Search

Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Duyên nào hẹn ước xa xăm
Bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu
Chi bằng những phút còn nhau
Dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình 

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Hôm nay ngày thứ bảy, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu ngày hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương, tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống cho muôn loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở thiền quán Trí Tuệ và Từ Bi, để nhìn thấu các pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện xin Chư Phật gia độ cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch, và gia trì cho đệ tử chúng con tinh tấn tu học, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện hồi siêu cho chư vị hương linh theo thiện nghiệp vãng sanh cảnh thiện lành. Xin Chư Phật chứng minh.

Giờ đây Bảo Thành mời các bạn cùng với Tăng thân chúng ta trì niệm hồng danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)

Chú Đại Bi (01 biến):

Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)

Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.

Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)

Chú Vãng Sanh (03 biến):

Nam mô A Di Đa bà dạ

Ða tha dà đa dạ

Ða điệt dạ tha

A Di rị đô bà tỳ

A Di rị đa tất đam bà tỳ

A Di rị đa tỳ ca lan đế

A Di rị đa tỳ ca lan đa

Dà di nị, dà dà na

Chỉ đa ca lệ ta bà ha.

Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):

Mu A Mu Sa.

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.

Ma Sa Ốp Uê.

Sa Bi Mô U.

Sa U Sa U Ba Thê Um.

NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.

Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.

Mô Phật! Hôm nay đã là ngày thứ bảy, trong buổi pháp thoại đời sống Chánh Niệm, chúng ta cùng với nhau buông thư tất cả, quay trở về niệm hồng danh Đức Thế Tôn và thể nhập vào với chân ngôn Đại Bi Chú và Vãng Sanh. Đồng thời chúng ta thông dung với Thất Bảo Huyền Môn để gắn kết cuộc đời của mỗi người gần gũi hơn với mười phương chư Phật, chư Bồ Tát, Thánh Hiền. Trong cuộc trần lữ thứ, mỗi một người chúng ta dù có biết bao nhiêu bạn bè người thân kề cận nhưng không hẳn chúng ta không dư dả sự cô đơn. Người trên có là ông bà cha mẹ, ở dưới có thể là bạn bè hoặc những người thân, nhưng mấy ai trong cuộc đời chúng ta lại có thể tìm được người tri kỉ thông cảm và chia sẻ với chúng ta, biết lắng nghe, biết an ủi, biết đùm bọc và dắt dìu. Ngoài Đức Thế Tôn thì hiếm có ai có thể làm được việc đó, ngoài chư vị Bồ Tát Thánh Hiền thì cũng hiếm ai có thể song hành với mỗi người chúng ta trong cuộc đời. Hôm nay chủ đề nói về “Hẹn ước”:

Duyên nào hẹn ước xa xăm

Bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu.

Chi bằng những phút còn nhau

Dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình.

Đi vào trong chủ đề “Hẹn ước”, chúng ta một lần nữa phải nhìn nhận thói quen tập khí, tức là thói quen nhiều đời truyền kì được di truyền trong dòng máu của chúng sanh là luôn luôn hẹn ước một ngày mai tươi sáng. Chúng ta thấy ngày nay hiện đại người ta hay dùng từ: hy sinh đời bố, củng cố đời con. Hàm ý trong sự “hy sinh đời bố, củng cố đời con” nó lẫn lộn giữa tà và chánh, giữa việc tốt và việc xấu. Có những con người sống thà rằng phạm tội tạo Nghiệp hy sinh cả đời mình nhưng có được tiền tài phú cho con cháu thì sẵn sàng hi sinh. Đây là cách nhìn hoàn toàn sai trái, ngược với đạo lý của con người, của ông cha và của Đức Phật. Cũng có những sự hy sinh thực sự cao cả để củng cố đời con cái. Điều đó thấy rõ trong cuộc đời như cha mẹ của chúng ta, như ông bà của chúng ta, như Cửu Huyền Thất Tổ của chúng ta từ đời này qua đời kia thường luôn luôn hy sinh tất cả cuộc đời. Nhìn vào gương sống hiện tại ta có cảm nhận được ngay đó là cha mẹ hy sinh cả cuộc đời. Và ước hẹn ước mơ, là đấng bậc sinh thành hẹn ước một ngày mai một tương lai tươi sáng cho con cái, có thể nuôi dưỡng con cái, có thể giáo dưỡng con cái, có thể tạo mọi điều kiện cho con cái thành công, đó là ước mơ của cha mẹ. Và cha mẹ hy sinh tất cả để hẹn một ngày mai tươi sáng, để ước một ngày mai tốt đẹp cho con cháu.

Tuần tự như thế, đời cha mẹ hẹn ước một ngày mai tươi sáng để nuôi con cái, rồi con cái lại hy sinh tất cả để hẹn ước một ngày mai, một ngày mai, một ngày mai. Thói quen đó đã đi vào đời sống con người để khi gặp nhau chúng ta cũng lại hẹn, cũng lại ước, ước một ngày mai tương lai xán lạn, hẹn một ngày mai gặp nhau để đi tới sự thành công. Cứ hẹn rồi ước ngày mai đó để rồi chúng ta tiêu diệt, để rồi chúng ta tàn phá, để rồi chúng ta hủy hoại ngày hôm nay, giây phút này của đời sống hiện tại. Để hẹn ước một ngày mai trong sáng, xán lạn cho ta hoặc cho người, ta đã rượt đuổi, ta đã phóng như tên lửa vào một ngày mai nhưng lại tàn phá ngày của hiện tại. “Chỉ mong sao ngày mai tốt đẹp”, đó là hẹn ước truyền kì đã đi sâu vào gen di truyền của chúng sanh. Nhỏ hẹn ước nhỏ, lớn hẹn ước lớn, cứ thế mọi người trong chúng ta lao đầu vào ngày mai nhưng hủy hoại hiện tại. Các bạn suy nghĩ chút xíu đi, chúng ta sẽ thấy thật buồn cười cho chính mình, Bảo Thành và các bạn sẽ cười vào bản thân của chúng ta, tại sao chúng ta nói riêng và tại sao con người nói chung cứ phải rượt đuổi dí bắt như bịt mắt bắt dê? Nếu mà dí bắt mà nhìn thấy rõ thì không còn là điều vui rồi. Các bạn còn nhớ trò chơi bịt mắt bắt dê không? Hồi nhỏ mình lấy khăn bịt mắt rồi dí bắt bạn mình, định phương định hướng khó lắm, mà các bạn chơi đông nó la, nó ó, nó gọi, nó mời, nó chọc, nó ghẹo, ồn ào lắm. Cho nên nếu mà nghe âm thanh định hướng đã khó mà nay bịt mắt rồi còn khó hơn. Vậy mà thích thú các bạn ạ, các bạn còn nhớ không, bởi bắt hoài không được, rượt hoài không được, nhưng vui. Đó là thời nhỏ còn có sức bịt mắt, chạy hoài mệt thì ngồi thở, nhưng lớn rồi làm sao mà rượt đuổi. Dù không bịt mắt thì mắt đã mờ, dù còn chạy thì gối cũng đã rung, chưa được mấy giây đã thở hổn hển rồi. Trẻ hay già không quan trọng, nếu ai đã từng trải ngiệm qua bịt mắt bắt dê rượt đuổi theo những bóng hình, có nhiều lúc chúng ta mệt, chúng ta dừng lại thở hổn hển, dừng lại và thở, mệt thì dừng, tự nhiên thôi. Nhưng mấy ai thấy chữ “dừng” là một pháp tu tuyệt kỹ võ lâm đâu. Chỉ chạy theo tự nhiên thôi, mệt thì dừng, nhưng nếu ý niệm dừng lại trong cuộc đời để dưỡng, để sống, để thở, để hết mệt, để không hụt hơi, để không rượt đuổi, để tự tại và để tận hưởng, đó chính là pháp tu buông thư dừng lại trong Chánh Niệm.

Chúng ta đã quen kiểu hẹn ước rồi, nhất định các bạn nhìn lại đi, sổ nhật kí của đời mình ai ai trong chúng ta cũng từng hẹn ước thật là nhiều, hẹn bạn ngày mai đi uống café, hẹn anh ngày mai chúng ta họp, ước gì cuộc họp ngày mai tôi sẽ gặp anh và mọi sự sẽ thành công. Ngày mai ta hẹn, ngày mai ta ước là thuộc về tương lai. Tương lai không ai nắm bắt được, tương lai không ai nắm chặt và biết rõ nó có như vậy hay không, cho nên đã có biết bao nhiêu cuộc hẹn nhưng chẳng bao giờ thành, biết bao nhiêu điều ước nhưng chẳng bao giờ có thể hiện hữu.

Duyên nào hẹn ước xa xăm

Bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu.

Trong cuộc đời bể dâu như sóng của nước cứ dồn dập lui tới, sự thăng trầm trong cuộc đời về đâu, về đâu hỡi khi cuộc đời toàn là bể dâu chập chờn sóng nước trần ai, người lui người tới biết đâu mà chờ. Vậy mà cuộc đời của chúng ta vẫn luôn luôn hẹn ước mãi, hẹn ước mãi. Để rồi nó thấm vào trong máu, hình thành gen di truyền, con cháu của chúng ta lại cũng ước cũng hẹn một ngày mai, một ngày mai. Để trong cuộc đời của chúng ta là cha mẹ hy sinh tất cả, có những hoàn cảnh cơ cực vô cùng để cho một điều hẹn ước ngày mai nó tới, con cái có kiến thức, có đủ điều kiện. Chính vì sự hẹn ước cho một tương lai tốt đẹp cho con cái mà các đấng bậc sinh thành đã hy sinh thật nhiều, hy sinh đến tận cùng cả cuộc đời, cạn máu xương tan vẫn còn hy sinh. Chẳng bao giờ đấng bậc sinh thành có được những giây phút thảnh thơi sau khi có con, để tận hưởng cuộc sống, bởi cứ nối truyền từ đời nay qua đời kia cứ hy sinh, cứ hy sinh. Tới chúng ta, chúng ta lại còn hẹn ước ngày mai tốt đẹp hơn và rồi cho ta cho người cứ hy sinh mãi hy sinh mãi, chẳng bao giờ có cơ hội sống để tận hưởng, chẳng bao giờ biết dừng lại nhưng cứ cúi đầu nhắm mắt rượt đuổi, hy sinh, không sống trọn vẹn, sống mà như chết.

Duyên nào hẹn ước xa xăm

Bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu.

Chi bằng những phút còn nhau

Dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình.

Là phận con cái có tình thương với cha mẹ, chúng ta cứ hẹn ước mai này thành tựu được công danh sự nghiệp, có công ăn việc làm, làm được nhiều tiền để rồi đền đáp công ơn cha mẹ, báo hiếu, ta lại dính vào chứng bệnh hẹn ước rồi. Nhưng nhất định các bạn còn trẻ, các bạn nghĩ đi, ta hẹn ước thực sự ta có tấm lòng hiếu đạo chân thật, ta có tình nghĩa với cha mẹ, muốn báo ơn báo nghĩa báo ân, nhưng ta lại hẹn mai sau thành tài. Bởi ta không bao giờ nhận diện ra rằng ta có một khối gia tài vĩ đại hơn cả công danh sự nghiệp tiền tài nên ta đã tiêu diệt hủy hoại gia tài vô giá đó, đánh đổi nó để lấy tiền, lấy công danh sự nghiệp. Cho nên sự hẹn ước đền báo ân nghĩa với đấng bậc sinh thành mấy ai trong cuộc đời của chúng ta có thể trọn vẹn được đâu. Ta cứ hẹn và ta cứ hẹn ước hoài thôi.

Bảo Thành còn nhớ, mà khi nhớ lại lòng của Bảo Thành đau như cắt, trái tim của Bảo Thành như biết bao nhiêu mũi gươm mũi giáo đâm vào, bởi đây là sự trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc đời của Bảo Thành. Vào những năm giữa thập kỉ 80, Bảo Thành rời Việt Nam đi qua nước ngoài, mang trong lòng sự hẹn ước tương lai tốt đẹp sẽ đền ân báo đáp với đấng bậc sinh thành là mẹ là cha. Và cha mẹ Bảo Thành cũng hy sinh tất cả với điều hẹn ước trong tương lai là Bảo Thành sẽ thành tựu đền đáp ân nghĩa sinh thành. Nhưng khi Bảo Thành đến Mỹ, chơ vơ trong cuộc đời, không có người quen chẳng có làng xóm, môi trường xa lạ cần phải làm lại từ đầu. Trơ trọi như thế bước vào cuộc đời nơi xứ lạ quê người, biết bao nhiêu thử thách thăng trầm, đúng như câu “bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu”. Chẳng biết phải về đâu nữa, nhưng cứ hẹn ước rằng tương lai tốt đẹp thì nhất định phải báo hiếu mẹ báo hiếu cha. Trong giai đoạn đó, mẹ cũng lại hẹn ước con thành công sẽ có cơ hội gặp gỡ sum vầy. Nhưng xuân chưa qua đông đã tới, hơi thở của mẹ chẳng còn, và chỉ trong thời gian thật ngắn mẹ của Bảo Thành đã giã từ và ra đi, làm cho trái tim của Bảo Thành mỗi khi nghĩ tới đau đớn khôn xiết, bởi khi ra đi cứ mơ ước cứ hẹn ước ngày trở về nhưng khi con về mẹ còn đâu, mồ xưa phai bạc, cỏ chẳng còn xanh, không còn gì nữa. Mất mẹ là mất tất cả, trong lòng đau đớn cũng vì một sự hẹn ước.

Trở lại vấn đề, chúng ta cứ mơ ước một ngày mai, cứ hẹn ước một ngày mai để thành tài mà đã tự hủy diệt một gia tài vô giá đó chính là tình yêu thương. Như ngọn đèn mà cạn dầu thì nó sẽ tắt, cuộc đời của con người sẽ chẳng có ý nghĩa và sẽ chết nếu nó cạn tình yêu thương. Tình yêu thương là gia tài vô giá. Chẳng cần phải hẹn ước các bạn, ngay bây giờ tại đây nếu chúng ta biết dừng lại, nuôi dưỡng và sống thực sự với tình thương đối với đấng bậc sinh thành và tất cả mọi người có nhân duyên kề cận thì chúng ta thực sự mới là người con Phật biết sống. Ta cứ hẹn ước thôi.

Duyên nào hẹn ước xa xăm

Bể dâu sóng nước thăng trầm về đâu.

Chi bằng những phút còn nhau

Dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình.

Các bạn, chi bằng những giây phút hiện tại này ta còn cha còn mẹ, ta còn ông bà người thân, ta còn thân bằng quyến thuộc, còn bạn đồng tu, còn tăng thân, còn có môi trường, còn hơi thở để sống, ta dốc lòng ta sống trọn vẹn trong sự thâm sâu nghĩa tình với muôn người. Nghĩa tình của người con Phật đã đạt tới mức thâm sâu huyền bí do sự giác ngộ của Phật khai thị, và được kí tự bằng hai từ khác đó là Từ Bi. Cuộc đời này thiếu vắng Từ Bi thì mọi người đã chết, như ngọn đèn không còn dầu nó sẽ tắt, như con người không có tình thương thì coi như đã xong. Còn hai tuần nữa là năm mới tới, theo tập tục lại chúc phúc hẹn ước trong thềm năm mới, ta ước gì ta hẹn gì? Bao nhiêu điều ta sẽ ước trong năm mới? Bao nhiêu điều ta sẽ hẹn gặp trong năm mới? Để rồi cả một năm cũ, này ta đã hủy hoại toàn diện những cái cao cả nhất, đó là tình yêu thương lòng Từ Bi. Cao hơn nữa là ta đã dập tắt ánh sáng Trí Tuệ bởi vùi đầu rượt đuổi trong sự hào nhoáng của bóng đen chập choạng trong tham chấp về tiền tài, về công danh, về sự hứa hẹn. Bảo Thành và các bạn luôn luôn hẹn ước rằng một mai ta sẽ thành tài, công cha nghĩa mẹ ta sẽ đền bù phải không các bạn? Bảo Thành hối hận lắm, nhưng ít nhất thời mẹ còn sống vẫn có tình thương, Bảo Thành thương mẹ lắm. Bảo Thành còn nhớ hồi còn rất nhỏ, Bảo Thành gầy bé yếu, cũng chưa thể ngồi trên yên chiếc xe đạp sườn ngang để chạy được đâu, vậy mà vẫn mong muốn (và đã làm được) để mẹ ngồi ở đằng sau, chở mẹ đi trong thôn xóm, hạnh phúc lắm. Dù rất ít nhưng vẫn trọn vẹn tình thương. Chỉ đau là vì khi ra đi chưa có cơ hội trở về quê hương thì mẹ đã đi rồi.

Ngày hôm nay nói đến chủ đề “Hẹn ước” nhân dịp vào cuối năm để mỗi người chúng ta nhớ Đức Phật dạy cho chúng ta ngoài tình nghĩa con người ta luôn luôn bị mắc kẹt vào sự hẹn ước, mà trên con đường tu ai trong chúng ta cũng lại dính vào và mắc kẹt cứng vào sự hẹn ước. Lại hẹn với chính mình và ước rằng một mai thong dong tự tại ta tu, hẹn ngày mai tu, ước ngày mốt tu, hẹn năm sau tu, ước đời sau tu và hủy diệt đời sống hiện tại để hẹn ước về một cõi nào đó. Phật chẳng tới để đưa ta về miền đất hứa, để xây dựng một sự hẹn ước hão huyền mơ hồ về một cảnh giới Niết Bàn, về một cảnh giới tịnh độ. Phật tới Phật dạy cho chúng ta cách Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo để sống ngay trong hiện tại. Nếu mỗi người chúng ta biết dừng lại, biết trưởng dưỡng, biết nuôi dưỡng, biết sống ngay trong hiện tại, biết Chánh Niệm hơi thở, biết tiếp cận với nguồn năng lượng Từ Bi, biết tiếp với ánh sáng minh tuệ của Chư Phật thì chúng ta thực sự đã tìm được gia tài vô giá. Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán là sự sống ngay đây chẳng hẹn cũng không ước. Phải dừng ngay những sự rượt đuổi, những sự đeo đuổi mù quáng cho một thế giới huyền bí gọi là Niết Bàn Tịnh Độ của tương lai. Nếu mỗi người biết Chánh Niệm hơi thở Từ Bi Trí – Tuệ quán thì chúng ta đã sống trong Vườn Địa Đàng ngay bây giờ, chúng ta đã tận hưởng hồng phúc Tam Bảo ngay cõi Tịnh Độ trong gia đình nơi thế gian. Có điều chúng ta cứ rượt đuổi và hủy hoại đời sống hiện tại để mong cầu, để cưỡng cầu một kiếp sau tới được cõi Vãng Sanh, tới được Niết Bàn, tới được Địa Đàng. Thật là hư huyễn, một điều hẹn ước giả tạo không bao giờ được thành tựu. Nếu chúng ta hủy hoại đời sống hiện tại thì làm sao thành tựu tương lai.

Trong Bát Chánh Đạo, Đức Phật đã dạy chúng ta Chánh Niệm là một cách thực tập rõ ràng để xóa mờ đi sự huyền ảo, để xóa mờ đi sự huyễn ảo, để phá tan sự vô minh lầm chấp về những điều hẹn ước của kiếp sau mà sống thực sự ngay kiếp này, thể nhập vào cõi Tịnh Độ trần gian, bước vào cõi Niết Bàn tại thế, ngay trong từng giây từng phút sống với Chánh Niệm hơi thở. Các bạn hãy nhìn, cuộc đời của con người như là con cá ở trong vũng nước, dù con cá có làm gì đi nữa thì vũng nước kia sẽ cạn dần, và khi cạn hết thì con cá sẽ chết. Chúng ta đang ở trong khung thời gian chạy mãi không bao giờ biết dừng, nếu chúng ta không dừng tâm trong Chánh Niệm thì thời gian trôi qua coi như đã hết, tận thế sẽ tới, mạng người sẽ tiêu. Ta đang chết dần từng ngày thì hẹn ước chi về những điều tương lai mà quên trong hiện tại thành tựu được sự an lạc. Mu A Mu Sa là Từ Bi, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là ánh sáng của Trí Tuệ, nước và ánh sáng là sự phối hợp tuyệt diệu đã mang lại sự sống trên hành tinh này. Nước Từ Bi và ánh sáng Trí Tuệ là sự khế hợp tuyệt kỹ cao siêu nhiệm màu một cách siêu thế vượt ngoài sự hiểu biết của con người để hình thành nên đời sống tâm linh hiện tại, ngay chỗ này, ở đây. Hãy dừng lại, buông thư nhẹ nhàng từng hơi thở, ta Chánh Niệm Từ Bi – Trí Tuệ là sống, là khai quật được gia tài vô giá của tình thương. Để rồi “chi bằng những phút còn nhau, dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình”, ta còn cha còn mẹ ở đời, ta còn vợ còn chồng, còn anh chị em, con cái, bạn bè thì chi bằng những giây phút ta cận kề nhau đây, ta dốc lòng cho trọn tình nghĩa thâm sâu, ta mở gia tài vô giá của tình thương. Bởi không có tình thương thì muôn sự sẽ chết, chẳng còn nước sao cá lại bơi, không ánh sáng thấy đường đâu mà đi tới. Trí Tuệ và Từ Bi Chánh Niệm ngay trong hiện tại là biết dừng lại thưởng thức sự sống, là biết dừng lại sự rong ruổi, sự rượt đuổi những sự hẹn ước của ngày mai mà sống thực sự ngay hôm nay.

Câu chúc Tết trước thềm năm mới, chúc cho anh năm mới, chúc cho ông cho bà đều là ước. Sống chân thật ngay bây giờ trong 2 tuần cuối năm, khởi nguồn cho năng lượng Từ Bi từ mười phương chư Phật tràn đầy đổ xuống mỗi người chúng ta để trong đời sống của chúng ta tràn đầy ánh sáng Trí Tuệ của Phật, tràn đầy năng lượng yêu thương. Và nhìn lại quanh cuộc đời của ta thấy ông bà, thấy cha mẹ còn nhân duyên sống với chúng ta, thấy muôn người còn nhân duyên sống với chúng ta, hãy dốc lòng cho trọn tình nghĩa thâm sâu, mang tình thương đối đãi, đừng hẹn ngày sau khi thành tài. Biết bao nhiêu người con khi thành tài có chức vị, có quyền lực, có tiền khi về xóm nhỏ năm xưa, mẹ tôi đã mất đâu còn ầu ơ. Đây công danh, đây sự nghiệp, không còn mẹ nữa, có cần gì không? Chúng ta không cần gì nữa, khi mẹ đã mất, khi cha không còn thì gia đình tan nát. Đừng hứa khi tương lai là ta đã thành tài, đừng hẹn ước là thành tài để nuôi dưỡng cha mẹ, mà hãy tự nuôi dưỡng bản thân bằng tình thương trong Chánh Niệm để mang tình thương đó mà dốc lòng cho trọn thâm sâu nghĩa tình.

Các bạn, hôm nay đời sống Chánh Niệm trong ngày thứ bảy, còn 2 tuần thôi, người Việt mình gọi là năm con cọp tới, tượng trưng cho sức mạnh chúa tể của sơn lâm. Chúng ta mượn theo ý nghĩa của nhân gian trở về với sức mạnh không phải làm chúa tể của sơn lâm mà làm chủ đời sống tâm linh qua hơi thở Chánh Niệm. Để lấy gia tài vô giá là tình thương mà đối xử với tất cả những ai ta còn nhân duyên gặp gỡ, nhất là đấng bậc sinh thành, sau đến vợ chồng và gia đình, người thân, người quen, cộng đồng xã hội. Hãy sống tràn đầy ân nghĩa, biết dừng lại, đừng rượt đuổi những điều hẹn ước của tương lai mà biết trọn vẹn sống ngay bây giờ. Bước vào một rừng cây ta thấy một cây chết, ta sầu ta đau ta buồn, rồi ta lại không có cơ hội hưởng được sự hùng vĩ của cả một khu rừng còn đang xanh tươi kia. Chúng ta đắm đuối trong sự mất mát nhỏ bé, đau khổ phiền não một chút thôi, để rồi chẳng biết dừng lại tận hưởng biết bao nhiêu cái đẹp ta đang sống và nó đang ở chung quanh chúng ta. Theo thói quen đó, chúng ta cứ hẹn và cứ ước. Đức Phật dạy cho chúng ta sống cho hiện tại, hãy sống đừng hẹn ước, hãy hành và để thể nhập vào sự sống đời sống thực sự trong từng giây phút. Sống mà tiêu diệt sự sống hiện tại để cầu mong và hẹn ước tương lai, đó là những người thiểu trí, não ngắn, não nhỏ như trái nho, bé lắm. Sống ngay trong hiện tại, sống trọn tình trọn nghĩa. Hồng phúc Tam Bảo vẫn luôn luôn hiện hữu trong cuộc đời nếu các bạn biết dừng lại những sự rượt đuổi của hẹn ước mai sau thành tài, mà sống trọn vẹn với nghĩa tình với những người còn bên ta.

Chánh Niệm hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ sống thực ngay bây giờ là gia tài vô giá. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại. Trong Chánh Niệm hơi thở, ta có cơ hội tận hưởng muôn sự kì diệu khi ta đang sống. Đừng sống mà hủy diệt đời mình cho ước hẹn mai sau. Người Phật tử tại gia bận rộn hãy sống cho hiện tại, đừng theo những lý thuyết huyễn ảo, hủy diệt đời sống hiện tại để mong cầu tương lai về một cảnh giới cao. Chánh Niệm là một trong tám con đường thánh của Bát Chánh Đạo, nằm trong Tứ Thánh Đế, bài pháp đầu tiên mà Đức Phật khai thị cho nhân loại. Thực tập đời sống Chánh Niệm trong hơi thở và thiền Trí Tuệ – Từ Bi là chúng ta thực sự sống trong pháp của Như Lai, hiện hữu trong Niết Bàn tại thế, thể nhập vào cõi Tịnh Độ tại gia, sống trọn vẹn với ân nghĩa và hạnh phúc vô cùng thì nhất định khi tương lai tới của năm mới ta đã có sẵn cả một gia tài vô giá của tình thương trao tặng cho nhau. Đời sống con người sẽ chết nếu vắng mặt tình thương, mà khi tình thương đã tràn đầy thì đó mới là đời sống thực sự. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

PHẦN GIAO LƯU:

Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, những ước hẹn như trong chủ đề ngày hôm nay là luôn luôn hẹn ước để có mục tiêu phấn đấu cả trong con đường sự nghiệp cũng như trong tâm linh, những điều đó cần thời gian và sự nỗ lực rất nhiều mà đôi khi sẽ không còn đủ để mình sống trọn vẹn trong hiện tại là sống với những nghĩa tình, dành thời gian cho gia đình và người thân. Vậy thì sẽ luôn luôn có sự hy sinh giữa cái này và cái kia. Thưa Thầy làm sao để con có thể cân bằng hai điều đó để vẫn trọn vẹn sống với hiện tại mà vẫn tinh tấn tu học trên con đường tâm linh và cầu tiến trong sự nghiệp. Xin Thầy khai thị.

Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Đối với các bậc xuất gia, lìa xa thế trần để thể nhập vào cõi chân tu, đó là một phương pháp tu đối với bậc xuất gia. Chúng ta là những người tại gia, đôi khi hiểu lầm rằng tu tập đời sống Phật Pháp tâm linh là phải tách rời khỏi mọi những sinh hoạt của gia đình, điều đó sai. Phật tử tại gia của chúng ta phải thấy được mọi sinh hoạt hy sinh san sẻ cho nhau đều nhận diện sự có mặt của Phật Pháp ở trong đó. Mà Phật Pháp là gì? Đó là nhìn thấu để buông mà san sẻ yêu thương. Đối với Phật tử tại gia, Trí Tuệ sẽ giúp chúng ta nhìn thấu để buông sự chấp trược, nhìn thấu để san sẻ sự yêu thương mà không còn dính mắc vào sự hy sinh cho người ta, mà là sự san sẻ bởi nhìn thấu.

Trong sự tương tác hàng ngày đối với người thân, pháp Phật hiện hữu, Chánh Niệm hiện hữu, tình thương hiện hữu, Trí Tuệ hiện hữu ngay trong sự tương tác với cha mẹ, vợ chồng, con cái. Đừng tách rời công phu tu tập khỏi đời sống của gia đình, như vậy là sai đối với Phật tử tại gia. Phải thấy gạo và nước hòa quyện mới thành cơm, đời và đạo dung thông mới tự tại. Phật tử tại gia đời đạo không dung thông thì chúng ta sẽ không làm tròn trách nhiệm, và nếu không dung thông thì hóa ra hủy diệt đời sống của hiện tại. Cho nên quán chiếu tình thương và Trí Tuệ để thể nhập vào năng lượng đó, nhận rõ rằng trong mối quan hệ của công ăn việc làm, đối nhân xử thế, sinh hoạt đời thường đều thấy sự hiện diện của pháp Phật ở trong đó. Đây là cách tu tại gia cao tột mà nếu các bạn đầu tư một chút thời gian quán chiếu thì các bạn sẽ thành công. Dĩ nhiên khi chúng ta nói chí nguyện tức là sự ước hẹn thành công đó. Sự ước hẹn, chí nguyện, sự mong muốn của chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu không đặt một nền tảng vững chãi ngay trong hiện tại, không sống thực với hiện tại và thành tựu được các pháp lạc trú ngay trong hiện tại thì chẳng bao giờ tương lai có thể thành công. Nó không trở thành chí nguyện nữa mà chỉ là cầu mong hão huyền. Chí nguyện sẽ thành công nếu hiện tại thành tựu được lạc trú an nhiên trong từng giây phút.

Cách nói chí nguyện hay hẹn ước nó đồng nghĩa, nhưng để thành công về điều đó thì phải biết thực tập Chánh Niệm sống trong hiện tại thì mới thành công. Còn không chúng ta xây nhà trên cát, một cơn sóng thăng trầm bể dâu của cuộc đời sẽ làm đổ vỡ hết. Đừng tách rời lời Phật và cách tu khỏi đời sống của thế nhân đối với Phật tử tại gia. Hãy tập quán chiếu Từ Bi tình thương và Trí Tuệ, tức là quán chiếu để nhìn thấu san sẻ tình thương trong mọi hoàn cảnh, mọi nghĩa cử, mọi tạo tác, mọi sinh hoạt, mọi công ăn việc làm, mọi mối giao hảo trong cuộc sống, bạn sẽ thấy tất cả mọi sinh hoạt trong cuộc đời đều có bóng mát của chư Phật hiện hữu nếu giữ được Chánh Niệm của hơi thở Từ Bi – Trí Tuệ quán. Cho nên để làm được điều đó, dĩ nhiên cần phải hy sinh trong giai đoạn đầu, cũng như để xây một cái nhà mới cao bự nhiều tầng thì cần đào sâu để có nền tảng. Lúc đầu ai cũng khó, vạn sự khởi đầu nan, nhưng nếu như chúng ta tiếp cận với các bậc thiện tri thức được khuyến tu được sách tấn tu và đồng hành thực tập pháp tu đó với chúng ta, ngày qua tháng lại mỗi người sẽ thành tựu được đời sống Chánh Niệm. Không có việc gì mà có thể thành tựu nếu không có sự tu luyện. Vậy nên nếu các bạn có phước báu kề cận các bậc thiện tri thức, các bậc tôn túc hướng dẫn tu dưới các pháp môn phù hợp với căn cơ của các bạn, đó là điều trân quý chúng ta cần phải giữ. Hãy đi vào sự thực tập Chánh Niệm hơi thở để sống được với sự an lạc ngay trong hiện tại, bạn sẽ thành công. Đừng tách rời giữa đạo và đời. Thay đổi quan niệm, đạo không rời đời, đời không xa đạo, đạo – đời song hành đối với đời sống Phật tử tại gia. Chánh Niệm và Từ Bi – Trí Tuệ sẽ giúp các bạn cởi bỏ được tất cả những cái nhìn sai trái để sống chan hòa dung thông, không còn gọi là hy sinh nữa mà là san sẻ, bởi bạn có dư năng lượng tình yêu. Còn nếu không, bạn sẽ bị rơi vào sự gọi là tôi hy sinh cho người ta quá nhiều. Để rồi cuối cùng bớt đi sự hy sinh để nhen nhúm tâm ích kỷ. Khi bớt đi sự hy sinh, sống cho mình thì đã là ích kỷ. Còn khi nói san sẻ là ta có dư để san sẻ đi. Chánh Niệm hơi thở Từ Bi sẽ giúp cho bạn có dư bởi bạn gắn kết với nguồn năng lượng vô giá từ Phật, không bao giờ cạn kiệt nên bạn dư để mà hồi hướng, để mà rải tới muôn người, chẳng phải tận tụy hy sinh tới cạn sức cạn hơi. Mô Phật!

PHẦN HỒI HƯỚNG

Thưa Phật, chúng con xin ngưng hẹn ước, sống trong Chánh Niệm tại đây chỗ này để thể nhập vào Niết Bàn tại thế, Tịnh Độ tại gia, gắn kết với Phật tiếp nguồn năng lượng soi chiếu tự thân để sống hòa quyện dung thông giữa đạo và đời. Nguyện xin Chư Phật gia độ cho chúng con. Nếu có thành tựu được chút phước báu nào trong ngày hôm nay, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn