Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện Chư Phật mười phương ban rải năng lượng Từ Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn!
Các bạn thân mến, cũng trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn, thuộc tông phái Thiền Mật Tông. Bảo Thành và các bạn có cơ hội lại gặp nhau trong ngày hôm nay. Bảo Thành chia sẻ như vầy với mục đích duy nhất là tạo nhân duyên, gợi ý – chỉ là sự gợi ý. Không đặt nặng về vấn đề thuyết Pháp, truyền Pháp, nói Pháp, giảng Kinh, nói nghĩa để mở sâu vào những chủ đề tu tập Phật giáo, tu tập Thiền, hay tu tập Tịnh độ, Mật Tông; mà chỉ là sự gợi ý trong sinh hoạt hằng ngày. Từ những mẩu chuyện nhỏ của cuộc đời, để chúng ta tư duy rồi mỗi người nếu có nhân duyên chúng ta rút tỉa ra được một ý nghĩa của bài học, chúng ta tiến tu trong cuộc đời. Đó là ý nghĩa mà Bảo Thành sẽ còn tiếp tục mãi mãi với những Pháp thoại thật là ngắn gợi ý, xây dựng như vầy.
Hôm nay, chúng ta thấy cuộc sống càng ngày càng khó khăn. Khó khăn về mặt của tinh thần, khó khăn về mặt của vật chất và cũng khó khăn về con đường tu dưỡng tâm linh. Bởi thế giới tâm linh và tôn giáo ngày nay được phát triển rầm rộ từ mọi nơi trên thế giới. Một người muốn đi học tu, đôi khi cũng phải trải nghiệm thật là nhiều, mất thời gian thật là nhiều để tìm cho mình một Pháp môn để tu, tìm cho mình một ngôi chùa phù hợp để tới, tìm cho mình một vị Thầy có nhân duyên để đón nhận được sự hướng dẫn. Còn cuộc sống về vật chất thay đổi liên tục chóng mặt. Thay đổi quá nhanh làm cho cuộc sống của vật chất đôi khi có rồi không, và biết bao nhiêu người thật là thiếu thốn. Tinh thần cũng chẳng khác gì, có lúc tinh thần của chúng ta vui, có lúc tinh thần của chúng ta sụt sùi.
Các bạn thân mến, tuy như vậy, nhưng mỗi người chúng ta vẫn luôn luôn sẵn lòng san sẻ với những người khác. Chúng ta vẫn sẵn lòng san sẻ về vật chất. Chúng ta sẵn lòng san sẻ về đời sống của tinh thần. Và chúng ta vẫn sẵn lòng san sẻ về đời sống tu tập của tâm linh. Mỗi người đều có những thói quen như vậy. Nhưng làm sao để giữ được thói quen đó liên tục? Để không gặp trở ngại thì chúng ta phải có công phu tu tập, còn không nó chỉ phát khởi lên như một thói quen của mình. Để rồi thói quen đó có thể dần bị tâm tham tha hóa, nó làm cho một thói quen tốt đẹp, làm cho một ý nghĩa tốt đẹp, dần bị biến dạng, trở thành không tốt nữa.
Có một câu chuyện, kể rằng có một ông quan thật là giàu. Ông ta sẵn lòng cho người ta mượn khi thiếu thốn. Thế là ở bên kia sông, có một nhà nông dân nghèo khổ, mới đi đò qua bên này sông gặp nhà giàu này – ông quan này để mượn tiền. Ông quan là người tốt liền cho nhà nông dân kia mượn 02 quan tiền. Nhà nông dân kia lại trở về bờ sông bên kia. Ông quan này là người tốt cho mượn tiền nhưng đúng kỳ hạn người nông dân kẹt, không trả tiền được, nên ông quan này lại phải thuê một cái đò đi qua sông để đòi tiền bác nông dân kia (con đò đưa qua sông, ông quan phải trả hết 03 quan tiền). Rồi đòi không được, lại phải đi về trả hết 03 quan tiền nữa là 06 quan tiền trong một chuyến đi về. Ông quan đi như vậy đến 03 lượt (đi đi về về đến 03 lượt), trả hết 18 quan tiền mà chẳng thể đòi được 02 quan tiền của bác nông dân kia. Đó là những chuyến đò đòi tiền của nhà quan. Nhà quan giàu, cho người nông dân mượn 02 quan mà phải trả hết 18 quan tiền đò qua đò lại 03 lần, mất hết 18 quan mà chẳng đòi được 02 quan tiền.
Các bạn ơi! Nếu các bạn lấy 18 quan tiền đó mà trừ đi 02 quan tiền kia còn 16 quan. Có nghĩa nếu như ông quan này không cần phải qua đò để đòi 02 quan tiền thiếu của bác nông dân, ông ta tiết kiệm được đến bao nhiêu? Đến 18 quan tiền. Còn nếu nói theo kiểu chơi chữ cũng tiết kiệm được 16 quan tiền (bởi 18 trừ đi 02 quan tiền còn 16). Đấy là chưa nói tới vấn đề có thể được khỏe – bình yên, ngồi ở trong nhà hưởng phước của cuộc đời. Có tâm cho mượn, nhưng vẫn có lòng muốn đòi lại khi người ta không thể trả. Đây là nói đến tình huống không thể trả nha các bạn. Nếu có thể trả thì người nông dân kia đã đúng kỳ hạn trả cho ông quan 02 quan tiền rồi, nhưng không thể trả. Nhưng ông quan này biết phải đi đò 03 quan tiền về 03 quan tiền, mà nhà nông không thể trả thì sự đi đòi đó cũng là vô vọng, không có kết quả. Như vậy biết chắc trong tay mất 06 quan tiền đi về, sao ta vẫn đi? Có phải chăng chính lòng tham hay là vì ông ta chưa đủ lòng khoan dung, tha thứ, sẵn sàng san sẻ, dám cho mượn và dám cho đi. Nếu ông ta dám cho mượn mà dám cho đi khi người mượn không thể trả thì ôi tấm lòng của vị quan này tuyệt vời, ý nghĩa tuyệt vời! Vừa sẵn sàng cho và vừa sẵn sàng ban luôn, chẳng hề đòi lại thì ông ta tạo được biết bao nhiêu phước báu.
Các bạn ơi! Ta không giàu như ông quan này, ta không có nhiều tiền như ông quan này. Nhưng chắc chắn trong cuộc đời của các bạn đã nhiều lần cho những người khác mượn. Vì họ túng thiếu về tài chánh tiền bạc, bạn không có tiền nhưng vốn ở trong lòng của con người luôn có nhân nghĩa, có tình thương. Khi gặp cảnh người ta muốn mượn, bạn cũng chắt chiu từng đồng cho họ mượn. Có những chuyện cho mượn tiền người ta trả lại, cũng có những chuyện cho mượn tiền chẳng bao giờ được trả lại. Cho mượn nhiều, mượn ít cũng là mượn. Đây nói đến góc đến các bạn cho mượn nhiều ít không kể; mà cho mượn mà đối tượng kia mượn không thể trả thì các bạn chắc có lẽ cũng đã đương đầu rồi. Hoặc có hai hoàn cảnh xảy ra.
Một là đương đầu rồi chúng ta tha thứ, bỏ qua, thôi xí xóa, nó chẳng trả được.
Hai là sẽ đi đòi nợ, mà các bạn biết trong thế giới ngày nay khi đòi con nợ nó như thế nào? Nó hung ác dữ lắm mà đôi khi chúng ta phải hù, phải dọa, rồi chúng ta lại phải bỏ tiền tốn công, tốn sức cho chính mình đi đòi. Hoặc là bỏ tiền, tốn công tốn sức thuê mượn giang hồ hảo hớn đại diện đi đòi, tạo ra những tánh xấu, tạo nghiệp cho mình.
Các bạn khi cho mượn, các bạn phải nhắm chừng nếu đây là sự nhân duyên tương tác, nên có trí tuệ quán chiếu sự cho vay mượn đó, để biết rằng kẻ này mượn sẽ không trả, hoặc kẻ này mượn sẽ trả. Để khi các bạn cho mượn – cho mượn với tình thương thật sự, khi người ta gặp hoàn cảnh khó khăn. Mà nếu như họ quá khó khăn không thể trả, thì chúng ta cũng nên tha thứ. Đừng như ông quan kia phải lội sông 03 quan tiền, trở về 03 quan tiền, cộng lại là 06 quan. 03 lần hết 18 quan tiền mà đòi có 02 quan tiền.
Trong cuộc sống biết bao nhiêu lần đòi nợ, đã xảy ra nhiều chuyện không tốt? Có thể chỉ vả, sỉ vả, cãi nhau tạo khẩu nghiệp. Cũng có thể đánh đập, thuê mướn, chém giết, tạo ra tội tù tội. Họ đã không trả là không thể trả, phải tư duy để có cách hiểu biết rõ.
Câu chuyện ngày hôm nay nói tới để mỗi người chúng ta nên dùng lòng yêu thương rộng lớn, quán chiếu thật kỹ khi cho vay. Và nếu như các bạn khi quán chiếu thật kỹ cho vay rồi, mà xảy ra những tình huống không như ý. Như mượn không trả, vay không trả thì chúng ta cũng phải quán chiếu nhân duyên của nghiệp quả giữa ta và họ, để có một sự giải quyết cao thượng hơn. Làm sao để chúng ta có thể an vui? Làm sao để chúng ta có được những phương thức giải quyết cao thượng? Nó cũng đòi hỏi một cách phát triển lòng từ tâm. Để phát triển lòng từ tâm của mình, có trí tuệ quán chiếu sự tương tác giữa con người khi chúng ta cho nhau vay mượn tiền. Phương pháp công phu đó đòi hỏi mỗi người phải tự tu tập nhưng những ai tu tập thật sự thì đây là phương pháp đối trị khi phải đương đầu với những sự vay mượn mà không trả. Nếu ta làm chủ cho vay, ta sẽ không phải tốn 18 quan tiền như ông quan kia mà ta cũng chẳng tốn công sức để đi qua bờ kia, bờ này, lội ngược lội xuôi, tốn công mất tiền. Phương pháp đó là quán chiếu tình thương. Quán chiếu tình thương và Nhân quả.
Chúng ta nhớ, bao nhiêu lần phạm lỗi, phạm tội, về nhà cha mẹ cũng tha thứ hết. Bởi giữa ta và mẹ có nhân làm con, làm mẹ. Trong cuộc sống nếu chúng ta biết quán chiếu trong Chánh niệm, Nhân quả và tình thương, chúng ta sẽ có được phương sách tốt nhất để giúp cho tâm của chúng ta tự tại trên những con người giựt nợ, hoặc hoàn cảnh không thể trả nợ được. Quán chiếu tình thương và Nhân quả như thế nào?
Các bạn cố gắng nuôi dưỡng hơi thở ra vào, chú tâm trong hơi thở đó. Khi các bạn hít vào chúng ta nghĩ đến Nhân quả của mình với người đó, và ta và họ có Nhân quả, kiếp trước ta cũng vay của họ mà không trả được.
Khi chúng ta thở ra từ từ trong Chánh niệm, ta rải tình yêu thương đến đối tượng đó. Hít vào quán chiếu Nhân quả, ta đã mượn họ mà không trả trong kiếp trước. Thở ra quán chiếu tình thương tới đối tượng đó. Đó gọi là hơi thở Chánh niệm, quán chiếu Nhân quả và yêu thương.
Hơi thở Chánh niệm, quán chiếu Nhân quả và yêu thương giúp cho bạn đối trị được tâm khó chịu, buồn phiền đối với những người vay nợ mà không thể trả dưới mọi hình thức. Không thể trả vì không có tiền, không thể trả vì không muốn trả, không thể trả vì muốn giựt nợ. Tất cả những cái đó đều nằm gọn trong ba chữ “Không thể trả”. Đã không thể trả thì không thể trả, bạn làm gì họ cũng không thể trả. Cho nên nếu bạn có công phu tu luyện, trưởng dưỡng hơi thở Chánh niệm trong quán chiếu Nhân quả và tình yêu, bạn sẽ làm chủ. Nếu bạn là chủ nợ, là những người cho vay mượn thì các bạn nên thực tập những công phu này để chuẩn bị sẵn. Để khi chúng ta cho vay dù hoàn cảnh nào đi nữa, các bạn vẫn luôn tạo được phước báu, còn không các bạn sẽ tổn phước thật nhiều khi phải đối ứng với hoàn cảnh. Như ông quan mất 18 quan tiền qua đò tới bờ bên kia, rồi trở về đến 03 lần.
Các bạn thân mến, hãy hít vào và quán chiếu Nhân quả, ta cũng chỉ là kẻ trả nợ tiền kiếp trước đối với họ. Thở ra – rải tâm yêu thương đến con người đó, quán chiếu hơi thở Chánh niệm, Nhân quả và yêu thương, nhất định sẽ đối trị được những sự giựt nợ, mang đến sự hận thù nơi ta và người.
Cảm ơn các bạn theo dõi.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.