Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Đời người sống mỗi một lần Sống sao tận hết khả năng con người Bay cao xoải cách chim trời Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý sư cô, cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chua Xa Loi. Hôm nay thứ bảy đồng tu Sống Trong Chánh Niệm. Giờ tu đã tới, chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh và gia trì cho chúng con biết Chánh Niệm hơi thở, sống trong hiện tại, quán chiếu để thấy được vạn pháp là Vô Thường sanh – diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho quê hương Việt Nam của chúng con và toàn thế giới mau thoát khỏi cảnh đại dịch. Và cũng đồng nguyện cho tất cả chúng con tinh tấn tu học, giữ được tâm kiên định vượt qua mọi sóng gió thử thách của cuộc đời, thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Nguyện siêu cho chư vị hương linh luôn theo thiện nghiệp của mình, nương bóng từ ân của Đức Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật mà tái sanh cảnh thiện lành.
Giờ đây Bảo Thành mời gọi các bạn hãy cùng trì niệm hồng danh Chư Phật, Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô A Di Đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A Di rị đô bà tỳ
A Di rị đa tất đam bà tỳ
A Di rị đa tỳ ca lan đế
A Di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTê, NamMô SaKa PuốtTê.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Chào các bạn, hôm nay thứ bảy, nghĩ về chủ đề ngày hôm nay “Đừng Sống Cuộc Đời Người Khác”, nghĩ về cuộc sống của mình và nghĩ về tất cả các bạn, chúng ta có như vậy hay không. Mỗi một thứ bảy trong sự đồng tu Sống Trong Chánh Niệm, chúng ta lại phải suy niệm thật sâu để thực sự sống trong Chánh Niệm, để hưởng được sự an lạc tại thế trần này dù ngoài kia muôn sự xoay vần đổi thay quá nhanh. Vốn mỗi một người trong chúng ta, sự tương tác với nội tâm và với mọi con người luôn bị ảnh hưởng lẫn nhau, đôi khi mất đi sự tự chủ tư duy suy nghĩ của riêng mình và bị lôi kéo vào những cảm xúc của ta cũng như sự thôi thúc của những con người ở bên ngoài. Cho tới khi sự việc đã đi quá xa, không ngờ khi ta nghĩ lại thì ta đã thực sự đánh mất quyền tự chủ, suy nghĩ, quyết định riêng cho chính mình.
Chủ đề “Đừng Sống Cuộc Đời Người Khác” phải nghĩ sâu. Nghĩ hời hợt ta cứ tưởng rằng đừng sống cuộc đời người khác là chúng ta, là các bạn, là Bảo Thành cắt đứt mọi quan hệ đối với những người chung quanh như cha mẹ, ông bà, như vợ chồng con cái, như người thân, cộng đồng xã hội, chúng ta không cần nghĩ đến họ, chỉ nghĩ đến riêng mình thôi, sống cho mình thôi, thỏa thích cho mình thôi, chơi vui cho mình thôi, và được mất cho mình mà thôi. Rồi đôi khi tự than trách rằng bấy lâu nay ta đã vì người, nay thôi không cần nữa, gạt bỏ mọi người ra bên ngoài để sống chính mình. Sự suy nghĩ một chiều như vậy chính là thể hiện sự ích kỷ buông xuôi bởi không thể vượt qua sự thử thách dung thông hòa hợp với muôn người, mà tự tách biệt mình ra để sống thỏa mãn sự ích kỷ của riêng mình. Đó chính là dấu chỉ thể hiện và báo trước rằng chúng ta là kẻ thất bại.
Đừng sống cuộc đời người khác không phải là không liên lạc, rời bỏ quê hương, xứ sở, gia đình, mọi người, rồi chui vào trong rừng sâu núi thẳm, xây một cái thất ẩn mình vào trong đó, rồi cắt cỏ bới đất mà ăn, sống lủi thủi một mình, chẳng phải. Cách sống đó là cách sống biệt lập của những con người dị hợm, thiếu suy nghĩ rộng. Chủ đề này không khéo có thể chúng ta sẽ tách biệt đời sống với mọi người vì nói rằng đừng sống cuộc đời người khác thì sống cho chính mình. Cách sống cho chính mình mà tách biệt với xã hội nhân quần và con người, chúng ta dần dần sẽ trở thành người bị tự kỷ, thiếu năng lực, thiểu năng, không còn sức sống. Đừng sống cuộc đời người khác,
Đời người sống mỗi một lần,
Sống sao tận hết khả năng con người.
Các bạn, đời người sống có một lần mà thôi, chúng ta phải sống sao để tận hết khả năng con người. Mà đúng vậy, đời người chỉ sống có một lần. Chúng ta thực sự chưa sống hết khả năng của con người các bạn ơi. Bởi chung quy cuộc đời của chúng ta xoay vần trong khả năng sinh tồn của đời sống, kiếm ăn kiếm mặc kiếm uống, ngủ nghỉ, nhà cửa, xoay vần trong tình cảm giữa người với người. Chúng ta chỉ tận khả năng trong những vấn đề đó gọi là con người, với tìm ăn tìm uống, làm việc thường, như Phật tử tại gia đi làm công nhân, làm hãng xưởng, làm thư kí văn phòng, làm giám đốc, làm chủ tịch …làm gì đó lớn lớn nhỏ nhỏ vừa vừa kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia đình, phục vụ xã hội, có được căn nhà, có được phương tiện giao thông. Rồi có vợ có chồng, có con cái lập gia đình, đó là chuyện rất thường của đời người. Chúng ta đã tận hết khả năng con người vào mục đích đó. Nhưng nhớ rằng khả năng con người không chỉ dừng vào trong phục vụ đời sống như vậy đâu, nó còn rất cao, có thể đưa chúng ta bay bổng vào vùng trời xa để tận hưởng biết bao nhiêu sự an lạc trong cuộc sống mà chúng ta quá bận rộn vào trong những chủ đề của kiếp con người là tiền, tình, danh vọng, địa vị, của cải, vật chất, sinh hoạt của đời người đó, để rồi chúng ta chưa hoạt động hết khả năng con người để tận hưởng. Đừng sống cuộc đời người khác vì:
Đời người sống mỗi một lần
Sống sao tận hết khả năng con người.
Bay cao soải cánh chim trời
Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta.
Chúng ta phải như chim trời soải cánh bay thật là cao, có bay cao mới thấy trời rộng, có bay cao mới thấy muôn điều kì diệu tuyệt mỹ, vượt ngoài tầm nhìn trên mặt đất của miếng ăn miếng uống của đời sống rất thường mà chúng ta đã theo cái quy củ của con người. Cái nếp sống từ ngàn xưa ấy không phải như chúng ta đã định hình rằng làm việc kiếm ăn kiếm uống, mà là cái nếp sống đó còn thiếu nếp sống ngày xưa của các bậc tổ, của các bậc thầy, của Chư Phật. Cho nên sống cuộc đời người khác nó mang ý nghĩa rằng chúng ta không tự chủ được tâm để phát huy khả năng con người sống vươn cao đến hạnh phúc và có thể phụng hiến cho tha nhân. Sống cuộc đời người khác là sống chỉ chạy theo những ý thích của người khác, làm hài lòng người khác, làm đẹp lòng người khác, và rồi quên mất mình, mất chủ định, mất phương hướng. Và không phải rằng chúng ta không làm hài lòng người khác là cắt đứt sự quan hệ, mà là mọi việc ta làm cho người chẳng phải là vì làm hài lòng họ, làm cho họ vui mà là vì chính nơi khởi nguồn Từ Bi yêu thương của chúng ta đối với họ nên ta làm mọi việc, suy nghĩ mọi việc tác động đến họ bằng Từ Bi và Trí Tuệ. Chẳng phải bằng họ muốn họ mong, họ nói xì xầm, ta phải chạy theo để làm cho họ vui để rồi quên mất mình. Sống cuộc đời người khác là chúng ta cả cuộc đời đi theo tiếng thị phi mà rồi phải đáp ứng thị phi đó để họ không thị phi, nhưng ta đánh mất tự chủ của ta. Sống hài lòng người khác, sống cuộc đời người khác là ta nghe người ta nói phải làm cái này, phải làm cái kia, ta chạy theo mà không có tư duy theo Chánh Kiến để đưa tới Chánh Hành Động quyết định con đường ta phải làm cho chính mình. Sống cuộc đời người khác là ta để cho muôn người ở ngoài kia sắp đặt, cài đặt và dẫn mũi ta đi theo những hướng họ mong muốn, mà những điều họ mong muốn thì chẳng phải là suy nghĩ cho kỹ để họ mong muốn xếp đặt cho phù hợp với chúng ta. Họ chỉ nói ra thỏa thích trên bờ môi cái miệng, họ chẳng bao giờ để ý, họ chỉ vô tình tuôn ra, chẳng có ý nghĩa, vô nghĩa lắm. Nhưng chính vì chúng ta bơi bơi theo những dòng ngôn từ đó, chúng ta thở không kịp, chúng ta bị nhận chìm, chúng ta bị ngộp thở, chúng ta bỏ cả cuộc đời để sống cuộc đời người khác theo những điều người ta nói, người ta chỉ trỏ, người ta xì xầm, người ta thị phi, người ta đâm thọc. Thế là ta bứt gốc cuộc đời chổng ngược lên trời để nắng làm khô, và rồi ta đã chết. Cho đến khi nhận ra được rằng bao nhiêu lâu ta đã sống vì người khác, nhưng không phải sống vì người khác theo ý nghĩa cao cả bởi tình thương mà ta đối xử với người, sống vì người khác là chính vì ta, ta vì miệng thế gian mà chạy theo. Con người có cái miệng, họ có quyền nói những điều họ muốn nói. Con người có cái đầu, họ có quyền suy nghĩ những điều họ suy nghĩ. Con người có cái thân, họ có quyền hành động những điều họ muốn hành động. Chẳng vì lời họ nói, suy nghĩ họ đang khởi lên, hành động họ đang tác thành đó mà ta phải nhảy vào như con thiêu thân, làm nô lệ phục dịch cho ý tưởng của người khác. Mọi điều ta làm cho người dù là cha mẹ ông bà, dù là người thân vợ chồng, con cái, bạn bè, những mối tương giao trong cuộc đời phải xuất khởi từ tâm yêu thương bằng Trí Tuệ Chánh Kiến thấy rõ, ta tới với người, ta phụng hiến con người đó, ta làm việc cho con người đó là bằng tình thương, chẳng phải vì họ.
Thế nên ta trụ lại trong ánh sáng Trí Tuệ để lan tỏa tình thương mà muôn điều xỉa xói, dèm pha, đâm thọc, thêm bớt, gian trá, giả dối, thô ác chẳng làm lay động cõi lòng của ta. Bởi ta bay cao soải cánh như chim trời đó, ta hơi đâu mà vay mượn cuộc đời người ta. Ta thể nhập vào Trí Tuệ và tình yêu san sẻ tới mọi người bằng tâm chân thành, bằng lòng của chúng ta đối xử công bằng, bằng sự tôn trọng và thông cảm, bằng tình yêu chân thật, bằng sự phụng hiến và hy sinh, bằng sự cho đi tất cả. Bởi vì ta yêu, bởi vì ta Từ Bi, bởi vì ta có Trí Tuệ, bởi vì ta đồng hành với Phật, và bởi vì ta nhận ra chân lý ở đời là ta sống cho chính mình và mang tất cả những gì ta có được nơi năng lượng Từ Bi và Trí Tuệ đó để phụng hiến, san sẻ, cho đi và dâng hiến. Cho nên ta không sống cuộc đời của người khác bằng cách để cho họ xỏ mũi kéo đi, mà ta tình nguyện hy sinh tới bằng tâm yêu thương rộng lớn, không có dính mắc, không có chấp trược. Cho nên chúng ta vẫn như con chim trời tung bay soải cánh và không cần phải đậu trên những ngôn từ xỉa xói, đâm thọc, dèm pha, phân chia, hơn thua, tranh chấp của cuộc đời những con người khác. Thế nên chúng ta tự nhắc nhở:
Đời người sống mỗi một lần
Sống sao tận hết khả năng con người.
Bay cao soải cánh chim trời
Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta.
Chúng ta đã học Phật, đời sống Chánh Niệm là tư duy để sống đời sống phụng hiến toàn diện bằng tình yêu, bằng lòng Từ Bi do Trí Tuệ bừng sáng thấy rõ vạn pháp trong cuộc đời vô thường tới lui nay còn mai mất, chẳng ai ngờ được, chẳng ai biết được giây phút sau sẽ ra sao cho ta và cho người, để trong Chánh Niệm hơi thở này trọn vẹn là tình thương, trọn vẹn là Từ Bi dâng hiến. Chúng ta phải có lập trường sống theo đúng như lời Phật bằng Chánh Kiến, chớ vì lời thế gian người ta bàn tán mà cứ rong ruổi bơi lội theo, chết chìm ngộp thở. Người ta nói Đông chạy theo Đông, người ta nói Tây chạy theo Tây, người ta nói trên thì bay lên trên, người ta nói dưới thì đào lỗ chôn thân. Cứ như vậy ta làm khổ cuộc đời.
Trong Chánh Niệm giúp cho chúng ta Chánh Định, Chánh Định là bởi vì có Trí Tuệ để rồi có Chánh Kiến nhìn rõ. Muôn sự ở đời ta làm cho người hoặc làm cho mình, đó là hai từ mà hình như còn nặng cái tôi, “CHO”. Thực ra trong cuộc sống này phụng hiến cho chính bản thân và dâng hiến cho con người bằng tình thương Từ Bi thì ý nghĩa cao cả, bởi đó là một đời sống dâng hiến trọn vẹn để phụng hiến cho tha nhân bằng tình yêu lòng Từ Bi, bằng sự thấy có Trí Tuệ để hiểu rõ rằng ta làm là một sự tình nguyện yêu thương san sẻ trải rộng, không vì một mục đích mong cầu quyền danh, tiền tài, danh vọng, địa vị hoặc những ưu sách ta mong muốn người ta đáp lại. Hoặc ta không sống cuộc đời người khác vì tiếng dèm pha đâm thọc mà ta bơi bơi đến chơi vơi cuộc đời, lặn ngụp trong biển ngôn ngữ thị phi, đâm thọc, xỉa xói, hơn thua, tranh chấp.
Các bạn, trong Chánh Niệm hơi thở ngày hôm nay, đừng sống cuộc đời người khác ý nói cho chúng ta cần phải tu để thắp sáng Trí Tuệ, cần phải khơi nguồn Từ Bi để nhất cử nhất động, nghĩa là mỗi một hành động, mỗi một hành vi, mỗi một ngôn từ, mỗi một suy nghĩ của chúng ta phải có Chánh Định bền vững bất thối chuyển, dựa trên nền tảng của nhân quả thiện – ác và sự thắp sáng của Trí Tuệ để nhìn thấu vạn pháp vô thường. Trong muôn sự vô thường đổi thay liên tục, nếu chúng ta định lại trong Chánh Kiến thì chẳng có chóng mặt, và luôn luôn với lòng tôn trọng thông cảm bao dung. Từ đó ta sống cuộc đời của chính mình khởi lên từ tâm Từ Bi và Trí Tuệ mà không sống cuộc đời người khác. Cũng ý nghĩa đó ta tự nhắc nhở rằng từ nay trở đi sám hối thật là nhiều để ta không xỏ mũi của mình vào cuộc đời của người khác nữa, ta không chỉ tay vào cuộc đời người khác nữa, ta không xỉa xói, ta không thêm bớt, ta không đâm thọc, ta không khích bác, ta không gian dối, ta không thô ác, ta không lật kèo lặt lẹo, ta không và ta không. Ta chỉ nói bằng ái ngữ và Từ Bi, đồng hành đồng nhất với ánh sáng Trí Tuệ, nhìn thấu rằng những gì ta nói với họ với người đều xuất phát từ tâm yêu thương, với mục đích cao cả là san sẻ để cho muôn người nếu có sầu muộn đau khổ thì đều được nhẹ gánh lo âu mà vui sống trong cuộc đời. Đừng sống cuộc đời người khác, vì:
Đời người sống mỗi một lần
Sống sao tận hết khả năng con người.
Bay cao soải cánh chim trời
Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta.
Hãy sống với chính mình, hãy sống với Trí Tuệ của công hạnh tu tập. Hãy sống với chính mình là sống với nguồn năng lượng bất diệt của lòng Từ Bi vốn có nơi tâm Phật để san sẻ với muôn người. Chúng ta có khả năng như vậy, đừng mang ý nghĩa rằng đừng sống cuộc đời của người khác là sống cho chính mình một cách ích kỷ, co quắp lại, tự kỷ, chẳng biết thông cảm, chẳng biết cảm thông, chẳng biết san sẻ, chẳng biết bao dung, chẳng biết đồng hành với mọi con người mà chỉ cho ta và cho ta. Đó là cách sống ích kỷ khi hiểu sai đừng sống cuộc đời người khác. Sống cho mình chính là phụng hiến tha nhân bởi muôn điều ta cho đi, ta hiến tặng, ta phụng hiến, ta gửi gắm, ta trao cho nhau đều trở về với ta, đều cho ta, phụng hiến cho ta, chẳng phải là cho người.
Nhịp cầu đi qua bờ nó có nhiều nhịp, trên chiếc cầu đó trọn vẹn mới qua được bờ và mỗi một con người là nhịp sống. Chúng ta đang đi trên chiếc cầu của cuộc đời, chiếc cầu này mỗi một đời người mỗi một kiếp nhân sinh là một nhịp cầu ta có nhân duyên bước qua nhau. Khi bước qua cuộc đời của nhau phải để lại dấu ấn của tình thương trọn vẹn, của sự phụng hiến yêu thương cao tột. Khi bước qua cuộc đời của nhau phải để lại dấu ấn như nụ cười chân chất nhẹ nhàng yêu thương và luôn tỏa sáng Trí Tuệ thơm ngát hương Từ hương Giới. Mà ở trên đời này mỗi người chúng ta sẽ phải bước qua thật nhiều cuộc đời của nhau, bởi mỗi cuộc đời của nhau là một nhịp cầu. Đừng sống cuộc đời người khác chẳng phải là chúng ta co cụm sống trong nhà trong hang trong thất, vùi đầu vào trong đống tiền vật chất ta kiếm được để thỏa thích cho những ước muốn cá nhân. Đừng sống cuộc đời người khác có nghĩa là ta sống phải biết san sẻ, yêu thương, thông cảm và bao dung, phụng hiến cho tha nhân. Sống là sống hết khả năng của mình, mà khả năng con người là khả năng tung bay soải cánh như chim trời vậy các bạn ơi để tận hưởng muôn sự cao cả vốn có trong vũ trụ mênh mông vô tận này. Bước qua từng cuộc đời của con người luôn luôn phải có dấu ấn của Trí Tuệ và lòng Từ Bi. Đừng sống cuộc đời người khác nghĩa là ta đừng sống ích kỉ, nghĩa là ta sống phải thông cảm yêu thương, ta sống phải mở rộng vòng tay và hiểu thấu được ý nghĩa rằng mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi hành động đều xuất khởi từ tâm Từ Bi và Trí Tuệ, không ích kỉ cá nhân cục bộ.
Đời người sống mỗi một lần
Sống sao tận hết khả năng con người.
Bay cao soải cánh chim trời
Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta.
Thế mà người ta nói một tiếng thôi là không những mình xiêu xiêu vẹo vẹo té xuống mà nhà mình cũng bùng cháy, gia đình cũng lộn xộn. Đi ra đường mà hàng xóm xỉa xói gì đó mà ta nghe hình như là đang đâm thọc là về nhà ông chồng khổ rồi, ta sẽ tra tấn ông ấy thôi, hoặc là bà vợ khổ rồi ông chồng sẽ càm ràm tối ngày. Chuyện tình bạn, chuyện con người cũng vậy, chỉ một lời xỉa xói như gió thoảng mây bay ở ngoài đời lọt vào lỗ tai bất chợt ta đi ngang qua thôi là tâm hồn đã hỗn loạn hết rồi. Ta thường bị người ta dắt mũi dìu đi. Dìu là còn nhẹ đó, ta thường bị người ta dắt mũi kéo đi. Và đi chậm thì người ta lấy đinh đâm vào, lấy cây đập vô, con mắt người ta sắc lẹm như dao, người ta cứa, người ta cắt, ôi cha đau quá. Đừng sống cuộc đời người khác là hãy dừng lại những gì ta chạy theo để làm hài lòng người. Nhưng là để với tay dài đến tận hư không, san sẻ giúp đỡ kề cận trong sự thông cảm hiểu biết bằng tâm Từ Bi. Chúng ta có khả năng sống như vậy, sống bao dung, sống yêu thương, sống Trí Tuệ, sống Chánh Niệm và sống ngay trong hiện tại để có sức mạnh nội lực thâm hậu vượt ra ngoài mọi chướng ngại. Sống chân thật với trái tim của mình, sống đúng với lời Đức Phật dạy hiểu thấu nhân quả, thấy muôn sự vô thường để không lãng phí thời gian rong ruổi chạy theo những điều người ta khích bác, những điều người ta đâm thọc khen chê, những điều người ta thêu dệt thêm bớt, những điều người ta dối trá thô ác để làm tổn thương. Rồi ta cứ chơi vơi bơi bơi theo ngôn ngữ của họ, ta đánh mất mục đích sống của chúng ta. Rồi chúng ta chẳng có lập trường, chẳng có tánh kiên định kiên nhẫn sống để làm giàu cuộc sống yêu thương của chính mình, mà làm cho cuộc đời khô cạn dần và dần dần bị cạn kiệt sức sống trở thành tự kỉ như một xác ma chập chờn trong bóng tối, đi đâu cũng vơ vơ rồi vội vàng chạy mất, trốn lủi vào trong xó góc của cuộc đời tăm tối bị che kín che mờ bởi đồng tiền vật chất danh dự, bởi tài phú của cuộc đời.
Các bạn có thấy thế giới trong hai năm qua khủng hoảng, biết bao nhiêu công sức con người dồn vào để xây dựng cái gọi là cao đẹp về vật chất, những cái gọi là tầm cao của Trí Tuệ trong sự thành tựu về tiền tài danh vọng địa vị đó, mà một con vi trùng nhỏ bé nó đánh qua một cái là mất rồi, bao nhiêu thứ kia còn lại nào có thể mang theo. Giá trị của con người ngày nay nó được nhận thức không phân biệt tôn giáo các bạn ơi. Sự chết cận kề người ta thấy nó tới vô chừng lắm. Chính vì điều đó mà người ta mới suy nghĩ ý nghĩa cuộc sống của con người để đừng sống cuộc đời người khác. Các bạn, có một góc độ mà chúng ta sống cuộc đời người khác ở chỗ là ta sống cuộc đời vật chất, ta sống cuộc đời tiền bạc, ta sống cuộc đời về ái dục, ta sống cuộc đời về tham dục, nhưng đó không thuộc về ta, nên ta nô lệ, ta nghe đồng tiền bay bay là ta say rồi, cả cuộc đời điêu đứng vì tiền, vì tình, vì danh vọng địa vị, vì phú quý của cuộc đời. Ta sống vì tiền, vì tài, vì tình, vì danh vọng, vì vật chất, vì dèm pha đâm thọc. Cái đó còn nguy hại hơn là sống cuộc đời người khác. Mọi thứ ở trên đời cần phải thẩm định lại trong thời gian này để chúng ta sống thực với chính mình, sống thực là người con Phật biết được Phật – Pháp – Tăng, sống thực bằng Trí Tuệ và lòng yêu thương.
Đời người sống mỗi một lần
Sống sao tận hết khả năng con người.
Bay cao soải cánh chim trời
Hơi đâu vay mượn cuộc đời người ta.
Mô Phật!
PHẦN GIAO LƯU:
Phật tử Bảo Nghy: Thưa Thầy, khi con nỗ lực cố gắng tận tâm tận sức phát triển khả năng Trí Tuệ của mình trong việc tu tập hoặc phụng hiến cho tha nhân mà không được sự ủng hộ của người thân và gia đình thì sẽ làm cho họ phiền não bực bội, gây rạn nứt trong gia đình. Như Thầy khai thị cho chúng con là đừng vì làm hài lòng những người khác mà sống vay mượn cuộc đời của người ta. Trong trường hợp này, khi suy nghĩ của người thân không đi cùng với chí hướng của mình thì làm sao có thể dung hòa được ta và người ạ? Xin thầy khai thị ạ.
Thầy Bảo Thành: Mô Phật! Trong bất cứ một gia đình nào, nhân duyên trùng trùng duyên khởi tới với nhau là cha mẹ là vợ chồng con cái, là anh chị em, là con cô con cậu con chú con bác luôn luôn có sự đối nghịch bởi ở trong đó luôn luôn có oan tắng hội tức là oan gia trái chủ nợ lẫn nhau tái sanh lại để làm bà con. Làm bà con Phật Pháp mà một diễm phúc, còn bà con của những món nợ nhất định phải bị đòi. Hãy nhìn vào cuộc sống của Thế Tôn – Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Ngài là Phật nhưng từ thuở thiếu thời là một hoàng tử, một thái tử cho đến khi thành Phật 80 tuổi Ngài luôn luôn gặp mọi sự chống kình đối nghịch từ trong thân bằng quyến thuộc anh chị em gia đình ngay cả vua cha. Và trên con đường đi tu Ngài cũng gặp biết bao nhiêu sự đối nghịch của những tôn giáo khác, niềm tin khác. Khi thành Phật giác ngộ, Ngài cũng gặp sự đối nghịch của những đệ tử xuất gia của Ngài, cho đến vua chúa quan quyền, nhiều lắm nhiều lắm. Nhưng mà Phật không dùng thời gian để đi dàn xếp những sở thích ngược ngạo trái chiều của những con người khác đối với Ngài, Ngài chỉ sống bằng bổn tâm chân thật trong tánh giác ngộ để lan tỏa yêu thương. Và từ từ những người thân trong dòng tộc Thích Ca đã xuất gia theo Ngài và biết bao nhiêu người chống đối muốn hại Ngài như vua A Xà Thế đó là gương rất đích thực cũng đi tu, như vua Ba Tư Nặc, Tần Bà Xa La. Tất cả đều quy phục với tâm Từ Bi.
Chúng ta trong cuộc sống gia đình có nhân duyên là nợ nần, làm chồng, làm bà con, làm người thân, ta tìm về với cội nguồn yêu thương, sống cuộc đời bằng tâm từ Trí Tuệ để lan tỏa yêu thương ngay trong gia đình của chúng ta. Nhưng ít nhất chúng ta cũng là những con người trong gia đình, không phải là pháp quyến trong Phật Pháp, nhưng là gia quyến trong tình người. Đã gọi là gia quyến cha mẹ ông bà người thân, ta dùng chữ tình yêu chân thật để đối xử thì dù sự chống báng kia có tận cùng bằng số đi nữa thì cuối cùng ta cũng có thể xóa sổ để cũng là số mà là số không còn nợ nhau nữa. Để hai bên dấn thân vào con đường yêu thương, rất cần sự nỗ lực tinh tấn của mỗi cá nhân chúng ta. Hiểu thấu được tình thương của gia quyến và tình pháp lữ của pháp quyến đồng hành trên con đường tu. Trong pháp quyến cũng có sự quyến luyến của tình người và tình pháp lữ. Trong gia quyến cũng có sự quyến luyến của tình thương. Chỉ cần mang tình thương ra đối xử như nước chảy đá mòn, về dài về lâu sẽ dần dần san bằng xóa sổ những món nợ. Để rồi còn con số KHÔNG duy nhất của cái tâm không vướng mắc bận rộn bằng sự trái chiều khác ý, mà cái tâm không đó như một dòng chảy của dòng sông cứ xuôi mãi xuôi mãi về biển Đông để tận hưởng ánh nắng của hừng đông.
Chúng ta cũng như vậy, dĩ nhiên gặp thử thách. Bảo Thành gặp thật nhiều thử thách trong gia đình, của người thân, của bạn bè, của thôn xóm mình sinh ra, khác biệt giữa tôn giáo, niềm tin, ý tưởng. Nhưng Bảo Thành không vì họ mà dừng bước, không vì gia đình rồi phải dừng bước, nhưng dần dần gia đình anh chị em thông cảm bởi thấy rằng con đường của Bảo Thành đi mang lại hạnh phúc cho Bảo Thành và tỏa chút hương thơm cho mọi người sống cùng nhau trên cảnh khổ lênh đênh trong cuộc đời.
Hãy tinh tấn kề cận bậc thiện tri thức, hãy tinh tấn tu học thắp sáng đuốc Tuệ trong Chánh Niệm hơi thở, nhìn cho rõ, luôn luôn gặp chuyện trái chiều nghịch ý không đồng thuận trong gia đình, nhưng đừng để tâm yêu thương của mình lạnh nguội. Đừng để chí nguyện giải thoát, hướng đi cao cả của mình bị chặn đứng lại. Hãy khéo hơn, nhà Phật chúng ta tu theo Phật là khôn khéo, Trí Tuệ là phải khôn khéo, Từ Bi là phải bao dung, khôn khéo bao dung để diệu dụng mọi phương tiện, cứng như sắt cũng có thể được uốn nắn thành những vận dụng hữu ích, cứng như kim cương người ta cũng có thể cắt được gọt giũa thành những hình hài thật đẹp phản ánh ánh sáng của mặt trời, làm cho viên kim cương tự thể nó đẹp hơn. Cứng như lòng người không chấp nhận mọi điều ta làm thì cái lưỡi cưa của tình yêu và lòng bao dung, lưỡi cưa của Trí Tuệ và Từ Bi nhất định sẽ cắt đi mọi góc cạnh sắc bén làm ta đau đớn, để phối hợp nên một hình hài tuyệt đẹp phản ánh đúng cái tâm của người đó. Để ta nhận ra họ cũng có cái tâm trùng như ta, đúng như ta, giống như ta nhưng ta chưa khéo để cắt gọt tỏa sáng cho họ mà ta chỉ muốn toả sáng cho chính mình mà thôi. Mô Phật!
PHẦN HỒI HƯỚNG:
Thưa Phật, thứ bảy trong đời sống Chánh Niệm, chia sẻ về “Đừng Sống Cuộc Đời Người Khác”, chúng con nguyện sống bằng Trí Tuệ và Từ Bi phụng hiến yêu thương tha nhân. Xin Chư Phật gia trì cho mỗi người chúng con tinh tấn kiên định vượt qua mọi thử thách, thường trụ trong tâm an lạc. Và nếu như sự đồng tu hôm nay của chúng con có tạo được chút phước báu nào, chúng con nguyện hồi hướng cho cha mẹ đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, cho vợ chồng con cái thân bằng quyến thuộc và mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.