Search

Đan Rổ Cứu Người

Bảo Như đánh máy

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa

Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.

Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.

Các bạn thân mến, ai cũng có mục đích khác biệt để sống. Nếu có thời gian, chúng ta ngồi xuống với nhau, qua một tách trà trong sự thâm giao chia sẻ thì ta sẽ có cơ hội thấu hiểu ý nghĩa sống của từng người. Dĩ nhiên ở cuộc đời này có những con người có những tư tưởng sống thật là cao theo định nghĩa của con người và cũng có những con người sống với những tư tưởng rất bình thường, nhưng an vui. Thì mỗi người mà, có một vùng tư tưởng khác nhau, ai cao ai thấp ai hơn ai thua. Đó là câu hỏi để cho chúng ta suy nghĩ

Có một vị đạo sư, tu theo hạnh “độc cư” – gọi là độc giác, độc cư ở trong rừng. Ngài tu ở trong rừng đã lâu lắm rồi và dân ở trong làng ai cũng biết Ngài tu đã chứng đắc bởi hạnh độc giác, miên mật sống ở trong đó, nương vào rừng núi sống và lâu lâu mới ra thôn làng xin một chút lương thực rồi trở lại rừng sống hạnh độc cư. Và tháng ngày cứ như thế bình yên, không có chuyện gì xảy ra. Rồi một ngày kia, Ngài đi vào thôn làng xin đồ ăn để chuẩn bị cho cả một mùa đông nơi rừng núi. Khi đến thôn đó, có một người con gái mới xuân thì độ 18 đôi mươi thấy tướng hảo của vị độc giác này đẹp, thanh nhã, oai và có những cái hay quá, đẹp quá. Cái hay cái đẹp của một con người đã hấp dẫn trái tim của cô. Khi vị độc giác kia trở về khu rừng sống độc cư tu tập thì cô ta bắt đầu bị dính vào vùng tương tư của ái tình. Tương tư lớn quá, lớn đến mức mà cô này bị bệnh gần sắp chết rồi, gầy trơ, thở không ra, thì cha mẹ của cô đó biết chắc chắn rằng là cô đã thương yêu vị đạo sư độc cô ở trong rừng kia, bởi cô tâm sự mà. Cho nên họ đã đi vào rừng gặp và lạy vị đạo sư rằng: Thưa Ngài! Ngài tu theo phẩm hạnh Bồ Tát, có lòng từ bi vô biên, nhưng không biết vì nghiệp chướng gì mà con gái của tôi lần trước nhìn thấy Ngài đã sinh lòng thương mến Ngài và đã bị bệnh gần chết rồi, chắc có lẽ không qua được nếu như Ngài không một lần ghé về thăm nó. Vị đạo sư nghe và quán chiếu bởi Ngài tu hạnh Độc cư và cũng là vị độc giác có trí tuệ quán chiếu. Ngài nhìn thật là rõ. Ngài tự hỏi tự thân: Ta tu đi đến sự giác ngộ và ta tu cũng phát nguyện hạnh từ bi. Nay có một chúng sanh ái nhiễm trong tình cảm sắp chết. Ta có nên bỏ mặc như vậy để rồi chúng sanh đó chết hay không? Và ta tận hưởng cái gọi là an lạc tự tại khi phát hạnh từ bi cứu độ chúng sanh? Cuối cùng vị độc giác này nghĩ rằng ta phát nguyện cứu độ chúng sanh và hạnh Bồ Tát ứng hóa dưới mọi hình thức, chẳng ràng buộc trong mọi thân tướng khuôn mẫu, chỉ có lòng từ bi dung thông và ứng hóa tất cả như mẹ Quan Âm ứng hóa thân tới mọi nơi mọi lúc cho mọi loài chúng sanh tiếp cận. Chính vì suy nghĩ như vậy, vị độc giác này quyết định đi vào trong làng thăm cô gái và chấp nhận cưới cô gái làm vợ. Khi cô gái được vị độc giác đón nhận, cô hạnh phúc và luồng sinh khí hồi lại. Cô tỉnh và cô sống khỏe vượt qua ngưỡng cửa của thần chết để sống với vị độc giác này. Còn Ngài trở thành người phàm phu bình thường, nhưng đức hạnh cao cả của Ngài thì ai cũng mến mộ. Nghề của Ngài là đan rổ bằng những lạt tre. Ngài đan cũng bình thường như muôn người nhưng không hiểu sao những cái rổ, những đồ gia dụng bằng lạt tre do Ngài đan ra có một năng lực siêu phàm mà ai sử dụng cũng cảm thấy hạnh phúc, ai sử dụng cũng cảm thấy như có một lực giúp cho họ bình an và hạnh phúc, như có một sức mạnh gia trì để cho họ cảm thấy rằng cuộc đời có ý nghĩa hơn.

Và cứ thế, về phần cuối đời khi già, người ta mới túm họp lại để hỏi vị độc giác này thì vị độc giác nói: tôi chỉ là một người thường, đã từ bỏ hạnh độc giác ở trong rừng để sống với vợ và làm nghề đan rổ bằng lạt tre thôi. Mọi người hỏi: Nhưng thật là khác bởi khi chúng tôi sử dụng nó có một lực thật là đặc biệt. Ngài nói rằng: Đúng là có khác thật bởi vì từng lạt tre tôi gọt, tôi cắt, tôi giũa bằng tâm từ bi, bằng năng lượng của chánh định và từng cái rổ, những vật gia dụng ở trong nhà tôi đan lại là bằng cả tấm lòng chân thành, thành kính từ bi của hạnh Bồ Tát. Dù rằng tôi không còn là độc giác sống độc cư mà sống với vợ, với con với muôn người, nhưng tôi đan rổ bằng tình thương. Nghe thế dân làng hạnh phúc vô cùng và cùng nhau học cách đan rổ bằng lạt tre của Ngài. Và Ngài đã dạy cho mọi người cách đan rổ bằng lạt tre trong chánh niệm và chánh định. Từ đó nghề đan rổ tre trở thành một nghề của cả thôn làng đó, nghề của bổn sứ thôn làng đan rổ bằng tre nhưng chứa đựng năng lực tình yêu từ bi, xa gần ai ai cũng lui tới để mua và dân làng sông ấm cúng trong nghề của bổn thôn đó.

Các bạn thân mến, một câu chuyện rất bình thường với tâm hạnh bồ tát như thế, ở đời chúng ta vẫn thấy. Chẳng cần phải đi tới chùa để gặp các vị đầu tròn áo vuông như Bảo Thành, à xuất gia hoặc những vị tôn túc. Dĩ nhiên các vị đó đã đứng ở trong một thế để mà mang lời Phật rao truyền theo truyền thống của Phật giáo, nhưng hạnh Bồ Tát thì chẳng có truyền thống. Hạnh Bồ Tát không có truyền thống theo một khuôn mẫu, hạnh Bồ Tát chỉ có truyền lưu trong tâm và trái tim của những người biết phá vỡ tất cả mọi chấp trược ngăn ngại của tất cả mọi hình thức, để làm sao mang tâm hạnh yêu thương cứu vớt được chúng sanh – dù chỉ là một chúng sanh thôi nhưng đó cũng là hạnh từ bi. Và trong nghề đan rổ đó, chẳng phải là bằng những lạt tre cắt, vuốt rồi đan, nhưng đan bằng từng tư tưởng, suy nghĩ trong chánh niệm hơi thở. Nên cái rổ đó, những vật gia dụng đó từ bàn tay của những người an trú trong chánh niệm, nó có một lực siêu phàm mà có thể giúp cho người khi sử dụng nó cảm ứng được tình thương, năng lượng từ bi.

Con người sống ở trên đời đều phải trải qua sự hấp thụ năng lượng từ đồ ăn, từ khí trời, từ tất cả những gì chung quanh chúng ta. Nhớ rằng khi nói đến nghiệp lực là một lực lưu truyền truyền kiếp, di truyền khổ đau, hạnh phúc đều do nó, phước báu thiện nghiệp, tai họa ác nghiệp, nghiệp lực đó, nghiệp lực ác, nghiệp lực thiện. Chính trong mọi công việc hàng ngày của cuộc sống ta biết kết nó lại bằng chánh niệm hơi thở, bằng chánh định và chánh kiến, bằng tâm từ bi thì nhất định những người xung quanh ta họ sẽ cảm nhận được năng lượng đó. Năng lượng ở trong chánh niệm rất quan trọng các bạn, các bạn nên thử thực tập hạnh sống chánh niệm hơi thở trong mọi công việc các bạn đang làm, ngành nghề khác biệt đó nhưng chẳng khác sự hơi thở chánh niệm đâu. Trong chánh niệm hơi thở đó rất bình thường, được ứng dụng vào trong mọi ngành nghề, mọi thao tác, mọi sinh hoạt đời thường của con người. Nó sẽ truyền tải năng lượng yêu thương của các bạn tới cho tất cả mọi người. Và chẳng có ngăn ngại rằng đây là người thuộc gia đình của tôi, đây là nhóm người được tôi yêu thương còn những người khác thì không. Tình yêu không ngăn ngại, tình yêu thoát khỏi mọi sự chấp trược và sự chế định kềm hãm nó. Đặc biệt tình yêu mà được Chư Phật xiển dương, đó là từ bi.

Do vậy ở bất cứ một hoàn cảnh nào, các bạn, chúng ta tùy duyên để mà cứu độ, tùy duyên để mà mang hạnh phúc tới cho chúng sanh. Nhưng dù là cư sĩ tại gia hay tu sĩ xuất gia, dưới bất cứ một phẩm hạnh, một con đường ta đã lựa chọn, thì nhớ rằng vẫn phải được ứng dụng bằng tâm đại từ đại bi. Còn tất cả những cái tướng ở đời này chẳng thể làm nên, mà cái tâm mới làm nên. Bởi vậy Đức Phật mới nói: Tâm tạo ra tướng, tâm là chủ thể để chúng ta tu tập. Và trong kinh Pháp Cú có nói: Tâm làm chủ các pháp, pháp gì? Pháp từ pháp bi. Vị độc giác đã lấy tâm làm chủ hạnh từ bi mang vào cuộc đời, sống rất giản dị, chỉ đan rổ nuôi thân, nuôi vợ, nuôi con, nhưng vẫn tràn đầy năng lượng từ bi, phẩm hạnh của một vị độc giác sống độc cư. Độc cư trong tư tưởng chánh niệm, độc giác trong hơi thở chánh niệm và sự hiện diện trong cuộc đời giữa cảnh đời bình thường, có vợ có con. Từ bỏ ở trong rừng nhưng chẳng từ bỏ chánh niệm, chẳng từ bỏ tâm thiện, tâm từ tâm bi – tâm mà muốn cứu độ chúng sanh. Để từ đó nghề đan rổ bằng lạt tre đó được truyền bá cho cả một thôn có một nghề truyền thống. Từ đó có thể sinh sống trong cuộc đời thường và cũng để đan những hơi thở chánh niệm gửi tới những vùng miền xa xôi. Để ai đó chưa một lần cảm nhận năng lượng chánh niệm sẽ chạm vào được sự gia trì đặc biệt đó mà bắt đầu trở thành người biết đan hơi thở chánh niệm trong cuộc đời dưới mọi tạo tác sinh hoạt cuộc sống.

Các bạn, các bạn có thể là công nhân, có thể là những người làm văn phòng hay làm việc tại tư gia, tự chủ độc lập, giữa bất cứ hình thức nào cũng vậy, thì chúng ta nhớ: Tất cả những công việc ngành nghề của đời thường, nếu biết ứng dụng vào hơi thở chánh niệm – ngay cả học trò, hay những vị chưa có đi làm đi nữa, thì mọi suy nghĩ mọi lời nói mọi hành động đều được đúc kết thật kỹ trong chánh định hơi thở của chánh niệm, nhất định các bạn sẽ luôn hạnh phúc và những người sống xung quanh các bạn cũng sẽ hạnh phúc.

Vẫn biết cuộc đời luôn có lầm lỗi và giả sử như ta đã lầm lỗi thật là nhiều thì trong giờ phút chánh định chánh niệm đó, những lầm lỗi, những uế trược cấu nhiễm của chúng ta cũng được gột rửa từ từ bằng tâm sống chánh niệm. Trong một niệm có chánh tâm thì sám hối đó là sám hối vi diệu. Trong một niệm mà có chánh tâm bằng hơi thở thì tất cả những sai trái trong cuộc đời sẽ được sửa lại. Và cũng trong một niệm hơi thở đó thì năng lượng từ bi sẽ lan tỏa tới muôn người muôn vật. Dù chỉ là cái rổ được đan bằng lạt tre nhưng chứa được năng lượng vi diệu. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn