Thu Hằng đánh máy
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Giữ tâm thanh tịnh, buông lỏng, nhẹ nhàng trở về với hơi thở của chánh niệm. Quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê. Khi chúng ta trì niệm mật ngôn với lòng thành kính chân thật, mỗi người chúng ta sẽ đón nhận được năng lượng và lan tỏa tới tất cả những người ta yêu thương, hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mỗi một ngày có biết bao nhiêu những người mẹ, có biết bao nhiêu những người cha cứ ngồi trông ra cửa và chờ con mình trở về. “Hãy Trở Về Con Ơi!” là điều ta chia sẻ ngày hôm nay. Ai chưa làm cha làm mẹ chưa thể thấu được cõi lòng của cha mẹ, không phải khi con đi không trở về, đi mãi mà cha mẹ chờ, khi dắt con tới trường học ngay giây phút ấy cha mẹ cũng chờ từng khắc một để mong con trở về.
Hồi chiều nay tại nhà thờ gần chỗ mình đang tu, người ở trong xứ đạo này đã đọc loa thông báo tìm một trẻ lạc, đi học mà lạc, mới hồi chiều nay. Họ đọc đi đọc lại nhiều lần nhưng Bảo Thành chưa nghe họ đã tìm được trẻ em đó lạc chưa. Chúng ta nguyện em đó sẽ tìm được bởi thân nhân, xin chư Phật gia hộ, xin trời đất gia hộ để em đừng có lạc và tìm được người nhà. Trời tối dần mà loa nhà thờ cứ nói hai ba lần, trong lòng Bảo Thành nghe thấy quặn đau bởi chắc chắn cha mẹ của bé, ông bà của bé, người thân của bé sẽ đau khổ biết bao, chờ đợi từng khoảnh khắc trôi qua trong đau khổ sợ hãi. Nhất định trong thâm tâm của người thân đặc biệt là của người mẹ và cha cứ thầm nguyện rằng hãy trở về con ơi, hãy về đây với mẹ, hãy về đây với cha, đó là sự thật xảy ra ngày hôm nay. Còn những bậc và các đấng làm cha mẹ chúng ta hiểu được trái tim đau đớn, sợ hãi, lo lắng, đủ mọi cung bậc khi con đi ra khỏi cửa. Dẫu cho con đã trưởng thành lập gia đình, dẫu cho con đã sanh con hoặc dẫu cho con cái đã là ông là bà, thì người mẹ người cha lúc nào cũng lo lắng bởi đó là bản tâm luôn trường cữu trong trái tim thân phận làm mẹ làm cha, của muôn loài chẳng phải chỉ có con người. Một thứ tình cảm thiêng liêng nhưng ràng buộc muôn thuở khó có thể lìa xa.
Thuở mà Bảo Thành đi khỏi Việt Nam lúc đó mẹ còn sống, mẹ không bao giờ viết thư nói rằng con ơi hãy trở về mẹ đang đợi vì mẹ đã tạo điều kiện và đưa con đi. Tuy nhiên không có một người mẹ nào ở trong lòng mà đưa con đi vào cuộc đời chẳng mong cầu con trở về, người mẹ nào cũng mong cũng chờ dù không có nói, dù không viết bằng thư để gửi, nhưng nhất định trong tâm của mẹ lúc nào cũng nguyện rằng “Con ơi! Hãy trở về con ơi!” .
Và đúng vậy, mẹ của Bảo Thành đã chờ, đã thầm lặng chờ để có một ngày các con trở về. Vì hoàn cảnh, vì sự sống nơi xứ người, vì biết bao nhiêu sự ràng buộc nơi mình mới tới và rồi các con của mẹ chẳng bao giờ có cơ hội trở về, và mẹ đã đi không bao giờ trở lại nữa. Ngồi tại nơi đây, chỗ này, ngay chỗ này nơi mà ngày xưa vòng tay mẹ ôm, tiếng hát mẹ ru, miếng cơm mẹ mớm, nơi mà ngày xưa biết bao nhiêu nhọc nhằn gian khổ, từng giọt nước mắt mẹ rơi xuống tưới tẩm, che chở cho mình vững bước chân trong cuộc đời, nhưng ngồi đây có các bạn đồng tu nhưng thiếu bóng mẹ.
“Hãy trở về con ơi” là sự thao thức trong từng canh thâu, là những đoạn trường của những người mẹ luôn luôn phải trải qua khi có con. Nhưng nếu chúng ta vì đi làm xa, lập gia đình, vì một hoàn cảnh nào đó thì sự trông chờ của mẹ là điều dĩ nhiên nhưng vẫn nhẹ nhàng hơn đôi chút. Nhưng nếu như có những người con lạc loài, bị sự dẫn dắt của những luồng tư tưởng sai trái mà từ bỏ cha mẹ đi mãi không trở về, hoặc có những sự tức giận do bất đồng ý kiến trong sinh hoạt của gia đình đã phá tan cánh cửa bình yên nơi chốn sinh ra, chạy mãi, đi mãi và thề không bao giờ trở về nữa, dù cho mẹ cho cha có mất họ cũng không về. Tại sao cũng là con người, cũng sẽ là cha mẹ hoặc đã là cha mẹ rồi, hiểu thấu được lòng của bậc bề trên sinh ra ta mà chính ta lại cứ bỏ đi mãi cho mẹ chờ, mẹ mong? Cũng hồi chiều nay đi ra đường, đi bộ gặp một cụ bà đi tới nhà trẻ đón đứa cháu về, bà cụ chào Bảo Thành và nói “Thưa Thầy! Thân tôi bệnh lắm, Thầy cầu nguyện cho đỡ bệnh”.
Bảo Thành nói sẽ luôn luôn hồi hướng cho cụ, hỏi cụ “Đi đón cháu về?”
Cụ nói “Đúng, đứa cháu mồ côi”. Mình thấy lạ “Bà đi đón cháu sao bảo cháu mồ côi?”
Bởi vì người mẹ đã bỏ cháu vì một hoàn cảnh đi mãi không về nuôi con được, đối với cụ bà thì người mẹ kia là con dâu, nhưng chắc chắn người mẹ ấy cũng vẫn chờ con lớn lên để trở về. Dù vì một hoàn cảnh nào đó bỏ con nhưng không bao giờ bỏ được ở trong tâm, trong trái tim.
Mỗi một cuộc đời, mỗi một người có một hoàn cảnh, nhưng chúng ta nhất định không thể để cho những thú vui trong cuộc đời, cho những cái tôi, cái bản ngã tự ái dồn dập, đừng để cho những kiến thức vụn vặt chúng ta lìa xa cha mẹ của mình. Nếu không nghĩ thì thôi, nếu có trí tuệ hiểu thì chúng ta từ bỏ cha mẹ đi xa mà không trở về thăm cha mẹ, mà không bao giờ muốn trở về với cha mẹ nữa là chúng ta đang bắt hại tinh thần, đang giết hại sức khỏe của cha mẹ. Chúng ta nói rõ nếu bỏ cha mẹ mà không trở về thăm các ngài thì chúng ta là kẻ sát nhân, tội đồ của gia tộc. Chẳng phải giết người bằng dao, bằng búa, bằng súng ống mới là giết, giết người bằng các cách làm cho tinh thần, làm cho tâm linh và thể chất hao mòn, rồi chết đi trong sự nhung nhớ chờ đợi con đó là một tội ác vô cùng.
Đời vẫn có những chuyện ấy, chúng ta từng đi từ thiện trong những viện dưỡng lão, thấy các cụ ông, cụ bà ngồi trong viện dưỡng lão. Viện dưỡng lão hay trung tâm dưỡng lão là văn từ hoa mỹ đặt lên để tô điểm, chứ thật ra cha mẹ đã bị bỏ rơi ở trong những cái viện như thế. Tại Việt Nam hoặc tại nước ngoài cũng thế, miếng ăn có, nước uống có, sinh hoạt có, nhưng thiếu đi tình cảm của những người con. Chúng ta từng chứng kiến trên khóe mắt của những người cha, người mẹ trong viện dưỡng lão hao mòn, hốc hác, ta nhìn vào ta đã thấy đau lòng. Thì những người con nếu như chúng ta còn mẹ, còn cha thì hãy trở về, đừng bao giờ bỏ cha mẹ của mình bởi các ngài là cội nguồn để ta tới với thế gian, không có nơi nào hạnh phúc bằng nơi vòng tay của cha và mẹ.
“Hãy trở về con ơi” không hẳn chỉ có cha mẹ trong cuộc đời này mong chờ ngày ta trở về. Đức Phật, các chư vị Bồ Tát là cha mẹ của chúng ta, chúng ta bị cuộc trần trong tham vui ái dục, trong tiền tài vật chất, danh vọng và địa vị, thú vui dẫn dắt, ta đã phá cửa chân tâm, bỏ nhà chân tâm đi hoang, chẳng bao giờ ngoảnh mặt, chẳng bao giờ muốn trở về. Để rồi ta đau khổ trong cuộc trần của sự tranh đua, hờn giận, tham si, bon chen, ghen tuông, ghen tị, tranh đấu, đè bẹp, giết hại, bắt hại nhau, thương tích đầy người, ác nghiệp đầy tâm. Có khi nào ta nghĩ ta làm đau lòng Phật và Bồ tát không? Dĩ nhiên chúng sanh không thể làm cho Bồ Tát và Phật đau lòng được, nhưng Bồ Tát và chư Phật cũng như cha mẹ lúc nào cũng chờ đón chúng ta trở về với mái nhà chân tâm, nơi mái nhà đó có đầy đủ những hương vị của tình yêu, có đầy đủ ánh sáng của trí tuệ, có đầy đủ sự tịch tĩnh giúp cho ta thức tỉnh từng giây, hiểu và thấu được giá trị của cuộc đời. Mái ấm được che chở bởi chư Phật và Bồ Tát là một mái nhà viên giác giúp cho chúng ta vơi đi mọi sầu khổ, phiền não và giúp cho chúng ta lành lặn trở lại, không què quặc đời sống tâm linh. “Hãy trở về con ơi” là tiếng gọi của Mẹ Hiền Quan Thế Âm, là tiếng gọi mời của Đức Phật, của các bậc giác ngộ. Nếu ta là cha mẹ con bỏ đi ta cũng thầm cầu nguyện cho con hãy trở về, thì hãy nhớ chư vị Bồ Tát, chư Phật cũng đang đợi chờ những đứa con đã chối từ căn nhà chân tâm, bình an, hạnh phúc, trí tuệ, tràn đầy tình yêu kia trở về. Những đứa con nào còn đang đau khổ phiền não, còn đang bệnh hoạn nơi thân nơi tâm, còn đang khắc khoải trong từng giây phút bởi những đọa đày ở trần gian, hãy nhớ nơi tâm của ta là ngôi nhà có Phật, có Bồ Tát, nơi tâm của ta là ngôi nhà có Mẹ Hiền Quan Thế Âm, có các bậc giác ngộ đang chờ mong chúng ta từng giây phút.
Chỉ cần bạn quay trở về, chỉ cần bạn quay trở về nhà mẹ cha lúc nào cũng sẵn sàng ôm các bạn vào lòng, không cần biết bạn đã làm gì ngoài kia, là tội đồ hay là những kẻ tội nhân, không sao cha mẹ vẫn thương. Không ai thương mình bằng chính cha mẹ của mình, không cần biết ác nghiệp của bạn như thế nào, khi trở về với chân tâm trong chánh niệm của hơi thở ta sẽ diện kiến, ta sẽ gặp được Phật, được Bồ Tát và Bồ Tát, chư Phật không bao giờ phân loại hạng sang và hạng tội, hạng giàu, hạng nghèo. Các Ngài đều đối xử với mọi chúng sanh một cách bình đẳng. Cho nên nếu ta có ác nghiệp nhiều, ta tạo nhiều điều bất thiện, nếu ta có tội lỗi, nếu ta có hư hỏng, nếu ta có nghiện ngập, nếu ta là kẻ đã tạo ra vô số những điều sai trái, không sao, mẹ của ta cha vẫn chờ, mẹ vẫn mong. Phật và Bồ Tát vẫn luôn luôn ẳm ta vào lòng để san sẻ năng lượng vi diệu, chữa lành tất cả để làm cho chúng ta trở thành một người mới, tái sanh trở lại trong tình yêu thương.
“Hãy trở về con ơi” đó là tiếng gọi mời của Phật, của Bồ Tát, đó là tiếng trông chờ của mẹ của cha. Cuộc sống ít nhiều gì mỗi người chúng ta đã nếm đủ mọi hương vị trong đời và ít nhiều gì chúng ta cũng đã nhìn thấy sự sanh tử. Chúng ta thấy được như vậy mà, ta phải nhẹ nhàng trở về, ta phải trở về đừng đi mãi. Thú vui nào cũng qua, phiền não nào cũng đoạn, nhưng mái nhà chân tâm thì thường hằng vĩnh viễn, luôn luôn ở đó. Khi trở về mái nhà chân tâm trong chánh niệm của hơi thở ta sưởi ấm được trái tim của mình, ta sẽ hết đau, ta sẽ hết khổ. Nhìn kỹ trong lòng các bạn có thấy chỗ nào còn đau, chính chỗ đau đó nếu bạn trở về trong chánh niệm của hơi thở, đơn giản thôi chỉ nói “Phật ơi! Con đau. Mẹ Hiền Quan Âm ơi! Con đau”
Chánh niệm một thời chỗ đau đó được lành, vì tất cả mọi nỗi đau từ thân hay từ tâm, từ tinh thần đều là do những điều sai trái, ác nghiệp ta tích lũy những năng lượng tiêu cực, làm cho trường năng lượng của chúng ta mất thăng bằng tạo ra sự không còn quân bình gây ra bệnh tâm, thân. Trở về với tâm trong chánh niệm, trở về để thắp sáng đuốc tuệ qua chánh niệm, trở về để lan tỏa tình yêu thương nơi chính mình, để thương lấy chính mình đó là sự trở về tuyệt vời nhất bởi ta được khỏe, được vui và được an. Trong chánh niệm hơi thở trở về với chân tâm là trở về với tự tánh của sự an lạc và bình an, bình an ở bên ngoài không có, an lạc cũng không tìm được ở bên ngoài, chỉ có trong tâm và qua hơi thở chánh niệm, qua sự thực tập và hiểu thấu được ta có thể xả bỏ mọi luồng năng lượng tiêu cực đang tồn tại trong ta. Năng lượng tiêu cực làm cho ta phiền não đau khổ, năng lượng tiêu cực làm cho thân ta mệt, bệnh, mất đi niềm vui. Năng lượng tiêu cực có là do những ác nghiệp, những điều ta làm không đúng, chỉ cần bạn trở về trong chánh niệm, an trú nơi chân tâm hay còn gọi một chữ đơn giản hơn trong nội tâm thanh tịnh của chánh niệm hơi thở, bạn sẽ thấy rõ được bản thân, nơi ấy luôn sáng để bạn không bị lầm bước trong tăm tối.
Là con người ta không bao giờ để cho cha mẹ phải chờ trong khắc khoải khi ra đi, nên mỗi người chúng ta luôn biết trở về. Ngày nay phương tiện thật là tuyệt vời đối với những đứa con hoặc những người con làm xa, đi xa vẫn có thể nhìn thấy mẹ, mẹ nhìn thấy ta và nghe được tiếng ta nói qua phone, qua các app. Đó là một phương tiện vi diệu lắm, dù không về được bằng bước chân đặt vào cái cửa, cái ngõ để ôm mẹ, ta cũng có thể trở về qua cái phone, nghe giọng nói của mẹ, nhìn hình ảnh của mẹ để mẹ có thể chạm tay lên màn hình qua sự hiện diện khuôn mặt của ta trên đó. Nhất định những ai làm cha mẹ khi con cái hoặc con cháu ở xa gọi về nhìn thấy trên màn hình là nguồn vui sướng dữ lắm, kỳ diệu ở xa có thể gặp mẹ qua phone. Ta cũng có thể gặp được Phật và Bồ Tát qua phone của chánh niệm, qua màn hình của chân tâm. Bạn nghe, bạn tư duy, bạn sẽ thấy thấm, cái phone chánh niệm và màn hình của chân tâm, năng lượng của Từ bi, từ trường của Trí tuệ, trường năng lượng của sự Tỉnh giác. Đưa mọi hình ảnh của Phật, của Bồ Tát lên trên ngay màn hình chân tâm đó để ta nhìn thấy Phật và Bồ Tát nơi tâm của ta. Những ai nghe suy nghĩ cho mình một cơ hội thực tập nhất định sẽ thấy được Phật, Bồ Tát nơi màn hình chân tâm và ta có thể chạm được vào Phật và Bồ Tát ngay đời sống của chính mình và cuộc đời của ta nếu có cái phone của chánh niệm hơi thở và màn hình chân tâm soi rọi vào tất cả mọi nơi, mọi chỗ ta tới, nơi sinh hoạt của đời thường thì những người chung quanh ta họ cũng như ta có cơ hội nhìn thấy Phật và Bồ Tát nơi màn hình chân tâm của ta, qua đời sống đích thực của các pháp thiện lành ta đang tương tác, ta đang hành.
Một cái phone bật lên tiếng nói của con đầu kia gọi tới, màn hình con hiện lên và ta nhìn thấy ta, ta nhìn thấy mẹ, những người chung quanh cũng nhìn thấy ta, thấy mẹ trên màn hình nhỏ bé ấy. Đức Phật nói màn hình chân tâm của chúng ta đã bao trùm tam thiên đại thiên thế giới. Nếu trở về với chánh niệm của hơi thở, màn hình chân tâm rộng lớn vô biên và nếu chúng ta nhìn thấy Phật, thấy Bồ Tát nơi màn hình chân tâm ấy qua các pháp thiện lành ta thực hành mỗi ngày, thì hằng hà sa những chúng sanh khác nhìn qua màn hình rộng lớn vô biên nơi tâm của ta, họ cũng có đủ phước báu, phước phần, cơ hội nhìn thấy Bồ Tát, Phật nơi ta. Ta không cần phải gặp người để nói Phật Phật, Bồ Tát như vầy, như kia. Ta chỉ cần sống trong chánh niệm của hơi thở. Ta chỉ cần có những hành vi thanh tịnh đúng thiện lành. Ta chỉ cần có những ngôn ngữ thanh tịnh thiện lành dễ thương. Ta chỉ cần có những suy nghĩ, tức là suy nghĩ, lời nói và hành vi đều dễ thương, thanh tịnh và thiện lành, thì ta sẽ giữ được màn hình chân tâm rộng lớn vô biên. Mãi mãi có những hình ảnh của Bồ Tát của Phật nơi cuộc đời, chẳng cần gặp người nói Phật – Bồ Tát, chẳng cần phải mang những thông tin để loan truyền cho mọi người về Phật, về Bồ Tát. Hãy sống trong chánh niệm, hãy sống và quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, ta được Tỉnh giác và màn hình chân tâm sẽ mở rộng mãi thôi. Cho nên hãy trở về con ơi là trở về với mẹ với cha, hãy trở về con ơi là trở về với chân tâm, với bản tâm thánh thiện, lành thiện của ta. Đừng bỏ đi xa nữa và qua chánh niệm hơi thở mỗi người chúng ta lại có cơ hội mở màn hình chân tâm rộng lớn để ta thấy được Phật, Bồ Tát qua hơi thở.
Chúng ta hãy hít vào và đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng lại. Tổng trì Mật ngôn, nhìn vào chân tâm, diện kiến chư Phật, Bồ Tát nơi tâm thiện lành của chính mình.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)