Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành – Bảo Như bút ký
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn, trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Các bạn thân mến, chúc cho các bạn có sự an lành trong cuộc sống và dồi dào sức khỏe để chúng ta thành tựu được những điều chúng ta có dự định trong tháng ngày này.
Ước mơ là điều chúng ta thường dạy con cái của mình, là sống trên đời cần phải có ước mơ – mơ ước. Điều mơ ước đó giúp cho chúng ta vươn lên, thoát khỏi những cảnh sống cơ cực trong cuộc đời, hay ít nhất nó giúp cho chúng ta có được một nền tảng dự định trong tương lai. Bởi vậy khi còn nhỏ, cha mẹ, thầy cô, ông bà, hay những người trong gia đình dệt những ước mơ cho chúng ta và chắp cánh cho chúng ta bay tới vùng trời mơ ước đó. Thật là đẹp, thật là đẹp! Và đúng vậy, ở trên đời nếu ai không có những điều mơ ước thì người đó quá khô khan trong cuộc sống. Mơ và mộng khác nhau, có thể gọi mộng mơ – mơ mộng. Thôi, mà phân tích ý nghĩa mơ mộng ta không bàn tới, ta chỉ bàn tới rằng có những điều ta cầu mong. Ở trên đời nếu không cầu mong thì không đúng. Ai ở trên đời chẳng cầu chẳng mong. Nhưng mong cầu như thế nào cho nó phù hợp trong cuộc sống, để an vui đó, là một điều khéo léo mà mỗi người cần phải vận dụng tư duy suy nghĩ, chứ tìm đâu ra người không mong không cầu, chỉ có những người mất trí hoặc thiểu căn thì những người đó ít có mong cầu hoặc chẳng có mong cầu chi hết. Họ chỉ sống như vậy, có thì ăn không có thì thôi, cuộc đời họ phụ thuộc vào người khác mà, chẳng có chút gì của họ. Đối với những người bình thường như Bảo Thành và các bạn, chúng ta có những sự cầu mong được đặt để trong 2 chữ “dự định” cho ngày mai. Ai cũng vậy, khi chúng ta còn nhỏ chúng ta đi học, là dự định cho tương lai khi học xong, từ lớp mẫu giáo – tiểu học – trung học rồi vào đại học, có ngành nghề, để rồi tự bảo vệ cuộc sống của mình. Khi lớn lên chúng ta đi làm việc rồi, vẫn có cái dự định tích trữ lương thực tiền tài, những điều cần thiết cho tuổi về hưu về già. Đặc biệt là khi chúng ta về tuổi già rồi chúng ta bắt đầu nhìn lại cả chuỗi ngày đã trôi qua. Có những người trầm lắng suy tư vọng về quá khứ, ôm lòng khổ đau chan chứa nước mắt khóc hoài không nguôi bởi vì nhìn thấy không biết bao nhiêu những cơ hội tới mà chẳng thực hiện được hoặc những điều đã đi qua trong lòng còn nuối tiếc.
Có một câu chuyện kể rằng, hai vợ chồng già kia chẳng có con, thương yêu nhau thắm thiết, chung thủy nhưng lớn tuổi rồi và tuổi đời cứ nhìn mặt trời lên mặt trời xuống tháng ngày trôi qua dần dần đó mà thấy tuổi nó chẳng trở lại như xưa, sức đã yếu, thân đã già, mắt đã mờ, chân rung. Nhưng sống ở nơi cô quạnh không con cháu, trong lòng khởi lên ý rằng cả hai vợ chồng muốn sao sống trẻ khỏe đẹp như xưa. Thế là hai vợ chồng tâm đầu ý hợp, lúc nào cũng mơ ước là làm sao cải lão hoàn đồng, lúc nào cũng mong cầu là làm sao đó trẻ lại như thuở xưa. Và ước muốn của họ đã làm động lòng một vị chư thiên, vị tiên nhân này thấy hai vợ chồng chung thủy thương yêu nhau dù không có con, tuổi già rồi mơ ước có được người con cũng không có, nay muốn trẻ để chăm sóc cho nhau, động lòng động lòng quá. Thế là người tiên nhân đó mới hiện hình và chỉ cho ông chồng rằng cách đây mấy dặm có một dòng suối trường xuân chỉ cần nhảy xuống dưới đó là sẽ trẻ lại mà thôi. Cám ơn vị tiên nhân, ông chồng lặng lẽ đi thí nghiệm trước. Ông ta lần mò tới dòng suối trường xuân đúng như phương hướng định vị mà vị tiên nhân đã chỉ, ông ta nhảy xuống rồi trồi lên trên bờ, thấy mình trẻ lại – từ tuổi 80 mà bây giờ trẻ 40 tuổi, như một thanh niên cường tráng khỏe mạnh. Vui quá ông ta lật đật chạy về nhà, chạy mãi chạy mãi cho nhanh để mà báo cho vợ hay, để vợ ra đắm mình vào dòng suối trẻ lại như ta, đúng như sự ước nguyện của mình. Khi về tới nhà, bà vợ thấy ngạc nhiên vì có một thanh niên vạm vỡ đi vào trong nhà, hỏi ra và nhận ra được tiếng nói, tất cả đó chính là chồng mình nay được trẻ, đúng như nguyện ước mà hai vợ chồng đã từng thầm nguyện như thế. Hỏi ra mới thấy rằng có vị tiên nhân chỉ dòng suối trường xuân, người vợ lật đật chạy ra ngoài đó để được trẻ như chồng mới xứng với chồng, vợ chồng sống xứng với tuổi đời được hồi xuân đó. Khi người vợ ra tới dòng suối đó, nhảy xuống và đi lên thì trẻ khoảng độ chừng trên 30 gần 40 tương ưng với chồng, nhưng trong lòng chợt nghĩ rằng dòng suối trường xuân này đây biết đâu khi trở về nó sẽ biến mất bởi tiên nhân chỉ đây là phép màu, cho nên trong lòng khởi lên ý muốn trẻ thêm một lần nữa, để làm gì? Lỡ dòng suối trường xuân có tan biến mất thì mình cũng đã trẻ thêm, nên tuột khỏi vòng tay của chồng nhày xuống dòng suối đắm mình ở trong đó lâu hơn một chút rồi trồi lên. Và đúng, người vợ đã trở lên trẻ thật là nhiều, trẻ quá đến mức thành một đứa trẻ ngây thơ ở trên bờ. Và rồi chỉ trong chớp mắt, dòng suối trường xuân thực sự biến mất, không còn kịp nữa rồi người vợ đã trẻ quá, trẻ hóa thơ, thơ hóa ra con nít vậy là chẳng còn tương xứng với người chồng 40 tuổi.
Các bạn thân mến, Bảo Thành dừng câu chuyện ở đó, không phải như một lời bàn sâu sắc về nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhưng ít nhất câu chuyện này trong cuộc sống của chúng ta cũng nói tới điều mà người đời – người thường ở trong đời này, chúng ta luôn luôn có tâm ý là muốn hồi xuân, đây nói đến hồi xuân hồi khứ hồi lại. Hồi lại những điều mà chúng ta một thời đã có, mất đi. Đây không ám chỉ đến những góc độ của những con người đang hồi xuân mà nói đến những con người chúng ta cứ mơ ước quẩn về những quá khứ đã trôi qua, chẳng sống ngay trong chánh niệm hiện tại, chỉ mơ mơ màng màng về quá khứ. Cứ mỗi một ngày trôi qua lại nghĩ về bao nhiêu tháng ngày cũ của quá khứ, mỗi ngày trôi qua lại nắm bắt biết bao nhiêu điều của quá khứ, chẳng sống chấp nhận với sự thực hiện hữu. Nhất là chúng ta, người con của Phật được học giáo lý của nhà Phật chúng ta phải chấp nhận tuổi đời của mình, thọ mạng của mình -sinh lão bệnh tử, chuyện hiển nhiên. Già đi là sự bình thường, chẳng có gì phải níu kéo, níu kéo những chuyện đã qua và đừng nên mơ ước trở về được trẻ 10 năm, trẻ 20 năm, trẻ 60 năm, trẻ mãi trẻ mãi. trẻ ở đây là trẻ trong tâm hồn, dù tuổi đời có cao – hai số hoặc là đến 3 số đi nữa, tâm hồn của bạn, tâm hồn của mọi người chúng ta còn trẻ, đó là sự thanh xuân từ ngay trong tâm hồn của chúng ta. Cho nên ở trên đời này, nhất định sẽ luôn luôn có những cái thật đẹp dù thời gian có lặng lẽ trôi qua. Những gì đã xong, đã xảy ra, dù không hài lòng hay chưa thành công như ý muốn, hoặc hiện tại, trong chúng ta nhìn về quá khứ mà nuối tiếc vẫn phải luôn luôn ghi nhớ đó là một chặng đường của đời người đã qua, đang nằm ở trong quá khứ. Hiện tại là đang sống trong lúc này, hãy tỉnh giác, an nhiên tự tại như lời Phật dạy, đón nhận và chấp nhận những gì đã trải qua để sống tươi sống vui sống trẻ. Nói cỏ vẻ nó dễ phải không các bạn, nhưng thực tế ở trên đời nếu chúng ta không thực tập thì khi sự việc tới với cuộc đời của chúng ta thì nhất định sự hối tiếc và nuối tiếc quá khứ luôn luôn dằn vặt lương tâm của chúng ta. Để từ đó ngay trong lứa tuổi đang sống hiện thời, ta đau khổ, ta trầm mình trong quá khứ để rồi ta đánh đổi tươi vui tươi trẻ trong tâm hồn bằng cách vọng về quá khứ, để năng lượng của kỳ vọng quá khứ hồi về với chúng ta, làm khô héo tâm hồn, làm tắt lịm nụ cười, làm khóe mắt thâm dần theo năm tháng. Có biết bao nhiêu con người, càng lớn tuổi nhìn càng phúc hậu càng đẹp và từng động tác nhẹ nhàng trong cuộc sống trên môi miệng với nụ cười tươi, ánh mắt khoan dung từ bi nhân ái phúc hậu đó đã tưới mát cho biết bao nhiêu những thế hệ sau. Những vị đó sống – sống mà ban rải năng lượng yêu thương tới cho muôn người, thật là đáng quý. Nhưng vẫn có những chư vị, chúng ta sống ở trên đời quá nặng với một thời oanh oanh liệt liệt để rồi đã lớn tuổi mà vẫn cứ quay cuồng trong bầu nhiệt khí của tuổi trẻ, để nhảy lên nhảy xuống dòng suối trường xuân của quá khứ tuổi trẻ. Không những hồi về 40 năm mà còn muốn hồi về tuổi thơ của 1, 2, 3, 4 để rồi quá ngây ngơ như trẻ chẳng còn biết gì, vui cười nhảy nhót ăn chơi thoải mái mà quên rằng ở tuổi của chúng ta, là tuổi cần phải định mặc ở trong năng lượng tịch tĩnh như một tàng cây cổ thụ che bóng mát cho muôn thế hệ sau. Chúng ta cứ nhìn đi, trong cuộc đời có biết bao nhiêu những vị lớn tuổi cứ như trẻ thơ, hăng say quá, rồi đắm mình vào trong những sinh hoạt, hoạt động nó không còn phù hợp với tuổi của mình nữa. Như ông bà kia, lớn tuổi mà lại muốn trường xuân, đắm mình vào dòng suối của quá khứ để trở về thời 40, trở về tuổi trẻ. Mà thực sự nếu không có định lực ở trong cuộc sống, với chánh định của Đức Phật dạy bởi chánh niệm, chúng ta càng lớn thì não bộ càng teo, sự suy nghĩ càng lần mò trở về với quá khứ, vô tình chúng ta là những bậc trượng phu lớn tuổi mà hóa ra lại như trẻ con. Để tránh phần đó thì ngay bây giờ chúng ta cần phải thực tập hơi thở chánh niệm, giữ được sự tịch tĩnh an vui để luôn luôn có sức mạnh tự thể, vượt qua muôn trùng chướng ngại, sống hiện hữu trong từng giây phút hiện tại của chánh niệm. Để biết rằng trong từng thời từng phút từng khắc từng giây mình có ý nghĩa và có cách sống cần phải có để lan tỏa tình yêu thương. Chẳng thể ở đây mà nghĩ đến chuyện hôm qua, chẳng thể bây giờ mà nghĩ đến chuyện của quá khứ, chẳng thể ở ngay đây mà không sống mà lại sống thời mới sinh, mới lớn, mới trưởng thành, mới rong chơi. Ý nghĩa đó nhắc nhở cho chúng ta thấy rằng không hẳn lớn tuổi mà ở bất cứ một lứa tuổi nào chúng ta cần phải sống với lứa tuổi đó và đón nhận những sinh hoạt của lứa tuổi đó bằng sự trẻ hóa tâm hồn như lời Phật dạy – an trú trong chánh niệm, để luôn luôn tươi, luôn luôn sống an vui, luôn luôn tịch tĩnh và luôn luôn trưởng thành mỗi ngày để san sẻ yêu thương tới cho muôn người. Cảm ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.