nhau những hành động tuyệt mỹ bởi biết quan tâm và yêu thương đích thực. Đức Phật dạy cho chúng ta cuộc đời này đã có biết bao nhiêu những bà cụ can qua đau khổ, chúng ta từng trải qua vô lượng kiếp trầm luân sanh tử khổ, còn gì nữa mà để chúng ta cứ tạo khổ, phiền não cho nhau. Một chút xíu thôi như một bông hoa rải bên lề đường chẳng ai để ý thế vậy mà nó vẫn vươn lên trong một đám cỏ mịt mù trổ một bông hoa thật đẹp để người vô tình đi trên con đường đó mệt nhọc có thể ngắm được cái đẹp của hoa dại.
Vệ đường hoa đẹp làm sao
Lòng người lữ khách nhìn qua bớt buồn.
Chúng ta trên cuộc đời lữ thứ của trần gian đã đi qua miệt mài biết bao nhiêu cái khổ của cuộc đời có bông hoa nào dại đâu. Ở đời không có bông hoa nào mài dại, không có con người nào khờ hết. Chúng ta đều là những bông hoa đẹp của cuộc đời, đều là những con người được kết nên bằng những cái tinh tú, màu nhiệm của tánh Phật, siêu mầu đẹp lắm. Chỉ cần chúng ta biết đón nhận ánh minh tuệ mặt trời của Đức Phật thắp sáng, nuôi dưỡng thân tâm để nở hoa. Nhớ, hoa ở đời này nó nở đẹp thì kinh Pháp Cú cũng có một câu:
Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió
Nhưng gương người đức hạnh ngược gió vẫn tung bay.
Bà cụ làm đẹp cho đời bằng cái đức hạnh cả cuộc đời gánh gồng khi chồng mất nuôi con cho thành tài. Rồi mang cả cái sức tàn của tuổi xế chiều không ngồi hưởng phước bởi con là bác sĩ, luật sư. Nhưng vẫn một gậy, một bị đi khắp thôn làng lượm mảnh sành. Các bạn, chúng ta còn khỏe lắm, chúng ta không cần phải bắt chước bà cụ kia đi khắp thôn cùng xóm để lượm mảnh sành. Nhưng ta đi ngược vào trong cuộc đời của chúng ta cái tâm của chúng ta để lượm đi những cái gai góc còn ngổn ngang đâm vào trái tim của những người thân trong những sự giao lưu, tương tác, sinh hoạt hàng ngày. Cái gai góc trong tim gom cho lắm để khi đụng chạm máu ra nhiều. Người thân của chúng ta đó, người yêu của chúng ta đó, cha mẹ, vợ chồng, con cái yêu thương quá chừng mà sao trong trái tim, khối óc của chúng ta mảnh sành, gai góc quá nhiều. Hãy bắt chước nghĩa cử cao đẹp của bà cụ đi, đừng qua hàng xóm, đừng đi bên đường, đừng chỉ vào những người yêu thương mà nhìn rõ ở trong góc trái tim của chúng ta còn có mảnh sành chất đống hay không, lâu lâu lấy cái quăng ra, trời ơi ông chồng bà vợ đau thốn cả cuộc đời, cha mẹ khóc rưng rưng, màn đêm buông xuống rầu rĩ suốt đời. Chúng ta phận làm con, phận làm chồng, làm vợ, làm con người ở trên đời nhìn cho kĩ đi các bạn trong trái tim vẫn còn đống mảnh sành mà tự ta đập vỡ để sẵn để coi ai mà ta không ưa quăng một cái họ dính chảy máu. Chảy máu ở chân đi bác sĩ bó lại được các bạn à nhưng chảy máu con tim bác sĩ không bó được. Mảnh sành người ta quăng ra đường bà cụ có thể lượm lại được ta có thể nhìn và nhặt đi. Nhưng mảnh sành mà ta gom trong tim để găm vào trái tim của người khác đau lắm, buồn lắm. Làm đẹp cho đời là phải bằng những nghĩa cử thanh cao xuất khởi từ cái tâm thanh tịnh và sống trọn vẹn trong gia đình để thắp sáng lửa yêu thương, rải tình thương từ mười phương Chư Phật.
Các bạn thân mến, con người sống có đức hạnh hầu hết đều là noi gương của cha mẹ, thánh hiền, ông bà, cửu huyền thất tổ. Bởi vậy ta có cha mẹ là cái gốc của đức hạnh nhiều đời truyền trao bởi vậy ông bà có thác đi vẫn còn ngày giỗ tổ để con cháu và tất cả mọi người trở về sum vầy với nhau. Ngưỡng lên cái gương đức hạnh của cửu huyền thất tổ mà noi gương ông bà sống một đời đức hạnh làm đẹp cho nhau, làm đẹp cho đời. Và chúng ta mang cái tình thương của ông bà được thể hiện qua trái tim của cha mẹ để ban rải xuống cho những thế hệ sau. Thế hệ đi trước đó chính là Đức Phật đã đi qua biết bao nhiêu cuộc đời luân khổ trong sanh tử rồi, ngài thành tựu được pháp bảo Như Lai tịch tĩnh, từ bi. Chúng ta là con Phật ngày giỗ ta nghĩ tới ông bà, ngày tu và hiện tại chúng ta nghĩ tới Phật, ta mang cái tình thương từ mười phương Chư Phật để chúng ta thắp cái trí tuệ từ ngọn đuốc Chân Như. Trong chúng ta Phật đã dạy vốn có Chân Như Bổn Tánh Như Lai, ta hãy đón lấy cái tình thương từ mười phương Chư Phật rải vào cuộc đời để thắp cái trí tuệ từ cái đuốc Chân Như vốn có. Để ta như một ngọn đuốc tự sáng để sống với đức hạnh làm đẹp cho đời của ta. Thắp sáng đuốc Chân Như, nhìn rõ mọi cái căn cơ cội nguồn vốn có, lượm đi những cái mảnh sành, mảnh chai ta đã đập nhiều đời để gây thương tích cho nhiều người, nhiều kiếp. Đây là lúc mà Bảo Thành và các bạn phải trở về một cuộc hành trình mang một cái gậy. Cái gậy này để gõ vào những cái miền u tối và một cái bị, bị từ bi bao dung. Lượm, lấy trí tuệ như gậy đập vào miền u tối, lấy cái bị kia như bao dung và trí tuệ để lượm lặt những mảnh sành, những cái gai góc của cuộc đời mà ta ôm ấp chất chứa ở trong đây. Đau lắm các bạn ơi, nếu cha mẹ bị dính vào mảnh sành của lời nói ta văng ra, nếu vợ chồng bị dình vào gai góc của những suy nghĩ, hành động vô cảm của ta, đau lắm, đi bác sĩ trị không hết, tốn tiền cũng không hết mà đau từ đời này qua đời kia. Thế ở trên đời chúng ta mới thấy biết bao nhiêu gương của những bậc hiền mẫu cả đời hy sinh chăm nuôi cho con và những người con thành tài đó quăng một miếng mảnh sành qua ngôn ngữ thô tục, thô ác, bất hiếu. Những vị hiền mẫu đó đau khổ cả cuộc đời khi về xế chiều, bất hiếu các bạn ơi. Hãy làm đẹp cho đời không cần biết bạn là ai, bạn ở tuổi nào, tôn giáo nào, là con người chúng ta phải biết làm đẹp cho đời bằng đức hạnh. Hương các loài hoa không bay ngược chiều gió nhưng hương người đức hạnh của cụ bà già rồi đó lượm mảnh sành kia vẫn ngược gió tung bay. Thế nên một người nhà báo ở trên tỉnh thành phải ngược về miền quê phỏng vấn nhưng cuối cùng chẳng có một văn tự, ngôn lời nào có thể ghi lại được cái nghĩa cử cao đẹp của người mẹ. Cho nên chỉ còn có thể chụp hai cái hình, một cái hình của bà cụ cầm gậy, bị và hình của đống mảnh sành chất đống ở cửa nhà và chỉ ghi bốn chữ “làm đẹp cho đời”.
Các bạn, bà cụ lượm mảnh sành ở bên ngoài còn ta phải lượm mảnh sành ở trong tim. Các bạn sờ thử coi, coi chừng đứt tay đó, Bảo Thành nhiều lần sờ tim mình rút ra ui cha đổ máu. Bởi ở trong tim chất chứa toàn gai góc, toàn mảnh sành, toàn những cái điều sân hận có thể làm chết mọi người. Nhưng rất may nhờ ánh sáng của Chư Phật Bảo Thành không sợ đứt tay nhưng sợ trái tim ôm ấp những mảnh sành gai góc đó nên vẫn sẵn sàng thò vào trong tim để mang mảnh sành gai góc ra để mà chuyển hóa . Tu của nhà Phật là cái tu nhìn vào tự thân cầm gậy trí tuệ, cầm những cái bịch bao dung, từ bi để lượm lặt gai góc mảnh sành trong mảnh đời của chúng ta. Để từ đó ta biết nói lên hành động và suy nghĩ thật là thiện hảo làm đẹp cho đời. Các bạn thân mến
Rải tình thương từ mười phương chư Phật
Thắp trí tuệ từ ngọn đuốc chân như
Trổ búp sen trẩy mình qua bùn đất
Cuộc đời chúng ta là bùn, là đất, là tội lỗi, là lầm chấp, là sân si. Cái bùn đất của cuộc đời ai cũng có, Bảo Thành có, các bạn có. Chúng ta nếu định nghĩa cho đúng chỉ là một đống bùn hôi thối nhiều đời tích lũy lại ai đi ngang qua cũng phải bịt mũi. Nhưng không sao, không sao bởi ta đã mang tình thương của Chư Phật mười phương rải vào cái đống bùn lầy hôi thối của cuộc đời chúng ta và thắp cái trí tuệ từ cái ngọn đuốc Chân Như bởi Đức Phật đã khai thị để từ đó trong cái đống bùn lầy của cuộc đời trổ búp sen, trẩy mình qua bùn đất, nở đóa tâm dâng làm đẹp cho đời, ta nở đóa tâm ta dâng làm đẹp cho đời. Bà cụ biết dâng cái sức tàn của những tháng ngày cuối cùng lượm lặt mảnh sành ở đời, ở thôn, ở xóm làm đẹp cho con đường nơi thôn xóm. Thành tích của bà can qua trong biết bao cuộc chiến nuôi những người con thành tài nhưng chẳng vì thế mà bà ngồi ở trên ghế chễm chệ vỗ ngực xưng tên ta là mẹ của bác sĩ, luật sư. Bà vẫn một cái gậy truyền thống của ông bà, gậy trí tuệ với một cái bị, bị truyền thống của cha ông, cửu huyền thất tổ, bị từ bi và bao dung. Các bạn, chúng ta phải có trí tuệ , chúng ta phải có lòng bao dung, lượm lặt những gai góc, mảnh sành ở trong tim. Nếu gai góc, mảnh sành còn trong tim thì tất cả những tạo tác ta làm ra nhất định chẳng có thể tô điểm cho cuộc đời tươi đẹp được đâu. Làm đẹp cho đời không cần thiết phải có những hành động cao để cho muôn người thấy. Đó, bà cụ đó, chỉ lượm mảnh sành, mảnh sành thôi, có thể gọi cụ bà là bà cụ lượm mảnh sành. Nhưng bà lượm mảnh sành bằng gậy trí tuệ và cái bị bao dung, từ bi. Ta vốn có cái bị bao dung, từ bi từ cái tánh Phật Chân Như mà Phật khai thị rồi, ta vốn có cái cây gậy trí tuệ Phật đã trao qua giáo pháp của ngài. Sao chúng ta không chống cây gậy trí tuệ đập phá vô minh và mang tất cả gai góc của cuộc đời nhét vào trong cái bị bao dung và từ bi? Cuộc đời sẽ đẹp siết bao, làm đẹp cho đời là như vậy, ai cũng có thể làm được. Có kiến thức hay không, giàu có hay nghèo, địa vị nào trong xã hội ta cũng bình đẳng với nhau bởi có cây gậy trí tuệ Phật trao, có bị bao dung và từ bi vốn có trong Bổn Tánh Chân Như của chúng ta. Vậy thì làm sao đây? Chúng ta hãy:
Rải tình thương từ mười phương chư Phật
Thắp trí tuệ từ ngọn đuốc chân như
Trổ búp sen trẩy mình qua bùn đất
Nở đoá tâm dâng làm đẹp cho đời
Các bạn, cuộc đời rất cần những nghĩa cử cao đẹp bằng cách trở về với trái tim của mình để lượm mảnh sành gai góc. Môi miệng của ta phải như một đóa hoa thơm đi ngược chiều thời gian, làm đẹp cho muôn người. Tư tưởng của ta phải là cây trí tuệ nở hoa, nở quả trí tuệ cho muôn người. Và hành động của ta phải là một cái bị bao dung, từ ái để mọi hành động của ta đều lượm lặt gai góc, chông gai trong chính cuộc đời của mình và sẵn sàng dấn thân như bà cụ ở phút cuối của cuộc đời một gậy trí tuệ, một bi bao dung lượm lặt muôn sự chướng ngại ở đời, làm đẹp cho muôn người. Đây là ý nghĩa cao cả, Bảo Thành và các bạn đều có khả năng làm được, hãy làm đẹp cho đời.
Rải tình thương từ mười phương chư Phật
Thắp trí tuệ từ ngọn đuốc chân như
Trổ búp sen trẩy mình qua bùn đất
Nở đoá tâm dâng làm đẹp cho đời
Chúc các bạn trong những ngày tháng tới biết làm đẹp cho đời và khi làm đẹp cho đời bằng lượm lặt gai góc gương mặt của các bạn không cần phải đi thẩm mỹ, bác sĩ thẩm mỹ, không cần tô son trát phấn nữa. Các bạn sẽ đẹp thôi, đẹp như Bảo Thành nè! Các bạn sẽ cười nhưng thật sự Phật dạy tướng từ tâm sanh, tướng các bạn đẹp từ do tâm và chính vì cái tâm đó mà ai nhìn vào các bạn, các bạn không cần biết là hoa cúc, hoa hồng hay hoa gì đi nữa, mỗi loài hoa đều có cái đẹp viên dung. Mỗi một con người chúng ta có cái tâm thiện lành, biết làm đẹp cho đời bằng đức hạnh thì ai ai cũng rất đẹp. Dưới con mắt trí tuệ của người con Phật chúng ta sẽ nhận ra cái đẹp của nhau.
Cám ơn các bạn đã nghe qua. Chúng ta hãy chấp tay hồi hướng công đức này!
Chúng con nguyện hồi hướng công đức tới tất cả mọi loài chúng sanh đều thành Phật đạo và biết làm đẹp cho cuộc đời bằng nghĩa cử thanh cao và khiêm tốn.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật