Bảo Ngân đánh máy
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời Cho đi bằng tất cả niềm vui Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp Từ bi - Bồ Tát hạnh sáng soi
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Bảo Thành kính chào quý thầy, quý sư cô và các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook. Hôm nay thứ bảy, trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, giờ tu đã tới, mời các bạn cùng tăng thân chùa Xá Lợi quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo Phật, Pháp, Tăng để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết ý thức tự đứng dậy thắp đuốc tuệ qua Chánh Niệm hơi thở, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện xin chư Phật gia trì cho tất cả quý hương linh vừa vãng sanh đều theo thiện nghiệp của mình mà tái sanh. Nguyện cho tất cả quý Phật tử đang lâm bệnh tinh tấn quán chiếu hiểu thấu được thân Vô Thường, tăng trưởng các phước báu bằng các pháp thiện lành để đủ phước gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Đồng nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh được an lạc, chấm dứt chiến tranh. Mời các bạn cùng với Bảo Thành đồng trì hồng danh chư Phật, trì Chú Đại Bi, Vãng sanh, Thất Bảo Huyền Môn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô A Di Đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rị đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Các bạn thân mến, mỗi một thứ bảy, chúng ta có sự đồng tu Sống Trong Chánh Niệm. Sống trong Chánh Niệm cần phải ý thức và mang vào thực hành trong đời sống của quý Phật tử tại gia, ngay cả đối với các bậc xuất gia. Vẫn biết đời là hư ảo tuy nhiên thật hấp dẫn. Cái hư ảo của cuộc đời hấp dẫn đến mức lôi kéo chúng ta trượt dài mãi trong những cánh đồng thật đẹp của đồng tiền, của danh phận, của tình cảm, của biết bao hiện tượng vật chất và những sự thu hút của đời người. Bảo Thành và các bạn, ai ai chúng ta cũng bị cuộc đời hư ảo nó cám dỗ, nó dẫn dụ, nó làm cho mê mẩn. Đó cũng là sự thường của đời người, không có gì phải hổ thẹn. Nhưng trong cái sự đời rất thường không cần phải hổ thẹn kia, nếu không nhận rõ những cái gọi là phương tiện của cuộc đời sẽ biến thành những công cụ ràng buộc và nhận chìm chúng ta trong tham chấp của đau khổ.
Một đời sống Chánh Niệm phải biết diệu dụng trong từng giây phút của cuộc đời, mang cái năng lượng tình thương của các pháp thiện lành ứng dụng rất cụ thể vào ngay đời sống trong gia đình, đời sống của Phật tử xuất gia hoặc của Phật tử tại gia. Bất cứ chỗ nào nơi ta sinh sống, nơi chúng ta sinh hoạt đều có thể ứng dụng được đời sống Chánh Niệm vào trong đó để tăng trưởng sự lợi lạc, vị tha, yêu thương, hạnh phúc, bình yên. Vốn cuộc đời là sóng gió của biết bao nhiêu giông bão thử thách, mấy ai có thể đứng vững được đâu. Nếu thiếu đi Chánh Niệm, ta sẽ bị cuốn trôi mãi không thể đứng dậy được. Đời sống Chánh Niệm nhắc nhở chúng ta trở về với hiện tại, với thực tại của cuộc sống qua lời Đức Phật dạy: lấy cái Trí Tuệ nhận thức thật rõ trong từng hơi thở vào ra, tăng trưởng tình thương đối với ta và đối với tất cả những ai ta có nhân duyên hiện hữu, gần gũi, tương tác trong cuộc sống. Trong cái Trí Tuệ hiện bày của Chánh Niệm hơi thở với sự tịch tĩnh an nhiên, với tình thương bao trùm phủ khắp và với sự tỉnh thức trong từng giây phút, các bạn sẽ thấm được ý nghĩa của chủ đề một bạn trẻ gửi về ngày hôm nay. Trên màn hình chúng ta thấy chủ đề: “Hy Sinh Thầm Lặng”.
Ở trên đời này đã có quá nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng ở trong cuộc đời để mang yêu thương san sẻ với mọi người, mặt chẳng lộ, tên cũng chẳng phô bày ở bên ngoài, rất thầm lặng. Thật nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng kia thật cao cả! Mở đầu sự đồng tu ngày hôm nay chúng ta nghe được một bài nhạc cho ca nhạc sỹ Linh Nghy sáng tác trong mùa dịch vừa qua, dẫn đưa chúng ta về những thiên thần áo trắng hy sinh một cách thầm lặng ở những cái tuyến đầu gian truân nguy hiểm, có thể phải hy sinh cả thân mạng, đời sống để cứu giúp và an ủi những người đang bị dịch bệnh. Nghe lại bài hát trong lòng xúc động, xúc động vô cùng. Hy sinh thầm lặng! Đã có nhiều vị thiên thần áo trắng, nghĩa là đã có nhiều vị bác sĩ, các y tá trên toàn thế giới nói chung và ở nơi nước Việt Nam nói riêng đã ra đi vĩnh viễn để cho người không quen biết được sống trở lại. Đúng là một sự hy sinh cao cả vô biên! Ai có thể thể hiện sự hy sinh thầm lặng như thế, nhất định người ấy phải là người có tâm hồn Bồ tát, phải có tình yêu thật lớn.
Các bạn ơi, đừng, đừng đứng ở đó mà dành phần đầu hai chữ “Bồ tát” thuộc về Phật giáo. Tình thương lớn được gọi là Bồ tát chẳng trực thuộc một giáo phái, một tôn giáo nào hết. Nó khởi lên từ trái tim biết san sẻ biết yêu thương rất người. Hy sinh thầm lặng chẳng phân biệt tôn giáo, môn phái, đẳng cấp, giàu nghèo, có học thức hoặc không học. Hy sinh thầm lặng nó rất ư thánh thiện, là trân bảo của đời người vốn có. Chỉ cần chúng ta nhận thức ra, phát triển thì nhất định mỗi người chúng ta, ai ai trong chúng ta cũng sẵn sàng hy sinh một cách thầm lặng cho sự sống, cho sự an vui hạnh phúc của muôn người. Nếu theo gương Đức Phật thì cả muôn loài chúng sanh, chúng ta đều thầm lặng hy sinh, hiến dâng.
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời
Cho đi bằng tất cả niềm vui
Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp
Từ bi Bồ tát hạnh sáng soi.
Cũng trong những năm dịch, không phải chỉ cái đại dịch ta mới thấy được sự hy sinh thầm lặng, nhưng chính trong dịch bệnh ta thấy rõ hơn. Ngoài những bác sĩ, y tá hy sinh thầm lặng, chúng ta thấy biết bao nhiêu con người chỉ nhìn thấy được hai con mắt, bịt kín mặt, như các nhà sư, các sư cô, như các ma sơ, như các linh mục, như các Phật tử, các giáo hữu nơi các tôn giáo khác, tất cả mọi tầng lớp ai ai họ cũng kéo dài đôi bàn tay thật mỏng, thật xanh xao trong sự lo lắng cho những người khác, để từ đó mang tình yêu thương tới muôn nơi.
Các bạn thân mến, “Hy Sinh Thầm Lặng” ấy là một chủ đề rất gần gũi với đời sống của con người. Không ai xa, biết bao nhiêu những người trong chúng ta đã hy sinh thật nhiều cho những người mình yêu thương. Một trong những người gương mẫu nhất mà hy sinh thầm lặng trong gia đình đó chính là người cha của chúng ta. Dù nam hay nữ ít có khi nào nghe được tiếng nói của cha nói những ngôn tình yêu thương đối với con cái. Có chăng là ánh mắt hùng dũng, có cái sức mạnh di sơn dời hải của cha nhìn vào ta, trao truyền cho ta cái năng lượng đứng dậy để vươn đôi vai, có sự che chở của cha, của mẹ, đi về phía trước thành tựu được an lạc, hạnh phúc. Cha của chúng ta chính là một tấm gương, một vị đại Bồ tát trong gia đình. Không cần biết gian khổ như thế nào, cha, đấng đã sinh ra ta hy sinh tất cả. Đây là một tấm gương hy sinh thầm lặng mà những người con như Bảo Thành và các bạn cần phải nhận diện ra khi chúng ta còn chưa muộn, nghĩa là chúng ta còn có cha ở bên đời. Dĩ nhiên bên cạnh người cha hy sinh thầm lặng đó phải luôn luôn là người mẹ trái tim như biển trời, yêu thương một cách thầm lặng, hy sinh cả xương máu cuộc đời cho chúng ta. Thật đúng!
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời
Cho đi bằng tất cả niềm vui
Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp
Từ bi Bồ tát hạnh sáng soi.
Gương hy sinh thầm lặng là hạnh của Bồ tát Quan Thế Âm, đấng mà rất rất gần gũi với đời sống của con người được hoá hiện qua thân xác của cha, của mẹ, của tất cả những vị ân nhân đã đi qua cuộc đời của chúng ta bằng những nghĩa cử thâm diệu, đơn sơ, và bình thường, mang lại hơi ấm cho đời người. Chúng ta thấy thật nhiều những cái hạnh Bồ tát sáng soi trong lòng của biết bao nhiêu con người ta tiếp cận: cha mẹ, ông bà, vợ chồng, ngay cả tình bằng hữu hay trong tình yêu, giữa người yêu với người yêu, giữa bạn với bạn, giữa người thân, hay là giữa những người đi đường ta thoáng gặp qua một lần cũng thấy nơi ánh mắt của nhau có ánh sáng soi nơi cái lòng từ bi Bồ tát hạnh. Họ không nói, họ không tới vỗ ngực trước mặt ta để xưng danh, nhưng thầm lặng, thầm lặng, thầm lặng hy sinh, phụng hiến cho muôn người.
Nếu như trên Thế giới này, Trái Đất hành tinh này, sự ích kỷ của con người đứng đầu mọi suy nghĩ, lời nói và hành động thì lửa sân giận sẽ thiêu cháy tất cả sự sống. Còn tồn tại đến ngày nay, đặc biệt qua cơn đại dịch, hay trải qua biết bao nhiêu đoạn trường của cuộc đời chúng ta vẫn còn có nhau, đó chính là nhờ biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng của muôn người. Nhiều những tấm gương như thế, ta chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim, bằng tình yêu đích thực. Còn không, mấy ai có thể nhận ra được tình yêu, sự hy sinh thầm lặng của tất cả những người mà ta có nhân duyên gặp gỡ họ. Đôi khi chẳng gặp mặt đối mặt, mà gặp qua những ân tình nhỏ bé trao cho nhau. Bảo Thành nhớ thầy Bảo Định ngồi phía sau, trong đại dịch cũng lam lũ như các sư, các sư cô, các ma sơ, quý linh mục, quý vị tu sĩ, quý Phật tử, quý giáo dân đồng một lòng hy sinh một cách thầm lặng. Băng qua những rừng người, đưa những món quà thật bé để giúp đỡ trong cơn đói và khát, chẳng màng đến sức khỏe, đến sự sống dù dịch có thể giết chết họ. Mang những món quà phương xa, nói theo cái từ văn chương một chút xíu thì phải đi ăn mày khắp chốn để mang những tặng phẩm vô giá của tình người thật nhỏ bé nhưng quá lớn lao chia sẻ. Đây là tấm gương ai cũng nhận ra, nhưng mấy ai trong chúng ta có thể nhận ra sự hy sinh một cách thầm lặng của người cha, người mẹ, của vợ chồng, của người yêu, của tình bạn. Người Việt Nam chúng ta có cái tánh khiêm tốn, khiêm cung nên ít có khi nào phô trương thân thế. Phải có một con mắt tinh tế quán chiếu thì mới nhận ra.
Bảo Thành nhớ về cha của mình. Thuở những năm 1975 đến những năm 80. Tình hình thời đó ở Việt Nam căng, căng đến mức mà chúng ta phải lấy cái dây cột cái bụng cho căng bởi không có đồ ăn. Cha của Bảo Thành hồi xưa là một nha sĩ, bác sĩ, cả đời chỉ biết chữa bệnh. Thế mà thời đó, cha phải tần tảo sớm hôm, phải lao đầu lên trên ruộng, mang đôi bàn tay chỉ biết chích, biết cứu người đó biến thành chai sạn bởi cầm cuốc, cày cấy bằng sức người, có gạo có khoai mang về nuôi mẹ, nuôi vợ và các con. Thuở đó sao mình hờ hững, thiếu cái sự tinh tế để nhận ra, chẳng cảm nhận được sự gian khổ, hy sinh thầm lặng của cha. Cho tới những năm lặng lẽ gom được ít tiền, dành dụm cả cuộc đời cơ hàn tạo điều kiện cho Bảo Thành và người thân đi ra nước ngoài, lại tiếp tục thầm lặng hy sinh ở nước nhà. Côi cút một mình, nói sao cũng chẳng chịu đi ra nước ngoài bởi yêu thương các con, vẫn thầm lặng hy sinh, không muốn là gánh nặng cho con cái của mình. Năm năm đã trôi qua, thân phụ đã ra đi, chủ đề này gợi nhớ về một tấm gương siêu xuất của cha mình và của tất cả những người cha, người mẹ trên thế gian, của tất cả những bác sĩ, y tá, của các sư thầy, sư cô, của các vị linh mục, ma sơ, của các giáo dân, cộng đồng, của tất cả mọi người, của tình vợ chồng, tình bằng hữu, của tình yêu. Đặc biệt nhìn cho thẩm thấu được cái sự hy sinh thầm lặng còn có tấm gương của các bậc đạo sư, của các bậc tổ sư, của các vị thầy, các bậc tôn túc kính yêu thầm lặng hy sinh cả cuộc đời, mang trái tim nhỏ bé biến thành biển trời từ bi để từ đó
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời
Cho đi bằng tất cả niềm vui
Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp
Từ bi Bồ tát hạnh sáng soi.
Chúng ta đã thấy được các Bồ tát ở khắp nơi. Và nếu không thấy được hạnh Bồ tát đó, người Phật tử tại gia thật sự học Phật mà không có Phật ở trong tâm. Chúng ta học một cách máy móc quá. Nếu học Phật thực sự thì phải nhận ra cái hạnh Bồ tát sáng soi hiển linh vi diệu siêu thế nơi tất cả mọi con người đang sống với chúng ta. Nhận ra được sự hy sinh thầm lặng là có ánh mắt vi diệu, là có pháp nhãn rồi, bởi vì ta nhìn được cái công hạnh Bồ tát của sự hy sinh thầm lặng nơi những con người đang kề cận chúng ta. Thấy như vậy mà ta không tự hiến cuộc đời để thầm lặng hy sinh cho tất cả thì cái thấy của chúng ta là cái thấy của sự mù lòa. Học Phật trăm năm vô lượng kiếp chẳng có lợi. Thấy được sự hy sinh của các đấng ấy thì ta, Bảo Thành và các bạn cũng phải thầm lặng hy sinh cho nhau. Hy sinh bằng cả một niềm vui không oán trách, hy sinh không đợi sự cảm ơn và báo đáp. Hy sinh là hạnh sáng soi của Bồ tát Quan Thế Âm. Và trong chúng ta, ai ai cũng có ánh sáng của mẹ hiền Quán Thế Âm soi chiếu vào trong tâm tư nguyện vọng. Chỉ cần chúng ta nhìn thêm một chút xíu nữa, ta sẽ thông suốt tất cả. Và nếu ta nhìn thêm một chút nữa thôi, ta sẽ thông suốt được tình thương của những người trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, của các vị xuất gia, các bậc thiện trí thức gần ta. Và qua ánh mắt nhìn thêm một chút để thấu, ta nhận ra Phật và Bồ tát đang hiển linh, đang ở gần trong cuộc đời của chúng ta.
Hy sinh thầm lặng rất cao cả. Bảo Thành thấy Đức Phật là đấng giác ngộ, nhưng nếu bên cạnh không có sự hy sinh thầm lặng của vợ, của vua cha, của thân tộc thì Ngài chẳng thể bỏ đi giữa đêm khi con còn bé còn son. Các bạn, sự thành công của một con người về tất cả mọi phương diện tâm linh, tinh thần, học thức, sức khỏe, kinh tế, tất cả đều phải luôn luôn có sự hỗ trợ bằng sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người. Nhận ra được sự hy sinh thầm lặng đó, Đức Phật đã cả đời thầm lặng hy sinh cho chúng sanh, từng bước chân, không có giày dép như Bảo Thành với các bạn ngày nay, bước ở trên đường suốt bốn mươi lăm năm trời, mang tình thương thầm lặng hy sinh san sẻ. Những tấm gương đó vẫn còn. Và nếu những tấm gương thầm lặng hy sinh kia vẫn còn, tức là Đức Phật, Bồ tát vẫn còn đang trong đời. Có nghĩa dù cha mẹ không còn nữa thì cha mẹ vẫn còn đây bởi biết bao nhiêu người vẫn thầm lặng hy sinh, phụng hiến cho tha nhân. Trong cái ánh sáng của sự hy sinh thầm lặng là hiện thân của Bồ tát, Thánh hiền, của Phật, của cha, của mẹ, của các bậc giác ngộ, của các bậc xuất thế, của các bậc trượng phu, trượng sĩ, thật tuyệt vời.
Hãy tự nhắc nhở bản thân sống một đời sống phải biết tận hiến cho nhau. Người học Phật phải biết tận hiến. Hai chữ “tận hiến” nghe nó kinh khủng quá nhưng đó chỉ là cái pháp tu Đức Phật dạy trong hạnh bố thí, từ thiện, phóng sinh, cúng dường và sám hối. Đây là năm cái Bảo Thành tự nhắc bản thân thường xuyên: đời phải biết bố thí, phóng sinh, từ thiện, biết cúng dường và sám hối. Đây là những cái pháp hành nói lên sự hy sinh thầm lặng của chúng ta. Không cần phải thổi kèn đánh trống, khua chiêng rầm rộ ở đời. Cứ âm thầm hy sinh một cách lặng lẽ như cơn mưa giữa rừng chẳng ai hay, vào một buổi đêm khi người ta đang ngủ. Nhưng ít nhất từng giọt mưa ở cõi trời thầm lặng kia đã hy sinh giáng xuống trần này để sự sống được vươn lên. Mỗi một nghĩa cử, mỗi một tư tưởng, lời nói thầm lặng hy sinh bằng pháp thiện lành nhẹ nhàng rải xuống muôn nơi trong màn đêm u tối khi người ta đang ngủ, hoặc trong khoảng không gian, thời gian chẳng ai biết tới cũng là lợi ích vô cùng. Tam thiên, đại thiên thế giới tận hư không pháp giới, chư Phật, chư Bồ tát đều nghe, nhìn thấy về chứng cho chúng ta. Khi chúng ta trở thành những chiến sĩ hy sinh thầm lặng như vậy là chúng ta mang ánh sáng của Bồ tát Quán Âm chiếu soi và chiếu rọi vào mọi nơi đen tối bất hạnh của cuộc trần. Tiếng cười sẽ rộn vang, ánh mắt của những người bất hạnh sẽ sáng lung linh như tinh tú trên trời, và vòng tay xanh xao của họ lại ấm trong hy vọng. Các bạn, hy sinh thầm lặng là một tấm gương cao cả.
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời
Cho đi bằng tất cả niềm vui
Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp
Từ bi Bồ tát hạnh sáng soi.
Hạnh Bồ tát không như người ta vẽ vời trong kinh trong sách, nói qua những văn chương chữ nghĩa huyền diệu, mà hạnh Bồ tát sáng soi trong những suy nghĩ, lời nói và hành vi rất cụ thể mộc mạc, chơn phương nhẹ nhàng qua cái tấm lòng biết hy sinh, phụng hiến cho nhau. Bằng sự bố thí rất bé nhỏ vừa tầm đủ sức của ta đã mang lại hạnh phúc lắm rồi. Bằng sự từ thiện vừa đúng với nhịp đập của con tim biết trao đi cái ánh mắt từ ái và vòng tay ấm áp che chở cho nhau cũng đã đủ lớn như biển trời. Và bằng sự cúng dường lên chư Phật qua những cái tư tưởng thiện lành, qua những ngôn từ đẹp đẽ, qua những hành vi từ ái. Nhận và nhìn rõ những lầm lỗi sửa ngay. Các bạn thân mến, đó là tự giải thoát phóng sanh cuộc đời mình và những sinh mạng đang cận kề sự chết bởi sự tham chấp của mọi người trên thế gian. Làm được như vậy chúng ta đã là những vị Bồ tát ở đời thầm lặng hy sinh cho nhau. Hãy cùng nhau noi gương này trong đời sống.
Thứ bảy, Sống Trong Chánh Niệm, một đời sống cao cả, lớn lắm nhưng ai cũng đạt được bởi những phẩm cách hy sinh thầm lặng cao cả kia đều có nơi chúng ta. Chúng ta biết bố thí đấy, chúng ta biết làm từ thiện, chúng ta biết cúng dường, chúng ta biết phóng sanh, chúng ta biết sám hối. Những phẩm cách Bồ tát như thế có cả nơi mọi người. Chỉ cần hãy nhắc nhở nhau, chỉ cần phải cố gắng. Ta đã giải đãi, nói rõ hơn là chúng ta đã quá lười biếng vô lượng kiếp qua. Cái tánh lười biếng kia đã làm cho chúng ta trở thành những người thiểu trí, không còn nhìn rõ được sự hy sinh thầm lặng có thể đạt được sự chứng đắc, an lạc, hạnh phúc, thành Bồ tát, thành Phật. Nên cứ đòi hỏi những pháp tu cao siêu nhiệm màu mà quên đi những cái pháp rất bình thường mà Phật đã nhắc nhở. Hãy nhìn lại tấm gương của cha mình, mẹ mình, của ông bà, của vợ, của chồng, của anh chị em, của thân bằng quyến thuộc, của thầy mình, của các bậc thiện trí thức, các bậc xuất gia, của các vị chư tổ, của Phật, Bồ tát. Và đặc biệt hơn, có những vị hy sinh thầm lặng mà mấy ai chúng ta biết, đó là các bác sĩ, y tá, các bậc đại ân nhân, các mạnh thường quân, các vị đã hiến dâng cuộc đời, mang tấm lòng của chúng ta trải rộng đến muôn đời để san sẻ với những mảnh đời bất hạnh. Trong tình người và trong tình yêu, chúng ta cũng luôn luôn hy sinh một cách thầm lặng để cho đối tượng mình yêu thương được trọn vẹn với những hạnh nguyện mà đã phát ra từ trái tim.
Rất cần muôn sự hy sinh thầm lặng của nhau để chúc phúc cho nhau thành công trong cuộc đời trên phương diện của đời sống tâm linh, tinh thần và vật chất. Khi chúng ta thầm lặng hy sinh để dâng hiến đời mình cho người mình yêu thành công, nhất là con đường chuyển hoá nhân sinh, thành tựu được sự an lạc, biến cuộc đời thành nhịp cầu giúp cho muôn người bước qua nhịp cầu của đời mình tìm được sự hạnh phúc thì cái người bạn đời, người yêu, người thân mà giúp chúng ta một cách thầm lặng hy sinh để ta thành tựu việc đó, những người đó rất cao trọng trong trái tim của chúng ta. Nếu như Bảo Thành và các bạn đang làm điều gì thì cũng cần phải nhận thức rằng mọi chuyện ta đang làm thành công đều là nương vào sự hy sinh thầm lặng của người đang yêu thương chúng ta nhất mực. Người yêu chúng ta luôn luôn biết thầm lặng hy sinh. Người yêu chúng ta nhất là Phật, Bồ tát, là ông bà, cha mẹ, là các bậc xuất gia, các bậc thầy, là vợ chồng, là người yêu, là bạn bè, là thế thái nhân sinh trong cuộc trần này còn biết sưởi ấm cho nhau. Các bạn gương hy sinh thầm lặng rất đáng quý.
Thầm lặng hy sinh phụng hiến đời
Cho đi bằng tất cả niềm vui
Chẳng đợi cảm ơn, chờ báo đáp
Từ bi Bồ tát hạnh sáng soi.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe, chúng ta cùng hồi hướng công đức. Thưa Phật, trong chương trình đời sống Chánh Niệm của thứ bảy với chủ đề “Hy Sinh Thầm Lặng”, nếu chúng con tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.