Search

Giải Trừ Khẩu Nghiệp

Người theo Phật nói năng như chánh pháp

Tránh thị phi, ác miệng, dối hại người

Hằng tu tập thực hành lời thanh tịnh

Gieo nhân lành, ái ngữ, kết an vui.

Hôm nay là đầu tháng 12, vọng đâu đây cái âm vang của một mùa lễ, mùa đông mùa lạnh nhưng ai cũng háo hức. Hình như con người đã tạo ra ngày lễ này để từ đó lòng ai cứ háo hức mỗi đông về, cô lạnh một chốn lòng vẫn mong. Dù cô lạnh ở một chốn xa xôi nào đó lòng ta vẫn mong bởi cái mùa đông tuy lạnh nhưng háo hức, rạo rực. Chẳng còn bao nhiêu lâu nữa là hết một năm, hai mươi mấy ngày nữa thôi. Cái háo hức của mùa đông lễ lớn như mùa Noel, cái háo hức của tết Dương Lịch rồi đến cái Tết của người Việt chúng ta. Ba ngày lễ lớn chờ đợi như một đoạn đường kết thúc một năm mới để chuẩn bị cho cái năm mới mà gọi mới hôm qua, mới hôm xưa nay trở thành năm cũ rồi và một năm mới nữa rồi cũng sẽ cũ đi thôi. Cứ mới tới là cũ phải đi mà mới tới mới lại thành cũ vần xoay, xoay vần đã mấy mươi năm trong cuộc đời vậy mà ta cứ háo hức mãi mỗi khi mùa đông se lạnh trở về. Mỗi một tâm cảm, mỗi một cảm xúc nói lên cái dòng tâm sự của một đời người có nụ cười vang vọng cả góc trời, cũng có những nụ cười thầm kín trong khóe mắt, ướt dài trên bờ môi. Ai trong chúng ta cũng có những cảm xúc khi mùa đông trở về, mùa đông lạnh rồi lại mùa đông năm ấy, rồi mùa đông năm nay. Con người sao có những cái cảm xúc dòng đời trôi nổi để mà cứ lăn trôi theo những cái cảm giác đó, buồn vui lẫn lộn, cười nói luyên thuyên, nước mắt chảy dài còn đọng lại trên khóe mắt mà chẳng biết sao ngăn chặn. Chúng ta cũng đồng hành như bao nhiêu con người vào mùa đông và mùa đông đã tới và cái lạnh của mùa đông cũng chóng qua thôi để cho cái ấm áp của mùa xuân hoa nở, đâm chồi, vươn mình lên, bao nhiêu ước vọng của năm mới cũng sẽ tới. Kết thúc một năm vào mùa đông là đóng gói tất cả những cái gì của đau khổ, phiền não vào trong cái thùng của quá khứ năm nay. Để khi năm mới tới, khi năm nay được gọi là năm cũ chúng ta lại không mang về với năm mới. Ta vẫn biết như vậy, năm nào cũng thế nhưng nay trở về với cái chủ đề mà chúng ta chia sẻ ngày hôm nay đó là “giải trừ khẩu nghiệp”.

Cái khẩu nghiệp của chúng ta là một cái hành trang muôn đời chúng ta không chịu khép lại dù kiếp này đã đoạn cho tới kiếp tới mà cứ khư khư ôm mãi tái sanh vào kiếp sau. Dù năm cũ đã thật sự trôi qua, mùa đông đã tới mà không ai chịu đóng gói gửi vào trong tâm thức của quá khứ, cất vào trong cái kho tàng của một thời đã qua. Cứ mở mãi, phô trương, trình bày rồi thao diễn, hiến tặng cho những người mà họ chẳng có một lần nào muốn lãnh nhận. Khẩu nghiệp là món quà không có giá trị, mang lại sự đau khổ chia rẽ, mang lại sự tan nát gia đình, tình bạn, xã hội, mang lại sự đau khổ, cấu xé. Bởi khẩu nghiệp được tạo tác do những lời hung ác thô bạo, những cái lời chia rẽ, miệt thị, chê bai, gièm pha, đâm thọc, những lời ngọt như mật nhưng sắc như dao. Để người nghe tủi ngủi cả cuộc đời, đau đớn vạn kiếp sinh trong luân hồi đau khổ mà chẳng hay. Cái lời của chúng ta nó sắc đến mức mà sắc trong cái mùi vị, sắc trong cái sắc của bom đạn giết chết bao nhiêu con người, đau khổ vô cùng. Một cú đấm, một cái tát đau đó nhưng thoáng qua rồi hết nhưng một lời nói sắc như dao, ngọt như mật nhưng mà có cái sức đâm xuyên qua cả trái tim, đau đớn lắm.

Trong ba nghiệp chúng ta thường tạo đó là ý nghiệp, khẩu nghiệp và thân nghiệp, trong ba phương tiện này thì cái phương tiện thực tế mà tạo ra nhiều nghiệp nhất, dễ dàng ứng dụng nhất mà chúng ta thường đối xử hàng ngày đó chính là khẩu nghiệp. Thân nghiệp mấy ai tạo, chắc cũng có mà ít lắm không có nhiều như nghiệp sát, trộm cắp, hà hiếp người này, người kia nhưng chỉ có một số người. Còn cái nghiệp ở trong tâm khởi lên chắc cũng có tạo tác ra bên ngoài nên cái nghiệp đó cũng chẳng đáng lo ngại. Cái nghiệp khẩu là lo ngại nhất bởi vì nó thuận tiện, nơi đâu cũng ứng dụng được, chỗ nào cũng có thể sử dụng được, thời gian nào, thời điểm nào hình như cái tốc độ tạo nghiệp nơi cái miệng của chúng ta nó là tốc độ siêu tốc như phi thuyền bấm nút một cái là lên tới mặt trời, mặt trăng rồi. Chuyện mới xảy ra trong nhà bếp thoáng một giây thôi là cả thế giới biết nhất là phương tiện ngày nay của Facebook, Youtube, các trang mạng thì cái khẩu nghiệp của chúng ta nó lan truyền mênh mông vô tận. Hồi xưa mà nghe chửi nhau thoáng thoáng ở trong làng, trong xóm rồi thì cũng chỉ có một vài người quây quần nghe được tiếng chửi nhau thôi. Nhưng ngày nay người ta chửi nhau người ta còn mang lên trên mạng, người ta tản mạn ở trên mạng những câu chửi có đệm, có vần, có thơ, có ca thô tục vô cùng, vần đệm êm xuôi nghe thấy rợn cả người thế mà người ta vẫn làm. Người ta tự hào vì văn chương thô tục, chửi bới, gièm pha, ở trên mạng thiếu gì. Không những thế cái tư tưởng ngày xưa khó biến thành nhưng tư tưởng ngày nay tạo nghiệp cũng dễ là bởi vì ngươi ta biến thành văn tự viết để chửi, chê bai, gièm pha ở trên mạng. Có lẽ nói ngược lại và cho rõ thì khẩu nghiệp là một phương tiện kinh khủng vô cùng mà phương tiện ngày nay lan tỏa cái khẩu nghiệp như những cái thuốc cực độc, nguy hại làm đổ vỡ hạnh phúc của gia đình qua cái khẩu nghiệp, thị phi, đâm thọc, chê bai, lời thô tục, gièm pha, miệt thị, khinh chê. Làm đổ vỡ hạnh phúc giữa cha mẹ với con cái, làm cho cha mẹ ruồng bỏ con cái, làm cho vợ chồng ly thân ly dị, làm cho con cái bất kính với cha mẹ, làm cho bạn bè chia rẽ, làm cho xã hội loạn và làm cho với mất ổn định, khẩu nghiệp khủng khiếp. Cho nên người học Phật như chúng ta không thể để cho một người luôn luôn tuôn ra những lời thô ác để biến mình thành kẻ ác. Không thể để cho một người tuôn ra những cái lời gièm pha để ta biến thành những kẻ khinh miệt người khác, ta cũng không thể để cho những người tuôn ra những lời đâm thọc để ta thọc đâm kẻ khác tới chết. Ta không để cho những lời tạo ra nghiệp của người này ô nhiễm đến cuộc đời, đen tối làm cho ta đau khổ. Khẩu nghiệp rất nguy hại, hiện tại bây giờ và mãi mãi, nguy hại lắm. Các bạn nghe qua một câu chuyện trời Đức Phật để thấy được sự nguy hại của cái khẩu nghiệp dù là một tiếng nói rất đơn giản tưởng chừng như vô hại nhưng nó cũng tạo thành nghiệp, phải chấp nhận cái nghiệp quả trong nhiều kiếp:

Thuở xưa thời Đức Phật ngài ở thành phố Savathi, ngài đi khất thực cùng với những bậc trưởng lão đệ tử của mình ở trong thôn, thành phố đó và tới nhà ông Siri là một người luôn luôn có tâm cúng dường cho tăng thân những bữa ăn. Sau khi được cái vị đó cúng dường đồ ăn Phật cùng với đệ tử đi về tới một gốc cây ngồi nghỉ, ăn uống xong ngồi nghỉ mát chút xíu bởi đoạn đường hơi dài. Thì bất chợt có một con khỉ ở trên cây nhảy xuống thỉnh cái bình bát của chư Phật và mượn cái bình bát chạy đi đâu không biết. Thoáng một hồi con khỉ trở về trả bình bát lại cho Phật thì trong cái bình bát đó đầy mật. Phật hoan hỷ vô cùng bởi một con khỉ còn biết mượn bình bát đi lấy mật để cúng dường Phật, bậc tôn kính. Ngài liền lấy mật đó chia đều cho các đệ tử để nương nhờ vào sự thanh tịnh của Phật và chúng đệ tử cái bình bát đầy mật cúng dường của con khỉ đó thì con khỉ sẽ tăng trưởng phước báu. Thế rồi thầy trò uống mật xong, mát mẻ lại đi trở về. Chẳng bao lâu sau con khỉ đó chết và có nhân duyên tái sanh làm người lại sinh ra làm đứa con của ông bà Siri đó. Hai ông bà đó sinh ra được đứa con thì khi sinh ra bình bát ở trong nhà đầy hết mật, không hiểu nguyên nhân sao khi sinh đứa con này thì bình bát lại đầy mật cho nên người mẹ mới đặt tên cho con là Mật Thăng, tức là đầy đủ, nhiều, lúc nào cũng có mật ngọt hết. Đứa con Mật Thăng lớn lên theo cái nhân duyên thiện lành cho nên chẳng ham muốn cuộc đời phú quý lại xin đi tu. Cuối cùng cha mẹ thấy đứa con có nhân duyên lớn nên để con đi và đứa con đó đã đi tìm Phật thỉnh và thọ giáo để quy y làm tỳ kheo, đệ tử của Phật sau này. Rồi cũng đứa con đó, cái vị thầy tu tỳ kheo Mật Thăng đó một lần đi khất thực cùng với các vị hòa thượng thì những vị đó ăn uống xong khát quá. Không có gì để uống nên khát mới nói với nhau là khát quá, cần có cái gì để uống thì tỳ kheo Mật Thăng lấy cái bình bát của mình quăng lên trời và khi rớt xuống hứng lấy thì thấy bình bát đầy ấp hết mật. Tỳ kheo Mật Thăng cúng mật đó cho các đồng môn hòa thượng của mình cùng uống cho đỡ khát. Nhưng khi trở về gặp Đức Thế Tôn họ ngồi xuống trình bày với Phật rằng:

  • Vì Nhân duyên gì, phước báu nào mà tỳ kheo Mật Thăng lại có cái khả năng đón nhận được nhiều mật như vậy để cúng dường cho huynh đệ cũng như khi cần?

Phật ngồi xuống mới kể câu chuyện tiền kiếp tỳ kheo Mật Thăng như vầy: Trong 500 năm trước thời Đức Cổ Phật Ca Diếp còn tại thế có một vị hòa thượng lớn tuổi và một chú sa di nhỏ cùng đi với nhau. Chú sa di đó khi thấy hòa thượng nhảy qua một con suối nhỏ thì bật cười nói rằng hòa thượng nhảy như con khỉ. Trải qua một sự suy niệm chú tiểu thấy mình đã lầm lời gọi hòa thượng bổn tôn của mình là con khỉ cho nên thành tâm sám hối với vị hòa thượng đó để không bị cái khẩu nghiệp lưu đày trong những địa ngục tăm tối. Vị hòa thượng thấy sự sám hối của chú tiểu nhỏ nên tha thứ thế vậy mà cái chú tiểu nhỏ đó khi chết đi do bị cái khẩu nghiệp đã tạo ra nên phải tái sanh làm khỉ 500 kiếp. Nhưng vẫn có cái nhân duyên sám hối và có nhân duyên ở trong cái thời của Đức Cổ Phật Ca Diếp nên Đức Phật nói với đệ tử rằng nên con khỉ đó lại có nhân duyên gặp được Phật Pháp Tăng, cúng dường một bình bát mật để rồi khi thác đi lại được tái sinh làm người trong gia đình của ông Siri nay đi tu với ta và thành tỳ kheo có phước báu như vậy.

Đây là câu chuyện Đức Phật kể từ tiền thân của tỳ kheo Mật Thăng, chỉ vì một câu nói buột miệng thật là nhanh để tạo nghiệp thành con khỉ nhưng vẫn có phước báu để gặp Phật bởi vì sám hối. Khẩu nghiệp, sám hối, thành khỉ, có nhân duyên để thành người gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng. Người xưa nói sảy tay con dễ đỡ còn sảy miệng thì thôi xong rồi, một lời nói khẩu nghiệp tạo ra nếu không nhận thức được như chú tiểu kia để mà sám hối thì nhất định sẽ bị đọa vào tam đồ khổ. Khẩu nghiệp dễ tạo nhưng nguy hại vô cùng, nó cực độc, nó như thuốc độc mà bị phun hơi ra người ngửi một cái là chết. Lời thị phi, sự đâm thọc, lời thô ác, gièm pha, sự chê bai, sự nói thêm nói bớt, nói khống, nói ngược nói xuôi, nói để mà nâng mình lên hạ người xuống, nói để chà đạp lên nhân phẩm của mọi người, nói để mà có quyền, nói để mà có tiền, nói mà để có tình, nói để mà đoạt danh đoạt lợi, nói để người ta mất việc, nói để người mất cha mẹ, mất vợ mất chồng, mất luôn con cái, mất cả giang sơn, mất tất cả, mất cả cuộc đời. Có những lời nói mà người nghe nghe xong phải đi tự tử. Thời Tam Quốc Chí, Khổng Minh giỏi lắm nói một lời Chu Du về hộc máu chết ngay, một lời khích bác thôi. Khổng Minh đã nói một lời mà ông Chu Du về nhà suy ngẫm tức tối hộc máu còn thời nay thiếu gì. Bảo Thành và các bạn đã thật là nhiều lần lầm lỗi như chú tiểu kia nhưng không biết sám hối. Đã bao nhiêu lần Bảo Thành và các bạn không phải một lời mà đã tuôn ra biết bao nhiêu những cái ngôn từ thô ác làm cho cha mẹ đau lòng, suốt cả đêm trường rỉ máu ở trong tim, nước mắt chảy dài không thể ngừng. Đã làm cho cha đau, làm cho mẹ khổ, đã làm cho vợ tan nát con tim, đã làm cho chồng đau đớn cả tâm hồn, làm cho con cái phải tủi hổ bỏ nhà ra đi, đã làm cho bạn bè không thể trở lại, đã làm cho xã hội đầy tràn những gương mù, gương xấu.

Các bạn và Bảo Thành là người chúng ta thật dễ phạm vào cái khẩu nghiệp này. Nghe câu chuyện về tỳ kheo Mật Thăng tiền thân xưa là một chú tiểu  thời Cổ Phật Ca Diếp nói một câu thị phi với vị thầy của mình là nhảy như con khỉ thôi mà hóa thành khỉ 500 kiếp. Nhưng ít nhất đã biết sám hối, khỉ biết cúng dường cho Phật tạo ra phước tái sanh làm người gặp được Phật có phước báu. Sau này cái lời thị phi, sám hối đó đã trở thành mật ngọt dâng hiến cho cuộc đời. Chúng ta có khả năng như tỳ kheo Mật Thăng dù là thân gì đi nữa nay mang kiếp làm người tạo muôn trùng nghiệp chướng trong khẩu nghiệp. Chỉ cần biết thành tâm sám hối thì cuộc đời của ta sẽ đầy ấp mật ngọt từ cái ngôn ngữ thiện xảo trong ái ngữ để trao gửi cho muôn người. Ta không cần mật nữa để tung bát lên hứng đầy mật cho những người yêu thương nhưng mà ta chỉ cần tung tăng trong cõi trời mênh mông vô tận của tuệ giác chư Phật rong chơi khắp cõi thì đầy ấp những mật ngọt nơi ngôn ngữ từ môi miệng để trao tới cho bao nhiêu con người ta yêu thương. Mật ngọt từ miệng qua ngôn ngữ mới là vô giá, nó hàn gắn những cái vết rạn nứt trong tim của muôn người, nó làm cho cha mẹ trường thọ, khỏe mạnh an vui. Nó làm cho vợ chồng yêu thương mãi mãi, nó làm cho con cái thành nhân thành tài, làm cho tình bạn keo sơn biết chia sẻ và tha thứ, làm cho xã hội tốt đẹp và làm cho lòng người hân hoan, tràn đầy hy vọng để biết phục vụ, san sẻ và tận hiến cho tha nhân. Mật ngọt từ những ngôn từ nơi môi miệng ta mới là thứ mật cao quý. Đừng nuốt dao, nuốt mảnh sành, nuốt thuốc độc vào trong miệng rồi hà hơi nói những lời đay nghiến nguy hại. Sám hối đi các bạn, Bảo Thành và các bạn phải biết sám hối để có mật trong môi miệng trao tặng cho muôn người. Người theo Phật nói năng như chánh pháp, chánh pháp của cái chánh ngữ đó là cái lời yêu thương, dễ thương, ái ngữ. Ông bà nói lời nói không mất tiền mua, Phật nói lời nói chánh pháp không mất tiền mua thật, nói cho đúng, nói cho hay, nói cho ngọt, nói cho ngọt hơn mật ong của tỳ kheo Mật Thăng nữa thì phước báu vô cùng. Nhóm hòa thượng đi khất thực bị khát tỳ kheo Mật Thăng quăng cái bình bát mật dâng cho mọi người, chúng ta có đầy ấp mật ngọt dâng lên môi miệng mỗi một giây, một khắc tiếp xúc với đấng bậc sinh thành, vợ chồng con cái, thân bằng quyến thuộc, xã hội ngoài đời thì dùng cái mật ngọt của ngôn ngữ ái ngữ chánh pháp của Như Lai để trao cho muôn người, hạnh phúc sẽ tràn đầy, phước báu sẽ luôn luôn hiện diện trong cuộc đời.

Người theo Phật nói năng như chánh pháp

Tránh thị phi, ác miệng, dối hại người

Chúng ta là người học Phật ta nói năng như pháp thiện, ta phải tránh thị phi, ác nghiệp để dối và hại người. Dối gian, gian dối hại người nguy hại vô cùng. Một lời nói của một chú tiểu hồi xưa với vị thầy của mình là nhảy như con khỉ thôi bị đọa thành thân súc vật là khỉ 500 kiếp. Các bạn, đó là đã biết sám hối rồi nhưng rất may là cái lời sám hối tạo thành một chủng tử thiện để khi gặp Phật biết cúng dường mật nên được tái sanh làm người sau khi chết để trở thành con cái một gia đình luôn biết hướng tới tam bảo Phật Pháp Tăng để rồi xuất tâm khỏi trần thế đi vào cảnh giới của Phật làm tỳ kheo đệ tử của Phật. Tỳ kheo Mật Thăng luôn luôn có mật ngọt dâng cho những người khác, chúng ta cũng là mật thăng trong cuộc đời này. Chúng ta có thể thăng hoa cuộc đời bằng những lời mật ngọt trong ái ngữ chánh pháp của Phật để dâng hiến cho muôn người. Cứ tự hỏi sao ta lại phải dùng những lời thô ác để giết chết con tim người mình yêu thương, sao ta lại phải dùng những lời gian dối để giết chết cả cuộc đời người ta yêu thương, sao ta lại phải dùng những cái lời thị phi, đâm thọc để chia rẽ tình cảm của ta và của người và của muôn người khác? Sao ta lại phải dùng những ngôn ngữ miệt thị cay đắng để làm cho bao nhiêu con người rơi vào trầm cảm, đau đớn, quằn quại trong từng đêm? Sao ta lại phải dùng những cái lời thật là cay độc để cho cha mẹ và người thân, cho bạn bè và những người quen biết phải khổ đau vô cùng? Sao không dùng mật ngọt để thăng hoa cuộc sống như tỳ kheo Mật Thăng, mật ngọt của chánh pháp?     

Người theo Phật nói năng như chánh pháp

Tránh thị phi, ác miệng, dối hại người

Hằng tu tập thực hành lời thanh tịnh

Gieo nhân lành, ái ngữ, kết an vui.

Các bạn, cuộc sống của chúng ta không trễ đâu, khi biết nói những cái lời thị phi mà biết sám hối ta vẫn có cơ hội gặp Phật, gặp Pháp, gặp Tăng để dâng một chén mật cho Phật tạo dựng được phước báu ngàn sau cho kiếp cuộc đời của ta và cho con cháu thân bằng quyến thuộc. Cái con khỉ là chú tiểu biết sám hối bị thành khỉ sau một lời nói ác nghiệp biết dâng một bình mật cho Phật mà có nhân duyên thành người tìm được Phật Pháp Tăng để tu thành tỳ kheo Mật Thăng. Chúng ta cũng có nhân duyên tương đồng để trở thành người học Phật ngày hôm nay dưới thân cư sỹ tại gia hoặc thân xuất sĩ tại chùa. Dù là tại gia hay tại chùa chúng ta đều có cái khả năng như tỳ kheo Mật Thăng thăng hoa đời sống bằng mật ngọt ngôn ngữ chánh pháp. Không có thị phi, không dối hại người, thực hành những cái ngôn lời thanh tịnh để chúng ta gieo nhân lành với ái ngữ kết an vui cho ta và cho muôn người trong đời sống.

Các bạn, giải trừ khẩu nghiệp là chúng ta phải nhận thức rằng ta rất dễ tạo nghiệp từ ngôn ngữ. Đầu tiên phải chặn đứng những ngôn ngữ đó, chặn đứng những ngôn ngữ từ miệng lưỡi chúng ta không thể nói thô ác, đâm thọc, thị phi, thêm bớt, gièm pha, miệt thị, hơn thua tranh giành đoạt quyền bằng ngôn ngữ. Phải chấm dứt, phải ngừng. Muốn trị ngưng phải ngưng tạo ra thương tích, muốn chuyển hóa nghiệp khẩu thì cái gì tạo ra khẩu nghiệp đó phải ngưng ngay, rồi ta làm gì để chuyển hóa những cái khẩu nghiệp của kiếp trước? Chú tiểu kia đã sám hối, sám hối xong rồi tội nghiệp sẽ sạch trong và khi sám hối những cái khẩu nghiệp của mình xong tức là chấm dứt tạo ra khẩu nghiệp rồi sám hối khẩu nghiệp đó, rồi phải bằng cái hành vi cụ thể để tạo ra phước báu đó là cúng dường. Biết cúng dường Phật Pháp Tăng mật như con khỉ biết cúng dường mật tức là chúng ta biết bố thí, từ thiện, phóng sanh, cúng dường, cho đi, phụng hiến, giúp đỡ, an ủi người bệnh tật, chia sẻ người đói ăn, khát uống, ta cho, ta tặng, ta hiến. Những người cần an ủi ta an ủi, ta chia sẻ, làm việc bố thí xa gần tùy theo tâm hoan hỷ mà làm như con khỉ thật hoan hỷ, Phật đang ngồi nghỉ mượn cái chén một chút tặng mật cúng dường cho Phật và ta vẫn có thể làm được điều đó. Ta sám hối hàng ngày, đừng tạo ra những ngôn từ đau lòng nữa nhất là những ai đã gian dối với vợ, với chồng, với cha, với mẹ, với thân bằng quyến thuộc, với bạn bè, với con cái chúng ta phải chấm dứt những lời gian dối đó, những lời thị phi đó, những lời ác khẩu đó. Ngưng không làm nữa rồi sám hối, phải thành tâm sám hối, nói lời thanh tịnh, phải thanh tịnh, phải chân thật. Từ đó ta biết cúng dường cho vợ, cho chồng, cho cha, cho mẹ là những cái ngôn ngữ thiện lành tốt đẹp, đó là những phẩm vật cao quý từ ngôn lời ta có ngọt như mật của tỳ kheo Mật Thăng. Dâng và tặng, hiến và phụng sự cho tha nhân nhất định chúng ta sẽ hóa giải được khẩu nghiệp và một mặt khác ta tăng trưởng được phước báu gặp được Phật Pháp Tăng, ta có đầy đủ phước báu trong cuộc đời sống an vui và hạnh phúc.

Cho nên cách giải trừ khẩu nghiệp là chúng ta phải chặn đứng những ngôn từ không tốt nói chung trong giới thứ tư là không nói dối, vọng ngữ, thị phi, đâm thọc, gièm pha, đoạt quyền, tranh lợi, giết hại người, miệt thị, tranh cháp. Những ngôn ngữ đó ngừng, tắt nó đi đừng để vùi đầu trong cái vùng phủ sóng của những ngôn ngữ thô ác để chúng ta biến thành nô lệ trong ngôn ngữ thô ác này để tạo nghiệp. Chúng ta phải cắt đứt, thoát ra khỏi cái vùng phủ sóng ngôn ngữ thô tục này để trở về với miền thanh tịnh để tu, thực hành lời thanh tịnh, gieo nhân lành, ái ngữ kết an vui. Và khi chúng ta đã chấm dứt rồi chúng ta sám hối và thực hiện bố thí, cúng dường, ái ngữ để chúng ta trở thành một Phật tử tại gia như Mật Thăng tức là thăng hoa đời sống bằng những ngôn từ ngọt ngào, nhẹ nhàng, dễ thương, ái ngữ, chánh pháp. Còn xuất gia chúng ta cũng như vậy. Đó là cách giải trừ khẩu nghiệp, ứng dụng thực tế thật dễ cho mọi người nhất là hàng Phật tử tại gia. Cho nên câu chuyện ngày hôm nay nói đến Đức Phật ở cái thành Savathi có được một con khỉ cúng dường chén mật và nhân đó Phật giải thích cho chúng đệ tử sau này vị tỳ kheo  Mật Thăng là con khỉ cúng dường Phật và 500 năm trước thời Đức Phật Ca Diếp đã nói ra lời thị phi với cái vị thầy để tạo ra cái  nghiệp như thế. Ta nhìn rõ câu chuyện này để ta thấy hậu quả nguy hiểm của khẩu nghiệp để chúng ta chặn đứng, thoát ra rồi từ đó sám hối và phải biết tạo ra những cái hành vi tốt đẹp trong ngôn ngữ của mình đúng như chánh pháp để chúng ta hiến tặng cho cuộc đời. Nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ giải trừ được cái nghiệp của khẩu và tăng trưởng phước báu trong cuộc đời ngắn ngủi này.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe!

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.                    

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn