Bảo Thành kính chào các bạn.
Chúng ta vẫn tiếp tục gặp gỡ nhau trên mạng Youtube Thất Bảo Huyền Môn. Đây là một phúc lành cho Bảo Thành và các bạn, chúng ta vẫn giữ được sự tương quan với nhau, trên mạng Youtube này. Cám ơn tấm lòng của các bạn.
Các bạn thân mến. Ai trong chúng ta cũng muốn đi học, đó là bản tánh tự nhiên của mỗi con người. Chúng ta học để có kiến thức, để biết sử dụng cái này cái kia, phải có kiến thức nâng đỡ cuộc đời, để làm sao đạt được mục đích là tạo ra hạnh phúc cho ta và nuôi dưỡng gia đình, điều này phù hợp và tốt đẹp, không có gì sai trái.
Các bạn thân mến. Không phải khi muốn học, gặp ai dạy cho ta cũng được, phương pháp dạy như thế nào có thể giúp cho chúng ta hiểu được. Có biết bao nhiêu lần chúng ta được học các bậc giáo sư ở trên trường, hoặc những thầy dạy nghề, dạy hoài mà chúng ta không hợp, không có học được, rồi cũng có những bậc thầy dạy giỏi, dạy chúng ta vẫn không am hiểu. Cũng có nhiều phương pháp để dạy mà hầu hết các thầy dạy giỏi, chưa chắc các ngài đã dùng phương pháp tối ưu cho tất cả mọi người. Tùy theo từng căn cơ ứng dụng các phương tiện như thế nào, để cho người kia có thể học được, đó là điều quan trọng. Điều này cao quý ở chỗ, là khi một người thầy hướng dẫn cho một đệ tử, có biết ứng dụng phương tiện thiện hảo hay không, để làm cho người đệ tử thấu hiểu được điều mà mình muốn khai thị, từ đó thực hành cho đúng.
Nhớ rằng ở trên đời, người với người đã khó rồi, huống hồ chi khi chúng ta muốn khai thị, hướng dẫn cho một người có quyền lực nhiều hơn. Chính quyền lực và kiến thức của người đó, đôi khi không cho phép họ học một cách bình thường như người khác. Sơ ý đôi khi còn tổn hại đến tính mạng, sức khỏe của chúng ta.
Giống như câu chuyện ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, có một vị vua đã mời Đức Phật tới để khai thị cho Vua về Phật giáo. Ông ta là một ông vua, mà các bạn thấy rằng các vị vua thời xưa, dù có gọi là minh vương, hay có tốt đi nữa, thì vẫn luôn có những hành động, suy nghĩ, cách làm bất công cho dân, hà hiếp dân. Nay mời Phật khai thị, Phật quán chiếu, để làm sao khai thị cho vị vua này hiểu được giáo lý, chân lý trị vì dân, để dân được vui, được hạnh phúc, được sung túc, đầy đủ, để mọi con dân bớt đau khổ. Vua mời Phật ngồi, Phật ngồi trước mặt Vua quán chiếu nhân duyên, rồi Phật chậm rãi uống một tách trà nhẹ nhàng, như đang nói chuyện với người thân. Đức Phật kể cho Vua nghe một câu chuyện về một con chó đói.
Một người thợ săn có một con chó thật là hay, nó hiểu biết tất cả và có tài ngửi và biết được tánh người. Một ông vua nghe được điều đó, liền mời anh chàng kia dắt chó tới để Vua xem và quan sát. Khi con chó được dắt tới gặp Nhà Vua, nó tru lên, ầm lên nghe rợn cả người, Vua cảm thấy lạ lùng, tại sao con chó gặp ta lại tru lên như vậy. Vua mới hỏi chàng kia tại sao, anh ta mới nói con chó đang đói dữ lắm, nếu Vua có gì cho nó ăn chắc nó sẽ bắt đầu. Vua liền cho nó ăn thật là no, ăn xong nó lại tru lên một tiếng thất thanh cao ngất làm nhứt lỗ tai Nhà Vua và bao nhiêu người nghe đều rùng rợn sợ hãi. Vua ngạc nhiên, nó là chó đói đã được ăn no, sao chưa phát huy được khả năng đó. Anh chàng chủ con chó mới dịch lại cho Vua: Thưa Vua con chó đã ăn no đủ, nay nó ngửi thấy ở nơi đây có những mùi vị không phù hợp. Vua hỏi: Mùi vị gì. Anh chàng trả lời: Đó là mùi vị bất công, mùi vị dùng quyền trấn áp dân, mùi vị quan quyền trấn lột nhân dân, mùi vị máu của người dân đổ xuống cho sự tàn ác.
Vua lúc đó nghe thấy sững sốt, muốn vung kiếm ra chém đầu anh kia. Nhưng khi kiếm vừa lọt khỏi tầm tay, Vua thoáng lên một tư tưởng nên giữ kiếm lại. Ngẫm suy thấy lời nói đó thật đúng, bởi bao nhiêu năm nay vị Vua đã lo lắng thật nhiều cho các Quan quyền trong triều đình, quá lộng quyền giết hại dân, bất công đối với nhiều người con dân trong nước, nhưng Vua chưa tìm ra được phương pháp. Nay nghe một loài chó đến đây, nó còn cảm giác được sự lộng quyền của các Quan, của những người làm lớn trong cung đình. Vua ngạc nhiên vô cùng, nhưng chỉ có thể nhận thức được khi rút kiếm ra mà thôi. Vua vội dừng kiếm lại mà suy nghĩ, nếu thanh kiếm này cứa vào cổ anh kia, thì một sinh mạng phải chết, lời nói thật chẳng còn đến tai Vua, Vua dừng kiếm ban thưởng cho anh ta, và hiểu được điều gì anh ta phải làm.
Đức Phật kể câu chuyện đó cho Vị Minh Vương nghe, nghe xong Vua toát mồ hôi, cúi xuống lạy Phật sám hối, cầu xin Đức Phật nhận làm Đệ tử tại gia, khai thị cho Vua con đường làm sao trị vì nhân dân của mình.
Các bạn thân mến. Câu chuyện này nói lên ý nghĩa rằng, mỗi khi con người của chúng ta đưa địa vị mình lên cao như một ông Vua, thì chúng ta thật khó học, thật khó để lắng nghe những kinh nghiệm của người xưa, hoặc các bài học giáo lý của các bậc Cổ đức Thánh hiền, bởi lòng tự cao tự đại của ngôi vị, tiền và quyền lực, của sức mạnh trong tầm tay mà gạt bỏ hết những lời hay và chân lý ở đời.
Các bạn, khi Đức Phật gặp ông Vua đó, Đức Phật nghĩ phải làm sao nói với người đầy quyền lực này về một chân lý trị vì nhân dân. Nếu mà không thể khai thị đúng, Vua sẽ nỗi giận không nghe, mà còn hại đến sinh mạng của Phật. Chẳng cần phải lý thuyết gì nhiều, chỉ cần một câu chuyện bình thường, về một con chó đói cho ăn no, rồi nhận thức được, ngửi ra mùi bất công trong cung đình, vị Vua này đã thuần phục Đức Phật.
Qua câu chuyện này ta học được rằng: Ở trên đời khi tầm cầu đạo, không phải ta tới một vị như Phật, như các bậc Thầy, để nghe một bài giáo pháp cao siêu đâu. Đức Phật đâu có nói gì cao siêu về những giáo lý vi diệu của Ngài đâu, mà giáo lý cao siêu vi diệu của Ngài, được thể hiện trong một câu chuyện rất bình thường về một con chó đói, thế mà đã làm cho một vị Vua phải rúng động chân thành, quỳ xuống xin Phật nhận làm đệ tử tại gia.
Chúng ta ở trên đời, nếu như muốn cầu đạo giác ngộ, cũng đừng tìm đến vẻ hoa mỹ về ngôn ngữ ở bên ngoài, tướng hảo của đền, chùa, thiền viện, mà tới bằng chân tâm, để cho ai đó mà chúng ta ngưỡng mộ làm Thầy, có thể quán chiếu nhân duyên, áp dụng những pháp, phương tiện tuyệt xảo, gọn gàng, đơn giản, để đi thẳng vào tâm có tự ngã, bản ngã cao nhất như Vua. Nhớ vị Vua trong câu chuyện đã tuốt thanh kiếm ra, và chỉ đi một đường thật nhẹ thì cổ anh kia sẽ đứt xuống, một sinh mạng sẽ lìa đời.
Những người có quyền lực, như chúng ta trong thế giới này, thí dụ như có tiền, có quá nhiều tiền, có quyền lực, có sức mạnh trong đời, ta tới chùa, ta gặp các thầy, ta nghĩ ta có tiền, có quyền là các Thầy phải nghe, phải giảng cho ta những lời thật hay. Mà những lời đó tán tụng ta, nâng ta lên để có tiền, để ta cho, bởi vì ta có, với tư tưởng như vậy ta không thể học được, nhưng nên nhớ rằng các bậc Thầy luôn luôn có trí tuệ, chẳng phải tới để cầu lời hay ý đẹp, để tán tụng ta đâu, các Ngài sẽ quán chiếu như Đức Phật thấy, mà kể cho vị Vua chuyện về con chó, nhờ vậy mà Vua giác ngộ. Nhưng các bạn nhớ ông Vua đó vẫn có thiện căn nghe theo Phật, còn các bạn ngoài kia nếu có tâm cống cao như ngã mạn, chưa chắc đã có thiện căn như vị Vua nghe lọt lỗ tai những câu chuyện pháp phương tiện của các Thầy đã nói. Cho nên trên con đường học đạo, có hai điều chúng ta phải ghi nhớ: trước nhất cố gắng kềm hãm tâm của mình xuống đáy của sự khiêm tốn, để cho lòng khiêm tốn hiển lộ, lắng nghe các bậc trên dạy dỗ, thứ hai đừng quá cầu kỳ trong văn tự khi tầm đạo giác ngộ.
Đạo giác ngộ không nằm trong văn tự, trong chùa to, đình lớn, mà đạo giác ngộ nằm trong ý mà người truyền đạt đó có thể quán chiếu, hiểu thấu, dẫn ý để giúp cho chúng ta ngộ tất cả những lời giáo dưỡng của Thế Tôn, của những bậc Thầy. Mục đích duy nhất là dẫn dắt chúng ta đi đến tầm hiểu biết rõ hơn, sâu sát hơn, ứng dụng chân lý thượng thừa, phải nói như vậy cho dễ nghe các bạn. Chân lý thượng thừa để chúng ta biết thay đổi, sửa chữa mà chuyển hóa cuộc đời, giữ được hạnh phúc cho chúng ta và mang lại hạnh phúc cho muôn người.
Đạo Phật không xa rời thực tế, rất gần gũi chúng ta, gần gũi với công việc. Trong công việc, trong sứ mệnh làm người, trong khi ăn uống ngủ nghỉ, mọi tạo tác của cuộc đời, Đạo Phật đều ở ngay trong đó, chân lý của Đức Phật ngay ở trong đó không xa rời cuộc sống, mà thật gần với cuộc sống con người.
Đạo Phật không phải là lìa bỏ tất cả để trở thành ông Phật bay lơ lững trên Trời, mà Đạo Phật là để chuyển hóa cho ta có một tâm địa hiền lương, biết sửa sai, biết nhìn nhận những lỗi lầm, tội lỗi của chúng ta để sửa chữa, cho chúng ta được bình an, hạnh phúc, nhất là những người sống chung với chúng ta luôn được hạnh phúc. Đạo Phật là mang vui cứu khổ, mang niềm vui của ta trao cho người, và làm sao những sầu khổ của con người được giảm đi, bởi chính trong người chúng ta lan tỏa được lòng yêu thương.
Các bạn nhớ được câu chuyện này, chúng ta cố gắng nghe, không cần biết các bạn là ai, có quyền lực về tiền tài hay về danh vọng, địa vị, có quyền lực trong chính quyền hay trong một cấp độ nào đi nữa, con đường tầm cầu giác ngộ, không cần thiết là chúng ta mang cái của mình, đặt ngay trước mặt. Nếu đã có tâm cầu đạo như vị Vua kia thỉnh Phật, thì một câu chuyện con chó đói cũng đủ để giác ngộ. Không có tâm cầu đạo, thì dù bậc Tổ đức, Thánh hiền hiện ra, đưa kinh sách cả một đại tạng kinh hoặc một tàng kinh các, ý nghĩa cao siêu, các bạn vẫn mù tịt mà thôi.
Cám ơn các bạn lắng nghe.