Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn ở trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn.
Các bạn thân mến, câu chuyện lại kể từ chỗ, có hai anh em sinh ra trong gia đình đó, cha mẹ thương hai đứa con nhiều. Và hai người anh em này được giáo dưỡng và hấp thụ một nền giáo dục tại gia đình thật tốt. Cho nên anh em thương nhau vô cùng, luôn luôn nâng đỡ, nói chuyện, đàm thoại. Có chuyện vui kể nhau nghe, chuyện buồn cũng kể nhau nghe, trong đầu khởi lên ý gì đều chia sẻ với nhau. Bởi họ được giáo dục cặn kẽ bởi cha mẹ. Thế rồi cha mẹ đã đến tuổi cao nên từ giã cõi trần, chỉ để lại cho hai anh em một khối gia tài. Hai người anh em này suy nghĩ với nhau, cha mẹ đi để lại cho chúng ta gia tài nhiều như vậy nhưng nếu chúng ta cứ ngồi mà ăn sẽ hết. Do vậy, chúng ta hãy đi buôn bán để làm tăng trưởng gia tài đó, sau này có cơ hội để giúp đỡ những người khác nhiều hơn.
Sự bàn với nhau như vậy, cuối cùng hai người anh em này mới quyết định đi buôn bán chung với nhau. Mang số tiền đó để đi buôn bán, trải qua một đoạn đường dài, hai anh em nghĩ ở trong nhà trọ để chuẩn bị đi tiếp vào ngày mai. Trong khi ngủ thì người anh bất chợt mới nảy ra một ý nghĩ rằng, số tiền mang theo như vậy thuộc về hai anh em, nếu ta giết người em thì ta sẽ có số tiền tăng gấp đôi và đi buôn bán sẽ làm được nhiều tiền hơn cho bản thân của ta. Nhưng ngược lại, người em cũng suy nghĩ y chang như người anh như vậy. Ta phải giết người anh để có số tiền toàn phần về ta và trên con đường đi buôn bán ta sẽ làm được nhiều tiền hơn cho ta. Như vậy một công hai chuyện, ta có nhiều tiền. Thế nhưng, khi sáng dậy bởi tâm tánh của mình được hấp thụ một nền giáo dục luôn luôn biết chia sẻ, do đó người anh cũng chia sẻ với người em về ý tưởng nó khởi lên ở trong đầu trong khi ngủ. Và người em cũng chia sẻ với người anh như vậy, hai anh em ôm nhau khóc và thông cảm với nhau về những tư tưởng xấu nó khởi lên trên cuộc hành trình đi buôn. Do đó, tha thứ cho nhau và tiếp tục trên con đường đi buôn chung với số vốn mà cha mẹ để lại, nên sau đó hai anh em đã thành công, giàu có vô cùng.
Các bạn thân mến, câu chuyện ngày hôm nay đưa chúng ta trở về với sinh hoạt của gia đình. Chúng ta có lẽ có anh hoặc có chị ở trên, hoặc chúng ta có em ở dưới. Chúng ta được cha mẹ giáo dục phải thương yêu nhau, phải đùm bọc nhau, phải che chở cho nhau. Thế nhưng khi cha mẹ mất đi rồi, hầu hết chúng ta nhìn thấy vẫn còn thật nhiều những anh, chị, em thương yêu nhau thật là tốt, đùm bọc nâng đỡ khi cha mẹ mất đi. Nhưng cũng có một số ít, khi cha mẹ mất đi rồi thì anh, chị, em ở trong nhà đâm ra tranh giành của cải cha mẹ để lại. Rồi tìm đủ mọi cách bách hại nhau, y như tư tưởng của người anh hoặc người em muốn giết hại anh, em của mình để chiếm đoạt. Cảnh sống như vầy xảy ra đầy hết trong xã hội hiện tại, chúng ta mỗi ngày đều nghe thấy có những đứa nghịch tử, cha mẹ còn sống mà muốn chiếm của cải của cha mẹ, đánh đập cha mẹ hơn cả con vật. Chúng ta cũng thấy được những cảnh của những người anh, em tàn sát lẫn nhau khi cha mẹ đã ra đi. Họ tranh chấp, tố tụng, đánh đập, giết hại nhau để chiếm cứ lại gia tài mà cha mẹ để lại. Rồi họ sống trong sự hận thù, họ tìm đủ mọi cách để hãm hại. Và họ không thể ngồi lại với nhau để nói chuyện, để hiểu được ý nghĩa cao cả của cha mẹ đã để lại qua nền giáo dục cho con cái khi sinh thời, họ quên hết. Chuyện đó không nhiều, thất là hiếm, chỉ có một số ít nhưng thật đau lòng.
Mỗi khi chúng ta nghe thông tin về những nghịch tử đánh cha, đánh mẹ. Khi cha mẹ tuổi già cao, có nhà có cửa thì con cái muốn giết chết cha mẹ để chiếm cứ lấy. Chuyện này nói khó nghe nhưng thật sự có. Rồi thì sao nữa? Khi cha mẹ mất rồi, anh em tan nát hết.
Chúng ta có thể nào trở thành như hai người anh em kia không? Có sẵn sàng có những cuộc đối thoại, đàm thoại một cách công bằng trong sự thông cảm, những chuyện buồn cũng như chuyện vui, đúng cũng như sai, thiện cũng như ác. Chúng ta có dám nói ra sự khao khát của mình với người khác là anh, là chị, là em của chúng ta hay không? Để rồi từ đó, chúng ta biết thông cảm, tha thứ và nâng đỡ nhau vượt qua.
Ở chỗ nào mà chúng ta không dám nói, chia sẻ điều thầm kín, đã là con người đôi khi chúng ta có những suy nghĩ thật sai, thật ác, thật không đúng với đạo lý làm người hoặc đạo lý huynh đệ anh, chị, em. Nhưng vì chúng ta không tạo cho nhau một môi trường có thể đối thoại được. Cho nên những tư tưởng đó đã bị đè nén ở bên trong không có sự thông cảm và yêu thương, tha thứ và chia sẻ. Nên dần dần nó trở thành sự thật, cho nên trong xã hội có thật nhiều cảnh anh, chị, em đã tương tàn với nhau. Đau lòng, thật là đau lòng cho xã hội. Đau lòng cho cha mẹ và tổn hại phước báu vô cùng.
Chúng ta sống trong cuộc đời mà vật chất ngày nay nó cũng có một sức mạnh lôi kéo để dẫn chúng ta lầm đường, lạc lối tạo ra thật nhiều tội lỗi, nghiệp chướng. Để rồi đôi khi chúng ta gây ra tai họa cho cuộc sống.
Các bạn, chúng ta hãy trở về với lời của Phật để chúng ta tu. Tu bằng cách quán chiếu tình thương và sự tôn trọng, bình đẳng. Chúng ta phải quán chiếu tình thương trong sự tôn trọng, bình đẳng để huynh đệ, chị em ở trong nhà biết chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống, biết chia sẻ với nhau những trắc trở trong cuộc đời, biết chia sẻ với nhau những ham muốn, những cái đúng cái sai, cái thiện cái ác. Trong tình yêu thương tôn trọng và san sẻ đó, chúng ta đồng góp ý trên cuộc đàm thoại đó, chúng ta tìm lối để giải thoát cho nhau vươn tới những điều tốt đẹp.
Hai người anh em kia, nếu như họ không có sự tôn trọng, bình đẳng và yêu thương thì những ý nghĩa sai trái, ác độc, thầm kín ở trong lòng bộc lên, họ giữ mãi có thể họ sẽ hành động. Và hành động đó đưa đến sự tai hại là giết đi người anh, hoặc người em của mình. Bởi chúng ta nhớ, những suy nghĩ ác mà cứ giữ mãi trong lòng, dần dần nó tạo thành một cái lực, nó sẽ quay ngược lại sai khiến chúng ta. Và khi chúng ta mất tự chủ, chúng ta sẽ làm chuyện đó.
Những thông tin đại chúng ta đã thấy, biết bao nhiêu con người giết cha, giết mẹ, giết anh em. Khi được hỏi lại, họ chỉ biết rằng, ngay chính trong lúc đó họ không tự chủ được, làm chủ được bản thân, chứ thật ra họ là người những con người cũng rất tốt. Nhưng giây phút đó không làm chủ được đã giết hại cha mẹ và anh em. Không làm chủ được là bởi vì chúng ta đã để cho những tư tưởng ác chiếm cứ suy nghĩ của chúng ta. Bởi chúng ta không có người anh, chị, em sẵn sàng tôn trọng, yêu thương trong sự bình đẳng để chúng ta chia sẻ cho vơi đi những nỗi niềm trong cuộc đời của chúng ta.
Sự đàm thoại giữa tình yêu và sự tôn trọng, san sẻ rất quan trọng trong cuộc sống ngày hôm nay. Chúng ta phải biết đàm thoại, nếu chúng ta đang sống ở trong gia đình có anh, chị, em mà chúng ta đang tranh chấp một vấn đề gì đó ở cuộc đời khi cha mẹ mất đi hoặc cha mẹ đang còn sống. Các bạn hãy cố gắng mang sự quán chiếu tình thương, tôn trọng và bình đẳng để có những sự đàm thoại giữa anh, chị, em của mình với nhau. Để giữ được sự giao hảo, tương kính trong tình máu mủ, để chúng ta bộc lộ những điều đúng cũng như điều sai, để chúng ta yêu thương và chúng ta sẵn sàng tha thứ cho nhau. Để đồng đi trên một con đường phát triển tình yêu trong sự tôn trọng và bình đẳng, giữ được sự ôn hòa, bình an trong gia đình của chúng ta.
Ngày nay, tình cảm của anh, em thường dễ bị sứt mẻ. Nhất là khi chúng ta đã lập gia đình, có vợ hoặc có chồng, thì sự tương tác giữa vợ chồng, anh em, chị em chúng ta nó thêm khó đối xử và tương ưng hơn. Nếu chúng ta không cố gắng thì tình nghĩa anh, em sẽ bị sứt mẻ. Nhưng nếu chúng ta hiểu được chân lý của Đức Phật dạy: “Yêu thương – Bình đẳng – Tôn trọng”. Trong sự yêu thương, bình đẳng, tôn trọng đó chúng ta dù là lớn tuổi đi nữa, có vợ hoặc có chồng, có con hoặc có cháu. Tình nghĩa anh em vẫn có thể đưa chúng ta tới được với nhau để sẵn sàng tâm sự cái vui, cái buồn trong cuộc đời, cái hơn cái thua, cái thiện và cái ác trong tình yêu thương, sự tôn trọng và bình đẳng, để làm sao? Để chúng ta xây dựng một cuộc sống vững chãi trên nền giáo dục ta đã hấp thụ được từ cha mẹ chúng ta.
Đức Phật dạy cho chúng ta, luôn luôn phải quán chiếu lòng yêu thương và quán chiếu sự tôn trọng, bình đẳng. Để làm sao chúng ta làm được điều đó? Chúng ta phải luôn sống trong hơi thở chánh niệm và quán chiếu yêu thương, tôn trọng và bình đẳng. “Yêu thương – Tôn Trọng – Bình đẳng”, chúng ta phải luôn tâm niệm ở trong lòng của chúng ta, ở trong tâm của chúng ta ba từ yêu thương, tôn trọng và bình đẳng. Chúng ta lập đi lập lại thật là nhiều để nó thấm vào trong cuộc đời của chúng ta để làm gì? Để đời sống của chúng ta dù có ở bất cứ hoàn cảnh nào đi nữa, trong tình nghĩa huynh đệ hoặc là anh, chị, em của chúng ta cùng cha cùng mẹ phải biết thương yêu nhau. Dù bất cứ một hoàn cảnh nào xảy ra luôn luôn vẫn còn sự yêu thương, tôn trọng và bình đẳng, để có sự đối thoại, tương ưng biết khoan dung tha thứ để chúng ta tỏ lộ nỗi niềm của cuộc đời.
Người anh sẵn sàng nói với người em về ý tưởng rằng ý tưởng đó rất là xấu. Người em cũng sẵn sàng nói chuyện với người anh với ý tưởng xấu đó. Nhưng bởi vì họ được giáo dục trong tình thương, tôn trọng và bình đẳng của cha mẹ, nên khi họ tâm sự, họ đàm thoại, đối thoại với nhau thì có được sự thông cảm, tha thứ. Và tiếp tục gắn bó trên con đường đi tới tương lai.
Các bạn thân mến, nhiều gia đình, anh em không thể làm việc chung với nhau, chính là ở chỗ không có tình yêu thương, tôn trọng và bình đẳng. Rồi nhiều gia đình, anh em chia rẽ, mạt sát nhau cũng chính là vì thiếu yêu thương, tôn trọng và bình đẳng. Chúng ta thấy được điều đó không tốt cho cuộc sống của gia đình. Hãy nghe theo lời của Đức Phật dạy sống trong hơi thở chánh niệm, quán chiếu yêu thương, tôn trọng và bình đẳng mỗi giây phút trong cuộc sống. Để lấy cách sống đó làm chân lý, làm cứu cánh để giữ được sự hòa hợp trong gia đình giữa anh, chị, em với nhau. Để chúng ta xứng đáng là những người con của cha, của mẹ. Gia tài cao quý nhất của cha mẹ để lại cho chúng ta là anh, chị, em của chúng ta phải biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
Cảm ơn tất cả các bạn đã lắng nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa.