Search

Bài 3085. Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh

Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập

Mô Phật! 

Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn, các kênh Facebook. Kính mời các bạn quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Chúng con nguyện xin mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con. Và gia trì cho chúng con biết tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu qua Mật Thiền chánh niệm hơi thở để thấu rõ các pháp là Vô Thường, là Khổ, là Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh vừa quá vãng nương bóng từ ân đức tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật theo những pháp thiện lành đã tạo mà tái sanh về Tây Phương. Nguyện cho tất cả các chúng sanh và hàng đệ tử thân tâm thường an lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Và nguyện cho cha mẹ hiện tiền thân tâm thường an lạc, tinh tấn tu học. Nguyện cho thế giới được hoà bình chấm dứt chiến tranh.

Xin chư Phật chứng minh.

Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái, chúng ta hãy ngồi xuống buông thư nhẹ nhàng cùng trở về với hơi thở của Chánh niệm, luôn luôn ghi nhớ lời Đức Thế Tôn dạy: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Mật ngôn: Mu A Mu Sa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn: NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ. Mật ngôn: Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác. Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác quán trong hơi thở Chánh niệm giúp cho mọi người chúng ta tăng trưởng đạo lực, có được Chánh định, gắn kết với Chư Phật và đón nhận thật nhiều mật điển. Chúng ta hãy bắt đầu.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến! Hôm nay thứ sáu rồi và chủ đề rất hay để cho chúng ta có được một cuối tuần tốt. Chủ đề nói về sự nóng giận của con người: “Nóng Giận Là Bản Năng, Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh”. Ai trong chúng ta cũng đã từng nóng giận rồi. Nóng giận với con cái, với cha mẹ, với người thân, với người dưng đi ở giữa đường, gặp chuyện gì dễ nổi nóng nổi giận, cãi nhau là chuyện thường. Để rồi trong sự nóng giận cãi nhau đó, ngày nay người ta đã chế tác ra thật nhiều ngôn ngữ thô ác để mà chửi nhau cho sướng miệng. Văn chương chửi bới để thể hiện cái cá tính nóng giận, hình như được thêm những cái nốt nhạc tạo thành những cung bậc, tuổi trẻ họ thích. Người lớn tuổi cũng thích. Ai cũng nóng giận. Mà sao kỳ? Càng nóng thì càng cương, càng thích. Sao vậy ta?

Cái câu: “Nóng giận là bản năng” điều đó là đúng. Trong Phật giáo có ba cái tâm gọi là tam độc: Tham, Sân, Si. Sân là nóng giận. Vốn chúng ta sinh ra làm kiếp con người là bởi vì còn Tham, Sân, Si. Không sai khi nói: “Nóng giận là bản năng” bởi ta sinh ra vì sự nóng giận, sự tham lam và từ sự vô minh, si mê. Các bạn nên nhớ, nóng giận rất xấu. Đã biết nhiều gia đình đổ vỡ cũng là bởi vì người chồng nóng giận quá. Cứ say sưa rượu chè rồi về nhà đụng chuyện, người vợ nhắc nhở, đập bàn, đập ghế. Cũng đã biết bao nhiêu lần, những người cha quá nóng dùng cái cây bằng cổ tay mà cầm nện thật mạnh vào thân xác của con cái khi còn rất trẻ. Có một sự nóng giận hình như nó là truyền thống, nó là bản năng thật sự.

Có một lần Bảo Thành nhìn qua một đoạn YouTube, trên video có một người cha nóng giận đánh đứa con gái độ chừng năm tuổi. Một tay nắm tay đứa trẻ kéo lê lết trên nền đất. Cái cây ở trên tay phải đập ầm ầm, đánh rất mạnh. Đứa nhỏ sợ quá vùng tay chạy vô trong nhà. Người cha chạy theo đập túi bụi. Đứa nhỏ té xuống nền đất kêu khóc, người cha chẳng dừng, tiếp tục chút những cơn nóng giận lên người em bé. Em bé sợ chạy ra ngoài, người cha phóng theo chụp lấy đầu, nắm lấy tóc kéo, tiếp tục đánh. Hồi xưa kìa, Bảo Thành cũng bị cha đánh. Cái tuổi đó tuổi mình ngày xưa đó nhất định đã từng bị cha. Hầu hết là những người cha nóng giận khi chúng ta còn nhỏ chưa biết nghe lời, hay phá. Và sự giáo dục ở đó được đưa vào trong cái câu văn chương quá hay, ngọt ngào, nhưng đau đớn cho trẻ thơ, đó là: “Thương cho đòn cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Nên các ông cha thường thương con cái của mình bằng cây, bằng gậy. Có lẽ một vài người trong chúng ta cũng còn dấu tích, nói đúng hơn là con cái tàng tích của cái thuở nóng giận của cha. Nhưng sự nóng giận thời xưa đó vẫn mang nặng tính giáo dục hơn.

Ta không nói đến sự nóng giận bằng thể hiện đánh đập qua cải cách giáo dục. Ta nói đến sự nóng giận bởi cái tâm “Sân” và “Hận” nên thường đánh nhau cãi cọ. Biết bao nhiêu gia đình có thể chồng, có thể vợ, cũng có thể là con cái đổ vỡ là bởi vì nóng giận. Bạn bè đánh nhau cũng vì nóng giận, nhưng mà cứ nóng giận hoài thôi. Hãy nhớ rằng cái tâm “Sân” là độc dược. Lửa sân hận là lửa vô minh, nó thiêu đốt hết cả rừng công đức, phước báu của chúng ta. Nóng giận là lửa vô minh đó các bạn, thiêu đốt hết không còn một chút gì công đức, phước báu chúng ta đã tạo. Bởi đó mà chúng ta cứ nóng giận và rồi tai họa nó tới với chúng ta, bệnh hoạn nó tới với chúng ta. Nhiều người nóng giận quá, mắt trợn tròng, đột quỵ, té. Nhiều người nóng giận quá, đốt cả nhà. Nhiều người nóng giận quá, giết luôn cả người thân. Nhiều người nóng giận quá, cuối cùng đi vào nhà tù ở suốt đời. Phải luôn luôn tự nhắc nhở mình, nóng giận là lửa vô mình nó sẽ thiêu rụi hết tất cả phước báu, công đức của ta và của ông bà cha mẹ hồi hướng cho ta.

Bạn muốn tai họa, bạn muốn bệnh hoạn, bạn muốn người thân đau đớn hay là bạn muốn người thân phải chết hoặc chính bản thân mình bị nhốt vào tù bởi sự nóng giận của mình? Hay bạn muốn nhìn vào sự nóng giận nó là bản năng để rồi rèn luyện tu tập để có sự tĩnh lặng, bản lĩnh, công phu? Nhiều người trong chúng ta không suy nghĩ nên không muốn hoặc chẳng thể lựa chọn cái bản lĩnh trong công phu tu tập, cái kỹ năng sống tĩnh lặng, mà cứ ồn ào trong nóng giận, xô sát lẫn nhau. Nóng giận là một trong những hành động rất xấu, nguy hại mà các bạn cùng Bảo Thành thường hay phạm vào. Ta thường có những cái tật cố, những cái sai lầm nóng giận và cứ như thế ta trút để những người yêu thương trong gia đình, trong bạn bè, và làm cho những đấng ấy, những người yêu gia đình của ta đau khổ biết bao. Tại sao chúng ta cứ nóng giận? Tại sao? Nếu như chúng ta đã đúng và đúng thì không cần phải nóng giận các bạn ạ, không cần đâu. Cho nên nóng giận có nghĩa là chúng ta không đúng, chúng ta sai. Và nếu như chúng ta đã sai, ta không có tư cách để nóng giận. Các bạn nghĩ coi: Nếu mà chúng ta đúng thì không cần phải nóng giận, mà đã sai, chẳng còn tư cách để nóng giận. Ai trong chúng ta cũng nóng giận để phủ nấp những điều sai trái. Đó là một tật cố rất xấu, đọa địa ngục thành súc sinh, ngạ quỷ, luân hồi hoài, khổ hoài.

Có lẽ là chúng ta không nhận ra cái được gọi là bản năng, cái sự nóng giận trong tam độc gọi là Tham, Sân, Si. Ta cứ ngỡ đó là bản năng, đó là ta, để rồi ta sống với chúng. Rất may chúng ta được Đức Phật dạy. Đúng vậy! Bản năng Tham, Sân, Si sự nóng giận là thật. Ta vẫn còn có cái bản lĩnh để tu tập, để trở về cái bản nguyên vốn có nơi ta. Nói đến cái bản năng Tham, Sân, Si, ta vẫn có cái bản nguyên, cái bổn tánh siêu việt là biết chia sẻ đó các bạn, biết giúp đỡ, biết làm việc bác ái, yêu thương. Chẳng qua ta không nhìn ra được cái chân lý của Đức Phật dạy:“ Có cái này thì có cái kia”, nên ta cứ mặc định mình là Tham, Sân, Si. Tham cho đã đi,  Sân cho đã đi, Si đi, bởi vì đó là ta.

Không! Ngoài bản năng, ta còn có cái Bản lĩnh bởi cái bản nguyên tịch tĩnh nơi ta vốn có. Tham nhưng còn có tình thương sự san sẻ, bác ái, từ thiện. Các bạn và Bảo Thành không ít thì nhiều đã từng làm từ thiện chia cơm sẻ áo, yêu thương, an ủi, bác ái. Có mà! Không nhận ra để rồi cứ sống vùi trong vô minh, chẳng thể ra để rồi chẳng bao giờ phát huy được cái tánh thiện của mình. Còn nói đến “Sân” là nóng giận, thì ngược lại ta vẫn có cái lòng bao dung, sự tha thứ, bác ái yêu thương. Và khi bạn nóng giận bạn chửi người ta, đánh người ta nhưng trong cuộc sống bạn có thật nhiều những giây phút dễ thương, dễ thương lắm: Ngọt ngào, dịu dàng, trầm tĩnh, tĩnh lặng, an nhiên, kham nhẫn, từ tốn, khiêm cung, bao dung, tha thứ, đồng hành, lợi dưỡng với mọi người ta có. Nhưng không chịu nhận ra, mà ta đã tự đánh mất đi cái vốn linh thiêng trong cái bản nguyên tự tại và đắm chìm trong cái bản năng thú tính nóng giận thường xuyên. Còn nói đến vô minh, cũng có cái bản nguyên siêu việt là Trí Tuệ, là tánh thấy, là hiểu biết. Ta sống theo bản năng nên buông tuồng, nhào đầu, bị lôi kéo. Nếu như chúng ta nhìn sâu, ta sẽ rèn luyện để trở về cái bản nguyên siêu việt của ta.

Sống không cần nóng giận, bởi sống với cái bản nguyên siêu việt của cái tâm yêu thương san sẻ, của trí tuệ, của sự bao dung tha thứ. Ta không cần phải nóng giận. Ai trên đời không sai? Nhưng sai đừng nóng giận, bởi càng nóng giận càng sai. Và các bạn nên tự nhắc nhở mình: “Khi ta sai, ta không có quyền nóng giận. Khi ta đúng, ta chẳng cần phải nóng giận”. Bản lĩnh trong sự tĩnh lặng cần có sự rèn luyện, phải công phu.

Có thời Đức Phật hỏi Ngài Quán Thế Âm: “Cái Pháp nào hay để mà truyền lại cho hậu thế đây? Ngài Quán Thế Âm dạy rằng: “Thưa Phật! Con đã tu nhiều kiếp lắm rồi. Pháp quán âm thanh (tức là nghe đó các bạn) nghe những âm thanh bằng tâm Từ Bi. Cho nên con đã thành tựu được sự an lạc, không có chướng ngại. Và từ đó con có thể ứng hóa thân nhiều cõi, mang tình thương san sẻ, an ủi và làm cho cái hầm lửa của sân giận, của nóng giận tắt lịm, và rải vào đó nước cam lồ yêu thương”. Ngài Quán Thế Âm đã tu như vậy và thành tựu, cho nên mọi loài luôn ngưỡng cầu đến mẹ và mẹ luôn tới với chúng ta che chở, yêu thương. Mẹ luôn đổ tràn xuống mỗi người chúng ta khi gặp hoạn nạn, đau khổ. Và chúng ta khi lãnh nhận cái ân đó trong sự tu sẽ có bản lĩnh trong sự tĩnh lặng.

Cần phải tu các bạn ạ, còn không cái bản năng của sự nóng giận sẽ kéo trôi chúng ta. Mỗi một đời người khi trôi qua thấm thoát rồi đó phải lượng mức cái giá trị của đời sống riêng mình. Vì chúng ta là con người luôn vác ở trên vai những sự nặng nề quá mức, vượt tốc theo thời gian, sức ép của cuộc đời để tiến về phía trước trong sự thành tựu về công danh, sự nghiệp. Và như thế chẳng còn gì trong sự nhẹ nhõm. Sức ép của cuộc sống đã tăng lửa sân giận để mỗi người chúng ta thường nóng giận quá trớn. Nhưng thời gian trôi qua rồi, chúng ta không thể như vậy nữa. Ta phải đánh giá lại những gì ta đang có và phải thật dũng mãnh gạt bỏ, lìa xa quẳng đi những thứ không cần thiết. Bởi thời gian trôi qua, nước chảy đá mòn, nếu chúng ta cứ khư khư ôm lấy những sự nóng giận, bởi vì không có bản lĩnh do sự sai lầm của mình mà từ đó hận cuộc đời. Nóng giận quá độ thì chúng ta sẽ cảm thấy buồn lắm, cần phải bỏ bớt đi. Những cái gánh nặng trên vai cần phải bỏ đi theo thời gian trôi qua.

Như trong sự thất bại hoặc những ước mơ không thành tựu đã qua rồi, bỏ đi. Nếu không bạn sẽ không có được sự tịnh tĩnh, tĩnh lặng, với cái bản lĩnh không có được như vậy, bạn dễ bị tủi hận cho vận số của riêng mình. Còn nếu bạn biết bỏ đi, bạn sẽ tìm thấy giá trị đích thực của bạn và bạn sẽ không bao giờ trở nên vô dụng. Tuổi càng lớn hầu hết chúng ta càng cảm nhận hình như ta vô dụng. Nhưng không! Ta vô dụng với cái việc của thế gian trong danh lợi, trong quyền lực, tiền bạc, trong ái dục. Nhưng chúng ta vẫn có khả năng để đạt được cái bản lĩnh tĩnh lặng trong đời sống tâm linh để tìm về cái cội nguồn vi diệu, siêu việt của tình thương, lòng bao dung tha thứ, của trí tuệ, của sự tươi mát nơi tâm hồn sống của mình. Đừng để bản năng nóng giận làm chủ cuộc đời, mà cần phải tu luyện để có bản lĩnh trong sự tĩnh lặng. Buông những điều không cần thiết, quẳng gánh nặng trên đôi vai để nhẹ nhàng bước về phía trước.

Chúng ta nhớ rằng tánh nóng giận rất nguy hại. Thời xưa các vị vua, khi nóng giận có thể giết chết biết bao nhiêu con người. Chứng tỏ thời Đức Phật vì một chuyện xảy ra không có hài lòng mà tánh nóng giận của ông vua ấy: Vua Lưu Ly đã mang cả một đoàn quân vượt rừng núi qua xứ của vua Tịnh Phạn (là vua cha của Đức Phật) tàn sát hết dòng họ. Nguy hiểm không các bạn? Rất nhiều chuyện không như ý sẽ xảy ra trong cuộc đời, nhưng đừng để cái bản năng của sự nóng giận lôi kéo chúng ta vào trong đó như một loài thú khát máu sát hại người. Hãy gắng tu để có được bản lĩnh trong sự tĩnh lặng để tìm về cái cội nguồn bản nguyên vốn có nơi ta là tình thương, là lòng bác ái, lòng bao dung tha thứ, sự tươi mát của trí tuệ để nhìn rõ sự tịnh tĩnh, an nhiên. Ai trong chúng ta cũng có. Nếu bạn không buông những sự dư thừa của thời gian trôi qua mà tuổi đời đã lớn, ôm ấp nhiều những quá khứ của tuổi trẻ, để rồi bạn sẽ cảm thấy vô dụng. Lúc đó bạn càng lớn, bạn càng dễ nóng giận, dễ bực bội, khó tính mà hồi xưa còn trẻ ta thường nói, ta thường nghe: “Ông bà cha mẹ càng lớn tuổi càng đổi tính” Có những bậc cha mẹ càng lớn tuổi càng nóng tính là bởi vì lớn tuổi rồi, quá luống rồi, cảm thấy vô dụng, dễ bực bội, sân giận, nóng giận. Nhưng cũng có những bậc sinh thành càng lớn thì tâm càng rộng, càng phúc.

Các bạn lấy một nắm muối bỏ vào một ly nước thì ly nước ấy nó mặn chát. Nhưng nếu bạn cũng cái nắm muối ấy bỏ vào một hồ nước thì hồ nước vẫn ngọt trơn. Cái tâm mà chật hẹp thì mặt chát trong sự nóng giận. Cái tâm và rộng lớn trong sự tu tập có bản lĩnh, nắm muối thả vào hồ nước chẳng xi nhê gì. Đừng bao giờ chúng ta để cho cái nắm muối của sự rác rưởi nơi thị phi, nơi danh lợi, quyền lực, tiền tài, ái dục, vu khống, hàm oan, không như ý làm cho cái tâm của ta hẹp nhỏ lại và mặn chát sự nóng giận – nguy hại. Cần phải tu để có bản lĩnh mở rộng bờ cõi cái tâm của chúng ta mênh mông rộng lớn để những nắm muối của cuộc đời như vừa kể thiên hạ có thả vào, thì cái biển trời chân tâm mênh mông rộng lớn của ta do cái công phu tu tập có bản lĩnh tĩnh lặng kia sẽ dung thông, không gợn sóng, chẳng thay đổi hương vị của cuộc đời, vẫn tươi cười, vẫn đẹp. Chúng ta dễ nóng giận, chứng tỏ cái tâm quá hẹp hòi để một vài cái lời thị phi bên ngoài thôi, họ quăng vào trong cái ly nước dù rất trong suốt của cái tâm ta, ôi! nó mặn chát lên. Mặn chát từ ngôn ngữ, từ suy nghĩ, từ hành động rồi buông ra những lời chát chúa, chanh chua, thô ác. Lạng quạng là cái ly hoặc cái cốc đó bị bể thôi. Bởi vì đâu chỉ một nắm, rác rưởi, thị phi, vu khống, hàm oan, không như ý, chửi bới, tranh chấp ở đời nó quăng, nó ném vào, tâm mà hạn hẹp, nhỏ sẽ bị bể. Bạn bè chia rẽ ngày càng đông là bởi vì như vậy. Gia đình càng tan vỡ là bởi vì cái tâm của con người quá nhỏ, chẳng bao giờ nhận ra cái sự tu tập.

Ta có bản lĩnh làm cho cái tâm rộng lớn hơn. Để có bản lĩnh cái tâm rộng lớn hơn, ta phải học cái phẩm hạnh của mẹ Quan Thế Âm – Từ Bi. Thật rõ! Cái gương đó có thể thấu được thật rõ qua cái đức hạnh của người mẹ chúng ta, tình thương, mà chúng ta thấy các người mẹ các đấng, bậc ở trên đời này có được cái phẩm hạnh cao quý là luôn luôn dư giả và tràn đầy tình thương. Các mẹ không bao giờ nóng giận, lúc nào cũng biết yêu thương, chăm sóc tận tụy, hy sinh. Mẹ là đại diện của hoá thân Ngài Quan Thế Âm Bồ Tát. Học được cái hạnh của mẹ, hạnh yêu thương, hạnh Từ Bi là một phương pháp tu vi diệu đơn giản để mở rộng cái bờ cõi tâm thiện lành yêu thương của ta. Rộng lắm! Để biết bao nhiêu những sự trái chiều, nghịch ý, những điều chấn động trong cuộc đời xảy tới mẹ vẫn yêu thương, mẹ vẫn cười.

Bảo Thành nhớ về mẹ của chính mình thuở những năm 1975 cho đến  năm 1980. Thời kỳ đó, đất nước Việt Nam rất gian khổ. Những người cha thường bị câu lưu trong các trại giam. Những người mẹ thường một mình đơn côi nuôi cả một đám con còn nhỏ. Càng nhìn lại mới thấy được sức mạnh siêu thường của mẹ, chịu biết bao nhiêu gian khó, nhọc nhằn. Đôi chân trần, vai gầy mà có thể gánh vác được cả một giang sơn của gia đình khi chẳng có người cha ở nhà. Tần tảo sớm hôm, chạy ngược chạy xuôi, thậm chí mà còn chạy trên mui xe lửa để tìm ra tiền mua đồ ăn cho con cái. Mà đôi mắt của mẹ có khi nào có giọt sầu của nét ưu tư đâu? Cười tươi. Mẹ là như vậy. Từ Bi sẽ giúp cho chúng ta xóa tan đi cái bản năng của sự nóng giận mà hỗ trợ cho chúng ta cái bản lĩnh của sự tĩnh lặng. Mẹ rất tĩnh lặng không bao giờ thấy những cái động của gian truân của khổ, luôn luôn thấy những luồng gió mát của mẹ tưới tẩm vào sự khó khăn, nhọc nhằn của tuổi thơ thiếu thốn vào cái thời 1975 đến 1980 đó.

Các bạn, Từ Bi quán là một pháp tu rất đơn giản để ta có được cái tâm Tỉnh Giác mà sống một đời tỉnh thức bằng Trí Tuệ để chuyển hóa toàn diện cái bản năng nóng giận, để thành tựu được cái bản lĩnh siêu cường trong sự tĩnh lặng yêu thương. Ta rộng, rộng, rộng tận hư không. Hằng hà sa những nắm muối thị phi, rác rưởi của cuộc đời họ có quăng vào biển trời mênh mông yêu thương của phẩm hạnh tu tập do cái bản lĩnh, thấu rõ được chỉ có Từ Bi mới chuyển hóa được bản năng nóng giận thì nhất định các bạn và Bảo Thành sẽ luôn an vui. Chẳng bị nhồi máu cơ tim, sức ép quá đáng, đột quỵ giữa đường, không thâm cái quầng mắt, chẳng tím cái bờ môi, ánh mắt sáng như sao trời, bờ môi đẹp như hoa nở. Và mỗi một nghĩa cử đều chan chứa lòng bao dung, lan tỏa cái hương thơm mang đến sự an vui cho muôn người.

Các bạn! “Nóng giận là bản năng” nhưng bản năng đó sẽ chuyển hóa toàn diện tận gốc bằng cái bản lĩnh thực hành công phu quán tâm Từ Bi – phẩm hạnh cao siêu của mẹ Hiền Quán Âm mà chúng ta ai ai cũng nhận thấy nơi người mẹ kính yêu của chúng ta. Tình yêu, lòng Từ Bi là năng lượng vi diệu để sửa chữa tất cả những lầm lỗi của chúng ta, để chúng ta được quyền gióng lên cái tiếng nói vang vọng của tâm yêu thương. Không cần phải nóng giận, bởi vì ta đã làm đúng cái trách nhiệm của kiếp con người là chuyển hóa tham, sân, si để không còn lầm lũi chui vào trong cái hang ổ của luân hồi sinh tử nhiều đời nữa. Mà tung đôi cánh thiện thần của thiện pháp, bay lên trời cao thong dong tự tại như mây trời cùng với chư Phật chư Bồ Tát. Làm được điều đó ta có bản lĩnh. Chỉ cần chúng ta hiểu thấu, đằng sau cái tánh nóng giận, sân hận ta vẫn còn có tình thương. Ta vẫn có biết thương yêu, biết san sẻ. Có! Luôn luôn có.

Đừng đánh mất cái giá trị của bản nguyên siêu thường nơi ta. Từ Bi sẽ hâm nóng lại cuộc đời của bao nhiêu kiếp người, của những năm tháng qua đã vùi đầu trong nóng giận để chúng ta một lần nữa trở về với cuộc sống rộng lòng yêu thương. Đừng bó chặt cái tâm của mình cho nó teo, nó nhỏ, mà phải cởi trói cho mình. Đừng vác nặng trên vai, cưu mang những thất bại, những sự lầm lỗi của chúng ta. Đời ai không lầm lỗi? Nhưng rồi sẽ qua thôi. Đời ai không thất bại? Nhưng ánh sáng sẽ chiếu sáng ở đằng sau cái ngõ hẻm của tăm tối. Vững tin vào lời của Đức Phật dạy mang vào thực tập cho rõ, chúng ta sẽ thay đổi được cuộc đời. Chẳng còn nóng giận sống với bản năng đó, mà đều là người có bản lĩnh trong sự tĩnh lặng. Bởi ta đã theo gương của mẹ Hiền Quán Thế Âm thực tập pháp quán Từ Bi. Ta đã theo gương của người mẹ kính yêu của chúng ta để học yêu thương và tha thứ, san sẻ, bác ái. Chúng ta có bản lĩnh đó, bởi vốn trong chúng ta ngoài cái bản năng nóng giận còn có cái bản nguyên của lòng bao dung, tha thứ, yêu thương, Trí Tuệ, Từ Bi. Đừng sống với bản năng mà hãy sống với bản nguyên mà Đức Phật đã khai thị cho chúng ta.

Các bạn chúng ta trở về với hơi thở. Thưa Phật! Xin Ngài gia trì cho chúng con để chúng con không còn sống với cái bản năng nóng giận nữa, mà ra công tu tập để có được cái kỹ năng sống với cái bản nguyên trong sự tĩnh lặng để đạt được cái bản lĩnh sống trong đời an vui. Xin Chư Phật gia hộ.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, sống với bản nguyên Trí Tuệ, Từ bi, yêu thương, bao dung, tha thứ:

Mu A Mu Sa

NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang

Ma Sa Ốp Uê

(7 biến)

Chúng ta hãy hồi hướng công đức. Thưa Phật! Nếu tạo được chút phước báu nào trong buổi đồng tu hôm nay, chúng con nguyện hồi hướng cho muôn loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn