Bảo Linh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện năng lượng Đại Từ Đại Bi của Mười Phương Chư Phật ban rải xuống cho muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn đang gặp gỡ Bảo Thành qua kênh Youtube Thiền Mật Tông Thất Bảo Huyền Môn. Hạnh phúc thay hôm nay chúng ta lại gặp nhau. Trong cuộc đời có những lời tán thán giúp cho chúng ta vui, có những lời khen ngợi giúp cho chúng ta tăng phần hạnh phúc. Bởi lời khen ở trên đời ngày nay thật hiếm có, mà sự chê bai thì luôn nhiều. Do đó, trong cuộc sống của chúng ta phiền não, khổ đau thì nhiều, gây phiền hà cho nhau thì nhiều, nhưng nếu như tạo cho nhau có sự hưng phấn sống an vui trong cuộc đời khó quá. Bởi ta quá tiết kiệm những lời khen, nhưng khen như thế nào để được hạnh phúc, khen như thế nào để đúng nghĩa với lời khen chân thật của Đức Phật dạy. Nghĩa là ái ngữ, ái ngữ sách tấn lẫn nhau, ái ngữ là áo nghĩa thâm sâu.
Các bạn, có câu chuyện kể rằng: Lúc xưa, có một đứa nhỏ nó tinh nghịch ở trong xóm, nó nghịch, nó nghịch vô cùng, nghịch đến mức mà ai cũng phải kêu nó là ông trời con, bởi nó nghịch không ai có thể cản được. Cha mẹ nó không thể cản được, bởi nó là đứa trẻ tinh nghịch. Ít có ai thấy nó nghịch mà nói lời gì, cho nên càng ngày nó càng nghịch ngợm nhiều hơn. Và một hôm ở trong làng đó có một ông quan đi dạo qua, đứa nhỏ nó mới nghĩ rằng ông quan đi ngang làng của ta để ta có thể nhìn được ông quan một cách rõ ràng. Nó trèo lên cây thật là cao, và nó chờ khi ông quan đi dưới ngay gốc cây đó nó nhìn thấy ông quan thì lập tức nó mới lấy đất đá nó thả xuống đầu ông quan. Bởi vì nó là đứa trẻ tinh nghịch, trong lòng của nó chỉ nghịch mà thôi không ngoài một ý nghĩ nào khác. Khi đất và đá rơi vào đầu của ông quan, ông quan liền khều tay kêu đứa nhỏ từ trên cây xuống. Đứa nhỏ nó cứ ngây thơ đi xuống và ông quan đã xoa đầu của nó và khen giỏi giỏi giỏi, khen như vậy nhiều lần và lấy trong túi ra một lượng vàng cho đứa nhỏ rồi ông ta đi. Đứa nhỏ về hạnh phúc lắm, trời ơi mình thảy có một nắm đất đá vào đầu người ta được một lượng vàng nó đi khoe khắp xóm, khoe cha mẹ thì cha mẹ không biết nói gì bởi đứa con mình nghịch quá từ xưa giờ, nghịch đầu trên xóm dưới, nghịch người ta la, người ta mắng, người ta chửi, rồi nó cũng nhây như vậy đó, vì cha mẹ nói hoài nó cũng không nghe. Mà hôm nay nó thảy đất đá xuống đầu ông quan, ông quan cho một lượng vàng, họ cũng bàng hoàng suy nghĩ không biết sao. Họ cũng chẳng nói gì nhiều, phân tích chi cho đứa con hiểu được điều đó.
Thế rồi một hôm nó lại nghe tin có nhà vua sẽ đi ngang thôn của nó, xóm của nó. Nó nghĩ thầm ở trong bụng, ông quan cho ta một lượng vàng khi thả đất đá xuống, như vậy khi ông vua ông giàu hơn, ông làm chủ cả đất nước này vàng bạc của ông nhiều, tiền đâu cho hết, cho nên ổng có thể cho mình nhiều hơn. Đứa nhỏ khi thấy vua sắp qua, trèo lên cây mang nhiều đất và nhiều đá hơn, rồi khi vua đi ngang nó thả thả thả xuống một đống như vậy. Vua nhìn lên thấy đứa nhỏ, cũng khều tay gọi nó xuống. Nó hớn hở tuột xuống thật là nhanh. Hôm xưa ông quan gọi nó còn lưỡng lự, bởi đó là lần đầu nó thả đất đá lên đầu ông quan, ông quan gọi xuống nó không biết sao. Nhưng lần này vua gọi nó tuột xuống thật nhanh, bởi trong lòng nó thầm nghĩ nó sẽ được nhiều tiền nữa. Thế nhưng khi nó tuột xuống gần trước nhà vua, nhà vua cũng đặt tay lên đầu xoa đầu nó, nhưng không nói một lời, nhà vua lặng lẽ rút bảo kiếm chém một phát thế là đầu nó rụng khỏi thân.
Các bạn thân mến. Nếu qua câu chuyện này, cũng một lời khen nhưng mà khen không chân thật, khen không đúng, cái hại tới ngay cho người được tặng lời khen đó. Ông quan kia nếu như ông ấy là một người quan tốt, ông thấy đứa nhỏ sai, ổng không cần thiết phải hành hạ đánh hoặc chửi bới nhưng ông vẫn có thể nếu trong lòng của ông có đức độ và nhân ái, sẽ gọi đứa nhỏ xuống khuyên răn và chỉ bảo một cách nhẹ nhàng, hoặc đôi khi nghiêm một chút để đứa nhỏ cảnh tĩnh không làm bậy nữa, nhưng ông ta đã khen. Giữa hai lời khen cố ý để làm cho đứa nhỏ hư, hay chỉ là khen vô tình để đứa nhỏ hư, cố ý hay không cố ý thì lời khen đó hoàn toàn không có tốt. Bởi một sự việc sai trái rõ ràng cho một đứa nhỏ chưa có đủ trí khôn nhận biết, chúng ta là người lớn phải có trách nhiệm sửa sai để đứa nhỏ sửa.
Trong cuộc sống của chúng ta không phân biệt tuổi tác trẻ nhỏ hay người lớn, có lẽ trong xã hội này ta sợ phiền hà tới người khác, nên có nhiều người nói thật là sai, chúng ta vẫn cười ha hả, tán tụng và khen hay, khen đúng, lâu dần chúng ta trở thành như con vẹt chỉ biết khen, biết sai vẫn khen, biết là không đúng vẫn khen, bởi vì không thích người ta buồn. Câu hỏi là khi chúng ta khen một điều thật là sai bởi không muốn người ta buồn đúng hay sai? Coi chừng chúng ta lấy có một hành động khen một cách quá đáng như ông quan kia, để rồi lời khen của chúng ta tạo ngẫu hứng tự cao tự đại cho đối tượng nói những lời sai trái đó, để họ trở thành những con người nói hoài những điều không đúng và có thể hại đến thân của họ. Như đứa nhỏ kia làm sai được quan khen và tặng vàng, trèo cây thả đất đá xuống vua nên bị đứt đầu.
Các bạn thân mến. Nhưng nếu chúng ta chê bai, hoặc ngăn chặn, hoặc sửa sai có được hay không, cái đó tùy duyên. Không nhất thiết phải sửa, không nhất thiết phải chê bai, nhưng nếu đúng, nếu đúng với tâm trạng, nếu đúng nhân duyên, nếu phù hợp với thời gian, với cảnh ngộ giữa người với người khi nói những chuyện sai, hoặc là những chuyện sai ta khéo léo sử dụng những phương tiện để khuyên bảo họ một cách nhẹ nhàng để họ ngừng. Còn nếu như nhân duyên chưa đủ, chúng ta chỉ cần giữ im lặng và nguyện xin sự tĩnh thức, nguyện xin sự tĩnh thức của những Bậc Giác Ngộ đánh thức kẻ đó, chúng ta không nên đồng tình với cái sai đó. Cuộc sống có nhiều điều phức tạp, giữa cuộc đời này có những lời nói thật là sai từ người khác, chúng ta thấy sai, chúng ta biết sai, nhưng chúng ta không dám nói, chúng ta lại không giữ im lặng chánh niệm, mà chúng ta hùa theo để tán tụng, cho nên đối tượng nói sai kia như diều gặp gió, như lúa gặp mùa, cứ vậy làm sai hoài.
Không những trong đứa bạn đồng trang lứa mà ngay cả bậc lớn hơn như cha mẹ hay con cái sai ngày nay cũng ngại sửa chữa chúng. Bởi không phải chỉ con cái mình sai mà hầu hết xã hội ngày nay trong môi trường sống nó có điều gì sai sai khó sửa, mà chúng ta cũng khó nói. Không hẳn như vậy mà ngay cả những bậc xuất gia đi tu, tôn giáo này hay tôn giáo khác, khi thấy cái sai của Phật tử họ nói với mình, khi thấy cái sai của giáo dân họ nói với mình, cũng ngại ngại sửa sai cho họ một cách khéo léo, đôi khi cũng chẳng giữ im lặng trong chánh niệm, còn kết nối tiếp ứng cho cái sai của người tiếp tục.
Không phải ai cũng làm điều đó, không phải ai cũng như ông quan kia, dĩ nhiên điều đó Bảo Thành biết. Nhưng câu chuyện gợi ý cho cuộc đời của chúng ta là ai có đủ dũng lực, niềm tự tin vào chánh pháp, vào pháp thiện, và ai có đủ lòng nhân ái khéo sử dụng phương tiện để mà khuyên bảo những ai đang nói sai, những ai đang làm sai để họ biết dừng, biết lắng đọng, biết suy nghĩ để họ đừng có chui sâu vào những vùng đen tối của những phong cách nói và làm sai hoài. Để họ ngừng tạo nghiệp, mong rằng tĩnh thức để tạo ra chút phước đức sống an vui trong cuộc sống. Dạy cho bản thân của mình đã khó, khuyên bảo bản thân cũng đã khó rồi, thì khuyên bảo người khác càng khó hơn nữa. Tuy nhiên ở trên đời có những cái thật là sai, những cái thật là sai mà ta có nhân duyên tương tác với một con người nói sai làm sai, ít nhất chúng ta cũng phải giữ trong chánh niệm, niệm Phật, tu tập dùng công năng đức hạnh mà ta tu hồi hướng cho đối tượng đó để đối tượng đó dung thông với Trí Tuệ hiểu biết đúng nhân quả, để ngừng đừng tiếp tay với những người đó bằng cách tán tụng, bằng cách khen họ, bằng cách hùa vào để cho họ được vui, nhưng rồi sự sai trái đó vẫn tiếp tục tạo ra nghiệp, dần dần họ mất hết phước báu, dần dần họ sẽ đau khổ, và dần dần họ sẽ quên đi bản thân của họ là một vị Phật trong tương lai, và họ đã biến họ thành một quỷ vương nói những chuyện xằng bậy trong cuộc đời.
Một câu chuyện về ông quan với một đứa nhỏ tặng một thỏi vàng cũng như khi chúng ta khen một người nói sai, và tặng cho họ những lời khen thật là mĩ mãn, như vậy vô tình chúng ta đã để cho đứa nhỏ bị nhà vua chém đầu. Và cũng vô tình chúng ta đã để cho những người làm sai, nói sai kia bị rơi rụng hết những phước báu của họ đang có. Thương là biết sửa, tu là biết sửa, chúng ta tu để sửa ta, ta vẫn tu để khéo phương tiện sửa cho người đang sai. Mấu chốt quan trọng của chúng ta là phải thật khéo, thật là khéo để mọi người được an vui. Nguyện chúc chúng ta tư duy thật là nhiều khéo sử dụng đa phương tiện giúp cho mình và giúp cho người, chúng ta chấm dứt những sự sai trái, những lời nói sai, những hành động sai để mọi người được an vui.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa