Pháp thoại Thiền Sư Bảo Thành, Bảo Như bút ký
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa
Con nguyện mười phương chư Phật ban rải tha lực Phật điển đại từ đại bi tới muôn loài chúng sanh.
Bảo Thành kính chào các bạn trên kênh Youtube Thất Bảo Huyền Môn
Chúng ta gặp gỡ đã nhiều lần rồi, nếu các bạn đã xem qua những video của Bảo Thành trên kênh Youtube thì đây là sự hiện diện trong cuộc đời để cho chúng ta gặp gỡ. Biết đâu một câu nói Bảo Thành kể lại dựa trên một cốt truyện sẽ giúp cho Bảo Thành và các bạn có một cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc đời. Nếu như các bạn là những người mới nghe lần đầu, xin hãy cùng Bảo Thành lắng nghe, biết đâu chúng ta có nhân duyên để rồi Bảo Thành tình nguyện kể chuyện cho các bạn nghe.
Các bạn thân mến, có một câu chuyện kể như vầy:
Có một vị lão sư tu cũng đã lâu rồi và lão sư có một chú tiểu cùng tu. Hai thầy trò ngày đó được một gia đình kia mời tới để cúng dường trai tăng – cúng dường trai tăng có nghĩa là Phật tử mời các vị sư tới để bố thí vật thực cho bữa ăn trưa. Vị sư này thấy sự thỉnh nguyện của Phật tử rất chân thành nên tới dự buổi cúng dường đó. Trong khi chú tiểu đang ngồi đói bụng – chú tiểu còn nhỏ ngây thơ, đói nói đói khát nói khát, nên người trong nhà phải vội vàng chuẩn bị đồ ăn cho chú tiểu ăn bớt đói dù chưa tới giờ. Trong lúc chuẩn bị đồ ăn như vậy, vị sư kia lại vô tình đi theo bước chân của mình đi vào trong nhà bếp và khi bước vào trong nhà bếp, đang như thế vị sư phát hiện ra bàn tay của mình thọt vào trong bao đựng trà thật là thơm. Vị sư nhận thấy thật xấu hổ rằng bàn tay của mình đang trộm cắp trà, cho nên ông dùng tay trái đập vào cái tay phải thật là mạnh và la lên – đánh mạnh lắm và la thật to: Ăn trộm! Ăn trộm! Ăn trộm! Gia chủ ngạc nhiên vô cùng sao trong bếp lại có kẻ trộm rình rập trong đó, liền chạy ùa vào để coi, còn ông chồng thì cầm cây thật lớn: Trộm đâu! Trộm đâu! Vị lão sư lúc đó mặt đỏ hừng hực, cảm thấy buồn mới chỉ bàn tay đang ở trong bao trà và nói với gia chủ rằng: Tôi phát hiện ra cánh tay này đang ăn trộm trà cho nên tôi đánh nó tôi la lên để cảnh tỉnh, đây tay đây đánh nó đi, đánh nó đi. Lúc đó gia đình của phật tử mới nhận ra câu chuyện như thế là do vị sư đã vô tình hay cố tình không biết, đã thò tay vào bao trà rồi nhận thức ra được hành động đó như là trộm cắp. Nhưng vị sư có tánh cao cả ngộ giác đi đến sự chứng đắc, trong giây phút đã nhận ra rằng chính mình là kẻ trộm cắp, bởi thấy mùi trà thơm ở trong bếp của người ta, đi vào và thọt tay vô nhưng đã nhận thức được trong sát na đó nên tự đánh mình và la lên là trộm. Gia đình chắp tay và nói: Không sao! Không sao! Xin lão sư cứ tự nhiên. Nhưng lão sư đỏ mặt cảm thấy buồn và nói với gia đình rằng: Tôi đã lạm dụng lòng tốt của gia đình, bước vào trong bếp thấy mùi trà thơm quyến rũ và chỉ một giây không kềm được tay đã thò vào chạm vô, chính trong giây phút tôi đã nhận ra tôi như kẻ trộm nên xấu hổ tự đánh mình. Các vị đã tha cho tôi, nhưng từ nay tôi sẽ phát nguyện: nếu tôi còn làm chuyện đó nữa tôi nhất định sẽ chặt đứt cánh tay. Vợ chồng Phật tử này hạnh phúc vô cùng bởi đã mời đúng một vị sư đang trên đường bước tới sự giác ngộ, nhận thức rõ được mình đúng hay sai và có tâm chân thực đến mức mà mình làm sai tự khiển trách mình, chẳng sợ và giấu diếm ai nên hạnh phúc vô cùng. Bữa cơm được cúng dường và khi vị sư ăn xong đa tạ tấm lòng của Phật tử mà đi về.
Các bạn, câu chuyện nó quá bình thường đối với mọi người, đôi khi nó tức cười đối vối một số bạn. Nhưng chúng ta cứ thử nghĩ, ở trên đời này, các vị đi tu hay những Phật tử tại gia, hay nói đúng hơn là con người, chúng ta thật là dễ dàng khiển trách khi bắt gặp ai đó làm sai, chúng ta thật dễ dàng trách móc khi nhìn thấy rõ ràng người khác đang sai phạm. Nhưng khi nhìn thấy ta đang làm sai, ta lại chấp nhận, ta lại che kín, ta lại gian díu với hành động đó để cho ta cứ sai và sai mãi. Hành động của vị sư này thật tuyệt vời, ông ta là người tu được mời tới gia đình Phật tử để thọ thực. Nhưng chính vì tâm khởi lên mùi trà thơm đó, chỉ thò tay vào, ngay đó ông ta ngộ ra rằng hành động đơn giản như vậy cũng là hành vi của kẻ trộm – tự vào nhà bếp, thò tay vô bao trà là hành vi của kẻ trộm, ông ta không giấu diếm hành vi để thỏa mãn sự tò mò. Nhưng ông ta nhận thức được hành động đó là sai trái nên tự khiển trách đánh đập mình và kêu là ăn trộm. Trước mặt Phật tử ông ta không sợ nói lên điều sai trái của mình, đó là hạnh sám hối, sám hối ngay khi nhận thức được điều sai, chẳng đợi dồn 3-4 ngày, một tháng hay mùng 1 hoặc ngày rằm mới tới chùa sám hối. Tội chất chồng mang tới chùa sám hối chỉ làm dơ cửa thiền môn, rác rưởi của tội lỗi chất chồng đến nửa tháng mang vô chùa ngày mùng 1, ngày 15 rằm sám hối, xả rác ở trong chùa. Vị sư này không xả rác ở trong chùa mà từng bước chân từng hơi thở từng hành động quán chiếu nhìn thật rõ và biết mình sai ở chỗ nào thì sửa ngay chỗ đó – thấy và biết, nhận và sửa. Ngay khi có mặt của muôn người cũng chẳng sợ, bởi tâm chân thật không hề giấu đó gọi là ngộ tánh thật cao. Với tâm chân thật thể hiện trên bước đường của những người tu đang dần tới sự chứng đắc. Còn tất cả những vị xuất gia hay tại gia như chúng ta – Bảo Thành và các bạn, chưa đạt được tâm chân thật và tánh thấy biết hiển lộ, nhận rõ cái sai đúng. Thật là nhiều lần, thật là nhiều lần chúng ta đã phủ lấp tất cả những điều sai của mình, thấy sai biết sai – mà nói không thấy không biết thì hoàn toàn không đúng. Chúng ta thấy sai, chúng ta biết sai, nhưng chúng ta không bao giờ sửa sai, chúng ta giấu giếm, chúng ta bảo hộ, che chở cái sai đó để rồi chúng ta cứ lầm lỗi mãi. Tâm chân thật của sự sám hối trên bước đường tu rất quan trọng, một hành động tuy thật là nhỏ – nực cười với mọi người, sao lại tự đánh tay của mình và nói là kẻ trộm. Các bạn cũng biết, Phật dạy rằng nếu không thấy được tánh xấu, cái sai của ta thì chẳng phải là đang đi trên con đường tu, phải thấy được chính mình. Các bạn có thấy mình sai không và các bạn có dám nhận cái sai đó ngay chỗ đó, ngay lúc đó hay không và sửa hay không? Hay lại chất chồng cho đến nửa tháng sám hối bằng miệng mà chẳng bao giờ tu sửa hết. Đó là cách sám hối bằng miệng mà thôi. Phài sám hành chứ không phải sám ngữ các bạn. Biết bao nhiêu những sám ngữ đọc nghe hay lắm bởi vì những người sáng tác sắp xếp ra những bài sám đó theo văn tự câu cú thơ phú nghe rất là hay và đi sâu vào lòng người. Chúng ta đã tụng sám văn nhiều lắm rồi và có biết bao những thông tin nói rằng nghe sám văn này sẽ sạch tội sạch nghiệp. Nghe sám văn suốt đời sẽ chẳng sạch tội sạch nghiệp đâu các bạn ơi mà chỉ có sám hành mà thôi. Sám hối bằng pháp hành thực tế ngay chỗ đó như vị sư đó gọi là sám hành, chẳng cần văn cú, thơ phú lục bát, tứ tuyệt, văn chương, ghép vần. Thấy sai nói sai, thấy tay ăn trộm gọi là trộm và đánh thẳng vào đó để nó hiểu nó thấu rồi phát nguyện từ đây phải từ bỏ nên gọi là sám hành. Nhưng thói đời con người thích văn ngữ cao siêu, đắm chìm trong những sám văn nghe huyền bí, đọc tụng nghe hay quá hay quá nhưng mà không chịu thực hành. Các bạn, người tu Phật chẳng phải là mụ mẫm trong văn tự của sám văn – nghe hay nghe thích nghe mê, sám hành mới quan trọng. Bạn là cư sĩ, là Phật tử hay bạn là tu sĩ xuất gia trong chùa hay ở đâu đi nữa nhớ rằng sám hành rất quan trọng. Song hành với tánh thấy biết, nhận rõ cái sai cái đúng của mình để biết khuyên bảo bản thân của mình, để biết chặn đứng những hành động sai trái đó dù rất là nhỏ. Vị sư kia chưa ăn cắp trà, chỉ táy máy trong một giây phút, niệm khởi lên thích mùi trà thơm nên thò tay vào thôi, nhưng vị sư đã kịp nhận ra đó là hành động của kẻ trộm. Huống hồ chi là chúng ta – Bảo Thành và các bạn chẳng như vị sư chỉ táy máy thò vào mà chúng ta thực sự đã lấy đi, lấy đi danh dự của người khác, lấy đi phẩm hạnh của người khác, lấy đi cuộc đời của người khác, lấy đi tiền tài của người ta, lấy đi tiếng tăm, lấy đi biết bao nhiêu điều tốt đẹp của người khác để rồi trong họ còn lại là sự đổ nát suy sụp đau khổ. Nhưng ta vẫn che vẫn giấu, không biết sám hối, chồng chất như vậy để rồi đầu tháng hay giữa tháng sám văn rình rang, chuông mõ inh ỏi và rồi cả cuộc đời cứ tiếp dẫn như vậy. Thay vì niệm Tiếp Dẫn Đạo Sư siêu thoát tội lỗi ta lại niệm niệm tiếp dẫn hành động đó mỗi ngày chẳng thôi.
Các bạn, chúng ta là người trong kỷ nguyên mới, biết bao nhiêu chuyện đang xảy ra, giáo lý của nhà Phật không bao giờ sai, dù thời gian có trôi qua từ thời đại đồ đá hay bây giờ văn minh cỡ nào đi nữa, lời của Phật vẫn ứng nghiệm được vào trong đời sống bình thường của chúng ta. Chỉ cần chúng ta nhận thức, hiểu và thấu sám hành rất quan trọng. Sám là thấy được những tội lỗi điều sai của mình và có hành động cụ thể ngay tức khắc để ngăn ngừa và chỉnh sửa. Không phải sám văn để rồi khi chúng ta cứ sai cứ phạm dồn cục nửa tháng sám một lần hết tội. Nếu cứ sám hối để hết tội thì các bạn nhớ rằng trên đời này đã hết khổ đau rồi, bởi ở đâu có chùa, có tịnh thất, có am, có thiền viện, thì ở đó đều có sám hối và sự sám hối đó mà hết tội thì thế gian này đã không còn khổ đau đâu. Sám hành mới quan trọng, một lần sai một lần sửa, thấy sai – sửa, và có tâm chân thật dám nhận ra cái sai như lão sư kia, đó là tiến trình đi đến sự giác ngộ tự thân bằng tâm chân thật thấy rõ sai trái của mình để sám – sửa, sám là sửa còn hối là không bao giờ phạm nữa, hối lỗi đó.
Các bạn thân mến, cảm ơn các bạn nghe Bảo Thành tâm sự hôm nay. Nguyện chúc cho tất cả chúng ta có dũng lực biết đứng lên từ bỏ và sửa sai thực sự, đừng che khuất những lầm lỗi của mình dù rất nhỏ.
Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Mu A Mu Sa