Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube “Thất Bảo Huyền Môn” và kênh Facebook “Chua Xa Loi”.
Các bạn thân mến! Khi chúng ta có kiến thức, tuổi trẻ, sức khỏe sung mãn, bất cứ một việc gì đụng vào ta cũng có cảm giác là ta làm được hết. Tuổi trẻ mà, sung mãn, lại có kiến thức. Kiến thức và cơ bắp hình như nó dẫn cho chúng ta tới sự suy nghĩ rằng ta làm được tất cả mọi chuyện. Còn những người mà yếu yếu, không có kiến thức, thậm chí mà già cả rồi thì trở thành vô dụng. Thế nên hầu hết chúng ta khi lớn tuổi bị rơi vào trạng thái tự kỷ, buồn bã, bởi nghĩ rằng thuở trẻ mình khỏe, mình giỏi, kiến thức, mình thành công, nay già rồi con cháu nó coi thường, sống vô dụng quá! Nên thường các cụ nhà ta buồn, sầu, mà sức khỏe cứ càng ngày càng giảm đi, chính là bởi vì bị ám ảnh bởi tư tưởng rằng ta vô dụng khi tuổi già. Mà đúng vậy, có lẽ cuộc đời không chấp nhận những người già mấy. Cho nên hầu hết khi đi làm việc, các hãng xưởng thường thuê những người trẻ có kiến thức. Ai mà lớn tuổi rồi họ tìm cách đào thải ngay, cho về hưu. Thứ nhất là không phải trả lương nhiều, thứ hai là người trẻ làm tốt hơn, có kiến thức hơn. Người lớn tuổi rồi họ gạt bỏ qua, họ chẳng cần kinh nghiệm của người già, họ chỉ cần sức và kiến thức của tuổi trẻ. Sự đào thải như vậy vô tình làm cho bao nhiêu thế hệ bị rơi vào sự trầm cảm, lo âu. Trong khi lớn tuổi, thay vì hưởng phước, thay vì bình an, họ rơi vào khoảng trống của sự ám ảnh, vô dụng, đó là tư tưởng thẩm nhập vào rồi, khó xóa, vô dụng quá, hóa ra buồn khổ.
Trong một ngôi thiền viện, các thiền sinh trẻ, trí tuệ, kinh kệ đọc tụng thật là hay. Tam Tạng đại kinh nghiên cứu, trẻ mà, có kiến thức học hỏi nhanh, chữ nghĩa đọc ầm ầm. Tạng về luật thì thông nhớ, luận thì bàn vô số, kinh thì tụng râm ran cả ngày. Trong thiền viện thật là vui nhộn, bởi là toàn người trẻ có kiến thức. Vị thiền sư cũng vẫn như mọi ngày, trầm tĩnh lắm. Một hôm có một cụ già đi vào thiền viện. Trong lúc thiền sư đang hướng dẫn cho các thiền sinh trẻ học, cụ già lễ Phật và kính vị thiền sư xong, đứng trước những thiền sinh trẻ, nói với thiền sư rằng “Thưa thiền sư, con muốn học để thành Phật”. Mọi thiền sinh đều cười ồ lên, nghĩ như vầy, họ đều nghĩ “ta trẻ, ta khỏe, ta có kiến thức, ta học giỏi, thành Phật chắc không xa; còn cụ già chân yếu tay mềm, mắt mờ, đầu óc lẫn lộn, chữ đọc không được, thậm chí không biết có biết đọc chữ hay không, kiến thức thì chắc có lẽ là không, già mà, tầng lớp già rồi chắc vô dụng không làm được gì, họ cười họ chê”.
Và trong sự im lặng kinh khủng vỡ òa bằng tiếng cười khinh bỉ đó, cụ già cảm thấy run rẩy, nghĩ rằng chắc mình cũng bị thiền sư khước từ mà thôi. Nhưng đứng trước cảnh trăm thiền sinh trẻ như thế, thiền sư mới hỏi cụ già “À, cụ muốn học để thành Phật! Dễ thôi, không có mà để khó hết, học thành Phật dễ lắm, không khó”. Cụ già mới nói với thiền sư “Ủa, thành Phật dễ vậy sao thiền sư? Vậy xin thiền sư hãy dạy, con xin thỉnh giáo”. Thiền sư mới nói với ông cụ rằng “Ông có biết rằng ở trên đời có ba chữ BỎ TRÔI ĐI không?”. Ông cụ mới nhìn thiền sư và hỏi “BỎ là bỏ cái gì? TRÔI là trôi cái gì đi?”. Thiền sư mới nói “BỎ TRÔI ĐI cái gì? BỎ TRÔI ĐI những cái vui khi con cháu trong gia đình tạo ra, BỎ TRÔI ĐI những cái buồn khi con cháu trong gia đình tạo ra, BỎ TRÔI ĐI những cảm xúc lui tới trong cuộc đời ngay trong lúc tuổi già này, hãy BỎ TRÔI ĐI tất cả”.
Cụ già nghe thấu và hiểu, đa tạ, đảnh lễ vị thiền sư rồi trở về nhà tu tập phương tiện BỎ TRÔI ĐI. Hằng ngày cụ theo hơi thở vào ra, những gì con cháu mang tới tạo niềm vui cụ cũng bỏ trôi đi không giữ lại, những gì con cháu làm không ưng ý tạo ra cái buồn như thuở xưa buồn lắm, nay cụ cũng bỏ trôi đi theo như lời dạy của thiền sư. Cụ bỏ trôi đi tất cả, không giữ lại điều gì, những cảm xúc bỏ trôi hết, những sự tương tác nhìn rồi bỏ trôi, chẳng nắm giữ. Và cứ như thế, cụ già kia tu tập pháp phương tiện BỎ TRÔI ĐI tất cả những cảm xúc, những gì tương tác qua tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý, nhận ra rồi bỏ trôi đi. Thế là một hôm cụ chiên bánh chuối vào một ngày sinh nhật cho các cháu, chiên bánh chuối, cụ nhìn thấy cái bánh chuối, rồi cái bánh chuối lại trôi mất, rồi nó lại hiện diện, lại trôi mất, lại hiện diện, rồi trôi mất. Trong khoảnh khắc thấy được bánh chuối rồi bánh chuối biến mất, rồi lại hiện, lại trôi đi, hiện – trôi đi, ông cụ đã giác ngộ. Và trên môi cụ là một nụ cười.
Các bạn thân mến! Chúng ta cứ ỷ vào kinh, ỷ vào sách, ỷ vào tiếng tụng, ỷ vào luật, ỷ vào luận, ỷ vào giới, chấp đủ mọi thứ bởi cứ nghĩ rằng những chuyện đó như một khuôn mẫu để làm cho ta chứng ngộ và giác ngộ. Cho nên khi nhìn thấy những ai không làm y như vậy, không đủ sức, không làm y như vậy, làm ngược lại, ta hay chê cười, thậm chí có thể phỉ báng và có thể tạo ra sự chướng ngại cho người đó, bởi ta luôn nghĩ ta trẻ, ta khỏe, ta có kiến thức, ta làm đúng, còn những người già hoặc những người khác luôn luôn làm sai, đặc biệt là những người lớn tuổi.
Quý vị nếu là những vị lớn tuổi, đừng hổ thẹn bởi vì tự kỷ, ám ảnh, ta vô dụng, khi lớn tuổi rồi vẫn còn biết bao nhiêu điều kỳ diệu có thể xảy ra, nhất là trên con đường học pháp đi tới sự giác ngộ thành Phật. Không phải rằng người trẻ mới có thể tu, người kinh kệ thông, giáo lý hiểu mới có thể tu. Còn ta lớn tuổi, cả đời bôn ba, lớn rồi tu sao mà được; cho nên cứ bị đắm chìm trong cảm giác vô dụng, tạo cho cơ thể bị bệnh, tinh thần dần dần bị tụt xuống, nó ám ảnh, nó u ám, nó sầu và rồi con cái, con cháu trong nhà tương tác hằng ngày cứ tạo cho những người lớn tuổi khổ. Hãy theo ông cụ kia học pháp thiền BỎ TRÔI ĐI. Đã đến lúc ta phải bỏ trôi đi tất cả những gì tới lui trong cuộc đời để tâm được rộng, từ khi ta còn trẻ ta còn khỏe, có kiến thức, ta đã ôm, ta đã mang tất cả những cái bên ngoài sắp xếp dồn vào trong tâm, nó đầy ứ hết rồi. Cho nên những chuyện con cháu mà nói hoặc tương tác với ta, nó làm cho muôn sự ở trong lòng nó lỉnh kỉnh, nó tạo ra những âm thanh nhiễu phiền khó chịu. Đây là lúc khi ta lớn tuổi, ta phải biết dọn dẹp cho rỗng hết, bỏ hết, bỏ trôi hết cho rỗng, cho rỗng lại, cho tâm rỗng lại, tĩnh lặng.
Các bạn! Trên con đường tầm cầu sự hạnh phúc đi tới cảnh giới của Chư Phật không phân biệt tuổi tác, không phân biệt kiến thức, khác biệt là bạn có tiếp xúc được một vị thầy có nhân duyên để vị thầy đó ứng dụng phương tiện, khai thị điểm đạo, các bạn thực hành đi tới sự giác ngộ hay không. Khác là ở chỗ bạn có cái dũng cảm, có dám đi tầm sư học đạo ở lứa tuổi đã lớn hoặc ở trong những hoàn cảnh bạn đang đương đầu. Thường khi lứa tuổi lớn, hoàn cảnh bạn đang đương đầu đưa đến cái tự ái, ta lớn rồi làm được gì nữa, vô dụng quá, hoàn cảnh như vậy làm sao mà tu, thôi cứ như thế ta giậm chân tại chỗ để thời gian trôi qua và rồi ta làm cho cuộc đời càng thêm u tối.
Hãy như ông cụ kia một lần, dù cho cả hàng trăm thiền sinh trẻ cười ồ, chê bai, không sao, bởi vì nếu chúng ta có cái dũng sẵn sàng bước tới để đi tầm sư học đạo trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở lứa tuổi nào đều có phương tiện thiện xảo. Nếu có duyên gặp được những vị thiền sư, quý ngài sẽ khai dẫn cho chúng ta tu để hướng tâm của chúng ta tới, như pháp tu mà thiền sư dạy cho ông cụ, đó là gì? BỎ TRÔI ĐI! Cái gì cũng vơ vét vào trong cuộc đời, nay hãy bỏ trôi đi, bỏ chúng trôi đi. Chỉ một cái bánh chuối chiên nó trôi đi rồi nó hiện hình, nó trôi đi rồi nó lại đó. Thấy nó có rồi thấy nó không, không mà có, có mà không. Ông cụ đã giác ngộ!
Trong cuộc đời, nếu các bạn hiểu được cái có mà không, không mà có thì các bạn sẽ luôn luôn hạnh phúc. Hãy dũng mãnh, tầm sư học đạo, không cần biết tuổi tác là bao, hoàn cảnh như thế nào, nhất định có phước tầm sư học đạo sẽ gặp được vị thầy hướng dẫn cho chúng ta để chúng ta thành tựu được pháp an lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.