Công Minh đánh máy
Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô cùng tất cả các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ.
Chúng ta hãy cùng nhau quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Chúng con nguyện mười phương chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loại chúng sanh và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy, miên mật tu tập Mật Thiền song tu để thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấy rõ được vạn pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện chư Phật tiếp dẫn chư vị hương linh Cửu Huyền Thất Tổ, ông bà cha mẹ, những người thân đã quá vãng được siêu sanh tịnh độ. Và xin nguyện cầu an cho cha mẹ tại tiền tăng long phước thọ, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt, thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học. Đồng nguyện cho thế giới hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật Từ Bi tát đại chứng minh!
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, ngồi xuống vững chãi theo tư thế phù hợp với cơ thể. Nhớ lời Đức Phật dạy lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương. Mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang là quán tâm Trí Tuệ. Ma Sa Ốp Uê là quán tâm Tỉnh Giác. Từ bi, trí tuệ, tỉnh giác quán trong hơi thở Chánh Niệm sẽ giúp cho chúng ta tăng trưởng năng lượng siêu thế, tha lực mật điển tới từ chư Phật để quán chiếu thấu rõ. Chúng ta hãy bắt đầu!
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình bụng ra, thở từ từ hóp bụng vào quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật ngôn. Đón nhận Mật điển và hồi hướng cho nhau.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Mô Phật! Bảo Thành kính chào tất cả các bạn đồng tu. Các bạn, chủ đề hôm nay “Sức Mạnh Của Niềm Tin”. Đời của mỗi người chúng ta có nhiều sự xảy ra thật khó lường, vô thường đã chứng tỏ điều đó. Ai có thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra? Không ai biết được đâu! Vô thường sanh diệt trong từng giây phút, tới lui thật khó lường, nghịch cảnh cũng thường tới với chúng ta, những chuyện thuận duyên cũng có. Sự thành công là một điều ai cũng mong ước nhưng thất bại thì không kém, xảy ra mỗi ngày. Biết bao nhiêu những ước mơ các bạn và Bảo Thành đã đầu tư thời gian và suy nghĩ về, sau ước mơ cứ bị sụp đổ, gây dựng sự nghiệp cũng bị sụp đổ, trong tình cảm xây dựng mối giao hảo với người thân, với người yêu cũng bị sụp đổ. Hình như đời của chúng ta ai ai cũng phải đương đầu với nhiều sự thất bại sụp đổ, vấp và té. Vẫn biết sau những lần vấp té chúng ta sẽ đứng dậy mạnh mẽ hơn, vẫn biết chướng ngại là thầy để dạy cho chúng ta dũng mãnh hơn, tư duy nhiều hơn, sáng suốt hơn. Và tất cả những điều tư duy trong sự sáng suốt kia, sau chướng ngại sẽ làm cho chúng ta thành công. Dẫu biết vậy, là con người nếu trải qua chướng ngại, thử thách, vấp ngã quá nhiều, chúng ta thường mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào chính mình. Bạn có khi nào mất niềm tin vào cuộc sống hoặc mất niềm tin vào chính mình chưa? Hoặc đôi khi bạn mất niềm tin vào với những ai đó bạn quen biết? Chắc có!
Hồi còn rất nhỏ Bảo Thành thường nghe ông cụ nói về những cái chữ nho đó mà, đạo nho là đạo Khổng Tử hồi xưa dạy những cách sống cho có lễ nghĩa, thì câu Bảo Thành thường nghe: Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín. “Một sự bất tín vạn sự bất tin”, đó là người ta đã không còn Tín Tâm đối với mình, niềm tin đối với mình khi chính mình đã làm cho người ta mất niềm tin. Chỉ một lần mình làm cho người ta mất niềm tin nơi mình, thì muôn sự sau này họ chẳng bao giờ tin chúng ta nữa. Đời của con người nếu thật sự chúng ta đánh mất niềm tin của người khác vào với chúng ta, chúng ta sẽ dần dần bị loại trừ, thật khó gây dựng lại niềm tin nơi họ. Khi giữa con người ngay từ trong gia đình đến xã hội, mà mất niềm tin đối với nhau chúng ta rất khó hợp tác, rất khó sống chung, đó là mất niềm tin với người khác. Còn nếu như mất niềm tin với chính bản thân của mình thì thật là nguy hại vô cùng. Trong kinh Đức Phật thường dạy tin cần phải có trí tuệ, nếu sức mạnh của niềm tin được nói tới hôm nay phải là sức mạnh của niềm tin nơi người có trí tuệ. Phật dạy người có niềm tin mà không có trí tuệ cũng thuộc dạng người sống chung được, họ tin tưởng nhau, họ không lý giải nhiều, không có trí tuệ nhưng tin đó cũng là sức mạnh để họ có thể song hành mãi mãi trong cuộc đời. Còn người không có niềm tin nhưng lý giải theo kiểu kiến thức của con người nhiều, người ấy thường rơi vào tà kiến, bởi lý giải mà không có niềm tin nên mông lung. Còn người có niềm tin lại có trí tuệ, lý giải sâu sắc theo sự hiểu biết của nhân quả, người ấy có Chánh Kiến, có Chánh Tín và sự thành công dĩ nhiên sẽ luôn tới với họ. Khổ nhất là người không có niềm tin cũng chẳng có trí tuệ, người này độ căn nguy hại cho bản thân và xã hội. Chúng ta những người học Phật và các bạn đồng tu cần phải tăng trưởng niềm tin, tin vào đâu? Tin phải đúng với Chánh kiến và trí tuệ, lý giải theo kiến thức đã học từ Đức Phật dạy về nhân quả Thiện – Ác.
Người học Phật như chúng ta cần phải có bốn điều gọi là Tứ Bất Hoại, tức là bốn điều không thể bị phá vỡ. Bốn điều đó là gì? Là bốn niềm tin không thể để lung lay và bị phá vỡ – niềm tin bất thối. Tin vào đâu? Tin vào Phật, tin vào Phật là bậc Thầy Giác Ngộ dạy dỗ chúng ta. Niềm tin này chúng ta cần phải củng cố bằng chánh kiến, tư duy học hỏi, nghiên cứu để nhận rằng Đức Phật là bậc giác ngộ, là bậc tự giác ngộ. Ngài đã nhìn thông suốt và Ngài sẽ dạy cho chúng ta những gì Ngài đã trải qua, Ngài đích thực là vị Thầy cao cả. Đây là niềm tin cần phải xác tín, niềm tin vào Phật và niềm tin này không thể để cho mọi thăng trầm trong cuộc sống phá hoại. Tứ Bất Hoại thì niềm tin này là niềm tin đầu tiên cần phải được giữ gìn. Niềm tin thứ hai là tin vào Pháp, con đường giải thoát của Phật dạy. Niềm tin thứ ba là tin vào Tăng, tập thể xuất gia sống đời sống thanh tịnh, đại diện cho Phật trao truyền giáo lý cho chúng ta. Và niềm tin thứ tư là niềm tin vào ngũ giới, niềm tin vào giới – Tín giới. Tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng và tin vào giới gọi là bốn điều không thể bị hủy hoại trong cuộc đời. Nếu các bạn đồng tu mà các bạn không có bốn niềm tin như vậy vững chãi, lung lay bị thay đổi thì bạn chẳng thể tiến thân trên con đường tu, không thể chứng đắc và thành tựu được sự an lạc hạnh phúc trong cuộc sống. Tứ Bất Hoại bốn niềm tin không thể bị phá vỡ: tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng, tin vào năm giới của nhà Phật để hộ mạng, để phòng hộ thân tâm của chúng ta. Nếu nhìn lại đời sống thì nhất định chúng ta đã nhiều lúc mất niềm tin với Phật, mất niềm tin với giáo Pháp của Phật dạy, mất niềm tin với Tăng đoàn, mất luôn niềm tin với năm giới Đức Phật trao truyền, vì sao? Vì chúng ta không gieo duyên sâu để được gần gũi với các bậc thiện tri thức và được nhắc nhở sách tấn. Chúng ta chỉ hời hợt nắm bắt những điều đó, bám víu vào Phật – Pháp – Tăng và giới như để cầu may, cầu phước, như để tạo danh, tạo quyền. Cho nên khi những điều cầu mong về vật chất, về sự thỏa mãn cảm xúc của tinh thần không tới ta mất niềm tin vào Phật, vào Pháp, vào Tăng, vào năm giới. Thì những niềm tin như vậy là niềm tin mê tín dị đoan, không có trí tuệ hiểu thấu được nhân quả. Nghĩ Phật như ông thần để ban Pháp, nghĩ Pháp như những điều gì may mắn tin theo là được, nghĩ Tăng là những người có quyền lực trao truyền và nghĩ giới là những điều gì cao cả. Cho nên chúng ta chỉ nghĩ những điều đó như vậy, tin vào để thêm tiền, thêm quyền, thêm lực, thêm tình yêu, thêm nhà cửa vật chất chứ không phải niềm tin đối với Phật – Pháp – Tăng và ngũ giới. Là niềm tin bằng Chánh kiến, suy nghĩ để thực hành, học hỏi, nghiên cứu và noi gương để phòng hộ bản thân của mình không bị sa ngã vào tà kiến, tà pháp. Phật còn dạy cho chúng ta y như chủ đề “Sức mạnh của niềm tin”, thực ra niềm tin đúng chỗ và có trí tuệ, có sức mạnh vô cùng. Trong 37 Phẩm Trợ Đạo có nói đến ngũ căn, thì Tín Căn tức là niềm tin tối quan trọng. Tu Phật, học Phật, đồng tu với nhau mà không nghiên cứu, không học hỏi để hiểu thấu rồi tăng trưởng niềm tin vào Pháp môn, vào với Phật – Pháp – Tăng và giới thì ta không có Tín Căn. Người không có tín căn không có lực, bởi trong ngũ căn Tín Căn làm đầu, trong ngũ lực thì Tín Lực làm đầu. Có nghĩa người có niềm tin bằng trí tuệ và chánh kiến, hiểu thấu được nhân quả tăng trưởng niềm tin, thì người ấy có lực thật là mạnh gọi là Tín Lực. Được ví von Tín Căn như cửa ngõ để đi tới Niết Bàn, còn Tín Lực như con thuyền để ta vượt qua sóng gió mà cập bến Niết Bàn. Cho nên Tín Căn và Tín Lực là hai điều kiện cần có và phải vững chãi mãi mãi không lung lay, ta mới định được hướng để vượt qua những thử thách trong cuộc đời, cặp bến an vui.
Hỏi là bản thân bạn suy nghĩ cùng với Bảo Thành bạn có Tín Căn không? Bạn có niềm tin vào với Phật – Pháp – Tăng và năm giới hay không? Nếu bạn nói bạn có niềm tin chắc chắn, bạn sẽ có Tín Lực, tức là có năng lực mạnh để đương đầu với mọi chướng ngại để vượt qua. Bởi Tín Căn là cửa đi tới Niết Bàn, mà Tín Lực là con thuyền, con thuyền của niềm tin tạo ra lực vô song kia nhất định sẽ vượt sóng gió, vượt qua bão tố, vượt qua mọi thử thách để cập bến an vui và hạnh phúc. Cho nên nếu bạn có Tín Căn và Tín Lực thì bạn là những con người thực sự đã có đầy đủ tư lương trên cuộc hành trình giải thoát khỏi luân hồi và sanh tử. Nói sơ sơ nếu bạn có Tín Căn và Tín Lực tức là niềm tin sâu vào Phật – Pháp – Tăng và năm giới, thì bạn đã có đủ định lực để trụ vững giữa cuộc đời, trụ vững giữa phong ba, giữa bão tố. Thẩm định lại đời sống của chúng ta qua sự đồng tu, bạn phải thẩm định lại coi bạn thực sự có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng và ngũ giới, có niềm tin vào pháp môn phương tiện Mật Thiền song tu hay không? Nếu bạn có niềm tin chắc chắn như vậy bạn sẽ có được năng lượng của Tín Lực, có sức mạnh để vượt qua tất cả. Để có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng – năm giới, thì chuyện đó ai cũng đã từng được nhắc nhở hướng dẫn Phật là gì? Pháp là gì? Tăng là gì và năm giới là gì rồi. Thì nhất định các bạn có niềm tin vào bốn điều đó, các bạn đã có Tứ Bất Hoại tức là bốn niềm tin vững chãi. Điều này Bảo Thành khẳng định các bạn đồng tu đều có bốn niềm tin vững chãi này. Còn nếu như bạn hỏi mình có niềm tin vào Mật Thiền hay không? Thì phải dùng trí tuệ để suy xét. Bạn không thể cứ tin tưởng một cách mù quáng để rồi trở thành mê tín và dị đoan.
Bạn sẽ hỏi Mật Thiền là gì? Thì Mật Thiền được trả lời là Pháp môn phương tiện của Thiền quán bảy cái tâm, mà theo như sự ấn định chung của các bạn và Bảo Thành mỗi một năm chúng ta sẽ tu thiền quán một cái tâm. Đã trải qua hai năm rưỡi rồi, cho nên chúng ta đang tu ba Mật ngôn Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê, có nghĩa là quán tâm Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác. Đây là ba cái tâm tối quan trọng, tất yếu mỗi một người cần phải có, tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Từ bi để chữa lành tất cả mọi vết thương, năng lượng từ bi chữa lành tất cả, là năng lượng trị liệu mọi sự đau đớn, khổ não để chúng ta có được hạnh phúc và an vui. Trí tuệ để nhìn thấu và rõ được các pháp là vô thường, là khổ, là vô ngã, đây là trí tuệ Phật dạy. Được chứng minh rất cụ thể từ Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác, được chứng minh thật rõ là năng lượng siêu thế, có khả năng trị liệu tất cả mọi vết thương, đau đớn do nghiệp ác ta tạo. Bạn suy nghĩ đi, dùng Chánh kiến suy nghĩ coi tác dụng của Từ bi như thế nào? Nam Mô Đại Từ Đại Bi tầm thân cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, thì liền liền trong giây phút niềm tin vào Mẹ Hiền Quan Thế Âm ta được cứu. Và trong cuộc đời này ở đâu có Từ bi, ở đâu có tình yêu thương ở đó có Phật, ở đó có Bồ Tát, ở đó có con đường chân lý để chúng ta vượt qua đau khổ và phiền não. Ở đâu có tình thương, có Từ bi ở đó không còn đau khổ, phiền não nữa các bạn. Bởi tự thể của từ bi và tình yêu thương sẽ chữa lành tất cả. Ta suy nghĩ ta mới thấy từ bi rất quan trọng, năng lượng từ bi là đúng nên ta tin. Tình yêu thương của người mẹ đối với người con đã làm cho người con dõng mãnh, vượt qua tất cả để trưởng thành. Tình yêu thương của vợ chồng đối với nhau đã làm cho mọi người đứng vững trên những gục ngã và chướng ngại, để thành tựu mái ấm của gia đình. Tình thương của cha mẹ đối với con cái, tình thương của mẹ đối với cha, của cha đối với mẹ, của con người đối với con người, làm cho xã hội hoàn thiện, hết đau đớn và bình an. Có được sự bình an đó, ta suy nghĩ ta thấy đúng mà. Cho nên quán tâm Từ bi ta tăng trưởng được niềm tin, khi chúng ta lý giải được đó là chân lý, là đúng. Ở đâu có hận thù ở đó có đau khổ, ở đâu có tình thương thì ở đó có hạnh phúc. Đúng rồi! Suy nghĩ đúng như thế ta tin và chẳng ai có thể phá vỡ niềm tin vào sự quán chiếu tâm Từ Bi Mu A Mu Sa của chúng ta. Từ đó mà chúng ta tăng trưởng sự tu tập mỗi ngày để phát triển năng lượng tình thương của Phật, ban rải xuống cho chúng ta và để ta trong cuộc đời này lan tỏa tình yêu thương đó tới muôn người. Đây gọi là niềm tin có lý giải, có trí tuệ. Cho nên niềm tin vào sự quán chiếu tâm Từ bi như gương của Mẹ Hiền Quán Âm, gương của các vị Bồ Tát, các vị Phật ta đều thấu rõ Từ bi là mấu chốt trên con đường tu của Phật tử chúng ta. Rồi chúng ta lại suy nghĩ chứ không phải tin một cách mù quáng về quán tâm Trí tuệ, để hiểu thấu được vô thường, khổ và vô ngã. Các bạn thấy ở trên đời này có gì tồn tại mãi đâu, các nhà khoa học đã giải thích điều đó, tất cả tới rồi đi, thành trụ hoại không là quy luật Phật đã nói và các nhà khoa học gia phải chấp nhận, bởi đã được chứng minh do sự học hỏi nghiên cứu của họ. Cho nên Trí tuệ mà ta thành tựu được là do quán vô thường là trí tuệ viên mãn, trí tuệ vượt qua để tới được Niết Bàn. Phật nói vô thường điều đó đúng, vậy thì làm sao mà mất niềm tin vào trí tuệ vô thường, trí tuệ thấy được vô thường và bám víu vào những chuyện vô thường kia sẽ tạo ra khổ, bởi nó không có tồn tại mãi nên khổ, thì đây điều đó đúng quá rồi, Phật nói vô thường, khổ và vô ngã. Nói đến vô ngã chẳng có một ngã tướng nào, nếu nói tôi đây, thân thể này là của tôi, thì tôi đó sẽ không bao giờ hư mất, nhưng nó sẽ mất, không có một chủ ngã nào tồn tại mãi mãi, có đó rồi mất đó. Bởi vậy Đức Phật nói quán Trí tuệ là phải nhìn qua Tam pháp ấn Vô Thường – Khổ – Vô Ngã và chúng ta tư duy theo Chánh kiến, hiểu thấu theo nghiên cứu của Mật Thiền như thế, ta tăng trưởng được niềm tin vào quán tâm Trí tuệ. Rồi quán tâm Tỉnh giác, người u mê thì khổ, người tỉnh giác thì được hạnh phúc và sung sướng, điều đó là hiển nhiên. U u, mê mê khổ lắm, ta suy nghĩ ta thấy đúng rồi. Cho nên trong Mật Thiền hiện tại chúng ta đang tu, quán chiếu ba cái tâm, tâm Từ bi, Trí tuệ và Tỉnh giác, ta tư duy, ta suy nghĩ và ta thấy đây là đúng. Từ đó ta tin vào Pháp môn Mật Thiền, niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng và ngũ giới. Nay tin vào pháp phương tiện của Phật trao truyền, Mật Thiền quán chiếu tâm Từ bi, Trí tuệ, Tỉnh giác thì nhất định chúng ta sẽ có niềm tin, niềm tin này là mấu chốt đưa ta về với Niết Bàn và niềm tin này tạo thành lực vi diệu gọi là Tín Lực.
Do đó chủ đề “Sức mạnh của niềm tin” là đúng. Trong cuộc sống nếu bạn mất niềm tin vào chính bản thân của mình, để rồi khi gặp một ai đó khơi dậy niềm tin vào bản thân, hiểu thấu được mình, biết được khả năng của mình, bạn tin tưởng lại chính mình, thì bạn sẽ tìm lại sức mạnh để thành công. Dĩ nhiên trong cuộc sống ai đó tới với ta khi ta bị mất niềm tin vào cuộc sống, vào chính bản thân của mình và đã tạo cho chúng ta có cơ hội tìm lại bản thân và tin lại chính mình, thì người đó chính là quới nhân, là ân nhân, là Thiện tri thức. Bởi người mất niềm tin sẽ luôn luôn thất bại và người tìm lại sức mạnh của niềm tin nơi chính bản thân là người luôn luôn thành công.
Sự đồng tu của chúng ta không chỉ là một hội đồng tu gặp để vui, mà là một nhóm người có tâm lớn, phát nguyện cầu đạo giải thoát rồi đi vào pháp hành miên mật mỗi ngày. Tăng trưởng tín căn của mình vững chãi, để có được Tứ Bất Hoại, tin tưởng vào Mật Thiền song tu, quán Từ bi, quán Trí tuệ, quán Tỉnh giác, để có được Tín lực. Khi có Tín lực rồi chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để phá vỡ cửa địa ngục mà thoát ra khỏi tăm tối. Khi có Tín lực tức là niềm tin sâu vào Phật – Pháp – Tăng, ngũ giới và Mật Thiền, bạn sẽ có sức mạnh để đẩy lùi mọi chướng ngại, vươn tới phía trước, vươn tới phía trước để thành tựu sự an lạc hạnh phúc cho chính ta, rất cần! Hỏi lại bản thân ta có niềm tin hay không? Câu trả lời thật rõ nếu như bạn thường bỏ cuộc, bạn thường thất bại, bạn thường nhút nhát, bạn thường co ro một mình sợ hãi, bạn không có niềm tin vào bản thân và trên con đường tu bạn thay đổi quá nhanh, chẳng có sự an lạc và hạnh phúc, thì bạn chẳng có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng và pháp ngôn bạn đang tu. Còn nếu như bạn có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng, năm giới và pháp môn bạn đang tu, bạn đã có đủ sức mạnh để trụ lại giữa cuộc đời đầy phong ba và bão tố. Ở cuộc đời ai không nhiều lần vấp té và cuộc sống của chúng ta ai không nhiều lần thất bại, ai không nhiều lần phải đương đầu với chướng ngại. Nhưng chướng ngại, nghịch cảnh là thầy dạy cho chúng ta, vấp té là chỗ ta vịn đứng dậy, mạnh mẽ hơn xưa, lợi hại hơn xưa, trở lại hay hơn xưa. Nhưng để có thể trở lại chúng ta phải nhìn rõ hướng đi và Tín căn, niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng và năm giới và pháp môn phương tiện mình tu, là cửa ngõ để đi tới Niết Bàn. Còn Tín lực là năng lượng Mật Thiền siêu thế ta lãnh nhận được từ niềm tin kia, sẽ là con thuyền để đưa chúng ta cập bến an vui. Cho nên cửa ngõ để đi vào, thoát ra đau khổ và con thuyền để đi tới thành tựu hạnh phúc chính là Tín Căn và Tín Lực nơi Phật – Pháp – Tăng, năm giới và pháp môn Mật Thiền. Các bạn đồng tu nếu có hữu duyên với pháp môn này và nếu bạn đã giữ được Tứ Bất Hoại, tức là bốn niềm tin vững chãi vào Phật – Pháp – Tăng và năm giới, cộng vào sự miên mật tu tập của Mật Thiền, bạn chính là người có sức mạnh của niềm tin đúng với chánh pháp trong Chánh kiến. Bạn sẽ có được sự an lạc và hạnh phúc, gia đình của bạn sẽ bình an, người thân của bạn sẽ luôn luôn hoan hỉ. Dĩ nhiên bạn sẽ có sức khỏe sung mãn, bạn là người chiến thắng.
Các bạn thân mến! Sức mạnh của niềm tin nói về trong cuộc đời, thì tất cả mọi người thành công đều là những người có niềm tin vào bản thân của họ. Họ không phải chưa bao giờ không gặp chướng ngại và vấp ngã, họ thường gặp chướng ngại và vấp ngã nhưng chẳng bao giờ mất niềm tin nơi chính họ, nên họ đã thành công. Trên con đường tu của chúng ta không bao giờ chúng ta nghĩ rằng sẽ không có chướng ngại và vấp ngã. Nhưng nhớ nếu chúng ta có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng, ngũ giới và pháp môn mình đang tu, gọi là có Tín Căn và Tín Lực, bạn và Bảo Thành sẽ là người thành công. Bởi chúng ta có cơ hội thành tựu được sự an lạc hạnh phúc ngay trên những cơn sóng của chướng ngại, nghiệp duyên đang đổ dồn với chúng ta, đổ dồn kéo tới. Ta tu không phải để không có chướng ngại, mà chúng ta tu bởi có niềm tin trong chánh kiến và trí tuệ. Cho nên mọi chướng ngại, thất bại tới ta điều giải quyết bằng niềm tin vững chắc kia và rồi chúng ta đều vượt qua tất cả. Các bạn, sức mạnh của niềm tin nơi cuộc trần thế này để đi đến sự thành công về mọi phương diện. Và trên con đường đạo niềm tin nói đúng theo Phật Pháp là Tín Căn và Tín Lực rất quan trọng trên con đường đồng tu. Người có niềm tin vững chắc cần phải có niềm tin vào Phật – Pháp – Tăng và năm giới cùng pháp môn phương tiện Mật Thiền, trong sự tư duy một cách chính chắn bằng chánh kiến. Củng cố đạo lực đó thì trên con đường tu chúng ta, mỗi người chúng ta sẽ luôn luôn có sức mạnh vi diệu để thành tựu được hạnh phúc, an vui và trí tuệ ta luôn sáng, tình thương của ta luôn lan tỏa và ta luôn là người tỉnh thức trong cuộc sống này.
Các bạn! Xin hãy trở về với hơi thở của Chánh Niệm.
Thưa Phật! Xin gia trì cho chúng con có được niềm tin Tứ Bất Hoại, tin vào Phật – Pháp – Tăng và ngũ giới. Xin gia trì cho chúng con có Tín Căn, Tín Lực trong sự tư duy đúng Chánh Kiến của hiểu biết rõ về nhân quả vô thường, khổ, vô ngã. Xin gia trì cho tất cả mọi người chúng con luôn giữ vững được niềm tin đó, để có được sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại và thử thách trong cuộc đời.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Tổng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển, giữ vững niềm tin.
Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)
Hồi hướng:
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con nếu tạo được chút phước nào, nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.