Search

Bài 3104. Tìm Về Phật Tâm

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, cùng tất cả các bạn đồng tu trên các kênh Facebook mà các bạn chia sẻ. Giờ đồng tu tới rồi, mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy tinh tấn tu học, thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện cầu Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác tới Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, cha mẹ, những người thân đã quá vãng để nương vào hùng lực Đại Từ Đại Bi của Phật mà siêu sanh cảnh lành. Chúng con cũng nguyện cho cha mẹ tại tiền trong mùa Vu Lan này tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc. Nguyện cho Thế giới hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Xin Chư Phật từ bi chứng minh.

Chúng ta hãy đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống thong dong và tự tại, trở về với hơi thở của Chánh niệm, nhớ lời Đức Phật đã dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Mật Thiền Chánh niệm hơi thở tổng trì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ, mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác, Từ Bi – Trí Tuệ – Tỉnh Giác quán. Hôm nay, chúng ta hãy thành kính đón nhận năng lượng Chư Phật san sẻ và hồi hướng tới cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, những người thân quá vãng nương vào đó có đầy đủ thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi, đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho nhau:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Bảo Thành kính chào các bạn đồng tu! Hôm nay, Bảo Thành đã trở về nơi Tổ đình chùa Xá Lợi tại tiểu bang Maryland. Chỉ còn hai ngày nữa, ngày mai thứ bảy, rồi chủ nhật, nơi Tổ đình sẽ có lễ Vu Lan Thắng hội, Phật tử sẽ vân tập trở về đây cùng với Tăng Ni chùa làm lễ Vu Lan tưởng nhớ đến ơn đức sinh thành của mẹ, dâng lời kinh tiếng kệ hồi hướng cầu nguyện cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà và cha mẹ, những người thân đã quá vãng nhiều đời. Đồng thời cũng nguyện cầu cho cha mẹ tại tiền luôn luôn tăng long phước thọ, khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc, phiền não không còn, tinh tấn tu học để hiểu thấu được nhân quả, sống đời an vui. Mong rằng tất cả các bạn cùng với Bảo Thành, chúng ta hãy giữ tâm ý thật thanh tịnh trong những ngày này, làm nhiều việc phước đức: phóng sinh, từ thiện, bố thí, sám hối, giữ giới cho thanh tịnh để kiến lập phước báu hồi hướng dâng lên cho Chư Phật.

Các bạn! Chúng ta đang đồng tu với nhau và sự đồng tu của chúng ta có nghĩa là quay trở về, quay trở lại nhìn vào bên trong của mình để tiếp cận với năng lượng vi diệu của Phật tánh, của Phật tâm. Y như chủ đề các bạn gửi, chủ đề: “Tìm Về Phật Tâm”. Hai chữ “Phật tâm” đã được giảng giải quá nhiều. Phật tâm hay gọi ngược lại là Tâm Phật hay Phật tánh, Tánh Phật. Thật nhiều các bậc cao tăng, các bậc tiến sĩ Phật học, kinh điển nhiều đời rồi, giải thích dưới dạng cổ văn xưa hoặc là tân thời hiện đại về chữ “Phật tâm”. Trong Phật học, chữ “Phật tâm” diễn giải nhiều lắm và chỉ cần lên trên Google bấm vào chữ Phật tâm, Phật tánh hoặc Tâm Phật, chúng ta sẽ có thật nhiều các bài giảng giải về Phật tâm.

Nhưng chủ đề “Tìm Về Phật Tâm” hôm nay, Bảo Thành chia sẻ với các bạn một con đường trở về không nằm trong sự rập khuôn của định nghĩa hai chữ “Phật tâm”. Mà hầu hết chúng ta và những ai thường diễn giải cũng chưa biết Phật tâm như thế nào? Mông lung lắm. Suy nghĩ, diễn giải, định nghĩa thì nhiều, nhưng chạm vào hai chữ Phật tâm nó vẫn còn có sự ảo diệu của ngôn ngữ, mông lung mập mờ. Và dần dần hai chữ Phật tâm trở thành những ngôn ngữ huyền thoại không biết có và có như thế nào đây? Nếu hỏi Phật Tâm là gì, ai cũng trả lời được. Kinh điển nhiều mà. Nhưng nếu cứ ngồi diễn giải hai chữ “Phật tâm” theo kinh điển mà ta không biết nó như thế nào để ứng dụng vào trong cuộc đời thì tìm về Phật tâm để làm gì? Không ai tìm về một thứ mà ta không biết. Làm sao tìm về thứ ta không biết? Không ai tìm về một thứ mà chúng ta biết hiểu nhưng nó không hiện hữu, để làm gì các bạn?

Câu hỏi đơn giản nếu suy nghĩ ta sẽ thấy buồn cười. Bởi vì xưa nay chúng ta học Phật cứ nhào đầu chạy ngược chạy xuôi, tìm ý nghĩa của ai đó mặc định cho hai chữ “Phật tâm” cao siêu. Rồi tìm về cái sự cao siêu của định nghĩa Phật tâm, Phật tánh, nhưng không biết làm sao. Rồi tìm về để làm gì khi cái đối tượng ta tìm nó không có thực? Mông lung quá! Đó là nói người có Trí Tuệ, có kiến thức. Còn về sự diễn giải hai chữ “Phật tâm” để chúng ta tìm về đối với những kẻ căn cơ u mê như Bảo Thành và vô minh như các bạn thì chẳng khác gì đưa tay chỉ đường cho kẻ mù. Hôm nay, Bảo Thành chia sẻ với cái tâm rất chân thật để chúng ta phải suy nghĩ. Không thể cứ rập khuôn một cách khách sáo để các nhà Phật học diễn giải cho cao siêu, đụng vào là tuôn ra. Không! Học Phật phải thực tế, tu Phật phải rõ ràng và tìm về phải biết ta tìm về đâu, và cái đó là gì.

Chủ đề “Tìm Về Phật Tâm”, hình như bây giờ chúng ta không biết là Phật tâm ở chỗ nào, như thế nào để tìm về. Có những câu như: “Tìm về chốn cũ”, “Tìm về quê hương, nơi xứ sở”, ít nhất phải biết mình ở đâu rồi tìm về. Nhiều cái sự tìm về, tìm về một thuở hào hùng, oanh oanh liệt liệt quá khứ, thì ít nhất quá khứ cũng phải có chuyện đó mới tìm về được. Tìm về những nỗi đau, niềm nhớ của một mối tình xưa thì ít nhất chúng ta phải có tình, có cái nỗi đau đó. Còn nỗi đau không có, tình cũng trống không, tìm về sao? Sao tìm về được?

Bảo Thành lướt qua chút để chúng ta ý thức rằng, “Tìm về Phật tâm” thì ta phải biết Phật tâm như thế nào. Dĩ nhiên, Bảo Thành đã nói rất nhiều định nghĩa giảng giải rồi, chúng ta không đi vào cái mớ ngôn ngữ cao siêu, cao dầy như núi, mênh mông như biển trời để đắm chìm trong đó một đời nữa cho tới chết mà chẳng biết Phật tâm như thế nào. Chỉ có một câu để nhắc nhở bản thân và các bạn rằng: Chúng ta học Phật là để đi từ cái cõi gì, đi từ cái chỗ nào? Chỗ vô minh tới giác ngộ. Vô minh là u mê, giác ngộ là tỉnh giác. Chỉ có vậy. Chúng ta u mê nhiều đời, vô minh nhiều kiếp, nên đau khổ phiền não, đoạ đầy trong luân hồi sanh tử. Nay Đức Phật tới, Ngài nói với chúng ta: Vô minh và u mê khổ vậy đó. Thôi hãy về đi! Về với giác ngộ, về với sự tỉnh giác để không còn vô minh, u mê nữa. Chúng ta sẽ hạnh phúc an vui. Đối với Bảo Thành, u mê, vô minh là địa ngục luân hồi sinh tử, còn giác ngộ, tỉnh giác chính là Niết bàn, cái chất liệu để chúng ta có đầy đủ năng lượng quay trở lại tìm về Phật tâm, tức là tìm về sự an lạc và hạnh phúc. Ta đang sống trong đau khổ và phiền não đó các bạn bởi vô minh. Nay bước ra khỏi vô minh, tìm về an lạc hạnh phúc là tìm về Phật tâm. Suy nghĩ vậy đi. Rắc rối quá, nhức đầu. Cho nên tìm về Phật tâm là tìm về với an lạc và hạnh phúc. Ta trong địa ngục của luân hồi sanh tử là đắm chìm trong đau khổ và phiền não. Đấy, đơn giản lắm! Bạn đừng mang mớ ngôn ngữ lộn xộn huyền nghĩa, thập thâm vi diệu của kinh điển ra mà đối chứng. Nếu đối chứng với cách Bảo Thành nói, các bạn sẽ khó chịu thôi và Bảo Thành cứ tự tại.

Thuở xưa, Ngài Bồ Để Đạt Ma qua bên Trung Hoa, các bậc cao tăng Trung Hoa cũng quăng cái ngôn ngữ dầy cộm của kinh điển ra để so sánh với điều Ngài Tổ Bồ Đề nói. Nhưng Ngài có nói đâu, mà để cho người ta tìm về và trải nghiệm, nếm được cái hương vị của giải thoát. Chẳng phải như họa sĩ về ngôn ngữ múa may quay cuồng, diễn giải, luận lý cho nhiều. Cho nên, thời ấy, các bậc Cao tăng Thạc đức, Tiến sỹ Phật học, ngôn ngữ dầy cộm, cảm thấy không biết phải nói với một người không dùng ngôn ngữ để diễn đạt. Hãy cho chúng ta trở về tuổi thơ của cái thời mà ngôn ngữ hình như chưa là gì, chưa có đủ độ hấp dẫn chúng ta đi vào. Tuổi thơ ấu khi chưa biết nói, ngôn ngữ chỉ là những âm thanh của mẹ, của người thân vọng vào trong tai. Dù cái thứ ngôn ngữ gì mẹ nói ta không hiểu, chắc chắn em bé đó vẫn sẽ cảm nhận được tình thương của mẹ. Và tất cả người mẹ trên thế gian này hiểu rằng con mình chưa hiểu, cho nên nói những cái âm thanh vu vơ nhưng tràn đầy năng lượng của tình thương. Bảo Thành đã quán chiếu những người mẹ ẵm con cứ u ơ, u ơ vậy mà đứa con nó hiểu, nó sướng. Ui cha! Nó cười, nó cười tươi toe toét. Ta tu Phật phải đặt mình còn trẻ thơ như hạnh Anh Nhi, chưa hiểu ngôn ngữ cao siêu đâu, hãy như trẻ thơ để rồi những cái thật u ơ, vu vơ với tâm thành kính chân thật của mình, ta hiểu được nghĩa thú thâm sâu, chẳng thể nào qua được cái tình thương Từ Bi của Phật.

Tìm về Phật tâm là tìm về sự an lạc hạnh phúc, bước ra khỏi vô minh, u mê, phiền não, đau khổ. Cái hướng nào để ta nhận được đó là sự an lạc hạnh phúc, là tình thương, là Từ Bi, là yêu thương? Hướng nào có âm thanh của mẹ, mẹ là mẹ yêu, mẹ thương con. Cho nên âm thanh của mẹ vang vọng chẳng hiểu, nhưng nhất định ta sẽ quay về cái hướng đó bởi nơi âm thanh vi diệu u ơ của mẹ ầu ơ mà đang ru con hoặc nói, nói ngọng cho con nghe đó, ta vẫn cảm nhận được năng lượng siêu thế của tình yêu cao vời nhất của mẹ. Ta tìm về Phật tâm là tìm về với năng lượng Từ Bi yêu thương của Phật. Phật là mẹ, là cha của muôn loài chúng sanh, là thầy của trời và người. Bậc mô phạm đó nói ngôn ngữ tình yêu, chẳng diễn giải cao siêu nhưng tràn đầy năng lượng. Chúng ta những người học trò, những người con của Phật nghe qua âm thanh vi diệu Mu A Mu Sa đều cảm nhận được tràn đầy năng lượng yêu thương Từ Bi của Phật ban rải xuống cho chúng ta.

Tìm về Phật Tâm là tìm về sự trải nghiệm, sự cảm ứng với năng lượng Từ Bi của Phật để từng bước từng bước ta thể nhập vào cái năng lượng đó, để trở thành ứng hóa thân của chư vị Bồ Tát hiện hữu trong cuộc đời này, mang vòng tay nhân ái, yêu thương, san sẻ, vỗ về, ôm ấp, an ủi và chở che cho tất cả những mảnh đời bất hạnh và cho chính mình. Để từ đó ta vực dậy bản thân của mình từ trong tăm tối phiền não, đau khổ và dìu bước chân an lạc để trở về với hạnh phúc an vui qua sự tiếp dẫn soi sáng của Trí Tuệ NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, ánh sáng Trí Tuệ của Chánh niệm, của hiểu thấu được Vô Thường, Khổ và Vô Ngã sẽ là hướng đi định rõ nơi tâm Từ Bi. Trí Tuệ là ánh sáng mặt trời là sao trời, là tinh tú, là trăng, là ánh sáng nội tâm chiếu ra. Ánh sáng đó không bao giờ mai một và lu mờ mà được thắp sáng nơi cái tự lực và cầu đạo giác ngộ, bước ra khỏi vô minh, đau khổ, phiền não để tìm về Phật tâm an lạc, hạnh phúc. Phật tâm là an lạc, hạnh phúc. Có Trí Tuệ và năng lượng Từ Bi ta theo hướng đó. Và những ai từ trong vô minh định được hướng đi theo ánh sáng của Trí Tuệ và cảm ứng với năng lượng tình thương Từ Bi của Chư Phật phải là những người Tỉnh Giác Ma Sa Ốp Uê.

Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, sự cảm ứng nhiệm màu, sự linh ứng vi diệu mà chúng ta có sự trải nghiệm trong Chánh niệm hơi thở của sự đồng tu mỗi ngày chính là con đường xưa ta đi. Con đường vạn kiếp lưu đầy trong luân hồi ta đang bị dồn, nhốt trong đau khổ đó, nay đã thông thoáng và thấy được con đường xưa của chúng ta là con đường trở về với an lạc và hạnh phúc. Ta quyết tâm không đắm mình trong vô minh nữa. Ta tự lực đứng dậy để đón năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác qua ba mật ngôn trong Chánh niệm hơi thở để từng bước, từng bước đi theo hướng của Trí Tuệ chiếu sáng trong cảnh giới Vô Thường, Khổ, Vô Ngã này. Và cảm ứng được với năng lượng yêu thương trong sự Tỉnh Giác thực sự, trong một đời sống thức tỉnh, một đời sống tỉnh thức toàn diện trong mỗi giây mỗi phút của cuộc đời.

Tìm về Phật tâm là tìm về sự an lạc hạnh phúc qua năng lượng của Từ Bi, Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác. Nếu bạn nói “Tìm về Phật tâm” mà không đi qua Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác thì sự tìm về đó chẳng phải về với sự an lạc và hạnh phúc đâu. Đó là chính là con đường chui đầu vào vô minh mà vạn kiếp lưu đầy Bảo Thành và các bạn cứ mù tịt cái con mắt, đâm đầu vào trong đó. Khổ quá rồi! Nếu bạn tìm về với Phật tâm mà chẳng có sự trải nghiệm của tình yêu thương, chẳng thể mở rộng bàn tay san sẻ, dìu dắt những ai còn đau khổ, bất hạnh ngoài kia, chẳng thể an ủi những người cô đơn, sầu muộn, chẳng thể biết phóng sanh, biết từ thiện, bố thí, chẳng biết sám hối nhìn lại lầm lỗi của mình, thì bạn không phải tìm về Phật tâm đâu. Bạn vẫn chui vào trong tăm tối của vô minh. Bạn đang tự đẩy mình vào trong sự đau khổ đấy. Và những chữ: “Tìm về Phật tâm” như định nghĩa sống trong luân hồi đau khổ kia, mà không có sự trải nghiệm của tình thương và Trí Tuệ, sự Tỉnh Giác, thì đó là sự vu khống cho chính bản thân của mình để bị nhốt vào trong tăm tối. Tại sao chúng ta quá khờ tự vu khống cho chính mình? Vì chúng ta không biết, vì chúng ta vô minh, vì chúng ta khờ dại.

Tìm về Phật tâm là tìm về an lạc, hạnh phúc. Không thể vu khống cho bản thân, không thể thờ dại như vậy nữa. Người không còn khờ dại là người có Trí Tuệ. Người không khờ dại là người đã có sự Tỉnh Giác sống đời sống Tỉnh thức. Người thể nhập vào:

Mu A  Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

Ba mật ngôn vi diệu mà quán chiếu để chúng ta thực sự nơi cuộc đời này đón nhận được thật nhiều năng lượng Từ Bi của Phật. Để cuộc đời bé nhỏ, tội lỗi, nghiệp ác của ta nhiều đó vẫn có thể dung thông, cảm ứng và đón nhận được tình thương của Phật. Và từ cuộc đời bé nhỏ này vẫn sáng rõ cái Trí Tuệ, nhận được vạn pháp trong cuộc đời, muôn hiện tượng trong cuộc sống đều Vô Thường sanh diệt tới lui, không tồn tại.

Các bạn, biết yêu thương, biết nhận rõ những ác pháp để buông như vậy là ta đã thức tỉnh. Một đời sống thức tỉnh như vậy chính là một đời sống mà mỗi người chúng ta đang về với Phật tâm chứ không còn tìm về nữa. Bởi ta đã cảm ứng được với Từ Bi. Bởi ta đã được soi sáng bằng Trí Tuệ. Bởi ta là người đã thức tỉnh thì ta đang về. Còn những ai chưa về được với sự an lạc và hạnh phúc, nghĩa là Phật tâm, theo sự giải thích của Bảo Thành thì các bạn đang lạc lối, đang lạc trôi trong vô minh, khổ khổ sẽ bao giờ ngừng.

Hãy quay lại và tìm về với sự an lạc, hạnh phúc vốn có nơi chúng ta qua sự nương vào hùng lực của bậc Đại giác Đại ngộ Đức Bổn Sư Thích Ca. Và những lời giáo lý của những tấm gương của các chư vị Bồ Tát đã thực sự kinh hành qua, nay còn lưu truyền lại cho chúng ta. Các bạn đừng đưa mình vào ngõ hẻm tăm tối để hầm sâu tội lỗi của ác nghiệp. Và cũng đừng tự ngồi ở trong cái lao tù kia mà ca thán phiền não, đau khổ để rồi cất lên những tiếng rống của những ngôn ngữ vi diệu của Phật tâm mà đời đời kiếp kiếp chẳng bao giờ có một sự trải nghiệm của an lạc và hạnh phúc. Người Trí Tuệ là người đã không còn chấp bởi thấu được Vô Thường. Một lời nói dù có chướng vào cái lỗ tai, nó có gai vào con mắt, tâm vẫn an. Bởi người được nghe đó hiểu rằng: Những âm thanh chướng tai, gai con mắt kia có gì để chấp? Bởi nó tới, nó đi, nó Vô Thường sanh diệt, còn đâu nữa? Cho nên người ấy luôn luôn nhẹ nhàng, tươi vui và hạnh phúc, chẳng cau có, khó chịu. Người có Trí Tuệ nhìn rõ là người có Từ Bi là luôn luôn chẳng bao giờ chấp, biết thương người, thương vật và thương tất cả mọi loài. Tình thương đó là chứng tỏ người ấy là người tỉnh thức. Ai là người tỉnh thức? Người đó biết yêu thương, người đó có tâm Từ Bi. Ai là người có Trí Tuệ? Người biết biết yêu thương, người có tâm Từ Bi. Cốt lại thì Từ Bi chính là cái con đường để chúng ta tìm về sự an lạc và hạnh phúc. Nơi Từ Bi đó có đầy đủ Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác.

Từ Bi tới từ đâu? Tới từ Phật. Từ Bi có chỗ nào? Có trong trái tim của mẹ hiền yêu thương. Y như cái bài hát chúng ta nghe hôm nay, bài hát: “Mẹ dạy con” của ca sỹ Khánh Ly hát do nhạc sĩ Lynh Nghy sáng tác rất hay! Đức Phật như người mẹ tới dặn dò cho chúng ta: “Hãy đứng lên, đứng lên và làm người” để tìm về sự an lạc và hạnh phúc vốn có nơi trái tim, nơi cuộc đời, nơi kiếp sống này. Hạnh phúc và an lạc không nằm ở trên trời để chúng ta ngửa cổ cho ngàn thu cho gãy cái xương cổ, mong rằng rơi xuống mà tận hưởng. Mà hạnh phúc, an lạc nằm ở trong. Hãy quay về nhìn vào trong tâm của ta, thấy rác rưởi thì dọn cho sạch, thấy hầm hố thì san cho bằng, thấy bụi thì hút đi, rửa đi. Trang hoàng lại cái căn nhà ta đã bỏ phế nhiều kiếp qua nơi tâm, bằng năng lượng Từ Bi, thắp sáng cái ánh đèn Trí Tuệ. Và hãy tự đánh thức mình bằng cái Chánh niệm hơi thở Ma Sa Ốp Uê. Để làm gì? Để ta tận hưởng được sự an lạc. Không nơi đâu bằng chốn quê nhà. Tâm của ta, trong ta là tất cả và có tất cả. Tìm đâu nữa? Đừng sợ rác rưởi, bụi bặm, dơ dáy ở bên trong, chỉ sợ ta không nhìn thấy để dọn dẹp. Chúng ta, Phật dạy, có khả năng dọn dẹp sạch sẽ cái tâm của mình. Đây chính là pháp màu, đây chính là cái năng lượng siêu thế mà mỗi người phải tự lực đứng dậy để làm cái việc đó. Phải tự làm ô-sin của mình để rửa ráy hút bụi, chứ không thể mướn ô-sin ngoài về dẹp dọn cái tâm của ta đâu. Ta phải tự làm chuyện đó.

Tìm về Phật tâm là tìm về sự an lạc, hạnh phúc qua năng lượng Từ Bi, ánh sáng Trí Tuệ và sự Tỉnh Giác qua các Mật ngôn trong Chánh niệm hơi thở. Các bạn! Đó chính là phương pháp rất cụ thể, không mông lung, huyễn giả. Bạn hít vào thật chậm, đưa xuống dưới thật sâu, phình bụng ra, lắng đọng tâm tư tịch tỉnh, thở chậm thở chậm, hóp bụng và trì ba Mật ngôn:

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang (là Trí Tuệ), Mu A Mu Sa (là Từ Bi), Ma Sa Ốp Uê (là Tỉnh Giác). Nguyện xin Chư Phật ban rải năng lượng Từ Bi, thắp sáng Trí Tuệ để con được thức tỉnh và nhận rõ các pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ, Vô Ngã, để con cảm ứng và tận hưởng được sự an lạc và hạnh phúc nơi chính cuộc đời này trong tâm của chúng con. Đó chính là tìm về Phật tâm. Mỗi khi chúng ta tu mà cảm ứng được với tình thương, với Trí Tuệ để nhìn thấu, nhìn rõ, nhìn thấy được sự u mê của mình, nhìn thấy được lỗi lầm của mình, rồi dọn dẹp sạch sẽ, cắt tỉa cho nó đẹp, ta sẽ có hạnh phúc thôi.

Mùa Vu lan, Bảo Thành mời gọi các bạn hãy trở về vườn tâm của mình, cắt tỉa những bông hoa thanh tịnh nhất vốn đã có nơi ông bà cha mẹ lưu truyền tới cho chúng ta nơi kiếp này. Chọn lựa những bông đẹp nhất cắt tỉa những bông hoa Từ Bi, bông hoa của Trí Tuệ, bông hoa của sự Tỉnh Giác. Cắt ba bông hoa đó tỉa cho đẹp, cắm vào đó và đổ vào sự công phu để hoa Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác được tươi thắm. Nơi căn nhà chân tâm của chúng ta, nơi ấy nhất định năng lượng Từ Bi, sự hạnh phúc an lạc sẽ tràn đầy. Để ta một lần nữa có cơ hội hồi hướng cho Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà, đặc biệt là song thân phụ mẫu người sinh thành nên chúng ta. Đây là ý nghĩa cao cả của mùa Vu Lan mà Bảo Thành mời gọi các bạn. Hãy đồng hành với Bảo Thành tìm về Phật tâm nơi cuộc sống thực tế, không huyễn ảo trong ngôn ngữ mà qua sự thực hành của Chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác, kết lại liên đài hoa pháp dâng lên cho Phật cho mẹ cho cha.

Mời các bạn trở về với hơi thở của Chánh niệm.

Thưa Phật! Chúng con nguyện mang lòng thành kính đón nhận năng lượng của mười phương Chư Phật và hồi hướng tới cho song thân phụ mẫu đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và nếu như cha mẹ của chúng con còn đây thì luôn luôn tăng long phước thọ, mạnh khỏe an vui, phiền não hết, và tinh tấn tu học. Xin Chư Phật chứng minh và gia trì.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, tổng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, hồi hướng cho cha mẹ:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho ông bà cha mẹ, Cửu Huyền Thất Tổ được siêu sanh tịnh độ. Và cho cha mẹ còn sống của chúng con tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và chúng con cũng hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn