Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn
Chúc các bạn luôn an lành và hạnh phúc trong cuộc sống.
Có những công trình trong đời người kéo dài nhiều năm tháng mới có thể đưa tới sự thành tựu viên mãn. Khi chúng ta thành công rồi, bất cứ chuyện lớn hay chuyện nhỏ nhìn ngược lại thời gian chúng ta thấy rằng phải trải qua một thời gian thật là dài. Nhưng ở một lứa tuổi nào đó, sự suy nghĩ của chúng ta chẳng màng tới thời gian, chỉ có học, chỉ có học và khi học xong rồi, thành tài ở cái lứa tuổi mười tám đôi mươi nếu chúng ta nghĩ đi ngược lại cái tuổi thơ để học, ta bắt đầu ngao ngán. Nhưng ờ cái tuổi thơ ta chỉ nghe các đấng bậc sinh thành là cha mẹ dạy, giáo dưỡng hoặc tới trường thầy cô dạy chúng ta làm theo. Chỉ có vậy, và vừa học vừa vui chơi với cái tuổi đời lớn dần lớn dần. Nhưng các bạn biết rồi, chúng ta ai cũng từng có một thời là học trò, ai cũng có một thưở cắp sách đến trường. Trong cái thuở học trò đó, có biết bao nhiêu cái đẹp còn cô đọng trong tâm hồn của chúng ta. Những tháng năm miệt mài ngồi trên ghế nhà trường với tuổi thơ giúp cho chúng ta cứ từ từ, từ từ học hỏi và vui với cái tuổi đời như thế. Nhưng cũng có nhiều lúc, tuy rằng tuổi trẻ của chúng ta còn thơ đó lại có những suy nghĩ lệch lạc để rồi chúng ta đâm ra nản chí quá sớm mà đôi khi còn bỏ cuộc trong sự học của mình.
Ở trong một ngôi chùa thật là nhỏ, có một vị thầy và chừng sáu chú tiểu bắt đầu nhập môn học hành giáo lý của nhà Phật. Vị thầy luôn luôn dạy cho học trò về giáo lý của Phật và các học trò là những chú tiểu đó đã được xuống tóc dạy dỗ những nghi thức, các oai nghi. Nhưng tuổi còn thơ – đó là cái tuổi ăn tuổi học tuổi chơi tuổi vui đùa với thiên nhiên, với thiên nhiên ở bên trong và bên ngoài. Một hôm, vị sư phụ dạy về ngôi chùa này đây, tuy là nhỏ nhưng đã phải trải qua đến 5 đời sư phụ mới có thể xây được ngôi chùa như vậy, cho đến đời sư phụ lãnh nhận là đời thứ 5 rồi mới có thể hoàn tất sở nguyện của các bậc tổ xưa để mà có thể biến một túp lều – cái thất nhỏ thành một ngôi chùa hiện tại như vậy cho các con tu tập và cho bà con thôn xóm tới kinh kệ học hỏi gần gũi với nhau. Trong tất cả 6 vị học trò đó, có 5 vị học trò kia ai cũng nghe và tiếp tục học theo lời của vị sư phụ dạy – một ngôi chùa như vầy mà phải mất đến 5 đời mới xây dựng được, ta là hậu thế nay ngồi trong ngôi chùa này phải cố gắng thôi. Noi theo gương của các bậc tổ xưa miệt mài truyền lại cho đến 5 đời mới thành tựu được ngôi chùa, nên cần phải cố gắng học kinh Phật để sau này nếu có nhân duyên tiếp tục con đường của sư phụ hoằng dương Phật pháp theo đúng chánh pháp Đức Phật đã dạy. Nhưng còn 1 chú tiểu lại suy nghĩ rằng một cái ngôi chùa đơn giản như thế, các bậc tổ và sư phụ thật thông minh, đều là các bậc giỏi giang tài cao đức độ thế vậy mà tới 5 đời mới có thể xây được một ngôi chùa nhỏ như thế, thì trí tuệ của ta là một chú tiểu ngớ ngẩn ngu si thì có học đến 500 đời cũng chẳng thành tựu được một cái ngôi chùa nhỏ, huống hồ chi là thành tựu được pháp cùa nhà Phật. Cho nên chú đâm ra chán nản chẳng muốn học khi tuổi còn rất nhỏ và rồi chú cứ ngồi trên bàn mà đầu óc cứ miên man ở cái cõi nào đó. Ngược lại, 5 chú tiểu – là những người bạn kia, sách tấn mình bằng câu chuyện của sư phụ, cố gắng tinh tấn học để tiếp nối sự dạy dỗ và để không phụ ân của sư phụ, để thành tựu được những gì các bậc tổ truyền lại cũng như gìn giữ ngôi chùa tuy nhỏ nhưng biết bao công sức đã bỏ ra. Còn ngược lại chú tiểu kia chẳng thành tựu được gì.
Câu chuyện ngừng ở đó, nhưng nó đi tới sự bàn luận trong cuộc đời rằng, các bạn, chúng ta học về Phật giáo, chúng ta nghe trong kinh điển, chúng ta cũng nghe nói rằng Đức Phật đã tu bao nhiêu kiếp mới thành Phật dù Ngài là bậc thông thái, có trí tuệ, và Ngài là vị Bồ Tát liên tục tu như vậy mà trải qua biết bao nhiêu đời nhiêu kiếp mới hành Phật, thì có lẽ coi chừng một trong những chúng ta rơi vào cái suy nghĩ của chú tiểu kia, cũng nghĩ rằng ta là phàm phu, đầu óc của ta cũng không thông minh, khờ dại chậm chạp vậy thì làm sao ta có thể tu để thành tựu được pháp Phật, Phật mà còn phải tu vô lượng kiếp thì ta tu đến kiếp nào đây? Thôi thì quay lại với cuộc đời, có ăn thì ăn, có uống thì uống, có chơi thì chơi xả láng đi. Có lẽ có những con người khi nhìn đọc sơ qua những phẩm kinh câu chữ nói về Phật, tu thật là lâu mới thành Phật, chúng ta đã biến thành chú tiểu ngu ngơ, ngu ngơ đến mức đâm ra nản chí. Nhưng không phải ai cũng nản chí như thế, dĩ nhiên vẫn có một chú tiểu nản chí khi nghe sư phụ nói về việc thành tựu ngôi chùa phải trải qua 5 đời. Còn chúng ta khi nghe thấy Phật phải trải biết bao nhiêu kiếp mới thành tựu được quả vị Phật, ta có ngao ngán hay không? 5 chú tiểu kia thấy 5 đời các bậc sư phụ mới thành tựu ngôi chùa và muốn bảo vệ ngôi chùa do công lao của sư phụ biết bao đời để lại, gắng học để gìn giữ và phát triển. Chúng ta có thấy công lao của Đức Phật phải trải qua biết bao nhiêu kiếp huân tu để thành Phật, nay mới có được giáo pháp để truyền lại cho chúng sanh để chúng ta tinh tấn du học, gìn giữ giáo pháp của Ngài, thông hiểu giáo pháp của Ngài, hoằng truyền giáo pháp của Ngài hay chúng ta lại nản chí? Cái số nản chí chỉ có một nhưng số tinh tấn lại đến 5 người. Đúng vậy, vẫn có một số nhỏ đã rời xa chánh pháp khi nhìn thấy những câu chuyện hoặc nghe những sự tích của Phật như thế. Nhưng vẫn còn có biết bao con người còn tư tưởng tự sách tấn đi lên, bởi những lời kinh tiếng kệ nói về ý nghĩa của cuộc hành trình đi tới sự giác ngộ của Phật trải qua vô số kiếp. Các bạn, thông thường chúng ta nghe đến một điều gì dài quá là chúng ta ngao ngán, bởi vì chúng ta đã quên mất cái tuổi thơ. Thay vì tuổi thơ của chúng ta là tuổi ăn, tuổi học, tuổi gìn giữ đức hạnh, và vui tươi, vui cười, đùa giỡn với thời gian trôi qua một cách lặng lẽ trong cái tuổi an nhiên tự tại để thu lượm những kiến thức của thầy cô, của cha mẹ hoặc của các bậc giáo thọ dạy, thì vẫn có những cái đầu thật là già, già trước tuổi cho nên ngao ngán. Chúng ta, để học được những giáo pháp của nhà Phật, chớ có vội vàng quá già, hãy hồi trở về với cái tuổi thơ thanh tịnh. Pháp của Phật tuy Ngài tu vô lượng kiếp mới thành Phật, thế nhưng khi Ngài thành Phật – bậc đại giác đại ngộ, tổng kết kinh nghiệm và giáo pháp thực hành của Ngài đi đến sự thành Phật – bậc giác ngộ, đúc kết lại rất đơn giản, bình dị dễ dàng ai học và thực hành cũng được. Chúng ta nhớ, học để thành tài, là chuỗi thời gian thật là lâu, nhưng khi thành tài rồi chúng ta có đủ kiến thức, thì sự giáo dục truyền lại cho thế hệ sau bởi cái tài của ta – tài đức của ta đó. Mà cái phương án, phương pháp giáo dục của ta sẽ hay hơn các thế hệ trước. Mỗi một thế hệ trôi qua, ta đúc kết kinh nghiệm, tinh giản lại dễ dàng hơn. Vậy thì trải qua vô lượng kiếp Đức Phật tu để thành Phật, Ngài cũng đúc kết lại sau khi giác ngộ những phương pháp, những pháp phương tiện tinh chế giản lược mà người đời sau vì quá bận rộn vào cuộc đời và bao nhiêu chuyện trong cuộc sống chi phối vẫn có cái sức mạnh của sự tinh giản phương pháp Ngài truyền cho để làm cho chúng ta học đi tới cái kết quả nhanh chóng. Và đúng vậy, Phật tu vô lượng kiếp mới thành Phật, nhưng biết bao nhiêu đại đệ tử của Phật học chỉ có một thời cùng với Phật thôi đã chứng đắc những quả vị cao- quả vị A La Hán, Thánh Tăng…Và từ A La Hán, Thánh Tăng…đi đến sự liễu thoát nhất định sẽ không có xa. Như vậy chỉ có một đời mà các vị đó khi có duyên gặp Phật đã thành tựu được, thì chúng ta nếu trong một đời chuyên nhất với cái tâm như trẻ rất thơ cứ vui tươi trong giáo pháp của Phật, cứ an nhiên tự tại trong vườn pháp của Phật – học để thực hành, thực hành rồi học, nhất định một đời ta sẽ thành tựu được sự an lạc có chừng mực trong kiếp người đầy tràn biết bao nhiêu nghiệp chướng ta đã tạo ra. Đừng có ngao ngán như chú tiểu kia, suy nghĩ vu vơ lầm đường lạc lối rồi rơi vào cái suy nghĩ rằng ta ngu ta dại ta khờ, tổ xây 5 đời còn ta đến 500 đời chưa chắc đã thành tựu. Do đó, những lời dẫn chứng về kinh xưa tức là những dẫn chứng về thời chưa thành Phật. Nên nhớ khi Phật đã thành, phương pháp của Ngài thật là đơn giản. Các bạn cũng nhớ là biết bao nhiêu người làm việc này việc kia, khi họ thực nghiệm thật là khó thành công, va phải trải qua biết bao nhiêu thời gian dài. Nhưng khi họ thành công rồi thì cái công thức áp dụng vào để đưa tới sự thành công đó thật ngắn gọn giản lược và ai cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng tinh tế gọn gàng để đưa tới sự thành tựu. Nhớ điều đó để chúng ta cứ hồn nhiên mà học, đừng lo lắng về con số, đừng lo lắng về những câu chuyện. Chẳng qua do ta hiểu không đúng, dẫn tới trong lòng của ta có những vọng tâm suy nghĩ miên man, trượt dài theo cái tâm phóng quá xa khỏi tầm tay, tạo ra hoang mang và sợ hãi. Những ai hoang mang và sợ hãi, khi so sánh thì sự thành tựu thật là khó, chính là vì những người đó đã quá già so với tuổi thơ hiện tại của họ. Hãy nên thơ, hãy sống với tuổi thơ của mình để vạn sự trên đời khi ta học ta cứ an vui như một đứa trẻ, vừa học vừa chơi nhất định sẽ thành tựu. Cám ơn các bạn.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa