Search

Bài 3108. Vui Lên Đi, Buồn Làm Chi

Công Minh đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng các bạn đồng tu trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.

Kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu đồng tu.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền chánh niệm hơi thở, để thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con đồng nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ và ông bà cha mẹ, thân bằng quyến thuộc quá vãng nhiều đời được siêu sanh tịnh độ. Nguyện cho các đấng sinh thành tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học, tin sâu vào nhân quả. Nguyện cho thế giới hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật Từ Bi chứng minh!

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, hãy ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng. Ghi nhớ lời của Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật Thiền song tu, hơi thở chánh niệm đưa chúng ta trở về sự thanh tịnh, gắn kết với mười phương chư Phật, quán chiếu để thấy rõ vạn pháp. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa sâu xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển. Hồi hướng cho nhau.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Các bạn thân mến! Chủ đề hôm nay “Vui Lên Đi, Buồn Làm Chi”. Chúng ta vẫn nhắc cho nhau “Vui lên bạn ơi, buồn để làm chi”, lý do cần phải vui là bởi bạn đang buồn. Buồn làm chi khi người ta đã từ bỏ bạn ra đi. Buồn làm chi khi sự thất bại đã tới, đã xong. Buồn làm chi trong cảnh biệt ly. Buồn làm chi khi người ta chê, người ta cười. Buồn làm chi khi biết bao nhiêu những chuyện xấu xa người ta đổ lên đầu của bạn và buồn làm chi những chuyện không như ý xảy ra, thôi vui lên đi! Mỗi khi thấy ai mặt buồn rầu rĩ, nhìn thấy mà oải ta khuyên họ vui lên, đừng buồn nữa. Bạn của ta cứ buồn ta rủ đi ăn tiệc đi cà phê, đi du lịch, đi chơi, mượn cảnh bên ngoài, mượn bạn vui ở bên ngoài để quay qua nỗi buồn ở trong lòng, điều này luôn có. Ta buồn vì nhiều thứ mà nhiều khi nhìn thấy kỳ, một bữa tiệc bạn bè ai cũng được mời mà ta không có tên trong danh sách của bữa tiệc ta buồn, nhưng nếu có tên được mời gọi ta hớn hở. Đời sống của con người vui buồn lẫn lộn, cái được mất của mình cũng tạo cho mình buồn, mình vui, cái mất được của người ta cũng vui, ta cũng buồn. Hầu hết mọi cái vui buồn của người Phật tử chúng ta đều liên quan tới bên ngoài.

Cuộc đời ai cũng mơ ước vui cho thật nhiều, mơ ước như vậy chính đáng, kiếp người mà ai mà muốn buồn, vui vui lên. Và trong cuộc sống chúng ta luôn luôn tạo nhiều điều kiện để vun trồng niềm vui cho mình và người thương yêu, tránh mọi thứ tạo ra buồn cho ta và cho người. Gặp nhau mình thường chúc cho bạn vui, điều đó đúng. Khi chúng ta chúc cho nhau vui là chúng ta đã thấu hiểu được buồn nó ghê gớm cỡ nào. Buồn làm cho thân bệnh, làm cho cuộc đời héo mòn, làm cho ta khổ, buồn lắm! Khi buồn như vậy ta cũng muốn vui lên đi, nhưng cuộc đời nếu khi buồn mà nói vui lên đi, ta vui thì dễ quá, ai cũng có thể làm được.

Một thuở nọ Đức Thế Tôn ngồi thiền, lấy cái y trùm lên trên đầu và ngồi thiền. Một vị Thiện Thần thấy như vậy mới hỏi Đức Phật rằng: “Thưa Ngài! Ngài buồn chuyện gì?”
Đức Phật trả lời cho vị Thiện Thần đó rằng: “Ta có mất gì đâu!”
Rồi vị Thiện Thần đó hỏi Đức Phật: “Thưa Ngài! Ngài hoan hỷ về chuyện gì?”
Đức Phật nói: “Ta có được gì đâu!”
Và vị Thiện Thần đó lại nói với Đức Phật: “Thưa Ngài! Phải chăng Ngài không buồn cũng chẳng hoan hỷ?”
Phật nói: “Chẳng được – chẳng mất, chẳng vui – chẳng buồn, thân tâm tịch tĩnh, an trú nơi đây.”
Đó là nói về những bậc thánh, nói về chư Phật, Bồ Tát, nói về những bậc chuyên chú tu, để không bị được và mất, xấu và tốt, khen và chê, thành và bại, mang vui, chuốc buồn cho ta. Các Ngài tu là đứng ở ngoài vòng buồn và vui, được và mất, khen và chê, thành và bại, tốt và xấu. Nên các Ngài luôn vui trong sự an yên, bởi niềm vui đó chẳng phải khởi lên do duyên ở bên ngoài mà tự tâm sanh ra do sự an trú trong Chánh Niệm. Phật tử tại gia của chúng ta thật khó, khó giữ trong sự an trú trong chánh niệm, phải thực tập nhiều lắm. Làm sao bạn có thể yên tâm khi con cái khóc, khi nó đói, khi con cái của mình khổ, nó đau, nó bệnh. Làm sao mà không buồn được khi cả đêm con khóc oe oe, dỗ hoài không nín. Làm sao mà vui được khi đi học con cái không thành đạt kết quả như mong muốn, rất thực tế nếu các bạn là cha mẹ. Điều này hẳn trong cuộc đời của những đấng sinh thành như các bạn đã phải trải qua biết bao nhiêu năm trời những của sự đau buồn, do những chuyện không như ý xảy ra của con cái. Chồng vợ cũng không khác gì đâu, biết bao nhiêu niềm vui trông đợi từ người bạn đời, người bạn đời khéo tạo mọi hoàn cảnh tiếp vui cho ta, ta vui lây dài hạn, còn nếu người bạn đời không khéo, chẳng biết tiếp nối niềm vui thì nỗi buồn như đoạn trường day dứt suốt cuộc đời. Sự vui buồn của ta lệ thuộc vào người xung quanh. Ông bà hoặc cha mẹ nghe thấy con cháu khổ thì các đấng ấy cũng khổ lây, nghe con cháu thành đạt thì vui không biết đâu mà kể, đầu làng cuối xóm khắp thiên hạ đều biết, bởi ông bà cha mẹ vui lắm khi con cái thành đạt. Kiếp người như vậy ở những cái vui thì ngắn hạn, chợt tới rồi biến mất, nhưng những nỗi buồn dài hạn làm cho khô khan cuộc đời.

“Vui lên đi, buồn làm chi”, nhưng làm sao vui? Mình đâu phải Phật, các bạn thường nghĩ như vậy, mình đâu phải Bồ Tát thánh hiền, những bậc xuất gia cao siêu, đúng! Các bạn thường nói với nhau như vậy, thì làm sao có thể không buồn và không vui, tịch tĩnh trong chánh niệm, an trú tại nơi đây.
Chư Thiện Thần đã hỏi Phật: “Có buồn, có vui không?”
Phật đều nói: “Có được, có mất đâu mà buồn, mà vui”.
Chúng ta cuộc đời này được mất thường xảy ra và chẳng thể như Phật mà không vui không buồn. Mất buồn lắm, làm sao không buồn khi người yêu thương như ông bà, cha mẹ, người thân mất đi. Làm sao không buồn khi nhà cửa, tiền tài, danh vọng mất. Làm sao không buồn khi công ăn việc làm không có, bị mất việc, buồn! Làm sao không vui khi người ta hoặc người thân mời mình đi dự tiệc, cho mình một món quà, nói những lời hay, vui! Điều đó đâu có sai, cái vui buồn của thế nhân không sai. Nhưng cái buồn vui của thế nhân sẽ làm cho chúng ta lộn ngược, lộn xuôi trong cảnh của cuộc đời nơi nhân thế luân hồi sinh tử. Thường nữa thì ta không làm chủ được niềm vui bất diệt và cái buồn thường day dứt mãi. Chúng ta hôm nay không nói tới vui lên đi như Phật, tịch tĩnh trong chánh niệm. Mất và được, khen và chê, tốt và xấu, thành và bại, chẳng làm Ngài vui, chẳng làm Ngài buồn vì Ngài đã nằm ngoài chuyện đó rồi. Còn chúng ta vẫn cuống cuồng trong vòng xoay của được mất, của khen chê, của thành bại, của tốt xấu, nên chúng ta vẫn lộn xộn trong cái buồn –  vui.

Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy: “Làm việc thiện đời này vui, đời sau vui, hai đời đều vui. Làm việc ác đời này buồn, đời sau buồn, hai đời đều buồn”. Đây là một bài kinh đơn giản cho Phật tử tại gia có thể tìm được niềm vui trong cuộc sống, làm thiện ta vui, vui đời này đời sau vui. Không phải như những người khác thường hay nói làm thiện đi, cúng dường đi, bố thí đi, tu đi để đời sau được vui, mà đời này gắng chịu nhiều thứ. Người ta đã hứa hẹn bạn đời sau để dẫn bạn, dẫn dắt bạn vào sự cung phụng họ, mong chờ cho đời sau được sướng, được phước, bớt khổ, nhưng đời này đầy rẫy những cái khổ. Phật không dẫn dắt chúng sanh mang lợi lạc tới cho Ngài để chúng sanh được vui, Phật chẳng được cũng chẳng mất. Vậy Phật chẳng lệ thuộc về sự cúng dường của các bạn đâu để Phật được vui, và không cúng dường Phật bạn buồn. Cho nên chuyện cúng dường, chuyện bố thí, chuyện từ thiện cho Phật đó là ý niệm sai, là cho ai để Phật ban phước đời sau sướng là sai. Làm thiện đi sẽ được vui đó, vui ngay bây giờ. Làm thiện chẳng phải là bán nhà bán cửa, mang hết của cải đi trao tặng cho người nghèo, mà làm thiện khởi lên từ tâm từ, từ những suy nghĩ, những lời nói và hành vi, đối xử với nhau bằng sự tôn trọng, trân quý, giữ sự thăng bằng trong giao tế để mọi người luôn vui, đó cũng là từ thiện. Từ là tâm từ yêu thương, thiện là tánh thiện. Bạn cứ nghĩ chữ từ thiện là cho đi tiền tài, danh vọng, nhưng đối với Bảo Thành từ thiện là khởi từ tâm yêu thương, tâm thiện lành, san sẻ, hiến tặng, làm lớn rộng và lan tỏa tâm yêu thương thiện lành đó. Tâm yêu thương thiện lành có thể thể hiện qua một cái bắt tay, một nụ hôn, một nụ cười, một ánh mắt, một vòng tay nới rộng, một sự san sẻ một chút tịnh tài, một sự hiến tặng chút thuốc cho người đang bệnh hoạn, một sự gửi gắm một chút áo quần cho người rách rưới, một bình nước cho ai đang khát, một lời thăm viếng cho ai đang bệnh hoạn, sầu bi. Đó là từ thiện, tâm từ, tâm yêu thương bằng tánh thiện lành lan tỏa. Từ thiện ta cứ nghĩ phải mang tiền bạc cho đi, nhưng cái tâm mà ta khởi lên cho đi đó chẳng từ tâm từ, chẳng có tâm thiện, chỉ là hình tướng, hình tướng.

Các bạn! Vui lên đi Phật dạy cho chúng ta là phải tự khởi từ tâm thiện lành, tâm yêu thương bằng mọi nghĩa cử, lời nói và suy nghĩ nơi ta. Các bạn có để ý không, khi các bạn buồn cái mặt rầu rĩ lắm, gò má chảy xệ xuống, môi thì trề ra u ám. Nhìn ai buồn các bạn biết ngay, thấy đứa bạn buồn mình nhìn mặt biết rồi “Ủa, hôm nay sao buồn vậy? Thôi đi uống cà phê cho vui” . Một trăm phần trăm các bạn đều nhận ra được nỗi buồn của những người bạn tương tác, nhìn mặt là biết buồn rồi không cần phải đoán, phải bói, nhìn là biết. Còn nhìn họ vui biết ngay, họ hớn hở cười, mặt tươi roi rói, sướng lắm “À họ vui”. Buồn thì khóc mặt chảy dài ra, vui thì cười mắt sáng hớn hở. Có ai vui mà mặt xệ xuống đâu, có ai buồn mà cười tươi đâu. Nếu nói theo cơ thể học, thần kinh có sự liên lạc mật thiết với hành động cười khi tâm vui và não bộ nhả ra những hormone tưới tẩm nụ cười tươi, ánh mắt sáng. Khi ta buồn, tâm buồn, mặt trễ xuống bởi não bộ cũng tiết ra những chất hóa học độc hại, làm cho cơ của ta tái tím, mắt trễ xuống, mặt xều và chảy dài ra, buồn, mà buồn thê thảm. Ta nhìn lên tôn tượng Phật và mọi thời, mọi lúc Thế Tôn luôn mỉm cười một cách chân thành nhẹ nhàng, điều đó chứng tỏ nụ cười của Ngài là nụ cười thoát tục, không có một nỗi buồn xâm chiếm, nụ cười của sự tự tại, tâm Ngài tự tại an nhiên nên Ngài cười. Còn chúng ta tâm phàm phu, nhiều chuyện rắc rối làm sao mà tự tại an nhiên. Như những chuyện Bảo Thành vừa kể hay những lộn xộn, mất mát, đau thương, khen chê, được mất ở đời, tốt xấu ở đời, đối với con cái, đối với bản thân, đối với vợ chồng, đối với cha mẹ, đối với công ăn việc làm, chòm xóm, khổ, khổ nhiều lắm! Buồn, buồn tê tái, buồn tím tái, còn vui chợt tới rồi tắt lịm.

Do vậy công hạnh thực tập Mật Thiền song tu ta luôn phải chủ động cười, bạn vui bạn cười, bạn buồn mặt xệ xuống. Mỗi một sớm mai thức dậy ta phải cười lên, dù biết bao nhiêu sự trái nghịch, ngang trái bày ra trước mắt, cười cái đã cho thần kinh an. Cười cái đã cho thần kinh vững chãi. Cười cái đã cho não bộ bình tĩnh. Cười cái đã cho sự suy nghĩ của ta sáng suốt. Cười cái đã cho đuốc tuệ được thắp lên. Cười cho đã đi, có chi mà phải rầu rĩ, mới dậy đã nhăn mặt, đã quát tháo, đã chửi bới, như vậy thì ngày đó ảm đạm u ám buồn lắm. Khi bạn biết cười vào buổi sớm, biết cười khi gặp hoa, gặp cây, gặp người, biết cười khi buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, khi ngủ, là bạn đã làm từ thiện đối với chính bạn. Vì sao? Nụ cười của bạn khởi lên từ tâm từ, tâm thiện lành gọi là từ thiện. Đừng định nghĩa từ thiện là mang tiền, mang vật chất cho đi mà từ thiện là bạn trả lại hạnh phúc, niềm vui cho chính bạn, khơi dậy từ đống đổ nát do sự cau có, giận hờn, u uất, buồn não của ta. Phải chủ động thôi, trong hơi thở của chánh niệm bạn chủ động hít vào thở ra, rung động với mật điển của chư Phật chuyển vào thân tâm, quán chiếu muôn sự tới lui, mỉm cười nhẹ nhàng, thế sự vần quanh bạn vẫn an nhiên và tự tại. Cái được – mất, xấu – tốt, khen – chê, thành – bại là chuyện đương nhiên tới với cuộc đời, nhưng bởi vì bạn biết cười, bạn biết chánh niệm, mà những điều tới đó chỉ như bọt bèo. Và bạn biết gạn lọc để chọn lựa cho mình niềm vui trong sự an nhiên của sự tịch tĩnh. Có được điều này không, có! Làm sao có? Tu tập. Đức Phật không phải tự nhiên Ngài có tất cả, Ngài phải vận công, phải tu hành, phải quán chiếu và điều Ngài dạy cho chúng ta thật đơn giản. Làm thiện đời này vui, đời sau vui, làm ác đời này buồn, đời sau buồn. Vậy nếu chúng ta nói với nhau vui lên đi tức là làm thiện đi, từ thiện đi, từ thiện cho chính mình đi, thì sẽ vui lên thôi. Còn làm ác đi, không làm từ thiện, buồn, buồn lắm!

Chợt nhớ hình như có câu hát của ai đó nói “Buồn làm chi em ơi”, khi người nào đó đã đi đâu rồi chúng ta luôn luôn buồn, bởi niềm vui cột chặt vào người bên ngoài, môi trường bên ngoài, chưa tự khởi nơi tâm yêu thương thật sự chính mình và tâm thiện của mình. Ai có tâm thiện lành, có tình yêu thương bản thân, người đó đích thực đã biết làm từ thiện với bản thân và ai biết yêu thương mình bằng tâm thiện lành, thì người đó mới đích thực biết yêu thương và quan tâm với tâm thiện đối với mọi người. Còn nếu bạn không biết yêu thương bằng tâm thiện lành đối với chính mình, mọi nghĩa cử cho là từ thiện hình thức bên ngoài chỉ là sự tráo đổi lấy danh, lấy tiếng. Hình thức nó sẽ tan biến thôi, nó sẽ không còn tồn tại mãi, thoáng qua như cơn gió rồi những cơn oi bức, nóng nực trong tâm lại trỗi dậy thiêu đốt chết bạn.

“Vui lên đi, buồn làm chi” bằng tâm từ thiện, đừng nghĩ từ thiện cho đi nữa nha các bạn, mà từ thiện là từ, là yêu thương, thiện là thiện lành, tâm hiền lành. Với tâm hiền lành và lòng yêu thương vốn có nơi các bạn, bạn biết mang tưới tẩm hàng ngày qua nụ cười để kích hoạt thần kinh cho an yên tự tại. Thì đó bạn sẽ tự vui lên thôi, chẳng cần ai nhắc, bạn phải tự nhắc với mình vui lên và mỉm cười. Làm từ thiện đi, từ thiện với chính mình đi, từ thiện với ông bà, cha mẹ, người thân và muôn người đi. Qua mọi việc, mọi nghĩa cử, mọi suy nghĩ khởi lên từ Mu A Mu Sa, khởi lên từ Mu A Mu Sa, tâm từ bi thiện lành, quán chiếu tâm từ bi thiện lành và được tưới tẩm năng lượng từ bi thiện lành từ Phật, ta, cuộc đời này, mảnh đời này luôn luôn được đầy đủ. Năng lượng của Phật làm tươi mát chính mình, người ta mà không tươi mát, không vui được thì làm sao có thể mang niềm vui san sẻ. Đầy buồn kia thì cái buồn đó nó tràn ra, làm cho biết bao nhiêu người khác sầu khổ. Bạn cứ vui đi, hãy vui lên đi và để vui nhắc lại một lần nữa là làm việc thiện. Làm từ thiện đời này vui, đời sau vui, làm việc ác đời này buồn, đời sau buồn và cả hai đời đều buồn. Vậy đừng trông chờ kiếp sau vui bằng cách làm từ thiện, chỉ biết cách cố gắng đào bới cho đi, mong cầu kiếp sau, mà phải nhận ra rằng từ thiện là sự hiến dâng, trao ban lan tỏa cùng khắp nơi chính đời sống của mình và muôn người ta sẽ vui thôi, không đợi đến kiếp sau. Ai đang buồn mà mặt xệ xuống, mắt lờ đờ, môi tím, chân tay run rẩy, mặt tái mét chảy dài và ta ước được đẹp mà, phải tốn tiền dữ lắm để đi thẩm mỹ viện, bạn thử cười đi cơ mặt sẽ căng, sẽ tươi lên đỡ tốn tiền đi bác sĩ thẩm mỹ. Bởi Đức Phật là một vị Y Vương có đầy đủ thuốc chữa trị, mà một vị thuốc cao quý nhất, hương liệu cao quý nhất, đó chính là Chánh Niệm. Trong chánh niệm có giới các bạn, có định, có trí tuệ. Giới hương, Định hương, Huệ hương, đây là hương liệu vi diệu làm cho bạn tươi, bạn vui và làm cho bạn lìa xa các bác sĩ thẩm mỹ thế gian, mà kề cận với bậc Y Vương chánh đẳng, chánh giác, bậc đại ngộ là Phật, bạn sẽ luôn vui. Gần với người vui bạn sẽ vui lây, gần với người buồn bạn sẽ buồn lây. Đức Phật là đấng an nhiên luôn vui, biết cười. Gần với Phật là ta biết cười, cười trong sự tự tại an nhiên. Gần với Phật là ta biết vui, ta biết an lạc. Gần với Phật là ta có đầy đủ hương liệu của Giới – Định – Huệ, ngay trong chánh niệm hơi thở của Mật Thiền, quán chiếu tâm từ bi Mu A Mu Sa, có đầy đủ năng lượng vi diệu, tha lực siêu thế của mật điển. Bạn nghĩ bạn không biết như thế nào, bạn thực tập đi, đừng tay cầm viên thuốc bổ cứ nghĩ ngợi hoài, uống vô đi. Phật đã trao truyền cho ta những viên thuốc bổ tuyệt kỹ của võ lâm, hương liệu của Giác Ngộ, sự tự tại trong an nhiên. Để có được niềm vui bất diệt khởi lên từ tâm yêu thương, bằng tánh thiện lành lan tỏa và san sẻ nơi tự thân đến muôn người.

“Vui lên đi, buồn làm chi”, nếu nói vui lên đi, đừng buồn nữa, thì phải vui đúng pháp của Phật dạy, đúng pháp của Phật dạy là tâm biết từ thiện. Ai biết làm từ thiện đời này vui, đời sau vui,hai đời đều vui. Đừng để cho người ta gào thét thúc đẩy bạn làm từ thiện để đời này khổ, mà đời sau vui, họ cứ nói cho tiền họ đi, cúng dường họ đi, làm từ thiện đi, theo họ đi, nghe theo họ đi, đời sau được vui. Nhưng hiện thời nếu đời này bạn cứ khổ, thì sai rồi. Phật dạy làm việc thiện, làm từ thiện ngay đời này bạn sẽ vui, chiêm nghiệm đi. Nếu bạn biết chăm sóc cho bản thân bằng cách cười để hạnh phúc, bằng cách nghĩ được sáng suốt, giải quyết mọi vấn đề, chăm lo cho gia đình bằng tình thương thật sự, quán chiếu rõ và bằng tâm lành đó chia sẻ, san sớt cho vợ chồng, con cái, ông bà, cha mẹ, bạn vui ngay tại chỗ, gia đình vui vui đề huề, không bao giờ buồn, vui ngay mà. Thấy người ta khổ, bạn an ủi, người ta vui bạn vui ngay, thấy người ta thiếu cơm, thiếu áo, thiếu thuốc, ta hiến tặng một chút tịnh tài để có cơm, có nước, có thuốc, có áo. Người ta vui người ta tri ân bạn, người ta cảm ơn bạn, bạn vui ngay. Cho nên vấn đề từ thiện bạn sẽ vui, từ thiện nơi chính cuộc sống cho bản thân và lan tỏa ra muôn loài chúng sanh, gần nhất là những con người ta có tầm nhìn phù hợp với nhân duyên để tiếp cận, nơi sự san sẻ khởi lên từ tình yêu thương ở trong ta với tâm hiền lành tử tế.

“Vui lên đi, buồn làm chi” và lúc đó ta nói được với bản thân vui lên buồn làm chi. Làm việc thiện đời này vui, đời sau vui, hai đời vui, ta hiểu rõ rồi. Làm việc ác đời này khổ buồn, đời sau khổ buồn, hai đời đều buồn khổ. Vậy ta ngu gì mà làm việc ác để đời này buồn, đời sau buồn. Ta phải khôn chút xíu, ta phải là người khôn tự thắp đuốc tuệ nhìn rõ để làm việc thiện, đời này vui, đời sau vui. Đừng làm người khờ dại thổi tắt ngọn đèn trí tuệ, cứ mò mẫm trong ác pháp để cả cuộc đời khốn khổ, buồn tủi và đời sau nhất định sẽ buồn, hai đời sẽ buồn lắm. Chúng ta Phật tử tại gia vẫn phải đương đầu với những thành – bại, được – mất, tốt – xấu, khen – chê và trong những điều đó luôn tạo ra những cảm xúc của vui và buồn. Trong cái vui nó hóa ra buồn và phiền não, trong phiền não và buồn sẽ sinh ra niềm vui. Thế nhân là như vậy, buồn vui –  vui buồn lẫn lộn, có đó rồi mất. Có một buổi tiệc thật vui nhưng tí nữa chia tay buồn lắm, nhưng chia tay hứa hẹn gặp lại, thì lại vui cười, ta cứ như vậy. Phật tử chúng ta tu lời Phật phải khởi lên được niềm vui trong sự an nhiên đúng pháp thiện lành, biết làm từ thiện với bản thân. Bảo Thành xin nhắc lại, từ thiện là mọi lời nói, mọi nghĩa cử đối với mình và tha nhân bằng tâm yêu thương khởi lên từ tánh hiền lành. Tánh dữ thì nhất định chẳng yêu thương đâu và ta đã có tánh hiền lành rồi, nhất định ta có yêu thương. Hãy làm mọi việc, hãy suy nghĩ mọi việc, hãy nói mọi lời nói bằng tâm hiền, thiện lành, để yêu thương được lan tỏa trong đời sống của chính mình, gia đình nhỏ bé của ta được đầy tiếng cười, đầy ắp tiếng cười, thiếu vắng sự buồn tủi.

Các bạn! Như vậy thì chúng ta hãnh diện rồi và nói với mình vui lên đi, buồn làm chi. Và khi chúng ta nói với ai đó vui lên đi, buồn làm chi thì năng lượng tự thân của ta qua niềm vui ta đã biết tác khởi, nhất định sẽ lan tỏa tới họ và họ sẽ bớt buồn thêm vui.

Các bạn, hãy trở về hơi thở của Chánh Niệm.

Thưa Phật! Chúng con vẫn là phàm phu, giữa được và mất, giữa xấu và tốt, giữa khen và chê, giữa thành và bại, chúng con vẫn khởi lên vui và buồn, chưa thể nằm ngoài cái được mất đó để không vui cũng chẳng buồn như Ngài. Nhưng chúng con đã có lời dạy của Ngài là làm từ thiện để đời này vui, đời sau vui, hai đời đều vui. Chúng con nguyện làm từ thiện từ trong nội tâm của đời sống bản thân, lan tỏa đến gia đình xã hội và tha nhân, để con và muôn người đều được vui.
Xin chư Phật gia hộ cho chúng con!

Hít vào bằng mũi đưa xuống bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển và vui lên đi.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Nếu có chút phước nào trong sự đồng tu, chúng con nguyện hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn