Search

Hãy Để Cha Mẹ Xuất Gia

Bảo Như đánh máy

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành nói về sự hiếu đạo của những người con đối cha mẹ theo như lời Đức Phật truyền dạy. Đức Phật dạy như vầy: Này các người con, hiếu đạo cao cả nhất của các người con đối với cha mẹ là làm sao cho cha mẹ hiểu thấu được nhân quả, để trong đời sống của các đấng bậc sinh thành luôn sống đúng với nhân quả mà Đức Phật đã dạy, hiểu thấu được nhân quả thiện – ác để bỏ ác hành thiện. Nếu những người con có thể làm được điều đó với cha mẹ thì đó là Đại Báo Hiếu.

Các bạn, theo truyền thống Phật giáo của người Việt Nam chúng ta và cũng theo như lời dạy của Chư Phật thì nhiều đời nhiều kiếp, truyền thống đó vẫn còn. Thường thì cha mẹ cả một đời vất vả từ tuổi trẻ khi 2 người thương yêu nhau sanh ra con cái, hy sinh cả cuộc đời chăm sóc cho con đến khi con khôn lớn rồi, đã lấy chồng lấy vợ và có cháu và đến lúc đó cha mẹ cũng đã đến tuổi lớn về hưu. Thật là tuyệt vời khi cả hai cha mẹ còn sống khi tuổi về hưu có đầy đủ phước báu cùng tiến tới một bước nữa. Nhỏ, trẻ thơ và thanh niên bôn ba ở đời xây dựng cơ nghiệp, lớn rồi đi về với chùa chiền, sống trong chánh niệm, vun đắp cây đức hạnh để lại cho con cháu như một gia tài, gia tài đức hạnh cao quý. Và đúng như vậy, có những đấng bậc sinh thành thuở xưa khi lớn tuổi, có một miếng đất xây một cái am, cái thất hoặc một ngôi chùa nhỏ để tu ở trong đó.

Thời gian trôi qua, mọi sự thay đổi, và ngày nay chùa chiền của tư thất gia đình không thể xây, có chăng thì chỉ xây một cái thất nhỏ để tu. Nhưng với cái tu như vậy thì cha mẹ phải tự nghiên cứu. Nếu là những đấng bậc đã từng tiếp cận với kinh điển từ khi còn trẻ, đến khi lớn tuổi về già ôn lại kinh sách đồng tu với nhau ở nơi am thất ở tại nhà mình đó là điều đại phước. Nhưng nếu như có thể đi vào chùa tu thì điều đó còn tuyệt vời hơn. Bởi nơi đó có sự hòa hợp của tăng thân và sự giáo dưỡng của tăng đoàn, cùng nhau sống trong tinh thần hòa hợp để tiến tu. Bởi vậy khi chúng ta là phận làm con báo hiếu cho cha mẹ, nếu cha mẹ còn sống đi tu là điều tuyệt vời. Nếu như cha hoặc mẹ của chúng ta đã mất, tức là chỉ còn cha hoặc còn lại mẹ còn sống trong cảnh chiều tà như vậy – một phần là người thương yêu của mình đã ra đi, một phần đã lớn tuổi và đã về hưu thì người còn lại một mình đó luôn luôn bị tình cảm của người thương yêu đã mất dằn vặt trong nỗi nhớ thương để rồi có những dòng tâm sự khó có thể giải bày cho con cái có thể hiểu được. Và thường những đấng bậc sinh thành phát tâm đi tới các chùa chiền để xuất gia khi tuổi già để gọi là mang tất cả những nỗi sầu nỗi nhớ về người yêu thương của mình kết lại thành tâm thiện trong hơi thở chánh niệm sống đời xuất gia, dành cái hơi thở cuối đó để tăng trưởng phước báu hồi hướng cho người đã ra đi hoặc để lại cho con cái còn đang sống.

Đây là những điều cao quý mà phận làm con nếu có phước cha mẹ vào chùa tu trong lúc xế chiều. Các bạn, thế nhưng ở trong hoàn cảnh hiện tại, tất cả các ngôi chùa có nhiều góc độ khó mà đón nhận những người lớn tuổi vào tu. Thứ nhất là do chùa không đủ rộng rãi, chỗ ăn ở không có dành riêng cho người lớn tuổi. Thứ hai là người lớn tuổi lại chậm chạp và khi vô chùa đôi khi lại trở thành gánh nặng cho chùa, thật khó tu. Thứ ba: người lớn tuổi vô chùa tu cái nhớ cái quên nên các tăng ni trẻ đôi khi lại phải chăm sóc quá nhiều, bận rộn khó tu cho mình. Nói chung có nhiều góc độ vừa tế nhị và cần phải nghiên cứu kỹ tình cảnh mới có thể hiểu thấu được tại sao những vị lớn tuổi không có chùa nào hoặc có thật ít những nơi đón nhận vào để tu. Các hàng tôn túc ở trong chùa cũng từng suy nghĩ nhưng đôi khi cũng chỉ nằm ở trong trạng thái suy nghĩ, bởi khó tìm ra được phương pháp để tiếp ứng cho những bậc cha mẹ lớn tuổi đi tu.

Nay nói về phận làm con, nếu như mình có mẹ hoặc có cha khi lớn tuổi đi vào chùa tu thì chúng ta phải thay đổi cách nhìn, phải có một cách nhìn như Đức Phật dạy là thấy đó là quả phước đang hình thành bởi cha mẹ đã từ bỏ cuộc đời. Đã từ bỏ cuộc đời khi hoàn thành trách nhiệm làm cha làm mẹ, nuôi dưỡng dạy dỗ cho chúng ta ăn học thành người. Và nay cha mẹ muốn đi vào chùa tu, phận làm con chúng ta phải suy nghĩ kỹ và phải hiểu theo chánh pháp của Đức Phật dạy. Để thấy đó là quả phước để chúng ta dốc lòng giúp đỡ cha mẹ đi vào chùa tu. Và các bạn nên nhớ rằng không có nhiều chùa đón nhận những đấng bậc lớn tuổi vào tu đâu, rất ít rất ít và rất khó. Do đó nếu chúng ta có phước báu có được cha mẹ lớn tuổi muốn đi tu và cha mẹ lại tìm được một nơi mà đón nhận, chấp nhận với tinh thần thật hoan hỷ, với tinh thần sẵn sàng đến với nhau bằng trái tim lục hòa, không phân biệt tuổi tác, hỗ trợ nâng đỡ để đồng tu với kiến thức sức lực và tinh thần ở trong trạng thái tuổi lớn như vậy. Đó là vấn đề đại phước chúng ta phải suy nghĩ. Các bạn trẻ phải suy nghĩ và nhớ rằng Đức Phật dạy nếu ở trong cái tuổi lớn như vậy thì phận làm con của chúng ta có thể sách tấn hoặc tìm những phương tiện thuận lợi cho cha mẹ đi tu, cho cha mẹ từ bỏ cuộc đời, xuống tóc vào chùa bắt đầu con đường xuất gia thì thật là tuyệt vời.

Chúng ta, những bạn trẻ, đừng vì những sự suy nghĩ rằng báo hiếu của con người đối với cha mẹ là phải để cha mẹ ở nhà chăm sóc cho kỹ, sợ cha mẹ bị thế này hay bị thế kia. Nhưng đó chỉ là quan niệm của con người mà thôi. Bởi vì cha mẹ gần con cái là điều tốt, đôi khi chúng ta lại quên rằng cả cuộc đời cha mẹ đã vất vả vì ta, nay chúng ta giữ cha mẹ ở nhà thì cha mẹ lại vất vả vô cùng đối với cháu tức là con của ta. Cả đời nuôi con nay tuổi già lụm khụm lại phải nuôi cháu, chẳng còn thời gian buông bỏ chuyện đời đi về với cái tâm thiện mỹ như một kho tàng vĩ đại để lại cho con cháu. Đức Phật nhìn thấu phần này cho nên khuyên phận làm con báo hiếu cho đúng phương đúng pháp.

Phương pháp đúng để người con báo hiếu là gì? Là chúng ta luôn luôn tạo điều kiện cho cha mẹ lớn tuổi đi tới chùa chiền tu tập và tạo nhân duyên. Nếu cha mẹ khởi lên cái tâm muốn xuất gia, thì ta phải luôn luôn giúp đỡ cha mẹ thành tựu được điều đó. Đừng vì những cái tư tưởng cá nhân riêng tư của tuổi trẻ mà chúng ta muốn giữ cha mẹ lại. Dưới tất cả mọi hình thức chúng ta nói, dưới tất cả mọi góc độ mà chúng ta nhìn, thì hãy nhìn một cách viên dung, một cách tốt đẹp hơn. Đừng vì sự suy nghĩ của riêng ta – của cái tôi mà chúng ta gây trở ngại, cản trở bước đường của cha hoặc mẹ, hoặc của cả cha mẹ, muốn đi vào chùa xuất gia khi đã về hưu.

Đặc biệt ở những quốc độ như nước Mỹ, chùa chiền thật là nhỏ, khó tìm được những ngôi chùa lớn có đủ chỗ cho những vị lớn tuổi đi vào ở, đó là thứ nhất. Thứ hai, chúng ta thấy rằng truyền thống mà người lớn tuổi đi vào chùa ở là một truyền thống chưa có nhiều ở Mỹ, cho nên khi các cha mẹ lớn tuổi đi vào chùa để ở để xuất gia thì khó có nơi nào tiếp nhận. Có chứ không phải không có, nhưng thật hiếm, bởi đôi khi chỗ đó lại quá xa nơi chúng ta ở. Tìm được một chỗ gần, tìm được một chỗ thuận lợi có thể đón nhận cha mẹ vào tu là một chuyện rất khó. Ngược lại nó lại có vấn đề thuận lợi đó là bớt lo lắng thật là nhiều như ở bên Việt Nam bởi vì ở bên Mỹ có một chính sách đó là chính sách về hưu nâng đỡ y tế. Cho nên khi vô chùa tu thì chuyện gì cũng đã được nhà nước lo như về kinh tế, y tế, chăm sóc sức khỏe, nên bớt đi gánh nặng cho nhà chùa.

Thêm vào đó, các bậc lớn tuổi rồi lại có những chính sách về hưu phù hợp với mình nên cũng chẳng còn là gánh nặng cho chùa nữa, có chăng là một chỗ ở đùm bọc với nhau trong tình tăng thân hòa hợp, để mọi lứa tuổi có căn duyên phù hợp với nhau đến ngôi chùa đồng tu và để chăm sóc cho cái vườn đức hạnh. Đó là điều cao quý nhất. Do vậy mà chúng ta có cha mẹ lớn tuổi hoặc những bậc sinh thành lớn tuổi rồi muốn xuất gia, thì đối với Bảo Thành cũng sách tấn rằng: quý vị cũng nên nhường bước cho con cái có trách nhiệm, bổn phận nuôi cháu của chúng ta như thuở xưa ta nuôi con. Để con cái của chúng ta trưởng thành vững chãi như ta, biết chăm sóc cho vợ cho chồng cho con cái. Còn ta lùi lại một bước hưởng cái tuổi già trong cảnh của thiền môn thanh tịnh để chúng ta có thể thong dong tự tại tháng ngày trong nụ cười của chánh pháp, trong hành vi của chánh niệm. Để những ngày tháng cuối của đời ta có nhiều thời gian chăm sóc cho vườn tâm của chúng ta. Chăm sóc cho vườn tâm của chúng ta trổ sinh hoa trái, phước đức để dành lại cho con cháu. Hay ít nhất cũng tỏa hương lành cho những người gần gũi với chúng ta trong tuổi xế chiều.

Xin mọi người chúng ta cùng tư duy về vấn đề này để chúng ta có một khái niệm mới, sống hiện tại, nhất là đối với con cái nâng đỡ cho cha mẹ vào chùa để tu. Và đặc biệt đối với những đấng bậc sinh thành khi đã lớn tuổi có hướng nhìn khác để cuộc sống tự tại an nhiên hơn. Cảm ơn các bạn đã nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn