Bảo Linh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Con nguyện Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi. Hôm nay Bảo Thành muốn chia sẻ với các bạn là làm sao chúng ta có thể giữ được cái tâm của mình tương đối định lại một chút xíu trong cuộc sống. Các bạn thấy cuộc sống kinh tế càng ngày càng khó và các mối tương tác trong cuộc đời càng phức tạp. Phức tạp hơn là ở chỗ những con người ta gặp hàng ngày có những chiều hướng suy nghĩ khác biệt không có giống nhau. Sự phức tạp đó đã làm cho tâm của chúng ta không ổn định, và sự khác biệt giữa người với người tiếp xúc dần dần làm cho tâm của chúng ta như cái chong chóng gặp gió nó quay tít mù u khó dừng. Sự tương tác mà tâm ta như chong chóng cứ quay như vậy, ta không có tịnh được và suy nghĩ của ta sẽ có giới hạn, đôi khi không có sự sáng suốt bởi tâm tịnh và định được dù một chút xíu thôi cũng có lợi trong cuộc sống.
Chúng ta học Phật không nhất thiết phải có bằng cấp trong tôn giáo hoặc có thứ lớp thành tựu được cái thật là cao. Bất cứ một việc gì đưa đến sự thành tựu cao cũng luôn luôn bắt đầu từ những nền tảng thật vững, thật chắc, thật đơn giản và thật bình thường. Định được một phần tâm, định được một chút xíu trong cuộc sống của cuộc đời là Phật tử chúng ta là hạnh phúc rồi, còn không chúng ta dễ bị lôi cuốn vào những trào lưu giữa những cơn gió xoáy của cuộc đời khó dừng. Hồi nhỏ các bạn từng chơi chong chóng rồi, ta làm bằng giấy rồi ta lấy cây xuyên qua cầm vậy đó để gió thổi được quay tít quay tít, gió mạnh quá đôi khi cái chong chóng ta làm không được tốt nó rách nát.
Có câu chuyện kể về một anh chàng kia. Anh ta đầu óc bị loạn lên bởi sống trong cuộc sống nó quay mòng mòng anh ta chịu không được nó loạn lên, nó cuốn lên. Đã nhiều lần gia đình tưởng anh ta bị bệnh tâm thần, bởi ngồi cứ nói một mình, hết chuyện này tới chuyện kia hoặc là những chuyện đã xảy ra đối với anh, anh ta lặp lại, lập trình lại, cái miệng cứ nói như thế. Gia đình thấy thương bởi sợ rằng người thân bị điên khùng nếu cứ lặp đi lặp lại những chuyện đã xảy ra. Đôi khi anh này cũng ngồi mà lặp đi lặp lại, ý thức được sự lo lắng của gia đình anh ta tìm tới một vị Thầy, để nhờ vị Thầy này hướng dẫn một cách tu thiền như thế nào đó, để tâm có thể định lại một chút xíu.
Khi anh ta tới gặp vị Thầy đó, vị Thầy tiếp nhận hướng dẫn anh ta ở trong một môi trường đơn sơ thôi. Sau khi nghe anh này nói chuyện một lúc, anh này có nhiều chuyện dính vào đầu ám ảnh, những chuyện quá khứ đã xảy ra, những chuyện đau buồn không ưng ý, những chuyện mà anh ta không thích, không phù hợp và anh ta cứ ôm mãi trong đầu tạo thành sự bực tức khó chịu, đến khi đụng vào bất cứ chuyện gì anh ta không có định được tâm, nó nhảy múa lung tung như chong chóng gặp gió, nó quay tít. Vị Thầy mới suy nghĩ làm sao để giúp cho người này buông xả được, với tâm thái như anh này nhất định nói theo kiểu văn chương gì anh ta cũng không thể hiểu được, nói theo các phương pháp thiền định cũng chẳng nhập vào vì đây là một thói quen, nó như một tập khí vận hành, khó thoát rồi. Cuối cùng vị Thầy này với anh ta đi xuống chân núi.
Vị Thầy nói với anh ta rằng: ở trên đời này có biết bao nhiêu thứ khi nó đã qua rồi ta phải bỏ đi, xả hết và có những thứ đừng khi nào bỏ vào trong tâm khi ta đã xác định rằng nó không tốt và khi đã lỡ bỏ vào mà nhận diện ra không tốt thì cần phải bỏ, phải buông, buông xả. Chỉ có buông xả mới có thể đưa tới hạnh phúc, tâm mới định và hưởng được sự an lạc.
Anh này nói: Thưa Thầy con cố gắng buông xả lắm rồi nhưng không thể buông xả được.
Hôm đó, đi xuống dưới núi, vị Thầy đưa anh ta một cái giỏ kín và kêu anh ta hãy ôm vào trong tay đi cùng với vị Thầy xuống núi. Anh ta được cho cái giỏ thì ôm chặt và trong lòng, luôn nghĩ là điều tốt. Bởi vì ngày hôm nay vị Thầy trao bửu bối để tu, cho nên anh ta hớn hở ôm khư khư đi từ trên núi xuống rồi anh ta từ dưới núi trở về cùng với ông Thầy. Ôm cả ngày vậy mà không thấy mệt, không thấy sợ, mặt hoan hỉ lắm.
Ông Thầy hỏi anh ta rằng: cái giỏ này đưa cho con ôm đi xuống và đi lên con có thích không?
Anh ta hoan hỉ, vui lắm. Anh ta nói rằng: con rất thích, hạnh phúc bởi con biết chắc khi trở về nó sẽ được mở ra và nhận được một bài học quý.
Ông Thầy mới nói: nếu như trong đó có những điều không ưng ý con phải làm gì.
Anh ta nói: thì buông.
Và rồi ông Thầy để anh ta ôm giỏ vào trong chỗ mà hai Thầy trò ngồi với nhau đó. Anh ta hớn hở chờ giây phút được mở nó ra.
Và khi ông Thầy nói: con mở ra đi.
Anh ta mở ra, anh ta không thấy gì ngoài cái đầu con rắn hổ mang nó ngóc lên. Anh ta sợ hãi, anh ta quăng ngay đi.
Và anh ta nói với vị Thầy rằng: tại sao thầy có thể đưa cho tôi ôm một con rắn hổ mang đi xuống núi, đi lên trên núi mà không cho biết, lỡ mà nó cắn chết tôi thì sao.
Ông Thầy mới nói với người đó rằng: chính vì điều nguy hại nhất ta không biết mà ta cứ vui, ta ôm chặt, bởi ta không biết mà thôi, nó nguy hại, nó nguy hiểm nhưng ta tưởng là điều tốt ta ôm. Cho tới khi mở nó ra, thấy nó không tốt, nó nguy hại, nguy hiểm, ta quăng nó đi. Cuộc đời có biết bao chuyện xảy ra, thoạt đầu thấy rất đẹp, ta ôm khư khư ở trong lòng, đến khi ta mở ra, ta nhìn rõ, nó không như vậy ta hoảng sợ, bởi ta thấy được rõ điều đó là nguy hại, nguy hiểm ta mới quăng, ta mới bỏ đi.
Thầy nói thêm với anh ta rằng: bất cứ sự việc gì ở trên đời lúc đầu tiếp cận đều với tâm thái an vui như cái giỏ được giao cho anh ôm, bởi anh không biết mà thôi. Sự việc ở trên đời ai biết được việc gì sẽ xảy ra, nhưng ta có thể biết khi tiếp xúc. Và khi tiếp xúc rồi, đã biết đúng sai tốt xấu, ta phải buông đi khi nó không phù hợp, phải giữ lại điều tốt đẹp. Như mở ra thấy con rắn hổ mang – anh thấy ôm cả ngày rất vui nhưng bây giờ nhận thấy trong đó có con hổ mang nguy hiểm, anh quăng đi. Hãy về mà quăng đi tất cả những điều gì mà anh nhận thấy nó nguy hiểm trong cuộc đời anh đang ôm ở trong lòng. Người đó lúc này mới nhận ra bài học có giá trị, bởi anh ta thấy được con hổ mang trong cái giỏ anh ta ôm và ngay bây giờ anh đã nhìn thấy được những sự tác hại nguy hiểm của những tư tưởng dằn vặt trong tâm của anh ta bấy lâu nay. Cho nên anh ta hiểu được và anh ta tĩnh ngộ nhẹ nhàng. Từ đó anh ta không bao giờ lặp lại những điều đã xảy ra cuộc đời của anh ta trên môi miệng. Tâm anh ta định hơn một chút, tịnh hơn một chút và có phong thái nhẹ nhàng thong dong, sống hạnh phúc trong gia đình.
Các bạn, cuộc đời chúng ta biết bao nhiêu chuyện xảy ra, cần nhất là phải nhìn nhận thật rõ, và nhìn rõ ở chỗ nó hại hay nó tốt, nó nguy hiểm hay nó mang lại sự tốt đẹp cho chúng ta. Khi nhận được rõ rồi con người tự nhiên sẽ biết buông. Thực ra sự buông xả không phải là một sự thực tập cần phải buông xả. Sự buông xả chính xác hơn là một sự thực tập để nhìn rõ cái hay hay cái dở, cái xấu hay cái đẹp, cái tốt hay cái xấu, phù hợp hay không, nó nghịch hay nó thuận, nó ác hay nó thiện. Ta nhìn rõ được thì tự nhiên nó mất không cần phải buông các bạn ạ. Anh kia nhìn rõ được ở trong đó có con rắn hổ mang liền quăng cái giỏ đi ngay. Chúng ta nhìn rõ được chuyện tai hại đã xảy ra trong cuộc đời, nhất định nó sẽ rớt, không còn nữa, nó sẽ xa ngay.
Do đó mà Đức Phật dạy cho chúng ta cách thiền bằng tánh nhìn. Thiền tánh nhìn tức là chúng ta hít thở trong chánh niệm, hít vào trong chánh niệm, thở ra trong chánh niệm và chỉ nhìn trong hơi thở vào ra. Để huân tu tánh nhìn hơi thở đó. Lâu dần chúng ta thành tựu được Pháp nhìn, nhìn thấy cảm xúc vui buồn sướng khổ tốt xấu, nhìn thấy hiện tượng hợp hay không hợp, hay hay dở, tốt hay xấu, để gạn lọc, khi nhìn thấy thôi tự động ta sẽ không làm chuyện đó nữa. Những chuyện sai mà bạn nhận định ra được sai, nhìn thấy nó sai thì tự động bạn sẽ ngưng đi. Bạn cứ thử thực tập thiền chánh niệm bằng tánh nhìn, nó tăng trưởng được sức mạnh, kiềm chế những điều nguy hại mà bạn từng lặp đi lặp lại. Các bạn đừng ôm con hổ mang ở trong lòng khi đã nhận ra và thấy rõ nó là hổ mang, bạn sẽ quăng đi thật nhẹ nhàng. Đây là một trong những phương pháp nhỏ, đơn giản có thể giúp bạn tịnh và định được tâm một phần trong đời sống quay cuồng như chong chóng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa