Bảo Như đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Lành thay! Lành thay! Mỗi ngày khi thức dậy với hơi thở vào ra ta còn có nhau.
Các bạn thân mến, đời người là một chuỗi dài chẳng biết lúc nào tới lúc nào đi. Tới và đi chẳng ai làm chủ được. Khi nhìn ra thì ngỡ ngàng biết bao nhiêu. Chuyện tới đi bao năm suy nghĩ hoài và nghĩ có ra đâu. Đó là chuyện mà ta hay thắc mắc. Hai chữ nhân duyên trong nhà Phật nó bao hàm một chân lý cao siêu vô cùng. Người công phu tu tập theo lời khai thị của Chư Phật thì hai chữ “Nhân duyên” nó tuyệt vời vô cùng. Nếu không am tường được nhân duyên ta sẽ khổ. Khổ là tại vì ta không biết được tại sao ta tới, tại sao ta đi, tại sao ta sống và tại sao ta chết. Trên đời này ai có thể biết được lúc nào sống lúc nào chết? Chỉ có nhân duyên trả lời. Tuy nhiên chúng ta trở về một câu chuyện xưa xảy ra ở trong xã hội Ấn Độ thời đó.
Xã hội Ấn Độ thời đó là xã hội thờ thần cúng bái nên thường hay giết thú để cúng thần. Và trong khu vực gần nơi Tịnh Xá Kỳ Viên – nơi Đức Phật đang an trú, có một vị Bà La Môn hay cúng thần và luôn luôn giết hại súc vật để cúng. Nhưng khi các đệ tử hỏi với Đức Phật rằng: Thưa thầy! tại sao những người Bà La Môn hay những người dân ở dây khi cúng thần họ cứ hay phải giết con dê hoặc thú như vậy để cúng thần, chúng con thấy thật đau lòng. Đức Phật mới nói như vầy: Đó là thói quen của người ta, thói quen bởi vô minh che lấp nên cứ ngỡ rằng cúng thân mạng của loài vật sẽ làm cho thần linh sung sướng nhưng mà sai. Rồi Phật kể cho các vị Tỳ Kheo đó nghe về một câu chuyện
Thời xưa, có một vị Bà La Môn, vị này cũng hay sai gia nhân bắt dê mang đi giết để cúng kiếng cho thần linh. Bà La Môn là một vị chủ tế, luôn luôn có những nghi thức huyền bí khi cúng thần. Gia nhân mang con dê ra bờ sông để tắm rửa cho sạch sẽ. Nhưng khi tắm thì con dê nó cười: Kha kha kha… Người ta thấy ngạc nhiên lắm vì loài dê biết cười. Gia nhân tắm rửa cho con dê sạch sẽ xong rồi dắt mang về cho ông Bà La Môn và được nghe gia nhân kể là con dê biết cười. Lấy làm ngạc nhiên vô cùng nên mới lại gần coi thử coi con dê có biết cười hay không? Vị Bà La Môn liền hỏi dê: Này! có phải ngươi biết cười hay không? Con dê liền cười” Khà khà khà…” và còn nói nữa: Chào ông Bà La Môn. Ông Bà La Môn ngạc nhiên hỏi lại: Sao ngươi lại cười? Con dê nói: Ta cười bởi vì ta sắp bị giết. Ông Bà La Môn càng ngạc nhiên: Ngươi sắp bị giết, tại sao ngươi cười. Ngươi sắp bị giết ngươi phải khóc phải buồn chứ sao ngươi lại cười? Con dê lại cười “Khà khà khà…”, nó mừng nó nói rằng: ta đã bị giết 499 lần rồi, chỉ còn 1 lần nữa ta cũng sẽ phải chết, kiếp này đây ta cũng sẽ bị giết cho trọn đủ 500 kiếp bị giết. Ông Bà La Môn nghe qua thì động lòng và hiểu được triết lý việc giết vật để cúng thần linh cũng chẳng phải lẽ nên tha cho con dê. Nhưng con dê vẫn cười và nói với người Bà La Môn rằng: Ta cũng sẽ chết thôi, dù ông có thả ta ra ta cũng chết, không giết ta cũng chết. Người Bà La Môn nghe cũng thấy lạ, nhưng bởi trong lòng hiểu ra được chân lý là chẳng thể giết thú vật cúng thần linh mà linh thiêng. Do đó ông ta quyết định thả con dê đó ra. Con dê sau khi được thả đi đây đi đó ăn uống và trong ngày nó ngóc cổ lên kéo lá cây cao trên cành để ăn, nhưng không hiểu sao trên đó có cục đá to rớt xuống, cứa ngang cổ làm con dê chết. Ai cũng ngỡ ngàng, ai cũng ngỡ ngàng vì con dê nói thật là huyền diệu. Nó nói nó chết và đấy nó chỉ cắn lá cây thôi vậy mà cục đá ở đâu rớt xuống đầu cứa ngang cổ nó chết. Người ta không biết làm sao để giải thích, người ta và ông Bà La Môn cũng rất ngạc nhiên thì bỗng nhiên ở trên cây đó có ông thần hiện ra và nói thật là rõ lý nhân duyên rằng: Nó đã tới thời thọ mạng viên chung phải chết cho trọn đủ 500 kiếp bị giết. Cho nên hôm nay đã tới ngày, ông không giết nó thì nó cũng sẽ chết. Nhưng nó chết vì nghiệp chứ chẳng phải chết vi ông giết nó. Còn nếu như nó chết do ông giết nó thì nó cũng đến lúc mạng nó phải chết đó, nhưng ông sẽ tạo ra nghiệp sát vô cùng. Rất là may ông đã ngộ ra chân lý và ông đã phóng sanh nó. Biết rằng nó sẽ phải chết nhưng nó chết vì thọ mạng chứ không phải chết vì nghiệp sát của ông. Ông thần cây đó giải thích xong thì ông Bà La Môn mừng vô cùng và cúi xuống bái lạy thần phục trước sự khai thị của vị thần đó giúp ông ta giác ngộ.
Đức Phật mới nói tiếp: Ông thần cây đó chính là tiền thân của Đức Phật ngự ở cây đó, hiểu được lý nhân duyên khai thị để người Bà La Môn hiểu rõ. Chúng Tỳ Kheo nghe xong thần phục ở trong lòng, nhân duyên kiếp trước Phật là thần cây đã biết khai thị, nay chúng ta có nhân duyên đi theo đấng Giác Ngộ thì thật là tuyệt vời. Ngài khai thị một chân lý mà cũng chỉ vì vô minh mà con người cứ hiểu lầm giết súc vật để cúng thần linh. May rằng con dê đã đánh thức ông Bà La Môn và ông Bà La Môn đã tha cho con dê, đã tạo được phước báu, có đầy đủ phước báu nên mới được sự khai thị của thần cây.
Các bạn, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường giết hại súc vật để cúng kiếng. Bởi mỗi lần cúng kiếng ông bà, đám giỗ thôi thì giết gà, vịt, chó…. Ôi…là giết, giết giết đủ thứ để cúng kiếng. Nhưng mà theo Đức Phật nói thì thần linh cũng chẳng ăn những thứ đó vì cúng để cầu lợi mà ta sát sanh thì đã là tạo nghiệp rồi, rồi thì làm sao mà có lợi lạc. Nhất là vấn đề chúng ta cúng thần khi đồn thổi là thần này thần kia, bà này bà kia linh thiêng rồi ôi thật tội nghiệp biết bao nhiêu súc sanh phải bị giết. Giới thứ nhất trong nhà Phật là: Cấm sát sanh, thế mà ngày nay ngay cả các Phật tử – chúng ta đã quy y rồi, chúng ta thấu hiểu được chân lý của Phật rồi nhưng vẫn còn sát sanh để cúng tế. Nhất là vào những ngày đám giỗ đám tế ông bà, rồi cúng cả thần này thần kia để cầu mong may mắn làm ăn cho được bằng những lời trau chuốt ở đầu môi. Nhưng mà rồi đó, cúng tế thì nghe thật là hay, nhưng bàn tay nhuốm máu đau thương vô cùng. Các bạn có thấy không? Cúng tế đó.
Lời văn tế cao siêu thần nhỏ lệ. Bàn tay nhỏ mong manh đầy máu nhuộm. Bởi vì sao? Bởi vì ta cúng tế ta đọc hay quá mà ông thần còn phải khóc. Khóc không phải bởi vì chúng ta đọc văn tế hay đâu mà ông khóc là bởi vì chúng ta đã làm văn tế hay cúng thần đó để rồi ra tay giết hại biết bao nhiêu chúng sanh, ông khóc cho nghiệp của chúng ta. Vẫn biết trong chúng sanh đó thọ mạng tới phải chết, nhưng chúng ta hãy để chúng chết một cách tự nhiên theo thọ mạng vẫn hay hơn là bàn tay của chúng ta nhúng máu, đặc biệt là giết chúng vì một mục đích không đúng, như là cúng thần, cúng ông bà cha mẹ. Ông bà cha mẹ nào có về ăn súc vật đó đâu, hôi tanh máu sát sanh làm sao ăn được.
Các bạn thân mến, chúng ta được Phật khai thị là đừng có sát sanh, đừng có cúng kiếng bằng cách sát hại. Bởi những nghi thức cúng kiếng đó cũng chỉ là “nghi”, và nếu đã là nghi thì hãy giảm nhẹ bằng các hình thức cúng chay, hoa trái là được rồi. Thậm chí chỉ cần có tấm lòng dâng lên trong sự thanh tịnh cũng là tuyệt mỹ rồi.
Cần chi đâu phải nhuốm máu vào tay.
Đưa con dao cắt cổ lìa xác chúng sanh.
Cúng làm chi thần linh nào có hưởng.
Cúng làm chi ông bà nào có đến.
Tội nghiệp sát nặng nề khó trốn mọi người ơi.
Chúng ta nghe câu chuyện Đức Phật kề về tiền thân là ông thần khai thị cho ông Bà La Môn về chuyện giết dê để cúng. Bà La Môn kia là một truyền thống giết để cúng, thế nhưng được con dê cười và nói rõ ràng thì ông ta cũng được khai mở và rồi phóng sanh. Sao ta không thực hiện pháp phóng sanh để giải trừ nghiệp sát của ta mà ta lại cứ tiếp tục với như những kiếp trước sát sanh, sát sanh, sát sanh… để cầu may. Sát hại mạng sống của người khác thì sao có thể cầu may được, mang mạng sống của người khác để thế chấp cho những điều ta mong muốn – hoàn toàn là sai lệch, nghiệp sát thật là nặng.
Hãy cố gắng nhìn cho thật rõ, và để nhìn rõ điều đó, có đủ sức để thực tập điều đó thì Đức Phật dạy hãy quán chiếu hơi thở chánh niệm trong pháp phóng sanh. Chúng ta hít vào, thở và quán chiếu trong hơi thở chánh niệm đó và thầm nói “Phóng sanh”. Hạnh phóng sanh trong hơi thở chánh niệm sẽ giúp cho chúng ta quán chiếu rõ mạng sống và tôn trọng mạng sống của mọi loài chúng sanh. Và chúng ta phá vỡ được mê tín dị đoan trong tất cả các nghi thức cúng tế giết hại chúng sanh, để giảm tuyệt đối nghiệp sát, tăng trưởng phước báu trong pháp thiện là phóng sanh để giữ được tâm an lạc, tăng thêm tuổi thọ. Nếu chúng ta đã không sát sanh mà lại còn phóng sanh thì chúng ta sẽ giải trừ được nghiệp chướng, tăng thêm tuổi thọ, thân sẽ hết bệnh, tâm sẽ hết phiền não. Bố thí nhất thiết Chư Phật trên đời là pháp phóng sanh, phóng sanh có nhiều pháp như ngoài các chư huynh đệ chúng ta phóng sanh là thả các loài bị bắt nhốt rồi giết. Phóng chúng tức là giải phóng không để chúng bị giết, mà đặc biệt hơn nữa là chúng ta phải phóng sanh bằng cách là chớ khi nào dùng ngôn ngữ ác độc làm tổn hại suy nghĩ của người khác. Nên dùng những ngôn ngữ tốt đẹp, dễ thương, ái ngữ để tăng trưởng sự hài hòa, niềm vui cho mọi người thì đó cũng là hình thức phóng sanh. Phóng sanh còn khởi lên những ý thiện, tác ý như pháp thiện của nhà Phật thì nó sẽ tăng trưởng năng lượng hồi hướng cho muôn loài muôn vật trong sự bình an. Những sự phóng sanh như vậy sẽ tăng trưởng phước báu, thọ mạng của bạn và thọ mạng của cha mẹ ông bà, người thương yêu của chúng ta khi chúng ta hồi hướng cũng tăng long phước thọ, thân hết bệnh, tâm hết phiền não.
Phóng sanh là pháp tuyệt vời
Người ơi! Chớ giết hại muôn loài để cúng nghe.
Chúng ta vì cúng mà giết hại muôn loài, không có tốt. Khuyên các bạn đừng khi nào sát sanh để cúng, đừng khi nào giết hại để làm tế lễ. Hãy cố gắng thực hiện pháp phóng sanh, an trú trong hơi thở chánh niệm, để làm gì? Để các bạn có được sức khỏe về thân, để các bạn có thể tiêu tan bệnh tật của thân và để tâm các bạn được thanh tịnh và giải trừ được các dòng nghiệp thức do sát gây ra từ vô lượng kiếp qua. Cảm ơn các bạn đã nghe Bảo Thành. Cầu chúc các bạn an nhiên tự tại trong từng giây phút của cuộc sống.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.