Kim Ngân đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa
Con nguyện chư Phật mười phương ban rải năng lượng đại từ đại bi đến muôn loài chúng sanh.
Các bạn thân mến. Xu nịnh, nịnh hót là một cái tánh không tốt của mỗi người chúng ta. Ta hay thấy nó xảy ra trong gia đình, hay công ăn việc làm. Vốn chúng ta là người chân thật mà nếu đi làm ở công sở có một vài người nịnh hót, xu nịnh, ôi cha, nó rắc rối. Bởi vì người xu nịnh, nịnh hót kia luôn luôn tiếm quyền, chiếm công, dùng ngôn ngữ 2, 3 lưỡi ngược xuôi để nâng cái tôi, cái ngã của mình lên. Rồi kẻ xu nịnh, nịnh hót không có dấn thân để làm việc, thường là nhìn xung quanh, những người bạn của mình để dìm họ xuống, lấy công của họ lập công cho chính mình. Tánh xu nịnh, tánh nịnh hót như vậy không có tốt. Nó tạo ra nghiệp thật là xấu, nặng có thể đọa vào địa ngục, nhẹ có thể làm súc sanh ngạ quỷ. Nếu có thêm chút phước báu làm người thì kẻ xu nịnh đó sau khi tái sanh làm người, lời nói của họ hôi thối, ô trược chẳng ai tin, chẳng ai nghe, không được ai gần gũi thân cận. Tánh xu nịnh đó rất nguy hiểm. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ sống đúng theo lời Phật dạy. Đó là chánh ngữ. Người có chánh tâm sẽ có chánh tư duy và chánh ngữ. Lời nói chân chánh, với tư duy chân chánh, với sự suy nghĩ chân chánh. Cái nhìn chân chánh đó sẽ giúp chúng ta trở thành người chân thật, sống chân thành, vượt qua được tất cả những cái được gọi là bất thường xảy tới trong cuộc đời.
Câu chuyện có một vị đạo sư sống trên núi, có hai người đệ tử ruột. Một anh chàng đệ tử thì siêng năng tu tập, và giúp đỡ vị đạo sư vì vị đạo sư đã già rồi. Còn anh kia thì lười biếng, biếng nhác trong công phu tu tập, lại trong cả công việc hàng ngày để giúp đỡ vị đạo sư già, nhưng lại chiếm hết thành quả công việc giúp đỡ vị đạo sư hay công việc tu tập của anh chàng đệ tử siêng năng kia. Vì miệng của anh ta dẻo quẹo, cái gì cũng tranh giành công, cũng hốt tay trên để lập công bằng miệng lưỡi. Kẻ lười biếng là như vậy. Nhưng lười biếng không sao. Lười biếng mà còn có dã tâm chiếm công của người khác, có tánh xu nịnh, nịnh hót thì thật là nguy hiểm. Vị đạo sư dĩ nhiên có con mắt trí tuệ, đều nhìn thấy và hiểu hết nhưng không có trách. Nhưng làm sao để cho người đệ tử xu nịnh, nịnh hót này có thể nhận ra được giá trị để mà tự tu thì cần có thời gian. Và cũng để cho người đệ tử siêng năng kia tư duy chút xíu bởi là bạn đồng tu cũng nên tìm phương thức, phương kế, phương tiện diệu dụng chút để đánh tan tâm xu nịnh, nịnh hót, tâm lười biếng của người bạn đồng môn kia đi.
Thế rồi một hôm anh siêng năng này nấu nước để ông đạo sư tắm, anh ta đổ có một chút xíu nước để nấu. Khi chuẩn bị mang nước tắm lên cho thầy thì anh lười biếng cũng như bao nhiêu lần trước vội chạy tới, ôm lên và thưa với thầy: dạ thưa bậc đạo sư tôn kính, con đã chuẩn bị nước tắm cho ngài tắm. Vị đạo sư mở nồi nước ra thì không thấy nước nên không thể tắm. Anh lười biếng lúc này không thể dùng miệng lưỡi nịnh hót để bào chữa, vì thực tế trong bình không có đủ nước để tắm. miệng lưỡi dẻo quẹo, xu nịnh, ngôn ngữ lẫn lộn trên dưới mọi hôm nay im bặt không dám nói. Anh đang run sợ, bối rối thì anh siêng năng đi lên từ dưới bếp, mang theo bình nước nóng: Thưa bậc đạo sư, bậc thầy tôn kính của con, xin mời ngài tắm. Bậc đạo sư nhìn vào bình nước đầy ắp, hơi ấm nhẹ nhàng, chỉ mỉm cười trong chánh niệm, và chúc phúc cho hai người đệ tử.
Các bạn ạ, có thế thôi mà người đệ tử lười biếng, xu nịnh kia chột dạ thức tỉnh, thấy được tính xu nịnh, tiếm quyền, nịnh hót, lười biếng của mình. Chỉ trong một giây phút, bậc đạo sư cùng người bạn siêng năng có tâm từ dụng phương tiện để đánh thức mình. Vẫn biết rằng sự xu nịnh, nịnh hót và lười biếng đó là một tính xấu, nhưng nhờ sự ảnh hưởng sống chung với người bạn hiền đồng tu có tâm chân thật và được gần gũi thắp sáng bởi một vị đạo sư đức hạnh nên sau cùng kẻ lười biếng với tâm xu nịnh, nịnh hót kia đã nhận thức ra được mà sám hối từ bỏ, để trở thành một đệ tử siêng năng, thắp sáng đèn trí tuệ, công phu sớm tối để chứng được đạo pháp an lành.
Chắc chắn các bạn và Bảo Thành đã từng đối diện với những kẻ xu nịnh, nịnh hót trong cuộc đời, đảo lộn ngôn ngữ, làm lộn hết lên sinh hoạt đời thường của nhiều người. Nếu ở trong môi trường mà có một kẻ nịnh hót như vậy kề cận những bậc thầy, thì ngôi chùa đó sẽ gặp nhiều rối rắm. Nếu như trong một tập thể cũng có một kẻ xu nịnh, nịnh hót, ngôn ngữ lật ngược, lật xuôi như vậy thì tập thể đó cũng sẽ gặp nhiều rối rắm. Gia đình cũng thế, hay nhóm nhỏ sinh hoạt cộng đồng cũng thế. Tánh xu nịnh, nịnh hót không tốt, nhưng không phải chỉ có người đó mới có tánh đó. Ai trong chúng ta cũng có tánh xu nịnh, nịnh hót, muốn tiếm quyền, đoạt vị, muốn tự nâng mình lên mà lười biếng. Vốn trong ta ai cũng có, chỉ là khác biệt nhiều hay ít, làm chủ được hay không. Cho nên nếu chúng ta có phước báu chọn được một vị thầy, một vị đạo sư tốt, một người bạn đồng tu tốt thì dù chúng ta là nịnh hót, xu nịnh, dù chúng ta có tánh xấu đến đâu thì có ngày ta được tỉnh thức. Chỉ khốn thay là ta không đủ phước báu để gặp được vị đạo sư tốt và bạn đồng tu tốt, mà gặp phải kẻ xu nịnh, nịnh hót nữa thì ôi, tan hết cuộc đời, nghiệp chướng vô cùng, tái sanh trong cảnh khổ.
Hãy cẩn thận, nhưng làm sao để dù không có một vị đạo sư tốt đẹp cùng bạn đồng tu tốt đẹp mà chúng ta vẫn có thể nhận ra là tánh xu nịnh, nịnh hót kia là xấu, đang có mầm mống và nó ngủ quên, nó ngủ ở trong đời ta, làm sao để chuyển hóa nó? Có thể các bạn chưa có vị đạo sư, chưa có bạn đồng tu, nhưng nên nhớ, các bạn có một bậc thầy, đó là Phật. Ta có bạn đồng tu đó là chư Thiên, chư Thiện Thần, Long Thần Hộ Pháp, các vị đó luôn sẵn sàng đồng tu với chúng ta. Nếu chúng ta biết quy y cửa Phật, biết đón nhận Phật vào cuộc đời, đón nhận pháp của Phật để tu tập, thì ta nhất định sẽ chuyển hóa được mầm mống nịnh hót, xu nịnh vốn tồn tại ngủ ngầm trong ta.
Phương thức làm sao chúng ta có thể chuyển hóa được điều đó. Chúng ta phải quán chiếu tâm chân thật thật là nhẹ nhàng trong từng bước chân của cuộc đời. Chúng ta dõi theo hơi thở hít vào – thở ra, giữ tâm thật chánh niệm, không buông lơi, không phóng tâm. Và làm sao để không buông lơi, không phóng tâm? Là ta giữ tâm của ta với hơi thở hít vào – thở ra trong chánh niệm, quán chiếu bằng cách suy nghĩ, soi chiếu, tập trung vào tâm chân thật. Hít vào, thở ra, nói nhẹ nhàng “Tâm chân thật”. Có thể các bạn khinh thường: “Ôi, cứ hít thở rồi nói mãi tâm chân thật mà thành chân thật sao? Rồi chuyển hóa được tâm xu nịnh, nịnh hót sao?” Nếu không làm được thì Phật đã không dạy. Phật là bậc giác ngộ. Phật hiểu được tâm lý và sự hoạt động của não bộ trong ta. Cái gì lặp đi lặp lại theo chiều hướng ác thì não bộ cũng sẽ đi theo. Não bộ nó không có ác cũng không có thiện, nó sẽ được thuần thục theo những gì ta thích. Nếu chúng ta thích ác thì não bộ cũng sẽ kích hoạt theo chiều hướng ác. Nếu chúng ta thích làm điều thiện, hướng đến thiện thì não bộ của chúng ta sẽ kích hoạt theo chiều thiện và nó hoạt động theo. Bởi não bộ đó nó trực thuộc sự điều khiển của chúng ta. Nếu chúng ta không có thói quen, công phu để làm chủ sự hoạt động của não thì nghiệp, bất thiện nghiệp sẽ làm chủ. Nên đức Phật dạy hãy trở lại một thói quen chí thiện, hướng thiện để làm chủ lại não bộ của mình, để làm chủ lại sinh hoạt của não bộ, để kích hoạt, sắp xếp lại sự hoạt động của tâm thức.
Do đó mà phương pháp hít vào và thở ra trong chánh niệm quán chiếu tâm chân thật, bạn có thể hít ngắn, thở ngắn, nhưng hít vào ngắn, phải biết ta hít ngắn, thở ra ngắn, biết ta thở ra ngắn, ở trong đầu “tâm chân thật” và ngược lại hít vào thở ra dài, ta biết ta hít vào thở ra dài, và thầm niệm “tâm chân thật”. Ta lặp lại liên tục và liên tục nhắc nhở “tâm chân thật”. Như vậy là ta đang tạo điều kiện cho não bộ kích hoạt, xoay theo chiều hướng tâm chân thật cùng với hơi thở. Ta sẽ cài đặt cho não bộ và kích hoạt nó theo chiều hướng thiện về lòng chân thật, để chuyển cái đầu không chạy theo nịnh hót, xu nịnh. Phương pháp có thể là đơn giản, nhưng nó sẽ trị được điều đó, nếu các bạn chọn được tâm chân thật để sống mà không chạy theo hướng xu nịnh, nịnh hót để tạo nghiệp đọa địa ngục, tái sanh tam đồ khổ hoặc tái sanh làm người mà miệng sẽ không được đẹp, ngôn ngữ sẽ không được hay, bị muôn người xua đuổi, chẳng còn muốn gần gũi với ta nữa. Chúc các bạn thành công trong pháp tu thiền chánh niệm quán tâm chân thật nhẹ nhàng trong bước chân an lành của cuộc sống.
Cám ơn các bạn đã theo dõi
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mu A Mu Sa