Thưa Thầy cho con hỏi giữa những cái bất như ý trong cuộc đời mà mọi người thường hay nói là do nghiệp. Vậy thì giữa cái gọi là nghiệp hoặc thách thức trong cuộc đời chúng ta phải vượt qua để có năng lực thì cái nào đúng ạ? Chuyện bất như ý xảy ra thì cứ đổ thừa là nghiệp và suy nghĩ rằng đó là thách thức phải vượt qua, cố gắng để thành công với điều đó thì cái nào là đúng ạ?
Trả lời: Mình cứ lạm dụng chữ “nghiệp” để rồi đổ thừa, không tinh tấn. Suy nghĩ như vầy: tất cả nghiệp các thứ đã tạo thành cái thân mạng trong kiếp này, nó không còn nữa đâu! Nó còn là còn trong thùng đóng gói mang đến kiếp này thôi, cũng như có con rắn độc nó nằm trong thùng thôi, chúng ta đừng mở thùng cho con rắn độc trong tiền kiếp chui ra cắn mình.
Mọi ác nghiệp nhiều đời đã có luôn luôn tới với chúng ta và hình thành nên con người của chúng ta. Người khôn không mở thùng nghiệp của quá khứ để nó tiếp nối và tiếp cận với các môi trường phù hợp để nó phát sinh thêm. Do vậy những chuyện xảy ra không phải do nghiệp quá khứ mà chính vì ta đã mở cửa cho quá khứ tràn vào xâm chiếm chúng ta. Những chuyện bất như ý hầu hết chẳng phải của quá khứ mà tại kiếp này ta không khéo ăn nói, nói xẵng quá ông chồng ổng chửi cho, ông đập bàn đập ghế ổng bỏ đi, ta bảo “đó là nghiệp của quá khứ rồi, tôi nói đâu có gì đâu, tôi nói thẳng mà!”. Hỏi sao thẳng? “Ông nhậu tôi chửi ổng thôi chứ”. Nói thẳng bằng cách chửi thẳng như vậy không được, đúng không quý vị?! Cho nên là do ta không khéo! Ở đời Chư Phật luôn luôn dạy chúng ta phải khéo, khéo ăn khéo nói, khéo hành, khéo làm, cái gì cũng phải khéo! Phật rất khéo! Ta tu theo Phật là phải khéo! Khi không khéo, chuyện không như ý xảy ra thì ta đổ lỗi do nghiệp chướng kiếp trước. Không khéo tăng trưởng kiến thức đi vô bìa rừng mà mở quán nước, chẳng ai tới rồi nói “trời ơi tôi xui quá chắc nghiệp quá khứ nó hại”. Rồi không khéo, mở tiệm nhậu ở chỗ toàn anh hùng hảo hớn, vô thì đông, họ nhậu nửa chừng họ say, họ đánh nhau rồi chạy hết, họ không trả tiền. Mình phải có kiến thức biết được chỗ nào.
Ở cuộc đời này có biết bao nhiêu thứ chúng ta làm phải dựa trên nhiều nền tảng của kiến thức, cùng với nền đạo đức đó và trí tuệ xuyên suốt để hành mọi việc mới thành tựu được. Còn ta không làm theo chuyện đó, ta đổ thừa những chuyện bất như ý không! Đi ra ngoài trời, nó mưa nó ướt ta liền nói “trời ơi xui thiệt á nha đi gặp trời mưa”. Bây giờ có đài khí tượng rồi, ta đi ra ngoài ta phải nghe trước để biết rằng có nên đi ra không. Chúng ta không nghe khí tượng thời tiết, trời bão tố, như mấy người đánh cá đi biển không chịu nghe, có sóng đi ra rồi đắm thuyền, rồi bảo “trời không thương mình”. Chúng ta cứ đâm đầu ra mà không nhìn rõ vấn đề dựa trên nền tảng kiến thức khi xảy ra đổ thừa cho nghiệp chướng, nghịch cảnh. Những điều bất như ý hầu hết là những điều ta tự ý làm, không suy nghĩ, không có sự hòa hợp với người khác, hợp đồng với người khác. Cho nên những chuyện bất như ý theo như kinh nghiệm của Bảo Thành hoàn toàn là những chuyện tự ý, thiếu suy nghĩ và kiến thức, nói đúng hơn là cứng cổ cứng đầu, làm bừa dẫn đến thất bại không như ý rồi đổ thừa.
Cho nên hãy chuẩn bị vốn kiến thức cho đầy đủ, tham vấn đầy đủ trước khi làm một chuyện gì để chúng ta có đầy đủ tư liệu làm việc đó để ít nhiều gì thành quả có được như ý chúng ta để đừng đổ thừa nữa. Nghiệp quá khứ nó không làm gì đâu, đừng tạo điều kiện môi trường phù hợp cho những nghiệp quá khứ phát triển là tốt. Cho nên ta tu tâm thiện, còn ta làm điều ác là ta mồi cho lửa sân nó đốt, ta mở con rắn hổ mang ra cho nó giết người. Cho nên quý vị nhớ đừng tạo điều kiện. Nghiệp quá khứ như hạt giống, nếu hạt giống đó được bỏ vô bịch nhựa treo trên không nó có mọc được không? Nhưng mà mình cắm xuống dưới đất, mình đổ nước, bỏ phân thì nó có mọc được không? Hạt giống tốt thì trồng, hạt giống xấu thì đừng. Đời đời kiếp kiếp mang những chủng tử thiện gieo vào miền đất tâm, tưới tẩm bằng Mu A Mu Sa, ánh sáng của trí tuệ chiếu soi xuống và mang tâm tỉnh thức chăm sóc nhặt cỏ, sỏi đá gai góc đi thì những năng lượng thiện lành đó sẽ phát triển. Đừng đổ thừa nha! Mình hãy treo giò những mầm mống ác nghiệp, đừng thả cửa nó chạy long trong nhà khó chịu. Mầm mống thiện lành thì mình phải trồng nó, chăm sóc cho nó. Hãy chăm sóc những điều tốt đẹp nhất của ta và hãy nhìn thấy những ưu điểm dù rất nhỏ của người, cùng với nhau chăm sóc cái ưu của người và cái điều thiện lành của ta để giữa ta và người sự giao thoa, đó là sự ưu điểm thiện lành của hai bên. Đừng moi móc những cái xấu của người, người ta đã nhốt ở đó rồi, đã treo giò nó rồi, mình moi ra rồi nó đánh ngược lại mình cái mình bảo sao xui! Có khi nào quý vị cãi nhau rồi moi toàn tính xấu ra không? Cái xấu của họ mình cứ moi ra, còn cái xấu thì mình không nhìn thấy, cái đó gọi là giận quá hoá ngu! Đức Phật dạy rồi, cố gắng, cố gắng đừng giận. Nói thì dễ nhưng mà phải thực tập nha quý vị!
Tham vấn Phật Pháp 24, https://youtu.be/gt6xHBRY-MM