Pháp Thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Hạnh Phúc, đau khổ, vui buồn từ tâm mà ra. Chết cũng do tâm, sống cũng do tâm, phiền não cũng do tâm. Chư Phật nói tất cả vạn pháp do tâm tạo.
Hình như câu nói đó ai cũng lập đi lập lại được. Khi đã bắt đầu học Phật rồi, những người học Phật chúng ta cố gắng thâu niệm một vài danh ngôn trong nhà Phật, một vài câu chữ trong nhà Phật gọi là tâm đắc để khi gặp bạn bè học Phật chung với nhau, đồng môn, chúng ta nói lên những câu từ để chứng tỏ rằng ta biết về Phật, hiểu về Phật như câu: “vạn pháp do tâm tạo”. Câu đó có lẽ ai cũng thấy, ai cũng nghe. Thấy là bởi vì ở chùa có ghi, nghe là bởi vì các thầy, các cô hoặc chúng ta thường nhắc, hiểu là bởi vì nghe nhiều nhưng hành không có được. Phật giáo không phải là để trưng bày đâu các bạn ơi! Ngôn ngữ của nhà Phật không phải để tô điểm hay trang điểm trong thư phòng, trong thiền phòng, trong thiền am, trong thiền thất, trong thiền viện, trong chùa. Mà nó phải được suy nghĩ trong chánh tư duy, để từ đó sống được với nó. Tư duy trong nhà Phật rất quan trọng, Chánh Tư Duy.
Có một câu chuyện đơn giản ở ngoài đời kể rằng: Có một cô họa sĩ trẻ, cô ta rất tài giỏi, cô ta có thể vẽ bất cứ hình gì gọi là ngoại cảnh hay nội cảnh ở trong tâm. Cảnh của sơn thủy, cảnh của đất trời, hình dung của con người… tất cả. Nhìn qua là cô có thể phác họa được những cảnh đẹp đó rồi. Nhưng trong lòng của cô vẫn khao khát rằng vẽ được một tác phẩm tuyệt mỹ, có giá trị nhất ở trên đời. Và trong sự khao khát đó, đã thúc giục cô đi đây đi đó để tìm, nhìn ra một cảnh đẹp ở trần gian này để vẽ. Thế nhưng, nghiệt ngã thay cho cô, cô là một họa sĩ thiên tài nhưng đang bệnh phổi trầm trọng lắm. Rồi một hôm cô đi tới một cái làng, cảnh giới thật là đẹp, sơn thủy hữu tình – đẹp. Và rồi đêm đó trăng lại tỏ, tròn, trăng sáng, đẹp lắm. Nhưng lại vào cuối thu, trên cây tầm xuân nhìn qua khung cửa của khách sạn, trong căn phòng đó, bởi dừng chân nơi đây, cô ta mới nhìn qua khung cửa thấy cây Tầm Xuân, còn một cái lá trường xuân đó, là lá cuối cùng sắp sửa rụng. Và cô ta mới bắt đầu suy nghĩ, trong suy nghĩ về cái cây này, cô thấy lá thường xuân đó sắp rụng rơi và cảm nhận thấy ở trong lồng ngực lá phổi của mình cũng đã lên cao rồi. Chiếc lá cuối cùng, chiếc lá thường xuân ngoài khung cửa đang rung rinh chập chờn trong những cơn gió nhẹ thổi tới, liên tưởng tới nếu có một cơn gió mạnh trong đêm nay thổi qua, chắc là mạng đời của cô cũng sẽ đi vào quên lãng trong khách sạn này. Nghĩ như vậy cô sợ run cả người, đau đớn vô cùng, bởi chưa có một tác phẩm tuyệt tác, có diễm phúc thấy được sự giao thời của Thu Đông đất trời an nhiên tự tại – lạnh có, ấm có, nắng có, cây cối có, lại thêm một lá thường xuân còn đọng lại trên cành cây rung rinh như thế. Thay vì còn sức để vẽ thì cô ta thấy mệt, lá phổi đã yếu dần không hoạt động và lại liên tưởng tới cái chết cận kề, cô ta đã bị gục ngã trên giường và trong đầu óc quay cuồng với tư tưởng đêm nay mình sẽ chết.
May mắn thay, ở trong khách sạn đó và cùng với căn phòng đó lại có một vị họa sĩ già, đã ở đó thật lâu. Vị họa sĩ già này chỉ chờ đến ngày này thôi, để nhìn qua khung cửa thấy chiếc lá thường xuân cuối cùng chuẩn bị rụng để vẽ lên tuyệt tác cuối cùng của đời người trong sanh tử vô thường sanh diệt từng sát na. Nhưng nhận thấy sự khao khát vô cùng của người họa sĩ trẻ, dù rất là già yếu, người họa sĩ già này trong đêm đó bừng tỉnh, khép cửa sổ lại, đóng kín lại và vẽ lên tường của khách sạn chiếc lá thường xuân thật linh động như thật, hiện hữu trên bức tường. Và giông tố kéo tới ầm ầm nhưng chiếc lá vẫn còn ờ trên đó. Dù thật là vàng, vàng thu lá rụng, gió cuốn ầm ầm, bão tố đi tới. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của vị họa sĩ này, chiếc lá thường xuân trên hình vẽ hình như vẫn đó thiên thu không bao giờ rơi rụng trước giông tố của cuộc đời. Và khi sớm mai tiếng gà tiếng chim vừa hót như đón một ngày mới bình minh thức dậy, người họa sĩ trẻ thức giấc nhìn lên trên khung cửa, nhưng trong sự chập chờn khung cửa khép kín, bức tường ngay đó được vẽ lá thường xuân thật là đẹp. Có vàng, có xanh, có giông bão, có bão tố nhưng vẫn thường trụ dính liền trên cây. Thế là cô ta khởi lên lòng hạnh phúc vô biên – lá vẫn còn qua giông bão của bão tố, ta không thể chết và vì vậy cô ta bật dậy. Trong một sức mạnh như thế, lồng ngực của cô ta thở thật là mạnh, dũng mãnh và cô cảm nhận được sức sống tràn đầy trong lá phổi bị lao bao nhiêu năm tháng qua. Cô ta đã sống lại và sống dậy như lá thường xuân không bao giờ, vĩnh viễn không bao giờ rụng xuống cuộc đời dù cho giông bão có kề cận.
Cô ta nở một nụ cười, cô ta uống một tách trà và muốn xoay qua ông già bên cạnh để như mời một tách trà, thưởng lãm cái lá thường xuân vẫn còn đó qua cả một đêm giông bão của tư tưởng cuộn về. Nhưng ông cụ đã từ trần, bởi đã dùng hết sức bình sinh chờ mấy mươi năm trời trong khách sạn này, nơi căn phòng này nhìn qua khung cửa để đón nhận một ngày chiếc lá thường xuân gặp bão tố. Nhưng bao nhiêu năm trời, thường xuân khi vào giờ này, lúc này đều rụng rơi hết bởi giông bão của cuộc đời quá khắc nghiệt. Tâm cảm của cụ ông khi nhìn thấy một người họa sĩ bị rơi vào sự đau khổ tưởng chết đó, dùng hết sức bình sinh để vẽ lên một chiếc lá thường xuân trên bức tường không bao giờ rụng, để rồi cạn kiệt sức mà ra đi, trên tay vẫn cầm cây bút của vị họa sĩ cao niên, khắc hai chữ: “Phúc An”. Các bạn, Hạnh phúc và Bình an, cây viết đó được khắc trên cái cán là Phúc An. Và cô họa sĩ nhìn thấy chữ Phúc An ở trên đó như là lời chúc phúc cho sự bình an và hạnh phúc của cuộc đời cô. Và lúc này cô nhận ra chiếc lá thường xuân kia không phải là cây thật, chỉ là bức hình vẽ thật linh động. Nhưng ít nhất sự hy sinh của cụ ông họa sĩ kia đã làm cho cô ta sống lại, có niềm tin vào cuộc đời, vượt qua chướng ngại để từ lá thường xuân trở thành trường xuân bất tử trên giông bão của cuộc đời. Xuân Hạ Thu Đông không bao giờ rụng, cô ta đã sống.
Các bạn thân mến, có khi nào các bạn đã phải đương đầu với những nghịch cảnh mà tưởng chừng như giông bão của cuộc đời vùi dập giết chết các bạn chưa? Và những lúc như thế, với cái tâm nặng trĩu trong nỗi niềm cưu mang đau khổ bất hạnh và sự hành hạ của ai đó đến với các bạn, các bạn chỉ muốn chết mà thôi. Có lẽ chỉ một số ít, nhưng ít nhiều gì không đến mức như vậy, ta vẫn thường rơi vào những nghịch cảnh đi tới sự chán nản, muốn bỏ cuộc đời, muốn buông xuôi. Nhưng nhớ rằng, có một chiếc lá thường xuân vào cuối thu – khi lập đông không bao giờ rụng – đó là lá chánh niệm.
Các bạn, cái lá chánh niệm đó, dù cho đông hay thu, dù cho bão tố hay nghich cảnh, dù cho nó có khốc liệt tới cỡ nào, chiếc lá chánh niệm đó không bao giờ vàng, không bao giờ héo, không bao giờ rụng. Nó luôn luôn gắn liền với cái thân, thân ta đây, thân người đây. Với cái thân này, chúng ta trưởng dưỡng trong chánh niệm thì lá chánh niệm sẽ luôn tươi và vĩnh cửu. sự vĩnh cửu đó sẽ cho chúng ta niềm tin vào cuộc sống. Người họa sĩ già đã dùng hết tàn sức của cuối đời, vẽ lên cái lá thường xuân cuối mùa thu – lập đông trên bức tường, và khi cô họa sĩ bệnh lao kia nhìn thấy đã vượt qua bệnh lao phổi để sống. Biết bao nhiêu chướng ngại bất thiện nghiệp của cuộc đời đã làm cho cái phổi của chúng ta bị lao lực, lao tâm, lao trí để rồi ta tưởng chừng như muốn gục ngã, chết đi, không muốn thức dậy nữa trong đêm tối khi đi ngủ. Nhưng nhớ, vị họa sĩ tài ba dùng hết sức để vẽ lên cái lá thường xuân, đó là lá chánh niệm gắn liền vào cái thân cuộc đời chúng ta. Ngài không như ông cụ kia, dùng hết sức để chết đâu, bởi Ngài là Phật, Ngài đã hiểu được tâm ý, quán chiếu nhân duyên và phước báu của chúng ta, Ngài đã tới cuộc đời của ta và từ đó Ngài đã vẽ lên cái lá chánh niệm gắn liền với cái thân – cái thân của đời sống này bám sâu vào lòng đất Tam Bảo, để luôn giữ được chiếc lá chánh niệm mãi mãi tươi xanh trong cuộc đời để chuyến hóa, để chuyến hóa tất cả những đau khổ, những phiền não, những đớn đau, những nhục hình của người đối với người, của hoàn cảnh đang chà đạp lên chúng ta. Các bạn, chúng ta khi nhìn vào cái lá trường xuân bất tử, chánh niệm gắn kết với cái thân người của chúng ta đây, chúng ta sẽ không bao giờ chết, chúng ta sẽ không bao giờ hàng phục trước mọi bi lụy, đày đọa của tâm ta và của người. Bởi vì ta có một lão họa sĩ thật lớn tuổi – đó là Đức Phật – luôn kề cận sống chung trong cuộc đời của chúng ta để vẽ lên những tác phẩm tuyệt tác vĩnh cửu cho ta sống trong hạnh phúc và bình an.
Các bạn, chúng ta hãy đón nhận lá thường xuân – lá chánh niệm mà Phật vẽ lên thân của cuộc đời để chúng ta sống vượt qua gian khổ mà hạnh phúc nghe các bạn.
Cám ơn các bạn đã nghe. Chúc các bạn luôn chăm sóc và nuôi dưỡng lá thường xuân chánh niệm trong cuộc đời nơi thân tâm thừơng trụ trong tam bảo.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Mu A Mu Sa.