Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn. Chúng ta đang trên YouTube Thất Bảo Huyền Môn. Các bạn thân mến! Hôm nay Bảo Thành có cơ hội trở về trên kênh YouTube này để có những câu chuyện gợi ý cho Bảo Thành và các bạn tư duy trong cuộc sống, nhất là trên con đường chúng ta tu tập, đi tới sự an lạc của tự thân, và nuôi dưỡng niềm hạnh phúc tới cho mọi người. Để có được niềm hạnh phúc, nuôi dưỡng hạnh phúc cho ta và cho người, chúng ta phải luôn học hỏi, trau dồi sự hiểu biết để nhận thức được rõ ràng tính cách, nhân phẩm của từng người mà chúng ta sống hòa với nhau. Chúng ta sống với họ, hòa hợp với họ, với nhân cách, tính tình và với tất cả cả những gì có sẵn trong họ, chúng ta không tới để thay đổi họ nhưng chúng ta tới để hòa nhập với mọi người.
Các bạn thân mến, có một câu chuyện kể như vầy: Có hai sư huynh đệ là những người tu đã lâu ở trên núi. Hôm đó hai huynh đệ di tản xuống sườn núi ngang một con suối nhỏ. Sự kinh hành này là sự kinh hành trong chánh niệm mà các nhà sư thường thực tập để giữ hơi thở chánh niệm, an trú trong chánh niệm, và để tu trong chánh niệm. Rồi một vị sư huynh nhìn thấy con bọ cạp bị té xuống dòng nước đang cuốn trôi ở dưới suối, sư huynh liền cúi xuống đưa bàn tay vớt chú bọ cạp lên và đặt ở trên bờ. Khi vớt được chú bọ cạp và đặt lên trên bờ, thì chú bọ cạp đó liền cong đuôi chích vào bàn tay của sư huynh. Dù đau đớn, nhưng sư huynh rút tay ra và nhẹ nhàng đặt chú bọ cạp xuống đất để nó từ từ lũi vào bụi cỏ bên cạnh dòng suối.
Sư đệ cảm thấy như vậy đau đớn quá nên nói với sư huynh rằng: con bọ cạp nó đã cắn sư huynh, nhìn bàn tay của sư huynh đi, nó sưng lên rồi, đau đớn như vậy. Con bọ cạp không có tốt, sao sư huynh không để mặc nó ở dưới dòng nước suối cho trôi đi mà vớt lên làm chi? để rồi nó trả ơn bằng cách chích ngược lại. Sư huynh nhìn bàn tay sưng vù, lớn hẳn lên, nhưng lòng chẳng thấy đau, cười nhẹ nhàng và nói với sư đệ rằng: Sư đệ à! Con bọ cạp bản tánh tự thủ, bảo vệ mạng sống của nó dù đánh chết đi nữa thì được ai cứu, bản tính của nó vẫn cong đuôi và chích vào để bảo vệ mạng sống. Sư huynh thấy nó trôi trên dòng suối có thể bị chết nên vớt nó lên, bản tính của nó cong đuôi chích, sư huynh hiểu được, sẵn sàng đón nhận sự trả lại với ngòi chích có độc của đuôi bò cạp, còn hơn là sư huynh nhìn thấy nó bị cuốn trôi trên dòng nước và chết. Sư đệ lúc đó mới hiểu ra sự kinh hành trong chánh niệm của sư huynh, chắp tay và cảm ơn sư huynh đã khai thị.
Các bạn thân mến. Cuộc sống của chúng ta, biết bao nhiêu lần các bạn và Bảo Thành đã than trách cho những hành động và tương tác với những người xung quanh, đặc biệt nhất là khi các bạn có tâm ý giúp người, như su huynh giúp con bò cạp ở dưới dòng nước đang bị nhấn chìm và cuốn trôi. Nhưng sự trả ơn của con bò cạp là gì? Là cái đuôi cong lên chích lại vào bàn tay của vị sư huynh đó bị sưng đau. Chúng ta đã bao nhiêu lần mở rộng vòng tay nhân ái, chúng ta đã bao nhiêu lần có những nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ biết bao nhiêu người trong khi họ lâm nguy, rồi khi họ thoát nguy, họ có đáp trả lại ta như con bọ cạp kia không? Ai đó trong chúng ta cũng đã đau trong lòng khi giúp đỡ người này người kia trong cơn nguy biến, hoặc trong cơn họ gặp nguy hiểm, thế nhưng khi chúng ta đã giúp rồi họ chẳng trả ơn mà còn trả oán gây ra chúng ta nỗi đau hoài khó nguôi.
Chúng ta cũng đã có thể giúp đỡ không phải người ở xa, mà giúp đỡ những người thân cận trong gia đình, chắc chắn các bạn đã từng mở lòng ra để giúp đỡ những người như anh em, chú bác, như những người thân trong gia đình của chúng ta khi gặp nguy biến, hoặc khi gặp hoạ. Thế nhưng khi đã bình ổn trở lại rồi, họ trả lại cho ta là gì, là những nỗi buồn trong tim, là những lời đay điếng nói ngược xuôi. Chú bọ cạp kia trả ơn khi bị dìm trong dòng nước, được sư huynh cứu lên là cong đuôi chích vào, một chút độc thôi cũng đã sưng tay. Huống chi khi chúng ta mở rộng lòng giúp đỡ những người thân hoặc những người ở bên ngoài là sự trả lại là gì? là những lời sắc như dao, hoặc những hành động nghịch lý làm cho ta đau lòng.
Đã biết bao nhiêu lần các bạn bị như vậy, đã biết bao nhiêu lần Bảo Thành cũng đã chứng kiến và được tâm sự. Và biết bao nhiêu sự giúp đỡ của các bạn đối với những người các bạn thương yêu, hoặc đối với những người các bạn quan tâm khi họ gặp hoạn nạn, nhưng ngược lại họ còn mang điều đó đó là đánh ngược lại, đau đớn. Sư huynh nói với sư đệ rằng: Mỗi một con người, mỗi một con vật đều có tính cách của nó, nhân cách, bản tính riêng tư của nó. Chúng ta là người hành đạo phải thấy rõ được nhân cách, bản tính của nó, hoặc cái thú tính của nó, và phải biết được điều gì sẽ xảy ra, để ta khởi tâm hoan hỷ giúp đỡ. Sư huynh biết rõ ràng cái thú tính của con bọ cạp, để bảo vệ mạng sống, nó sẵn sàng đốt ta khi chính chúng ta giúp đỡ nó thoát khỏi sự chết. Thì trong con người vẫn còn có tính tự thủ, bảo thủ trong cách tư duy riêng của mỗi người, trong cái tôi, trong ngã của mọi người không sẵn sàng mở lòng để đón nhận sự giúp đỡ, nhưng xin sự giúp đỡ để vượt qua rồi sẵn sàng quay ngược lại như đuôi con bọ cạp cắn vào. Nhưng người tu hiểu rõ được thú tính của loài thú khi cứu vớt chúng, chẳng sợ chúng cắn trả lại. Nhưng bởi vì người tu hiểu được nhân cách và tính tình của từng người khi tương tác nên khi mở lòng giúp đỡ, nghịch lý kia trở lại với mình, họ hoan hỷ như sư huynh.
Để có lòng hoan hỉ như vậy, để chúng ta sẵn sàng giúp người mà cứ bị ngược lại là oán trách, bởi ta hiểu được rằng đó là nhân cách của người đang đối xử. Dù nhân cách của họ như bọ cạp, dù nhân cách của họ như gì đi nữa, thì lòng nhân của chúng ta không thấy nhân cách đó, như sư huynh chẳng thể vì con bọ cạp đốt mà không đưa tay xuống dòng nước đang cuốn trôi để vớt nó lên trên bờ.
Các bạn thân mến, lòng từ bi vốn có trong mỗi người chúng ta đó là từ tánh mà Đức Phật khuyên bảo chúng ta phải nuôi dưỡng. Và chính vì biết nuôi dưỡng lòng từ bi đó, ta có con mắt nhìn thấu nhân cách của người đời. Không cần biết những cách của họ như thế nào, hãy giúp đỡ họ nếu có thể, bằng cả tấm lòng yêu thương. Khi các bạn thi ân như vậy, không cầu báo, dù sự trả lại là oan trái, nhưng không sao! các bạn chỉ cần thực hiện được lòng từ bi của các bạn, thực tập được chánh niệm trong yêu thương, chánh niệm trong lòng từ, trong lòng bi, đó là điều tốt nhất đối với những hành giả, hoặc những người phật tử, hay những người đang trên con đường tu tập Phật pháp.
Con bọ cạp thú tính của nó là chích chúng ta. Nhưng vì thấy được nó sẽ chích chúng ta, chúng ta vẫn cứu nó, chẳng phải vì sợ bọ cạp chích, ta có thể giết chết hoặc bỏ mặc cho nó trôi trên dòng nước. Bởi Sư huynh có lòng từ trong hơi thở chánh niệm, kinh hành dưới sườn núi thì bao nhiêu sự chết có thể xảy ra trên dòng suối ngài sẽ cứu. Chúng ta đang kinh hành trên dòng đời ngang dọc, nếu như thấy ai đó gặp cảnh lâm nguy, nghịch cảnh đau khổ, đừng bỏ mặc cho qua, hãy phát lòng từ bi theo khả năng có thể có, để các bạn có thể mở rộng vòng tay, chìa một cánh tay nhân ái và từ bi, để nâng đỡ những người đang gục ngã ở trong sự hoảng loạn đau khổ, để họ có thể được vớt lên trên bờ tìm lại cuộc sống. Nếu họ có cong đuôi chích lại chúng ta, thì chúng ta cũng hoan hỉ thôi, bởi chúng ta biết họ như vậy, nhưng ta vẫn là người có lòng từ bi, yêu thương, chẳng quản ngại sự trả ngược lại.
Ta cứu họ không phải là cầu mong họ trả ơn nghĩa, nhưng ta cứu họ, thương họ là bởi vì ta có tấm lòng từ bi học được từ sự soi sáng của chư Phật. Cũng như sư huynh có lòng từ bi, biết chắc con bọ cạp sẽ đốt nhưng để cứu vớt một mạng sống đang chìm trong dòng nước, sẵn sàng bị đốt một cái thật đau, sưng cả bàn tay, nhưng trong lòng hoan hỉ vô cùng, bởi đã cứu được một mạng sống dù thật là nhỏ như con bọ cạp, sư huynh rất vui. Mỗi khi chúng ta làm được một việc gì đó tốt chúng ta hạnh phúc, hãnh diện và vui vô cùng. Chỉ cần biết ta làm phước, chỉ cần biết ta bố thí, hay giúp đỡ mọi người trong nghịch cảnh thì chính khi cái tính biết đó được nuôi dưỡng bởi lòng từ bi, bằng hơi thở chánh niệm và bằng chánh niệm trong cuộc sống. Ta thực sự rất hạnh phúc, dù như sư huynh có bị đau bàn tay. Sư đệ không hiểu hỏi “sao lại cứu một con bọ cạp không trả ân mà lại trả oán, tại sao lại thả nó xuống đất khi nó đốt mình”.
Chúng ta cũng vậy! hãy buông thả tất cả, ngay cả những người đang gây đau đớn cho ta mà họ đã lãnh nhận được sự giúp đỡ rồi. Vì sự tha thứ bao dung và lòng từ bi rộng lớn như vậy, các bạn đã thực sự là con của Phật, thực sự đã là phật tử, các bạn đã thực sự ứng dụng được giáo lý của Phật trong hơi thở chánh niệm yêu thương và từ bi, sẵn sàng mở rộng vòng tay để đỡ tất cả mọi người. Cảm ơn các bạn nghe pháp thoại ngắn gọn ngày hôm nay, chúc các bạn luôn luôn bình an.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa!