Bảo Minh đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.
Bảo Thành kính chào các bạn. Các bạn thân mến, hôm nay Bảo Thành gặp các bạn đây rồi, chúng ta hãy đồng nguyện xin Chư Phật mười phương ban rải năng lượng đại từ đại bi tới cho muôn loài chúng sanh.
Các bạn ơi! Cuộc sống có những điều khi chúng ta chưa thấy mà chúng ta nghe được, chúng ta thường hay tranh luận, và luôn biện luận điều đó là không có thật. Đó là chuyện trong cuộc đời rất bình thường, cũng có thể chỉ là một quán cà phê đâu đó, ai đã ngồi xuống uống rồi về kể cho chúng ta nghe, nhưng chúng ta chưa chắc đã chấp nhận nó. Là bởi vì ta không thấy, ta cũng không tin, chuyện đơn giản trong cuộc đời có những lúc nó còn gây cấn đi tới chỗ ẩu đả lẫn nhau. Vì chúng ta chưa thấy nhưng thông thường ở trong đầu chúng ta luôn có những tư tưởng và ta tin tưởng vào sự suy nghĩ của ta. Do đó thường mang ra lập luận, tranh luận để rồi có sự hơn thua.
Hôm nay, Bảo Thành muốn kể cho các bạn về một câu chuyện. Câu chuyện này để cho mỗi người chúng ta suy nghĩ, để thấy rằng tất cả phải đi tới chỗ mà chúng ta phải nghe và nhìn tận mắt chưa chắc đã là như vậy. Nghe tận tai, nhìn tận mắt chưa chắc đã là thật. Tuy nhiên, nó cũng có thể nói lên một phần thật với cái nhìn của ta, thật với cái nghe của ta. Còn thật như thế nào, như nó thật, nhìn như thế nào để thấy cái thật chân thật của nó? Chúng ta phải tu, còn nếu như chúng ta không tu thì chúng ta mới thấy được cái thật ở mức độ mà khả năng tai của ta có thể nghe, mắt của ta có thể nhìn. Các bạn nên nhớ, tai của mình cũng có sự chênh lệch, có người nghe rõ, có người nghe không rõ. Mà chúng ta không biết, chứ đi khám bác sỹ có thể cho chúng ta biết tai nghe rõ hay không? Hoặc là mắt chúng có thể nhìn rõ mà đôi khi cũng mờ, khi khám bác sĩ rồi mới: “À! Con mắt trái, con mắt phải còn có lệch với nhau, nhìn không rõ”. Huống hồ chi là mắt ta và mắt người. Cho nên những chuyện nhìn thấy bằng mắt, nghe được bằng tai là chuyện còn có sự sai biệt và chênh lệch thực tế ở bên ngoài. Huống hồ chi là những chuyện tâm linh, nói – nghe nhưng ai có thể mang ra để nhìn rõ? Nhưng không hẳn những điều ta không nhìn thấy nó không có.
Có một lão sư dạy cho một tiểu đệ tử. Lão sư này tận tụy, dạy thật là cặn kẽ cho tiểu đệ tử về Phật giáo. Rồi tiểu đệ tử nghe nhiều lắm, nghe từ Kinh này tới Kinh kia. Nghe miệt mài từ tháng nọ qua tháng kia, thông thạo, Trí Tuệ thu vào rất là nhanh, và có một trí nhớ nên trong đầu nhớ được Kinh sách của Thầy dạy. Tiểu đệ tử hoan hỷ, vui lắm, ai cũng khen bởi tiểu đệ tử là người thông thái nhớ dai, và thông minh, có tư chất của người nghe là nhớ, nhìn là thấy. Nhưng khi sư phụ dạy về Niết bàn, cảnh giới của Niết bàn, tiểu đệ tử nghe qua – hiểu thông thạo nhanh lắm. Tư duy hoài, rồi một hôm tiểu đệ tử mới nói với sư phụ của mình:
Sư phụ à, con nghe sư phụ giảng điều gì con cũng hiểu, nói điều gì con cũng thông, con nghe thích dữ lắm. Nhưng khi sư phụ nói về Niết bàn, con suy nghĩ hoài mà nó mông lung quá, mà con nhìn không thấy. Nếu sư phụ nói có Niết bàn, có cảnh giới Tịnh độ, có những cái như vậy đó sư phụ thì sao con không thấy? Nếu không thấy như vậy thì nó có đúng không sư phụ? Hay nó chỉ là những điều mà sư phụ vẽ ra cho con nghe vậy thôi? Hoặc là Kinh sách có không con đọc, sư phụ nói con dò Kinh con thấy đúng. Nhưng mà hình như trong Kinh chỉ nói có vẻ như tưởng tượng phải không sư phụ?
Ông sư phụ không nói gì, tay xoa lên đảnh đầu của tiểu học trò – đệ tử đó, rồi dắt tiểu đệ tử đó vô một cái phòng thật là kín, trong đó không có điện, tối om. Trong phòng tối om đó và nói đệ tử:Tiểu đệ tử, con hãy ngồi đây mà thiền định đi, rồi con nhìn chung quanh, ở trong phòng này nó tối phải không con? Nhưng ở trong này có một cái búa, con coi chừng nó rớt xuống đầu nghe con, rồi nguy hại. Ngồi thiền đi con!
Tiểu đệ tử ngồi thiền một lúc và rồi đến ngày này qua ngày kia, căng con mắt ra bởi sư phụ nói có cái búa coi chừng nó rớt xuống đầu. Đệ tử căng con mắt nhìn vào màn đêm tối mà không thấy cái búa đâu. Rồi đến khi sư phụ trở lại, tiểu đệ tử mới nói:Sư phụ à, Sư phụ nói có cái búa ở trong phòng, con nhìn kỹ lắm rồi, con trợn mắt ra con nhìn, con còn thiền nữa nhưng con không thấy cái búa. Chắc có lẽ sư phụ nói lộn.
Ông sư phụ lại cười, đặt tay lên đảnh đầu của tiểu đệ tử rồi bật một ngọn đuốc thật là sáng lên. Ở trong căn phòng tối đen đó, người đệ tử được soi sáng bởi ngọn đuốc, nhìn chung quanh và phát hiện ra đúng như sư phụ của mình nói có một cái búa treo lơ lửng ở trên trần nhà.
Các bạn thân mến, lúc đó ông sự mới nói với tiểu đệ tử rằng: Này con! Điều con không thấy, không phải là không có. Chẳng qua trong màn đêm dày đặc, mắt của con chưa có đủ khả năng nhìn xuyên màn đêm, nên cái búa treo lơ lửng ở trên sàn nhà đó con không thấy. Con người của chúng ta cũng vậy, khi nói về cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới Tịnh độ, Tây phương vì vô minh như phòng đen tối như vầy nè con (vô minh tức là đen tối như căn phòng). Dù con có trợn con mắt, có tìm tòi suy nghĩ, con không thấy được đâu. Cho tới khi nào thắp sáng được ngọn đuốc trong phòng đen, trong phòng tối, con mới thấy được cái búa. Thì y chang như vậy, khi con công phu miên mật, hiểu được lời của Phật dạy, Trí Tuệ của con sẽ bừng sáng như ngọn đuốc, lúc đó con sẽ nhìn thấy, chứng thấy cảnh giới Niết bàn, cảnh giới Tây phương cực lạc.
Lúc đó, tiểu đệ tử chẳng cần giải thích gì thêm cũng hiểu. Còn mỗi người chúng ta, chúng ta suy nghĩ để thấy rằng ở trên đời thực sự có những chuyện tưởng như hoang đường, nhưng nếu hoang đường thì sao có Thầy lại dạy? Hoang đường sao Phật lại nói thế? Phải chăng Phật là người có vấn đề ở tên đầu? Phải chăng các bậc Thầy Tổ của mình, các bậc Thầy của mình cũng có vấn đề ở trên đầu? Hay chính là trong tâm trí của chúng ta chưa có giác ngộ, chưa có ánh minh của sự quán chiếu tận tường sâu sắc mà đã vội vàng nói là không có?
Chính Đức Phật đã dạy dỗ mọi người và nói: Những điều ta nói các người chưa thể thấy. Nhưng các ngươi có thể nghe, các ngươi có thể dùng tư duy để hiểu. Nhưng khi đã nghe lời của ta nói, tư duy để hiểu rồi các ngươi mang vào hành, thực tập, tu luyện, tư duy cho rõ ràng, thực hành cho đúng. Các ngươi sẽ chứng ngộ được lời ta nói. Nhưng hôm nay khi nghe lời ta nói, nhớ lời ta nói, hiểu lời ta nói, mới chỉ là bước đầu để các ngươi bắt đầu đi vào con đường chứng ngộ.
Do đó ở trên đời, khi chúng ta đặt niềm tin vào một vị Thầy nào, chúng ta có nhân duyên với một Pháp môn nào, và chúng ta nghe giảng về những Pháp môn đó, thực hành những Pháp môn đó. Trong những giai đoạn đầu chúng ta không khác gì tiểu đệ tử kia, nghe nói có cái búa ở trong phòng nhưng không thấy bởi trong phòng đen tối. Chúng ta nghe các Thầy giảng hoặc Kinh sách nói, và các Thầy truyền trao cho chúng ta, đôi khi chúng ta chưa có đủ khả năng chứng kiến nên vẫn mù mờ như tiểu đệ tử nói rằng không thấy. Ngọn đuốc thắp sáng sẽ thấy được cái búa treo lơ lửng trên trần nhà. Trí Tuệ khi sáng rồi chúng ta sẽ thấy và chứng ngộ lời của Đức Thế Tôn truyền dạy thật là chính xác.
Mỗi một người chúng ta khi đã có nhân duyên với một Pháp môn nào, chúng ta phải miên mật thực tập. Cốt lõi của sự thực tập đó vẫn là phải nuôi dưỡng trong từng sát na, trong từng giây phút mà ta đang sống. Chúng ta không thể nhồi sọ cho nhiều những Kinh điển, những chữ nghĩa để rồi tưởng là chứng đắc. Có chăng mới chỉ là bộ nhớ, nhớ được chữ, nhớ được Kinh, nhớ được nghĩa thú của từng lời giải thích, cộng thêm với tư duy của Trí Tuệ hẹp hòi, Phàm phu ta cũng đạt được một mức gọi là cao, rồi so sánh với người này người kia. Nhưng nó chưa có đủ sáng để nhìn rõ trong màn đêm u tối. Khi còn đắm chìm trong vô minh thì chúng ta không thể chứng ngộ được lời của Đức Thế Tôn nói. Mà làm sao để thoát được màn đêm đen tối trong vô minh đó? Đức Phật dạy mỗi một người chúng ta phải thường xuyên nuôi dưỡng bằng hơi thở Chánh niệm, phải sống được, đừng vọng. Cái vọng có thể vọng về quá khứ, tâm của ta cũng có thể vọng về tương lai. Dù là tương lai hay quá khứ đều là vọng – vọng tâm. Trong vọng tâm đó ta vội nói trở thành vọng ngữ. Vọng tâm bởi vì níu vào quá khứ, vươn tới tương lai, không sống trong hiện tại, nên ngọn đuốc Trí Tuệ chưa có thể tự sáng được. Rồi chúng ta vọng ngữ, thốt lên những lời như tiểu đệ tử, dù thông thái Kinh văn, sách, lời giảng của Thầy đều hiểu, đều thông, đều nhớ dù tuổi còn rất nhỏ. Nhưng ở trong phòng đen tối đó, khả năng Kinh điển thông thạo, Trí Tuệ hiểu biết cũng không thể nhìn xuyên qua màn đêm để thấy trên trần nhà có một cái búa treo lơ lửng. Và trong cuộc đời của chúng ta khi Trí Tuệ còn nằm trong vô minh, đuốc tuệ chưa được thắp sáng, thì cảnh giới Niết bàn, hay cảnh giới Tịnh độ, cảnh giới của Chư Phật, cũng như cái búa treo lơ lửng ở trên hư không. Làm sao ta có thể thấy?
Do đó, mỗi một người chúng ta, dù các bạn đã miệt mài, mài dùi Kinh sử, sách vở lâu năm rồi. Chúng ta hãy bớt thêm một chút thời gian, thăng tiến trên con đường tu bằng thực hiện hành Chánh niệm, tu thiền Chánh niệm trong hơi thở để tịch tĩnh sống được trong giây phút này để tăng nội lực, Trí Tuệ, định lực. Để quán chiếu cho thật rõ để nhìn thấy được trên tận hư không kia thực sự có cảnh giới Niết bàn, có cảnh giới của Tây phương, Tịnh độ. Nếu có được điều đó và để có được điều đó thì chúng ta phải thực hành ngay từ bây giờ. Chúng ta đừng đợi cho tới kiếp sau, chúng ta đừng đợi cho ngày mai. Nếu bây giờ các bạn có thể sống được trong hơi thở Chánh niệm, nghĩa là chỉ một tích tắc nữa, trưởng dưỡng định lực trong Chánh niệm đó, ngọn đuốc tuệ sẽ bừng sáng, và các bạn sẽ chứng ngộ được ngay trong giây phút hiện tiền này. Niết bàn là đây trong hơi thở Chánh niệm. Tây phương cực lạc là đây trong hơi thở Chánh niệm. Hạnh phúc cũng là đây ngay trong chỗ này với hơi thở Chánh niệm.
Các bạn hãy hít vào và các bạn thở ra nhẹ nhàng, các bạn chỉ cần niệm rằng “Chánh niệm”. Với Chánh niệm như vậy hiện tiền trong giây phút này, các bạn sống trong Chánh niệm, các bạn sẽ thấy được Niết bàn, các bạn sẽ thấy được Tây phương cực lạc. Như tiểu đệ tử khi ở trong phòng tối được sư phụ thắp sáng ngọn đuốc, đã thấy được cái búa treo lơ lửng trên trần nhà. Khi đuốc tuệ đã bừng sáng, Niết bàn, Tịnh độ đều là đây trong giây phút hiện tại của Chánh niệm.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.