Bảo Thiện đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn cùng các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chúng con nguyện xin chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Hôm nay chúng con cũng nguyện cầu an, xin chư Phật gia trì cho một người Phật tử tại tiểu bang Minnesota – anh Linh vừa mắc trọng bệnh, xin mười phương chư Phật, chư Bồ Tát gia trì cho anh được thân tâm thường an lạc, giữ vững niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng, tin sâu vào nhân quả, giữ tâm thanh tịnh để bệnh tật được tiêu trừ, phiền não được đoạn diệt. Chúng con cũng hồi hướng cho cha mẹ hiện tiền được tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, lúc nào cũng an vui và hạnh phúc. Nguyện cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh!
Xin chư Phật chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào bàn tay trái, chúng ta ngồi xuống thong dong tự tại. Trở về với hơi thở, nghĩ đến cha mẹ, gia đình, những người thân, nguyện một lòng mang tất cả năng lượng của Phật chúng ta đón nhận được trong công hạnh tu, hồi hướng cho nhau. Trong Mật Thiền chánh niệm là nơi tâm an trú, quán chiếu qua Mu A Mu Sa – tâm Từ bi, quán chiếu NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – tâm Trí Tuệ, quán chiếu Ma Sa Ốp Uê – tâm Tỉnh Giác. Từng hơi thở vào ra tổng trì ba mật ngôn trên, chúng ta đón nhận được thật nhiều mật điển, tha lực, năng lượng yêu thương, Trí tuệ, Từ bi và Tỉnh giác của Phật, mang năng lượng đó gội rửa mọi phiền ưu và tinh tấn trên con đường tu, nhận rõ các pháp Vô Thường.
Chúng ta hãy hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến. Hôm nay thứ Hai đầu tuần mới, gặp gỡ nhau trên không gian mạng của Thất Bảo Huyền Môn, đồng tu cùng với nhau, nhân duyên này lớn lắm. Đức Phật dạy rằng: “Đến 500 kiếp chúng ta cố tình ngoảnh đầu lại để gặp nhau, may ra có một kiếp có cơ hội nhìn thoáng qua nhau”. Nhân duyên ngồi đồng tu gặp gỡ trên không gian mạng này, chứng tỏ rằng đã bao nhiêu kiếp qua chúng ta đã thật sự có tâm nhìn lại với nhau trên con đường tu. Bảo Thành rất trân quý từng giờ, từng ngày được ngồi đồng tu với các bạn, qua hơi thở của chánh niệm chúng ta trở về sống thực sự với chính mình, hiện hữu trong từng giây phút, từng khoảnh khắc của cuộc đời. Gắn kết với Phật qua năng lượng đón nhận được, tổng trì mật ngôn, giúp cho chúng ta giữ được sự liên hệ đó. Các bạn và Bảo Thành cùng nhau san sẻ, hồi hướng năng lượng cho nhau, rất thực tế. Mỗi một ngày đều nghĩ về Phật, mỗi một ngày thường niệm về Bồ Tát. Mỗi một ngày chúng ta đồng tu nghĩ đến nhau, nghĩ đến cha mẹ ông bà, nghĩ đến những người thân, nghĩ đến các bạn đồng tu, các đạo tràng. Nhất nhất chúng ta sẽ luôn được lan tỏa tình thương đến với nhau trong những giây phút nhiệm màu của chánh niệm hơi thở. Cuộc sống quá bận rộn, biết bao nhiêu điều xảy ra không ai có thể ngờ và cứ như vậy nó dẫn đưa chúng ta biền biệt vào những thời khắc bất chợt của những hiện tượng xảy ra không lường được, đó là nhân duyên tu trân quý. Để gắn kết và xây dựng nhân duyên này là trách nhiệm của mỗi người hiện thời, để cho duyên kiếp trước được chuyển hướng một cách thanh tịnh hơn, phát triển hướng thượng. Đồng tu rất hay bởi ta có bạn bè đồng chí hướng, ta có những người đồng một sự phát nguyện thanh cao giải thoát, kề cận nhau, mặt đối mặt hoặc trên không gian mạng đều mang ý nghĩa như vậy.
Trở về với câu bạn gửi hôm nay để chia sẻ “Đạo Nghĩa Phu Thê”. Hai chữ phu thê ân trọng tình sâu Đức Phật dạy. Chúng ta hãy nói về lời Đức Phật dạy về nghĩa và đạo phu thê vợ chồng. Đức Phật nói: “Gặp nhau để kết nên gia đình vợ chồng là duyên nợ bao nhiêu kiếp”
Trong duyên đó có thiện duyên và cũng có ác duyên. Để có những cặp vợ chồng khi tới với nhau họ yêu thương, họ san sẻ cho tới răng long tóc bạc trăm tuổi, cho tới khi mãn đời vẫn còn yêu thương, khó khăn nào cũng vượt qua san sẻ hết – đó là Thiện duyên. Nhưng cũng có cũng cặp vợ chồng tới với nhau bởi ác duyên tạo ra đời trước, yêu có yêu, thương có thương nhưng vẫn đày đọa nhau. Vợ có thể làm những chuyện ngang trái tổn thương đến chồng hoặc chồng có thể làm muôn điều trái ngang để gây đau đớn cho vợ. Kết nên duyên vợ chồng phu thê có thể chưa được một thời gian dài đã phải chia ly, hoặc trong đời sống gần gũi với nhau thường hay tạo ra khổ nhiều vui ít. Những cảnh đó chúng ta thấy thường xuyên trong cuộc đời, có thể nơi gia đình, nơi cha mẹ, cũng có thể nơi xã hội, những người ta quen biết. Duyên thiện và duyên ác kết nên tình nghĩa vợ chồng đều là nhân duyên của kiếp trước, nhưng Đức Phật dạy đừng vì nhân duyên của kiếp trước đó và chúng ta để cho nhân duyên đó dẫn dắt ta, làm chủ ta. Ta tới với nhau dù Thiện duyên hay Ác duyên, khi thành nghĩa phu thê vợ chồng ngay trong hiện tại của đời sống vợ chồng. Phật dạy chúng ta vẫn có được khả năng tái tạo những duyên tốt lành hơn để trợ duyên, mà xây dựng tình nghĩa, ân trọng đối với nhau trong kiếp này. Để nếu là Thiện duyên kết nên, ta lại gieo thêm Thiện duyên để duyên ấy có thể khơi mầm yêu thương viên mãn. Nếu là Ác duyên ta gieo mầm Thiện duyên để chuyển hóa ác duyên đó, rồi tình nghĩa vợ chồng sẽ tốt đẹp hơn, bởi bớt đi sự gây ra những ngang trái, những trái nghịch cho nhau.
Phật dạy thật kỹ chúng ta nhớ, trong một câu kinh ở thành Vệ Đà, ở thành Xá Vệ, Đức Phật dạy cho đệ tử của Ngài rằng, lúc này Đức Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia: “Này các con phải nhớ, nếu đã kết nên duyên vợ chồng phu thê, người chồng phải luôn luôn biết kính trọng người vợ của mình, phải luôn chung thủy với vợ của mình, đừng khi nào hắt hủi bất kính với vợ, biết san sẻ mọi công việc với vợ và biết mua sắm những đồ cần thiết cho vợ”.
Đó là thế kỷ xưa rồi, cách đây 26 thế kỷ, thời Ấn Độ và trên toàn cầu thời đó người phụ nữ không là gì hết, bị coi thường, chỉ như người ở, chỉ như con ở và người phụ nữ bị thời phong kiến ấy đối xử như là nguyên nhân gây ra đau khổ cho đàn ông. Không ai và chẳng bao giờ có chính sách, có được những câu kinh của các tôn giáo thời ấy ngoại trừ Đức Phật nói về những điều như thế. Biết kính trọng vợ tức là kính trọng người phụ nữ mình yêu thương. Chung thủy – thời ấy đàn ông muốn lấy ai thì lấy, đa thê, đa thiếp nhiều lắm. Lúc nào cũng đừng có coi thường vợ, ngày xưa đàn ông coi thường đàn bà, người vợ có ra gì đâu. Biết san sẻ mọi công việc với vợ, không có, vợ là con ở thời ấy. Biết mua sắm đồ cho vợ, nâng đỡ vợ trong lúc thăng trầm, đau yếu, bệnh hoạn, buồn vui, không có. Chỉ có Đức Phật bậc giác ngộ xiển dương sự bình đẳng giữa nam nữ thời ấy và muôn loài, muôn vật đối với nhau bình đẳng. Ngài nói lên những câu rất bình dị, nhưng là chân lý thay đổi toàn bộ cuộc diện của xã hội thời ấy, thời phong kiến, thời vua chúa, thời mà đàn ông đứng trên đỉnh đỉnh cao của vũ trụ, coi thường những người đàn bà là vợ, mà biết những thân phận là vợ có thể là mẹ chúng ta, luôn luôn bị coi thường. Thời kỳ ấy nói như vậy không thể thay đổi nhưng Đức Phật đã dạy. Đức Phật nói đối với người vợ khi người chồng đối xử như thế, thì ngược lại người vợ cũng phải luôn chung thủy với chồng, biết thương yêu chồng, biết kính trọng và thương yêu những người trong gia đình như cha mẹ, thân bằng quyến thuộc, khéo ăn khéo nói, gánh vác việc của chồng, biết gìn giữ gia tài chung của gia đình. Chúng ta thấy những câu rất đơn giản, phù hợp với những ngữ cảnh thời nay, nhưng mà thời xưa Phật đã nói, Phật đã giáo dục, Phật đã dạy. Không có dùng văn chương cao đâu, đơn giản thôi, Phật nói người đàn ông có vợ thì nhớ thương yêu vợ của mình, kính trọng vợ, đừng đày đọa vợ, san sẻ mọi công việc nặng nhọc với vợ và biết chăm sóc cho vợ, đồng thời luôn luôn biết sắm sửa những thứ vợ cần. Rất đẹp, nhân văn, bình thường, cụ thể nhưng nếu thật sự người đàn ông làm được như vậy thì dù kết nhau trong kiếp này là ác duyên, thì ác duyên đó cũng phải biến mất để thành tựu được một gia đình hạnh phúc. Và nếu người phụ nữ cũng làm theo lời Phật dạy, biết kính trọng chồng, chung thủy với chồng, biết khéo léo trong sự tương tác với gia đình, với nhân quần xã hội, biết san sẻ trọng trách và giữ gìn những điều gì có được cho gia đình, và giữ gìn những mối quan hệ tốt đẹp, đúng mà! Gia đình nào không hạnh phúc, ác duyên nào không tận diệt, chỉ còn thiện duyên mà thôi.
Thời phong kiến trải dài sau 26 thế kỷ, ngày nay người ta mới nhận ra sự bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng. Cứ nghĩ khoảng chừng 50 năm trước, trăm năm trước, những cách nói này đối với những người đàn ông không thể thực hiện đâu. Mà Phật 26 thế kỷ trước đã dạy, Ngài đúng là bậc giác ngộ. Ngài có tình thương lớn và rất bình đẳng đối với nam nữ, với mọi loài chúng sanh. Chúng ta không đi theo những ý nghĩa cao siêu của đạo khổng, của đạo nho, của những cách suy diễn thời ngày nay, để rối cái đầu. Mà trở về với những ý nghĩa chân thật, giản dị mà Phật dạy, biết kính trọng nhau, là vợ là chồng không cần biết thiện duyên hay ác duyên, đã tới với nhau trong kiếp này phải biết kính trọng nhau. Đây là điểm mấu chốt trong cuộc sống của phu thê, nếu chúng ta không biết kính trọng nhau, vợ không biết kính trọng chồng, chồng không biết kính trọng vợ, gia đình đó không bao giờ tồn tại được dù đến với nhau bằng thiện duyên. Chung thủy với nhau, những điều này có ở trong giới của nhà Phật, chung thủy với nhau. Chúng ta chỉ có thể chung thủy với nhau vì biết kính trọng nhau, còn nếu chúng ta không biết kính trọng nhau, không bao giờ chúng ta chung thủy và đã không kính trọng, chung thủy, làm sao chúng ta có thể san sẻ mọi thăng trầm trong cuộc đời, lúc vui, lúc buồn, lúc bệnh hoạn, lúc gian truân, lúc đau khổ. Vậy nên trong cuộc đời bởi không kính trọng nên chẳng chung thủy, từ đó mà không biết san sẻ với nhau, nên khi gặp người kia đau khổ, sa sút về kinh tế hoặc bệnh hoạn, hoặc gặp lúc trầm luân người vợ hoặc người chồng có thể ngoảnh mặt bỏ đi, điều đó vẫn như những tuồng kịch diễn ra nhưng rất thực tế, ở đời xảy ra mỗi ngày, rất đau lòng.
Là người Phật tử tại gia chúng ta phải trở về với những ngôn từ nguyên thủy của Phật dạy, với tấm gương của bậc giác ngộ khai thị từ ngàn năm xưa về đạo nghĩa phu thê vợ chồng. Hãy kính trọng nhau, hãy chung thủy với nhau, hãy biết san sẻ cho nhau, với nhau qua mọi thăng trầm, đau khổ, bệnh hoạn, buồn vui, thành công hay thất bại của cuộc đời, luôn luôn hiện diện và có mặt nơi ấy cùng với nhau. Biết bảo vệ tình yêu của nhau, của cải của nhau và biết kính trọng trong sự đối xử với những người thân như cha mẹ chồng hoặc vợ, thân bằng quyến thuộc bên vợ, bên chồng, những người trong xã hội. Những lời dạy của Phật quá căn bản bình thường, nhưng nếu thực hiện được sự bình thường căn bản đó thì chúng ta sẽ có một gia đình phi thường, bởi cùng nhau vợ chồng thuận hòa cùng nhau tát biển đông cũng cạn. Mọi nhọc nhằn, đau khổ, chướng ngại trong cuộc đời đều có thể nương dựa vào nhau mà vượt qua. Chúng ta thấy Đức Phật dạy như vậy, có dễ dàng thực hiện và rất thực tế trong cuộc sống, không màu mè đâu. Những ai đồng tu với Bảo Thành hoặc những Phật tử tại gia trên con đường là cư sĩ tại gia, có vợ, có chồng, có gia đình, nếu đã tu dù là vợ tu hay chồng tu, chúng ta phải luôn luôn thực hiện được những lời Đức Phật dạy, đúng với đạo nghĩa phu thê mà kinh Phật thường nhắc đi nhắc lại. Ở đời duyên kiếp bao nhiêu đời mới gặp nhau để nên vợ nên chồng, chúng ta thực hiện theo lời Phật là lời của bậc giác ngộ để hoàn hảo cuộc sống, để trọn vẹn nhân duyên, để chuyển hóa ác duyên, ác nghiệp, để tăng trưởng những phước báu, làm cho gia đình được hạnh phúc. Dĩ nhiên trong sự hạnh phúc của gia đình, vợ chồng đó, con cái của chúng ta cũng thừa hưởng được nguồn năng lượng bình an nơi gia đình, cha mẹ hai bên sẽ luôn hạnh phúc và người người sống chung quanh với chúng ta sẽ luôn luôn tiếp cận, bởi nơi vợ chồng ấy chan chứa tình yêu thương, có đầy đủ những năng lượng kính trọng, chung thủy, san sẻ, nâng đỡ, bảo vệ nhau.
Trong xã hội hiện thời người ta làm việc để kiếm tiền, người ta tranh thủ mọi thứ trong chớp nhoáng. Dần dần đã hình thành khái niệm của chớp nhoáng, của tăng tốc có được và vội vàng tăng tốc để có được tất cả và vội vàng trong tất cả. Nên trong tình yêu của vợ chồng cũng vội vàng, như lùa cơm vào miệng ăn cho no rồi quăng bỏ chén dĩa, đũa bát. Từ đó mà tình nghĩa của vợ chồng, của phu thê lệch lạc, đổ vỡ, đối xử với nhau như món hàng, đối xử với nhau rất tệ, tệ còn hơn 26 thế kỷ trước khi con người chưa được mở mắt nhìn rõ chân lý bình đẳng giữa nam nữ. Ngày nay người đàn ông vẫn giữ những chủ quyền quá cao, gia trưởng và vẫn cho mình có quyền ăn chơi xả láng, làm những chuyện sai kệ vợ, vợ là vợ, vợ phải chung thủy, phải phục tùng, phải tôn kính, phải gánh vác tất cả. Còn người đàn ông thì như ông trời con, muốn gì cũng được. Từ đó mà đã tạo ra sự rạn nứt, mất đi sự chung thủy và làm cho người vợ cũng dần dần chẳng còn coi trọng tình nghĩa nữa. Bởi dây thần kinh yêu thương, gắn bó đã bị tê liệt và rồi họ xoay lưng làm ngơ, vụng trộm chuyện bên ngoài. Những chuyện như vậy thường xảy ra trong xã hội hiện thời. Nhưng ta đã có phước báu tu Phật rồi, theo lời Phật dạy người Phật tử tại gia cần phải kính trọng đạo nghĩa phu thê, cần phải theo lời của đức Phật dạy, thực tập và thực hành thật rõ trong đời sống của mình để giữ được chuẩn mực đạo đức căn bản nhất. Không cần biết bạn tu pháp môn nào, bạn theo tôn giáo nào, bạn muốn thành tiên, thành thánh, thành Phật, thành ông trời con hay ông trời lớn. Mà bạn không thành nhân, đối xử đúng với đạo nghĩa phu thê, thì trên đời này bạn sẽ không thành được một điều gì hết. Ngay cả kinh tế, ước mơ, đời sống của bạn, những gì bạn muốn thành đạt được trong tương lai, nếu không trọn đạo nghĩa phu thê khi đã có duyên nợ là vợ là chồng, thì đời của bạn coi như thất bại toàn tập, toàn diện, điều này có. Ai có thể thành Phật, thánh, tiên, ai có thể thành công trong cuộc đời nếu chưa thành nhân? Thì chữ thành nhân ở đây là phải biết kính trọng nhau, biết tôn kính nhau và chữ thành nhân ở đây đối với người đã lập gia đình, đã có vợ, có chồng, ta phải luôn luôn biết theo lời Phật đã dạy, biết kính trọng nhau, không bao giờ bất kính với nhau, luôn luôn chung thủy, giữ giới, giới thứ ba đó các bạn. Luôn luôn phải biết san sẻ mọi thăng trầm trong cuộc đời, lúc vui, lúc buồn, lúc khổ, lúc hoạn nạn, lúc gian nan, lúc thành công, lúc thất bại, gắn bó với nhau. Luôn luôn biết bảo vệ hạnh phúc cho nhau, của cải của nhau và biết đối xử tốt với bên vợ, bên chồng, với nhân quần và xã hội. Những điều rất căn bản nhưng là nền tảng xây dựng hạnh phúc và thực hiện đúng đạo nghĩa phu thê, để đúng với đạo nghĩa làm người và như vậy chúng ta đã là người đắc nhân tâm, thành công.
Mặc dù Bảo Thành không sống như các cư sĩ tại gia, có vợ, có gia đình, nhưng đã đọc kinh nghe lời Phật dạy về hạnh của các cư sĩ. Khi đọc đến phần này thì thấy rất căn bản, rất có lý, là chân lý thường hằng bất biến nhưng rất bình dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện. Và ai ai dù theo tôn giáo nào cũng phải thực hiện như vậy mới có thể giữ được gia đình hạnh phúc. Lời của Đức Phật dạy không phải chỉ là thuộc về đạo Phật, là chân lý đối nhân xử thế và đặc biệt là đạo nghĩa phu thê trong cuộc đời. Kính trọng nhau giữa vợ và chồng, bạn nghĩ đi đâu thuộc về Phật giáo, tôn giáo nào khi đã kết thân là vợ chồng thì phải biết kính trọng nhau. Chung thủy với nhau, đâu cần phải Phật giáo, đã là con người, là vợ chồng rồi đều phải biết chung thủy. Đừng bao giờ bất kính với nhau, đấy, đâu có thuộc về Phật giáo. Biết san sẻ yêu thương trong mọi hoàn cảnh, thăng trầm, thất bại, thành công, vui buồn, gian khó, gian nan. Sự san sẻ này rất đúng chân lý của mọi con người, biết bảo vệ cho nhau và luôn luôn biết tương tác, kính trọng những người thân bên vợ hoặc bên chồng, xã hội. Bảo Thành thấy rất nhân bản, rất hay, rất tuyệt vời, một chân lý của bậc giác ngộ dạy qua những ngôn ngữ rất bình thường, dễ nghe, dễ thấm, dễ hiểu, dễ thấu. Nhưng chúng ta đã bỏ quên, bởi chúng ta đua đòi chạy theo những văn tự bóng bẩy của những nhà thơ, nhà văn, đưa tình yêu lên tột cùng của ngôn ngữ nhưng không thực hiện được, ví von cao siêu nhưng quá thường, đậm đà thơ phú ngôn tình nhưng không thực tế. Phật chẳng ví von tình yêu của đôi lứa phu thê như thế, như nhà văn nhà thơ, nhưng nói rất thật. Đạo nghĩa phu thê đối với Phật có những chìa khóa như Bảo Thành vừa nói, cần phải được phải giữ cả hai bên.
Tóm lại là giữa vợ và chồng luôn luôn biết kính trọng, đừng bất kính đối với nhau, biết chung thủy với nhau, biết san sẻ trong mọi hoàn cảnh đối với nhau, biết bảo vệ lẫn nhau và của cải của nhau, biết kính trọng trong sự tương tác bên vợ cũng như bên chồng và đối với xã hội. Bốn điều căn bản đó ai cũng thực hiện được và thực hiện được như vậy chính là người đã thực hiện được đạo nghĩa phu thê, vợ chồng sẽ thương yêu nhau suốt đời. Sự an yên nơi gia đình qua đạo nghĩa phu thê đó sẽ là thửa ruộng phước điền, tăng trưởng phước báu và công đức, gieo mầm yêu thương đúng nghĩa theo tinh thần nhà Phật. Để cùng nhau vượt qua những chướng ngại của cuộc đời, thành tựu được sự hạnh phúc cho mình và cho con cái, cho gia đình và cho cha mẹ.
Chúng ta hãy trở về hơi thở của Chánh Niệm.
Thưa Phật! 26 thế kỷ trước thời phong kiến người phụ nữ bị coi thường và được coi là nguyên nhân đọa đày, mang đau khổ tới cho đàn ông. Nhưng Phật đã dạy đạo nghĩa phu thê, sự đối xử bình đẳng với vợ và chồng, tình nghĩa ấy là tình nghĩa biết kính trọng nhau, biết chung thủy với nhau, biết san sẻ với nhau trong mọi thăng trầm, đau khổ, sướng vui của cuộc đời khi hoạn nạn, khi gian truân và luôn luôn biết bảo vệ nhau và tôn kính giữa người thân trong gia đình. Chúng con, những Phật tử tại gia nguyện thực hiện theo lời Phật dạy để giữ đúng đạo nghĩa phu thê.
Nguyện chư Phật gia trì cho chúng con!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho nhau
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Chúng con xin hồi hướng mọi công đức có được cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.
Xin chư Phật chứng minh!