Bảo Như bút ký
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào tất cả các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn và kênh facebook Chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến, khi chúng ta gặp gỡ nhau, thường hay khoe sở thích của mình, thường hay chia sẻ những vật quý báu hoặc thường hay nói về những điều ta thành công. Là con người, ta có thói quen thích cái gì thì cất cho kỹ, thích cái gì là kể cho nhiều, thích cái gì là không bao giờ rời xa được. Phàm phu mà, luôn luôn có những hiện tượng như vậy xảy ra và cũng không thể tránh xa được những tư tưởng đó đâu, như câu chuyện sau:
Có một vị thiền sư – đã chứng đắc rồi, nên thường hay nhập định để đi vào cõi mênh mông vô tận và khi đã nhập định như vậy rồi thì không biết bao nhiêu ngày Ngài mới có thể xuất định ra. Nhưng Ngài có một cái bình ngọc, nên mỗi khi Ngài ngồi xuống thiền để nhập định, Ngài cất bình ngọc đó thật là kỹ để tránh khi nhập định có ai đó mó máy rồi lấy mất. Vì vị thiền sư này nhập định thường xuyên lắm cho nên bình ngọc được giấu thật là kỹ. Đến một thời Ngài đã nhận ra thọ mạng của mình thực sự đã tới nên Ngài nhập định và trong lúc đại định đó Ngài ngồi ư ư bất động thì Diêm Vương mới sai lính của mình là Diêm La lên để dẫn đưa vị thiền sư này đi.
Thế nhưng khi Diêm La tới bên thiền sư, Ngài đã nhập định lâu ngày chẳng chịu xuất định, vì vậy Diêm La không thể nào mà dẫn vị thiền sư này đi được. Diêm La không biết phải làm sao, bối rối dữ lắm vì nếu cứ tình trạng này như vậy thì khi nào mới có thể dắt vị thiền sư này đi được, thọ mạng đã tới rồi. Suy nghĩ hoài mà vẫn không tìm ra được cách nào cho vị thiền sư này xuất định để đưa đi, bởi vì trong đại định không dắt đi được vì có năng lượng rất mạnh. Cho nên Diêm La mới lúng túng tìm đủ mọi nơi, nhưng cuối cùng mới đi gặp Thổ Địa và hỏi Thổ Địa rằng: Nay vị thiền sư này đã tới ngày thọ mạng phải ra đi, phải chết mà vẫn nhập định như kia và tôi phục mệnh Diêm Vương tới để dắt thiền sư đi, nhưng mà Ngài lại vẫn ở trong định nên không thể nào dắt đi được. Thổ Địa mới quán chiếu và nói rằng: Vị thiền sư này có một cái bình ngọc, ông ta rất thích cái bình ngọc và quý cái bình ngọc này dữ lắm, nếu mà lấy được bình ngọc đó ra, đặt trước mặt ông ta và nói đây là cái bình ngọc thì chắc có lẽ vì sự thích thú đó mà ông ta sẽ xuất định. Thổ địa bày cho Diêm La như vậy và cuối cùng Diêm la cũng tìm ra cái bình ngọc. Đứng trước mặt vị thiền sư đang nhập định, Diêm La vừa gõ vào bình ngọc vừa nói thật là to rằng: Bình ngọc của ông ta đã tìm thấy và đang dặt trước mặt đây, nếu không nhanh mà trở lại lấy thì ta sẽ mang đi luôn. Vị thiền sư từ trong thật là sâu của chánh định, nghe được và nhận biết là bình ngọc đã về tay của Diêm La nên liền xuất định để lấy lại bình ngọc. Nhưng khi Ngài xuất định thì Ngài mới nhận ra chính vì còn nuối tiếc cái bình ngọc mà đang ở trong định đó đã phải xuất định để lấy lại bình ngọc. Ngài liền cảm thấy hổ thẹn và giác ngộ tới một bậc cao hơn là phải phá luôn tất cả những điều gì ta còn tham ái dính mắc. Do đó Ngài đã lấy lại bình ngọc nhưng không giữ lấy mà đập vỡ tan nát trước mặt Diêm La, rồi lại tiếp tục đi vào cõi thiền định, nhập định không trở lại để rồi Diêm La đành bó tay không thể đưa Ngài đi về gặp và diện kiến Diêm Vương.
Các bạn thân mến, đây là một câu chuyện nói về một vị thiền sư đã chứng đắc giác ngộ nhưng vẫn còn có một chút xíu sự thích thú ôm giữ một vật quý ở trên đời. Để rồi chính cái yếu điểm đó mà khi tử thần là Diêm La tới đưa đi, phối hợp cùng với Thổ Địa là người ở trong vùng, hiểu biết được ông thiền sư này thích cái gì để mà có thể mang cái miếng mồi đó dẫn dụ thiền sư xuất định mà bắt đi. Nhưng rất may vị thiền sư đã nhận ra và phá luôn cả cái bình, đập tan nát cả cái bình để nhập vào cõi định hạnh.
Chúng ta trên con đường tu chưa thể nhập định được như vị thiền sư kia. Vị thiền sư kia vẫn còn thích cái bình ngọc, còn đối với Bảo Thành và các bạn còn có biết bao nhiêu những điều ham thích, để rồi chính điều ta ham thích đó mà chúng ta đã không thể giữ được sự thanh tịnh trong cuộc sống của mình. Nhưng quan trọng là chúng ta có dám phá đi sự ham thích đó hay không? Vẫn biết sự ham thích của chúng ta nó là rất bình thường bởi ta là Phật tử nên còn ham tiền tài danh quyền lợi thế gian, ham giàu có, ham vợ đẹp con khôn, ham chồng tài giỏi, ham cái này ham cái kia… và vẫn viện vào cớ là người thường chúng ta có quyền tham.
Các bạn nhớ rằng Đức Phật không trách cứ các bạn có những thứ đó, nhưng Đức Phật chỉ muốn các bạn hiểu rằng những điều các bạn muốn có thì các bạn có quyền có. Nhưng đừng để tâm dính vào để đi tới sự đam mê đắm đuối không thể gỡ được, để rồi chính những điều các bạn muốn có đó trở thành sự đam mê quá đáng để mà bị người ta mượn, như Diêm La mượn cái bình ngọc để dẫn dụ vị thiền sư xuất định. Chúng ta rất dễ bị dụ dỗ, cám dỗ bởi những điều chúng ta đắm đuối. Cho nên Chư Phật mới dạy cho chúng ta hiểu rõ: đã là phận người trong kiếp này, nhất là các bạn Phật tử tại gia, chúng ta có quyền đi làm, có tiền sinh sống trong cuộc đời, nuôi vợ nuôi chồng nuôi con, phụng hiến cha mẹ, có được của cải vật chất. Nhưng hãy nhớ rằng đó chỉ là phương tiện, không phải là thứ mà chúng ta phải đắm mình ở trong đó. Kẻ cứ khư khư ôm lấy, đắm mình thì thật khó giải thoát và cũng chẳng vươn lên để có thêm. Nhưng nếu hiểu rõ chân lý thì những điều gì các bạn muốn có, chỉ nghĩ rằng đó là phương tiện hiện thời cần có trong kiếp người, phấn đấu để có với tâm an lạc thì các bạn sẽ có khả năng khai thông trí tuệ, hiểu rõ và làm việc đúng đắn hơn, để có nhiều hơn mà tâm không bị đắm đuối vào trong đó.
Do vậy mà khi Diêm La đại diện cho Diêm Vương tới vào ngày cuối cuộc đời của các bạn, thì các bạn cũng không tự xuất ra khỏi sự thanh tịnh để đắm đuối trong sự nuối tiếc của vật chất, mà các bạn lại an trú trong sự thanh tịnh để tự chọn cho mình một con đường ra đi mà không bị Diêm La bắt đi.
Cuộc sống khác biệt giữa người này và người kia là ở chỗ ta không bị vật chất bắt chúng ta đi mà chúng ta chọn lựa cho mình một hướng đi đúng đắn. Khi các bạn là những người Phật tử tại gia, chúng ta tu theo giáo lý của Đức Phật là rèn luyện nhân cách không còn bị dính mắc vào trong vật chất của cải của cuộc đời. Chỉ có được nó và coi nó như là phương tiện để nuôi thân và phục cho đời sống của con người. Với chân lý hiểu rõ và sự tu luyện để chúng ta có thể chuyển hóa tâm tham dính mắc đó thành tâm thanh tịnh cao hơn thì nhất định chúng ta sẽ làm chủ được cuộc sống.
Các bạn nên nhớ, ông Thổ Địa là đại diện cho những người gần gũi với chúng ta, những người thân cận của chúng ta. Và ông Thổ Địa đó, người thân cận đó, người gần gũi đó rất hiểu chúng ta, rất biết chúng ta và thấy được điểm yếu của chúng ta nên nhất định sẽ phối hợp, sẽ hợp tác, sẽ liên kết với Diêm La – tức là với những kẻ ở xa, để đánh gục chúng ta, để kéo chúng ta chìm sâu vào sự tham chấp mê muội và vô minh.
Do vậy, các bạn nhớ là phải luôn luôn suy nghĩ thật là kỹ, chính cái gì các bạn yêu thích đắm đuối sẽ là yếu điểm, nhược điểm mà những người xung quanh ta và những người gần gũi với chúng ta thường mang ra để đâm vào trong đó, xoáy vào trong đó làm cho chúng ta có cảm thọ đau đớn, phiền muộn, tham nuối và tiếc để từ đó không làm chủ được cuộc sống của mình. Và rồi họ sẽ dẫn chúng ta đi vào miền u tối như Diêm La muốn dắt người thiền sư đó đi vào cõi âm phủ. Nhưng vị thiền sư đã nhận định ra vẫn còn một chút chấp trược, ôm giữ cái bình ngọc nên đã phá vỡ nó đi.
Chúng ta, mỗi một ngày sống một đời sống chánh niệm, nhìn rõ sự đam mê của ta có phù hợp hay không? Phù hợp là sự đam mê đó mang sự cống hiến của cuộc đời trong đam mê để mang lại sự hạnh phúc và bình an cho ta và cho người thì sự đam mê đó được chuyển hóa thành sự phát nguyện phục vụ tha nhân. Còn nếu như sự đam mê đó là chỉ để chấp vào, ôm vào cho sở thích của ta, thì thực sự nó vẫn giữ nguyên sự đam mê. Cho nên nếu đang ở trong vùng u mê, ta đam mê những thứ như vậy thì nhớ đi vào con đường chánh niệm hơi thở sẽ giúp cho chúng ta tỉnh táo hơn như vị thiền sư kia đã thực sự tỉnh khi nhận ra được trên tay của Diêm La có cái bình ngọc của mình nên đập phá.
Và chúng ta cũng sẽ nhận ra trong chánh niệm hơi thở những điều mà chúng ta còn đắm chìm bị người thân gần gũi mang ra dụ dỗ trước mắt để kéo chúng ta trở về với đời sống bình thường, đời sống ích kỷ, đời sống của con người vật lộn với vật chất tham ái và tiền tài để như họ. Nhớ! ta với họ không khác, nhưng thật khác. Khác là bởi vì ta đã làm chủ, làm chủ cuộc đời của ta trong chánh niệm của đời sống, làm chủ tất cả những phương tiện và làm chủ những gì ta tạo dựng ra như của cải vật chất, danh, quyền thế ở đời thành cái phương tiện để phục dưỡng cha mẹ ông bà người thân và để phụng hiến cho tha nhân với tình thương chân thật.
Các bạn, đừng để Diêm La mang những điều yêu thích dụ dỗ để kéo ta vào vô minh. Hãy phá nó đi và nuôi dưỡng tâm chân thành, nhập vào trong sự thanh tịnh của cuộc sống chánh niệm hơi thở để luôn giương cao ánh đuốc của trí tuệ mà đi vào vùng tăm tối, giúp đỡ cho những người thân sống được bình an. Cảm ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.