Search

Đừng Vắt Cạn Tình Thương

Tâm Sĩ đánh máy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển Đại Từ Đại Bi tới muôn loài chúng sanh.                                                                     

Các bạn thân mến,

Chúng ta lại gặp nhau trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn, và trên Facebook Chùa Xá Lợi. Bảo Thành luôn muốn mang đến cho các bạn những câu chuyện ở trong dân gian, từ những câu chuyện đó suy nghĩ một chút xíu. Chúng ta với cuộc sống vội vàng, chỉ cần một câu chuyện nhỏ rất đời, rất bình thường, để thấy được Đức Phật là bậc Thầy cao siêu. Bởi những lời nói của Ngài, giáo lý của Ngài, những lời dạy của Ngài, thật sự không là những điều ở trên trời, mà nó ở ngay trong đời thường của chúng ta.

Một câu chuyện kể như vậy: Có một lão phu cầm một cái cây vừa đánh vừa la to: Cái thứ như mày đã làm tổn hại đến sức khỏe của ta, gia cảnh của ta, công việc của ta và cứ đâp, cứ đánh. Mọi người nhìn ra thì thấy lão phu này đang đánh một con bò gầy gò, yếu đuối, kéo nó ở trên đường đi ra đến chợ. Ai thấy cũng tội nghiệp cho con bò đang bị kéo ra chợ bán. Nhưng con bò thì cứ rị sợi dây lại, nước mắt chảy ròng ròng xuống, khó thể ngẫng lên, như muốn van xin lão phu kia: thôi hãy tha cho mạng sống cho một con bò đói, gầy gò, không thể làm việc được nữa. Nhưng cái roi cầm ở trong tay của lão phu, cứ thế giáng xuống, quất mạnh vào lưng con bò gầy, con bò thì rị lại khóc than.

Cứ kéo, cứ đánh và cứ khóc than như thế, nhưng ai có thấy đâu. Bởi mọi người cứ bước đi qua, chẳng một ai mà có thể cứu được, vì đó là quyết định của ông lão phu kia. Khi con bò đi ngang qua chỗ cho mượn tiền, có một ông chủ lớn bước ra, thấy con bò khóc than quì xuống không đi, mà lão phu kia thì cứ đánh đập kéo hoài, nó vẫn cứ khóc không chịu đi. Ông chủ mới thấy thương, khi nhìn thấy từng dòng nước mắt của con bò gầy gò, ốm yếu khóc than rị lại.

Càng nhìn, ông ta càng cảm nhận được, hình như con bò đang than khóc, đang lạy ông, thương xót cứu mạng sống của nó. Ông ta liền hỏi lão phu: Con bò bán bao nhiêu. Lão phu nói: Tôi bán một trăm quan tiền, tôi muốn mang ra chợ bán, bởi con bò này nó làm hư hại công việc của tôi, nó không cày được, không đủ sức nữa. Tôi nuôi biết bao nhiêu năm rồi, bây giờ mới thấy nó thật sự vô dụng, ông ta tiếp tục đánh đập lôi kéo nó đi.

Ông chủ nói: Tôi muốn mua con bò một trăm lượng. Lão phu đáp: Không tôi không bán. Ông chủ trả thêm một trăm hai chục lượng. Lão phu cũng không bán. Hình như ông ta bị chạm tự ái, thấy người ta muốn cứu con bò của mình lại tăng giá. Ông chủ lại thấy thương cho con bò thật sự, trả đội giá lên gấp mười lần. Nhưng lão phu kia cũng không bán, lẳng lặng kéo ra chợ. Nhưng kéo không được, con bò cứ rị xuống khóc lóc than thở. Lão phu bực mình, bởi vì có người muốn cứu con bò, mà mình lại muốn bán ở chợ, nay thấy con bò cứ quì xuống khóc than, bực quá kéo con bò về không bán nữa. Nhưng ngược lại khi về nhà, ông ta giết con bò xẻ thịt, để ngày mai mang ra chợ bán.

Ông ta luộc thịt con bò trong cái nồi ở trên bếp. Vì trời đã xế chiều ông ta đi vô ngủ. Ngủ tới nửa đêm, ông ta thức dậy nói với vợ: Em ngủ tiếp đi, để anh ra coi nồi thịt bò như thế nào. Ông ta đi ra sau bếp để coi sóc cái nồi. Bà vợ chờ lâu không thấy ông ta trở vào, thì nghĩ không biết chồng mình làm gì mà lâu thế, nên đã ra ngoài đi vòng quanh bếp để tìm, thì thấy trong nồi nấu thịt bò ở trên bếp, không hiểu sao ông chồng té cắm đầu vô trong đó chết gục.

Các bạn,

Đây không phải là câu chuyện Bảo Thành kể để mà hù dọa các bạn về việc mà chúng ta thường giết hại chúng sanh, để phục vụ cho các bữa ăn, bữa nhậu uống của mọi người. Có lẽ trên đời này, có biết bao nhiêu loài thú đã bị thế thân, để nuôi con người. Bảo Thành không nói đến vấn đề đó, mà mượn câu chuyện này để nâng tầm yêu thương của chúng ta. Sống trên cuộc đời ai ai cũng nhiều kiếp, đã mượn thân mạng của súc sanh để tồn tại. Trong đời sống của chúng ta, nhất định một cách gián tiếp hay trực tiếp, chúng ta đã giết hại biết bao sinh linh rồi, để sống, để tồn tại.

Con người luôn đặt để mình ở chỗ thượng đẳng, cao cấp, có quyền lấy thân mạng của các chúng sanh để nuôi sống mình. Điều này không bàn tới vì quá rộng, bàn tới dễ xích mích, bàn tới sẽ gây ra tranh luận dài hạn, khó đưa đến kết thúc một cách tốt đẹp. Thôi đó là nhân duyên của mỗi con người đi vào cuộc đời, có những hành xử như thế. Nhưng góc độ của câu chuyện hôm nay, nói đến nước mắt của loài thú. Nước mắt của con bò đó, đã làm động lòng người nhà giàu, muốn chuộc mạng cho nó, nhưng lão phu kia nhất định không tha, đã giết chết con bò, cuối cùng phải đền mạng trong nồi đang nấu con bò.

Mang ý nghĩa này chuyển dịch sang giáo lý của đạo Phật. Chúng ta không nói đến loài thú đâu, mà chúng ta nói đến tình người. Trong cuộc sống Bảo Thành và các bạn, đã biết bao lần tròng dây vào cổ của những người yêu thương, kéo họ trượt dài trong cuộc sống. Rồi biết bao nước mắt đau khổ của các bậc sinh thành, của tình nghĩa vợ chồng, con cái hoặc bạn bè, đã phải đổ ra như van xin chúng ta tha thứ cho họ. Nhưng chúng ta đã không tha cho họ vì đâu. Có thể vì chúng ta cảm thấy họ đang làm hại chúng ta, làm trì trệ đến đời sống của chúng ta. Họ đã làm cho cuộc sống của chúng ta thêm tồi hơn, xấu hơn, so với những điều ta mong muốn, để từ đó chúng ta đang tâm làm những điều tổn hại đến tinh thần, hạnh phúc của những người thân yêu.

Một con bò thân thiết, hy sinh cả cuộc đời, đến khi già cằn cỗi, không còn sức để cày, vậy mà lão phu kia vẫn bắt con bò làm việc cật lực cho mình. Trong đời của chúng ta, biết bao người yêu thương chúng ta, như người Cha người Mẹ. Đặc biệt nhất là người Mẹ, yêu thương con cái, đã hy sinh cả cuộc đời để nuôi nấng các con, để dạy dỗ cho các con, để dựng vợ gả chồng, lo lắng tương lai, để có thành tựu ngày hôm nay. Thế mà có những phận làm con, đã vắt cạn kiệt tất cả sức lực của Mẹ, cho đến khi Mẹ đã già nua cằn cỗi, vậy mà vẫn muốn sắp đặt Mẹ vào những công việc nặng nhọc làm việc cho mình, không để cho Mẹ được thong dong tự tại với tuổi già, gần gũi với Trời Phật, hoặc có những giây phút an nhiên tự tại, nhìn con cháu sống an vui.

Một con bò già bị bắt làm việc kiệt sức, để cuối cùng tống vào nồi, đun nấu để bán lấy thịt. Được chuộc mà cũng không tha, được cứu mà cũng không thoát. Cũng bởi vì cái tánh tối sân, cái quyền lợi và sự cưỡng quyền.

Các bạn,

Cuộc sống của chúng ta sẽ như thế nào, nếu chúng ta cứ khư khư, chẳng có một chút cảm xúc trong lòng với những người thương yêu. Chúng ta phải nhìn thấy được sự hy sinh của những người thân đối với chúng ta. Sự hy sinh của Cha Mẹ, Ông Bà, của vợ chồng, của những người thân, những người quen chúng ta, để rồi từ đó chúng ta đừng lạm dụng quyền lực để ép buộc, để kéo họ đi trên mọi tính toán, dự tính, mưu cầu của chúng ta mà làm cho họ phải đau khổ.

Chẳng nói đến câu chuyện giết mạng đền mạng, câu chuyện đó Bảo Thành không bàn tới ở góc độ xấu tốt như thế nào, mà muốn mượn nó để nói rằng: Trong cuộc sống của chúng ta, đôi khi thật sự chúng ta, Bảo Thành và các bạn quá đáng, hành động quá đáng, mất đi nhân phẩm của chính mình. Bởi vì chúng ta chỉ muốn đạt được mục đích của mình, để rồi từ đó làm đui mù trí tuệ, thay vì khi có người kia muốn chuộc con bò với giá cao hơn giá muốn bán, thì chúng ta đã có được tiền, đồng thời tha mạng sống cho con bò. Nhưng lão phu kia vì cái tôi, nhất định không bán, dù được trả nhiều tiền, bởi vì tâm muốn sát hại con bò.

Thực ra tâm muốn sát hại con bò, nó đến từ cái tôi. Cái tôi của mỗi người thật ghê gớm, bởi nếu chúng ta cứ khư khư ôm lấy cái tôi của mình, chúng ta sẽ làm tổn hại đến sự sống hạnh phúc, an vui của mọi người, chúng ta sẽ tạo khổ cho những người đó. Cái tôi cần phải được phê phán. Để khi chúng ta làm một điều gì đó theo chiều hướng suy nghĩ của mình, mà được sự tác động bên ngoài khai ý mở tâm để hiểu rõ thấu hơn vấn đề, đừng vì cái tôi, đừng vì tự ái, rồi sẵn sàng giết hại một mạng sống. Để cuối cùng phải đền mạng cho sự sống đó. Bởi trên đời, bất cứ một nghiệp gì chúng ta đã tạo ra, không thể trốn tránh được.

Nhân quả, Đức Phật dạy không thể trốn được nhân quả. Do đó chúng ta đừng có viện cớ chúng ta có quyền lực, để tôn vinh cái tôi của mình. Sự hiện thân của Đức Phật không phải ở trên tòa sen dạy dỗ, mà là hiện thân trên những con người và hành động trên những con người ở chung quanh chúng ta.

Ông nhà giàu kia có thể là hiện thân của Bồ Tát, cứu con bò bằng đồng tiền để mua chuộc, nhưng chúng ta có phải là vị Bồ Tát của chính mình hay không. Bởi vì đôi khi Phật hiện ra trong cuộc đời, Bồ Tát với chúng ta, đến với chúng ta đó, nhưng mà cái tôi của chúng ta đã che mờ lý trí, trí tuệ, để từ đó chúng ta không còn có cơ hội thấy được Phật, không còn thấy Bồ Tát hiện thân trong đời nhắc khéo cho chúng ta, để chúng ta có được tình thương thật sự mà đối xử với mọi người.

Hãy biết tha thứ cho nhau và đừng, nhớ đừng như vậy: Đừng khi nào vắt kiệt, vắt một cách cạn kiệt sức lực của những người yêu thương mình. Hãy sống với đạo lý nhân quả, luôn biết yêu thương mọi người, đừng để cái tôi che mờ lý trí.

Đức Phật và Bồ Tát luôn hiện thân trong đời để nhắc nhở chúng ta làm việc thiện, suy nghĩ đúng và mở mang trí tuệ.

Cám ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn