Thưa thầy, con xin gửi đến Thầy câu đầu tiên. Thưa Thầy cho con hỏi: Gia đình con có người mất, các anh chị thì muốn chấp điếu. Nhưng con nghe nói nếu mình chấp điếu như vậy thì người mất bị mắc nợ, khó siêu thoát. Và nếu so sánh tiền và vòng hoa thì cái nào lợi ích thiết thực hơn và làm thế nào để người mất không mắc nợ ạ? Dạ Mô Phật!
Trả lời: Nói đến chữ nợ không hẳn là chết mới mắc nợ, mà còn sống, ta tạo ra quá nhiều nợ và ta nợ quá nhiều: nợ với ông bà cha mẹ, vợ chồng, con cái, người thân, nhân loại, xã hội, cộng đồng và nợ với cả trái đất này nữa. Chúng ta còn nợ nhau những điều ta đã làm sai, ta không có lo khi còn sống, không lo lắng khi còn sống mà người mất rồi lo ngược lo xuôi, lo mắc nợ. Cái nợ mà còn sống, các bạn, cái mà chúng ta nợ còn sống có thể giải quyết được bởi có thể gặp nhau để trả nợ – ta không chịu làm, ta không dám trả, ta không dám tới để nói chuyện, nhưng khi mất thì cứ đồn chắp điếu là mắc nợ, nhận vòng hoa là mắc nợ! Đủ thứ hết! Làm cho tang gia hiếu quyến trong sự bối rối mất đi người yêu thương rồi, lại càng bối rối hơn bởi cái chuyện tâm linh, chuyện tôn giáo! Người hướng dẫn về tôn giáo ví dụ như trong đạo thiên chúa thì các vị linh mục người ta hướng dẫn, hoặc trong đạo Phật chúng ta, quý thầy, quý cô hướng dẫn, ta nghe; nhưng mà Phật tử hoặc các người khác vẫn thích nói vào nói ra. Chính vì cái lời mà người ta nói vào nói ra đó làm cho ta hoang mang, đã buồn, đã rối đầu rồi còn hoang mang!
Một lời chân thành khuyên cho những ai nói những cái lời mà mình không nhận được rõ ràng, chính xác, tạo nghiệp hay không tạo nghiệp, mắc nợ hay không mắc nợ mà cứ nói ra, hãy cẩn thận! Bởi trong khẩu nghiệp có bốn điều: đừng nói thêu dệt, đừng nói thêm nói bớt, đừng nói những điều không đúng (là nói dối đó), đừng nói những điều thô ác, làm cho người ta hoảng sợ, tạo ra nghiệp. Cho nên, ta không biết, ta đừng nói. Đối với Bảo Thành, chúng ta không đòi hỏi họ mang vòng hoa tới, chẳng bắt buộc họ phải chấp điếu để trả nợ, để hồi nợ, để hoàn nợ.
Các bạn thân mến! Trong lúc tang gia, phải chia tay với người yêu thương, mọi nghĩa cử thanh cao của người quen biết như trong dòng tộc, sui gia, bà con cô bác người thân, các hội chúng ta tham gia hoặc bạn bè tặng một vòng hoa, đó là nghĩa cử của họ, chẳng có ép buộc chi, nên chẳng bao giờ nợ! Tất cả những ai tặng hoa cho những người đã mất là gửi một thông điệp yêu thương của tình người, nuối tiếc cho người thương yêu của bạn, của người thân đã ra đi. Họ làm bằng cái lòng rất thành kính, rất đầy đủ với tinh thần vị tha yêu thương. Chẳng mắc nợ! Nợ là bởi vì ta cứ nghĩ lung tung, tự ràng buộc mình. Thứ hai, phải chấp điếu, họ có tình nguyện! Đây về mặt tài chánh là một sự giúp đỡ cho thân nhân, cho những người mà trong gia đình có những vị mất đi hoặc là để ủng hộ, gọi là bố thí, cúng dường, hiến tặng…tùy theo ý nghĩa của từng người…Khi chấp điếu, không bao giờ nghĩ rằng người nhận phải mắc nợ, họ làm với cái tâm thành và họ chấp điếu với cái tâm rộng mở cũng y như tặng bông tặng hoa. Hai vấn đề này chẳng mắc nợ! Họ đâu có đòi nợ, họ đâu đến để trả nợ, để hoàn nợ, họ đâu đến để cho chúng ta nợ mà rồi phải trả. Họ đến bằng cái tâm!
Nhận vòng hoa, nhận tiền chấp điếu, đó là nhận tấm lòng thanh cao, nghĩa cử của những người thương mến ta. Nếu ta nhận bằng cái tâm hoan hỷ, hạnh phúc, rộng mở, không dính kẹt, bằng chánh kiến, rồi dùng trí tuệ quán chiếu, tri ân để mang lời Phật vào thực tập, hồi hướng cho những ai đã mang vòng hoa hoặc chấp điếu cho người thân chúng ta là tuyệt vời lắm. Rồi lại dùng trí tuệ đối với bông, với hoa thì chuyện đó không có gì phải lấy cái giá trị của đồng tiền để so sánh lớn hay nhỏ, phù hợp hay có lý hay không. Hãy nhớ rằng chúng ta vẫn mang hoa dâng cho Phật, ta vẫn mang hoa tặng cho người sống! Ví dụ ngày Mother’ Day hoặc những ngày thương yêu nhau ta vẫn tặng một người ta tôn kính ra đi, người khác tặng bông là tình nghĩa, không đòi nợ, không mắc nợ. Bảo Thành nghĩ rằng không bao giờ mắc nợ những người mang bông đi tặng dù cái vòng hoa đó có mắc tiền đến cỡ nào đi nữa, họ đều mang tới với cái tâm thành kính yêu thương, chẳng mắc nợ! Nói đến nợ là chúng ta cứ lý lẽ hoài, lý luận hoài không hay, chẳng nên nghe theo. Hãy để tự do cho người tới, cho người quen, người yêu thương, người có họ hàng bà con, người có liên đới với chúng ta được sự thoải mái với cái lòng rất thành mang bông đến tặng cho người đã mất.
Đối với tiền phúng điếu, ta có quyền nhận và không nhận, nhưng nếu nhận, chẳng có gì phải mắc nợ. Nếu thật sự gia đình của chúng ta cần sự giúp đỡ về tịnh tài lo cho người thân, sự phúng điếu là một cơ hội để tri ân và đón nhận sự giúp đỡ đó, san sẻ một chút cho chúng ta. Nếu nhận chấp điếu mà gia đình chúng ta hoàn toàn không có kẹt tiền, có đầy đủ hết thì đây là một cơ hội tuyệt vời bởi sự chấp điếu đó qua tịnh tài, tang gia hiếu quyến có cơ hội mang số tiền đó, số tịnh tài đó đi cúng dường trai tăng, bố thí, phóng sanh, từ thiện. Từ thiện các nơi trại mồ côi, phong cùi, các trại người lớn tuổi, người già neo đơn, bệnh hoạn, mảnh đời bất hạnh. Phóng sanh rất hay! Tạo được chút phước mang hồi hướng cho người thân đã mất và hồi hướng ngay cho cả những ai đã phúng điếu chúng ta, bởi họ đã gửi gắm để ta làm được việc thiện cho người thân và cũng hồi hướng cho họ. Chẳng nợ đâu! Nếu nói đến nợ thì ta đã nợ những mối nợ truyền kiếp rồi! Nếu nói đến nợ cần phải trả, thì hãy trả khi mắc nợ với nhau khi ta còn sống. Còn đã mất, chẳng phải là nợ của người mất đối với người sống phúng điếu và tặng vòng hoa mà là một niệm tri ân, tưởng nhớ bằng tâm rất thành. Người nhận sử dụng cho đúng tạo được thật là nhiều phước. Đừng e ngại, đừng ngăn ngại bằng những lời nói vào nói ra.
Bảo Thành có một lần đi đám của một Phật tử cũng ở bên tiểu bang Minnesota. Thân lắm! Trong gia đình có đến ba anh em trai và một chị gái. Lúc người mẹ nằm xuống thì một số anh em không chấp nhận phúng điếu, một số anh em nói không sao. Họ đã mời Bảo Thành đứng ở giữa để giải quyết. Thường thường chuyện này nó hay như vậy, bởi có người tin rằng nhận thì mắc nợ, không nhận! Có người tin rằng nhận không sao. Lấn cấn chỗ đó! Bảo Thành nói với họ tuỳ tâm, bởi trong lúc đó giải thích nhiều cũng mệt, cho nên Bảo Thành nói: “thôi, bây giờ mình đưa phiếu ra, nhà có bốn người, cứ ba phiếu thắng, hai phiếu đều. Bây giờ thắng thì mình nhận tiền, phe nào thắng thì nhận tiền phúng điếu, không thì thôi”. Và cuối cùng các anh em chấp nhận và theo ý của thầy, họ đã đi làm từ thiện hồi hướng cho mẹ và hồi hướng phước báu cho những ai cúng dường tịnh tài chấp điếu cho mẹ họ.
Các bạn! Bảo Thành muốn nói rằng nhận vòng hoa và nhận tiền phúng điếu không có mắc nợ. Chỉ cần bạn sử dụng như thế nào cho đúng để tri ân tấm lòng bằng cách tạo được phước qua sự bố thí, cúng dường, từ thiện, phóng sanh, sám hối hồi hướng công đức cho người thân đã mất và hồi hướng công đức phước báu cho những ai đã hiến tặng cho chúng ta. Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 21, https://youtu.be/s4GRTxj0vU8