Duyên nợ bao đời mới gặp nhau Thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu Tuỳ duyên hoá nợ mà vun vén Gạn niềm hạnh phúc giữa thương đau
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Hạnh phúc thay ngày thứ bảy, trong chương trình Sống Trong Chánh Niệm, chúng ta vẫn còn bên nhau để tu tập. Chúng ta hãy bắt đầu quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo trong ngày hôm nay, cùng với Bảo Thành đồng trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn. Hãy lắng lòng nghe tiếng chuông và chúng ta bắt đầu.
Các bạn, chúng ta hãy cố gắng để cho những tiếng vọng của quá khứ đừng làm ồn ào trong giây phút này, tiếng ồn của quá khứ, âm thanh của tương lai gây xáo trộn sự thanh tịnh của tâm ta. Hãy trở về với thực tại, lắng đọng nhẹ nhàng thật êm ở trong tâm.
Thưa Phật, Chánh Niệm hơi thở sẽ tạo cho chúng con có một đời sống Chánh Niệm viên mãn. Giờ đây sự đồng tu của chúng con với lòng thành kính hồi hướng cho quê hương quốc tổ Việt Nam và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch, cho các đấng bậc sinh thành, bạn bè, gia đình, cộng đồng xã hội luôn an lạc, luôn vươn mình đứng dậy sau nhiều vấp ngã, để thành tựu được đời sống hạnh phúc theo đúng với những lời Đức Phật dạy.
Mô Phật! Chúng ta hãy bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô A Di Đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rị đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật! Các bạn thân mến, chủ đề ngày hôm nay nói về hai chữ “Duyên Nợ”. Có lẽ những điều chúng ta nghe trong cuộc sống khi được khai thị, nhắc nhở, truyền dạy hoặc thọ học được đều thấm vào những thói quen của cuộc đời, thêm chút hương vị cảm xúc của mỗi người, lời kinh đó đã chuyển thành những câu nói dễ thương gần gũi hơn với cuộc đời. Nói như vậy để chúng ta suy nghĩ rằng trong nhà Phật có chữ Duyên nhưng không có chữ Nợ. Duyên để chúng ta gặp gỡ nhau dưới mọi hình thức đều do thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, nói chung gọi là do nghiệp lực của thiện và ác tạo thành chữ Duyên. Như Thập nhị Nhân Duyên, mười hai nhân duyên tái sanh trong cuộc đời, chữ Duyên đó chẳng có chữ Nợ. Nhưng khi tới với chúng ta, lấy chữ Duyên của nhà Phật gắn vào chữ Nợ của cuộc đời với ý nghĩa gì đây? Ý nghĩa rằng những điều ta ưa thích, phù hợp hài hòa thì gọi là Duyên, gặp nhau thích quá vui quá sướng quá. Còn những điều xảy ra không như ý của ta muốn thì ta gọi là Nợ, để rồi Duyên gặp nhau thành cha mẹ biến thành một món Nợ truyền kiếp, để rồi Duyên gặp nhau là vợ chồng biến thành món Nợ, Duyên gặp nhau là con cái thành Nợ, Duyên tình bạn, Duyên cộng đồng xã hội thành Nợ. Phải chăng chữ Nợ là bởi vì sự tương tác giữa con người và con người xảy ra theo chiều hướng không hợp, không thích đối với ta. Từ đó chữ Nợ như một điều gì đó gánh chịu cho những lầm lỗi hoặc những sự không khôn khéo của ta, để ta tránh nhìn vào sự sai phạm của mình để sửa, mà cho mình một điều kiện tiếp tục tạo ra cho những điều sai trái đó để đổ thừa cho chữ Nợ. Không biết tôi mắc nợ gì mà tôi đẻ ra mấy đứa con không nghe lời, không biết tôi mắc nợ gì mà ông chồng hoặc bà vợ thiệt là không biết nói sao, không biết tôi mắc nợ gì mà người bạn đó như này như kia. Có lẽ chữ Nợ làm cho chúng ta nhẹ đi một phần theo chiều hướng của tâm lý học.
Nhưng theo Phật học nếu cứ đổ thừa là bởi vì Nợ, tôi nợ nên oan gia trái chủ tới đòi, tôi nợ nên người ta làm như vậy, tôi nợ cho nên tôi đối xử với họ như thế, thì ta không một lần có lòng dũng cảm hoặc trở về với chính mình, sống chân thật để nhìn nhận những sự đối xử của ta đã sai để sửa. Trong nhà Phật, tu là sửa. Duyên là gặp. Nợ là đời đặt cho, chẳng có thật. Lúc sống với nhau vui vẻ thì gọi là Duyên – Duyên lành, thì lúc gặp những trường hợp không hợp thì gọi là chướng Duyên, bởi vì trong cái Duyên gặp nhau ta không khéo đối xử nên gây ra chướng ngại, chứ có Nợ gì nhau đâu. Duyên của nhà Phật chỉ có hai chữ thiện Duyên và chướng Duyên do ác nghiệp và thiện nghiệp. Chữ Nợ là ngôn ngữ của cuộc đời, như một hình thức tâm lý xoa dịu một phần, nhưng không thể cứ như vậy để mượn chữ Nợ đổ thừa cho cách đối xử của ta với người hoặc người đối xử với ta theo chiều hướng không thuận. Để rồi từ đó, chữ Nợ thành đổ vỡ, Nợ rồi vỡ. Ở đời có nhiều cái vỡ nợ mà người ta phải tan ra, gọi là không còn, tán gia bại sản, gia đình ly tán, vợ chồng li dị, xã hội tranh chấp đánh nhau, tình bạn chẳng còn, bởi vì vỡ nợ vì tình, vỡ nợ vì tiền, vỡ nợ về danh vọng địa vị, vỡ nợ đủ thứ. Nợ đi đôi với chữ vỡ, Duyên đi đôi với chữ Nghiệp – Nghiệp Duyên. Cho nên nếu nói Duyên Nợ thì phải tách chữ Nợ ra, đó chỉ là ngôn ngữ tâm lý loài người ghép vào chữ Duyên của nhà Phật.
Tất cả nhân – quả tạo thành những Duyên gọi là Nhân Duyên, để mọi sự trên đời xảy ra theo chiều xuôi hoặc là nghịch. Nếu không xuôi thì ta xoay lại cho xuôi, nếu xuôi rồi thì gọi là xuôi buồm thuận gió, ta cứ tự tại mà đi. Chúng ta hồi xưa mượn vào chữ Nợ, víu vào chữ Nợ để không tu theo lời Phật để sửa, để mặc kệ, để thôi kệ, đó là món Nợ của cuộc đời, thôi từ giã nó xoay lưng bỏ đi, tan vỡ kệ. Cái kệ đó không được, ở đời có nhiều chữ kệ, thôi kệ là buông xuôi, mặc kệ là giận hờn, mặc kệ nó là xua đuổi. Cho nên chúng ta nhớ, chữ Nợ cũng có thể đồng nghĩa với sự buông xuôi, để chúng ta không nhìn rõ vào cuộc đời. Từ đó mà những sự trắc trở trong cuộc sống từ tình nghĩa của cha mẹ đối với con cái, chẳng quán chiếu cái Duyên của thiện và ác nhiều đời tạo cho nhau, để rồi đồng lòng ngồi xuống nhìn nhận điều đó với chân lý Đức Phật dạy để chúng ta sửa. Như người mẹ nấu ăn, mỗi ngày chồng hoặc con cái hoặc những người thân ăn, thấy những món đó hơi mặn hay ngọt không ưng ý phù hợp với khẩu vị của đại gia đình, người mẹ khôn khéo sửa chữa hương vị nêm nếm cho ngũ vị hương tạo hương vị khoái khẩu cho gia đình. Điều đó là nghệ thuật nấu ăn. Hiểu được Duyên của nhà Phật trộn giữa hai hương vị của thiện và ác, của chướng và thuận, của nghịch và thuận, để từ đó ta gia giảm hai hương vị này cho phù hợp.
Mà các bạn biết không, ta có khả năng thêm hương vị thuận – thuận Duyên, giảm bớt hương vị của nghịch Duyên, nó nằm trong tầm tay và ta có khả năng làm chuyện đó. Chẳng phải là một món Nợ để xuôi tay mặc kệ cuộc đời để cho cha mẹ, vợ chồng, cho tình bạn, con cái tan vỡ rồi gọi là Nợ, khi tan vỡ rồi thì gọi là vỡ Nợ. Không đúng, thực ra chúng ta đã để cho những cảnh quan, cảm xúc bên ngoài tác động làm cho tê liệt thần kinh cảm giác chân thật của ta, nên bị chính mình dùng tâm lý Nợ, vỡ Nợ của cuộc tình, vỡ Nợ đối với mọi sự để chạy trốn. Người đó là người không có sức mạnh nội tâm vươn dậy trở thành ốc đảo tự thân như lời Phật dạy, thắp đuốc mà đi, mà cứ vùi đầu vào vùng đen tối của chữ Nợ rồi vỡ hết. Vỡ hết cuộc tình với cha mẹ, vỡ hết cuộc tình với con người nhân thế, với con cái bạn bè, hết đợt này tới đợt kia, đến lúc không còn gì để vỡ nữa thì khối sầu nặng trĩu trong tâm. Sống như vậy là sống bất cần, sống như vậy là sống tự hại bản thân. Ta có khả năng sửa và ta có quyền để lựa chọn, phối hợp với chữ Duyên của nhà Phật để vần xoay chữ Duyên đó cho thuận, chớ tạo thành nghịch Duyên. Dù cho kiếp trước ta tái sanh trở lại trong kiếp người hiện tại, bao nhiêu Duyên thuận và nghịch hỗn tạp ở trong đó, ta vẫn còn con mắt Trí Tuệ và mắt thương nhìn cuộc đời của chính mình để giảm bớt hương vị của nghịch Duyên, thêm vào mùi vị của thuận Duyên, để cuộc đời mát mái xuôi buồm đi về phía trước với một tương lai êm ấm nhẹ nhàng, và tận hưởng hiện tại hạnh phúc hơn.
Duyên Nợ bao đời mới gặp nhau, Duyên ta gặp chứ chẳng phải Nợ. Cho nên từ nay những chữ Nợ ta gạt bỏ đi. Nợ như một sự an ủi tâm lý thôi, còn Duyên là chân lý Phật dạy, Nợ là tâm lý ta tạo ghép vào, gượng ép vào, cho nên mới có câu:
Duyên Nợ bao đời mới gặp nhau
Thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu.
Thực ra chẳng phải là chẳng do cầu, mà do ta cầu. Cầu ở chỗ nào, cầu ở chỗ ta tạo ra những chướng Duyên do ác nghiệp, cầu do những thiện Duyên do thiện nghiệp. Có đấy, nhưng sự cầu tàng ẩn ta không thấy, để rồi ta cứ đổ thừa cho thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu. Không có một chuyện gì tự nhiên tâm không cầu mà tới. Do tâm ham muốn mà tới. Tâm cầu tâm ham muốn, vạn pháp đều do tâm tạo, tâm cầu thiện thì thuận Duyên tới, tâm cầu ác thì nghịch Duyên tới. Cho nên “Duyên Nợ bao đời mới gặp nhau, thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu” đúng với góc độ nhìn của con người, nhưng góc độ của nhà Phật thì phải nhớ rằng tùy Duyên, để chúng ta tùy Duyên. Duyên này đều do thiện Nghiệp và ác Nghiệp ta đã tạo, nương vào đó, tương tùy vào vốn nghịch – thuận Duyên mà ta đã có, để chúng ta chuyển hóa những món Nợ của nhân gian, để thay vì gọi Nợ để chúng ta chối bỏ những lỗi lầm của mình, thì chúng ta nhìn thẳng không lừa gạt mình theo chiều hướng tâm lý an ủi bản thân, mà theo chân lý Đức Phật dạy để giải quyết vấn đề. Tùy Duyên hóa Nợ mà vun vén.
Thôi thì là con người ta cũng có thể dùng tâm lý và chân lý khế hợp cho hài hòa, như thế cũng chẳng sao. Vậy thì cứ tạm gọi là Duyên Nợ, một cái là chân lý của Phật dạy là Duyên, Nợ là tâm lý ghép vào cho nhẹ cõi lòng. Nhưng nhớ đừng để cho tâm lý của loài người chiếm đoạt luôn chân lý của nhà Phật rồi coi nhẹ chân lý, nhưng là người ít nhất cũng dựa vào tâm lý để chân lý được hiển lộ. Cho nên Duyên là chân lý, Nợ là tâm lý, gọi như giữa thánh và phàm đồng cư nơi cảm xúc của con người, chấp nhận được. Bởi vì ta chuyển phàm thành thánh, trong cái Nợ của tâm lý ta có cái Duyên của chân lý dần dần được hiển lộ. Được mà, đâu có sao, cho nên mới có chữ Duyên Nợ:
Duyên Nợ bao đời mới gặp nhau
Thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu.
Tùy Duyên hóa Nợ mà vun vén,
Gạn niềm hạnh phúc giữa thương đau.
Đã gọi là Duyên Nợ trong cuộc sống, có thương đau, có hạnh phúc, có đầy đủ hương vị như từng bữa ăn mẹ nấu cho ta, vợ nấu cho chồng hoặc chồng nấu cho vợ cho gia đình, chúng ta nấu những món ăn của cảm xúc hiến tặng cho nhau qua mọi tạo tác của cuộc đời. Mọi cảm xúc đó, có những cảm xúc thương đau, hạnh phúc, vui buồn, sướng khổ, cay đắng, ngọt bùi lẫn lộn đủ thứ từ ngày này qua ngày khác. Cứ như thế, cái Nợ và cái Duyên tương tác giữa tâm lý xảy ra do cảm xúc và giữa chân lý nhìn thấy giữa các hiện tượng trong cuộc đời, ta dần dần có được phước duyên gặp được Phật. Cho nên ta không nói sâu vào Duyên Nợ của tình nghĩa vợ chồng để mà lý giải cho sự đổ vỡ, vỡ Nợ trong những cuộc tình. Ngày xưa trong kinh Phật nói về duyên vợ chồng, hay duyên tình bạn, duyên cha mẹ, hay duyên gì cũng vậy, tựa như ba ngọn đèn cầy đặt cùng một chỗ. Chúng ta nhìn từ xa làm sao biết được ngọn đèn nào sáng hơn ngọn đèn nào, bởi nó cùng một chỗ và cùng một độ xa nên ánh sáng của ba ngọn đèn cầy đều sáng như nhau, không có ngọn đèn cầy nào sáng hơn ngọn đèn cầy nào. Nhưng nếu chúng ta mang một trong ba ngọn đèn cầy đó gần tới ngay trước mặt thì ngọn đèn ngay trước mặt đó ta thấy, cảm giác như sáng hơn hai ngọn đèn kia, kinh Phật dạy như vậy. Và rồi khi chúng ta đặt ngọn đèn mà chúng ta mang tới sát mặt trở về vị trí cũ, bằng nhau, đồng với nhau, thì cả ba ngọn đèn lại tỏa sáng như nhau, không ngọn đèn nào sáng hơn ngọn đèn nào. Ý nghĩa rằng việc gì ta xem quá quan trọng, ta mang tới thật gần, việc gì ta mang tới gần có sự gắn kết gần gũi hơn thì sẽ luôn luôn sáng hơn. Còn điều gì ta đẩy ra cho xa như mọi thứ thì coi như nó cũng bằng nhau mà thôi.
Có lẽ trong cuộc sống, vì sự chi phối nhiều của muôn sự ở đời, ai đó có thể là cha mẹ, có thể là người yêu, có thể là vợ chồng, con cái, tình bạn bất chợt quá gần với chúng ta nên ta cảm thấy mối tình cảm đó nó sáng, nhưng khi nó xa thì nó mờ. Bởi vậy, Việt Nam mới có câu “xa mặt cách lòng”, cách trở thì lòng xa. Đúng mà, nếu trong tình cảm ta phôi phai với ai đó thì hãy nhìn lại. Phôi phai với cha mẹ, vợ chồng, con cái, người yêu hoặc bạn bè, hãy xem lại xem có phải chăng là ta đặt họ quá xa, không còn gần gũi nữa. Đường không đi cỏ sẽ mọc hoang, người mà không gặp tình nghĩa sẽ phôi pha, đó là sự thường. Nhưng ai mới là người chúng ta nghĩ rằng luôn luôn ở với chúng ta, có duyên với chúng ta. Từ chỗ Duyên Nợ là nói đến tình cảm, cảm xúc của ta với một người ta yêu thích và mang thật sát vào trái tim, thật gần trong tâm hồn, từ đó ta thấy thương yêu họ. Nhưng Nợ ở chỗ ta chẳng hiểu được duyên gần thì thấy rõ, xa xa thì mờ mờ, gần gần thì thấy nó khù khờ làm sao. Từ chỗ quá gần, ta mới nhận ra những điều xưa nay ta chưa nhận, và rồi nó đổ Nợ, nó vỡ Nợ. Thuở mới yêu, thuở xa xa đó, sao muôn chuyện đẹp như những vì sao tinh tú trên trời, gần quá thì sao chẳng còn sao mà biến thành những mảnh vỡ của những mảnh sành đạp lên rỉ máu ở trong tim. Đó là bởi vì ta quá nặng về cảm tính của con người mà chẳng chịu tư duy chữ Duyên trong nhà Phật có nghịch có thuận, để thêm hương vị của thiện pháp, nghệ thuật đối xử bằng pháp thiện của Chư Phật trong những tư tưởng, trong những ái ngữ, trong những hành động đẹp ứng xử với nhau để có được món ăn tinh thần trong sự tương tác luôn thuận. Mà ta cứ giảm bớt hương vị đó đi, đổ thêm muối quá nhiều, chẳng phải là mặn mà tình bạn mà là mặn đắng khắc nghiệt trong sự đối xử chống kình với nhau. Cuộc sống chẳng dài đâu để mà lý giải những chuyện lôi thôi trong cuộc đời:
Cuộc đời ngắn lắm ai ơi
Bận chi lý giải cho đời sầu đau
Thôi thì ngồi xuống bên nhau
Chữ Duyên đồng chuyển xuôi về bến mơ.
Chúng ta có khả năng gạt bỏ chữ Nợ tâm lý để thuận chữ Duyên của chân lý, đào sâu trong tư duy, nhìn rõ trong Chánh Kiến, để từ đó hiểu được rằng Duyên do ác nghiệp và thiện nghiệp tạo thành, và chúng ta hoàn toàn có khả năng làm chủ Duyên đó. Duyên dù là do bất thiện nghiệp hay những điều tốt, điều xấu từ vô lượng kiếp thì nó đã dừng lại ngay trong kiếp làm người này. Chúng ta có khả năng chuyển hóa sự thừa tự nghiệp của chúng ta từ vô lượng kiếp đến tại đây, ngay kiếp này. Thừa hưởng được gia tài của Nghiệp chuyển tới ngay bây giờ, ta mở thùng Nghiệp Duyên này ra, cái thùng được gửi tới kiếp này ra, ta có quyền lựa chọn nghịch – thuận, ác – thiện để mà làm, không nhất thiết phải ôm hết cái thùng đó, sự thừa kế đó để ứng dụng. Thừa kế nhưng phải lựa chọn sự thừa kế nào tốt để tiếp tục đi, chứ đừng thừa kế mà đâm mù hai con mắt, tê liệt cảm xúc để sự thừa kế của quá khứ điều khiển chúng ta. Đó là những tôn giáo đời xưa khi Đức Phật chưa ra đời, họ luôn luôn đặt vào vấn đề ta thừa hưởng nghiệp của kiếp trước để ấn định kiếp này thành những tầng lớp trong xã hội cai trị ta. Nhưng khi Phật ra đời, Ngài giác ngộ, Ngài nói rằng chúng ta thực sự có thừa hưởng của nghiệp kiếp trước là Duyên, nhưng lại có khả năng trụ lại, mở toang nó ra và lựa chọn một cách hành xử mới để tạo thêm Duyên lành mà thay đổi. Phật phá vỡ mọi quy luật ràng buộc, xếp đặt theo sự thống trị của con người, để chúng ta có thể hòa nhịp bước vào Niết Bàn an vui tự tại, từ đó ta hãy gạt chữ Nợ ra và xiển dương chữ Duyên. Chữ Duyên là chân lý, mà đã là chân lý thì chúng ta có khả năng tác động, vận hành chân lý đúng để thuận Duyên nhiều hơn trong cuộc sống, để nghịch Duyên giảm bớt mà không ghép vào chữ Nợ.
Khi bạn dùng chữ Nợ là do bạn không chịu tư duy để bạn thay đổi cuộc sống, bạn mặc kệ cuộc sống, thôi kệ cuộc sống, bỏ kệ cho cuộc đời. Từ đó cuộc đời của bạn luôn đổ vỡ, luôn gặp chướng ngại và thất bại. Cái gì cũng nợ mà, nợ riết rồi bị phá nợ, vỡ nợ. Bạn có khi nào bị ai đó vỡ nợ với bạn chưa, bạn đau khổ dữ lắm. Bạn có khi nào bị phá nợ chưa, ôi chao khổ. Vậy thì tại sao ta cứ dùng chữ Nợ trong cuộc đời nó nặng quá. Tui nợ của anh, ông nợ của tui, bạn nợ của tôi, tôi nợ nên đến đòi, đó là cách an ủi thôi, không giải quyết được vấn đề. Phải hiểu rõ tầm quan trọng của chữ Duyên do thiện và ác tạo ra nhân và quả để chúng ta thay đổi. Phật dạy cho chúng ta có khả năng nhìn thấu để thay đổi chứ không thôi kệ, để nợ mãi trong cuộc đời. Bạn làm sao trốn Nợ được nếu bạn cứ để Nợ mãi trong cuộc đời. Nhưng chẳng phải Nợ đâu, chẳng qua là ác và thiện tạo thành chữ Duyên. Ta có khả năng như người mẹ nấu ăn, bớt hương vị của nghịch, tạo thêm hương vị của thuận, bớt hương vị của ác, nêm nếm thêm hương vị của thiện thì chữ Duyên đó sẽ đẹp vô cùng. Duyên gặp được Phật, nghe được chân lý là Duyên cắt Nợ, bỏ Nợ, là Duyên không trốn nợ, chống Nợ, không vỡ Nợ, không đổ thừa, mà là Duyên được kiến tạo trở lại bởi nắm rõ chân lý nhân – quả của Phật đã dạy.
Duyên Nợ bao đời mới gặp nhau
Thuận nghịch trổ sinh chẳng do cầu.
Tùy Duyên hóa Nợ mà vun vén
Gạn niềm hạnh phúc giữa thương đau.
Bởi vì bạn cứ ghép chữ Nợ lên cuộc đời thương đau này, bạn phải gạn để tìm được hạnh phúc. Nếu như bạn chẳng cần chữ nợ nữa mà thấu hiểu chữ Duyên, bạn không còn gạn niềm hạnh phúc giữa thương đau để hưởng nữa, mà bạn chuyển được thương đau thành hạnh phúc. Cuộc sống này bạn muốn gạn niềm hạnh phúc giữa thương đau hay bạn muốn chuyển thương đau thành hạnh phúc, để bạn có thể làm chủ được cuộc sống, để không cần dùng chữ Nợ, không còn mắc nợ, không còn vỡ nợ. Các bạn, sự tự chủ do chính ta, đó là lời Đức Phật dạy. Hãy làm chủ cuộc sống của mình, hãy cho mình có cơ hội để tâm được tu sửa, từ đó tâm được làm chủ cái Duyên của cuộc đời theo chiều hướng thuận bởi thiện nghiệp. Đừng mặc kệ, đừng thôi kệ để Nợ chồng chất cho tới khi vỡ Nợ. Khả năng của người nấu bếp biết điều chỉnh hương vị cho món ăn ngon, khả năng của người học Phật là biết điều chỉnh hương vị của Duyên thuận nhiều hơn để giảm bớt Duyên nghịch. Hãy cho mình sự tự chủ bằng tu sửa, hãy nhớ lời Đức Phật dạy ta có khả năng để tâm ta được làm chủ, làm chủ vận mệnh, làm chủ cái Duyên để không mắc Nợ để rồi khổ. Nếu đã dùng chữ Nợ thì hãy xóa sổ ngay chữ Nợ. Hãy nghĩ về chữ Duyên để được làm chủ cuộc sống trở lại. Có Duyên gặp nhau trong kiếp này dù là thuận hay nghịch thì ta vẫn có khả năng tạo thêm nhân duyên để chuyển nghịch thành thuận, chuyển ác thành thiện, chuyển thương đau thành hạnh phúc. Để không phải như người ăn xin, ăn mày trong cuộc đời để rồi gạn những niềm hạnh phúc còn vướng víu trong miền thương đau, để tìm bới trong đống rác rưởi lấm tấm những niềm vui. Không cần, ta có thể chuyển cả đống rác thành tiền, thành hột xoàn. Đúng, ta có thể chuyển tất cả núi thương đau thành kim cương bất hoại, bởi thấu được chữ Duyên. Nhớ, nếu tâm được làm chủ, vạn Duyên không có chỗ cho chữ Nợ nó nở ra, đến mức không kềm tỏa được nó, nó vỡ toang thì cuộc đời coi như xong. Hãy làm chủ cái tâm để gạt Nợ ra khỏi cuộc đời, để chuyển nghịch thành thuận, để hiểu Duyên là chân lý để vận hành cho đúng, hạnh phúc sẽ luôn ở cùng với chúng ta.
Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.
PHẦN GIAO LƯU:
Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, Thầy có nói về việc chuyển hóa nghịch duyên thành thuận duyên, nhưng con vẫn chưa hiểu rõ làm cách nào để chuyển hóa. Kính mong Thầy khai thị thêm ạ?
Thầy Bảo Thành: Tất cả những điều gì ác tạo ra nghịch duyên, điều gì thiện tạo ra thuận duyên. Còn khi ta dùng chữ Nợ là ta mặc kệ rồi, và đôi khi ta không muốn tác động vào sửa nữa mà coi như món nợ phải trả, mà khi phải trả nợ, nó nặng nề và ta chẳng thể làm chủ được, và suốt cuộc đời chỉ là người làm thuê cuốc mướn để trả món nợ đó. Còn nếu thấu được chữ Duyên thì ta tác động để chuyển. Chuyển nghịch duyên thành thuận duyên ở chỗ: buông bỏ việc ác, tăng trưởng việc thiện sẽ tạo nên được thuận duyên.
Ví dụ trong cuộc đời, giữa hai vợ chồng dùng chữ Nợ nên khắc khẩu đấu đá với nhau hoài, sao ta không dùng chữ Duyên giữa thuận và nghịch. Chúng ta chưa thuận lòng nhau, nên bất cứ lời gì của chồng nói ta đều phân tranh cho hợp với ý của ta, và bất cứ điều gì ta nói đôi khi vì khắc khẩu nên chồng cũng phân tranh, luận bàn để mang ý của anh ta là đúng. Thực ra giữa vợ chồng tranh luận như thế cũng vui, tranh luận để mở rộng kiến thức, từ đó hòa thuận thì tốt hơn là tranh luận để cho mình là đúng. Cho nên chuyển nghịch duyên thành thuận duyên bằng cách hành thiện, thiện ở đây là biến những điều chướng tai thành dễ nghe.
Làm sao có thể nghe được những điều chướng tai và nhìn được những chuyện gai mắt đối với chồng vợ, cha mẹ, bạn bè. Phật dạy, hãy tu tập lòng Từ Bi và Trí Tuệ để nhìn rõ mỗi chúng ta đều có một suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Hãy trân trọng bằng sự lắng nghe trong tình thương để hiểu thấu cõi lòng của nhau, từ đó thêm những hương vị làm cho cảm xúc và suy nghĩ của nhau thăng hoa, cùng thăng hoa thì biến nghịch thành thuận. Hãy học hạnh lắng nghe và tha thứ trong mọi sự đối thoại với người khác ở trong gia đình hay xã hội và trong những cuộc đối thoại với chính mình, để chuyển hóa bằng tăng thiện nghiệp và tăng trưởng nghệ thuật tiếp xúc bằng mắt thương nhìn đời, bằng Trí Tuệ nhìn thấu thì nhất định nghịch duyên sẽ trở thành thuận duyên. Mô Phật!
Phật tử Bảo Nghy: Có những người nói chuyện với nhau nhưng không thể tương thông và thấu hiểu nhau được được dù rất cố gắng. Có thể gọi những trường hợp này là không có duyên hay không và cách xử lý như thế nào thưa Thầy?
Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Biển thì rộng mênh mông, nước trong nguồn dù nguồn đục hay trong, nguồn sạch hay nguồn dơ thì đổ về biển, biển đều đón nhận, và cuối cùng hòa cùng thành màu xanh nước biển, một vị mặn của biển. Tâm rộng lớn là tâm biết đón nhận lắng nghe. Trong cuộc sống có những con người lúc đầu mới gặp nhau như giữa sự tiếp xúc giữa nước sông và nước biển, gọi là nước lợ – không thuần mặn thuần ngọt, nhưng rồi khi nó đi xa một chút rộng hơn thì nó thành vị mặn, màu xanh, chẳng còn đục trong giữa dòng đời sông suối. Hãy thực tập hạnh Từ Bi để khi chúng ta gặp một người nào đó như giữa sông và biển nó lợ như vậy thì ta có cơ hội lắng lòng để dung thông từ từ. Đừng mang cái đúng của mình ra để tranh luận, để lý luận, mà mở cõi lòng bằng mắt yêu thương nhìn con người đó thì ta đã biến thành biển Tuệ mênh mông vô tận, như cái bụng của Ngài Di Lặc để có thể nhiếp thâu vạn pháp khác biệt vào tâm không chướng ngại và chấp trược.
Thật khó để có cái tâm như thế, nhưng đó là mục đích và chân lý Phật dạy. Nếu ta thực tập cho đúng trong mọi tương tác với những con người mới gặp đã chống kình rồi, thì nhớ thực hành hạnh lắng nghe và tha thứ thì ta sẽ có cơ hội hiểu sâu, hiểu về chiều sâu tâm thức suy nghĩ của họ, để từ đó khế hợp phù hợp với họ, gọi là hằng thuận chúng sanh – một trong những hạnh của Ngài Phổ Hiền để sống hạnh phúc hơn. Đừng nghiêng về ý cuả mình quá. Hãy là biển mênh mông vô tận, hãy là bụng của Ngài Di Lặc, là nụ cười hạnh phúc của Ngài để chúng ta có thể dung nhiếp vạn sự khác biệt, hiểu được điều đó cần qua sự thực tập và tu sửa. Chúc bạn tu sửa và chúng ta cố gắng sẽ đạt được, bởi đó là chân lý, cho nên nếu thực tập được mắt thương nhìn đời, bụng bự như Di Lặc nhiếp thâu vạn pháp khác biệt bằng cách đừng mang cái tôi của mình ra cho là đúng, mà biết lắng nghe thật sâu để hiểu được tâm ý của sự khác biệt nơi người khác, ta sẽ bớt đi sự chống kình, và rồi nước sông nước biển hòa cùng với nhau thành màu xanh và một vị mặn dung thông. Mô Phật!
Phật tử Bảo Thy: Thưa Thầy, con nghe có câu “trùng trùng duyên khởi”, phải chăng mọi chuyện xảy ra là do nhân – quả tiền kiếp, nay đến thời gian nó xảy ra, gọi là cái Duyên. Vậy Duyên có thể gọi là nhân – quả không ạ. Duyên lành là quả lành, Duyên không như ý là quả không lành. Mong Thầy khai thị.
Thầy Bảo Thành: “Trùng trùng duyên khởi” nói tới như sóng này tiếp tục sóng kia, từ vô lượng kiếp tạo thành là đúng. Bạn đi ra biển thấy sóng chập trùng, gối sóng đi tới, nhưng sóng nào mới là sóng nào đập vào bờ? Có phải là đọt sóng cuối không, hay là tất cả đọt sóng, gối sóng chạm vào điểm cuối? Dù cho “trùng trùng duyên khởi” như những lớp sóng của thuận duyên và nghịch duyên, thuận và nghịch trong cuộc đời, quả lành và quả ác, nó cứ dồn dập thì ngay khi nó đụng vào điểm giao tiếp của cuộc đời này thì chỉ có một điểm mà thôi, là Duyên. Dù đằng sau đó là trùng trùng những lớp sóng dồn dập đẩy vào nhưng khi nó đập vào bờ rồi thì chỉ có một điểm, điểm mà ta tiếp xúc với cái duyên.
“Trùng trùng duyên khởi” từ vô lượng kiếp qua do duyên lành hoặc duyên ác, duyên thuận hoặc duyên nghịch chẳng quan trọng. Quan trọng là ta hiểu ngay điểm giao thoa gặp gỡ trong cuộc đời này thừa hưởng của “trùng trùng duyên khởi” ấy, ta có khả năng chuyển hóa sự giao tiếp đó, từ giao tiếp của thuận thành tốt đẹp hơn, từ nghịch thành thuận, từ ác thành thiện. Cái khả năng đó chính là Trí Tuệ và Từ Bi. Nếu chúng ta thiền Trí Tuệ và Từ Bi thì mọi sóng duyên của vô lượng kiếp trùng trùng khởi đó tác động vào cuộc đời, khi nó vừa tác động ta dùng Trí Tuệ và Từ Bi chuyển hóa ngay. Bởi vậy bạn có thấy khi sóng vừa đập vào nó nổ tung rồi tan ngay chứ đâu còn. Thì Duyên liên tục tới với chúng ta, nhưng nó đập vào bờ Trí Tuệ và Từ Bi nó liền tan biến. Những sóng của Duyên trùng trùng duyên khởi từ vô lượng kiếp đập vào bờ của Trí Tuệ và Từ Bi, nó nổ tung và tan biến. Hy vọng bạn thấm được điều này để thấy.
Và câu trả lời chính xác là mọi điều đến với ta đều do trùng trùng duyên khởi của kiếp trước, quả ác tạo thành nghịch duyên, quả thiện tạo thành thuận duyên. Nhưng nghịch cỡ nào ta cũng có thể dùng Trí Tuệ và Từ Bi để biến nghịch thành thuận, ác thành thiện. Nhớ Phật dạy để ta làm chủ cuộc sống chứ không lệ thuộc vào quá khứ theo chữ “mắc Nợ” hoặc chữ “ôi Nghiệp mà”. Ta chuyển Nghiệp chứ không phải trả Nghiệp, Nghiệp đã tạo ta chuyển nó bằng cách hành thiện. Ta nói đơn giản là trả Nghiệp, nhưng hay hơn vẫn là chuyển Nghiệp. Trả là mắc Nợ, chuyển là tự chủ. Hãy tự chủ để chuyển mọi bất thiện nghiệp mà ta đã tạo ra nhiều đời để tạo thành những thiện nghiệp và thuận duyên. Mô Phật!
Phật tử Bảo Thy: Như vậy là tất cả những sự việc xảy ra trong cuộc đời của chúng ta trong hiện tại là việc gì đến sẽ phải đến, chỉ trước hay sau thôi. Nó như sóng biển đánh vào bờ rồi tan đi, nó xảy ra rồi biến mất. Vậy chúng ta cần có định lực như thế nào để chúng ta chấp nhận và chờ đợi sự chuyển hóa của nó ạ?
Thầy Bảo Thành: Cái gì tới, nó sẽ tới bởi cái Duyên của tiền kiếp, nhưng những điều sẽ xảy ra đều do ta làm chủ. Còn nếu ta mặc kệ những gì nó tới nó sẽ xảy ra, thì khi cái ác tới và ta tác động vào cái ác nữa thì sẽ xảy ra điều ác. Còn những gì sẽ tới do Tiền Duyên tức là Duyên của kiếp trước thì nó sẽ chuyển hóa theo những gì ta tác động vào. Cho nên không phải điều gì tới sẽ tới, điều gì sẽ xảy ra nó sẽ xảy ra, những gì xảy tới do Duyên kiếp trước thì nó sẽ tới, nhưng những gì xảy ra đều do tâm ta tác động vào. Và Phật dạy cho chúng ta có quyền làm chủ tâm để làm chủ được chuyện sẽ xảy ra. Bởi vậy ta mới làm chủ được chuyện sẽ xảy ra để ta thành Phật, thành Thánh, thành thiện lành hơn. Còn nếu mà buông xuôi thì ta bị chi phối bởi quá khứ, đó gọi là luân hồi sanh tử. Phật dạy cho chúng ta thoát hỏi luân hồi sanh tử và chỉ cho chúng ta có khả năng làm chủ. Cho nên những gì sẽ xảy ra đúng theo sự làm chủ pháp thiện của chúng ta thì đó chẳng phải là tác động của nghiệp duyên quá khứ. Còn những gì xảy ra do tác động của nghiệp duyên quá khứ bởi vì ta mất sự tự chủ không đúng theo quy trình thực tập của Phật, nên ta vẫn luân hồi sanh – tử. Hãy tác động vào những duyên trong quá khứ khi đến với chúng ta bởi bức tường thành của Trí Tuệ và Từ Bi, của sự làm chủ cái Tâm, để chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai đều do ta làm chủ. Mô Phật!
Mô Phật! Cám ơn các bạn đã chia sẻ. Mỗi một ngày vào thứ bảy, sống đời sống Chánh Niệm, không đi sâu lắm vào những kinh điển nhưng có thể là những suy nghĩ đời thường, chia sẻ thật nhẹ để chúng ta có thể đi ra khỏi sự chặn đứng ngay chỗ đó để sống hài hòa hơn. Cám ơn các bạn đã đồng tu và chia sẻ. Giờ xin hãy hồi hướng công đức.
PHẦN HỒI HƯỚNG:
Thưa Phật, ngày thứ bảy Sống Trong Chánh Niệm, chúng con tổng trì Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú, và Thất Bảo Huyền Môn, chia sẻ những câu hỏi thật thường trong cuộc đời. Nếu tạo được phước báu nào xin hồi hướng cho mọi chúng sanh đồng thành Phật đạo. Đặc biệt trong thời gian này, hồi hướng cho quê hương quốc tổ của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi đại dịch.
Xin mười phương Chư Phật Từ Bi chứng minh.