Các bạn thân. Có nhiều chuyện trong đời sống của chúng ta đã đi vào huyền thoại. Mỗi người chúng ta, ai cũng vậy, có thể công việc đó rất bình thường đối với người này người kia, nhưng nó đã đi vào lịch sử của cá nhân, ta đã làm được chuyện không tưởng. Những chuyện không tưởng như vậy, thành tựu đó, đòi hỏi một lý trí, một ý chí mà mỗi người phài tự vươn qua sự thử thách của chính mình. Và đúng như vậy.
Chúng ta đi vào câu chuyện. Có hai cha con, là kiến trúc sư, được giao trách nhiệm hoàn thành một cây cầu thật dài. Khi chưa hoàn thành cây cầu, một tai nạn xảy ra. Người cha bị tử vong. Còn lại người con, nhưng bị liệt nằm trên giường. Cây cầu chưa xong, cha đã mất, bản thân thì bị liệt, anh thanh niên suy nghĩ thật nhiều, không biết phải làm sao để tiếp tục hoàn thành sứ mệnh của cha và ước nguyện của bản thân. Suy nghĩ mãi, nằm trên giường bệnh trong nhà thương, toàn thân không cử động được.
Tuy nhiên chỉ còn những ngón tay có thể nhúc nhích. Cuối cùng, bằng lý trí tuyệt vời, anh ta đã dùng những tín hiệu bằng ngón tay, viết và vẽ lên trên phiên bản của một thể loại ngôn ngữ bằng ký hiệu để rồi chuyển dịch qua cho những người xây dựng tiếp tục xây cái cầu đó theo bản vẽ mà người cha và anh ta phối hợp nhưng chưa hoàn toàn vẽ xong. Anh ta đã hoàn tất trên giường bệnh khi toàn thân bị liệt, chỉ còn có những ngón tay hoạt động. Toàn bộ bản vẽ của cha phát thảo, nằm trong tư tưởng của anh ta đã được vẽ lại bằng máy móc, theo ký hiệu trên những ngón tay. Rồi chiếc cầu đó đã được xây dựng thành một chiếc cầu huyền thoại. Thật là huyền thoại.
Các bạn, nếu đặt trường hợp mình trong vị trí đó, chúng ta có còn ý chí vươn lên, để thành tựu ước mơ của người cha đã mất và kỳ vọng của một người con mang ước mơ của hai cha con để hoàn tất hay không. Chắc có lẻ hơi khó. Anh ta làm được là bởi vì anh ta có một lý trí tuyệt vời, vươn lên. Ngay cái thân bị liệt như vậy, anh ta không khuất phục. Phải dùng mọi phương tiện để truyền đạt ý tưởng, để cuối cùng, bản vẽ của cây cầu dài thênh thang kia được xây dựng, trở thành huyền thoại của cuộc đời.
Đây là huyền thoại của con người mà thôi. Chúng ta phải nhớ tới huyền thoại vĩ đại của Đức Phật. Mấy ai, trước và sau Chư Phật có thể có một lý trí vượt khó khăn để đi tìm và xây dựng một chiếc cầu dài hơn chiếc cầu của anh này. Để vẽ lên một bản vẽ xây dựng một chiếc cầu dài vô tận, từ địa ngục, tới niết bàn thì thật là huyền thoại quá, chỉ có Phật mà thôi. Ngài đã vượt qua muôn trùng khó khăn trong khổ hạnh, gian truân, tu tập, gặp biết bao nhiêu chướng ngại để rồi Đức phật đã trở thành một con người huyền thoại thật sự về những điều ngài đã tạo ra cho chúng ta.
Bằng nhịp cầu đi từ địa ngục tới niết bàn, bằng bản vẽ mà nhà kiến trúc sư là đức Phật đã vẽ lên cho mỗi người chúng ta đi qua đó. Từng nhịp cầu, từng nhịp cầu để thoát ra khỏi địa ngục tăm tối và đau khổ. Bạn có làm được điều đó hay không. Nếu có được bản vẽ rõ ràng, nếu có được sự hướng dẫn rõ ràng, nếu có được sự chỉ dạy rõ ràng, bạn có thể bước trên chiếc cầu đó để tới bờ bên kia không? Cái cầu đã được xây, bản vẽ đã được hoàn thành, và chiếc cầu kiên cố kia đã đi từ địa ngục tới niết bàn rõ ràng lắm. Phật đã xây. Các bạn nhớ câu chuyện trên. Đức Phật đã dùng cả cuộc đời. Ngài là một vị thái tử, có thể lên ngôi vua, có được tất cả, nhưng ngài đã từ bỏ để đi vào con đường vẽ và phát họa nên một bản vẽ, xây dựng một cây cầu giác ngộ cho mỗi người chúng ta.
Chúng ta làm gì đây? Cây cầu đã được xây xong, bạn có đủ lý trí để bước trên chiếc cầu nhẹ nhàng kia tới niết bàn không? Người bệnh liệt toàn thân còn có thể vẽ lại được bản vẽ xây cầu. Các bạn còn đầy đủ sáu căn phước báu đầy đủ hết. Có kiến thức và có đầy đủ mọi thứ hiện tại trong cuộc sống rồi, sao chúng ta không đi trên nhịp cầu giác ngộ. Sao chúng ta không đi trên nhịp cầu giác ngộ đó để hưởng những làn gió của cuộc đời tươi mát thổi vào cho các bạn được nhẹ nhàng. Mà chúng ta lại để cho lửa địa ngục nóng bức, lửa sân hận thiêu đốt?
Các bạn ơi, chúng ta đều có khả năng đi trên nhịp cầu đó, bởi chúng ta chỉ cần một sự tự sách tấn bản thân mình mà thôi. Anh chàng kia đã sách tấn bản thân để xây dựng chiếc cầu cho mọi người đi trên nhịp cầu mát mẻ. Nóng quá, nóng lắm các bạn ơi, phải bật quạt lên cho mát. Và cái quạt đó là pháp của nhà Phật. Cái nóng đó là lửa sân hận trong cuộc đời. Các bạn có thấy điều đó không? Cái quạt làm cho tươi mát cuộc đời của các bạn đó, chính là pháp của nhà Phật, là nhịp cầu của Chư Phật đã bắt ngang từ địa ngục tới niết bàn. Lửa sân giận từ địa ngục đang thiêu đốt các bạn. Các bạn thấy lửa như vậy các bạn phải tránh. Và để tránh điều đó các bạn phải bật giáo pháp của Như Lai lên các bạn sẽ mát.
Còn nếu các bạn không hiểu, hoặc không để ý vì bị chi phối quá nhiều. Các bạn sẽ luôn luôn bị cái sân hận trong lòng làm nóng nảy khó chịu. Và nhịp cầu mà vị kiến trúc sư là Đức Phật đã vẽ, đã xây sẳn cho chúng ta để đi từ địa ngục tới niết bàn ngay trước mặt đó, ta từ khướt chẳng đi lên. Để rồi cuộc đời cực khổ, khổ cho mình, khổ cho cha mẹ, khổ cho vợ chồng, khổ cho con cái, khổ cho muôn người. Sao chúng ta không noi gương anh chàng bị liệt toàn thân có lý trí vẽ lại bản vẽ của cha, xây dựng nhịp cầu huyền thoại. Sao chúng ta không có cái tâm vượt trội lên tất cả, bẳng một lý trí bước trên nhịp cầu giác ngộ Phật đã xây sẳn, dùng cái quạt giáo pháp của ngài quạt nhẹ trên con đường đi từ địa ngục tới niết bàn, để làm tươi mát cuộc đời của ta và của muôn người.
Câu hỏi là ta có lý trí không. Không thầy đố mày làm nên. Ta có thầy là Đức Phật, ngài vẽ bản vẽ, và xây luôn nhịp cầu giác ngộ rồi. Từ địa ngục tới niết bàn là một nhịp cầu dài, mà trên đó không sợ lửa địa ngục thiêu đốt, bởi có quạt là giáo pháp Đức Phật truyền dạy. Đứng lên các bạn ơi, đứng lên. Chúng ta hãy cùng nhau đứng lên bước trên nhịp cầu giác ngộ của Phật để đi tới bờ bên kia. Và dùng quạt giáo pháp của Như Lai quạt mát cho ta và quạt mát cho mọi người. Cái nhiệt phiền não và nhiệt đau khổ thường làm cho mọi người chúng ta đau khổ thêm, mà trong cuộc đời, ta nhận ra có sự cộng hưởng với nhau, gọi là cộng nghiệp.
Nếu các bạn đi trên nhịp cầu giác ngộ đức Thế Tôn đã truyền lại, và dùng cái quạt giáo pháp của ngài quạt tươi mát cuộc đời. Không những sự cộng hưởng của sự giác ngộ đi trên nhịp cầu đó và sự tươi mát giáo pháp của Như Lai do các bạn đón nhận cũng làm tươi mát muôn người. Lành thay lành thay, nếu các bạn và Bảo Thành nhận rõ được điều này, để chúng ta thấy rằng dù có liệt nằm trên giường như chàng trai kia, những ngón tay còn cử động được vẫn có thể phát họa lên bản vẽ mà vị kiến trúc sư là người cha đã để lại trong tâm tưởng của một người đã bị liệt. Chúng ta đã ở trong địa ngục của trần gian đau khổ tê liệt hết rồi, nhưng ở trong tâm tưởng chúng ta vẫn còn người cha lành là Đức Phật, đã để lại một bản vẽ trong tâm thức phật tánh. Chúng ta nhất định phải cố gắng có lý trí, không cần phải vẽ vì đã có bản vẽ, không cần phải xây, bởi trong tâm tưởng của ta đã nhìn rõ bản vẽ, nhìn rõ cây cầu giác ngộ của người cha lành là Đức Phật để lại. Chúng ta hãy bước trên nhịp cầu đó, mang lại hạnh phúc cho chính chúng ta, và mong cầu hạnh phúc cho những người khác.
Các bạn, chúng ta có khả năng làm điều đó, chỉ cần các bạn cố gắng lên một chút. Chỉ cần các bạn ý thức được rằng vị cha lành của chúng ta, trước khi đi đã xếp đặt cho chúng ta đầy đủ tư lương và hành trang đi trên nhịp cầu giác ngộ đó, để làm tươi mát cuộc đời của chính chúng ta và của muôn loài chúng sinh khác. Hãy luôn luôn thương lấy mình. Hãy vươn lên khỏi thân xác bị liệt trong nghiệp chướng chất chồng, dùng bàn tay chánh pháp, tâm tưởng chánh kiến để vượt lên nha các bạn. Chúc các bạn thành công
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa