Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh. Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến! Ta gặp nhau nữa rồi đây, kể chuyện cho nhau nghe. Bảo Thành thích kể chuyện, tuy những câu chuyện rất đơn giản, nhưng mong rằng những câu chuyện Bảo Thành kể gặp người hữu duyên nghe qua thấy thích. Các bạn! Ở đời chúng ta lớn lên từ vòng tay yêu thương của cha mẹ, của ông bà. Chúng ta thường nghe những câu chuyện về dân gian, hoặc câu chuyện về đạo. Hình như tất cả các câu chuyện được kể cho ta nghe vẫn mang những ý nghĩa tuyệt vời. Và ít nhiều gì trong cuộc sống, chúng ta sẽ ứng dụng được ý nghĩa đó với cuộc đời, sẽ gặp nhiều những hoàn cảnh và những va chạm mới thấy được giá trị của những câu chuyện mà cha mẹ, ông bà, người thương yêu kể cho chúng ta nghe khi thuở còn nhỏ.
Các bạn thân mến! Một câu chuyện mà hôm nay Bảo Thành muốn kể để các bạn cùng nghe: Đó là câu chuyện về loài thú. Trong khu rừng đó, cảnh thật là đẹp cây cối nhiều, bốn mùa hoa trái đầy đủ, cho nên các loài chim tụ tập về đó sống. Kề cận một khu rừng lớn như thế, là một thảo nguyên đồng cỏ xanh, nhiều con thú sống chung với nhau. Nhưng ở nơi đó, có một con quạ thường hay phát ra những ngôn ngữ, lời nói (tức là phát âm, kêu). Con quạ kêu riết rồi điếc cả lỗ tai những loài chim khác. Cho nên anh quạ này đi đến đâu cũng chẳng ai thích kề cận gần gũi, bởi cứ quác quác hoài, người ta nghe riết rồi nhức đầu.
Một thời gian sau anh quạ mới nhìn thấy và nhận được ra ở trong khu rừng này, thảo nguyên này, tất cả các loài muôn thú không có một loài nào thích anh ta. Dò hỏi thật kỹ, anh quạ mới thấy rằng: Người ta ghét là bởi vì tiếng kêu của anh quạ. Cho nên anh quạ buồn quá mới nghĩ rằng: “Thôi ở đây không ai thích mình thì mình đi chỗ khác mình tìm mình ở”. Thế rồi, anh quạ bay đi. Khi mệt anh nghỉ trên một cành cây, bất chợt có một chú chim bồ câu. Bồ câu nhìn thấy anh quạ đang bay rời bỏ thảo nguyên vào khu rừng này mới hỏi: Anh quạ ơi! Anh bay đi đâu đấy? Anh quạ nói với chú bồ câu rằng: Anh có biết không? Tôi ở đây sinh sống trong khu rừng và thảo nguyên này chẳng có ai thích thú tôi, không ai thích nghe tôi nói chuyện, cho nên thôi tôi bỏ đi để tìm một nơi khác, rừng khác, thảo nguyên khác. Nơi đó mọi người đều nghe tôi nói, tôi sẽ ở đó”. Anh chim bồ câu nghe qua mới nói với anh quạ rằng: “Anh quạ ơi! Dù anh có đi khắp chân trời góc biển nào, khu rừng nào, thảo nguyên nào anh tới cũng chẳng ai yêu thương anh, chẳng ai thích nghe anh nói, chẳng ai mến mộ anh đâu”. Anh quạ mới nói rằng: “Tại sao”? Anh bồ câu mới nói rằng: “Anh không biết thay đổi cách tiếp xúc và ngôn ngữ của anh khi đối xử với mọi người, cũng với tiếng kêu đó, cũng với âm thanh đó, cũng với cách diễn tả như vậy, thì anh cứ đi hết gầm trời này chẳng ai thương đâu, chẳng ai tìm ra chỗ người ta đón mời và tiếp cận một cách vui vẻ với anh đâu”. Anh quạ mới nghe ra chột dạ mới thấy đúng. Từ đó anh quạ không đi nữa nhưng ở lại, bớt nói và có nhiều loài sống chung tình thương bắt đầu được khởi sự từ đầu.
Các bạn! Câu chuyện về loài thú hình như mới nghe qua ta thấy nó vô duyên. Nhưng người xưa kể chuyện, không thể chỉ có bịa chuyện ra để kể, mà có hàm ý. Đúng. Ở trên đời, loài quạ kêu lên ai cũng ghét. Con người thấy cũng muốn ném đá cho nó bay đi huống hồ chi các loài chim khác. Cuộc đời của chúng ta có thật nhiều lần chúng ta nói chuyện, trong sự xử thế, giao tế ở đời nhiều người chắc không ưa. Và chúng ta trải nghiệm trong những cuộc vui họp hành, tiệc tùng, đám cưới, đám tiệc, đám giỗ tiệc linh đình. Vui vậy đó mà khi ta tới ta mở miệng ra, người ta không thích và khi đó thông thường các bạn và Bảo Thành hay bị mặc cảm, tự ái, bỏ đi chỗ khác. Không hẳn là trong cuộc sống đó đâu, ở trong những môi trường sinh hoạt của các nhóm, các tập thể, ở trong xã hội ngay cả trong chùa hoặc nhà thờ cũng thế. Khi đã tạo nhóm sinh hoạt chung với nhau, có một số người khi nói ra người ta không có ưa. Và rồi khi Bảo Thành và các bạn nói mà người khác không ưa, không thích, nó làm cho chúng ta khó chịu và từ đó có sự ngăn cản ngăn ngại. Khi ngăn ngại trong ngôn ngữ xảy ra bởi lời ta nói, thì nhất định ta chẳng thể ở đó được, và ta sẽ bỏ đi mà thôi. Bởi ta nghĩ rằng nơi đây không ai thích nói chuyện với ta, ta bỏ ta đi để tìm nơi khác như anh quạ kia. Và từ đó chúng ta thấy đã bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã bỏ nhóm, bỏ bạn bè, bỏ nơi này nơi kia, chùa này chùa kia, sinh hoạt chỗ này chỗ kia, đi tìm chỗ khác và rồi cứ tìm hoài, bởi có ai vui với cách đối xử của ta đâu? Anh bồ câu chia sẻ với anh quạ thật đúng! Nếu chúng ta không thay đổi cách tiếp xúc, thay đổi cách nói, cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày trong giao tế, thì chúng ta có đi tới đâu đi nữa sẽ không bao giờ người ta đón nhận một cách vui đâu.
Sống ở trên đời cần nhất là nhận ra tại sao người ta không thích cách nói chuyện của chúng ta? Và rồi chậm rãi trở lại, lùi lại mấy bước nhìn cho kỹ, suy nghĩ coi cách hành văn, ngôn ngữ ứng xử và cách giãi bày tiếp xúc với họ như thế nào? Chúng ta đừng vội vàng nói rằng những người ở đây ghét bỏ tôi, những người ở đây không thích tôi, mà phải suy nghĩ về chính bản thân của mình coi cách ta giao tế, sử dụng ngôn ngữ có phù hợp hay không? Trong đạo Phật, Đức Phật luôn dạy cho chúng ta đừng vội vàng nhìn sự phản ứng của người khác để đưa ra kết quả rằng: Những người này không thích tôi, những người này ghét tôi. Trong đạo Phật, Đức Phật cũng dạy đừng quá vội vàng khi cách nói của ta làm cho người ta không ưa, cách sống của ta làm cho người ta không thích, để rồi ta có một sự phán xét quy chụp rằng: Những người này không tốt, những người này là những kẻ xấu, những người này là những người ác. Ta phải tránh xa và bỏ đi. Để chúng ta không vội vàng Đức Phật dạy: “Phải luôn bình tĩnh Chánh niệm, phải luôn luôn biết suy xét về bản thân, quán chiếu nhìn cho rõ”. Nếu như cách ăn nói của chúng ta chẳng thể mang lại sự hòa hợp và tạo nên một môi trường thân thiện cho người ta yêu mến, chúng ta phải nhìn lại bản thân của mình. Đạo Phật là nhìn lại ta, không nên nhìn lỗi của người mà nhìn lỗi của mình. Người ta không ưa, không thích khi ta ăn nói, chắc chắn rằng cách ta ăn nói không phù hợp, ngôn ngữ không phù hợp, văn từ không phù hợp, thái độ không phù hợp. Ông bà xưa nói: “Học ăn còn phải học nói”. Chúng ta ăn cũng chẳng học, nói cũng chẳng học, để từ đó đi đâu ăn uống cũng bị người ta chê bai nói chuyện cũng bị người ta ghét bỏ.
Đức Phật nói: “Chính từ chỗ ta không học ăn học nói, nó gây ra sự xích mích, phiền não, chống kình, từ bỏ, tranh đấu, bài bác”. Mà Đức Phật cũng dạy: “Đừng nghĩ rằng ta thay đổi người khác, hãy tự thay đổi mình cho phù hợp”. Đây chính là cách tốt nhất để mang lại sự bình an cho ta và tạo lên sự thương quý của mọi người đối với ta khi chúng ta đối xử với họ. Đạo Phật dạy cho chúng ta trở về với bản thân, nhìn rõ, để nhận ra mình, thay đổi nhân cách sống, thay đổi hành vi sống, thay đổi phương pháp tiếp xúc giao tế với mọi người bằng ngôn ngữ và bằng tâm thái như thế nào để tạo niềm tin, sự bình an, sự vui vẻ, sự dễ thương, dễ chịu. Đừng khi nào thấy người ta khước từ chúng ta, mà nghĩ rằng họ là những con người ác, người xấu, người không dễ thương, mà phải tự suy nghĩ Đức Phật dạy: “Nhìn lại chính mình, thay đổi sửa chữa chính mình” thì nhất định chúng ta sẽ thay đổi được cục diện của xã hội, của nhóm, của cộng đồng, của bạn bè. Đi tới đâu nếu ta biết lắng nghe chính mình, tự sửa cho dung thông, dung hòa với mọi người và tự thay đổi để thể hiện nhân cách tuyệt vời trong tình thương. Và cách nói chuyện của chúng ta phù hợp với ngôn ngữ, với ngữ cảnh, với thái độ, thì nhất định ai cũng thương.
Đừng chạy trốn như loài quạ kia, bởi cứ quạ cứ kêu quạ thì đi tới đâu người ta cũng không thương. Thay vì không thể thay đổi được ngôn ngữ ngay tức khắc, chúng ta hãy im lặng như chú quạ bớt đi một chút, hãy tỏ bày trong sự lắng nghe người ta nói bằng tình thương, dần dần mọi người sẽ thương mến. Nói không hay, thì nghe hay cũng là một cách để chúng ta có được nhiều bạn bè và sống an vui.
Chúc các bạn biết nghe chính mình và sửa đổi mình để mình được mọi người thương mến.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa