Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện chư Phật mười phương ban rải năng lượng từ bi đến muôn loài chúng sinh.
Chúng ta đang theo dõi kênh YouTube Thiền Mật Tông – Thất Bảo Huyền Môn. Mời các bạn đăng nhập vào kênh này để giữ được sự tương tác hàng ngày.
Bảo Thành kính chào các bạn!
Các bạn thân mến! Từ thuở mà các loài vật sống được trưởng thành nhiều hơn, trong những sự xảy ra mà không thể đoán trước được. Con người từ từ, từ từ tích trữ lương thực, đồ ăn, thức uống. Chiều dài của xã hội phát triển nhiều hơn. Chúng ta lại bắt đầu tích trữ tiền tài, vàng bạc, châu báu. Rồi lại có kẻ tích trữ thuốc thang, tích trữ thật là nhiều, gom vào cho thật là nhiều. Có những con người tích trữ, gom vào đến mức mà nhà của họ rộng lớn tới đâu cũng trở lên chật trội. Họ luôn làm như vậy. Và đã là người, chúng ta có một thói quen gom vào, không cần biết nó là gì. Nhưng ở với thời đại mà, khi con người có được sự hiểu biết thì người ta sẽ cẩn trọng hơn, là chúng ta gom vào để có được số lượng nhiều hay chúng ta mang vào để có chất lượng. Cái mang vào cần có chất lượng hay cái mang vào là số lượng. Cái có là chất hay là lượng?
Nói như vậy, thế nhưng mỗi người chúng ta vẫn có sở thích gom cho thật nhiều chẳng màng đến chất lượng. Để đôi khi ngồi suy nghĩ lại, hoặc nhìn cả đống gom vào đó thấy ngao ngán. Đó! Các bạn có thấy được kinh nghiệm vào những mùa Noel khi chúng ta muốn mua một món quà nào đó. Chúng ta ít có thời gian để thẩm định chất lượng của mặt hàng mua mang về. Mà ngày đó người ta trưng bày gì cũng đẹp, hào nhoáng bởi hình tướng bên ngoài. Do đó chúng ta xài hết tiền, hết cả công sức gom biết bao nhiêu thứ vào. Rồi khi mùa Noel qua lại dư, lại chất đống. Rồi hết mùa Noel này đến mùa Noel khác chúng ta lại chồng chất những thứ không cần thiết. Cuộc sống nó cứ vần xoay với những tư tưởng gom vào với số lượng thật là nhiều, bởi ai không thích nhiều. Nhưng người như vậy thì không thích nhiều: Người khôn tích trữ những điều thiện, còn người ngu tích trữ lượng vào lượng ra (lượng đây là số lượng vào ra tích trữ). Người khôn chỉ tích điều thiện mà thôi. Có một câu chuyện để dẫn chứng cho thấy rằng chất lượng vẫn hơn số lượng đó các bạn.
Câu chuyện này trong Phật giáo. Ngài Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ bên Ấn Độ, lúc đó ngài đã sáu mươi tuổi rồi mới vân du tới Trung nguyên tức là Trung thổ, Trung Quốc ngày nay. Từ Ấn Độ, tuổi sáu mươi vân du tới Trung Quốc, tuổi đã lớn cũng mệt dữ lắm. Khi tới đất của Trung thổ thì những vị sư của Trung Thổ thường nặng về kiến thức văn chương, chữ nghĩa, kinh điển. Nên sự ngưỡng cầu Tổ Bồ Đề là phải giảng kinh, phải mang sách để truyền bá. Nhưng tổ tới bằng hai bàn tay trắng. Ngài đi bộ tới Trung thổ đến buổi giảng chỉ ngồi đó mà thôi, chẳng nói một lời, thì những vị sư ở Trung thổ không chấp nhận, không thích, dèm pha đủ thứ. Ngài Bồ Đề Đạt Ma cuối cùng cũng đi tới núi Thiếu Lâm Tự vào hang động. Diện bích (tức là nhìn bờ đá), nhìn bờ tường đến chín năm, chỉ nhìn thôi. Bởi thấy nơi đây người ta yêu chuộng Văn Tự kinh điển. Người ta thích những Huyền Nghĩa cao siêu từ ngôn ngữ mặc định do con người đắm chìm trong áo nghĩa của ngôn ngữ đó. Mà ngài thì dạy về Thiền tông, trực chỉ vào tánh Phật, kiến tánh thành Phật. Nhìn vào tánh Phật của ta để thành Phật, không thông qua ngôn ngữ; cũng có thể gọi là Vô Tự Kinh Thư, không qua ngôn ngữ đi thẳng vào tâm. Các bậc Cao Tăng Thạc Đức thời đó nơi Trung Thổ không có khái niệm về đó nhiều, chỉ có khái niệm về kinh điển chữ nghĩa huyền ảo cao siêu. Cho nên các ngài thuyết pháp hay lắm, giảng hay lắm và nay có một bậc thầy được ngưỡng mộ như Bồ Đề Đạt Ma tới mà không nói một chữ, thì họ không chấp nhận. Ngài Bồ Đề Đạt Ma đành phải vô Thiếu Lâm Tự diện bích – nhìn tường vách núi đến chín năm (cửu niên diện bích). Thời đó có ngài Huệ Khả lúc đó là một võ tướng giỏi lắm, tới sẵn sàng chặt cánh tay đi để nhận ngài Bồ Đề Đạt Ma làm sư phụ. Ngài Bồ Đề Đạt Ma sau chín năm thấy ngài Huệ Khả chặt tay muốn làm đệ tử nên cuối cùng đã nhận. Ngài chỉ nhận một đệ tử với một vài đệ tử, khoảng chừng bốn người nữa là năm người. Nhưng chỉ trao y bát cho một đệ tử là Huệ Khả rồi ra đi.
Câu hỏi không phải là tìm tòi xuyên suốt câu chuyện của cuộc đời ngài Bồ Đề Đạt Ma. Mà gợi ý để cho chúng ta thấy ngài Bồ Đề Đạt Ma là một vị Tổ chứng đắc đi từ bên Ấn Độ, sáu mươi tuổi rồi, già rồi mà đi bộ, đi mọi phương tiện, trải qua biết bao nhiêu dặm trường gian truân khổ ải, tới Trung thổ mà chỉ truyền Y bát và dạy được Ấn Pháp cho một người duy nhất là Huệ Khả. Vậy mà ngài an nhiên tự tại ra đi. Số “Một” đệ tử duy nhất được trao truyền đó, ngài hạnh phúc rồi. Còn ngày nay khi chúng ta truyền dạy. Chúng ta muốn hằng hà sa số đệ tử. Chỉ mang tiếng là đệ tử, là Phật tử, còn chất lượng như Tổ Bồ Đề kia cưu mang có phải là cứu cánh ta đi truyền đạt hay không? Hay chỉ gom vào với số lượng thật là nhiều.
Dĩ nhiên trong cuộc sống, mỗi người có một nhân duyên, kẻ có duyên Pháp quyến nhiều. Những bậc thầy có duyên Pháp quyến nhiều. Nói một tiếng thì hằng hà sa mọi người đều nghe hoan hỉ và vui. Nhưng đối với Bồ Đề Đạt Ma, ngài vẫn chú trọng hơn về chất lượng của hàng đệ tử tu tập chứng đắc để có thể lưu truyển Pháp Bảo tới cho những chúng sanh khác. Bởi chúng ta có hằng hà sa đệ tử mà chẳng tu tập, chỉ ngồi đó tán thán vui vẻ thì năng lượng Chứng đắc đó cũng không đủ nuôi dưỡng họ, huống hồ là những chúng sanh khác. Nhưng một vị chứng đắc có thể lan tỏa năng lượng tới muôn loài chúng sanh, có thể làm rung động Tam Thiên, Đại Thiên thế giới. Ngài Bồ Đề sáu mươi tuổi qua Trung Thổ nhận một để tử, đó là chất lượng.
Các bạn thân mến, trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta có sự lựa chọn để mang về cho ta những gì. Và chúng ta có sự lựa chọn để trao ra những gì cho những người xung quanh. Nếu nhận thì phải nhận thật là chất, có chất lượng. Nếu trao ra thì trao ra cũng thật là chất lượng. Nếu nhận về cho mình những phẩm vật, những giá trị sống về tinh thần, về tâm linh, về vật chất, có chất lượng, thì khi chúng ta trao ra cho những người chung quanh, dù là người thương yêu trong gia đình, hay những người chung quanh mà chúng ta trao ra chưa có mối ràng buộc quan hệ gì đi nữa, thì cũng phải trao ra bằng phẩm chất cao quý nhất. Đừng mang những sự thừa thãi, vô dụng, không cần thiết để trao. Nếu đã trao tặng thì phải cống hiến những sự cao quý nhất, với phẩm chất cao quý nhất. Nếu đã mang vào thì cũng phải mang vào những phẩm vật cao quý nhất. Cái cao quý nhất trong cuộc sống của chúng ta vẫn là chất lượng của sự thanh tịnh. Sự thanh tịnh ở đó chỉ có được khi chúng ta biết từ bỏ.
Ngài Huệ Khả biết từ bỏ cánh tay của một võ tướng, sẵn sàng chặt nó đi, để xin Đức Bồ Đề Đạt Ma nhận ngài làm đệ tử. Bỏ thói quen hằng ngày, bỏ cái giỏi giang hằng ngày. Bỏ cái gọi là tuyệt kỹ võ lâm trên cánh tay đó để đón nhận Pháp Bảo. Chất lượng đó nói lên một sự dám buông bỏ để lãnh nhận. Chúng ta có dám buông bỏ một điều gì đó, mà cho rằng hay nhất của cuộc đời ta, để lãnh nhận Pháp Bảo giải thoát hay không? Đó là sự gợi ý hôm nay.
Các bạn thử nghĩ coi, nếu mà các bạn đã có nhân duyên tìm được một Pháp Bảo. Một Pháp môn của Phật truyền dạy để các bạn thực hành giải thoát khỏi mọi khổ đau, khỏi luân hồi, các bạn dám chặt bỏ thói quen hằng ngày như đi chơi, như đi ăn uống, như đi nhậu nhẹt, đàn đúm, nói chuyện thị phi hay không? Mà Ngài Huệ khả chặt cánh tay để chứng tỏ rằng Ngài dứt khoát từ bỏ mặt nhất của thế gian, để đi vào đời sống tâm linh. Do đó ngài Bồ Đề Đạt Ma đã khai thị và truyền Y bát. Còn chúng ta có dám mạnh dạn chặt bỏ hẳn một thói quen sai trái, một thói quen không còn lợi ích, hay một thói quen gây ra khổ đau, phiền muộn cho người khác hay không? Nếu ta có được dũng mãnh như Ngài Huệ Khả dám chặt cánh tay. Nếu ta có cái “Dũng” mà dám từ bỏ những điều xấu thì ta sẽ lãnh nhận được chất lượng cao siêu của Pháp Bảo giải thoát. Suy nghĩ cho thật kỹ, để mỗi người chúng ta có đủ sáng suốt lựa chọn. Dám từ bỏ để lãnh nhận, dám buông bỏ để lãnh hội, dám xả hết để được hoan hỉ. Chất lượng rất quan trọng trong cuộc sống.
Có những thói quen của nhiều người, thích gom vào cho nhiều thứ. Nhất là trên phương diện tâm linh và tu học. Ôi! Hôm nay thì đi theo Thiền, theo Tịnh độ, theo Mật tông, theo Pháp hội chẩn tế giải oan. Rồi theo những Pháp đàn, những Pháp hội. Chúng ta chạy ngược chạy xuôi, long đong lận đận trong những cái gọi là Pháp hội, Pháp đàn, giảng kinh, Pháp thoại, Tu tập này, tập kia, mà chẳng chịu để ý gọi là trạch pháp như nhà Phật dạy. Tức là chọn một Pháp phù hợp với căn cơ của mình. Để tu tập cho có chất lượng, thành tựu được Pháp An Lạc trong cuộc sống. Chỉ một Pháp, chỉ một đệ tử. Bồ Đề Đạt Ma khi tới Trung thổ mà ngày nay Thiền tông của Ngài lan tỏa khắp Trung Nguyên.
Chỉ một lời, một Pháp mà phù hợp với căn cơ thì sự tu tập của chúng ta sẽ lan tỏa được pháp tới trong mọi người. Chẳng cần nhiều, chẳng cần số lượng, hãy biết dừng lại để tích lũy sức lực, trí lực. Để có Công lực trong sự tu hành, để có Niệm lực trong sự tu tập và có được Định lực trong chánh kiến với Pháp môn phù hợp để chúng ta tu. Chúc các bạn tìm được Pháp môn tu phù hợp để tu nên nhớ chất lượng quan trọng hơn là số lượng. Dù số đó chỉ là số một hay con số không của cuộc đời mà được Phật nhắc. Số không là số gì? Hãy tư duy để trả lời cho chính mình.
Cám ơn các bạn đã theo dõi kênh YouTube Thiền Mật Tông – Thất Bảo Huyền Môn. Xin các bạn đăng nhập vào kênh này để có cơ hội tương tác với Bảo Thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!