Tâm Sĩ đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và trên Facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến. Hôm nay Bảo Thành kể một câu chuyện để chúng ta cùng nghe. Câu chuyện thật đơn giản:
Có một anh kia gặp một vị Sư. Vị Sư không có Chùa, chỉ có một cái chòi nhỏ dựa vào vách núi. Anh ta tới gặp vị Sư và nói rằng: Thưa Sư, con không làm chủ được cái Tâm. Tâm của con cứ nhảy lên xuống như con khỉ. Đi làm thật là khó, công việc không có, tức là không có ổn định được. Con tới gặp Sư, xin Sư hướng dẫn cho con, để con có thể thoát được cái lăng xăng, nhảy như con khỉ đó, tâm như con khỉ, không có tập trung vào làm việc được.
Vị Sư quán chiếu anh này, thấy tâm thật sự như con khỉ, nói chuyện mà anh ta ngồi cứ đưa tay lên đưa tay xuống, rồi chân tay run rẫy, người cứ ngó qua ngó lại, tức là người y như con khỉ, táy máy dữ lắm. Nhà Sư mới hỏi anh ta rằng: Tại sao tâm anh như con khỉ không. Anh ta trả lời: Nếu con biết, con tới Ngài làm gì. Vị Sư cười rồi dắt anh ta đi chơi dọc bờ sông, đi lên núi, rồi lại đi dọc bờ sông. Khi đi tới một khúc kia, có một người đang câu cá, vị Sư ngồi xuống cùng với anh ta và nói: Con hãy nhìn cái phao. Người câu cá ở đó, thấy một ông Sư và anh thanh niên ngồi nhìn cái phao của mình thấy lạ, nên muốn để coi vị Sư này có ý gì dạy anh kia, thì mình lắng nghe, biết đâu sẽ học được điều tốt.
Cái phao đang lặng lờ nhẹ nhàng, không có một gợn sóng gì, cứ như vậy, cứ như vậy, bình tĩnh, yên, thật là tốt, lặng như tờ. Nhưng bỗng chốc cái phao dựt dựt, nhảy nhảy liên hồi. Người câu cá mới vội dựt lên, dính vào một con cá.
Vị Sư mới hỏi anh ta rằng: anh có biết tại sao cái phao nó nhảy không? Lúc đầu nó lặng như tờ, nhưng sau sao nó lại nhảy. Anh ta trả lời ngay: Thưa Ngài dễ mà, tại vì có mồi bên dưới mồi chài, con cá nó ăn làm dựt cái phao nhảy. Vị Sư nói, nhưng rồi tại sao người câu cá có thể bắt được con cá. Anh ta nói: Ôi dễ mà, bởi nhờ có cái móc câu, cá thấy có mồi dụ vào ăn, làm dựt dựt cái phao, nên người câu biết có cá cắn câu, dựt cần lên dính.
Vị Sư nhẹ nhàng nói với anh ta: Con biết không, cái phao sẽ lặng như vậy, nếu không gắn mồi vào lưỡi câu, sẽ không có một con cá nào ở dưới nước, đớp vào dựt cái phao như vậy đâu, thì cái phao sẽ lặng như tờ tốt lắm yên tĩnh. Nhưng cái phao nó sẽ nhảy lên, là bởi vì ở dưới có lưỡi câu gắn mồi, con hiểu điều đó mà. Cho nên tâm của con, nếu gắn thêm cái móc câu của tâm tham, và cái mồi của ái dục, thì con cá sân sẽ đớp vào, dựt cái tâm của con cũng nhảy, chẳng khác gì cái phao. Cuối cùng con dựt lên được, đó là tâm sân giết chết cuộc đời của con, lăng xăng, khó chịu chẳng làm được gì, nóng nảy bực bội.
Cái phao sẽ lặng như tờ, nếu không gắn mồi vào lưỡi câu, con không tin, nhìn đi. Vị Sư liền mượn cần câu của người kia, cắt lưỡi câu không gắn mổi, thả phao xuống dưới nước, thấy phao lặng như tờ trôi trên dòng nước. Anh ta lúc này mới hiểu ý Sư cụ. Cuộc đời của anh ta đã gắn vào biết bao nhiêu cái tham, những cái lưỡi câu tròng vào cuộc đời, nên cái phao là tâm của anh ta, cứ bị những con cá sân, tham mà không được không đạt, con cá sân chộp vào đó, cắn vào đó, nó bị dính vào lưỡi câu của tham, rồi nó nhảy lung tung, nên cái tâm cứ bị thụt lên thụt xuống, cuối cùng dựt lên chỉ được sự bực bội và khó chịu.
Hiểu được ý đó anh ta trở về am tự cùng với vị Sư tu tập, và tâm dần dần an lắng xuống. Khi tâm của anh ta an, anh ta cười vui lắm. Tiếng cười của anh ta vang vọng một góc núi, thì chợt một người hiện thân ngay đó. Mời vào, cả hai Thầy trò nhận ra đó là người câu cá ở bờ sông năm xưa. Ông ta tới núi và nương vào bóng từ ân của vị Sư tu, cho tâm bớt đi mùi tham cuộc đời, để không câu vào sự sân giận nữa, ông ta bỏ nghề câu cá.
Các bạn thân mến,
Sống ở trên đời này ai mà không tham, người ta thường nói như vậy. Không tham không phải là người. Sống ở trên đời ai mà không sân, không sân không phải là người. Phải nói thêm mợt câu nữa, sống ở trên đời này ai mà không si, không si không phải là người, đúng. Là người chúng ta có trọn gói: Tham Sân và Si. Chính vì tham sân si, làm cho tâm của chúng ta như cái phao thả trên nước, bị cái mồi tham, con cá sân cắn vào, thì ngu si dựt lên dựt mãi, lăng xăng không ổn, không tịch, không tĩnh.
Anh chàng kia tâm như con khỉ chẳng hiểu được, vị Sư đã phải dùng một ví dụ cụ thể bên bờ sông, để độ anh ta hiểu được, quán chiếu cho tâm đừng mắc câu tham, đừng gắn mồi tham vào đó, để con cá sân đớp vào dựt cái tâm, thì làm sao ổn định được. Nhưng nhân việc đó, người câu cá ở đời nhìn vào cách dạy, thân giáo của vị sư và sự thay đổi của vị đó, mà đã tự nguyện trở lên núi để được học đạo.
Cách dạy một con người cũng ảnh hưởng thật nhiều đến mọi người chung quanh. Cách sống mà để tâm chúng ta không còn thòng vào bể khổ của cuộc đời, cột vào tâm chúng ta, như một cái phao, thòng vào bể khổ cuộc đời, có một lưỡi câu tham móc vào tâm sân ở đời nữa, thì làm sao tâm chúng ta an ổn bình tĩnh, thanh tịnh được.
Luôn luôn phải giữ tâm lặng như tờ, trôi trên dòng đời bể khổ mênh mông. Giữ tâm lặng như tờ! muốn như vậy chúng ta phải cắt lìa cái dây có móc câu của tham: tham ái, tham dục, tham tài, tham tình, tham vật chất, để những con cá sân hận của cuộc đời không đớp vào đó, cho sự si mê, quờ quạng, không rõ, người ta cứ dựt lên dựt xuống, làm tâm chúng ta cứ lộn nhào trong bể khổ của cuộc đời, không làm chủ được, khổ lắm.
Hãy nuôi dưỡng ý tưởng giữ tâm lặng như tờ, muốn vậy chúng ta phải cắt lìa khỏi tâm tham. Làm sao có được điều đó, hãy luôn tự nhắc mình rằng: cái móc câu của tâm tham sẽ luôn dính vào tâm sân, bởi sự nhìn không rõ, cho nên cái phao là cái tâm, được tượng trưng cho cuộc đời. Với bể đời mênh mông sóng gió thử thách, đè lên, dập xuống. Nếu không có móc câu của tham, con cá của sân và sự dựt mạnh của si mê, thì tâm của chúng ta sẽ lặng như tờ, trôi trên dòng trôi của cuôc đời tịch tĩnh và an vui.
Cách làm sao, cách làm dễ mà, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn rõ, cắt nó đi, bởi chúng ta hiểu rõ cái phao sẽ bị chìm lên chìm xuống. Cái mà chúng ta dựt lên tưởng chừng như một điều gì thành qủa lớn, đó chỉ là tâm sân hận mà thôi. Thấy được sự nguy hiểm của tâm sân, thấy được móc câu của tâm tham, và thấy được sự nóng nảy, lăng xăng, bực bội của tâm si mê, chúng ta cắt lìa nó đi, thì tâm thức lặng như tờ, an nhiên giữa cuộc đời.
Đức Phật dạy, để thành tựu được điều đó, hãy cố gắng nhận diện mồi cá tâm tham của chúng ta khi giao tế trong cuộc đời, chánh niệm, chánh niệm đời sống. Khi bạn giao tế thì thấy những mồi phú quý, tiền bạc, danh vọng, địa vị, tình ái, mà lòng tham, móc câu tham nó trỗi dậy, các bạn liền cắt nó đi. Cắt bằng gì, trở về với hơi thở chánh niệm, trở về với hơi thở chánh niệm: hít vào thở ra, móc câu tham đã tòi ra rồi cắt liền tại chổ, thì chẳng có cá nào cắn vào.
Nếu chúng ta thấy tâm tham tòi ra rồi, mà còn thòng vào cuộc đời nữa, thì nhất định chúng ta sẽ sân giận, vậy thôi. Bởi vậy những ai sân giận, là bởi vì móc câu của tâm tham, nó thòng vào những nơi chúng ta lui tới. Cho nên chúng ta hay bực bội, nóng nãy, khó chịu, thường hay thể hiện ác tâm của mình.
Nhớ, sống một đời sống chánh niệm tịch tĩnh, nhìn cho kỹ và nhận diện được tâm tham khi nó lộ diện, ngay lúc đó trở về với hơi thở, quán chiếu thật rõ, cắt liền tại chỗ, tâm sẽ được lặng yên.
Cám ơn các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa