Bảo Diệu Tâm đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và kênh Facebook chùa Xá Lợi.
Các bạn thân mến! Biết bao nhiêu lần rồi, chúng ta gặp gỡ nhau, nhưng chắc chắn vẫn xảy ra nhiều chuyện khó khăn trong sự tiếp cận và giao lưu trên mạng như vậy. Cho nên khi các bạn gặp Bảo Thành, có nhiều bạn thương mến, cũng có nhiều bạn chưa hài lòng. Cuộc sống mà, làm sao có thể làm hài lòng tất cả mọi người? Nhưng chúng ta vẫn luôn luôn ước nguyện rằng: Cố gắng một chút để tạo nhân duyên gặp gỡ. Và trong cuộc sống này, chắc có lẽ nó đầy dẫy nhiều sự khó khăn, các bạn đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời rồi. Bảo Thành cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Ai ai cũng thường gặp khó khăn, có thể là quá khứ hoặc ngay trong hiện tại này ta gặp khó khăn.
Có khi nào các bạn hỏi, cái gì là cái khó khăn nhất trong cuộc đời chưa? Các bạn nhất định đã từng trải qua có những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng có khi nào nghĩ một chút xíu và chiêm nghiệm hỏi thử coi, cái gì là cái khó khăn nhất trong cuộc đời? Ai cũng muốn tìm ra cái khó nhất trong cuộc đời.
Có một vị sư phụ dạy chữ, thông thạo kinh sách, kinh gì cũng biết, chữ gì cũng biết, giải thích làu làu hết tất cả mọi thứ. Mà hầu hết học trò ở trong kinh thành lui tới hỏi, vị thầy này đều giải nghĩa được, đều giải thích được, đều có sách, đều có chữ nghĩa, đều diễn giải phân tích đâu ra đó, đến mức mà các vị trạng nguyên ở trong triều hầu hết đều là học trò của ông ta. Bởi ông ta thông thạo chữ nghĩa mà. Ông ta là thầy của các vị trạng nguyên, thầy của các vị quan văn, chữ thật là giỏi, sách nào cũng đọc, không có một điều gì làm khó ông ta hết. Và vì thế ai cũng thích vị thầy này, ôtng xứng danh là một vị bác học, văn chương chữ nghĩa uyên thâm, là bậc thầy của thiên hạ.
Một hôm vua có một cuộc thảo luận, để bàn tính làm sao đó thay đổi quốc gia. Bởi vì quốc gia từ xưa đến giờ đều sống như vậy, tốt đẹp. Nhưng Vua hình như thấy không hài lòng, muốn thay đổi. Bởi sau cuộc chiến lớn, Vua đã hứa rằng từ nay không gây chiến tranh nữa sống bình an. Nhưng thuở xưa, trước khi làm vua, ông chỉ là một vị võ tướng hung hăng, nhờ sức mạnh của cơ bắp và gươm giáo nên trở thành vua. Cho nên nghiệp binh gia đó nó thôi thúc, sống trong thời bình an nhàn, làm kinh tế được dân ai cũng thương, nhưng mà nó không quen, nó thôi thúc, nên khó chịu muốn thay đổi. Mời vị thầy đó tới để hỏi, trong khi gặp khó khăn, khó giải quyết, để muốn vị thầy đó giải thích cho, coi trên đời này có ai gặp sự khó khăn hơn Trẫm hay không? đó là vua nghĩ. Vị thầy được mời vào và vua hỏi: Trẫm xưa khởi công để làm vua, từ nhân cách của một vị quan võ hùng tráng, gươm giáo, chiếm từng tấc đất về làm kinh tế, an dân nhiều năm. Nhưng vẫn trỗi dậy trong lòng dù đã hứa với dân sống thái bình không gây chiến tranh, nhưng cứ muốn đánh nhau hoài, bởi vì đó là nghiệp binh gia của Trẫm. Đây là một sự khó khăn, Trẫm không biết sao để vượt qua được? Vậy thì xin thầy cho Trẫm biết, cuộc đời này người học rộng, bác học văn chương uyên thâm chữ nghĩa kia cho Trẫm hiểu thấu coi cuộc đời này, điều gì là khó nhất, đối với sự hiểu biết của ông!”
Vị thầy này thong dong tự tại, bởi là thầy của các trạng, thầy của những quan văn học rộng, nên có một sự điềm tĩnh, hiểu được ý của nhà vua nên nói rằng: “Thần thấy được một điều thật là khó, khó có ai có thể làm được, ngay cả vua”
Vua ngỡ ngàng nói: “Thuở xưa biết bao nhiêu trận chiến, dù có vây hằng hà sa từng lớp, Trẫm cũng vượt qua được, không lẽ trên đời này có chuyện khó khăn Trẫm không thể làm được hay sao?
Ông thầy nói rằng: “Có! có một điều thật là khó mà vua không thể làm được”. Vua mới gặng hỏi thì ông thầy nói: “Cái khó nhất chính là giữ lời hứa”. Bởi lời hứa thì ai cũng dễ hứa, chỗ nào cũng hứa được, ai ai cũng hứa được, nhưng làm được lời hứa đó thì thật khó. Nhà vua chột dạ liền nhớ năm xưa sau khi mở mang bờ cõi đã dừng lại và hứa với thần dân không bao giờ gây chiến tranh, thế mà hôm nay lại thất lời hứa đó để đi mà chiếm những nước khác. Vua chiêm nghiệm thấy thật, giữ lời hứa thật khó, nói ra thì dễ. Và Vua hối hận đã khởi lên cái tâm muốn gây chiến tranh, từ đó ra một đạo luật cấm không cho một người nào hứa một điều gì nữa. Dân chúng trong thành không được hứa, mà ai hứa phải thực hành, không thực hành liền bị chém.
Các bạn thân mến! Câu chuyện này đúng, khó nhất là lời hứa. Chúng ta không bao giờ có thể thực hành trọn vẹn lời hứa đó. Nhưng nó thật dễ để nói, nó thật dễ để hứa. Các bạn nhìn đi, nghĩ lại đi, các bạn đã được biết bao nhiêu người hứa điều này, hứa điều kia với các bạn rồi? Liệu chừng những người đã hứa đó họ có thực hành được hay không? Để rồi bạn bị thất hứa và đau khổ chờ đợi? Ngược vào trong lòng, ta cũng từng hứa với biết bao nhiêu người rồi quên bẵng đi có thực hiện đâu? Người đời hứa với ta và ta hứa với đời thật là dễ, hứa nhiều lắm, hứa đến mức mà ở trong dân gian nói: “Con ma nhà họ hứa, hứa mà không làm được chết thành ma.”
Có đó các bạn! Ở trên đời hứa dễ mà làm thật khó. Vị thầy kia đã mượn câu chuyện đó để đánh thức lời hứa năm xưa của vua. Vua biết dừng còn chúng ta, chúng ta có nghĩ rằng lời hứa thật khó, dễ hứa mà khó làm không? Khó nhất không? Nếu vậy chúng ta nhớ rằng: Trước khi hứa một điều gì phải suy nghĩ cho thật kỹ. Nói như vậy không phải để chúng ta không hứa một điều gì hết với một ai, nói như vậy để cho chúng ta nhắc nhở rằng phải coi trọng lời hứa của mình. Trên đời thật nhiều lần ta phải hứa.
Ví dụ: Như ta hứa là một người con ngoan có giáo dục đối với cha mẹ, thì chúng ta nhất định phải giữ cái lời hứa này bằng học hành cho đúng, giữ đúng phẩm chất và nhân cách và đạo đức của người làm con hiếu đạo. Hoặc chúng ta hứa chung thủy với vợ, hứa chung thủy với chồng trăm năm, nhất định phải làm được. Lời hứa này ta đã hứa không phải phá, phải giữ trọn vẹn lời hứa, bởi lời hứa làm cho người ta đi tới cái tình thương cao hơn, tốt hơn, và trọn vẹn nghĩa tình hơn. Đừng sợ không hứa, hứa phải suy nghĩ, nhưng khi đã hứa phải thực hiện được. Ngay cả trong tình bạn, ta hứa giúp bạn, ta hứa luôn luôn là bạn của nhau, ta hứa luôn luôn thế này, luôn luôn thế kia, nhất định phải giữ. Đừng hứa suông để sau này, kiếp sau trở thành con ma nhà họ hứa đeo đẳng như cái bóng chập chờn trong đêm tối. Lời hứa thật khó làm, hứa thì dễ nhưng làm thật khó.
Chúng ta là người con Phật phải trọng lời hứa, không hứa thì thôi, đã hứa thì phải tư duy suy nghĩ và rồi lời hứa đã nói ra nhất định phải làm được. Khó cho những người không ý thức, thiếu chân lý của Phật trong cuộc đời. Nhưng thực ra nó thật là dễ, nếu chúng ta còn nhớ đến trách nhiệm của người trao lời hứa tời cho người khác bằng tâm Phật và chân lý của Phật. Thực hành rõ từng ngày, ta sẽ trọn vẹn lời hứa, lời hứa với cha mẹ, lời hứa với huynh đệ, lời hứa với Thầy Tổ, lời hứa với bạn bè, lời hứa với vợ chồng, lời hứa sống đúng đạo làm người, sống xứng đáng là một con người hiền lương.
Suy diễn lời hứa đó một chút xíu, dịch theo ngôn ngữ của nhà Phật, đó chính là “lời nguyện”. Đừng biến lời hứa thành hứa suông, dịch qua một tí nha các bạn! Đừng biến lời nguyện thành lời nguyện suông. Lời nguyện phải đi đôi với sự công phu tu tập. Lời hứa phải đi đôi với việc làm.
Các bạn đã phát nguyện đấy! Chúng ta nhất định phải công phu để vượt qua khó khăn thành tựu được lời nguyện này, do chính tự lực cầu tiến lên để thành tựu hạnh phúc cho chính mình.
Các bạn nhớ! Khó nhất là lời hứa ai hứa cũng được nhưng khó làm.
Cảm ơn các bạn đã nghe!
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Mu A Mu Sa