Search

Bài 3056. Hoa Hay Lệ

Bảo Đăng đánh máy

Mô Phật! Bảo Thành kính chào quý Thầy, quý Sư Cô và các bạn đồng tu ở trên kênh YouTube Thất Bảo Huyền Môn và các kênh Facebook Chua Xa Loi.

Giờ đồng tu đã tới kính mời các bạn đồng quy ngưỡng về ba ngôi Tam Bảo để chúng ta bắt đầu buổi đồng tu hôm nay.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con nguyện mười phương chư Phật, ban rải năng lượng tình thương xuống cho mọi loài chúng con và gia trì cho chúng con có đủ chánh định, tinh tấn, tự lực đứng dậy thắp đuốc tuệ trong chánh niệm hơi thở. Thể nhập vào tâm tỉnh giác, quán chiếu để thấu rõ vạn pháp là Vô Thường sanh diệt, là Khổ, là Vô Ngã. Nguyện xin chư Phật cũng gia trì cho tất cả các Phật tử và các bạn đồng tu nếu đang lâm bệnh có đầy đủ phước báu gặp thầy gặp thuốc, bệnh tật tiêu trừ, phiền não đoạn diệt. Cũng nguyện cầu siêu cho chư vị hương linh vừa quá vãng nương theo thiện nghiệp tái sanh cảnh lành. Nguyện cầu cho thế giới được hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Xin chư Phật chứng minh!

Mời các bạn ngồi xuống, đặt bàn tay phải vào lòng bàn tay trái. Hãy buông thư thân tâm của mình thật nhẹ nhàng, trở về với hơi thở. Chúng ta trong sự đồng tu chánh niệm hơi thở Từ Bi, Trí Tuệ, Tỉnh Giác, gắn kết với mười phương chư Phật qua hơi thở nhẹ nhàng và qua ba Mật ngôn. Mật ngôn từ bi – Mu A Mu Sa, Mu A Mu Sa có nghĩa là quán tâm Từ Bi. Mật ngôn NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang có nghĩa là quán tâm Trí Tuệ để nhìn rõ vô thường, khổ, vô ngã. Mật ngôn Ma Sa Ốp Uê có nghĩa là quán tâm Tỉnh Giác, đánh thức tâm của mình trong sự tỉnh giác từng sát na. Mỗi một hơi thở vào ra với ba Mật ngôn này chúng ta thân tâm sẽ đón nhận được thật nhiều mật điển. Hãy bắt đầu bằng tâm thành kính.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Mô Phật! Các bạn thân mến, với sự bận rộn thật nhiều trong mỗi ngày, chúng ta đã có một sự phát nguyện cùng với nhau đồng tu. Đồng tu có lợi lạc vô cùng, không thể chấm dứt những lo toan, những công việc gọi là công việc chính và những việc vụn vặt. Cứ nhìn vào lịch sử hoặc đời sống của ông bà cha mẹ, những người đi trước chúng ta đều thấy. Kiếp sống con người cứ loay hoay, cứ bận rộn, cứ làm mãi cho tới khi đã lớn tuổi rồi cũng ít ai chịu nghỉ ngơi thảnh thơi, quay trở về cái tâm để dọn dẹp, để làm trống rỗng, hằng hà, hàng vạn những thứ ta thâu, ta lượm, ta mang vào nhồi nhét nơi tâm, mà khi lớn tuổi ta cứ táy máy, ta cứ làm hoài thôi. Có một suy nghĩ mà khi lớn tuổi ta không ngừng làm việc là bởi tự kỷ ám thị, ám ảnh rằng chúng ta bị trở nên vô dụng. Rồi những người lớn tuổi cứ tủi tủi, cả đời đã bận rộn, càng lớn tuổi càng rộn ràng loay hoay và kết thúc một đời người ta không có được bao nhiêu thời gian chăm sóc cho đời sống tâm linh. Do vậy mà sự đồng tu của chúng ta với sự tự lực phát nguyện rất cao đó là điều cần phải được tán tụng, cần phải được sách tấn, cần phải được truyền rộng để những ai đang quên chăm sóc cho đời sống tâm linh có một nhóm đồng tu, có một số bạn tri kỷ tâm huyết trên con đường tầm cầu đạo giác ngộ, mang lời Phật vào sự thực hành pháp môn tu phương tiện mật thiền giải thoát chánh pháp của Như Lai. Đôi khi các bạn hỏi mật thiền là gì? Và mật thiền tu tập cái gì? Chữ mật có vẻ huyền bí, nhưng chính là sự huyền diệu của tâm Phật, của tánh Phật, của tất cả những nhân tố có thể đưa chúng ta khi thanh lọc trở thành Phật mà mấy ai để ý tới. Thiền là quán chiếu nhìn cho thấu và rõ được tánh Phật của chúng ta, nhưng trong mật thiền lấy đề mục tâm, sự biến hiện của tâm, quán chiếu để thấu rõ vô thường, khổ, vô ngã. Bảy câu mật chú trong mật thiền, mỗi một câu đều có ý nghĩa quán về tâm. Bảo Thành phát nguyện đồng tu với các bạn mỗi một mật ngôn quán về tâm trong một năm. Chúng ta tu các bạn ơi, chúng ta không nghe pháp, chúng ta nghe cái gì? Nghe tiếng tâm của mình để quán chiếu. Chúng ta không nghe giảng, chúng ta thật sự mang lời Phật tư duy và thực hành qua hơi thở của chánh niệm, tiếp cận với tâm của mình. Tâm gì? Tâm từ bi, đó là Mu A Mu Sa. Tâm trí tuệ vốn có bất sanh diệt, bất cấu tịnh, đó là NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang và tâm tỉnh giác. Hiện thời năm thứ ba ta quán chiếu ba cái tâm này.

Đức Phật dạy cho chúng ta mang thân người thật khó, nhưng ngược lại thân người là phương tiện vi diệu. Do vậy các bạn và Bảo Thành phải nghiên cứu thân vi diệu mà Phật đã thọ ký, đã nhắc nhở, đã khai thị, đã truyền đạt và nói thật rõ thân người của các bạn, thân người của ông bà, của cha mẹ, của những người thương thân, thân người của chúng sanh, chúng ta đó, của con người đó, của Bảo Thành,.. là phương tiện vi diệu. Để đưa chúng ta đạt được chánh quả, giải thoát khỏi luân hồi sanh tử. Chẳng tìm ở đâu xa con đường đi tới bến giác, tìm ngay thân người phương tiện vi diệu này. Nếu không ứng dụng thân người vi diệu này, không mang vào sự đồng tu, không mang vào sự thực tu, thì tu hành pháp hành mỗi một ngày, thì thân người vi diệu này trở nên vô ích, không có lợi, ta sẽ hối tiếc thật nhiều. Khi thời gian trôi qua, sức khỏe của tuổi trẻ bị bào mòn, tinh thần chẳng còn là mấy, hãy chú ý lời Phật khai thị nâng mình lên một đẳng cấp cao hơn để nhận diện rằng thân người là phương tiện vi diệu đừng bỏ qua. Đó gọi là đẳng cấp cao, đẳng cấp cao không phải so sánh với nhau về kiến thức, về trí tuệ thông minh, bởi kiến thức ở đời, danh vọng, quyền lợi, địa vị hay những chuyện vật chất so kè với nhau, mà về ta có nhận thức được rằng thân người của chúng ta là vi diệu, là phương tiện tuyệt hảo hay không,  để làm gì? Để giải thoát!

Hôm nay một chủ đề suy nghĩ, Bảo Thành phải suy nghĩ, các bạn cùng suy nghĩ coi Đức Phật nói về chủ đề như thế nào? Chủ đề “Hoa Hay Lệ“. Một chủ đề nghe rất triết lý, thường thì chúng ta hay dùng chữ hoa lệ kèm vào với nhau như một từ được nối liền để hiểu được cảnh vật đẹp, hoa lệ là tính từ trong việt ngữ và hai chữ này ghép lại để nói về cảnh vật tuyệt đẹp như thành phố hoa lệ. Lâu lâu chúng ta đi vào một thành phố từ bây giờ mà con người ta hay sử dụng đó nó không còn chữ hoa lệ nữa, nhưng mà nó được đổi gọi là hoành tráng, là từ ngữ mà, ngôn ngữ thì biến thiên, biến đổi theo những cảm xúc, cảm tính của con người, tùy thời gian, tùy vùng miền. Nhưng chữ hoa lệ nó vẫn đẹp lắm, nó đẹp hơn từ ngữ bây giờ thường sử dụng, thành phố hoa lệ, đẹp. Nói đến những cái đẹp, cái đẹp tuyệt vời mà khó tìm được trong dân gian, cái đẹp đó nó chạm vào cảm xúc của con người và cái đẹp đó đi sâu vào tâm hồn. Nó làm cho chúng ta cảm thấy thế giới có ý nghĩa bởi nơi ấy quá đẹp, một nơi hoa lệ là nơi mà chạm vào cung bậc cảm xúc của chúng ta. Nhưng hôm nay chúng ta không nói đến cảnh đẹp của một thành phố hoa lệ mà nói hai chữ khác biệt thật rõ, hoa và lệ, có nghĩa chủ đề hoa hay lệ. Một là hoa, hai là lệ. Lệ có lẽ là buồn các bạn, là khóc, là đau, là khổ, mà Bảo Thành mang hai chữ hoa hay lệ này theo ý nghĩa riêng của Bảo Thành có nghĩa là giá trị, giá trị để thành tựu những ước mơ, hay nói đúng hơn cái gì cũng có giá của nó. Chữ hoa có thể tượng trưng cho những ước mơ cao đẹp, có thể là về quyền lực, có thể là về công việc, có thể là về sinh sống của gia đình, kinh tế hoặc về một người yêu lý tưởng như chồng, vợ hoặc về một mái ấm gia đình trên thuận dưới hòa, vạn sự hanh thông, con cái khỏe mạnh, thông minh, học giỏi. Chữ hoa có thể đặt vào những tình huống đó, là những ước mơ rất người của chúng ta và những ước mơ đó đều phải có một cái giá phải trả. Có những ước mơ phải trả giá bằng đau khổ, bằng tuyệt vọng. Nhưng có những ước mơ có giá trị khi chúng ta trả giá cho sự tinh tấn, cho sự cương quyết, dõng mãnh vượt qua muôn trùng gian khó để thành tựu được ước mơ ấy.

Có một số bạn trẻ, cũng như có một số các bạn vì ước mơ một công việc có tiền nhiều để lo cho cuộc sống gia đình và bản thân, đã dấn thân vào những công việc vượt ngoài khả năng, vượt ngoài sức có thể chịu đựng được, vượt ngoài hoàn cảnh, phong tục, lễ giáo và vượt ngoài luôn đạo đức. Nhưng sự việc chẳng như điều ta mơ ước, ngược lại là sự đau khổ, thì trong ước mơ đó lệ trào khóe mắt, xói mòn tâm can. Có một vài hình ảnh cụ thể như một số bạn trẻ muốn thay đổi cuộc sống nơi miền thôn quê, cố gắng đi lao động ở nước ngoài như lao động ở các nước Trung Đông. Bảo Thành đã nhìn và xem qua các video trên YouTube mà các bạn đang lao động ở Trung Đông đăng lên mạng. Nghe, nhìn và xem thấy trong lòng quặn thắt đau đớn. Thứ nhất mục đích đi qua Trung Đông lao động là để kiếm tiền nuôi gia đình, nuôi bản thân, tăng mức sống hoặc có một số vốn để về mua một căn nhà, bình ổn đời sống, sự hi sinh rất cao. Nhưng khi qua Trung Đông phong tục tập quán, ngôn ngữ và cách đối xử giữa người với người hoàn toàn khác biệt, môi trường lao động khắc nghiệt. Còn hơn ở mức có thể gọi là nô lệ, bị giam, bị hãm, bị đánh, bị đập, bị chửi, không hoàn toàn tất cả nhưng đại đa số là bị như vậy, và rơi vào sự khủng hoảng tinh thần, thì đó chính là lệ ở trong hoa, đau lắm. Giá phải trả cho những ước mơ thay đổi cuộc đời là nước mắt, là tấm thân bị dằn vặt, bị đầy đọa, bị đánh đập, bị trù dập và ở nơi xa quê hương ấy đã kêu gào khóc than, nhưng chẳng mấy ai quan tâm hoặc có thể giúp đỡ. Cũng trong ngành lao động ở nước ngoài, nếu may mắn các bạn tới các nước châu Âu hay châu Á có nền kinh tế, có nhân quyền tôn trọng một chút xíu như Nhật, như Nam Hàn hoặc các nước châu Âu, thì công việc cũng sẽ phải tận tụy cả cuộc đời, đánh đổi cả tuổi xuân trong nước mắt và cơ cực để thay đổi cuộc đời khi trở về quê. Nói chung đó là cái giá, là lệ của hoa trong sự muốn đổi đời bởi đi lao động. Thôi không chuyện đi nước ngoài lao động đâu. Ngay cả những người đi qua Mỹ để nhập cư sinh sống, thành tựu được ước mơ cho con cái, cho bản thân cũng phải hòa nhập vào phong tục tập quán, cách suy nghĩ, cách sống, cách ăn, cách ở về tinh thần, về tâm linh, về vật chất, về xã hội, về văn hóa,.. thay đổi nhiều lắm và trong sự thay đổi đó, hoa đó đã nhỏ lệ. Nói ở trong nước có biết bao nhiêu các bạn đã nhắm mắt xuôi tay, nhào đầu vào trong những công việc, bất chấp, bất chấp. Mục đích duy nhất như muôn người là nâng cấp đời sống về vật chất, để thoải mái về tinh thần. Thế nhưng trong sự dấn thân hy sinh ấy, biết bao nhiêu những lệ đắng, cay mắt, ngậm ngùi, tủi thân. Mà đến lúc và nhiều lúc chúng ta đã phải bán thân trong lệ đẩm ở khóe mắt để mưu cầu sự sống.

Các bạn! không phải hiện nay nếu nói lời của Đức Phật dạy còn chi tiết hơn những chuyện vừa nói. Chúng ta đã bị những màu sắc của hoa, hoa gì? Hoa ngũ dục, đắm đuối biết bao nhiêu đời nay, để rồi trong những nhánh hoa ngũ dục của tiền tài, danh vọng, địa vị, của sự tận hưởng về vật chất cũng như ăn uống, ta đã cắt cạn kiệt sức của mình và giọt lệ cũng khô chẳng còn để chảy. Đau đớn, khổ, phiền não là kết quả ta đón nhận thế mà cái lệ ấy ta cũng sẵn sàng để được một giây, một phút gọi là được hoa, được ước mơ, được mùi vị nếm vào trong những thứ vừa kể. Đức Phật thấy chúng ta, chúng sanh thường không có khả năng nhận diện, nhưng có khả năng tuyệt vời để thay đổi. Có khả năng tuyệt vời để thay đổi nhưng không có đủ khả năng nhận diện ra, do đó cứ khổ hoài, đau đớn hoài. Nhìn thấy điều đó Đức Phật đã nghiên cứu, đã tự tu, khám phá sau bao nhiêu năm đúc kết kinh nghiệm thực hành bản thân qua sự thiền định, qua chánh niệm hơi thở, quán chiếu đã thấy. Và Ngài đã truyền cho chúng ta phương pháp rất rõ để chúng ta có thể thể nhập vào khả năng thoát khổ vốn có nơi chúng ta, để chúng ta thành tựu được ước mơ mà không phải rơi lệ đau đớn. Phật hiểu được khổ của chúng sanh, Phật hiểu được khổ của các bạn và Bảo thành. Phật đã đi qua khổ đó biết bao nhiêu đời và Phật đã chiến thắng khi nhận diện ra được giá trị vi diệu nơi thân người của chúng ta, phương tiện đó và ứng dụng phương tiện đó để thay đổi, để thành tựu được biết bao nhiêu những ước mơ, ước mơ an lạc và hạnh phúc, nhưng không phải đau đớn, phiền não, không phải khổ và rơi lệ. Hãy nhìn về con đường của Đức Phật dạy, chẳng không Đức Phật nói mà thật rõ có lý nên Ngài đã dạy.

“Hoa hay lệ” ở trong cuộc đời thường lẫn lộn, nhưng nếu chúng ta bỏ chữ hay đi thì chúng ta sẽ có được một đời sống luôn luôn diện kiến hoa lệ đẹp ở cuộc đời. Chẳng phải hoa hay lệ mà là một thành phố hoa lệ nơi tâm, biết thắp sáng những ánh đèn lung linh của chánh kiến, của trí tuệ, để tỏa sáng nhìn rõ bóng tối của vô thường, của khổ, của vô ngã. Nếu chúng ta nghe theo và thực hành lời của Phật ta sẽ có một thành phố hoa lệ trong tâm đẹp lắm. Nơi ấy có tràn trề, có đầy đủ, có dư năng lượng từ bi lan tỏa khắp mọi nơi, nơi thành phố hoa lệ của tâm chúng ta và mọi người sẽ luôn luôn tỉnh thức chẳng mê muội. Và bông hoa ta có thể tìm gặp được nơi phương thức thực tập của chư Phật, không phải là hoa của những giấc mơ mà phải chảy lệ, mà là hoa của đài sen, đài sen ngũ sắc, đài sen của kiết tường vân, của tâm thanh tịnh, hoa sen. Nơi ấy có sự tỉnh thức, có tình thương, có long lanh ánh sáng của trí tuệ, có đầy đủ phước báu và công đức, có con đường thật sáng thật rõ, có chư vị Phật, Bồ Tát thánh hiền, Long Thiên hộ pháp luôn luôn cận kề dắt dìu chúng ta từng bước, từng bước vượt qua đau khổ, chuyển hóa tự thân.

Các bạn! Nhìn về hoàn cảnh hoa hay lệ trên toàn thế giới nay và hàng bao nhiêu ngàn năm xưa, thì chúng ta đều hiểu thấu bất cứ một điều gì để có được đều phải trả giá. Nhưng sự trả giá cho cái có của chúng ta là một sự trả giá có giá trị, thành tựu viên mãn, không phải là một sự trả giá trong lệ rơi đau đớn. Đừng quỳ xuống van xin ai để có được, bởi Đức Phật dạy không ai có thể ban, chẳng ai có thể cho. Mỗi một người chúng ta phải có trách nhiệm với bản thân và phải nhận diện ra rằng thân người là phương tiện vi diệu. Hãy quay về thân người của chúng ta. Hãy thực tập lời Đức Phật dạy để thành tựu được sự vi diệu nơi phương tiện này, để ta kiến lập được một thành phố hoa lệ trong tâm của mình, lung linh ánh sáng trí tuệ, tỏa ngát hương từ bi và luôn luôn tỉnh giác. Hay vô cùng! Nếu các bạn làm được điều đó thì phương tiện nơi thân người được tỏa sáng và dĩ nhiên không phải chỉ có những điều thực tập đó mang lại giá trị cao, mà những ước mơ rất thường của loài người. Chúng ta có đầy đủ phước báu để thành tựu, nhưng không rơi lệ, lệ đắng đau đớn của cuộc đời. Trên đời này ông bà nói “Có Đức Mặc Sức Mà Ăn”. Không có phước báu chẳng thể thành tựu. Con đường của Đức Phật, là con đường tích lũy đầy đủ phước báu và công đức, để biết bao nhiêu ước mơ chúng ta thành tựu được cho phận người nhỏ bé vẫn tràn ngập hương sen, đầy đủ những ánh sáng lung linh từ ngàn sao trí tuệ và luôn luôn trong tâm thái tỉnh thức, hiểu biết, thấu rõ. Đừng vội vàng đánh đổi cuộc đời này để đạt được những ước mơ, gọi là những ước mơ hoa nhưng lệ đắng thì chẳng thể ngừng. Chắc chắn các bạn và Bảo Thành đã trải qua sự trải nghiệm nơi chính cuộc đời của mình về những ước mơ muốn thành công mà lệ đắng chẳng thể ngừng, đau lắm, thất bại một cách nặng nề. Nhưng hãy nhớ trong đau khổ ta phải hiểu rằng thân người ta vốn có hiện thời vẫn là phương tiện vi diệu, hãy đứng dậy sử dụng phương tiện vi diệu đó qua phương pháp mật thiền song tu, chánh niệm hơi thở, quán chiếu tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác. Để các bạn và Bảo Thành sẽ không phải có hoa mà rơi lệ, mà có được một thành phố hoa lệ trong tâm của chính mình. Đức Phật nhìn thấu được điều đó, pháp của chư Phật thật là giản dị bởi Ngài quan tâm đến đời sống của phận người nhỏ bé này. Ngài luôn luôn dạy cho chúng ta làm sao để sống đúng với phận người và trong phận người nhỏ bé thành tựu được những ước mơ cao hơn, vượt cao hơn, bay thoát ra khỏi kiếp luân hồi sinh tử, nhưng vẫn thành tựu được phận người nhỏ. Các bạn, đừng nghĩ con đường Phật dạy là con đường phải từ bỏ tất cả, từ bỏ tất cả, quên kiếp phận làm người, không. Con đường Phật dạy là làm thăng hoa phận người nhỏ bé nơi trần gian này và dù chúng ta nhỏ bé tới đâu thì phận người chúng ta vẫn có khả năng vươn lên. Chỉ cần chúng ta học theo Phật để tăng trưởng sự nhận thức, sự nhận biết và nhìn thấu nơi chúng ta, thân người vi diệu có khả năng chuyển hóa, thay đổi để thành tựu được thật nhiều những ước mơ mà các bạn khởi lên từ chánh kiến, từ chánh tâm, theo đúng với chánh pháp

Các bạn thân mến! Hoa hay lệ là do chính mỗi người chúng ta phải tự quyết định. Cuộc đời tuy ngắn vẫn có giá trị đặc biệt, đừng phung phí lao đầu vào để hình thành những ước mơ và rồi chúng ta phải trả giá quá đắt. Các bạn đã thấy một số người trong chúng ta hoặc chính bản thân của mình đã phải trả giá quá đắt để có được ước mơ, nhưng trong ước mơ mà người ngoài nhìn vào đó nó đầy hết nước mắt và đau khổ, suốt cuộc đời thật đắng, thật cay, thật đau, thật khổ, mà chẳng dám hé lộ cho bên ngoài biết. Người Phật tử tại gia trong bất cứ một hoàn cảnh, sống tại bất cứ một quốc gia nào cũng có đen, có trắng, có tích cực và tiêu cực. Nếu chúng ta thực hành theo lời Phật dù bất cứ nơi nào chúng ta ở, chúng ta cũng luôn luôn xiển dương mặt tích cực để sống bình an. Để có được một thành phố hoa lệ nơi tâm từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, chứ không phải để đạt được hoa mà lệ rơi suốt đời. Một đời sống mà chúng ta nhớ về lời Phật trong sự tư duy cho rõ, đời sống ấy sẽ có lợi lạc. Còn nếu một đời sống mà không nhớ về lời Phật trong sự tư duy thật rõ mà lao đầu vào trong ngũ dục, để thành tựu những điều mà chúng ta mong muốn. Thì coi như ta đã trầm mình trong biển lệ, lệ đắng của cuộc đời, thật đau đớn. Các bạn, hãy luôn luôn kề cận với các bậc thiện tri thức. Hãy luôn luôn ngưỡng cầu lên chư Phật. Hãy luôn luôn ngưỡng cầu lên Tam Bảo. Hãy luôn luôn với lòng khiêm tốn, với lòng thành kính ngưỡng cầu lên, để chúng ta với tâm không cống cao ngã mạn, với tâm khiêm tốn, chúng ta đón nhận lời khai thị của Phật làm mới cuộc sống của mình, làm mới miền đất tâm của mình. Để nơi đất tâm của chúng ta có hoa sen thanh tịnh, có thành phố hoa lệ từ bi, trí tuệ, tỉnh giác, thong dong tự tại, không đau đớn cả cuộc đời, rất hạnh phúc, rất bình an.

Các bạn mời các bạn trở về với hơi thở

Thưa Phật! Bất cứ một điều gì chúng con muốn thành công đều phải trả giá. Nhưng thành công được sự an lạc hạnh phúc qua pháp Phật dạy thì cái giá chúng con trả sẽ có giá trị muôn đời, bởi thoát khổ phiền não và đạt được hạnh phúc an vui. Xin gia trì cho chúng con thấu rõ để biết trân quý kiếp người đang có, bởi Ngài đã dạy chúng con thân người này là phương tiện vi diệu cần phải được tu, cần phải được luyện và cần phải được sử dụng đúng để thăng hoa đời sống.

Hít vào bằng mũi đưa xuống dưới bụng phình ra, thở từ từ hóp bụng vào, quán chiếu thân tâm. Đồng trì Mật chú. Đón nhận Mật điển.

Mu A Mu Sa – NamMô TaMô TaMô ĐaRaHoang – Ma Sa Ốp Uê (7 Biến)

Hồi hướng:

Chúng ta hãy hồi hướng công đức.

Thưa Phật! Sự đồng tu của chúng con hôm nay nếu có được chút phước nào xin hồi hướng cho mọi loài chúng sanh đồng thời Phật đạo. 

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

On Key

Related Posts

4158. Tha Thứ Để Hạnh Phúc Hơn

https://youtube.com/live/0UNAAVbDWdY Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các

4157. Chấp Nhận Thực Tế

Bảo Linh đánh máy Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Chúng con nguyện xin Mười Phương Chư Phật ban rải năng lượng

4155. Nghiệp và Định Nghiệp

Bảo Tịnh Diệu đánh máy, Bảo Tâm Hạnh biên tập              Mô Phật, Bảo Thành xin kính chào Quý Thầy, Quý Sư Cô và các bạn