Việc phóng sinh của những Phật tử đang làm và việc thực tế ngoài đời của những người đánh bắt cá, những công ty chế biến thực phẩm vẫn hàng ngày giết, mổ,…Đứng về góc độ Phật pháp sẽ hiểu như thế nào về việc này ạ? Xin Thầy khai thị!
Trong giới thứ nhất của ngũ giới cấm sát sanh. Đức Phật nói đến giới cấm sát sanh là sự sát sanh xuất phát từ cội nguồn của tâm niệm, ý nghĩ muốn giết hại con người hoặc giết hại súc vật để thỏa mãn thú tính của mình, đó là giới sát sanh.
Câu hỏi rằng chúng ta giữ giới sát sanh, không sát sanh đó bằng cách thực hành phóng sanh để tạo phước, điều này tuyệt vời bởi ta làm theo lời của Đức Phật, phóng sanh, công đức vô lượng. Với tâm hoan hỷ cứu vớt những chúng sanh trong cuộc sống hằng ngày chúng ta hữu duyên gặp phải, đang mắc cạn hoặc đang bị chờ chết, ta phát tâm phóng sanh chúng. Đây là bề nổi của sự phóng sanh thật dễ hiểu và ai cũng có thể thực hiện được. Tuy đơn giản nhưng tạo phước vô cùng! Chưa nói đến chiều sâu của sự phóng sanh tức là mở tâm thức đừng ràng buộc, chấp trược để tháo gỡ sự đau khổ cho nhau, đó cũng là một hình thức phóng sanh cao mà mỗi người chúng ta phải tư duy để thấu rõ.
Sự phóng sanh không chỉ hạn hẹp ở trong vấn đề mua súc vật thả ra, mà cũng nghĩa rằng sự sát sanh không thể chỉ nằm gọn trong vấn đề giết thú vật hoặc con người bằng hành động. Sát sanh còn liên quan tới sự sát hại sự sống của chúng sanh khác bằng tư tưởng. Nếu chúng ta có tư tưởng ác độc muốn hãm hại người khác, đó cũng là sát sanh. Bởi tất cả ba nghiệp đều tạo ra từ Thân là hành động, Ngữ và Ý. Ta chỉ nghĩ đến sự sát sanh bằng thân có nghĩa là dùng tay này để sát hại sinh mạng khác, ít có khi nào suy nghĩ rằng ta đã từng sát sanh bằng những tư tưởng sắc bén hơn dao và bằng những ngôn từ thô ác làm chết con người ta trong từng ngày, từng giây.
Một hành động từ thân có thể giết chết người ta ngay một chỗ hoặc súc sanh ngay một lúc. Nhưng những âm ỉ như những ngọn lửa sân hận trong tư tưởng sẽ giết chết người ta từng đời, từng ngày, từng giờ, từng phút và những ngôn ngữ thô ác, thâm độc cũng giết chết sanh mạng.
Những ngôn ngữ thô ác, thâm độc hoặc những tư tưởng nguyền rủa mặc dù không tác động, nó vẫn tạo nên nguyền lực. Bởi vậy, ta thường nghe ngày xưa hay nguyền rủa nhau, và rồi thực sự, lực nguyền rủa đó tạo ra bất thiện lực, hãm hại người ta. Và đây, cách này thường hay giết nhau thời xưa. Dù không đủ sức đánh chết người ta, hại người ta, hoặc những ai gọi là kẻ thù của mình thì ở nhà nguyền rủa. Từ sự nguyền rủa đó mà sinh ra biết bao nhiêu những chuyện ác khác biến tướng và trong cuộc sống, đôi khi ngôn ngữ ứng dụng hằng ngày giết chết con người. Cho nên phóng sanh, ngoài vấn đề thả súc vật hoặc không hại mọi người, cứu vớt những sự sống khác, ta còn phải giải tỏa tất cả mọi luồng tư tưởng, suy nghĩ ác độc nhằm đến người khác và phải chuyển hóa mọi ngôn ngữ ác độc của ta tới với người khác, thì cả ba Thân – Ngữ – Ý thanh tịnh mới giữ giới không sát sanh đúng.
Cho nên các bạn tư duy để chúng ta giữ giới thứ nhất không sát sanh và phóng sanh cả về ba mặt: tư tưởng; lời nói và hành động. Thực hiện được như vậy, chúng ta sẽ có đại phước, phước báu vô cùng.
Nay nói về trong xã hội có những công ty phải sát sanh để phục vụ thức ăn cho đời sống của con người, như những công ty mổ heo, trâu, bò, gà hoặc những công ty bắt cá, hoặc có những cá nhân làm những nghề đó. Hỏi những người đó, công ty đó, cá nhân đó có phạm giới sát sanh không? Dù là cố tình hay không cố tình, câu trả lời theo luật là có phạm giới sát sanh. Nặng hay nhẹ thì bắt đầu phân minh khác một chút.
Thời Đức Phật, Đức Phật dạy không sát sanh, nhưng khi đi khất thực, nếu người ta có sẵn những thức ăn bằng động vật cúng dường cho Phật, Phật cũng ăn. Câu hỏi có phải chăng Đức Phật, bản thân của Ngài khuyến khích sự sát sanh để cúng dường cho Ngài hay không?. Không!
Bởi nếu Ngài biết được người ta giết cho Ngài ăn, hoặc nghi ngờ rằng người ta giết cho Ngài ăn, thấy, biết dưới mọi hình thức thì Ngài Không ăn, bởi đó là sát sanh. Nhưng người ta đã có sẵn rồi và người ta cúng dường, Ngài đón nhận phẩm vật cúng dường từ tâm hạnh của Phật tử đó.
Nay trở về với câu hỏi, những công ty, những con người và cá nhân đều phạm giới sát sanh, nặng nhẹ tùy ở chỗ này. Nhớ, chúng ta mua đồ ăn cá, thịt ở bên ngoài về ăn là những súc sanh đã được giết chết, ta không phạm giới sát sanh. Nhưng nếu chúng ta có tâm nguyện rằng: “À! Con gà, con vịt, con trâu, những thứ này người ta giết cho ta ăn thật là ngon, sung sướng” thì ý tưởng như vậy, ta phạm giới sát sanh. Nhưng nếu chúng ta có tâm từ bi, vì sự sống, đồ ăn, thực vật, súc vật như phẩm dược ăn vào nuôi thân. Tri ân công đức của những người đã làm sẵn, phải chịu nghiệp để cho ta ăn. Tri ân công đức của những chúng sanh đó đã cúng dường thân mạng như một dược phẩm, thực phẩm nuôi sống thân ta. Ta niệm Phật, ta trì chú, ta giữ đời sống Chánh Niệm hành thiện để hồi hướng công đức cho những người làm trong công ty đó, hoặc là hồi hướng cho những chúng sanh mà ta ăn thân mạng đó để nuôi thân thì chúng ta không tạo nghiệp, mà chúng ta được sử dụng như thế. Đồng thời có cơ hội thực hành pháp Phật, Chánh Niệm, từ bi để hồi hướng công đức cho những người thay thế ta tạo nghiệp. Thì những người đó thừa hưởng một phần công đức của chúng ta để giảm bớt nghiệp đi.
Các bạn lưu ý phần này để thực tập. Bởi vì ta là Phật tử, và ta là đời sống bình thường, chưa thể ăn chay thì chúng ta cũng sống như thời Đức Phật có gì ăn đó, người ta cung cấp gì ăn đó, nhưng quan trọng là ý của chúng ta đừng đắm nhiễm vào mong cầu, chờ đợi và nguyện cho người ta sát sanh, giết hại để cho chúng ta ăn. Cái ý đó thôi, chưa ăn cũng tạo nghiệp. Cho nên khi ăn động vật, mạng sống của những sinh vật khác, chúng ta nhớ luôn luôn giữ tâm thiện lành và nghĩ rằng như lời Phật dạy, tất cả mọi thức ăn dù động vật hay thực vật, rau, củ, quả đều là những dược phẩm để nuôi thân sống tu Chánh Niệm và nguyện mang công đức đó hồi hướng cho những ai phải làm những công việc đó để cho chúng ta có đồ ăn.
Có câu chuyện Thiền Sư kể rằng, một hôm vị Thiền Sư đi ngang qua cầu, Ngài thấy một con rắn phóng ra để vồ lấy con ếch ăn, Ngài bàng hoàng bởi vì con rắn quá ác, đi giết một con ếch để ăn. Ngài tính phóng ra để cản trở con rắn đó, nhưng Ngài dừng lại và suy nghĩ, con rắn, nó cần phải ăn bởi nó không thể ăn cỏ, ăn củ, ăn cây, ăn quả được. Nó sinh ra là như vậy và nếu như ta ngăn chặn nó như vậy thì nó sẽ không giết chết con ếch nhưng mà ta giết chết mạng sống của con rắn. Mang tâm tư duy trong Chánh Pháp, vị Thiền Sư mới suy nghĩ, như vậy phải làm sao đây đối với con rắn khi vồ con ếch và đối với con ếch đang bị con rắn vồ?.
Nếu như con rắn phóng ra, vồ con ếch với tâm nghĩ rằng: “Tao giết mày để tao ăn cho sung sướng” thì con rắn tạo nghiệp. Nhưng nếu con rắn ăn con ếch với tâm rằng: “Ếch ơi! Vì sự sống, ta phải ăn, xin hãy cúng dường thân mạng. Ta tri ân, hồi hướng công đức” để rồi nó vồ con ếch nó ăn. Về phần con rắn, tâm thánh thiện, tốt đẹp hồi hướng đó sẽ không tạo nghiệp. Có chăng thì chỉ là một phần trong giới, bởi sự sống.
Còn phần con ếch, nếu con rắn vồ tới mà sợ hãi, nguyền rủa, chửi bới thì con ếch này tăng tâm sân, chẳng được phước báu mà còn hại, để rồi kiếp sau lại tìm trả thù con rắn. Đằng nào cũng phải chết, nhưng trên con đường đi vào cửa tử đó, rắn ngộ ra để rồi xin ếch cúng dường, ếch ngộ ra rắn cần ta để sống, ếch phát tâm: “Này là thân mạng của ta, nguyện cúng dường cho rắn ăn để sống”. Cho nên con ếch này tạo được công đức cúng dường thân mạng để nuôi sự sống của con rắn. Mà nếu như hai con đều đồng hành trong một ý niệm thiện như vậy thì không tạo ra nghiệp bởi đó là sự hồi hướng, cúng dường thân mạng nuôi dưỡng nhau.
Vị Thiền Sư lúc đó nhập định và hồi hướng cho rắn khởi lên niệm thiện, cho ếch khởi lên niệm thiện trong hoàn cảnh đó, đều hồi hướng, tri ân công đức cho nhau.
Nay những người làm ở trong hãng, nếu như tâm nguyện của họ, nếu họ biết về Phật giáo, họ sát sanh, họ cảm thấy thích thú, họ cảm thấy như được giải trí, có lương cao và rồi thích ăn, thích uống và luôn luôn nghĩ sát sanh như vậy để cung dưỡng cho những người khác là nguồn vui mà không nghĩ đến sự đau khổ của chúng sanh bị giết hại, họ sẽ tạo nghiệp vô số. Nhưng nếu vì sự nghiệp phải sống trong hoàn cảnh ở công ty đó, bởi cung cấp nguồn lương thực về động vật cho muôn người. Người làm công ty cũng như người làm việc ở đó, dù giám đốc hay công nhân đều phát tâm rằng, thay những người ở bên ngoài, xin mạng sống của súc sanh và vì công việc, làm việc đó để cung cấp thức ăn cho những người khác cần phải ăn để sống. Để rồi với tâm hạnh thiện đó, luôn luôn khi sát sanh, nguyện những chúng sanh đó cúng dường thân mạng để làm việc. Nếu có sự hài hòa, tương giao giữa tâm niệm như vậy, nguồn năng lượng từ ái được lan tỏa thì chúng sanh khi bị giết bớt đi sự sân giận và nguồn năng lượng đó tốt đẹp hơn cho những người ăn. Bởi những món thịt đó sẽ không chứa đựng những nguồn năng lượng bất tịnh, mà chứa đựng năng lượng của sự cúng dường của tâm niệm Chánh.
Cho nên đối với các công ty đó, nếu người làm trong công ty đó ý thức được thì luôn luôn giữ tâm thanh tịnh, hồi hướng công đức và tri ân những súc sanh kia và luôn luôn niệm cho những chúng sanh đó có tâm hoan hỷ cúng dường thân mạng, và làm việc sát hại đó chẳng phải sự thích thú mà là một công việc cung phụng để tạo nguồn thức ăn, dược phẩm nuôi sống muôn người, thì tất cả sẽ giảm bớt nghiệp sát sanh. Vẫn tạo nghiệp nhưng giảm bớt nghiệp sát sanh.
Về phần người ăn, nói ở lúc đầu, ta làm sao để ăn? Với tâm tri ân, hồi hướng thì được phép. Và về người sát sanh, hại theo hình thức tướng nhìn rõ, nếu bằng tâm niệm thật là rõ, vì sự nghiệp và vì chỉ cung cấp dược phẩm cho mọi người, để nuôi thân mạng thì sẽ giảm tối đa những nghiệp. Đôi khi không tạo nghiệp nếu như chúng sanh đồng lòng cúng dường thân mạng.
Đây là một câu hỏi mà cần phải tư duy để thấy rõ về đời sống của con người có sự liên quan một vòng tròn giữa sự tồn tại và sự cung cấp nguồn sống cho nhau theo nhân duyên, nhân quả nhiều đời. Do đó, thực hiện đúng, ta thấy nhẹ nhàng, thực hiện không đúng và không thông, ta thấy áy náy và sợ hãi. Trong trường phái Nam Tông, Nam Truyền, Nguyên Thủy ngày nay, các bậc Tôn Túc vẫn đón nhận sự cúng dường bằng thịt cá, là mạng sống của súc sanh, ăn một ngày một bữa. Như vậy các Ngài có phạm giới không? Không!. Các Ngài chỉ đón nhận sự cúng dường đó như dược phẩm nuôi thân, ý niệm thanh tịnh, giữ đúng lời Phật. Cho nên, chúng ta cần phải đọc Kinh, nghiên cứu thật rõ, tư duy thật rõ, đừng có chấp, đừng có bám thì chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng, thanh thoát hơn và sống Chánh Niệm tốt đẹp hơn mỗi ngày. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 10, https://youtu.be/vgw72v2nMSw