Bảo Ngọc đánh máy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.
Con nguyện mười Phương chư Phật ban rải năng lượng đại từ đại bi tới cho muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn, các bạn và Bảo Thành lại gặp nhau trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền môn, thuộc Thiền phái Mật tông. Các bạn thân mến, mỗi một ngày chúng ta gặp nhau để gợi ý, nhắc nhở. Sự gợi ý, nhắc nhở này là bởi vì chúng ta là bạn, có thể chúng ta đã gặp mặt hoặc chúng ta chưa gặp mặt nhưng ta tương tác qua những phương tiện như vậy, ta đã là bạn. Trong tình bạn chúng ta cần phải có sự chăm sóc và nuôi dưỡng, thì tình bạn đó sẽ tăng trưởng tốt đẹp, từ chưa gặp sẽ tạo được nhân duyên gặp được nhau, từ sơ giao sẽ tăng trưởng thành thâm giao, từ người mới gặp sẽ thành người mà không bao giờ quên. Tình bạn phải được nuôi dưỡng, tình bạn phải được trải lòng rộng lớn, nuôi dưỡng nó, nó không tự nhiên tới, mà nó là nhân duyên để tạo nên tình bạn.
Tất cả từ tình bạn cho đến tình yêu thương trong gia đình, giữa vợ chồng, chúng ta cũng phải trân quý, nuôi dưỡng, chăm sóc, tưới tẩm, chúng ta cũng phải biết cái gì thêm cái gì bớt. Chúng ta phải chú tâm vào, không phải cứ để tự nhiên mà vợ chồng thuận hảo, con cái nghe lời. Ngay cả tình nghĩa giữa con cái và cha mẹ thì cha mẹ và con cái cũng phải nuôi dưỡng tình yêu đó trong gia đình, còn tình giữa con người với con người, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng. Đó là nói về cảm tình, tình yêu, cảm giác yêu thương. Nói về thân xác, sức khỏe chúng ta cũng phải chăm sóc, vậy nên trong xã hội có những công ty bảo hiểm nó luôn nhắc nhở, hoặc những sở y tế, nhà thương, những người chăm sóc về sức khỏe cũng hay nhắc nhở cho chúng ta, và chỉ dạy cho chúng ta phương pháp chăm sóc sức khỏe cho mình. Đó là về thân, để phòng ngừa bệnh hoạn phòng ngừa những chuyện không ưng ý nó tới. Tâm cũng vậy, cũng phải nuôi dưỡng trong một tinh thần tốt đẹp, trong giáo lý, trong những niệm triết lý tốt hướng thượng để ta sống tốt mà. Nói chung thì chuyện gì cũng cần phải nuôi dưỡng.
Có một cô kia, cô đó thường mỗi ngày tới chùa cúng dường hoa cho Phật ở trong chùa. Cô đó cúng dường như vậy liên tục, nhiều lắm, không bao giờ bỏ một ngày nào, bởi cô phát nguyện cúng dường hoa tươi cho Phật, bông hoa tươi cho Phật. Có lẽ theo một tâm nguyện cúng dường hoa tươi, bông hoa tươi cho Phật để có được phước báu xinh đẹp về tướng hảo, và về tâm, điều đó tốt lắm. Các bạn nên nhớ chúng ta cúng dường bông hoa tươi cho Phật với lòng thành kính với tâm chân thật, chúng ta có phước báu tăng trưởng về vẻ đẹp của thân tướng và của tâm nên cúng dường Phật quan trọng nhưng quan trọng hơn vẫn là ở tâm thành kính, lòng chân thành. Chúng ta cúng, nếu có thì nên chọn lựa những cái cao quý nhất, cái cao quý ở đây tức là những gì còn đẹp còn xinh. Cô đó thường xuyên chọn lựa hoa thật là tươi, bông thật là đẹp để cúng dường lên Phật ở trong chùa. Thế rồi có một lần hai ba ngày không cúng dường bông nữa, cô ta đi tới chùa và gặp vị trụ trì để tâm sự: “thưa thầy, mấy ngày hôm nay con buồn quá, con không muốn cúng dường bông hoa cho Phật nữa, bởi con quá buồn, con không cúng dường bông hoa cho Phật thưa thầy”. Ông thầy hỏi:
- Con buồn?
- À con buồn nhiều. Người phụ nữ đó nói.
- Con buồn con không cúng dường bông hoa cho Phật. Vậy thì con lên bàn thờ của Phật kia, con thấy bông hoa con cúng dường mấy hôm trước nó như thế nào?
Người phụ nữ nói:
- Nó héo rồi
Thầy nói:
- Con không thay nước thì bông làm sao
- Nó thối, nó tàn, nó héo. Người phụ nữ trả lời như vậy.
Vị trụ trì mới nói:
- Một bông hoa cúng dường cho Phật con không thay nước, nước nó sẽ thối, con không cắt tỉa nó sẽ tàn héo. Sự chăm sóc những bông hoa cúng dường chư Phật là phải luôn luôn thay nước, cắt tỉa những phần héo úa đi để cho sự cúng dường của mình là bông hoa đó luôn tươi đẹp cho tới lúc cuối cùng.
Và người trụ trì đó nhắc nhở thật là nhẹ nhàng.
Trong cảm giác của con người có vui có buồn có sướng có khổ, những cảm giác vui buồn sướng khổ đó chúng ta cũng phải biết chăm sóc tưới tẩm. Nếu như chúng ta còn tươi, như bông hoa còn có sắc còn có hương, ta phải biết thay nước. Nếu chúng ta đang vui, ta phải biết thay đổi tất cả những gì đang ở bên cạnh cảm giác vui đó mà sẽ làm cho cảm giác vui đó dần dần bị tàn úa, ta phải biết thay nó. Vì cảm giác vui và hạnh phúc kia cần phải được chăm sóc, những sự việc chúng ta làm gây ra phiền não cần phải được tỉa cắt và được rửa, được thay thế. Cuộc sống nhiều những chuyện chúng ta làm chúng ta không chịu để ý để cắt tỉa khi nó héo úa. Có những tạo tác, có những sự việc mà chúng ta tương tác hàng ngày với mọi người, chúng ta không chú tâm nuôi dưỡng niềm vui. Bất chợt họ hoặc ta có những tạo tác như là làm cho niềm vui héo úa mà ta không cắt ngay, dừng ngay, tỉa ngay, ta không thay đổi ngay, như nước để lâu ngày nó thối trong bình bông vậy đó. Chúng ta không làm mới nó, chúng ta không thay đổi nó thì cái buồn nó sẽ tràn lên.
Nếu nói nuôi dưỡng niềm vui thì như thế nào gọi là nuôi dưỡng và làm sao để nuôi dưỡng. Bông dâng cho Phật, để có thể nuôi cái bông nó tươi thêm, hương có thể dài thêm nhiều ngày, ta phải biết cắt tỉa những cái lá vàng, lá úa, ta phải biết thay nước. Tâm hoan hỷ, tâm vui của con người cần phải được nuôi dưỡng, làm sao để luôn an vui, cần phải được công phu tịnh tập và nuôi dưỡng niềm an vui đó. Các bạn sẽ hỏi, à chăm sóc bông thì biết rồi biết thay nước nè biết, cắt tỉa nè để cho bông tươi để cho nước không có bị thối, để dâng lên cho Phật, còn niềm vui của tôi trong cuộc đời mỗi ngày, tôi phải chăm sóc như thế nào, bằng phương pháp nào, bằng pháp tu luyện nào để cho niềm vui luôn luôn có, để luôn luôn biết cười. Có.
Dĩ nhiên mỗi người một căn cơ, cái nghiệp khác nhau khi làm người và nhiều Pháp môn tu khác nhau, phương tiện khác nhau mà Phật truyền dạy, tựu chung chính là hơi thở chánh niệm, hơi thở chánh niệm. Nếu các bạn cố gắng chuyên tâm vào hơi thở chánh niệm và phát nguyện an vui tới cho mọi người, nguyện mọi người luôn an vui. Hít vào thật sâu, thở ra thật nhẹ nhàng, thật là nhẹ nhàng, nguyện muôn người luôn an vui, nguyện mọi người luôn an vui hít vào thở Ra. Nếu các bạn biết chăm sóc hơi thở chánh niệm bằng lời chúc nguyện cho mọi người luôn an vui thì nhất định bạn sẽ luôn an vui, không khác gì bình bông kia bạn biết thay nước, bạn biết cách tỉa những héo úa thì bông sẽ tươi thêm nhiều ngày, hương sẽ tỏa thêm nhiều ngày. Niềm vui của các bạn sẽ như bông hoa tươi đẹp, nồng hương để cúng dường ba ngôi tam bảo, gọi là tâm hương niềm vui của các bạn có thể ví như tâm hương.
Các bạn cũng cần phải chăm sóc thay đổi tà niệm, bất chánh bằng hơi thở chánh niệm ngay trong lúc này, ngay trong giây phút này. Con hít vào con biết con hít vào, con thở ra con biết con thở ra và con chúc cho mọi loài sống trong an vui, hơi thở chánh niệm nghĩ đến mọi loài sống trong an vui. Chúng ta biết thay đổi hơi thở của phiền não, hơi thở của ưu tư, hơi thở của loạn thần, của những cảm giác xung động của sự bất như ý bằng hơi thở chánh niệm, nhẹ nhàng hồi hướng cho muôn loài sống trong an vui. Làm chủ được hơi thở chánh niệm đó, sống trong hơi thở chánh niệm đó, bạn sẽ giữ cho tâm của bạn luôn an vui không bao giờ buồn.
Đó là lời của đức Phật dạy, sống trong hơi thở chánh niệm, chúc lành an vui cho mọi người thì ta và người luôn an vui như bông hoa cúng dường cho Phật, biết thay nước, biết tỉa biết cắt biết chăm sóc, hoa sẽ tươi nhiều ngày, hương sẽ tồn tại nhiều ngày. Y như niềm vui của mỗi người. Chẳng khác gì bông hoa, nếu như chúng ta biết tưới tẩm, biết nuôi dưỡng bằng hơi thở chánh niệm thì hương hoa chánh niệm này, thì niềm vui của chúng ta, bông hoa an vui của chúng ta sẽ tươi sẽ tốt sẽ tỏa hương nhiều ngày hơn, cho bền vững hơn, không héo úa.
Cho nên Pháp môn theo dõi hơi thở chánh niệm và chúc lành cho muôn loài an vui là để đối trị với những nỗi buồn vu vơ bất chợt tới, bất chợt đi, hoặc những tạo tác ra tà niệm trong sự tương tác hàng ngày gây ra. Đây là sự đối trị, một pháp quán, một đề mục để chúng ta đối trị với những nỗi buồn chợt tới – mà một thói quen lâu ngày cúng dường bông cho Phật lâu vậy chúng ta cũng bỏ qua bởi vì buồn nó tới. Cho nên dù buồn có tới thì chúng ta cũng không thể bỏ qua được bó hoa tươi cúng dường cho Phật. Bó hoa tươi cúng dường cho Phật đặc biệt hơn là bó hoa Tâm an lành được nuôi dưỡng được trưởng dưỡng được an trú trong hơi thở chánh niệm, chúc lành cho muôn loài sống an vui.
Các bạn để đối trị với tâm buồn nó tới, để chúng ta buồn quá mà bỏ hết mọi thói quen tốt đẹp bỏ hết mọi hành động tốt đẹp bỏ hết mọi ý tưởng tốt đẹp. Pháp môn đó là pháp ngôn hơi thở chánh niệm và chúc lành cho muôn loài sống an vui. Do vậy, các bạn có những thói quen tốt đẹp như tu tập, dâng bông cho Phật, cúng dường Tam bảo, làm việc từ thiện mà một lúc buồn quá muốn bỏ thì ngay lúc đó các bạn hãy nhớ lại Pháp môn mà Bảo Thành giới thiệu. Tức là an trú trong hơi thở chánh niệm, hít vào ta biết ta hít vào, thở ra ta biết ta thở ra, đồng với sự hít vào và thở ra ta nguyện chúc lành cho muôn loài sống an vui nhất định các bạn sẽ hết buồn, lâu dần thì cuộc sống của các bạn sẽ là nguồn an vui cho mọi người. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe Bảo Thành gợi ý ngày hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Mu A Mu Sa.