Bảo Lạc đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Sống buông thả vùi mình trong ảo giác Là tự thân chuốc lấy những luỵ sầu Đang bỏ phí một kiếp người diệu dụng Để đắm chìm trong nghiệp quả khổ đau
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý cô cùng các bạn đồng tu trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và Facebook Chua Xa Loi. Giờ tu trong đời sống chánh niệm ngày thứ bảy bắt đầu, mời mọi người đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thân tâm của chúng con đã thanh tịnh, nương vào hùng lực của Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền mười phương đồng tu chánh niệm hơi thở, trì tụng Đại Bi Chú, Vãng Sanh Chú và Thất Bảo Huyền Môn, chia sẻ pháp thoại ngày thứ bảy đầu tuần. Nguyện xin Chư Phật chứng minh nếu có chút công đức nào, chúng con nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam và các nước Á Đông mau thoát khỏi đại dịch và cũng đồng nguyện cho các đấng bậc sinh thành tăng long phước thọ, và mọi người được an lạc, tinh tấn tu học. Giờ đây, kính mời mọi người cùng với Bảo Thành và tăng thân trì tụng Đại Bi Chú, hồng danh của Chư Phật.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Mô Phật, Bảo Thành chào các bạn. Hôm nay thứ bảy, có thể gọi là cuối tuần hay đầu tuần tùy theo quan niệm của mỗi một người đặt để cho mình. Khái niệm và quan niệm ở đời tùy theo cách sống của mỗi người mà đặt để ra. Tuy nhiên, sống trong xã hội có những luật chung của xã hội, khái niệm và quan niệm cần phải có sự cân bằng, sự chấp nhận của nhau để sự tương tác dễ dàng. Tuy nhiên vẫn có những con người sống với khái niệm và quan niệm riêng tư của bản thân, hoàn toàn trái ngược với xã hội và cộng đồng. Người ta gọi hôm nay đầu tuần, có người nói không, cuối tuần. Cũng cứ đầu và cuối, chỉ là hai khái niệm của cuộc sống mà sự tranh cãi với nhau vẫn thường xảy ra. Quan niệm về một đời sống của con người luôn luôn dựa trên nền tảng tự do, chẳng ai bắt buộc chúng ta phải có khái niệm và quan niệm sống như thế nào. Mỗi người đều có quyền tự do, mặc định cuộc đời của mình.
Hôm nay với chủ đề thật hay “Đừng Sống Buông Thả Nhưng Hãy Buông Bỏ”. Là một kiếp người trong cuộc đời, nếu có ai đó chạm vào đời sống riêng tư ta thường bị tự ái, và phẩy tay xua đuổi họ, nói một câu thật là trống rỗng rằng: “Tôi sống cho tôi. Quan niệm và khái niệm đời sống như thế nào đâu có liên quan gì đến các người”. Đúng, chẳng liên quan gì đến mọi người, nhưng sống buông thả liên quan mật thiết tới giá trị của đời sống chúng ta. Sống buông thả, vùi mình trong ảo giác là tự thân chuốc lấy những lụy sầu, đang bỏ phí một kiếp người diệu dụng để đắm chìm trong nghiệp quả khổ đau. Kiếp người thật là diệu dụng các bạn, nếu ta bỏ phí kiếp người diệu dụng như Đức Phật dạy rằng, mang thân người là phương tiện diệu dụng, vi diệu, phi thường mà ta nếu sống buông thả thì ta sẽ đắm chìm trong bao nhiêu nghiệp quả, khổ đau, lụy sầu. Mà những điều ta buông thả vùi mình đều là những điều chỉ là ảo giác.
Người trẻ ngày nay, mà từ ngàn xưa, tuổi trẻ và ở bất cứ một lứa tuổi nào có những thời kì hoặc đôi khi vì một chuyện xảy ra trong chướng ngại, trong thất bại, về mọi phương diện tình cảm, tiền tài, danh vọng, địa vị, chúng ta không đứng dậy nữa. Chúng ta không ngã như lời Đức Phật dạy để đứng dậy, hay không như lời của Mẹ dạy, hãy đứng dậy, đứng ngay đứng thẳng để làm người, mà chúng ta đau đớn quá, để rồi đánh mất đi tầm nhìn sâu hơn về chính mình là một kiếp người diệu dụng, phi thường như lời Phật khai thị, để buông thả trong đời sống ảo giác, lụy sầu, khổ đau. Ai ở trên đời không gặp những khó khăn, như những sự phản bội giữa tình bạn, như sự phản bội giữa tình vợ chồng, phản bội giữa tình thân, như cha mẹ, con cái, hay tình đồng môn, huynh đệ, thầy trò. Sự phản bội hay là những điều ngang trái để cho trái tim ai đó đau khổ, lụy sầu, hầu như một kiếp người ít nhiều gì chúng ta cũng sẽ có sự trải nghiệm đó.
Người xưa nói “Ngọc bất trác, bất thành ngọc”, ngọc mà không được mài giũa thì ngọc đó không đẹp, con người không đương đầu trong sự mài giũa của khổ đau, thất bại, phản bội tận cùng thì chẳng làm sáng ra viên dạ minh châu, viên ngọc của tâm thức thanh tịnh Phật tánh. Thế nhưng mấy ai hiểu được giá trị đó, và thường đồng lõa với sự yếu đuối chính mình mà quên đi ta có sức mạnh nội tại phi thường để từ đó khi chướng ngại gian khổ tới, va chạm chút xíu, dù con tim có cạn máu, hay chỉ là những giọt đầu của sự khổ mới tới, ta cũng đừng buông tay, sống buông thả các bạn ơi. Cũng là buông nhưng đừng bao giờ buông thả, ta buông xả, cũng là buông nhưng đừng buông thả, hãy buông xả. Một đời sống buông thả tức là tự chôn vùi mình trong vực sâu đen tối của lụy sầu, khổ đau để muôn đời luân hồi trong cảnh khổ. Một đời sống buông xả là nâng viên ngọc giá trị của trí tuệ Phật tánh lên cái giá thật cao để tận hưởng ánh sáng mặt trời lóe lên biết bao nhiêu những sự hy vọng, tươi sáng cho chính mình.
Chúng ta đã lao đầu vào sự buông thả, đắm chìm trong những thói chơi của cuộc đời bởi vì thất bại, bởi vì phản bội, bởi vì chúng ta gặp chướng ngại. Ta đồng lõa với sự yếu đuối để quên đi rằng một kiếp người thật đáng quý và khó tìm. Và trong kiếp người đó, thật diệu dụng là phương tiện, như Chư Phật dạy, là chỉ có phương tiện làm kiếp người chúng ta mới thấy rằng trên trái đất này, hành tinh này, kiếp người này, chúng ta có cơ hội thoát khỏi vùng tối để đi vào vầng ánh minh thật là sáng để hạnh phúc và bình an.
Ai trong cuộc đời mà không nhiều lần vấp té. Chúng ta hãy tự hỏi bản thân của mình trong những lần vấp té như vậy, có khi nào các bạn có cảm giác muốn buông bỏ tất cả để sống một đời sống buông thả? Có. Ở ngoài đời kia, ta vẫn thấy những cảnh mà có những người sống buông thả bê tha, đắm chìm ở trong những thứ chẳng còn suy nghĩ đến bản thân, đánh mất đi giá trị cao quý của mình. Nếu mà tìm về đầu mối của sự buông thả nơi con người ấy, bao nhiêu lý do để ta sống buông thả, thì cũng có hàng vạn lý do để sống buông xả để tìm lại chính mình, sức mạnh của nội tại. Bạn sống buông thả thì chẳng khác gì bạn thả một viên ngọc xuống dòng sông để chìm xuống bùn lầy. Bạn sống buông xả thì chẳng khác gì nâng ngọc lên cao để cho muôn người được chiêm bái. Khó khăn của cuộc đời, thử thách trong đời người luôn tới, nhưng nếu khó khăn, thử thách đó quật bạn ngã xuống, để rồi bạn biến thành con giun đào sâu xuống vùng đất hôi thối, kiếm ăn trong vùng tối, để buông thả cả cuộc đời, bạn đã đánh mất giá trị diệu dụng của kiếp người.
Nhìn một hình ảnh thật tuyệt vời như con nhộng nằm trong kén, đau đớn biết chừng nào nhưng nó cố gắng vận dụng nội công trong vùng tối của cái kén, nhả tơ nhưng chẳng phải nhốt mình, nhưng tự bảo vệ mình để tăng trưởng nội lực. Như vậy có nghĩa muôn trùng khó khăn ập tới với chúng ta, chẳng phải là cột chặt chúng ta vào vùng tối để rồi sống buông thả mà chính là lúc thử thách để chúng ta nhả ra những sợi tơ của tư tưởng trí tuệ, từ bi, bác ái, để bảo vệ tự thân, để dùng sức mạnh đó từ từ cắn kén bay ra và biến thành điệp, biến thành một con bướm màu sắc rực rỡ, dâng hiến cho đời đôi cánh nhẹ nhàng bay lan tỏa. Nếu nhộng không tăng trưởng đời sống, suy nghĩ về sức mạnh nội tại ở trong cái kén để chờ một ngày cắn kén bay ra thì thân bướm kia sao có thể đẹp. Sâu hóa bướm, cuộc đời có thể hóa hiện thành những cảnh giới cao hơn nếu tìm thấy sức mạnh của nội thân.
Nhìn thấy ở trên tay, trên cổ của các phụ nữ, chúng ta đeo những chuỗi ngọc, ngọc trai. Các bạn, con trai nằm dưới đáy biển sâu, có những hạt bụi, những viên đá sỏi, những sự dơ dáy ở đời, vô tình hay cố tình lọt vào trong con trai, nó chẳng hề xua đuổi đâu, bởi con trai xua đuổi những hạt bụi, hạt cát, hạt sạn đó ra thì làm sao trên cuộc đời này có ngọc trai để cho chúng ta đeo đẹp thế. Cái đẹp của ngọc trai chính là bởi vì con trai nằm dưới biển sâu, mở lòng ra sẵn sàng hứng tất cả mọi bụi bặm trong cuộc đời và vận dụng trí tuệ tiết ra những chất đặc biệt, nơi tâm thức thanh tịnh để rồi những hạt bụi của trần gian lọt vào trong cuộc đời của con trai dần dần được bao bọc chuyển hóa thành viên ngọc thật sáng. Đời của mỗi chúng ta, làm sao có thể làm sáng ra tự tánh, để thấy sức mạnh diệu dụng của một kiếp người như Phật nói là phương tiện vi diệu, thì làm sao có thể bao bọc những khúc khổ đau để biến nó thành những viên ngọc có giá trị, và để một mình cắn kén bay lên như con bướm thật đẹp. Các bạn, hai hình ảnh đó để sách tấn chúng ta như lời Đức Phật dạy, té đâu vịn đó đứng dậy, như lời bài ca vừa nói “Mẹ dặn con”, hãy đứng dậy, hãy đứng lên, đứng thẳng để làm người.
Các bạn nhớ, nếu như lời Đức Phật dạy thì đúng, Đức Phật luôn luôn dạy chúng ta những chân lý Ngài giác ngộ và nhận ra. Đừng coi thường những sự buông thả dù rất nhỏ, dù rất nhỏ. Những việc ác dù rất nhỏ cũng chớ chạm, sự buông thả dù rất bé cũng đừng. Bởi mỗi một lần buông thả như thế, mỗi một lần làm việc ác thật bé như thế, ta thường nói: thôi mà, lần sau ta sẽ làm lại. Các bạn nhớ, ở đời một lần bỏ qua, một lần trôi qua là hàng vạn vạn những cơ hội tuyệt vời sẽ tuột khỏi tầm tay mà bạn sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Đời sống buông thả của mỗi người chúng ta sẽ dần đưa chúng ta vào cuộc sống bất hạnh, lụy sầu, khổ đau. Nhưng nếu các bạn thực hành pháp Chư Phật dạy, chẳng phải là buông thả, cũng một chữ buông nha các bạn, nhưng là buông xả thì chẳng khác gì bạn buông bỏ ngàn cân núi đá cột ở trên đầu để nhẹ nhàng ngoi lên trên mặt nước của cuộc đời, thấy được mặt trời, ngắm được hoàng hôn, dạo bộ trong cuộc đời dưới ánh trăng ngà của đêm rằm tuyệt lắm.
Đừng tự cột chặt mình vào những điều đau khổ quá để buông thả nghe các bạn. Các bạn đau chẳng phải một lần. Các bạn bị phản bội chẳng phải một lần. Các bạn bị lừa gạt chẳng phải bị một lần. Các bạn bị chê bai, bị khinh thường chẳng phải một lần. Các bạn bị người ta đối xử thật tệ chẳng phải một lần. Các bạn bị thất bại trong tình trường, trong thương trường, hay các bạn còn trẻ thất bại trong học đường, hay trong tất cả những nơi các bạn đang tiếp xúc, nhân sinh quan, xã hội này chẳng ai có trách nhiệm phải đối xử với bạn như bạn mong muốn. Chỉ có mình bạn và chúng ta có trách nhiệm phải đối xử với mình thật đúng mà thôi. Đối xử tốt với mình là người biết buông xả, còn đối xử không tốt là người sẽ buông thả. Người buông thả là người không nhìn thấy giá trị cao quý, nhân phẩm, điều tuyệt diệu nơi mỗi một con người. Người sống buông thả là người để lương tri đắm chìm ở trong vùng sình lầy tạo tội, tạo lỗi. Còn người biết buông xả là người sống với giá trị, nhân phẩm cao quý và coi trọng lương tri của nhau để đối xử bình đẳng, để vượt lên mà không cao ngạo, để vượt qua mà không tự hào. Người đó luôn trầm tĩnh, sống an vui, người đó không vỗ ngực xưng tên là chẳng dựa dẫm vào ai, mà chỉ dựa dẫm vào chính mình. Ta không dựa vào mình mà không dựa vào ai, nhưng ta nương vào trí tuệ của Chư Phật, nương vào sức mạnh của sự tỉnh thức vốn có nơi Phật tánh. Cuộc đời cần phải nương vào những cái cao quý hơn để tìm lại viên dạ minh châu ở trong lòng, để biến rác rưởi của cuộc đời thành ngọc trai, để cắn kén mà bay ra thoát lên.
Các bạn nhất định trong cuộc sống sẽ gặp thật nhiều lúc bị trù dập bởi ngay người thương yêu nhất của mình, có thể là cha mẹ, con cái, hay là tình nghĩa của chồng hoặc của vợ, hoặc của bạn bè, của đồng môn, ngay cả đôi khi bị trù dập bởi những vị thầy của chúng ta. Bởi vì cảnh đời không có một cảnh nào là hoàn hảo hết, nhưng chúng ta không vì họ đối xử như vậy mà ta không có trách nhiệm với bản thân. Người có trách nhiệm với bản thân là người biết tôn trọng nhân phẩm của chính mình, và biết nâng cao tầm nhìn của lương tri để ngọc được tỏa sáng, để nhộng thành bướm, để cuộc đời thăng hoa và hạnh phúc bền vững. Các bạn, nhắc nhở cho chúng ta về lời của Đức Phật dạy, té đâu thì vịn đó đứng dậy. Một lần té, một lần đứng lên, nhiều lần té cũng phủi bụi mà đứng dậy, vững chãi như núi xanh, thong dong như mây trời.
Bởi như lời Phật đã khai thị, cuộc sống của chúng ta có cái diệu dụng phi thường, và là phương tiện vi diệu, ta có khả năng vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời để tỏa sáng. Nếu các bạn đang vấp té, nếu các bạn đang bị đau đớn, các bạn nhớ, bạn không cô đơn, bời vì có Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền luôn kề cận các bạn để tiếp dẫn các bạn vượt khó mà trưởng thành, tỏa sáng để yêu thương. Đừng vì một điều gì đó của ai đó, bất nhân bất nghĩa đối xử không đúng, hoặc vì một điều gì đó của hoàn cảnh xã hội khó khăn, thử thách mà chúng ta sống buông thả để trù dập chính bản thân của mình. Nếu như những điều đó đã xảy ra làm ta đau đớn thì hãy buông xả, đừng bám, đừng giữ, đừng chấp, chứ đừng buông thả nghe các bạn. Sống buông thả là tự giết hại chính mình, là người sống không có đúng tinh thần hiếu đạo, hư hại chính cái mạng của cuộc đời và coi thường sinh mệnh của mình sinh ra bởi phước báu của cửu huyền, ông bà cha mẹ và tự thân tích lũy nhiều đời.
Hai chữ “buông thả” cần phải xóa sổ để thay vào đó là sự buông xả để ngoi lên khỏi sình lầy thử thách, như sen ngoi lên khỏi sình lầy, khỏi bùn nhơ, nhưng chẳng bao giờ hôi tanh mùi bùn, tỏa thơm, tỏa sáng. Ta có cơ hội như sen ngoi lên mọi sự thử thách trong cuộc đời. Nhất định cuộc đời của chúng ta còn rất dài và sẽ có những đoạn trường đau lòng bởi những sự thử thách, chướng ngại trong mọi phương diện, nhưng các bạn đừng buông thả, hãy buông xả nó đi khi nó tới, bởi vì khi buông xả bạn sẽ tìm lại niềm tin, có niềm tin tất thắng. Khi buông xả bạn sẽ tìm lại chính mình, khi buông xả bạn biết tôn trọng nhân phẩm của bạn và biết nâng cao tầm nhìn của lương tri để chúng ta sống đúng. Cuộc đời ngắn lắm, nếu không một lần đứng dậy trong những đống đổ ngã, vụn vặt của muôn sự làm đau lòng, mà lao đầu vào trong vùng sâu của sự buông thả thì coi như đang tự hại bản thân. Nhưng nếu các bạn có thể vịn vững chắc vào niềm tin rằng, ta vẫn còn có sức mạnh, bởi trên đầu ba tấc có thần linh, ý nghĩa rằng chúng ta còn có Chư Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền gia hộ. Cho nên việc ác đừng có làm và tưởng chừng rằng không ai thấy. Hãy làm việc thiện, và sống buông xả, đừng sống buông thả, để cuộc đời có ý nghĩa hơn. Mỗi một kiếp người thật ngắn, mỗi một đời người cũng thật dài, tùy theo khái niệm và quan niệm về cuộc sống.
Xã hội ngày nay muôn trùng thử thách và nhiều điều dễ cám dỗ chúng ta sa đà để sống buông thả. Nhưng trong giáo lý của Đức Phật vẫn có bao nhiêu phương tiện diệu dụng, tuyệt vời để tránh xa sự buông thả nhưng thực hành pháp buông xả để thành tựu sự an lạc và hạnh phúc. Hãy nương vào ốc đảo vốn có nơi ta, nương vào, ta không dựa, ta nương vào đó để tỏa sáng, để vững chãi, để thong dong. Chất tố vi diệu có sẵn trong các bạn và Bảo Thành mà Phật đã khai thị, đó là phương tiện diệu dụng siêu lí của kiếp người, ta có thể tìm về ứng dụng để giải thoát mình khỏi vùng tối của cuộc đời để bước vào ánh sáng, để sống hạnh phúc và an vui. Nhìn kĩ lại cuộc đời nhất định thử thách sẽ tới, nhưng đừng vì thử thách mà sợ bởi có thử thách ngọc kia mới sáng, “ngọc bất trác bất thành ngọc”, con người không đương đầu với thử thách sao thấy được sự tuyệt vời nơi chúng ta.
Đừng buông thả vì nhiều lý do. Trong cuộc đời của các bạn đã buông thả quá nhiều, đặc biệt các bạn trẻ ngày nay. ã hội văn minh tiến triển quá nhanh, và rồi chúng ta bị chơi vơi, chới với trong biết bao nhiêu thử thách ngập tràn liên tục tới. Các bạn trẻ thân mến, Đức Phật dạy, các bạn có một sức mạnh tuyệt vời lắm, đừng buông thả khi phải đương đầu với thử thách và thất bại, hoặc những nghịch cảnh trong cuộc sống mà hãy buông xả đừng chấp, đừng bám. Những điều gì đã qua chỉ là quá khứ, chẳng còn để bám vào nó để buông thả cuộc đời. Nhưng nhìn rõ Đức Phật dạy, ta có viên dạ minh châu ở bên trong vùng tối của cái kén thử thách, trái nghịch, oan trái, oan gia trái chủ, trù dập của cuộc đời, ta phải dùng nội lực của trí tuệ tinh nhuệ đó xé toang ra cái kén đó để bay lên trên trời, tận hưởng niềm mơ ước của chúng ta. Chúng ra có sức mạnh đó, chánh niệm hơi thở, một đời sống chánh niệm giúp cho chúng ta có trí tuệ, có lòng từ bi, có sức mạnh để nhộng hóa thành bướm, để ta ôm vào cát bụi rác rưởi của cuộc đời bằng từ bi và trí tuệ để biến chúng thành ngọc trai dâng hiến cho cuộc sống.
Buông thả là một thói xấu, đặc biệt buông thả để mà rồi rơi vào những thói ăn chơi, sa đọa tự giết chết bản thân, tự phá vỡ đi nhân phẩm cao quý, là người không còn lương tri. Nhưng buông xả là tôn trọng nhân phẩm của chính mình và nâng cao giá trị của lương tri để sống hạnh phúc và an vui. Cũng một chữ buông nhưng đừng buông thả, hãy buông xả. Lời của Đức Phật dạy, sự buông xả chẳng khác gì chúng ta đang vươn đôi cánh bay lên trời cao, còn sự buông thả chẳng khác gì tự chặt đôi cánh để rớt xuống vũng sâu của tăm tối đau khổ. Bạn có sự lựa chọn để sống buông thả hay sống buông xả, đó đều là khái niệm và quan niệm của cuộc sống các bạn. Nhưng hãy nhớ lời Đức Phật dạy, đừng khi nào đánh mất nhân phẩm của mình, đừng coi thường lương tri. Hãy nhận ra trong ta có nhân phẩm cao quý là một vị Phật tương lai, có lương tri để sống tốt đẹp hơn. Và chúng ta có thật nhiều cơ hội để vươn lên đứng dậy. Phật nói té đâu vịn đó đứng dậy, chúng ta hãy cùng vịn vào trí tuệ và từ bi để chúng ta đứng dậy, vươn lên thể hiện một hình hài, hình hài của một vị Bồ Tát sống với hạnh thiện lành trong cuộc đời.
Đặc biệt trong thời gian đại dịch lan tràn khắp nơi, các bạn đừng buồn, đừng sầu, đừng khổ để rồi sống buông thả. Nhưng cần phải sống buông xả khỏi những sự trầm cảm đau đớn để biến mình diệu dụng hơn, biến kiếp người của các bạn diệu dụng hơn để không chuốc lấy những lụy sầu, để không tạo ra những nghiệp quả khổ đau, để không đắm mình vào trong ảo giác buông thả. Hãy chánh niệm hơi thở, hãy từ bi và trí tuệ, hãy lan tỏa yêu thương nâng đỡ mọi người, hãy cùng làm việc thiện trong thời gian này. Sống để quay trở về trong thời gian giãn cách với xã hội nhưng trở về tiếp cận với Phật tánh của chúng ta qua pháp tu của chánh niệm hơi thở và đời sống chánh niệm hằng ngày. Hãy luôn luôn nghĩ đến lời Phật để tự sách tấn mình, hãy sống một cách trung thực hơn, trung thực hơn, các bạn ơi, để chúng ta nhìn nhận những sự việc nó tới với chúng ta đều do nhân quả. Còn nếu như sống buông thả là chúng ta sống mà tạo ra thật nhiều nhân để hối hận, để khổ thêm chất chồng thêm. Còn ta sống buông xả là chúng ta đang tạo những nhân tốt. Là người học Phật, ta phải thấu được nhân quả để ta cần phải sợ hãi những nhân quả bất thiện. Người không thấu được nhân quả, là người hay sống buông thả, bất cần đời, tạo khổ cho tự thân và ô nhiễm khổ đau, lụy sầu đó tới những người yêu thương. Người thấu được nhân quả, thật sợ nhân quả ác, họ tìm đủ mọi cách nâng cao tầm nhìn và giá trị cuộc sống lương tri và trí tuệ để từ bỏ những nhân ác, tạo những nhân thiện, để có được quả phước. Người thấu được nhân quả là người sợ, hối hận. Người đi leo núi mà cứ vác đá ở trên đầu sẽ có một lần hoặc sẽ có nhiều lần té xuống vực sâu đau đớn khôn cùng. Buông thả chẳng khác gì vác đá trên đầu mà leo núi, hoặc cột đá ở cổ mà nhảy xuống biển sâu. Người buông xả là bỏ buông tất cả để nhẹ nhàng lên đỉnh cao. Người sống buông xả sẽ leo lên được đỉnh cao của sự tịch tĩnh an vui, là người bỏ tất cả để nhẹ nhàng bơi qua bể khổ, tới bờ an vui.
Chúng ta thể theo lời Phật, đừng sống buông thả mà cần phải sống buông xả. Hãy nâng cao giá trị đời sống và nhìn nhận lương tri của chúng ta thật đáng quý và kiếp người thật diệu dụng để không sống buông thả trong ảo giác, gây ra những lụy sầu, đau khổ trong cuộc đời. Mà hãy nâng tầm cuộc sống như lời Mẹ dạy, hãy đứng lên, đứng thẳng làm người, như lời Phật dạy, té đâu vịn đó đứng dậy để trưởng thành hơn. Chúc các bạn sẽ vượt qua những khó khăn trong hiện tại của thời kỳ đại dịch lan tràn và giãn cách; biết tích lũy như con nhộng cắn kén bay ra để thành bướm; biết có tâm hồi hướng nhìn vào bên trong; có sức mạnh nội tại của tánh Phật để tất cả mọi rác rưởi của cuộc đời ai đó thảy vào, ta biến nó thành ngọc trai dâng hiến cho cuộc sống, cho cuộc đời. Như thế đời của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn, để sống an vui hơn. Cảm ơn các bạn đã nghe.
PHẦN GIAO LƯU:
Và giờ đây Bảo Thành lắng nghe thử coi có các bạn đồng tu nào trong ngày hôm nay muốn chia sẻ hoặc có điều gì cùng muốn nói, hoặc chia sẻ thì Bảo Thành sẽ nghe. Mô Phật!
Bảo Nghy: Thưa Thầy, có một chia sẻ như vầy. Thông thường không chỉ là gặp những chướng ngại, biến cố trong cuộc đời này mà ta trở nên sống buông thả, mà đôi khi tâm lý bình thường của mọi người, của con người là thích hưởng thụ, thích vui vẻ, thích những điều mà làm cho mình cảm thấy thoải mái bình thường. Trong khi đó, khi tập trung vào một công việc ý nghĩa nào đó, hoặc là trong sự tu tập thì luôn luôn có những chướng ngại, có những khó khăn, có những cản trở làm cho bất kì người nào đó, hoặc bản thân mình cảm thấy đôi lúc mệt mỏi, chán nản và cảm thấy không có đủ sức mạnh, dũng lực để mà theo đuổi một cuộc sống có ý nghĩa hoặc theo đuổi sự tu tập lâu dài. Vậy thì Thầy cho con hỏi là Thầy có những lời khuyên nào cho chúng con để mà có thể tự tạo nên hoặc nuôi dưỡng, hoặc là giữ được sự phấn khích, niềm vui tự thân trong việc tu tập cũng như là trong cuộc sống để mà có thể diệu dụng cuộc sống của mình. Dạ, Mô Phật, xin Thầy khai thị ạ.
Thầy: Mô Phật! Thật ra khi nói không phải gặp chướng ngại thử thách, nhưng đó là một sự thất bại của chúng ta bởi chúng ta không có niềm tin vào cuộc sống. Khi làm một việc gì đó ta không thành công tức là thất bại, khi nản lòng tức là thất bại, khi dừng lại và bỏ cuộc đó là thất bại.
Thất bại phải nhìn cho nó rộng hơn một chút, là điều gì đó chúng ta phát nguyện hoặc ta muốn làm, rồi ta buồn, ta bỏ cuộc. Đức Phật dạy, môi trường sống rất quan trọng, bởi vậy sau khi Đức Phật tịch diệt, chúng sanh nhiều đời sẽ khổ bởi không có cơ hội cùng thời Đức Phật, nhưng may mắn thay, lời Đức Phật vẫn còn được lưu truyền và trong lời Phật dạy chúng ta thường phải tạo cho mình một môi trường sống lành mạnh, và được sách tấn bởi những bậc thiện tri thức. Nên Phật dạy chúng ta hãy tiếp cận và gần gũi những bậc thiện tri thức để chúng ta vươn lên.
Lời khuyên chân thật, “một cây làm chẳng nên non”, “không thầy đố mày làm nên”, chúng ta hãy cho mình một cơ hội tiếp cận với những bậc thiện tri thức ta có nhân duyên để được nhắc nhở và sách tấn, để có thể tinh luyện cái dũng của mình vượt qua thử thách. Để khi làm một việc gì luôn có sự cố vấn, hướng dẫn để chúng ta thành tựu để không bỏ cuộc giữa chừng, tạo ra sự thất bại và lâu dần sống buông thả, chẳng còn lập trường, chẳng còn niềm tin. Lời khuyên chân thành, nếu cần giúp đỡ, các bạn hãy tìm gặp các vị thiện tri thức, dù là gặp trực tiếp nơi trú xứ của họ hay có thể gặp trên mạng qua điện thoại. Thời đại bây giờ phương tiện thật là nhiều để chúng ta tham vấn và được hướng dẫn vượt qua khi có trở ngại.
Phần đông khi có trở ngại, ta ấp ủ ở trong lòng, ta giấu kín ở trong lòng để khi thật thảm bại rồi mới nói ra thì đã quá đau lòng rồi và có thể lúc đó ta đã sống buông thả rồi. Cho nên khi thấy có chướng ngại mà nhìn sâu chưa thấy được khả năng vươn qua nơi tự thân, thì hãy tiếp cận với những bậc thiện tri thức. “Buôn có bạn, bán có phường”, ở đời để thành công, ta luôn luôn có những bậc hướng dẫn, đặc biệt là ta được hướng dẫn bởi ông bà, cha mẹ, và các thầy cô ở học đường rồi. Thì cuộc đời còn dài, dù ở lứa tuổi nào cũng đừng tự cao, tự mãn, hãy luôn luôn đặt mình vào địa vị có được những bậc thiện tri thức, có được những bậc thầy, có được những bậc gọi là tri kỉ, thiện nhân, giao lưu với họ có lợi thật là nhiều. Các bạn hãy cho mình cơ hội để tiếp cận với những đấng đó, với những bậc đó, với những người như vậy để có sự hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp trở ngại để không lún sâu vào trong sự sống buông thả, dù ở dưới bất cứ hoàn cảnh nào để sống vươn lên. Đó là lời khuyên. Mô Phật!
Bảo Nghy: Dạ vâng, con cảm ơn Thầy khai thị. Thưa Thầy có một câu hỏi từ lần trước, từ Sống Trong Chánh Niệm lần trước của bạn Nhân Phan. Con xin hỏi đây là câu hỏi là: Dạ con kính bạch Sư, con gặp phải người không tin vào Đức A Di Đà và Bồ Tát, con rất đau lòng. Sư ơi con có nên trả lời theo trực tính không, hay không trả lời. Dạ đây là phần tử cực đoan, chém gió không biết nghiệp quả là gì. Kính Sư rộng lòng từ bi ban cho con lời pháp bảo ạ.
Thầy: Mô Phật! Trong giáo lý Đại Thừa và Nguyên Thủy, Đức Phật nói thật là rõ, mỗi người sinh ra ở đời có nhiều nhân duyên khác nhau. Bởi nghiệp chướng, ta sinh ra bởi nghiệp, trong đó có thiện nghiệp và ác nghiệp, tạo ra nhân duyên để chúng ta trở thành người thông minh, dễ nghe, dễ thương, dễ tin, dễ thực hành, hay trở thành người can cường, cứng đầu, cứng cổ, phỉ báng, chống đối, là người gặp thiện nhân giúp đỡ, quế nhân phò trợ hay gặp oan gia trái chủ đều do nghiệp mà ra. Có điều ở đời chúng ta không tuân thủ theo lời Đức Phật dạy. Phật nói Phật không bao giờ xen vào nghiệp của chúng sanh. Cho nên Phật không bao giờ tranh luận, Phật chỉ khai thị, ai hữu duyên nghe được và thành tâm đón nhận, người đó được giác ngộ. Bởi vậy, một trong bốn điều Đức Phật không thể làm đó là không thể độ người không có duyên, ai có duyên Phật độ.
Chúng ta cũng vậy, người ta không tin vào Đức Phật Di Đà, chuyện đó là của người. Nếu bạn không tin vào Đức Phật Di Đà đó mới là điều quan tâm đặc biệt cần phải chú ý. Bạn thẩm định một lần nữa, bạn đã có nhân duyên để tin vào Đức Phật A Di Đà, Tây Phương Cực Lạc, giáo pháp đó tức là tông môn Tịnh Độ không? Nếu bạn trả lời có, bạn hãy tăng trưởng Tín, Nguyện, Hạnh trong Tịnh Độ. Tức là niềm tin vững chắc, vững chãi không bao giờ thay đổi, phát nguyện giải thoát và vãng sanh Tây Phương và thực hiện những hạnh đức, những hạnh đức đúng như thập thiện, giữ giới, nhất tâm niệm Phật để thành tựu. Chứ đừng để tâm bấn loạn, loạn động, phóng túng, phang duyên, để rồi người ta không tin, mình lại xỉa vào chuyện hàng xóm. Chuyện người ta không tin là chuyện của người ta, đừng để tâm loạn động, hãy thúc niệm thân tâm, hãy giữ vững Tín, Nguyện, Hạnh, hãy trụ vững trong niềm tin của mình về Đức Phật Di Đà. Niệm Phật để tâm bất loạn, niệm Phật để không phang duyên, niệm Phật để niệm niệm luôn luôn có Phật Di Đà ở trong lòng, rồi từ đó tích phước, tích công đức hồi hướng cho họ, tốt hơn là đi tranh luận theo cảm tính, lý luận theo Phật học ngôn từ được xếp đặt bởi ai đó thông minh, viết ra những hàng chữ đọc thấy hợp, rồi mang tổng hợp những kiến thức đó ra để mà tranh luận với người khác, tạo ra sự hơn thua. và gây ra chướng ngại, tạo cơ hội cho bản ngã tăng trưởng. Diệt, họ, dù không thích Phật, chống Phật, phỉ báng Phật, rồi tánh khí đó rồi cũng bị tận diệt. Và khi tận diệt xuống rồi, trong đạo Phật không có gì là tận cùng, trong sự tận cùng của sự tận diệt đó, sẽ tái sanh, hồi hướng phước báu để một mầm tái sanh trong sự tận diệt của các pháp loạn động kia có cơ hội ngoi dậy và trổ sinh tánh thiện hơn.
Cho nên lời khuyên chân thật, người tu Tịnh Độ niệm Phật, không tranh luận hơn thua, không đấu đá, không biện luận, không mang kiến thức tổng hợp, tinh túy, mà thấy hợp rồi đó, thâu vào rồi đó, như một tàng kinh các, như một kho dữ liệu để rồi ai nói không đúng những ngôn từ đó, ta cảm thấy sao lòng khó chịu, đấu đá tranh luận. Mà hãy thúc liễm thân tâm tu niệm niệm có Phật. Từ tạp niệm thành nhất niệm, thành vô niệm và rồi trong tâm nhất như mọi cảnh giới đều thấy Đức Di Đà đều hiển hiện ở trong cuộc đời, trong tâm. Cho nên đối với Bảo Thành không cần phải tranh luận, mà chỉ cần trở về tinh tấn hơn, khẳng định cho mình rõ ràng ba điều, Tín, Nguyện, Hạnh, cứ thế mà tu. Người ta không tin, người ta phỉ báng đó là nghiệp của họ, còn đừng vì họ để rồi lôi kéo ta ra khỏi chỗ thanh tịnh. Tịnh Độ, tâm bạn không tịnh, chằng thể tự độ làm sao độ được người. Cho nên hãy trụ vào trong sự thanh tịnh của Tâm, tự độ ta, độ cho chính mình, độ cho chính mình tăng trưởng phước báu và hồi hướng cho muôn người, thì những người chống báng Phật sẽ có cơ hội, như đất thấm nước, trổ mầm tươi xinh trong một mai. Phật không xen vào nghiệp của chúng sanh, và Phật không độ người thiếu nhân duyên, nên nếu thấy rằng giữa ta và người chưa đủ duyên để chia sẻ thì hãy dừng lại. Sống thanh tịnh hơn, lời khuyên chân thật, mời bạn nghe và tư duy. Mô Phật!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Thứ bảy, Chánh Niệm Đời Sống, chúng con nếu tạo được công đức nào, nguyện hồi hướng cho quê hương Việt Nam của chúng con mau thoát khỏi đại dịch, và hồi hướng cho mọi người đừng sống buông thả nữa, mà hãy sống buông xả, để thành tựu được viên ngọc minh châu cao quý, để tăng trưởng nhân phẩm của mình và thấu rõ được lương tri của đời sống, luôn luôn hạnh phúc và bình an. Xin Chư Phật chứng minh.