Bảo Nguyện đánh máy, Bảo Tịnh Minh biên tập
Thế gian nhìn thấy gì kia? Giàu nghèo tốt xấu phân chia sang hèn Chúng sanh bình đẳng như nhiên Nhìn trong chánh niệm mọi miền nở hoa
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook Chùa Xá Lợi. Trong ngày thứ bảy với chương trình Sống trong chánh niệm, mời các bạn quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo. Chúng ta đồng trì tụng Đại Bi chú, Vãng Sanh chú và Thất Bảo Huyền Môn, để nguyện mang công đức này hồi hướng cho quê hương quốc tổ Việt Nam của chúng ta, nước Ấn Độ và các nước Á Đông đang bị đại dịch hoành hành. Nguyện xin sự gia trì đặc biệt của Chư Phật, Bồ Tát cho đất nước quê hương của chúng ta cũng như những nước lân cận, đại dịch dần tan, lòng người hết hoang mang, sự thái bình trở lại cho muôn người được hạnh phúc, chúng ta hãy bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (03 lần)
Chú Đại Bi (01 biến):
Nam Mô Đại Bi Hội Thượng Phật Bồ Tát. (03 lần)
Thiên thủ thiên nhãn đại bi tâm đà la ni, nam-mô hắc ra đát na, đá ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết-đế, thước bát ra da, bồ đề tát đỏa bà da. Ma-ha-tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa. Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da bà lô Yết-đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà đà, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, câu lô câu lô kiết mông, độ lô độ lô phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Ma mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê y hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá ra, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ đề dạ, bồ đề dạ, bồ đà dạ, bồ đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì, địa rị sắt ni na, ba dạ ma na ta-bà ha, tất đà dạ ta-bà ha. Ma ha tất đà dạ ta-bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì ta-bà ha. Ma ra na ra ta-bà ha. Tất ra tăng a mục khư da, ta-bà ha. Ta-bà ma ha, a tất đà dạ ta-bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ ta-bà ha. Ba đà ma kiết tất đà dạ ta-bà ha. Na ra cẩn trì bàn dà ra dạ ta-bà ha. Ma bà rị thắng yết ra dạ, ta-bà ha. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da bà lô Yết-đế thước bàn ra dạ, ta-bà ha.
Án, tất điện đô, mạn đa ra, bạt sà rạ ta bà ha. (03 lần)
Chú Vãng Sanh (03 biến):
Nam mô a di đa bà dạ
Ða tha dà đa dạ
Ða điệt dạ tha
A di rị đô bà tỳ
A di rị đa tất đam bà tỳ
A di rị đa tỳ ca lan đế
A di rị đa tỳ ca lan đa
Dà di nị, dà dà na
Chỉ đa ca lệ ta bà ha.
Thất Bảo Huyền Môn (01 biến):
Mu A Mu Sa.
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang.
Ma Sa Ốp Uê.
Sa Bi Mô U.
Sa U Sa U Ba Thê Um.
NamMô SaKa PuốtTế, NamMô SaKa PuốtTế.
Ê Thê Ê Thê Sam Ma Tha.
Chúng ta cùng nguyện để mỗi người chúng ta đều đón nhận được năng lượng tình thương tha lực Phật điển đại Từ đại Bi. Mang tình thương Từ Bi ấy trao cho nhau để thắp sáng đuốc Tuệ, nhìn thật rõ muôn sự ở đời vô thường sanh diệt, để hết khổ, để không còn giương cao bản ngã, sống tự tại an vui. Và tìm về cội nguồn chân như Phật tánh, được sự gia trì đặc biệt của chư Phật, chư Tổ mà dõng mãnh đứng dậy vượt qua tất cả, để mọi phiền não sợ hãi không còn, lòng bao dung, tình yêu thương, sự tha thứ được ứng dụng phù hợp mang lại sự bình an cho nhau. Mô Phật!
Các bạn thân mến! Mỗi một thứ bảy, chúng ta có chương trình Sống trong chánh niệm, chúng ta cùng tụng Đại Bi chú ngưỡng cầu lên mẹ hiền Quan Thế Âm, hướng dẫn cho chúng ta biết được tánh nghe, nghe thấu, nghe cho hiểu, nghe để mà san sẻ, nghe để yêu thương. Cũng trong chú Đại Bi, ta nương vào hùng lực của mẹ hiền Quan Thế Âm để có thể thể nhập vào tánh nhìn, để con mắt trần tục thế gian của chúng ta có cái nhìn của mẹ hiền Quan Âm, nhìn bằng đôi mắt thương biết nhìn xuống, biết nhìn lên, biết nhìn tới muôn người và chúng sanh.
Đôi Mắt Thế Gian là chủ đề chúng ta nói tới ngày hôm nay, mà thế gian trong cuộc đời này ta cứ tự hỏi thế gian nhìn thấy gì kia. Có phải chăng là sự giàu nghèo, tốt xấu, phân chia sang hèn. Đúng, cuộc đời của chúng ta đã có sự trải nhiệm thực sự với chính mình. Ta không nói tới người khác, ta nhìn thẳng vào cuộc sống của chúng ta, ta nhìn vào kinh nghiệm cuộc đời riêng tư của mình. Ta chân thật, ta nhìn nhận, đúng, đôi mắt thế gian của chính ta thấy gì ở trong cuộc đời này. Có phải chăng là thấy sự giàu và nghèo. Lớn lên dần trong cuộc sống có kiến thức học ở trường mười hai năm trời, bốn năm đại học và có thể thêm nhiều nữa tùy theo ngành nghề. Kiến thức đó đưa chúng ta có được nghề nghiệp vững chãi, người làm ra nhiều tiền, người làm ra ít tiền, nhưng vẫn có biết bao nhiêu con người vì nhân duyên nào đó trong cuộc đời của kiếp này hoặc kiếp trước mà họ lại không có khả năng, không có môi trường để họ tới trường học thành tựu kiến thức như chúng ta, họ phải ra sức bằng đôi bàn tay cật lực tối ngày, mồ hôi nước mắt để kiếm được đồng tiền để sinh sống.
Còn có những con người có kiến thức làm được nhiều tiền nhưng cuối cùng so đo về sự giàu nghèo của cuộc đời. Điều này có trong Bảo Thành, Bảo Thành vẫn từng so đo về sự giàu nghèo trong cuộc sống. Đó vốn là tánh của phàm phu, dù mang thân của người tại gia hay người xuất gia thì chúng ta vẫn chưa thoát khỏi thân phàm, tánh tình vẫn còn so kè đố kị, giàu nghèo phân chia. Người giàu hơn ta, ta chịu không được, người nó ngứa mắt nó đau. Bởi vậy mở miệng ra thấy họ giàu là chê bai, đôi khi còn miệt thị, tìm đủ cách để đâm thọc cho cái giàu của họ thủng lỗ trôi mất trở thành nghèo nàn, ta mới cười ha hả, lúc đó mới thỏa lòng của ta. Bảo thành vướng vào đó từ vô lượng kiếp qua, có lẽ các bạn cũng là phàm phu như Bảo Thành, mang những thân tướng màu sắc khác biệt trong tôn giáo, trong xã hội, có quyền lực hay không có quyền lực, chúng ta vẫn đồng nhau ở một thể nhìn dưới con mắt của thế gian là con mắt nhìn phân biệt giữa giàu và nghèo. Nhìn vào trong trái tim, sờ vào để sự thổn thức của chúng ta chân thật thì nhất định ta thấy trong trái tim nó nói rõ chính ta có đôi mắt thế gian đó, đôi mắt của sự phân biệt, đôi mắt của cái nhìn giữa đẳng cấp giàu nghèo.
Tại sao như vậy, tại sao khi chúng ta nhìn thì chúng ta thấy giàu và nghèo. Ta giàu hơn người đó, ta hãnh diện, ta cười vang cả núi rừng. Nhưng nếu ta nghèo ít hơn một chút tiền thì ta sao, ta chạnh lòng. Có phải chăng đó là tánh bon chen ích kỷ, sự bủn xỉn vốn có trong máu huyết của chúng ta. Để rồi chúng ta cạnh tranh nếu bằng tài lực kiến thức ta không hơn được họ thì ta bắt đầu mang những lời nói đâm thọc, chia rẽ, dèm pha để đánh bại danh dự của họ, danh tiếng của họ. Đó là một thói xấu vô cùng cần phải phê phán nơi Bảo Thành và các bạn. Không hẳn ở trên đường đời, trong xã hội sự phân biệt giàu nghèo là có, bởi con mắt của thế gian ngay trong bất cứ một tầng lớp nào dưới danh vọng, địa vị xã hội hay tâm linh thì chúng ta vẫn bị vướng vào đôi mắt thế gian, cái nhìn của sự phân biệt giàu nghèo.
Đôi khi tới một ngôi Chùa nghèo, nghèo hoang sơ như thưở xưa Bảo Thành sống như chuồng bò thì người ta tỏ lòng thương xót. Tới người ta nói Chùa nghèo quá tội nghiệp cho ông Thầy, nước không có uống, nhà thì trống trơn, lửa củi thì cũng chẳng có. Bao nhiêu thứ sống ở nước Mỹ này bốn mùa xuân, hạ, thu, đông không có một cái gì. Họ thấy thương quá, thương Thầy, tội nghiệp Thầy, tội nghiệp Chùa, Chùa không ra Chùa, chỉ có mái tôn là chuồng bò rơm rác bẩn thỉu, tội quá thương quá. Họ thương xót Bảo Thành. Những năm đó nhận được lòng thương của mọi người vẫn cảm niệm, vẫn tri ân. Dù họ có thương sống trong chuồng bò vẫn vui, chẳng thêm chẳng bớt. Nhưng trong lòng của mình tâm cảm vẫn luôn nhớ tình thương đối xử cho một phận nghèo dưới mái Chùa được gọi là tên, nhưng thực ra là chuồng bò. Thương lắm, họ thương mình, mình thương họ.
Nhưng sự đời không phải chỉ thương cho những mái Chùa nghèo, cho những mái nhà nghèo, cho những con người nghèo khi bần hàn đâu. Bởi khi chúng ta được tình thương của mọi người, chúng ta thành tựu được điều gì đó, chúng ta thoát khỏi cảnh nghèo bền vững của một thời đã có thì người ta chẳng còn nhìn mình bằng con mắt của tình thương như thưở xưa, lúc đó người ta lại nói ui cha Chùa này đâu còn nghèo, giàu rồi thì tới làm chi. Và rồi muôn sự ở thế gian ngôn ngữ được thêu dệt trong những lời bóng bẩy, thị phi bởi đôi mắt thế gian phân biệt giữa giàu nghèo, nhưng thực ra cảnh Chùa hồi xưa vẫn như thế, nó chẳng có nghèo. Chùa là Chùa chứ đâu có nghèo, có thể sơ sài trong vật chất, bình thường trong cảnh giới nhưng Chùa vẫn là nơi Phật ngự, là nơi cúng dường cho Phật, những điều gì thuộc về Phật, cúng dường cho Phật thì chẳng bao giờ nghèo. Nghèo là nghèo tình thương của con người vướng mắc vào trong sự đối đãi, bởi vì con mắt thế gian có phân biệt giàu nghèo. Từ đó mà những ngôi Chùa chúng ta tới thưở xưa nay được hình thành bởi phúc báu của muôn người cúng dường thì ta lại mang con mắt nhìn của thưở xưa biến thành con mắt của sự phân biệt. Nên hóa ra Chùa giàu bắt đầu phê phán, chê bai, đâm thọc, dựng chuyện để mà làm tổn hại danh dự của một ngôi Chùa. Đó là kinh nghiệm thực tế mà Bảo Thành đã đương đầu. Đây không nói tới những chuyện hoang tưởng bên ngoài nghe kể, mà đây là sự trải nghiệm đích thực của bản thân.
Hai mươi năm trời lập Chùa từ hoang sơ chuồng bò tới bây giờ biết bao nhiêu tiếng tăm. Hồi xưa tới họ thương, thương ơi là thương, thương tới mức mà hạt cơm họ cũng mang tới dâng, ly nước họ cũng mang tới cúng, tình thương thì san sẻ, đến khi tình thương hạt cơm và chén nước của họ đó được đặt để đúng chỗ để hình thành nên một ngôi Tam Bảo thì họ lại quên mất rằng ly nước đó, hạt cơm đó, công sức đó là của họ. Họ lại nghĩ rằng Bảo Thành đã quá giàu, đây là sự phân biệt một cách lầm lẫn, bởi con mắt thế gian còn dính mắc, còn ghen, ta chưa nhìn thấu mà thôi. Ở đời cũng như thế, ta nhìn là chỉ nhìn vào cái giàu và nghèo, nó vốn là tánh phàm phu, Bảo Thành cũng có chứ không phải chỉ có các bạn, đó là tánh xấu của Bảo Thành vốn có nhiều đời, nhưng chúng ta tu là phải nhận ra rằng đó không nên để ở trong lòng mà cần phải chuyển hóa.
Cuộc đời con mắt thế gian này chúng ta nhìn thấy gì, không những nhìn thấy sự phân biệt giàu và nghèo, mà ta còn nhìn thấy sự phân biệt của tốt và xấu. Chúng ta định mức cái tốt trên điều mà chúng ta cho là tốt, và ta định nghĩa cái xấu với những điều ta không ưa thích. Ở đời cái gì ta ưa là tốt, cái gì không ưa là xấu. Bởi cái gì mình cho là tốt, lâu ngày dài tháng nhìn ra ui cha nó xấu nó xấu đến hãi hùng, những điều ta cho là xấu, một thời gian trôi qua ta mới nhận ra là tốt, nên chúng ta xấu hổ hổ thẹn bởi cái nhìn mắc kẹt trong tầm tư kiến, biên kiến, chấp trược của riêng mình. Nhưng mà cuộc đời sao kỳ, Bảo Thành và các bạn cứ vội vàng phán xét phân chia giàu nghèo, tốt xấu, rồi chúng ta còn phân chia và phân biệt sang hèn. Nhìn thấy một người khố rách áo ôm nằm ở lề đường là bao nhiêu tư tưởng sang hèn đó đã phân biệt rồi. Nhìn thấy một người mặc áo gấm, áo hoa sang trọng là ta đã thấy trong lòng muốn quỳ xuống mà lạy. Hình dáng bên ngoài, vóc dáng sang hèn được định nghĩa bởi ăn mặc, đối xử hay cách sống. Chúng ta không nhìn thấu vào bên trong tâm của mọi người. Chúng ta không nhìn thấy cái giàu của đời sống tâm linh, chỉ thấy so đo của vật chất. Chúng ta không nhìn thấy cái tốt của đức hạnh mà chỉ nhìn thấy cái xấu do con mắt của chúng ta phân biệt bởi mắt trần gian nhìn điều trái ngược, chỉ theo tánh mình ích kỷ mà thôi.
Các bạn, đó là đôi mắt của thế gian. Đối với người học Phật, nếu chúng ta dù học một ngày, mười ngày, dù học một đời hay nhiều đời, dù là Phật tử hay là bậc xuất gia, dù là tông môn bình thường ẩn náu trong rừng sâu hoặc những tông môn được học từ những bậc Tổ, những bậc Đạo Sư Thánh Đức cao cả, mà con mắt của chúng ta vẫn còn thuộc về con mắt của thế gian, con mắt của sự phân biệt giàu nghèo, con mắt của sự phân biệt mắc kẹt trong tốt xấu, con mắt mà chui vào trong gầm sâu của sự sang hèn, dù khoác lên mình áo tràng là Phật tử hay trơ trọi nằm ở vệ đường, hay đắp lên mình pháp y của Như Lai là Đại Đức, Thượng Tọa, Tăng Ni, hoặc những Bậc tôn kính gì đi nữa, thọ giới quy y học pháp của Bậc đạo sư cao cả thì chúng ta vẫn chỉ là người bình thường. Bình thường đến nỗi thật tệ vì vẫn kẹt vào con mắt của thế gian.
Chuyện này ai cũng bị, ta không nói để miệt thị, ta nói để nhìn ra chính mình, Bảo Thành đã mắc kẹt trong con mắt của thế gian, để rồi bao nhiêu cuộc đời, bao nhiêu kiếp qua, hào nhoáng của sự giàu có đã lấp che tất cả, để Bảo Thành mắc kẹt tạo nghiệp, để phân chia sự nghèo, để dính mắc trong cái tốt mà ta cho là phù hợp với ta, chê bai cái xấu, dèm pha điều trái ngược, để mà dính vào sự sang trọng của một con người và hèn mọn của kẻ bần. Và cứ thế nghiệp cứ chồng chất tạo muôn điều khổ, ta nhìn thấy điều đó trong ta bởi vậy mới đưa ta lên một sự nhận thức để thay đổi khi trì tụng Đại Bi chú. Để chúng ta móc con mắt của trần gian không nhìn bằng giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn, mà ta gắn con mắt của mẹ hiền Quan Âm, Đấng đại Từ đại Bi, đấng Đại sỹ nhìn xuyên nhìn thấu. Nhìn bằng mắt Từ Bi yêu thương để cuộc đời này không còn sự phân biệt của giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn, không còn có sự khác biệt, không còn dính mắc trong hai đường của thế giới nhị nguyên giữa được và mất, tốt và xấu, sướng và khổ. Làm sao chúng ta có thể thay đổi nếu chúng ta không nhận ra lỗi của mình, nhìn ra lỗi của mình, mà chỉ nhìn thấy lỗi của người dưới định kiến phân chia của chính ta. Chính là bởi vì ta cho mình có đẳng cấp ở một quyền lực nào đó để có quyền phân biệt, có quyền nói, có quyền miệt thị, có quyền đâm thọc.
Ở trên đời chúng ta thường vướng vào cái tật, tật là luôn luôn đặt mình vào trong cơn bệnh, ta là kẻ tội nghiệp, ta là kẻ bị người ta coi thường, ta là kẻ bị người ta khinh khi, người ta phản bội, người ta chê bai, người ta trù dập, người ta chơi xấu, ta chơi trò chơi là kẻ luôn bị người khác hãm hại. Để cho muôn người thương xót, để rồi ta mang ra những lời chỉ trích cay đắng những người khác mà không ngờ ta đang chơi trò chơi lọc lừa, để chiếm lấy lòng thương xót của người khác, để rồi ta khoác áo trong tình thương của người ta đùm bọc đó để che dấu những mũi kim, mũi dao, mũi giáo đang âm thầm đâm thọc sau lưng những người khác. Đôi mắt thế gian thật là nguy hiểm, nhưng con mắt thế gian đó không thể trốn được con mắt thương của Đức Phật, con mắt Trí Tuệ của người đã có tâm tịch tĩnh.
Cho nên ở đời, hãy nhìn thẳng vào đôi mắt của mình mỗi một sớm mai thức dậy soi gương để thấy trong đó là mắt thế gian pha trộn đôi mắt của con cú mèo, hay là đôi mắt thế gian được che chở bởi mắt thương nhìn đời của mẹ hiền Quan Thế Âm. Nếu không nhận ra được điều đó thì chúng ta sống thật là rỗng như cái thùng, để người ta đập vào thật đau mới kêu lên thật to oang oang lên rất thích, thùng rỗng kêu to. Các bạn thân mến.
Thế gian nhìn thấy gì kia
Giàu nghèo, tốt xấu, phân chia sang hèn
Chúng sanh bình đẳng như nhiên
Nhìn trong chánh niệm mọi miền nở hoa.
Đôi mắt của thế gian là đôi mắt phân biệt giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn. Đôi mắt của nhà Phật là đôi mắt nhìn thấy nơi chúng sanh đều bình đẳng với tánh Phật như nhiên, bất tăng giảm, bất cấu tịnh, bất sanh diệt, trong sáng để trong chánh niệm hơi thở của chúng ta tập ở đây mới có thể thể nhập vào đôi mắt của Trí Tuệ. Nhìn trong sự bình đẳng của mọi chúng sanh với tánh Phật như nhiên hiện hữu, không bị dính mắc của bụi trần, của giàu nghèo, của sang hèn, của tốt xấu, những cái đó thuộc về thế giới của vật chất, chẳng có dính vào trong tâm thức Phật để đi lưu hành vào cảnh giới mới, tái sanh vào những cảnh thiện lành hay tốt xấu. Những thứ đó là phù du thế mà biết bao nhiêu con người chúng ta, dù là ở cuộc đời hay dù là ở trong những Thiền viện cao, hay mặc thân xác của những vị xuất gia thì vẫn bị mắc kẹt trong đôi mắt của thế gian.
Nhất định các bạn đã từng tiếp xúc với các bạn khác là pháp lữ đồng hành đồng môn, hay chỉ là Phật tử bạn bè, hở chuyện một chút là họ có thể nói ôi người này giàu thiệt mà nhìn thấy chảnh thấy ghét, ôi người này nghèo vậy chơi sao được coi chừng nó mượn tiền, chắc các bạn đã từng nghe ai đó nói, là bạn hay chỉ là người quen. Và chắc chắn các bạn đã từng nghe những người bạn gần gũi, họ đã chỉ tay, đã nói với bạn rằng người đó tốt, người này xấu, họ hình như cứ muốn ám chỉ người tốt kẻ xấu, đưa vào trong đầu của bạn để bạn theo họ phê phán, chê bai kẻ xấu và tâng bốc kẻ tốt. Họ lại còn thì thầm trong tai của bạn những sự sang hèn của cuộc đời, không hẳn chỉ người bình thường trong xã hội đâu, mà chắc chắn các bạn đã từng tiếp xúc với những bậc Cao Tăng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni tu tập theo Nguyên Thủy, theo Đại Thừa, theo Mật Tông, theo các giáo Pháp khác biệt nhau. Ngay cả những Tôn Giáo khác nữa như các Cha, các Linh Mục, vị này vị kia, thì chúng ta không ít thì nhiều cũng có sự trải nghiệm nghe từ những Đấng Bậc cao trọng đó, nói những lời chỉ nhìn bằng con mắt của trần gian, của sự phân biệt tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn.
Và đôi khi các bạn lại có một sự trải nghiệm thực thụ là nghe được từ những Đấng Bậc cao trọng đó nói những lời thị phi, đâm thọc giữa cảnh giàu người nghèo, người đó giàu rồi, Chùa đó giàu rồi, nghèo rồi, ông đó giàu ông đó nghèo, ông đó tốt ông đó xấu, người này sang kẻ kia hèn, đó là sự hàm tiếu của thế gian, đó là sự thị phi trong cảnh giới do đôi mắt thế gian nhìn vào. Nói như vậy không phải là chúng ta chê những bậc Tôn túc đó, nói như vậy để chúng ta nhận diện ra rằng dù khoác lên người chiếc áo của nhà tu hay khoác lên mình chiếc áo tràng của Phật tử hay chỉ mặc chiếc áo thường dân thì tất cả mọi người chúng ta, Bảo Thành và các bạn vẫn bị kẹt vào cái nhìn của Đôi Mắt Thế Gian.
Thế gian nhìn thấy gì kia
Giàu nghèo, tốt xấu, phân chia sang hèn
Chúng sanh bình đẳng như nhiên
Nhìn trong chánh niệm mọi miền nở hoa.
Đây là cái mà Bảo Thành và các bạn phải thay đổi, chúng ta phải tập đôi mắt thương của mẹ hiền Quan Âm khi trì chú Đại Bi. Chú Đại Bi hầu hết Phật tử ai cũng biết, từ Phật tử Đại Thừa, Mật Tông hay Nguyên Thủy ngày nay kinh điển cả hai tạng, ba tạng, tạng Mật, tạng Đại Thừa, tạng Nguyên Thủy đều lưu truyền trong dân gian. Và hầu hết người học Phật đều có cơ hội nghe qua những bài kinh, đặc biệt là chú Đại Bi nói đến lòng thương yêu lớn, lân mẫn lớn của bậc Đại sỹ, quán chiếu thấu hiểu, thấy để buông, để bỏ chỉ bằng mắt thương nhìn đời cứu độ chúng sanh. Ta tụng mỗi ngày mà chẳng thể nhập được tánh Từ Bi yêu thương đó, vẫn bằng con mắt thế gian nhìn đời soi mói đâm thọc, sâu xé ngăn chặn, để rồi đôi khi tàn bạo đến mức sẵn sàng từ môi miệng niệm Phật, niệm Kinh đó đổ ra những ngôn ngữ ác độc để dèm pha chê bai, thậm chí có thể giết chết danh dự của một người, điều có nói không, điều không nói có.
Điều này không phải xảy ra ngày nay mà thời xưa Đức Phật, khi Đức Phật tiến dần về miền Nam để giảng đạo khai thị pháp màu. Ở đó có sẵn những bậc Thầy dạy các tôn giáo, pháp môn khác. Khi chúng đệ tử của họ nghe Đức Phật giảng liền đi theo Đức Phật, bởi lời của Ngài là lời của bậc Đại giác, Đại ngộ. Lời khai thị đưa họ từ vô minh đi tới ánh sáng, họ liền từ bỏ những vị Thầy kia tới với Phật. Nhưng rồi sao, những vị Thầy kia không chấp nhận những điều đó. Đức Phật là Đấng giác ngộ, Ngài là Đấng toàn mỹ, toàn giác, toàn Tri. Ngài là Đấng thấu hiểu được chỉ có tâm Từ Bi nhìn cuộc đời bằng mắt Tuệ Giác Trí Tuệ, thế mà những vị Thầy kia đã dựng chuyện, đã vu khống, đã hàm oan, đã thêu dệt những chuyện không thành có, thỏ thẻ với những người đệ tử ruột của mình, mê hoặc họ và cài họ vô hàng ngũ đệ tử của Thế Tôn để tìm cách sát hại Thế Tôn, vu khống dèm pha, thậm chí gây ra những tội ác vu khống cho Phật để Phật bị quan quyền nhà Vua bắt, vu khống những chuyện không đâu vào đâu để làm giảm danh dự của Phật, chà đạp lên Đấng Minh Tuệ. Đức Phật vẫn mỉm cười bởi Đức Phật nhìn thế gian bằng con mắt Tuệ Giác và thấy đôi mắt của thế gian là như vậy. Cho nên Ngài đi xuống trần gian, đi vào cuộc đời làm một cuộc giải phẫu Đôi mắt thế gian và gắn vào đó tròng mắt của Trí Tuệ.
Trải dài hơn 2500 năm thời Thế Tôn cho tới nay, con mắt của thế gian, Đức Phật và các vị Thánh Hiền, Bồ Tát, các Bậc Đạo Sư vẫn chưa thể làm một cuộc giải phẫu toàn diện cho thế gian này để không còn đôi mắt thế gian, nhìn nhau bằng giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn phân chia nữa, để có được con mắt Tuệ nhìn để thấy sự bình đẳng như nhiên, nhìn để thấy trong chánh niệm hơi thở này ta thấy mọi miền đều nở hoa sen, hoa tâm đức, hoa đức hạnh, hoa giới. Tại sao Phật chưa giải phẫu được cho chúng ta, là vì chúng ta chưa thành kính đón mời vị bác sĩ đại tài là Đức Bổn Sư Thích Ca, những vị Bồ Tát, Thánh Hiền vào trong cuộc đời của chúng ta và nói với Ngài rằng thưa các Ngài, đôi mắt thế gian của chúng con bị kẹt, bị dính vào giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn phân chia để hỷ nộ ái ố, để phân biệt, để dèm pha, để vu khống, để sát hại người. Xin hãy giải phẫu cho con. Đức Phật liền có thuốc nhỏ mắt nhỏ vào cho con mắt trần gian này, đó là nước cam lồ tình yêu thương, và hà vào đó hơi thở của Chánh niệm và khai thị cho ta đạo màu để nhìn một cách viên dung không phân biệt, để con mắt thế gian liền phải rời xa và con mắt Tuệ liền bừng sáng.
Các bạn, đây là điều chúng ta cần phải suy nghĩ mỗi khi tụng trì Đại Bi chú. Chúng ta vẫn xiển dương những pháp môn mà chúng ta học, chúng ta vẫn trì tụng biết bao nhiêu thứ cũng như bạn bè Thiền Mật Song Tu với Bảo Thành, chúng ta thường quán chiếu Từ Bi, Trí Tuệ quán. Mà nếu các bạn còn để con mắt thế gian mắc kẹt trong sự phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu thì các bạn tu tập Thiền Mật Song Tu cũng bằng thừa. Ta quán Từ Bi, ta quán Trí Tuệ mà vẫn nhìn bằng đôi mắt thế gian, con mắt của cú mèo, con mắt của bon chen, đâm thọc thì chúng ta tu để làm gì nữa. Cho nên các bạn nên nhớ rằng sự tu chẳng phải là tụng, chẳng phải là ngồi cho có lệ mà sự tinh tấn quán chiếu để thay đổi chuyển hóa cuộc sống của mình.
Mong rằng chúng ta trong tuần này, chúng ta chiêm nghiệm nhìn lại thử coi ta nhìn đời bằng con mắt thế gian có kẹt trong sự giàu nghèo, trong sự tốt xấu, trong sự sang hèn, trong sự phân biệt của tự thân để từ đó ta đã làm cho dao búa ở trong bụng trồi ra đâm thọc, đập phá, bức hại muôn người hiền lương trong xã hội. Nếu chúng ta còn kẹt trong con mắt thế gian đó, hãy thành tâm nhìn thật rõ trì Đại Bi chú, Thiền Mật Song Tu, quán chiếu bằng Từ Bi, Trí Tuệ để một lần mạnh dạn, đây là cuộc giải phẫu không mất tiền các bạn, một cuộc giải phẫu sắc đẹp toàn mỹ của tâm linh, không mất một xu một cắc, không mất một khắc thời gian, chỉ có lòng thành là đã đủ tới với Phật. Và nói thưa Phật, Ngài là bậc bác sĩ đại tài, xin hãy làm cuộc giải phẫu để con mắt thế gian của chúng con được sáng trong Trí Tuệ và được lan tỏa lòng Từ ra để chúng con không kẹt vào trong sự giàu nghèo, tốt xấu, sang hèn nữa, mà chúng con nhìn thấy mọi chúng sanh đều bình đẳng như nhiên, để trong từng hơi thở Chánh niệm của chúng con, chúng con tưới tẩm Trí Tuệ và Tuệ Giác, tình yêu thương và Từ Bi vào mọi miền để mọi miền trong cõi thế gian này đều nở hoa tươi đẹp cho cuộc đời.
Mọi công đức tu tập hôm nay đều hồi hướng cho quê hương Việt Nam chúng ta để vượt qua đại nạn đại dịch. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Giờ đây Bảo Thành muốn nghe các bạn có chia sẻ điều gì thì chúng ta cùng chia sẻ với nhau. Mô Phật!
Bảo Nghy kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu.
Câu hỏi:
Thưa Thầy, khi tu tập hoặc trong bất kỳ một nhận định nào thì mỗi người Phật tử đều phải thực hành Chánh kiến, Chánh tư duy để mà nhìn thấy điều gì đúng sai để mà thực hiện, làm cho đúng, tu cho đúng, đi cho đúng đường. Vậy làm sao để chúng con vừa thực hành được Chánh kiến, Chánh tư duy mà vẫn tránh được con mắt thế gian của sự phân biệt đúng sai, sang hèn, xấu tốt như Thầy vừa chia sẻ ạ.
Trả lời:
Trong Bát Chánh Đạo là con đường Thánh mà Đức Phật đã dạy trong Tứ Thánh Đế, giúp cho chúng ta thoát khổ, có Chánh kiến, những cái nhìn đúng với nhân quả Thiện Ác. Chánh tư duy cũng như vậy. Câu hỏi, ai cũng có một đôi mắt bình thường để nhìn, nhưng nếu chúng ta cận rồi, ta nhìn cách nào cũng chỉ là cận mà thôi phải không. Cận thị hoặc viễn thị dù các bạn có dùng Chánh kiến để nhìn thì con mắt đó nhìn cũng không rõ các bạn ơi. Rất là may, khoa học kỹ thuật đã tân tiến, ta đi tới bác sĩ, bác sĩ đo tròng mắt thấy độ cận, viễn thị hoặc cận thị làm một cái kiếng phù hợp đeo vào là tròng mắt 20/20 ngay, nhìn rõ. Bảo Thành khoảng một năm nay mắt cũng đã mờ, nhiều khi không bao giờ đeo kiếng nhưng cũng làm sẵn một cái kiếng, để khi không nhìn thấy thì sẽ đeo vào để nhìn. Chỉ đeo kiếng vào là đã xong rồi, bởi vì bác sĩ điều chỉnh cái kính cho phù hợp với con mắt, với độ cận viễn thị của ta. Đức Phật cũng như vậy. Chánh kiến và Chánh tư duy rất tốt bởi Tuệ giác của những ai chưa bị cận thị, viễn thị tức là chưa mắc kẹt quá nhiều vào trong tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn thì vẫn có thể nhìn thấu rõ muôn sự ở đời. Nhưng thực sự nếu chúng ta bị cận trong giàu nghèo, viễn thị trong sang hèn và tốt xấu thì ta cần tới bác sĩ, để bác sĩ đo độ mắt của chúng ta mà chế cái kính cho phù hợp để đeo vào, để con mắt có thể nhìn rõ. Có hai phương pháp mà bác sĩ trao truyền cho chúng ta
Phương pháp đầu tiên mà Đức Phật trao truyền là vị bác sĩ cao tay ấn đó chính là Chánh kiến, Chánh kiến là cái nhìn thấu rõ được nhân quả. Các bạn phải quán chiếu rằng cái nhìn nghiêng về những điều ta muốn, chê bai những điều ta không thích, gọi là tốt xấu, kẹt trong đó là cái nhìn tạo ra nghiệp. Phải thấy được điều đó, cái tạo ra nghiệp đó sẽ làm cho con mắt của bạn bị mù, cái nhìn thế gian dính mắc vào giàu nghèo là cái nhìn tạo ra nghiệp làm tổn phước để suốt đời nghèo như muôn người. Cái nhìn bị mắc kẹt trong sang hèn là cái nhìn của chấp trược cũng làm cho con mắt tối mù khó thấy đường đi tạo ra nghiệp. Tức là Chánh kiến là sự tư duy nhìn thấy thật rõ, ta nhìn như vậy, ta mắc kẹt như vậy, ta sẽ tạo nghiệp cho chính ta và tổn phước báu cho bản thân.
Cũng như một đứa bé thôi, nếu chúng ta đưa một cục kẹo và một cục đá, ta bảo ăn cục đá đi thì nó sẽ không ăn. Bởi vì nó nhận ra cục kẹo thì ngọt, cục đá ăn vào gãy răng, ngoại trừ não bộ không có giãn nở đúng mức để mà học hỏi nhận biết thì nó mù mờ, đá nó cũng ăn, cát cũng đưa vô miệng. Ngoại trừ căn cơ của bạn vô minh tối tăm không thể phân biệt được, còn nếu bạn có một chút phân biệt rõ ràng, các căn đều lành lặn, các bạn quán chiếu theo nhân quả của Chánh kiến thì nhất định thấy cục đá sẽ không nhét vào miệng, nhất định thấy sự mắc kẹt trong tốt xấu, giàu nghèo, sang hèn sẽ tạo ra bất thiện nghiệp cho mình. Ta sẽ loại trừ được. Bởi trong Chánh kiến nhìn bằng nhân quả đó ta bắt đầu tư duy, đây là cục kẹo đây là cục đá, đây là phước đây là họa, từ đó ta bỏ đá ăn kẹo, lìa xa họa bởi ác nghiệp để tạo ra thiện nghiệp, lãnh nhận được những điều tốt về phước, chứ không phải hậu quả của bất thiện là họa. Cho nên trong tư duy và Chánh kiến nhìn sâu, nhìn thấu được nhân quả đó sẽ giúp cho chúng ta có một sự lựa chọn và ngăn ngừa được sự phân biệt mắc kẹt trong tròng mắt của thế gian.
Phương thức thứ hai mà các bậc Tổ, các vị Bồ Tát thường dạy cho chúng ta như một vị bác sĩ, thấy con mắt ta nó không còn đủ khả năng nhìn để phân biệt nữa nên làm một gọng kính để đeo vào và cho nó vừa với khuôn mặt mình, gắn vào đó mắt của từ bi yêu thương, mắt thương nhìn đời Mu A Mu Sa. Gọng kính đó là Trí Tuệ thắp sáng NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, có nghĩa là tu tập quán chiếu Trí Tuệ và Từ Bi trong Đại Bi chú phẩm Phổ Môn Đức Phật dạy. Chúng ta nương vào hùng lực bác sĩ Quan Thế Âm Bồ Tát, Ngài đã chế tạo mắt kính gọi là mắt thương nhìn đời và Ngài đã trao tặng cho chúng ta kính đó, để khi đeo vào thì chúng ta sẽ không còn sự phân biệt đối đãi giữa giàu nghèo, sang hèn, tốt xấu nữa. Ta nhìn một cách trung thực vào sự bình đẳng như nhiên của tánh Phật vốn có trong mỗi một con người.
Cho nên tu tập quán chiếu Từ Bi Trí Tuệ quán Mu A Mu Sa, NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang trong Đại Bi chú và nương vào hùng lực của mẹ hiền Quan Âm với đôi mắt thương nhìn đời, với Trí Tuệ yêu thương và san sẻ thì nhất định ta sẽ chế ngự được. Đây là hai phương thức mà Bảo Thành thường áp dụng trong cuộc đời và đã thấy được bản thân thay đổi nhiều, tròng mắt thế gian dần dần lật ngược để cho con mắt Trí Tuệ được sử dụng và nhìn thấu cảnh của cuộc đời. Đây hai phương pháp mà Bảo Thành sử dụng Chánh kiến, Chánh tư duy nhìn thấu bằng phân định được nhân quả để tránh xa, tư duy cho rõ hậu quả của ác của thiện, và rồi đeo gọng kính của mắt thương nhìn đời với đôi mắt của mẹ hiền Quan Âm đã chế tạo tặng hiến cho chúng ta. Trong từng hơi thở của Chánh niệm ta sẽ thể nhập vào ánh sáng của Trí Tuệ đó để không kẹt vào con mắt của thế gian nữa. Mong rằng các bạn thực hiện thử sẽ thấy được sự hiệu nghiệm đó. Đây là pháp tu cần phải thực hành sẽ đạt được điều ta mong ước. Mô Phật!
Mô Phật! Một ngày sinh hoạt thật vui và hạnh phúc với chương trình Sống trong chánh niệm chia sẻ Phật pháp với chủ đề Đôi Mắt Thế Gian. Nguyện xin Chư Phật gia trì cho tất cả chúng ta có được đôi mắt đại Bi của mẹ hiền Quan Thế Âm, nhìn cuộc đời không phân biệt trong sự giàu nghèo, trong sự sang hèn, tốt xấu mà thấy được tánh trí bình đẳng như nhiên của Phật, để chúng ta đi tới đâu là thềm hoa nở tới đó, nhìn trong đôi mắt của Chánh niệm hơi thở, đôi mắt của mẹ hiền Quan Âm.
Xin Chư Phật đoái thương và gia trì đặc biệt đến Việt Nam quê hương của chúng con. Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!