Bảo Giác Tường đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh facebook “Chua Xa Loi”.
Các bạn ơi! Câu chuyện kể rằng có một tên đầu trộm đuôi cướp, hung hăng một thời, trộm cướp nhiều lần rồi. Cho đến lúc anh ta bị lộ mánh không trốn được nữa, đi đâu cũng bị dân chúng đuổi đánh đập, anh ta khổ, khổ đến nỗi mà cái khổ của anh ta chồng chất cao tới tận trời, chẳng có hạnh phúc. “Đầu trộm đuôi cướp” nhiều năm nhiều tháng bị lộ tẩy đó, ai gặp cũng chửi cũng mắng cũng đánh cũng đuổi, thậm chí muốn giết anh ta nữa, cho nên anh ta khổ lắm! Trong tâm trạng khổ đau muôn trùng, anh ta khao khát niềm hạnh phúc, nhưng chẳng thể tìm được hạnh phúc, bởi đi đâu cũng bị đánh đập, chửi bới, xua đuổi, công ăn việc làm không có, tới nơi đâu cũng bị hắt hủi, chẳng ai coi trọng, khinh thường, muốn làm lại từ đầu cũng khó. Người ta cứ nhìn vào quá khứ, chê bai, đánh đập, xua đuổi, chẳng nhận việc làm. Anh ta khổ! Và rồi anh ta nghĩ rằng chỉ có những người đi tu mới có được bí kíp, chìa khoá hướng dẫn cho anh ta tìm về với hạnh phúc. Anh ta nghe đâu đó trên ngọn núi trên khu rừng có một bậc đạo học cao siêu, biết cách chỉ cho mọi người tìm được hạnh phúc. Anh ta tích lũy được một số lương thực, bốn ngày trời liên tục mới diện kiến được bậc đạo học trên núi.
Anh ta ngồi xuống và nói thẳng với bậc đạo học rằng: “Tôi là kẻ đầu trộm đuôi cướp, bao nhiêu năm trời ăn cướp, ăn cắp, ăn trộm, rồi đến lúc bị lộ ra rồi, trốn chui trốn lủi ai cũng nhận ra. Và người ta xua đuổi, đánh đập, chửi bới, tôi muốn tìm lại cuộc sống hạnh phúc, tôi muốn tái tạo lại cuộc đời, họ không chấp nhận, họ ôm quá khứ, họ dẫm lên mặt, họ đập lên trên đầu. Tôi trốn tôi chạy. Làng xa xóm gần, tôi không còn chỗ chung thân. Khao khát của tôi là chỉ cần có hạnh phúc. Tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn được hạnh phúc! Xin sư hãy dạy cho tôi”. Vị đạo học ở trên núi ngồi xuống uống nước, nhìn thân tướng của anh chàng kia, khởi lên tâm từ bi yêu thương, thấy tội nghiệp cho một người thực sự quá khứ rất xấu nhưng mang lòng khao khát muốn thay đổi, muốn chuyển hoá để có được hạnh phúc. Cho nên, mới nói với anh ta rằng: “anh bỏ cái tôi đi!”. Anh ta ngơ ngác. Anh ta nói: “tôi muốn được hạnh phúc, bỏ cái gì! Tôi tới đây là muốn được hạnh phúc”. Nhà sư nói: “anh hãy bỏ chữ “tôi” đi!”. Anh ta ngạc nhiên lắm. Anh ta nói: “muốn bỏ chữ “tôi” thì bỏ, giờ muốn được hạnh phúc, ông dạy cho tôi đi!”. Nhà sư lại dạy bỏ chữ “muốn được”. Anh ta trầm ngâm suy nghĩ “bỏ cả ba chữ sao? – TÔI MUỐN ĐƯỢC”. Anh ta chưa hiểu. Nhà sư mới hỏi anh ta: “Nếu như anh bỏ chữ “tôi” và “muốn được”, thì nguyên câu anh còn lại là gì?”. Anh ta lúc này mới ngỡ ra, nguyên câu khi bỏ đi “tôi muốn được”, chỉ còn lại “hạnh phúc” mà thôi! Anh ta liền quỳ xuống khóc than, nhận vị đạo học kia là thầy, và từ đó quy sơn ẩn ở trong núi, học đạo. Anh ta hạnh phúc vô cùng!
Các bạn! Nó mang cái ý nghĩa, chúng ta ở trên đời có biết bao nhiêu cái khổ, tôi khổ, tôi đau, tôi buồn. Rồi cái tôi khổ, tôi đau, tôi buồn đó, nó không nằm ở trong tâm, nó không ở trong trái tim. Mình đi tới đâu, gặp người bạn, ta lại muốn nhân giống khổ “Ô tôi khổ, tôi đau, tôi buồn” vào trong tâm tưởng của người bạn. Gặp cha gặp mẹ cũng lại nói “con đau, con khổ con buồn”, muốn cái đau, cái khổ của mình chui vào trong tâm, trong đầu của cha mẹ. Có vợ có chồng thì lại nói “chồng buồn, chồng khổ, chồng đau”, vợ cũng như vậy! Như vậy cái khổ, cái đau, cái buồn của ta, ta lại muốn đặt để vào trong người khác. Còn hạnh phúc thì sung sướng “à…tôi có được hạnh phúc, tôi có được hạnh phúc, tôi có được…”. Cái gì cũng “tôi có được, tôi có được, tôi muốn được…”.
Chính vì ta đặt trọng tâm của cuộc đời trên chữ “tôi muốn được, tôi có được”, chính tâm “muốn được” sinh lòng tham, tâm tham trỗi dậy. Chính tâm “tôi có được” nó ám ảnh, nó tăng trưởng cống cao ngã mạn, để thay đổi cuộc đời của con người có được hạnh phúc, phải thay đổi quan niệm của cuộc sống. Bỏ đi cái “tôi muốn được” và cái “tôi có được”, chỉ nhìn thấy hạnh phúc là cứu cánh đi tới, thì dù cho tôi có là đầu trộm đuôi cướp, dù tôi có bị người ta hắt hủi, xua đuổi, dù tôi có bị người ta chà đạp nhân phẩm, đánh đập đi nữa thì hạnh phúc không vì thế mà không hiện diện trong cuộc đời. Hạnh phúc sẽ mất đi khi “tôi muốn có”, hoặc “tôi có được”. Cho nên nếu các bạn có hạnh phúc, cảm giác hạnh phúc mà cứ đi khoe rằng “tôi có hạnh phúc”, càng khoe càng nói nó càng mất. Nếu các bạn có tiền, có của mà các bạn khoe “tôi có nhiều tiền, tôi có nhiều của”, nó sẽ mất đi đấy! Cái gì có, càng nói càng mất, càng khoe càng hao!
Cho nên, các bạn thấy chưa, người xưa nói rất tinh tế. Bạn không tin, bạn có tiền tài, bạn cứ khoe đi, tiền nó sẽ mất à! Bởi những người khác họ nghe thấy, họ có thể trèo tường khoét vách lấy trộm của các bạn. Mà thường ở đời người khoe khoang thì rỗng, là nó sẽ rỗng từ từ nó mất đi. Cho nên ở đời đừng có khoe, khiêm tốn một chút, hạnh phúc vẫn còn, tiền tài vẫn dư, phước lộc vẫn có. Bỏ cái “tôi muốn được, tôi có được”, chỉ còn hạnh phúc tồn tại. Anh chàng đó đã đi tìm, đã học nhưng chẳng có hạnh phúc là bởi trong lòng luôn khao khát “tôi muốn được hạnh phúc, tôi muốn có hạnh phúc”. Khi lão sư dạy hãy bỏ chữ “tôi muốn có, tôi muốn được” thì hạnh phúc ngay trước mắt. Và đúng, anh ta đã tìm ra được nguồn hạnh phúc khi không còn cái tôi cống cao ngã mạn, chẳng còn lòng tham khao khát có cho được, mà chỉ tận hưởng những giây phút hiện tại hạnh phúc ngay đó, anh ta đã trở thành một con người mới toàn diện, sống kề cạnh gần cái cốc của lão sư – trở thành học trò.
Mỗi người trong chúng ta đều có độ lớn của cái tôi riêng mình, ai cũng vậy, mình là người mà, tránh sao được! Nhưng nhất định phải tới với Phật, mượn cái kéo, cái dũa, cái búa của Phật để mình đập cho nó mòn dần đi, dũa cho nó bé đi và cắt cho nó nhỏ ra. Cái tôi càng lớn, hạnh phúc càng bị hao mòn. Cái tôi càng lớn càng hao tài tốn của, tốn sức, tán tài, tán lộc, tán phước. Còn nếu chúng ta không còn cái “tôi muốn” thì chúng ta sẽ tấn tài, tấn lộc, tấn phước. Tấn và tán, bạn chọn cái nào? Dĩ nhiên chúng ta muốn chọn sự tấn tài, tấn lộc, tấn phước. Muốn vậy, thì phải mượn cái kéo của nhà Phật, cái kéo của nhà Phật tức là tam bảo quy y với tam bảo để cắt đi cái tôi của mình, khiêm tốn, nhẹ nhàng, khiêm cung, học hỏi. Cái búa của nhà Phật là năm giới, đóng cọc cho chặt chẽ, giữ cho đàng hoàng, thì cái tôi của mình với cái búa năm giới, đập nó sẽ bể thôi. Các bạn thấy không! Còn nếu các bạn muốn giũa cho mòn đi, thì các bạn cố gắng giữ đời sống chánh niệm, thì mượn cái giũa của đời sống chánh niệm, bạn giũa, giũa…cái tôi nó sẽ nhỏ bé, mòn đi nhanh thôi!
Sống ở trên đời, bỏ cái tôi đi, bỏ cái “tôi muốn có”, bỏ cái “tôi có được” đi, để hạnh phúc luôn hiện diện, để bình an luôn có, và chúng ta luôn sống với nó, chẳng phải cứ “tôi, tôi, tôi, tôi…”. Trên đời mà cứ sống với chữ tôi thì những người chung quanh ta sẽ cảm thấy tẻ nhạt lắm, bởi vì ta ích kỷ. Sống bỏ cái tôi đi, sống với mọi người, sống dung hòa, sống lan tỏa, sống với cái tâm mênh mông để muôn người có thể ở cùng trong đời này, hiện kiếp này, giây phút này với ta. Đời sống thật là ngắn, nhưng nếu chúng ta biết sống trong thực tại, trong hiện tại, sống như vị thiền sư dạy, bỏ cái tôi, sống ngay trong hiện tại, hạnh phúc sẽ hiển ngự và cuộc đời của ta sẽ tràn đầy niềm vui.
Không cần biết quá khứ của bạn là gì! Như tên trộm kia, chẳng sao! Vì hạnh phúc không bao giờ khước từ anh ta, bởi vì anh ta đã biết bỏ cái “tôi muốn có” hạnh phúc, thì hạnh phúc hiện diện ngay trước mặt. Bỏ bớt cái “tôi muốn có” thì ta có tất cả. Đây là chân lý, các bạn thực hành các bạn sẽ thấu rõ. Những gì các bạn ham muốn có, nó càng rời xa tầm tay, bởi sự ham muốn đó là có cái tôi. Bỏ cái tôi đi, chỉ phát nguyện thành tựu, thành tựu được sự hạnh phúc, thì hạnh phúc ngay chỗ đó. Muốn có được sự hạnh phúc, hạnh phúc sẽ xa tầm tay. Hãy sống một đời sống đạo đức và sống chánh niệm, hạnh phúc luôn luôn hiện diện trong lòng các bạn, dù quá khứ của một thời như thế nào không quan trọng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa