Search

Con Đường Trung Đạo

Bát Chánh Đạo là con đường siêu thoát 
Tránh sa vào lối dục lạc tục phàm
Lìa ép uổng xác thân dầm khổ hạnh 
Dưỡng thân cường, tâm định, trí tinh anh

Mỗi một thời trôi qua, lịch sử cũng có ghi thật rõ sự hiểu biết của chúng ta sẽ dần dần thay đổi bởi cái văn hóa của từng thời đại, bởi kiến thức của từng thế hệ và cũng bởi ngôn ngữ chúng ta diễn đạt để cho những thế hệ sau hiểu được chân lý của Phật ứng dụng vào cuộc đời. Có khác về ngôn ngữ, khác về sự thể hiện, khác về sự ứng dụng nhưng chân lý của Phật không bao giờ thay đổi. Mà nó còn phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thế hệ, mọi dòng lịch sử của con người, của nhân loại. Đặc biệt là trong cái kỷ nguyên mới này điều gì cũng phát triển thật là nhanh người ta đã xuống sâu dưới đáy biển tìm hiểu sự sống ở dưới biển. Người ta đã bay lên trên trời và thám hiểm những hành tinh, tìm tòi không gian. Người ta cũng thật là nhiều đi sâu vào trong tâm thức để tìm hiểu giáo lý của tất cả những nền tôn giáo được sáng tạo ra bởi các bậc giáo chủ, hiện nay vẫn còn lưu truyền. Con người có cái khát vọng đi tìm tòi chân lý về mọi lĩnh vực của cuộc sống từ xã hội, kiến thức về không gian, kiến thức về toán học, vật lý học, kiến thức về vũ trụ học, tâm lý học, y học. Ngành học nào con người cũng phát triển nhanh lắm và sự phát triển đó giúp cho chúng ta hoàn thành cái trách nhiệm là một con người luôn luôn tầm cầu những điều hiển hiện để phục vụ cho cuộc sống và kiện toàn kiếp sống. Để khi đau chúng ta bớt đau, khi buồn khổ chúng ta bớt khổ, khi đói khát chúng ta bớt đói, bớt khát. Xã hội, nhân quần, con người tiến bộ nhanh, cũng có những chính sách từ chính phủ của quốc gia này, quốc gia kia không bao giờ tồn tại mãi. Nó thay đổi dần dần để phù hợp hơn sống trong sự tự do nhân quyền. Rồi những nền minh triết của Đức Phật, của các bậc tổ, của những tôn giáo khác cũng dần dần được thâu gọn lại phù hợp với cách sống hiện tại để con người hiện tại này ứng dụng vào cuộc sống.

Hôm nay nói đến chân lý con đường trung đạo của Phật cũng là con đường Đức Phật khế hợp giữa cái cách sống của ngàn xưa tới cái cách sống đương thời của Đức Phật thuở đó nhận rõ con đường trung đạo là con đường sống thiện hảo. Không cần theo tôn giáo nào nếu hiểu thấu ứng dụng vào thời đại nào, con người nào, không gian nào, thời gian nào cũng có thể làm lợi lạc cho đời sống của mỗi một con người, đời sống của xã hội, đời sống của gia đình. Chân lý của Đức Phật tìm ra con đường trung đạo là con đường bất biến, ai cũng ứng dụng được và người nào cũng ứng dụng được và người nào cũng ứng dụng được, nơi con người đó sống luôn luôn hạnh phúc. Chúng ta nghe nói thật nhiều về con đường trung đạo, Bảo Thành có thể nói sơ qua bởi đây là một nền giáo lý thậm thâm vi diệu pháp. Mỗi người chúng ta phải đọc qua, tra cứu, phải tư duy hiểu thấu. Trong cái khung thời gian gọn nhỏ chia sẻ Bảo Thành sẽ lướt sơ qua về con đường trung đạo để rồi nói đến ý nghĩa ứng dụng con đường trung đạo như thế nào trong cuộc sống của quý Phật tử, của các bạn và của Bảo Thành ngay bây giờ.

Các bạn thân mến, chúng ta nhớ lại lịch sử xa xưa trước khi giác ngộ thành Phật thái tử Tất Đạt Đa là một con người sống ở trong cung đình, là thái tử sắp sửa lên ngôi làm vua. Từ tấm bé, mặc dù khi sanh ra mẹ của Phật đã chết, ngài mồ côi mẹ nhưng vẫn được vua cha Tịnh Phạn gửi gắm cho các người dì. Và biết bao nhiêu người giúp đỡ, nâng đỡ, che chở, nuôi nấng trong gấm vóc, ngọc ngà, đồ ăn tràn đầy, sống với phong cách là một vị thái tử sắp được truyền ngôi vua, thái tử Tất Đạt Đa trải nghiệm cuộc sống về dục lạc đầy đủ hưởng thụ. Và có lẽ đâu đó vẫn có những tư tưởng rằng ai rồi cũng sẽ chết cho nên thời đó vua chúa, quan quyền cũng nghĩ như vậy. Nhưng đời sống của vua chúa, thái tử, quan quyền hầu hết là đi vào con đường dục lạc sống tận hưởng vật chất dục lạc và coi đó là chân lý sống, phước báu trường tồn. Do đó, chúng ta cứ tra cứu lịch sử thấy vua nào cũng chết sớm, vua nào cũng nhiều tiền, nhiều của, vua nào cũng có hàng đống vàng trong kho, sống cả một đời ăn chơi trát tán dục lạc nên chết thật là trẻ. Con cái các nhà vua, thái tử, quan quyền ai cũng thế, đó là cách sống của những người giàu có họ đi tìm cuộc đời trong dục lạc. Và rồi cũng có những con người sống ở đời chẳng có cơ hội tìm cái đời sống trong dục lạc đó, vẫn mong cầu tìm một chân lý để sống, họ lại đi vào con đường hành xác. Hành xác đến mức tưởng chừng như trong thân xác này có thể tìm ra một cõi hạnh phúc nhưng rồi có được đâu. Không phải là lý lẽ nói, chính đức thái thử Tất Đạt Đa ngài nhìn thấy cái khổ trong thiên hạ, từ bỏ cái đời sống dục lạc. Bởi thấy rằng cái đời sống dục lạc hưởng thụ cho tới chết chẳng phải là đời sống cao đẹp, chẳng phải là đời sống có thể mang lại lợi lạc cho nguồn hạnh phúc vô biên của mình và hạnh phúc cho muôn người. Đó không phải là cách sống cao thượng lắm nên ngài từ bỏ cái đời sống dục lạc của một thái tử để đi tìm một con đường khác. Rồi thái tử đã học được của hai vị thầy cuối cùng gặp 5 anh em Kiều Trần Như tu theo pháp khổ hạnh. Khổ hạnh đến mức mà có thời gian thái tử chỉ ăn một hạt mè trong một ngày để sống cho đến khi tất cả cơ bắp, cơ thể đều tiêu tán, xương thì lòi ra, tiều tụy vô cùng tưởng rằng đã chết như một thân xác chết rồi còn di động mà thôi. Sức lực kiệt quệ chẳng còn gì thái tử mới nhận ra đó chẳng phải là con đường, dục lac và khổ hạnh chẳng phải là con đường nên quyết định từ bỏ. Rất may phước báu còn do một cô bé chăn dê tặng cho một cái bát cháo sữa dê, ngài uống vào thấy khỏe. Từ đó ngài tìm ra con đường trung đạo chẳng phải dục lạc đắm chìm, chẳng phải khổ hạnh. Mà là con đường nương vào những cái gì đang có, nhẹ nhàng uyển chuyển để sống có ý nghĩa cao thượng hơn. Và trong con đường trung đạo đó ngài thấu rõ được cái khổ, thấu rõ được cái nguyên nhân gây ra khổ, hiểu thấu được cái gì có thể chuyển hóa cái khổ đau đó và cái cõi tịnh hằng khi chuyển hóa hết khổ đau. Đó là con đường Tứ Diệu Đế, bài pháp đầu tiên chuyển pháp luân ngược trở về dạy cho 5 người bạn tu khổ hạnh của mình là anh em Kiều Trần Như. Khổ tập diệt đạo, đi vào đây là sẽ đi vào nền triết học Phật giáo cao siêu.

Chúng ta lướt sơ qua một chút xíu, khổ, Phật thấy rõ cái khổ. Khổ là do sanh lão bệnh tử mà khổ, do cống cao mạn nghi mà khổ, do những điều ta mong muốn không được mà khổ, do gặp những điều không ưng ý mà khổ, do xa lìa những người hoặc những việc ta thích thú mà khổ. Cái khổ đó nguyên nhân gây ra là do sự chấp thủ, chúng ta cứ tưởng rằng ta vẫn luôn luôn khổ mãi và rồi chúng ta lại tiếp tục bám víu vào đó như cái khổ miên trường không bao giờ chấm dứt. Bám víu vào đó, đó là cái nguyên nhân gây ra khổ mà Đức Phật lại tìm ra trong cái nguyên nhân tạo khổ đó vẫn có chỗ tịnh hằng hạnh phúc. Đó là sự không còn khổ, không còn nguyên nhân gây khổ, đó gọi là Niết Bàn. Và con đường dẫn tới cái chỗ không có khổ, không tạo ra nhân khổ đó chính là con đường trung đạo Bát Chánh Đạo – 8 cách sống cao thượng để giải thoát. Trở về con đường trung đạo nói thêm về ý nghĩa của nó, đầu tiên đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ rôi chúng ta đi tới chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm mà chúng ta thường tu tập rồi tới chánh định. Bát Chánh Đạo là 8 con đường chánh để chúng ta có thể tu tập. Sự suy nghĩ đúng đắn, hiểu thấu được Tứ Diệu Đế gọi là chánh kiến, ứng dụng vào cuộc đời suy nghĩ theo hướng đó. Rồi chúng ta chánh tư duy, chúng ta tư duy về những pháp thiện hướng thượng làm tốt, đó là chánh tư duy. Chúng ta đi tới cái chánh ngữ là chúng ta sử dụng những ngôn ngữ thiện xảo, ái ngữ, dễ thương để xoa dịu nỗi đau, tăng trưởng niềm vui cho cuộc đời. Rồi chúng ta đi đến chánh nghiệp là có những hành vi tốt đẹp ứng xử trong cuộc đời. Và chánh mạng là những nghề nghiệp nuôi thân phù hợp như không làm những nghề buôn bán thuốc độc, rượu chè, thuốc súng và những nghề sát sanh. Còn những nghề khác trong tư tưởng thuận hảo giúp cho phương tiện để sống đều là nghề chân chánh, ta làm với cái tâm để sống không tham cầu quá đáng. Rồi chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tinh tấn tu hành trong cái tinh thần giữ được Chánh Niệm hơi thở của cuộc sống và an trú trong sự tịch tĩnh để có được cái chánh định tức là tinh thân không bao giờ lung lay trước mọi hoàn cảnh sống. 8 cái cách tu tập như vậy gọi là con đường trung đạo của Đức Phật truyền dạy cho chúng ta. Mà mỗi một nếu muốn thấu hiểu được con đường trung đạo này chúng ta cần phải đọc sách, đọc kinh, nghe giảng thật kỹ về Bát Chánh Đạo, nghe giảng thật kỹ về Tứ Diệu Đế và ứng dụng nó vào cuộc đời. Để hiểu được khổ tập diệt đạo, hiểu được Bát Chánh Đạo, hiểu được con đường tu đi tới cảnh giới an vui của cuộc sống Niết Bàn.

Trong cái khung giờ thật nhỏ Bảo Thành chuyển hướng để ứng dụng con đường trung đạo vào cuộc đời. Chúng ta đã theo Đức Phật dạy không có cái gì là tuyệt đối tốt đẹp cũng chẳng có cái gì là thật xấu. Chẳng có cái gì gọi là đúng, chẳng có cái gì gọi là sai, giữa hai con người khác lắm, ta quan niệm thế này người kia quan niệm thế kia. Con đường trung đạo của Phật ứng dụng vào ngay trong đời sống của Phật tử tại gia sẽ mang lại hạnh phúc nếu mỗi người chúng ta đừng khư khư chấp vào những điều ta có, cách ta làm và có những chiều hướng suy nghĩ của ta là nhất, là độc tôn. Để từ đó chúng ta cưỡng cầu quá đáng nơi những con người ta gặp gỡ như vậy sẽ tạo khổ bởi những điều không như ý, những điều không phù hợp và những quan niệm sống hoàn toàn trái biệt. Do đó, trung đạo ứng dụng trong đời sống của Phật tử đời thường là chúng ta phải phát triển được đời sống Chánh Niệm để mộng lòng bao dung, tôn trọng cách sống của mọi người theo tinh thần của lòng từ bi hỷ xả. Để đi tới đâu ta cũng không gặp trở ngại trong cái suy nghĩ và hành vi sống của từng người. Mà đi tới đâu ta cũng dung thông hòa hợp bởi chẳng bao giờ tôn vinh cái tự thân trong cái kiến thủ, trong chấp thủ, trong những điều ta hiểu, ta biết, những điều ta quan niệm về những hành vi ta tốt. Mà chúng ta lại thả mình hòa hợp dung thông như nước chảy tới đâu nó dung thông tới mọi miền đất chỗ đó và nơi đó sự sống được tăng trưởng. Nếu chúng ta có được cái đời sống trung đạo không cứng ngắc ôm giữ cái của mình, cái tôi, hiểu biết của tôi, suy nghĩ của tôi, kiến thức của tôi, hành vi của tôi, cách làm việc của tôi, cách hành xử của tôi, tôn giáo của tôi, pháp môn của tôi, gia đình của tôi, thôn xóm của tôi, quốc gia của tôi. Để rồi cứ tự hào, tự hào quá đáng đi đến sự độc tôn tự ngã dâng lên cao sẽ khổ, khổ cho ta và khổ cho muôn người.

Con đường trung đạo là con đường nhận thấy cái giá trị tối cao nơi mỗi một con người là tình yêu thương và sự tha thứ. Từ đó muôn sự khác biệt hành xử trong cuộc đời từ những kiến thức của mọi môn học tới những kiến thức tâm linh tôn giáo. Tất cả mọi thể loại sinh hoạt, quan niệm, ý nghĩa sống của mỗi người chúng ta đều mang chất liệu của tình thương và sự tha thứ để dung thông dẫn đưa mọi cách sống khác biệt đi vào con đường của sự an vui và hạnh phúc. Chúng ta có thể làm được điều đó không? Được. Đức Phật đã giác ngộ, ngài nhìn thấy trên 25 thế kỷ trước ngài đã ứng dụng và thành công. Con đường trung đạo không hẳn nói đến con đường giác ngộ của Phật nữa mà nói đến con đường làm sao chúng ta có thể sống trung dung với mọi người trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian về mọi phương diện góc độ của cuộc sống dưới mọi hình thức. Chỉ cần tăng trưởng một đời sống Chánh Niệm hơi thở để hòa nhập vào với tình yêu, lòng từ bi, lòng hỷ xả vốn có nơi ta thì ta có thể trung dung và hòa hợp được với muôn người, muôn vật, muôn cảnh trong thế gian này để luôn luôn an vui và hạnh phúc. Các bạn, nếu các bạn muốn nghiên cứu về con đường trung đạo trong Phật học chúng ta có thể đi lên Google tìm gặp các bậc giảng sư ở trên đó hay tới các chùa chiền gặp các bậc tôn túc hay đọc kinh. Hôm nay Bảo Thành tóm gọn sơ qua giới thiệu, các bạn có thể nghiên cứu bởi các bạn là các nhà nghiên cứu Phật học hoặc các bạn mới bắt đầu nghe chúng ta đều có cơ hội như nhau. Nhưng Bảo Thành mở rộng hơn, mớm để cho Bảo Thành và các bạn thấy rằng con đường trung đạo không chỉ cứng ngắc trên con đường của Phật giáo. Mà nó là cách sống trung dung để hòa hợp với muôn người, muôn vật, muôn cảnh trong mọi thời đại, thời gian khác nhau của từng thế hệ. Dù bạn có là Phật giáo hay tôn giáo nào đi nữa thì cách sống trên con đường trung đạo Đức Phật tìm ra là một cách sống viên mãn, viên giác, hoàn hảo để ta sống vui, sống bình an, sống hòa hợp không có sự khác biệt. Dù mỗi người chúng ta rất khác biệt nhưng dưới con mắt của tình thương, dưới lòng bao dung và tha thứ muôn sự khác biệt đó đều có chỗ để dung thông, đều có chỗ để tới để đi, đều có chỗ để dừng, để hòa hợp. Sống ở trên đời cao quý nhất vẫn là tình thương, lòng bao dung và tha thứ. Con đường trung đạo của Đức Phật dạy là con đường không bám víu vào một bên để khước từ bên kia mà con đường cả hai bên trái và phải, đúng và sai được hòa hợp bằng tình yêu thương, lòng bao dung và tha thứ. Các bạn thấy thật là rõ giữa hai con người tới với nhau khác lắm, một người là trai một người là gái, giữa hai gia đình xa lạ vô cùng, cách sống xa lạ thế mà họ có thể tới với nhau để thành vợ, thành chồng, thành cha, thành mẹ. Chính là bởi vì họ sống bao dung, yêu thương và tha thứ, sống trung dung mang sự khác biệt của nhau hòa trộn để thành một mái ấm gia đình đó là con đường trung đạo. Còn nếu như các bạn ta tới với gia đình này, ta tới với gia đình kia không thể hòa hợp giữa hai con người khác biệt sao có thể một gia đình mới. Thấy rõ được con đường trung đạo, chân lý đó hiện diện giữa hai trái tim của hai người tới với nhau từ hai hướng khác biệt làm nên một gia đình hạnh phúc.

Các bạn, con đường trung đạo của Phật ứng dụng vào mọi góc độ của cuộc sống, ngay trong văn phòng làm việc nếu bạn khế hợp cái kiến thức, trí tuệ của những người tới làm việc với các bạn ở trong văn phòng. Hoặc những người ở dưới hoặc những người ở trên biết giữ con đường trung đạo hòa hợp trong tình thương, lòng bao dung và tha thứ thì nhất định mọi sự cống hiến của muôn người sẽ được hợp tác với nhau, làm nên những thành quả cao quý vô cùng cho xã hội. Trong một gia đình, trong một đất nước, trong một cái tập thể, trong một nhóm nếu chúng ta sống theo con đường trung đạo, giữ vững cái tâm bằng tình yêu thương, bao dung và tha thứ thì tập thể đó, gia đình đó, rồi công ty đó, rồi đất nước đó luôn luôn biết tôn trọng những thành quả cao quý của mọi người cống hiến chung với nhau. Ở trong đó không có sự ganh tị, chê bai, chấp nhất, gièm pha, đè bẹp mà chỉ biết sách tấn, nâng lên như những bông hoa nở rộ dưới ánh mặt trời. Các bạn, đó là đời sống trung đạo. Người Phật tử tại gia các bạn đang sống trong thời đại này cần quan niệm một cái cách sống mới để ứng dụng chân lý trung đạo của Phật vào đời sống, mang Phật học như nguồn nước tưới tẩm mọi tư tưởng, hành vi, suy nghĩ, ngôn ngữ của ta. Để làm tươi hơn cái cuộc sống này trong cái xã hội tưởng chừng như Phật giáo, lời của Phật xa rời khỏi cuộc sống không còn xa cách nữa mà thật gần, thật gắn bó trong đời sống bình thường của mỗi người chúng ta. Mỗi người chúng ta khi sống với con đường trung đạo là sống với tình yêu thương vô vị kỷ, sống với lòng bao dung vô tận, sống với sự tha thứ. Đó là con đường trung đạo ai cũng có thể sống được để có được một đời sống trung dung với muôn người. Để nơi đâu ta có mặt, nơi đâu ta sống chan hòa tình yêu thương và đầy ắp những năng lượng tích cực, hướng tới những điều vô thượng cao cả Đức Phật đã trao truyền cho chúng ta.

Các bạn thân mến, đó là con đường trung đạo, con đường nhẹ nhàng ứng dụng vào đời sống của người Phật tử tại gia, là những người công nhân, là những người nông dân, là những người lam lũ trong cuộc đời bận rộn không có cơ hội. Bởi lo cho chồng, cho vợ, cho con, cho cha, cho mẹ chẳng còn thời gian mài dùi kinh Phật để tìm trong 45 năm trời Phật dạy cái gì. Nhưng một lời đơn giản trong con đường trung đạo là sống yêu thương, sống bao dung và tha thứ đã trọn vẹn thật nhiều trong cuộc sống nơi kiếp người bận rộn cơm ăn áo mặc của hàng Phật tử tại gia chúng ta. Các bạn, hãy sống với ý nghĩa đó để thong dong và tự tại, để bên ta luôn có Phật và Phật luôn luôn ở trong cuộc đời của chúng ta. Cám ơn các bạn đã nghe, chúc các bạn sự an lành ngày cũng như đêm.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.                                                                              

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn