Bảo Diệu Tâm đánh máy, Bảo Ngân biên tập
Mô Phật!
Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô, và tất các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook các bạn chia sẻ. Chúng ta hãy quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Chúng con nguyện mười phương Chư Phật ban rải năng lượng tình thương xuống cho muôn loài chúng con để chúng con biết tinh tấn, nỗ lực Chánh niệm hơi thở Thiền Mật song tu để tự thắp sáng đuốc tuệ, thể nhập vào tâm Tỉnh Giác, quán chiếu thấu rõ được vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã. Chúng con cũng nguyện siêu cho tất cả các chư vị hương linh nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cầu an cho tất cả mọi Phật tử thân tâm thường lạc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt và tinh tấn tu học. Đồng nguyện cho Thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc. Xin chư Phật chứng minh.
Mời các bạn đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Luôn luôn ghi nhớ ở trong tâm: “Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp giải thoát, lấy Từ Bi nuôi dưỡng và lan tỏa tình yêu thương”. Mỗi một hơi thở vào ra, chúng ta trì mật ngôn Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi, quán tâm Trí Tuệ là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang, quán tâm Tỉnh Giác là Ma Sa Ốp Uê. Ba mật ngôn này cùng với Chánh niệm của hơi thở quán chiếu, chúng ta sẽ tiếp được tha lực mật điển siêu thế của Chư Phật gia trì để chúng ta nhận rõ được các pháp đều Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Chúng ta hãy bắt đầu.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật chú, đón nhận mật điển:
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Mô Phật! Các bạn thân mến! Lành thay trong cuộc đời vần xoay, thế sự ngổn ngang không ngừng, các bạn cùng với Bảo Thành vẫn còn đồng tu với nhau qua pháp phương tiện Mật Thiền song tu để đón nhận tha lực mật điển, năng lượng Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác từ Chư Phật, chư vị Bồ Tát ban rải xuống cho chúng ta. Pháp môn Mật Thiền là pháp môn đón nhận thật nhiều năng lượng của Phật vào cuộc sống để tẩy sạch uế trược trong đời sống thể chất, tinh thần và tâm linh. Mỗi một ngày đồng tu là mỗi một ngày Bảo Thành và các bạn đã được chính Đức Phật và chư vị Bồ Tát mười phương tưới tẩm năng lượng tình thương vào cuộc đời khô cằn, đau khổ, phiền não của chúng ta. Mỗi ngày như vậy, sự đau khổ, phiền não đó và những uế trược của nghiệp chướng nhiều đời dần dần tiêu tan, những tai họa được chuyển hóa, đời sống của chúng ta thêm an vui, nhẹ nhàng. Tâm của chúng ta sáng ra, và chúng ta có được một đời sống tỉnh thức hơn, nhận rõ được những gì chúng ta đã lãnh nhận được qua sự đồng tu, rất hạnh phúc. Mọi người đồng quy về ba ngôi Tam Bảo, nương vào trong Chánh niệm của hơi thở, tổng trì mật ngôn vi diệu, đánh thức tự thân qua cái tự lực ngồi xuống đồng tu và đón nhận tha lực của Phật. Rất hay! Có được như vậy là bởi sự tinh tấn và phát nguyện của mỗi một người, ta đã bước lên đồng một con thuyền giải thoát để vượt trùng khơi thử thách, cập được bến bờ an vui trong kiếp này.
Nhưng hôm nay các bạn trẻ gửi về một chủ đề rất thực tế xảy ra với tất cả mọi người. Chủ đề bạn tu gởi về là: “Mắt Không Thấy – Tim Không Đau”, thà mắt không thấy, trái tim sẽ không đau. Chúng ta cứ nói với mình như vậy, bởi khi thấy rồi, không những trái tim đau, trái tim còn rỉ máu, trái tim còn tan nát nổ tung. Có một cô Phật tử chia sẻ với Bảo Thành rằng: “Thà rằng không thấy anh ấy đã đi ngang về ngược, có những bến đỗ ở bên ngoài, trái tim sẽ không đau”. Nhưng dù mặt đã quay qua hướng khác nhưng con tim nó biết, sự thổn thức vẫn dâng lên, quặn đau ở trong lòng. Từng đêm, hình như máu nó đang chảy ra. Trái tim tan nát từng giây. Lấy tay bịt mắt, vùi mặt vào trong gối, 360 độ chẳng còn nhìn thấy nhau nữa mà trái tim nó vẫn thấy. Rồi thì sống ở giữa hai con người là cả một Bắc cực rộng lớn. Tránh nhau không nhìn, mắt không thấy tim không đau mà sao chẳng làm được. Dù bịt mắt, dù xoay đi nhưng trong tâm vẫn nhìn thấu, trái tim vẫn nhìn rõ. Có lẽ vì giữ gìn hạnh phúc của gia đình cho con cái, những cái cột nhà đã mục nát rồi xiêu vẹo sắp đổ nhưng vẫn phải gia cố bởi cái tâm thiện lành, để mái hiên nhà mưa không bị hắt vào, mong sao cho con cái được ấm êm. Cuộc sống cứ thế diễn ra, trái tim nó đã trở nên chai đá, tê lạnh nhưng người ấy nào có biết. Không biết! Và bước chân đi hình như đã vượt xa cái giới hạn chịu đựng của người ở lại. Buồn, khổ quá chịu sao thấu đây?
Các bạn ơi, không phải chỉ có tình yêu giữa vợ – chồng, tình yêu giữa nam – nữ, tình cha mẹ đối với con cái, tình của nhân thế đối xử với nhau. Một khi đối tượng ta yêu thương là cha mẹ, con cái, vợ chồng, người thân hay chỉ là bạn bè, người làm cùng công xưởng đã làm một cái điều gì sai trái và quá sai, sai đến mức mà ta không thể tha thứ được nhưng vẫn phải kềm, vẫn phải chịu để mọi sự vẫn tốt đẹp. Thế rồi, chúng ta lại nhắm mắt làm ngơ, chơi “Tình bơ vơ” để cho con tim không đau, nhưng đó không phải là cách. Mấy ai làm ngơ mà tim không đau? Mấy ai mắt không thấy mà tim không thấy? Đôi khi, vì quá đau mà con mắt đã mù loà để rồi cuộc sống giữa người với người biến thành sa mạc khô cằn, đầy đọa nhau. Hình như cái câu có lý đó, thà “Mắt không thấy – tim không đau” vẫn là một phương ngôn cho những người đang đau đớn thầm nhắc cho mình để nguôi đi một chút.
“Mắt không thấy – tim không đau”, chúng ta đã thật sự làm cho mình đui mù. Trên con đường học Phật, không thể áp dụng “mắt không thấy – tim không đau” Bởi nếu như ứng dụng cái câu “mắt không thấy – tim không đau” để ngoảnh mặt làm ngơ, để không nhìn nhận, để tránh xa là đang đi vào con đường tự sát, hủy hoại những cái giá trị cao đẹp nhất vẫn còn ở trong ta. Đức Phật tới và dạy cho chúng ta phải dũng mãnh lên, đừng sợ nhìn thấy những ai làm ta tổn thương, đừng sợ nhìn thấy những sự việc làm ta đau đớn. Bởi tất cả những gì người làm cho ta tổn thương và đau đớn đều là do ta đã tạo. Nhìn thấy người tạo ra như thế là nhìn thấy tự thân đã gây ra cho mình. Phật dạy cho chúng ta phải nhìn, không ngoảnh mặt làm ngơ, không vô tình, không bơ vơ mà nhìn thẳng, nhìn cho thấu, nhìn để biết, thấy rõ, hiểu để gần gũi và thương những người chung quanh. Bao nhiêu kiếp qua và bao nhiêu ngày tháng qua, chúng ta đau khổ chính là bởi vì chúng ta đã không nhìn trực diện vào những sự việc xảy ra giữa ta và anh ấy hoặc cô ấy, giữa ta với muôn người ta tương tác. Chúng ta đã lẩn trốn, nhưng đầu vẫn đau, tim vẫn đau đó các bạn, không trốn được đâu. Chạy đâu cho thoát, trốn đâu cho thoát cái đau này, ghê gớm lắm!
Phật thấy chúng sanh có biết bao nhiêu những niềm đau, nỗi khổ, phiền não và cứ thế chất chồng mãi nặng trĩu trên đôi vai, trái tim đã nát nhàu. Ngài tới để chữa lành cái vết đau ấy bằng cách dạy cho chúng ta có can đảm, có gan, có lá gan thật to để nhìn thẳng vào những cái hiện tượng hoặc những ai đó mang tới hoặc tạo ra khổ đau cho chúng ta. Nhìn để hiểu để thấu tận gốc rễ. Cả cuộc đời của Đức Phật luôn dạy cho chúng sanh phải biết nhìn, nhìn cho thấu để hiểu, thương và buông. Bạn cứ trốn hoài thôi, bạn sẽ đau. Nhưng rồi, có các bạn sẽ hỏi rằng: “Không phải là chúng ta không muốn thấy, chúng ta thấy rõ, trái tim ta đau nhưng chịu đựng được để giữ hạnh phúc cho nhau. Nhưng người ấy đã mù loà, đã câm điếc, đã chai đá, không thấy. Bao nhiêu năm qua cứ lặp đi lặp lại những chuyện làm cho tan nát con tim”. Đúng! Ở trên đời thật sự có những con người họ không bao giờ thấy được cái sai của họ. Họ không bao giờ thấy được cái lầm lỗi của họ. Cảm giác của họ đã tê liệt. Trái tim của họ đã chai sạn . Bạn có dùng phương pháp nào đi nữa, người đó không bao giờ thay đổi được. Giới hạn đỏ, đỏ vừa, đỏ lửa, đỏ đậm, đỏ vượt giới hạn, họ cứ vượt qua giới hạn băng băng không có cảm xúc, họ không thấy nỗi khổ của người kia. Họ chà đạp, giày vò mà họ không biết. Con cái, vợ hoặc là chồng, hoặc là cha mẹ, hoặc người thân đau đớn lắm mà họ không thấy, họ cứ tiếp tục thôi.
Các bạn bạn ơi! Đó là phận của chúng sanh. Mắt Trí Tuệ đã bị che mờ bởi vô minh, ác nghiệp rồi. Nhưng không phải họ không thấy là họ hoàn toàn xấu, và cái ta thấy nơi họ là hoàn toàn tồi tệ đâu. Họ không thấy được cái xấu của họ, và ta đã thấy cái xấu của họ. Phật đã thấy rồi, Phật thấy nơi chúng ta đến. Khi Ngài giác ngộ, Ngài là Phật, thì Ngài đã bừng tỉnh và hoảng hốt: ta là Phật và ta đã thấy chúng sanh sẽ là Phật. Cái chữ “sẽ là Phật” đơn giản một chút xíu là nơi những con người tội lỗi xấu xa, nơi ta vẫn còn có những giá trị cao cả của một nền đạo đức vốn có luôn tồn tại từ muôn đời. Cách thấy của nhà Phật là chẳng phải thấy lỗi người, mà thấy lỗi mình. Để khám phá ra trong ta và trong người vẫn còn tình yêu thương gắn kết rồi nâng đỡ nhau để khám phá, để khơi nguồn giá trị đó ứng vào trong đời sống mưu cầu những cái niềm vui. Chỉ vì họ và ta đã đầu tư quá nhiều thời gian vào những cái cảm giác của thân trong sự sung sướng đắm chìm của ái dục, của tham dục, của vật dục, của tài dục mà chúng ta đã quên đi cái sự an lạc, hạnh phúc miên trường từ nền đạo đức khởi nguồn nơi tâm Phật của mình.
Do đó, các bạn đừng mang cái câu: “Thà mắt không thấy – tim không đau”. Chúng ta học Phật, chúng ta phải nói: chúng ta dũng mãnh lắm!. Chuyện gì cũng phải thấy cho rõ, cho tỏ cho tường, nhìn cho thông để hiểu, để biết, để mà thương hơn, để mà tha thứ hơn, để mà dõng mãnh hơn, để mà khơi nguồn cho những cái đẹp nhất nơi mỗi người chưa có cơ hội đánh thức nó. Ngoại trừ, ai đó không muốn thì ta không nói tới. Có một ông chủ nhờ một người thợ sơn tới sơn lại cái thuyền. Rồi ông ta đi xa. Người thợ sơn tới sơn thuyền xong thì đi về. Ông chủ khi trở về thì không thấy cái thuyền đâu, thì gia nhân cho biết mấy đứa con đã lấy thuyền ra khơi chơi rồi. Ông ta hoảng hốt sợ hãi vô cùng, bởi ông ta biết cái thuyền đó nó lủng một chỗ thật to, nhưng mà quên nhờ người tới sửa, chỉ nhờ người tới sơn thôi. Nay con cái không biết, lên thuyền ra khơi. Thôi chuyến này là xong rồi, chết thôi! Thuyền chìm chết hết thôi! Rầu rĩ đau khổ. Người thợ sơn đúng hẹn, ông ấy tới lấy tiền của chủ, thấy ông chủ khóc lóc nên hỏi rằng sao ông chủ lại khóc lóc như thế? Ông ta nói: “Tôi chỉ nhờ anh sơn cái thuyền thôi mà cái thuyền bị lủng một lỗ thật to, nay về các con đã lấy thuyền ra khơi, chắc chẳng còn đứa nào sống sót đâu”. Ông thợ sơn mới nói với ông chủ rằng: “Thôi ông đừng buồn, dù ông chỉ nhờ tôi sơn thôi, nhưng khi lên thuyền phát hiện được cái lỗ thủng, tôi đã tự sửa lại rồi dù ông không nhờ tôi. Bởi tôi phát hiện ra cái lỗ thủng nguy hiểm”. Ông chủ mừng lắm.
Các bạn! Cuộc đời của chúng ta, chúng ta luôn luôn bắt người khác phải sửa cái lỗ thủng của cuộc đời cho chúng ta. Hoặc là chúng ta đã vô tình không thấy cái lỗ thủng đó và phát hiện ra quá trễ để rồi biết bao nhiêu người thân của ta đã bị chìm xuống trong đau khổ và phiền não, chết. Ông thợ sơn chỉ là người dưng thôi, nhưng nhận ra cái giá trị của cái nhân cách không hỏi mà làm, không nhờ mà vẫn giúp, như đã vá cái lỗ thủng nơi cái thuyền mà ông sửa chữa. Còn sao chúng ta là những người thân trong gia tộc, trong gia đình, là vợ, là chồng nhận rõ cái lỗ thủng ấy mà chẳng chịu dấn thân mang cuộc đời đắp vào lỗ thủng đó bằng sự tha thứ yêu thương? Hay là cái lỗ thủng kia quá lớn, mảnh đời nhỏ bé không thể lấp, ra khơi sẽ chết hết cả một đám nên chúng ta nhất định từ bỏ và ra đi? Đúng, nếu cái lỗ thùng đó còn nhỏ, có thể lấp vào được bằng cuộc đời yêu thương và tha thứ. Nhưng nếu người làm chủ con thuyền kia chẳng nhận ra cái lỗ thủng và sự nguy hiểm cho người khác, thì ta có lấy cả cuộc đời lấp vào đó, cái chỗ thùng kia sẽ to ra từng ngày và ta sẽ lọt thỏm vào trong đó chết chìm mà thôi.
Tánh biết của nhà Phật là nhìn rõ, nhìn rõ rằng trong cái kiếp đời uế trược ác nghiệp, lầm lỗi, sai trái của ta vẫn còn có cái giá trị thánh đức nơi tâm Phật, cần phải khơi nguồn để ứng vào cuộc đời. Và cái nhìn thấu rõ tánh biết của ta là nhìn thấu cái lỗ thủng thật to mà ta đã tác động vào để làm hư hao, hư hỏng cuộc đời để rồi gia công sửa chữa, chứ không phải bỏ mặc. Ai đã bỏ mặc cho mình và tự khoét thêm những cái lỗ thủng của cuộc đời nơi tâm ý, nơi lời nói và hành vi gian ác thì nhất định sẽ giết chết cuộc đời của mình rồi, thì những người thân dù bạn đã mang nhiều đời nhiều kiếp lấp vào cái lỗ hổng của cuộc đời của họ kia, bạn cũng chẳng cứu được họ và bạn cũng tự giết bản thân. Do vậy, Phật đã nói Phật không thể độ được người không có duyên. Nếu đã tận duyên, lỗ thủng kia bạn có nhào đầu vô, vùi hết cuộc đời này để vá nó lại, cái đó chỉ là sự bám víu miễn cưỡng bởi vô minh, lụy trong ái mà thôi. Rất cần sự sáng suốt nhìn rõ lỗi lầm để sửa. Lỗi lầm của ta, ta sửa, lỗi lầm của người mang tình thương tha thứ để vá vào. Nếu còn duyên ta vá nó lại, ta sửa chữa. Nếu hết duyên, bạn sửa cũng đã rồi chẳng xong. Nhưng ít nhất cái nhìn của nhà Phật, cái nhìn trong Chánh niệm, cái nhìn để thấu rõ, để biết, để hiểu, để thương người và thương lấy chính mình, để có một sự quyết định sáng suốt bằng Chánh kiến Chánh tư duy để có được Chánh hành động trong đời sống của chúng ta.
“Mắt không thấy – tim không đau” là đang dối gạt chính bản thân của mình. Ai không thấy? Chẳng qua là bạn thấy rồi, bạn đau rồi. Bạn cố tình nói như vậy như liều thuốc tâm lý an thần nhưng không hết đâu. Bạn đang làm đau, làm khổ chính mình. Nhìn đi, biết bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi xuống, biết bao nhiêu những đêm quặn đau trong đêm tối mà người ấy vẫn hững hờ làm đau lòng của bạn. Nhưng bạn ơi, hãy trở về với Chánh niệm của hơi thở, hãy mạnh bạo lên một chút xíu, thấu rõ được lời của Phật dạy: Muôn sự ở đời đau khổ dù người tạo ra cho ta cũng là do chính nghiệp mình đã tạo cho người kiếp trước, nay nó trổ quả phải hứng chịu thôi. Lỗ thủng ấy trên con thuyền của cuộc đời do chính bạn đã tạo ra. Hãy mang tình thương chuyển hóa cho thăng hoa thành tâm Từ Bi vĩ đại mênh mông như biển trời, để trong cái dòng cam lồ yêu thương ấy có Trí Tuệ soi sáng, có sự Tỉnh giác thấu hiểu tha thứ, tha thứ cho người và tha thứ cho ta. Không phải sự tha thứ đó là để níu kéo một cái thuyền đã thủng toàn diện, mà tha thứ để cho người ta có thể nhìn ra giá trị cao cả vẫn còn ở trong họ. Và tha thứ là để cho mình nhìn thấu được chính mình. Để ta và người có cơ hội nhìn thấu chính mình, họ có cơ hội nhìn thấu chính họ để họ sửa và ta sửa. Hai người đều sửa, chẳng phải là vẫn tiếp tục trên con đường gọi là như một mái ấm gia đình, một tình thân của người yêu, của cha, của mẹ mà là để hoàn thiện đời sống cho nhau. Dù vẫn biết sự thay đổi nhìn thấu ấy chẳng còn như xưa, nhưng ít nhất cũng trở lại như xưa bản thể chính vốn có nơi cuộc đời. Bản thể đó là tánh thiện.
Các bạn, “Mắt không thấy – tim không đau”, bạn đã thử làm như vậy chưa? Chắc các bạn đã nhiều lần thử như thế. Hãy rờ vào trái tim, thấy nó có đau không? Hình như nó teo lại một chút rồi vì đã quá đau. Hình như máu cũng đen thêm một chút bởi nó bị bầm dập rồi. Nhưng rồi sao? Ta vẫn phải sống. Và nếu phải sống để chịu đau đớn thì đó là Bảo Thành và các bạn khờ dại. Đừng nghĩ ta phải sống, mà hãy nghĩ rằng ta nên sống bởi nơi ta vẫn còn thật nhiều những giá trị tuyệt vời lắm, những giá trị đẹp lắm. Và thấy được nơi Bảo Thành và các bạn có được cái giá trị vi diệu siêu thế, đó là cái tâm Phật, đó là Từ Bi, là Trí Tuệ, là sự Tỉnh Giác vẫn luôn luôn có trong ta. Qua pháp môn Mật Thiền song tu, qua cái Chánh niệm đời sống bởi hơi thở thường luôn luôn an trú, bằng sự quán chiếu nhận rõ vạn pháp Vô Thường sanh diệt, Khổ và Vô Ngã, ta biết đứng dậy trên cái đống đổ nát của cuộc đời để đào bới trong đó tìm lại viên kim cương của Trí Tuệ, Từ Bi và Tỉnh Giác, tìm lại viên minh châu của Phật tánh để lại một lần nữa nâng cao cái giá trị vi diệu ấy trước mặt, để cứ thế mà bước lên tận hưởng cuộc đời mang thân kiếp làm người. Đừng vì người ta đầy đọa, người ta sai mà mình khổ, đó là khờ. Phải tri ân họ bởi họ làm cho ta nhận ra rằng trái tim ta còn lớn hơn họ nghĩ. Và trong ta nhờ họ mà ta nhận ra: Ta vẫn có tình yêu thương, vẫn có Trí Tuệ, vẫn có sự tỉnh thức rất cao. Ta vẫn có cái giá trị siêu thế đó là tánh Phật hiện hữu. Và nhờ họ phản bội, hay nhờ họ làm cho ta đau mà ta đã có được cơ hội nhìn lại chính mình để thẩm định lại giá trị cuộc sống.
Các bạn! Tất cả những ai gây ra đau khổ phiền não cho ta, họ đều là những bậc thầy tới để dạy cho chúng ta rằng chúng ta vẫn có khả năng để đứng dậy. Và chúng ta vẫn còn có những giá trị vi diệu lắm và nhận ra lời Phật nói là chính xác. Phật tới để đánh thức chúng ta và chỉ cho chúng ta thấy được những giá trị siêu phàm vẫn và vốn có nơi ta. Đừng sống với cái câu: “Mắt không thấy – tim không đau”. Mà hãy sống với lời Phật, phải thấy và biết, thấy biết cho rõ, cho tỏ, cho tường. Thấy để hiểu thấu, thấy để thông cảm, thấy để chia sẻ, thấy để yêu thương trọn vẹn và thấy để hiến dâng. Như người thợ sơn, người ta không nhờ sửa cái lỗ thủng, nhưng thấy được sự nguy hại đã sửa. Thì chúng ta cũng vậy mà thôi, nếu thấy được lỗ thủng của người, chẳng cần phải nhắc nhở, chì chiết họ phải sửa đi không nguy hiểm. Mà nếu có tình người cao một chút, ta hãy ra tay sửa cho họ, sửa bằng sự tha thứ, vị tha, bao dung. Và chúng ta cũng phải nhìn thấy những cái lỗ thủng trên cái thuyền cuộc đời của chính ta, và phải sửa lại bằng Từ Bi, Trí Tuệ và Tỉnh Giác.
Hãy nhìn cho thấu nỗi lầm của mình và hãy sửa những gì ta đã tạo ra – đó gọi là tu. “Mắt không thấy – tim không đau” chỉ là một lời nói an ủi theo tâm lý học nhưng đang lừa dối chính mình. Nếu ta có thể lừa dối chính mình, sao ta có thể trông đợi cái người ấy không lừa dối chính ta? Bạn có khi nào hỏi như vậy không? Nếu bạn cứ nói với mình rằng thà: “Mắt không thấy – tim không đau” là bạn đang lừa dối bạn rồi, thì bạn làm sao có thể trông chờ người kia không lừa dối bạn nữa? Mình lừa dối mình thì người ta sẽ mãi mãi dối lừa mình mà thôi. Hãy chân thật với chính mình. Đừng sợ. Nhìn đi, nhìn bằng Chánh niệm, nhìn bằng Từ Bi, nhìn bằng Trí Tuệ, nhìn bằng sự Tỉnh Giác, chúng ta sẽ thấu, đời sẽ bớt khổ, bớt phiền não, sẽ thêm an lạc và hạnh phúc.
Hãy trở về với hơi thở, mời các bạn.
Thưa Phật! Chúng con sẽ không sống theo cái phương châm: “Mắt không thấy – tim không đau”, mà sống theo chân lý Phật đã dạy: phải thấy, thấy cho rõ trong Chánh kiến, trong tư duy, thấy để hiểu, để biết, thấu để buông và yêu thương nhau. Xin Chư Phật gia trì cho chúng con.
Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm, đồng trì mật ngôn, đón nhận mật điển, nhìn cho thấy, cho rõ, cho thấu để buông, hiểu và thương.
Mu A Mu Sa
NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang
Ma Sa Ốp Uê
(7 biến)
Chúng ta hãy hồi hướng công đức.
Thưa Phật! Nếu có chút phước báu nào ngày hôm nay trong sự đồng tu, chúng con nguyện hồi hướng cho tất cả mọi loài chúng sanh đồng thành Phật đạo.