Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện xin mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi xuống muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn!
Các bạn thân mến, khi chúng ta đã là Phật tử, ít nhiều gì chúng ta cũng phải mang giáo lý chân truyền của Đức Bổn Sư ra để thực hành trong cuộc sống, còn không chúng ta chỉ mang danh là Phật tử nhưng không thực hiện được. Đức Phật ngày xưa trước khi giác ngộ, Ngài từng trải qua các nền giáo pháp tôn giáo thời đó của Ấn Độ – Bà La Môn giáo. Ngài học được từ 2 bậc thầy cao cả cùng đồng tu khổ hạnh với 5 anh em Kiều Trần Như. Nhưng ít nhất từ thuở nhỏ cho tới lúc xuất gia, Ngài từng chứng kiến và nhận rõ được, học thông thạo và nhớ giảng giải thật hay được kinh Vệ Đà – tức là kinh của Bà La Môn. Biết bao nhiêu truyền thống tôn giáo thời đó thật là khắc nghiệt bởi thường phải hành hạ thân xác vì tu theo giáo pháp khổ hạnh và quan niệm thời đó rằng càng khổ hạnh, càng đày đọa thân này vì trong thân có linh hồn, có thần thức, có sự sống siêu nhiên nên ta phải bóp chặt sự sống của thân xác này. Để rồi ta đánh ta hành hạ, ta không ăn không uống, ta không ngủ, ta để tóc dài chẳng cần cắt, chẳng cần tắm, thậm chí còn ăn dơ ăn bẩn, còn nhiều khi sống như trâu như bò như chó. Tức là mượn tất cả mọi kiểu cách sống như vậy để cho thần hồn nó sợ nó hiện ra, rồi từ đó thấy được hồn mà siêu thoát. Có lẽ đó là một sự gợi ý đơn thuần của người xưa quan niệm như vậy. Dĩ nhiên trong văn tự của kinh Vệ Đà cao siêu hàm bí, nhưng nó chỉ phù hợp với thời đó mà thôi, cũng như chỉ phù hợp với những người có căn duyên, nhà Phật gọi” Duyên nào thì nợ đó”. Những sự giáo lý dạy dỗ cũng như món nợ để bù đắp cho nhân duyên nghiệp quả ta có. Còn Đức Phật sau khi đã giác ngộ Ngài thấy rằng những con đường như vậy không đúng nên từ bỏ. Thế nhưng sau đó, vẫn có nhiều nhóm người gặp gỡ nhau tranh luận hoài, tranh luận về giữa đúng và sai, về chân lý giải thoát, về những con đường tu tập, về những phương cách thực hành. Mà không phải thời đó đâu, mãi mãi trước và sau, hiện tại bây giờ cũng vậy chúng ta thấy ở trên mạng tranh cãi nhau về những pháp tu, chúng ta vẫn thấy người đối diện với người tranh luận hoài. Bởi vậy nó có tạng luận tức là cứ luận, luận từ tạng này qua tạng kia, cứ luận bàn mà thôi, luận mãi luận mãi cho tới chết, tái sanh tiếp tục luận bàn. Đời đời kiếp kiếp luận hoài chưa hết và trở thành như những con mọt sách, in ấn chữ nghĩa rồi chắt chiu từng câu từng chữ trong kinh này kinh kia, người này người kia gặp nhau đối đầu bàn luận cho say, chứ không phải bàn luận cho hay nghe các bạn. Các bạn cứ nhìn coi, những lúc bàn luận như vậy người ta say sưa đến cỡ nào, để rồi khi chạm vào tự ái cõi lòng họ đâm ra sân – từ say qua sân si thật là gần, như biên giới không có hàng rào cản trở. Say sưa bàn luận, sự sân giận nó trồi lên và cái si – ngu si nó phủ kín tâm thức.
Thời Đức Phật có một ông vua và thời đó cũng có nhiều người bàn luận giữa những pháp tu khổ hạnh, thấy rằng chính trong pháp tu khổ hạnh đó sẽ mang lại lợi ích thật nhiều, bởi nó diệt trừ tất cả những tham ái của lòng người, ví dụ như không ăn – đó là diệt dục để ăn, không ngủ trên giường cao mà nằm trên chông gai là để diệt dục ngủ nơi sang trọng, rồi vô gia cư không nhà cửa là để diệt đi dục của tham nhà cao cửa rộng và ngủ ở ngoài trời ngoài đất. Rồi đến mức chẳng cần danh vọng, chẳng cần gì hết, thậm chí còn trần truồng như con nhộng đi ngoài đường để diệt đi tất cả cái gọi là tham ái tham dục. Hy vọng những dục vọng đó chết đi mất đi họ sẽ thấy được gì, họ sẽ thấy được sự sống linh hồn, họ thấy được sự giải thoát thực sự của kiếp người. Rồi họ nói chuyện với vua, vua nghe thấy có lý nhưng ngược lại vua lại thấy đệ tử của Đức Phật sao mà cứ thong dong, tự tại nhẹ nhàng, khinh linh uyển chuyển, nhịp độ thư thái, chẳng tự hành hạ thân xác, chẳng tự hành hạ cái tâm, cái thân, cuộc sống đi ăn nhẹ nhàng thư thái, ngồi thiền nghe Phật dạy rồi lại nhìn sâu vào trong tâm. Vua thấy phương pháp này là phương pháp công tử, lười biếng, giải đãi, chỉ biết trang sức tướng đi rồi cách ăn cách nói chẳng khác chi các chị em phụ nữ chỉ biết trang điểm phấn son cho đẹp nhưng bên trong lại đầy dẫy những sự tham dục chất chứa. Chẳng bằng hạnh tu khổ hạnh, người ta từ bỏ tất cả mà thấy không, nên từ đó vua thích lắm. Nhưng rồi có một vị sa môn thời đó nói với vua rằng “thôi để thử như thế nào là tốt – hành hạ đánh cho chết để rồi đắc đạo hay là thong thái nhẹ nhàng, nhà vua có một người tử tù, kẻ đó đã bị nhốt và hành hạ đánh đập bao nhiêu năm rồi, hỏi thử nhà vua kẻ đó đã tốt đẹp cải hóa chưa?”. Nhà vua nói: “ta đã nhốt, đánh đập đày đọa bao nhiêu năm mà nó vẫn vậy chứng nào tật đó, bởi vì nó ở trong tù, nó được nuôi được dưỡng chẳng sợ gì hết. Ta cũng hành hạ dữ lắm mà nó không sợ, ta đập hoài, ta sai người tìm đủ mọi cách để mà giáo dưỡng qua cách trừng phạt dao to búa lớn, gậy gộc, roi vọt mà nó không có sửa”. Sa môn mới nói rằng: “thôi bây giờ nhà vua đưa người tử tù đó ra đây đi và chúng ta thử coi khổ hạnh nhà vua đã áp đặt mà không thay đổi thì bây giờ thử cách của chư Phật dạy coi sao?” Nhà vua cho đưa ra và vị sa môn nói với vua rằng: “bây giờ trao cho anh ta một bình dầu đầy ắp, anh ta phải ôm bình dầu này bước đi về phía trước khoảng một cây số, nếu một giọt dầu rơi ra anh ta sẽ bị chết ngay tại chỗ – chém đầu giết chết ngay, còn nếu như dầu không rớt ra một mảy may, một tơ hào, một chút anh ta sẽ được sống giải thoát khỏi kiếp lao tù.” Nhà vua cho làm theo lời của vị sa môn, nhưng song hành như vậy nhà vua cho thả các mỹ nữ thật là đẹp, lõa lồ nhảy múa trước mặt người tử tù đó. Nhưng người tử tù vẫn thong dong tự tại đi thật nhẹ, thật chậm rãi, thong thái bình tĩnh đi và cuối cùng dù mỹ nữ có nhảy múa cỡ nào thì người tù nhân đó cũng đã tới đích không một giọt dầu rớt xuống. Theo lời hứa vua thả, nhưng trước khi thả nhà vua hỏi rằng: “Này tên tử tù, tại sao khi trong tù ta đã cho đánh đập ngươi biết bao nhiêu thứ mà ngươi không sợ, ngươi chai mặt, ngươi còn cãi ngươi còn đánh trả thế nhưng hôm nay tại sao ngươi lại thong thái nhẹ nhàng ung dung thế? Mà không lẽ những kiều nữ như kia không đủ cám dỗ khiêu gợi ngươi sao?”. Người tử tù nói: “Thưa vua, trên đoạn đường đi ôm dầu đó với biết bao nhiêu mỹ nữ, biết bao nhiêu những điều tốt đẹp ngoài kia tôi không bao giờ nghĩ tới”. Vua hỏi: “Sao ngươi có thể làm được?” Anh ta nói:” Bởi vì một chữ sanh tử, rớt một giọt dầu tôi sẽ chết, cho nên suốt một đoạn đường đó tôi chỉ quán chiếu sự chết, chính vì quán chiếu sự chết và muốn thoát ra khỏi sự chết đó tôi đã thong dong tự tại dưới con mắt, dưới tư tưởng, dưới những cảm xúc, mỹ nữ dù có nhảy lõa thể quyến rũ cám dỗ tôi cũng không thấy, mà chỉ thấy sự chết đang ở trước mắt để từ đó vượt qua sanh tử”. Sa môn lúc đó nói với nhà vua rằng: “Đó là cách tu của Đức Phật”. Đức Phật dạy cho chúng ta phải quán chiếu sanh tử để thấy rằng đó là mục đích tối hậu trong đời người. Chúng ta phải treo chữ Sanh Tử ở trước mặt để không thể quên, thì muôn sự ở đời dù có tới, có đi chẳng thể kéo, cám dỗ, nhấn chìm chúng ta được. Tới như gió thì đi nhẹ như vạt nắng, chẳng có gì nuối tiếc, đằng trước vẫn 2 chữ Sanh Tử nhẹ nhàng bước đi.
Các bạn thân mến, Đức Phật dạy cho chúng ta pháp tu ở đời là nhìn rõ cái ác cái thiện cái sanh tử trong cuộc đời. Nếu các bạn muốn vượt qua trùng trùng thử thách cám dỗ ở bên ngoài, chỉ có một phương pháp duy nhất không cần phải hành hạ, đày đọa, cầu kỳ, van xin, không phải làm gì hết bởi vì những điều đó không bao giờ thành tựu được. Để thoát ra khỏi cái chết như người tử tù kia, phải niệm niệm từng giây, từng phút, từng bước, từng hơi thở phải luôn luôn nhìn thấy sự chết đang ở đằng trước và quyết tâm tinh tấn để vượt qua sự chết đó. Đức Phật dạy cho chúng ta phải quán chiếu sự chết, quán chiếu sanh tử liên tục, để từ đó tất cả những gì đang xảy ra hoặc những bạn đã sa ngã, chưa sa ngã, hoặc đang bị cám dỗ, chúng ta nhất định sẽ có một định lực thật là mạnh để vượt qua nó. Vì sao? Bởi vì chúng ta luôn suy nghĩ đến sự chết, sự chết đang kề cận, đang tới. Đây là một ý tưởng thiền định cao siêu vô cùng, bởi trên đời này có mấy ai quán chiếu cái chết đâu, họ luôn luôn nghĩ rằng sống cả trăm năm để rồi cứ phung phí trí tuệ sức lực kiến thức tiền tài danh vọng chờ cho đến khi phút cuối khi về hưu – cáo lão về hưu đó, già rồi tu cũng chẳng muộn, chẳng muộn đâu. Hình như câu đó được thực dụng quá đáng để rồi ai trên cửa miệng cũng nói là “Tu chi mà sớm, già rồi tu”. Bởi vì ai cũng nghĩ rằng mình sống cả trăm năm, đợi 99 tuổi rồi tu 1 năm chết là vừa. Nhưng không đâu, thần chết và sanh tử kề cận trong từng hơi thở, tới đi chẳng ai hay, chẳng ai làm chủ được. Do đó phải cẩn cẩn từng giây, mỗi người phải luôn quán chiếu sự chết rình rập ta từng giây phút để từ đó nhất tâm quán chiếu theo pháp của Chư Phật – sống trong chánh niệm từng giây, để hưởng niềm sung sướng của phước báu được tạo ra do pháp thiện quá khứ mang lại kiếp này, hoặc ngay trong hiện tiền chánh niệm, pháp thiện được thực hành tăng trưởng phước báu, sống thật sung sướng an nhiên tự tại trong giáo pháp nhiệm màu của Phật. Đừng khi nào nghĩ như những người khổ hạnh kia phải hành hạ phải như vầy phải như kia. Chúng ta nói, tôi đâu có tu khổ hạnh, thực ra các bạn đang tu khổ hạnh, tôi có hành hạ thân xác đâu, có đấy các bạn đang hành hạ thân xác từng giây từng phút trong cuộc sống. Các bạn đã mang 5 cây ngũ dục – tiền tài danh vọng địa vị, ăn uống ngủ nghỉ đánh đập vào thân xác này từng giây phút đấy. Đấy là cách khổ hạnh tinh tế của thời đại mới mà suy nghĩ kỹ mới thấy được các bạn ơi, ta đang tu khổ hạnh. Ta mang 5 cây – cây ngũ dục đập lên đầu, đập lên người, đập lên môi miệng, lên mắt, lên tai, thậm chí còn thọc sâu vào trong trái tim mà chẳng thấy đau đớn, khổ hạnh cỡ đó là khổ lắm rồi. Vậy mà ta vẫn cứ sướng với sự khổ hạnh, sai rồi các bạn. Đừng tự đánh đập mình bằng 5 cây thật cứng thật dài của ngũ dục nữa, hãy sống thong dong tự tại, quán chiếu sự chết rình rập từng giây phút để an nhiên mà vượt qua mọi chướng ngại trong cuộc đời, hầu có được hạnh phúc và bình an. Cám ơn các bạn đã nghe.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Mu A Mu Sa.