Thường khi con người ta cái tôi quá lớn vì là do tiền kiếp hoặc đời này, có thể nói là do nỗi đau quá nhiều, do không được yêu thương, không biết thể hiện tình yêu thương với những người thân yêu và những người xung quanh. Tỏ ra thích thể hiện, thích mạnh mẽ, thích độc đoán chẳng qua là vì che đậy sự khiếm khuyết kia. Nhưng mây tầng nào hút mây tầng đó, nên bản thân con cũng là một kẻ đáng được yêu thương và chính tự thân con cũng cần học cách mới biết cảm thông và chia sẻ. Nên con không đủ năng lượng để chuyển hóa người chồng, người thân kia, dù con biết rằng con phải biết từ bi và buông bỏ. Nói là nói vậy nhưng hiện trạng chính con là người cũng đau bởi cái tôi cũng còn quá lớn và những nguyên liệu nuôi cái tôi của chính mình như sự ngạo mạn, ngã mạn, bất cần, độc đoán, Tham – Sân – Si cũng còn rất nhiều. Vậy làm sao con có thể chuyển hóa đối phương khi chính con sinh ra không phải là người cứu rỗi. Con cũng chỉ là để tu để sửa chính mình, nhưng con lại bị công kích và phỉ báng quá nhiều về sự học tu để sửa cho chính tự thân tốt hơn.
Xin Thầy cho con những lời pháp để con tĩnh lại tự thân mình và không bị dằn vặt bởi sự mỉa mai và thị phi ạ!
Có một anh chàng kia có một tảng đá thật là cứng, nhìn xấu lắm, đặt ở trước cửa nhà. Người ta chở xuống, đặt ở trước cửa nhà như một vật trang trí. Ai cũng cười: “Sao anh khờ vậy? Lại đi mua cục đá mà búa đập không bể, để ở trước cửa làm chi cho nó không đẹp?”.
Anh chủ nhà chỉ có cười mà thôi. Lỉnh kỉnh vài ngày sau, có một anh chàng vác cái búa và cái đục tới, rồi cứ đục đẽo cái tảng đá trước cửa nhà anh ta, gây ra tiếng ồn ào khó chịu cho người hàng xóm. Người ta tới người ta chửi: “Anh khờ, anh có tiền anh ỷ vậy sao? Anh mua cục đá về, rồi bây giờ để cho người ta đập vỡ ra ồn ào, khó chịu quá. Anh thật là khờ!”.
Anh chàng này cũng chỉ cười. Nhưng trải qua một thời gian dài, hàng xóm để ý trong tiếng ồn ào đục đẽo của một khối đá vô tri cứng ngắc kia, dần dần hình thành lên một hình hài của một cái tượng, một cái tượng tuyệt đẹp, tượng đó là tượng của vị Bồ Tát. Mọi người lúc này mới ngỡ ra và ai đi ngang không xem cục đá vô tri, xấu xí kia, ai đi ngang cũng chẳng chửi tiếng ồn ào đục đẽo nữa mà ai đi ngang cũng thầm nguyện, vái lạy tôn tượng Bồ Tát Quan Thế Âm.
Bạn! Nếu bạn có cái tôi lớn như một khối đá vô tri, cứng ngắc nhiều đời đúc kết lại, hãy mượn một người tạc tượng để mang đục, búa tới tạc cái khối tôi vô tri cứng của bạn thành một cái tượng mới. Người tạc tượng đó là ai? Chính là giáo pháp của Đức Phật Thích Ca. Và khi bạn biết rồi, giáo pháp của Phật Thích Ca đang tạc lên một cái hình hài mới trong cuộc đời của bạn qua cái khối đá vô tri, cứng ngắc của cái tôi, nó gây ra những cái tiếng làm cho cha mẹ, người thân khó chịu. Phải không các bạn?
Đúng! Ai cũng gặp trường hợp đó. Nhưng thời gian sau, khi cái khối đá vô tri của cái tôi quá lớn của bạn được tạc lên hình hài của một vị Bồ Tát tại thế trong cuộc đời, sống biết yêu thương như giáo pháp của Phật dạy thì bạn đã trở thành ứng hóa thân của Bồ Tát. Người ta sẽ thầm nghĩ: “Ui cha, cái cô ấy, cái anh ấy, ngày xưa chỉ là một người thô lỗ hoặc cái tôi quá lớn, mà nay có một đời sống như một vị Bồ Tát”. Đó gọi là Thân giáo!
Đau có đau, ồn ào có ồn ào nhưng nếu không có cái búa, cái đục thì khối đá vô tri của ta, cái tôi quá lớn của ta sao có thể thành hình hài Bồ Tát?
Hãy nương vào pháp của Phật và thỉnh Đức Phật tới tạc cuộc đời của bạn qua những giáo lý mà bạn đang học. Hơi khó trong lúc đầu, làm cho hàng xóm khó chịu khi nhìn thấy tảng đá đó. Khó trong lúc đầu bởi sự ồn ào, người ta thấy người tạc tượng đục và đẽo. Nhưng nếu cuộc đời không đục và đẽo, làm sao nên hình hài?
Hãy cố gắng! Hãy tâm niệm rằng, đời tôi như thế, nay có phước duyên đồng tu với Phật, đồng tu với những vị đồng duyên, tôi không phải là người như họ nghĩ, nhưng tôi sẽ nương vào giáo pháp của Phật để tạc cuộc đời của tôi thành một hình ảnh mới và cứ cố gắng sống với Thân giáo, sống bằng lòng từ bi và sự yêu thương. Và thường hít vào thở ra, quán tức là từ bi quán, trí tuệ thông dung, và hãy sống với lòng từ, tình yêu thương và trí tuệ hiện hữu của mình.
Chẳng cần phải cứu rỗi ai hết! Chồng chẳng cần cứu. Thân tự sáng, chồng sẽ thấy, chồng thấy rồi chồng sẽ sửa. Thân tự sáng, nhà sẽ thấy, nhà sáng rồi thì cả nhà được sáng. Đừng quá vội vàng! Sự tu của ta là phải chuyển hóa được chồng, chuyển hóa được cha mẹ, ông bà.
Phật đời xưa, khi Ngài giác ngộ cũng chẳng chạy về và dạy giáo lý cho vua cha Tịnh Phạn, cho thân tộc trong cung vương của Ngài mà Ngài cứ làm cái sứ mệnh Thân giáo truyền dạy và rồi thắp sáng được. Cho nên cuối cùng, bà dì của Ngài, ngay cả vợ của Ngài, con của Ngài và những bậc thái tử trong cung vua thấy Thân giáo của Phật sáng láng, lộng lẫy với đức hạnh thanh tịnh, tinh tuyền, nên sẵn sàng bỏ ngôi vua, thái tử mà theo.
Bạn hãy sống với Thân giáo đức hạnh từ bi, yêu thương và trí tuệ, chồng sẽ bỏ cái chỗ đứng ngang ngược để đi theo nếp sống mới mà bạn đang sống. Gia đình sẽ thấu rằng: “À! Chẳng phải là cái tôi vô tri cứng ngắc kia mà là một tôn tượng Bồ Tát di động đang đồng hành với toàn gia đình”.
Cám ơn bạn! Mô Phật!
Tham vấn Phật Pháp 7, https://youtu.be/KkGJer2RQ2I