Bảo Vô Lượng đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Giờ tu đã tới, kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về với ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng sanh, và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, cho các vị hương linh đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cho cha mẹ hiện tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin Chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, giữ tâm ngay thẳng, buông thư nhẹ nhàng, trở về với lời Phật dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Trong từng hơi thở, chúng ta quán chiếu tâm Từ Bi qua mật ngôn Mu A Mu Sa, tâm Trí Tuệ qua mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, tâm Tỉnh Giác qua mật ngôn Ma Sa Ốp Uê.
Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, lãnh nhận năng lượng.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê.
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Chúng ta đồng tu là để sửa những lầm lỗi của mình trong cuộc đời. Đó là một cách nói rất phù hợp. Nhưng vẫn còn một cách nói khác, đó là chủ đề ta nhìn thấy ở trên màn ảnh: “Tu Không Cần Sửa”.
Có những người như Bảo Thành và các bạn tu cần phải sửa, nhưng không hẳn tu là cứ phải sửa, tu cũng có thể không cần sửa. Có vẻ mâu thuẫn với nhiều người trong chúng ta. Chuyện trên đời đã gọi tu mà không sửa thì tu cái gì? Và nếu sửa, sửa cái gì đây? Ai cũng biết rồi, chúng ta tu không cần biết bạn theo hệ phái nào, tông phái nào, tôn giáo nào thì những chuyện đã làm sai thì vô số, tội lỗi thì vô kể. Nên mỗi đời, mỗi người và mỗi ngày biết bao nhiêu cái khổ tới với chúng ta. Có câu: Ngày nào cũng có sự khốn khổ của ngày đó, bởi ác nghiệp nhiều đời ta tạo chồng chất mỗi ngày. Không sửa thì cái khổ cũng tới, mà dù có sửa thì cái khổ vẫn tới. Bởi chúng ta chỉ sửa trên mặt hình thức, sửa không thấy rõ cần phải sửa cái gì, sửa theo phương pháp nào, chỉ thuận miệng nói: “Tu là sửa”. Rồi bây giờ nói: “Tu không cần sửa” mang ý nghĩa gì đối với chúng ta theo chủ đề này?
Chắc chắn các bạn khi nghe qua thấy hoang mang, vì “Tu không cần sửa” có nghĩa đâu có tu. Nhưng tu đấy các bạn, tu mà không sửa. Tu không sửa là tuyệt chiêu, còn tu sửa vẫn là chiêu thức bình thường thôi. Ai muốn tu học được cái tuyệt chiêu “tu không cần sửa” trở thành cao thủ, nhất định phải tư duy. Không phải nói: “Tu không cần sửa” rồi sống buông thả, rồi sống cứ buông trôi theo dòng nghiệp thức, tạo nghiệp. Chẳng phải vậy, đó là cái hiểu thiển cận, sai trái. Tu không cần sửa là tu đúng với tư duy, những ai có căn duyên phù hợp theo cách suy nghĩ này.
Chúng ta đã tạo nghiệp nhiều lắm, vậy thì cái nghiệp sát sanh đã hại người, hại chúng sanh nếu nói sửa thì sửa làm sao? Như cái nhà hư, ta sửa lại cho vững. Cái cửa hư, ta sửa lại cho tốt. Giết một người, giết một chúng sanh đâu có thể sửa để cho chúng sanh đó sống lại được? Điều đó đúng đó. Bây giờ bạn trộm cắp của người, lấy đi tiền bạc nhà cửa, lấy đi thân mạng, lấy đi đủ thứ rồi, sửa là làm sao? Mang tiền đến trả? Điều đó cũng có thể, nhưng đâu có phải là sửa. Mình chỉ hoàn lại số tiền đã lấy. Chúng ta cứ nghĩ sửa là nó hư rồi sửa, thân này hư rồi sửa, như nhà hư rồi sửa, nhưng theo Bảo Thành đi theo cái quan niệm khác một chút xíu để chúng ta tư duy: sự khác biệt “Tu không cần sửa” hoặc tu phải sửa chỉ là cách nói. Nếu chúng ta không nhìn cho rõ sẽ dễ tranh luận về mặt ngôn ngữ. Ngay bây giờ, ai lỡ nghe qua câu từ “Tu không cần sửa” và cách nói của Bảo Thành chắc thấy hơi chướng chướng rồi. Suy nghĩ thử một chút xíu.
Trong năm giới của nhà Phật, năm giới đó không nói ta sửa một cái điều gì hết. Như vậy Đức Phật đâu dạy chúng ta tu theo năm giới là sửa. Đâu sửa giết người, sát sanh đâu. Đâu sửa trộm cắp, tà dâm. Đâu có cần phải sửa nói dối, uống và sử dụng các chất say. Năm giới đó không nói là mình phải sửa sát sanh, phải sửa trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống sử dụng các chất say. Không có chữ “sửa” trong đó. Năm giới không có chữ “sửa”. Như vậy, tu đúng theo năm giới là “Tu không cần sửa”. Những ai đang nghe đã nổi gai chưa? Gai chướng ngại, thấy khó chịu những cách nói này. Không sao, nếu như gai đã nổi, người khó chịu, thì nghe một chút bởi vì trên đời này chuyện gì cũng lý giải theo tư duy của mình được và nhất định những chuyện khác của người khác cũng lý giải được. Ta cứ tranh luận bàn cãi đưa đến sự chấp trược, phân tranh, tranh đấu hơn thua trong những cái sự lý luận và luận thủ, chấp thủ, chấp vào những cái lý luận, vào ngã, vào giới, vào cách trình bày. Nhưng nếu học cái hạnh lắng nghe, ta thấy chuyện người ta nói cũng được, chuyện mình nói cũng được, nhưng giữa người và ta vẫn khác biệt. Vậy trong cuộc đời cần nhất là trung gian đưa tới sự hiệp nhất, hiểu được tận cùng cái ý thâm sâu của mỗi người.
“Tu không cần sửa” theo năm giới là đúng, bởi năm giới không nói phải sửa, mà chỉ nói không làm: không được sát sanh. Cho nên ta chỉ cần ngừng những điều đúng như năm giới dạy. Ngưng! Không sửa. Ngưng! Ta phải ngừng sát sanh và đưa tới cái sự suy nghĩ là không được phép sát sanh. Ta phải ngừng trộm cắp và đưa tới cái sự suy nghĩ và tu tập là không được trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống, sử dụng các chất say. Không là không! không tác động, không hành, không làm, không tạo, ngừng! Bởi vậy tu là phải ngừng, theo năm giới. Tội lỗi thì đã tạo rồi. Ngừng năm giới là ngừng tạo nghiệp, ngừng tạo tội, ngừng tạo ra những bất thiện nghiệp. Sửa và không sửa, cái chữ này chỉ là ngôn từ. Đừng dính mắc, ta sẽ thông. Giữ được năm giới là ngăn chặn những nghiệp ác, không tạo ra nữa.
Nhưng có biết bao nhiêu những nghiệp ác theo năm giới ta đã tạo từ phút trước, ngày trước, năm trước, kiếp trước phải giải quyết như thế nào? Trước khi sửa gọi là sửa, hoặc không sửa những cái điều ta tạo trong quá khứ, ít nhất ta phải giữ được năm giới, tức là không ngay trong hiện tại, không ngay trong từng giây phút, từng sát na, từng ngày tháng tới, năm giới phải miên mật, phải giữ thì không tạo nghiệp, hết tạo nghiệp, ngừng tạo nghiệp. Còn cái đống nghiệp chướng, ác nghiệp quá khứ giải thích như vậy theo Phật dạy là ta sám hối, là phóng sanh, là bố thí, là cúng dường, là làm mười điều thiện, những việc thiện. Đơn giản thôi. Đừng suy diễn nhiều quá, phân tích chi ly để rồi rối đầu trong các ngôn từ.
Hãy nhớ “Tu không cần sửa” là chỗ ta giữ được năm giới rồi, ta bắt đầu thực hành những điều tốt đẹp. Chẳng cần quan tâm đến cái chuyện ta đã tạo ra trong quá khứ gọi là ác nghiệp là sai trái. Một lòng sám hối những điều đã sai. Chấm hết. Đừng ca thán, đừng than vãn, đừng khóc thét lên kêu trời đất, đập đầu cho đổ máu, ăn chay rầm lên rồi nói: “tôi sửa, tôi sửa”. Không cần sửa, chỉ cần sám hối. Tức là nhận ra những lầm lỗi của quá khứ và giữ năm giới ngay trong hiện tại và hành các pháp thiện qua hạnh bố thí, phóng sanh, an ủi những người nghèo khổ, bệnh hoạn, cô đơn, chia sẻ tình thương, mở rộng lòng bác ái. Đó! Đâu cần sửa, chỉ cần hành những điều rất căn bản, đúng, thiện, hiền lương. Đâu cần phải đào bới trong quá khứ những quá khứ để sửa. Ai đã sửa được lầm lỗi của mình? Lầm đã lầm. Chữ “đã” ở đây là quá khứ. Chẳng cần sửa những điều đó, chỉ cần đừng phạm nữa, ngừng ngay, giữ được năm giới và hành những điều thiện, sám hối cho miên mật, phát triển cái tiềm năng yêu thương, lòng bác ái bao dung, thắp sáng cái Trí Tuệ để nhìn thấu hơn, ngăn chặn những nghiệp ác không tái tạo, không diễn biến nữa. Đó gọi là: “Tu không cần sửa”, nhưng tu cần phải hành và gọi là Tu – Hành. Một cách nói khác. Bạn đừng chống đối: tu là phải sửa hay tu không cần sửa, hãy nhớ Tu – Hành. Tu là giữ giới, là hành đạo, hành gì? Phật dạy: Hành những pháp thiện, buông những pháp ác, giữ trọn năm giới. Cứ thế mà làm, ta sẽ thành tựu được sự an lạc.
Vậy nghe rồi ta đâu còn sự chống kình một cách nói khác theo chủ đề mà các bạn đồng tu gởi về. “Tu không cần sửa” có lý và tu cần phải sửa cũng có lý. Bạn chọn cách nào cũng được. Tu cần phải sửa là sửa những lầm lỗi bằng cách ngăn chặn không tái tạo lại nữa, không lập lại nữa và làm những điều ngược lại. Ví dụ: Sát sanh – nay phải phóng sanh, trộm cắp – phải biết bố thí, biết cho đi. Tà dâm quá khứ đã tạo thì nay phải biết sống thiện lành trân quý, tôn trọng mọi người. Nói dối thì nay phải nói đúng, nói chân thật. Uống và sử dụng các chất say, nay không uống nữa, ngừng hẳn, đừng bao giờ. Chỉ có vậy. Tu không cần sửa nhưng cần hành các pháp thiện, cần phải giữ giới, cần phải sám hối.
Một trong những phương pháp, hay nói đơn giản một trong những kỹ năng tâm linh sống để khai thác cái sức mạnh nội tâm vốn có nơi mỗi con người, mỗi một chúng sanh, sức mạnh nội tâm ta vốn có đó chính là Trí Tuệ viên mãn. Ai cũng có trí tuệ, không ai khờ dại ngu và vô minh. Nhưng vì chúng ta không khai thác được, do đó cứ phải lệ thuộc và ăn xin những cái kiến thức thừa, cặn bã, hạn hẹp của con người để phục vụ cho nhu cầu sống. Vậy nên ta khổ, ta buồn, ta đau, nó vẫn tái lặp mỗi ngày. Trong mỗi một con người chúng ta đều có một kho tàng kiến thức mà nhà Phật gọi là Trí Tuệ Bát Nhã hay Trí Tuệ Viên Thông tất cả mọi thứ để được sống an lạc và bình an. Thông để sống bình an an lạc, không phải thông để làm giầu, để thành người có quyền lực. Nhưng hãy nhớ, thông để sống an lạc bình an, nhất định đời sống vật chất tinh thần và về muôn mặt đời sống khác có đầy đủ phước báu và công đức để tăng trưởng theo chiều thuận với những pháp thiện bạn đã học.
Cho nên, đối với Bảo Thành, nói thêm một chút xíu để tránh đi sự tranh luận “Tu không cần sửa” hay tu cần phải sửa thì chỉ cần dùng hai chữ Tu và Hành. Tu là giữ năm giới, hành thập thiện, bố thí, phóng sanh, từ thiện. Vậy đã đủ, đủ lắm cho Phật tử tại gia, đủ cho tất cả mọi người. Đừng nghĩ tu là phải cao hơn, cao hơn. Tu mà chưa hành được những điều căn bản như vậy thì cái cao khác chỉ là ảo tưởng sức mạnh, đâm ra cuồng loạn, sống vất vưởng, sống không có lợi ích cho bản thân. Sống không mang lại hạnh phúc cho người trong gia đình và xã hội. Sống tạo gương mù, làm cho người khác tạo nghiệp mà không hay. Ngày nay trong thế giới giới cuồng loạn của sự phát triển kinh tế về mọi mặt, thời 4.0 chắc mai mốt thành 10.0 quá, con người tranh giành từng chút để đạt được cái đỉnh cao trong vật chất và sức ép quá căng làm cho nhiều người khủng hoảng bị trầm cảm. Cái khủng hoảng trầm cảm đó nó là một phần tâm thần bị ảnh hưởng, bệnh tâm thần đó. Nói mà kinh dị hơn là bị điên, khùng, bị bơ bơ, bị khìn khìn… nhưng mấy ai trong cái tâm trạng đó nhận ra đâu? Bởi khi não bộ đã mất thăng bằng, thường những cái luồng ảo tưởng nhập vai đưa họ ngất ngưởng ở đời, chẳng còn trách nhiệm bản thân. Và nói hươu nói cuội, nói trời nói đất, dựa vào những tên tuổi, những danh cao để mà lang thang những chỗ này chỗ kia. Người xưa cũng có thể gọi là ông Phật khùng hay Bồ Tát khùng, nhưng đó chỉ là đóng tuồng nhập vai. Chứ nhà Phật tu phải có Trí Tuệ chứ nào có khùng đâu? Tu phải có kiến thức trí tuệ, nào có khờ đâu?
Cho nên tu không cần sửa mà tu cần phải hành: hành Thập Thiện, hành những điều thiện, hành bố thí, hành phóng sanh, hành từ thiện, giữ năm giới. Cái tu này căn bản nhưng vi diệu cho mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Năm giới là căn bản của kiếp sống con người, không lệ thuộc và trực thuộc vào một hệ phái, tông phái, một tôn giáo. Bất cứ tôn giáo nào cũng không nằm ngoài năm giới:
Không sát sanh,
Không trộm cắp,
Không tà dâm,
Không nói dối và
Không uống, sử dụng các chất say.
Đây là năm điều căn bản. Không phải giữ nữa, không phải là ngăn chặn nữa, mà là nâng cao đời sống cao thượng của mỗi người, đưa ta trở về với nguồn mạch sự sống có Trí Tuệ, có yêu thương, có sự Tỉnh Thức. Phải hành được điều như vậy.
Trong Mật Thiền Song Tu Bảo Thành tu mỗi ngày cùng các bạn, dĩ nhiên có nhiều bạn mới vào nghe sơ qua thấy bỡ ngỡ, chưa hiểu chưa rõ, chưa nắm bắt được, nghi ngờ, không biết tu cái gì? Các bạn có thể một số người cho là tà đạo. Không sao! Điều gì cũng cần phải suy ngẫm, suy niệm, suy nghĩ, tư duy, thực hành, thấy có lợi ta thực hành, không lợi ta bỏ qua. Chính lời Phật đã dạy như thế. Những điều Phật dạy: chúng ta tư duy bằng Chánh kiến, thực hành không có lợi, Phật nói thôi bỏ. Phật dạy, điều gì mỗi một bản thân trải nghiệm, thực tập, tư duy, thấy có lợi cho đời sống, mang lại hạnh phúc, yêu thương, bớt khổ, bớt tai họa, ta thực tập. Mật Thiền Song Tu đi vào cái trọng tâm của cách tu hành quán chiếu, suy niệm, tĩnh tâm, suy nghĩ, nhìn sâu vào cái nội tâm để khai thác cái kho tàng bác ái Từ Bi, Trí Tuệ để nâng cao kiến thức, Tỉnh Thức để mà nhìn rõ mọi sự việc xảy ra trong đời bằng Trí Tuệ và mang yêu thương để giải quyết, để san sẻ, để chữa lành những điều ác ta đã tạo. Khi nói tới mật ngôn, ta nhớ những mật ngôn rất vi diệu của Phật truyền lại là âm thanh, là chìa khóa làm rung chuyển tâm thức, đánh thức nội tâm của các bạn, đưa các bạn tới một cung bậc cao hơn gắn kết với những bậc giác ngộ để lãnh nhận năng lượng yêu thương, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác.
Trong Mật Thiền, ta quán chiếu Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác. Các bạn cứ suy nghĩ đi. Tâm Từ Bi là tâm yêu thương. Hỏi trên Thế giới này và trong cuộc sống của chúng ta, nếu không có tình yêu thương, ta sẽ như thế nào? Gia đình ta sẽ như thế nào? Xã hội thế giới sẽ như thế nào? Nếu không có tình yêu thương thì chiến tranh, và nơi mỗi một con người, mỗi một gia đình, xã hội cộng đồng, quốc gia, thế giới sẽ trở thành địa ngục cấu xé, tranh giành, sát hại lẫn nhau. Thế giới ngày nay thật gần và thật nhỏ, rất cần những trái tim hiểu thấu khai mở tình yêu thương vốn có trong ta, gắn kết, lan toả và chia sẻ. Tình thương rất cần cho Thế giới ngày nay. Ngày xưa, chiến tranh có thể tàn khốc vô cùng giết hại nhiều người. Nhưng ngày nay, chiến tranh sẽ tiêu diệt toàn bộ Thế giới, bởi một cái ấn nút bom nguyên tử tàn sát cả quốc gia, cả hành tinh xanh này. Nếu một con người không ý thức phát triển cái tình thương, lòng Từ Bi thì địa ngục là nơi Trái Đất đau khổ. Địa ngục là nơi gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái tranh giành đấu đá sát hại nhau. Tình thương rất quan trọng. Tôn giáo nào cũng không nằm ngoài hai chữ “tình thương”, hai chữ “tình yêu”, hai chữ “Từ Bi”. Cụm từ nào bạn muốn sử dụng, không sao. Từ Bi làm đầu thì mật ngôn Mu A Mu Sa – có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn này có diệu lực là chìa khóa để mở toang cánh cửa tâm thức, nội tâm của bạn, khai thác đúng cái tiềm năng yêu thương vốn có, để bạn trở thành người biết yêu muôn loài, biết thương muôn người bằng sự kính trọng, bằng tâm chân thành một cách rất bình đẳng, không ích kỷ chiếm đoạt riêng cho mình.
Tu không cần sửa mà tu cần phải giữ năm giới. Tu không cần sửa nhưng tu cần phải hành thập thiện, mười điều thiện. Tu không cần sửa nhưng tu cần phải biết bố thí, biết yêu thương, biết từ thiện. Và đặc biệt phải biết sám hối có nghĩa là phải biết nhận ra những lỗi lầm của mình và ngưng hẳn không tạo ra nữa. Năm giới là năm điều kỳ diệu, là cây kiếm Kim Cang cắt đứt tất cả mọi sự ràng buộc tăm tối, khai mở một thông lộ để ta đi vào ánh sáng của Trí Tuệ, và mang nước yêu thương tắm gội, tẩy rửa sạch sẽ những uế trược vốn có nơi chúng ta. Tu không cần sửa, tu là hành, giữ năm giới và hành mười điều thiện, giữ năm giới và hành bố thí, hành từ thiện, hành phóng sanh. Tóm lại Phật dạy, giữ năm giới, làm điều thiện, đừng làm điều ác nữa tâm bạn sẽ thanh tịnh.
Nhưng Mật Thiền còn đi sâu hơn nữa, không ngừng ở chỗ ấy. Mật Thiền dẫn bạn đến cái kho tàng vốn có trong ta. Không cần phải vùi đầu đào bới mà bước vào một cách nhẹ nhàng chạm vào được cái nội tâm, nơi ấy có đầy đủ kho tàng vốn có nơi ta. Kho tàng tình thương, kho tàng của Trí Tuệ, kho tàng của sự Tỉnh Thức. Chúng ta cần phải Thức Tỉnh trong cuộc sống để nhận rõ những cái sai, để ngừng không tạo nghiệp. Chúng ta cần phải đi vào khai thác cái kho tàng Trí Tuệ để ứng dụng vào đời sống, nâng cấp đời sống tâm linh vật chất và tinh thần đúng pháp thiện. Chúng ta cần phải khai mở suối nguồn yêu thương, mạng mạch Từ Bi nơi tâm của mỗi người. Đức Phật, chư Bồ Tát, các Đấng giác ngộ luôn luôn sẵn sàng đồng hành với chúng ta để giúp cho chúng ta trở vào trong kho tàng nội tâm, mang tình thương, sự Tỉnh Thức và Trí Tuệ ra và dạy cho chúng ta ứng dụng hằng ngày để mang lại hạnh phúc, bình an cho ta. Và ta có thể nói: mỗi một sớm mai thức dậy, ta biết chúc bình an cho vợ cho chồng, cho cha mẹ, cho người thân. Gặp ai ta cũng có thể nói được chúc bình an cho bạn. Bởi vì sao? Bởi ta sống bình an. Sao ta có bình an? Ta giữ năm giới, ta làm điều thiện, ta bỏ điều ác, ta biết bố thí, từ thiện, ta biết phóng sanh, ta biết sám hối thì nơi ta luôn có bình an. Người nào có sự bình an trong cuộc sống, người ấy có tâm yêu thương, người ấy có Trí Tuệ, người đó luôn luôn sống Tỉnh Giác.
Tu không cần sửa chỉ là một cách nói khác. Tu cần phải sửa cũng là một cách nói khác. Tu cần phải hành là điều rất căn bản ai cũng cần phải thực tập. Đời có nhiều cách nói, ai muốn nói sao cũng được. Chỉ cần mỗi một người chúng ta hiểu thấu rằng: Tu – Hành là phải giữ giới, hành các pháp thiện, biết sám hối. Điều căn bản Phật tử tại gia có thể làm mỗi một ngày, mỗi một tuần hoặc khi có cơ hội đó là Phóng sanh. Để giải nghiệp chướng nhiều đời ta tạo ra đó là bố thí, đó là từ thiện. Và nhất nhất mỗi một ngày trong từng giây, ta phải biết sám hối. Sám hối có nghĩa là gì là nhìn thấu những điều đã tạo ra sai trái, gây nghiệp ác, ngừng ngay! Nhưng cái điều ngừng căn bản Đức Phật dạy vẫn là năm giới, rất dễ dàng. Khi giữ được năm giới, cái tâm cuồng nộ, sân giận, tham si của chúng ta cũng tan biến. Ai biết giữ giới, người đó có thần Hộ pháp kề cận ở trong cuộc đời. Cái tiếng đơn giản hơn là: ai biết giữ giới, người đó có quế nhân hộ trì, hanh thông vạn sự, phước báu công đức vô lượng. Những ác đức nhiều đời ta tạo nhờ giữ giới mà được chuyển hóa. Kho tàng nội tâm thâm diệu có Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác sẽ được khai thác triệt để, để nâng cái tầm sống của chúng ta cao hơn.
Bạn chờ gì? Bạn có thích cái câu: “Tu không cần sửa” không? Hay bạn thích cái câu: “Tu cần phải sửa”? Thôi sửa hay không là tùy mỗi người, nhưng nhất định chúng ta cần phải hành pháp thiện, bố thí, từ thiện, sám hối, phóng sanh, giữ năm giới. Tu là Tu Hành.
Hãy trở về với hơi thở của Chánh niệm. Chúng ta hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận năng lượng:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)